Monday, April 24, 2017
NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ
Bài đăng trên tập san "Nhìn lại" - Kỷ niệm 45 năm tốt nghiệp (1972 - 2017)
Cựu sinh viên ban Đốc Sự khoá 17 Học viện Quốc Gia Hành Chánh
Nguyễn Thanh Nhựt
Sau khi dự kỳ thi tuyển vào ban Đốc Sự khoá 17, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, tôi về quê, căn dặn thằng bạn khi nào có kết quả báo cho tôi biết. Hôm nhận điện tín báo trúng tuyển, tôi mừng rỡ nhảy cẫng lên, trong đời đây là lần thi đậu mà tôi mừng nhất.
Kỳ thi tuyển vào ban Đốc Sự của trường QGHC thường tổ chức trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Như vậy cũng có điều lợi là thí sinh có một năm để chuẩn bị. Tôi nhớ năm đó đề thi là : "Nguyên tắc dân chủ", và một bài dịch sinh ngữ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Hồi trung học tôi chọn sinh ngữ 1 là tiếng Pháp. Không biết hồi lúc thi làm bài ra sao, giờ thì quên hết, nếu có đi qua Tây chỉ còn biết oui, non, hay là merci, chỉ bấy nhiêu thôi.
Những bạn học cùng cấp đều biết hai câu dè dân gian của học trò thời đó : "Tú tài Mậu Thân, cử nhân Nhâm tý". Có thể nói đó là hai ân khoa, vì nhiều thí sinh được vớt điểm. (mà người nào đỗ tú tài năm Mậu Thân thì cũng thi cử nhân năm Nhâm Tý). Sau tết Mậu Thân, luật tổng động viên ra đời, nhiều bạn học hoang mang, trước sau gì cũng đi lính, nhiều bạn bỏ học đăng lính cho rồi. Bốn năm sau, mùa hè đỏ lửa, lại có một ân khoa khác. Ban Đốc Sự khoá 17 cũng có một điểm rất đặc biệt có thể gọi là ân khoa khi tuyển sinh nhiều gấp đôi, thành ra có 17 A và 17 B.
Tôi không có trí nhớ tốt lắm, cũng đã lâu lắm rồi, hơn bốn mươi năm, giờ đã quên rất nhiều, nhớ gì viết nấy không theo thứ tự thời gian, có thể có nhiều điều không chính xác, nhưng tôi muốn ghi lại một vài kỷ niệm với các bạn trường Hành Chánh dù viết có hơi lộn xộn lủng củng.
Học trường Hành Chánh có cái sướng là tất cả sinh viên đều được học bỗng, sang năm thứ hai học bỗng nhiều như lương Tham Sự. Trường Hành Chánh lại có ký túc xá và câu lạc bộ trong khuôn viên, rất tiện cho sinh viên không có nhiều điều kiện như tôi. Sinh viên tốt nghiệp ra trường đương nhiên có việc làm. Cơ sở vật chất của trường do Mỹ giúp xây dựng, hầu như toàn bộ, nhiều bàn ghế còn mang dấu tích tên trường đại học nào đó bên tiểu bang Ohio đỡ đầu.
Trường Hành Chánh còn có một quy chế rất đáng ngưỡng mộ, luôn luôn dành ra một số tỷ Lệ phần trăm cho thí sinh nữ và thí sinh công chức cũng như thí sinh sắc tộc thiểu số.
Ban đầu trường có một cái tên rất oai, Học Viện QGHC và trực thuộc Phủ Thủ Tướng (con chính phủ), không hiểu vì lẽ gì từ học viện tuột xuống thành trường.
Tôi thuộc lớp A, lớp có một trăm sinh viên. Sinh viên có chỗ ngồi nhất định, theo thứ tự vần abc từ trên xuống dưới. Hai dãy ghế đầu dành cho bạn nữ. Tôi tên Nhựt nên ngồi bên cạnh Cao Đức Nhuận. Lớp cũng có bầu trưởng lớp và ban đại diện sinh viên, nhưng việc điểm danh do một nhân viên văn phòng phụ trách, còn nhớ lúc đang ngồi học trong lớp, nhìn ra bên ngoài, ông giám thị đang điểm danh ghi ghi chép chép. Đó cũng là một điểm tốt của trường Hành Chánh, sinh viên muốn cúp cua cũng khó.
Phần đông sinh viên đi học bằng xe gắn máy hai bánh, ngoại trừ hai bạn đi xế hộp bốn bánh. Lớp A có Lê Linh Sơn ( nghe nói là thương gia chủ hãng nước mắm), lớp B có Huỳnh Nhân Hậu (nghe đâu thuộc hàng cậu ấm COCC ). Trong lớp cũng có một bạn nổi tiếng vì là con ông lớn, Lê Thu Phong (con trai thứ trưởng Bộ Nội Vụ ). Một bạn khác nổi tiếng vì có viết bài đăng báo, Trần Đình Tuấn. Nguyễn Văn Khôi thì được nhiều bạn " nể " vì nghe đâu từng đi du học Hoa Kỳ một năm theo chương trình trao đổi học sinh trung học. Rất tiếc là bạn qua đời rất sớm khi còn đang học năm thứ hai. Dương Thị Ngọc Xuân có lẽ là gương mặt nổi trội trong số nữ sinh viên nên được mời tham gia ứng cử vào ban đại diện. Vũ Tiến Trung nổi tiếng hát hay như ca sĩ.
Nhắc đến Cao Đức Nhuận, tôi nhớ có một lần bạn bảo tôi vẽ ba cái hình để bạn theo đó mà đoán tâm tính cuộc đời: mặt trời, ngôi nhà và con rắn. Tôi vẽ con rắn bị cây gậy đập chết. Bạn Nhuận trầm ngâm suy nghĩ, không nhớ bạn "phán" như thế nào, chỉ nhớ bạn nói rắn tượng trưng cho tình yêu. Hèn gì, tôi suốt cuộc đời từ trẻ cho đến giờ đầu bạc chỉ thuộc mỗi bài hát "Một Mình".
Yapha ngồi gần tôi nên đôi lúc trao đổi tâm sự. Có một lần tôi và Yapha đi dạo chơi phố Lê Lợi Nguyễn Huệ, tôi rủ Yapha vào quán kiếm cái gì ăn, bạn nói không thể được, vì tôn giáo của bạn, một con gà con vịt, trước khi cắt cổ phải đọc kinh làm phép gì đó. Khi Đắc Hữu Thiên đến Mỹ, có kể hồi chung tù cải tạo, Yapha rất xuống tinh thần và nhiều lần tìm cái chết. Bạn Thiên phải theo năn nỉ và trông chừng không để Yapha tự tử. Yapha qua đời không lâu sau đó khi tuổi đời cũng còn khá trẻ.
Năm thứ nhất tôi và Võ Văn Lượng ở chung phòng ký túc xá. Lượng người Huế, có lần dẫn tôi đi ăn món Huế. Lần đầu tiên ăn bún bò Huế nước mắt nước mũi tôi chảy ròng ròng, cay quá !. Sau này ăn bún bò Huế khắp nơi, chưa bao giờ tìm được cái cảm giác cay xé cay nồng như lần đầu tiên ấy. Lượng cũng đã một lần dẫn tôi đi ăn thịt chó trên đường Hồng Thập Tự, Lượng thì uống rượu nếp than , tôi thì không uống được rượu nên thịt cày tơ chẳng mang đến cho tôi một ấn tượng gì. Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi thử món nhậu nổi tiếng "sống trên đời". Không biết bây giờ Lượng có thích uống rượu hay không, chớ trước kia tôi thấy Lượng không phải là người thích nhậu. Đi ăn thịt chó chắc Lượng muốn tỏ ra mình cũng là người "sành điệu".
Khi nói chuyện Lượng không kêu mày tao ông tui mà chỉ xưng tên. Vì Lượng nói chuyện với mình như vậy nên mình cũng đối đáp theo cách đó. Năm thứ ba tôi ở chung phòng trong ký túc xá với Huỳnh Ngọc Long. Một hôm Lượng ghé qua hỏi tôi chuyện gì đó, Lượng muốn hỏi Nhựt ...cái này cái kia cái nọ...ra sao rồi. Tôi trả lời: " mấy chuyện đó thì Nhựt không biết, Lượng thử hỏi ...người này người kia người nọ xem sao..." đại khái như vậy. Khi Lượng đi khỏi, Long nói với tôi, cách nói chuyện của hai đứa mày...như là có vấn đề.
Lượng cũng là người bày vẽ cho tôi lấy số tử vi. Cũng dễ, nếu biết chính xác ngày tháng năm sinh thì cứ theo chỉ dẫn trong sách "Tử vi đẩu số" của cụ Thiên Lương. Khó là chỗ luận bàn về lá số của mình. Tôi cũng biết đại khái, các cung thân, mệnh, quan lộc, phu thê... Đại hạn mười năm, tiểu hạn, cung tuần triệt, sao hoá giải...vân vân. Nhưng tôi không phải là người mê bói toán đồng bóng, coi chơi cho vui vậy thôi. Cách đây cũng khá lâu, một người bạn của tôi còn ở Việt Nam, nghe trên đài VOA có nói đến ông thầy tử vi lừng danh nào đó ở Mỹ, anh bạn này nhờ tôi lấy lá số tử vi cho anh ta. Anh không nói ông thầy đó tên gì ở đâu, tôi tìm đại trên báo quảng cáo tiếng Việt ở San Jose gọi lấy hẹn. Đến nơi, thầy không nhận xem cho người ở xa, vì thầy kết hợp xem lá số và xem người thật ngoài đời. Thay vì đi về, tôi sẵn dịp nhờ thầy lấy lá số cho mình. Thầy nói chung chung nhiều điều tôi không lưu ý chi lắm. Nhưng có hai điều thầy nói cũng đúng. Thứ nhất, cái túi của tôi là một cái túi lủng. Thứ nhì, số mạng của tôi chỉ hợp ở Việt Nam chớ không hợp ở Mỹ. Thầy nói thêm, mà Việt Nam ngày trước, thời chinh chiến, chớ bây giờ thời bình cũng không hợp. Cái túi của tôi là một cái túi lủng nên tôi lúc nào cũng không có tiền. Thời chinh chiến đã qua, thời của tôi đã hết. Nghĩ lại cũng có phần đúng. Cuộc đời tôi "huy hoàng " nhất có lẽ là hai năm ngắn ngủi đi làm phó quận ở Pleiku, mặc dù là cái quận nghèo nàn miền núi, thời chiến tranh lính nhiều hơn dân. Nhưng tôi cũng được cấp cho một chiếc xe con và một tài xế hẳn hoi. Ông quận trưởng còn cho một lính nghĩa quân sáng sáng đi chợ nấu ăn. Mỗi khi vào toà hành chánh tỉnh hay có việc phải đi giao dịch các ty sở, ông phó quận trẻ tuổi trông cũng ra vẻ lắm.
Năm thứ nhất Huỳnh Hữu Duyên thường vô ký túc xá rủ tôi xuống thư viện học bài. Tôi không nhớ làm sao mà quen Duyên, vì tôi có vẻ chậm chạp khù khờ trong khi Duyên lại lăng xăng nhanh nhẹn. Đôi lúc Duyên vui cười kể về những ngày thơ ấu sống ở Hội An. Ngày đó Hội An chưa nổi tiếng như bây giờ. Tôi dân quê tỉnh lẻ chỉ biết nhạc sến nhạc bolero, Duyên thì thích loại nhạc như những bài của Đoàn Chuẩn Từ Linh. Có một bài hát mà Duyên rất thích hay nghe khiến tôi nhớ mãi:
" Tôi...nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
Môi thâm khô từ thuở định hôn người
Ngày nắng hạ sao khi không mà trở rét
Người đang yêu sao ngoảnh mặt kiêu sa..."
Thuở đó Duyên còn rất trẻ, chỉ mới đôi mươi mà dường như đi trước thời gian khi ngâm nga câu hát:
"...Con dế buồn tự tử giữa đêm sương. Bầy sẽ cũ cũng qua đời lặng lẽ. Em ngồi đó bờ sông còn ấm cát. Con sóng tình vỗ mãi một âm quên. "
Lượng có hai cô em gái họ hàng quen biết chi đó muốn giới thiệu cho tôi. Buổi đầu sẽ cùng nhau đi ăn để làm quen và tôi sẽ là người trả tiền cho có vẻ bảnh bao một chút. Duyên hưởng ứng, cùng Lượng mỗi người góp năm trăm phụ tôi trả tiền. Lúc đó trong túi tôi chỉ có bốn trăm rưỡi, tôi nghĩ 450 hay 500 thì cũng vậy thôi. Cả bọn năm người kéo ra nhà hàng Sing Sing trên đường Phan Đình Phùng. Quý vị chọn món hay quá, vừa đúng một ngàn rưỡi. Lúc anh bồi đưa bill tính tiền, tôi sượng trân, ngồi làm thinh lúng túng không biết phải làm thế nào, khờ quá. Lượng và Duyên vô tình hối thúc, trả tiền đi, trả tiền đi. Hai cô gái tế nhị bỏ ra đứng trước cửa quán chờ. Tôi thú thật, cả ba ôm bụng cười.
Cô Ngọc Dung dạy môn Định chế Tư Pháp. Nghe đâu chồng cô là một vị luật sư có nhiều năm trong nghề. Nhớ một lần cô nói, sống trong ngành này biết nhiều chuyện bên trong chán lắm, họ là những người tài giỏi và biết luật, có thể nói trắng thành đen, đen thành trắng. Cô Huệ thì hay tổ chức dẫn sinh viên đi chơi ngoại khoá. Nhớ lần đi cắm trại cùng các bạn ở Vũng Tàu thật nhiều thú vị. Sau đó thì có tổ chức viết cảm tưởng. Bạn Lý Thế Kiệt viết bài có nhan đề: " Nghịch lý trong niềm suy tư ". Không hiểu anh chàng thanh niên hai mươi tuổi này suy tư những gì mà cảm thấy nghịch lý.
Mùa hè năm 1984 tôi cùng Nguyễn Trung Quang, Vũ Quý Dân từ San Jose xuống San Diego dự đám cưới của Kiệt. Cũng rất đông bạn bè, Kiệt không có đạo nhưng hôn lễ được cử hành trong nhà thờ (?).
Tiệc trong nhà hàng thì Huỳnh Nhân Hậu làm emcee. Giờ chắc bạn Kiệt đã lên chức ông ngoại ông nội gì không chừng. Vũ Quý Dân cũng cưới vợ hồi ở San Jose, cũng đông đủ bạn bè, và sau đó thì...thì ...không ai biết bạn đang ở đâu.
Năm thứ nhất thầy Nguyễn Văn Hảo dạy môn Phát triển Kinh Tế. Học trò trong lớp xầm xì về cái huyền thoại nhà nghèo vượt khó của thầy du học lấy bằng tiến sĩ. Thầy có mời học trò đến nhà thầy dùng cơm chiều. Cả lớp 100 bạn đông quá, chỉ bốc thăm hai mươi người thôi. Thầy Hảo là một viên chức cao cấp trong chính phủ, thầy đến lớp trong giờ nghỉ trưa của thầy. Thầy tự lái chiếc xe Mazda màu xanh lá mạ đến trường. Vì giờ giấc tréo ngoe, đôi lúc thầy bắt gặp sinh viên ngủ gật nên phiền lòng, thầy nói một giờ tôi đến lớp, phải bỏ ra ba giờ soạn bài. Có ai trong lớp cho biết lý do tại sao phải ngủ trưa. Cả lớp im lặng. Hà Vĩnh Tường lên tiếng: " Thưa thầy, không ngủ trưa thì không biết làm gì ". Thầy Hảo bật cười: " Một người nghèo nàn, nói một câu nghe cũng nghèo nàn ".
Một hôm đến lớp thầy hỏi sáng nay ngoài trung tâm Sài Gòn có vụ biểu tình chống đối bầu cử độc diễn có ai hay biết gì không. Mọi người nín thinh. Thầy nói một sự kiện liên quan đến vận mệnh đất nước, sao chẳng ai quan tâm.
Đọc tin tức trên internet sau này, được biết biến cố 30- tháng tư thầy chọn ở lại Việt Nam. Thầy rất quan tâm đến số phận của mười sáu tấn vàng trong ngân khố quốc gia, thầy nói người nào mang ra khỏi nước sẽ mang tội với lịch sử. Sau đó ít năm thầy ra ngoại quốc sinh sống. Một hòn đảo nhỏ thuộc vùng lãnh thổ Hoa Kỳ ( ? ). Chẳng rõ. Cầu mong thầy vẫn còn mạnh khỏe và sống cho đến ngày chứng kiến cuộc phán xử cuối cùng.
Tôi quen Nguyễn Minh Đức khi về địa phương tập sự năm thứ hai. Khi về trường học năm thứ ba, Đức ở chung phòng với Trịnh Xây Dựng trong ký túc xá. Tôi có lần cùng Đức về quê Kiến Hoà của Dựng chơi cho biết. Tiếc là Dựng gặp tai nạn qua đời khi còn rất trẻ khi còn đang tại chức.
Trần Bạch Thu nói chuyện vui vẻ pha chút hài hước. Bạn kể chuyện một anh bạn nào đó ( lâu quá tôi quên chi tiết ), lên văn phòng giáo sư Binh phàn nàn về một người nào đó trong ban đại diện có thái độ chèn ép anh em sao đó. Lúc này giáo sư Bông đã qua đời, thầy Trần Văn Binh lên thế. Thầy Binh phán một câu nhớ đời: " Thì cờ vô tay ai, người ấy phất".
Mỗi khi Ban Đại Diện Sinh Viên làm lễ ra mắt trên sân khấu trên lầu thư viện, thường có tổ chức văn nghệ có mời ca sĩ nổi tiếng. Lần đầu được nghe Thái Thanh hát bài Tình Ca của Phạm Duy quá hay, tiếng hát vang lộng cả hội trường, không hổ danh là tiếng hát vượt thời gian. Năm thứ ba, ban đại diện chơi bạo có màn trình diễn vũ sexy ( lúc này là dưới thời thầy Binh ).
Lúc chọn đề tài luận văn tốt nghiệp, tôi chọn đại, " Tổ chức Nhân Dân Tự Vệ ", giờ không hiểu sao lúc đó chọn đề tài đó, vì mình đâu có tư tưởng chánh trị quân sự con khỉ gì đâu. Chắc là chỉ làm cho đúng thủ tục. Thầy đỡ đầu luận văn là giáo sư Tạ Văn Tài. Hôm thuyết trình luận văn có giáo sư Nguyễn Văn Tương. Hai thầy hỏi tôi : " Nhân Dân Tự Vệ là một lực lượng có tính chiến đấu không hay chỉ có tính cách báo động ?" . Tôi trả lời, có, Nhân Dân Tự Vệ cũng là một lực lượng chiến đấu. Hai thầy lắc đầu nói chỉ là một lực lượng báo động. Sau này nhớ lại, tôi nghĩ đó là một câu hỏi rất hay cho đề tài luận văn của tôi, mà khi viết tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Nhưng khi ra trường làm phó quận ở Pleiku, tôi thấy tối tối hằng đêm lực lượng nhân dân tự vệ xã ấp cũng tập họp ôm súng canh gát, sẵn sàng chiến đấu.
Cùng nhóm "chính trị" với tôi khi đó có Đinh Phan Cư, khi tôi vô phòng thi bạn Cư vừa xong, hai thầy hết lòng khen ngợi luận văn viết về Hoàng Sa Trường Sa của bạn Cư và cho điểm tối đa. Không cần xem nội dung hay dở ra sao, nội cái đề tài nhìn xa trông rộng đi trước thời cuộc, bạn Cư cũng xứng đáng được điểm mười sáu.
( Tôi đi vượt biên cuối năm 1980 và đến được Indonesia, khi đến trại có nghe tin Đinh Phan cư vừa đi Đức, Mã Thành Nghĩa đi Mỹ. Lúc rời trại Galang để sang Singapore chờ đi Mỹ có gặp Lê Trường Tại. Ở trại Singapore có gặp gia đình Dương Thị Ngọc Xuân chờ đi Hoà Lan. Sau này có lần Ngọc Xuân viết cho tôi một lá thư, nói là người tỵ nạn ở đâu cũng thấy buồn nhưng được chút an ủi là con cái học hành rất giỏi.)
Lúc ra trường tôi chọn Bộ Nội Vụ và được đổi ra Pleiku. Cùng khoá có Trần Ngọc Danh và Ksor De và Trần Thanh Thủy (lớp B). Ba đứa về ba quận khác nhau. Lúc đó Thủy đã có gia đình, nhanh nhẹn quan hệ xin được một căn hộ thuộc cư xá công chức. Lúc Danh lấy vợ, tôi và Danh sửa cái garage bỏ trống trong khu nhà khách của tỉnh thành chỗ ở mỗi khi có về chơi thị xã Pleiku. Nghe tin Thủy vừa qua đời tại Việt Nam. Ksor De thì qua đời từ ngày binh biến 30-4 .
Tôi đi tù cải tạo tại Long Thành. Trong tổ mười người có Chu Văn An và Huỳnh Văn Phước (lớp B). Mấy ngày đầu rãnh rỗi Phước thường đọc sách dạy đánh cờ tướng và hay đem bàn cờ tướng ra giải cờ thế một mình. Nằm ngủ cạnh tôi là anh Giao (ĐS 8), anh biết nhạc nên thỉnh thoảng được cử dạy hát cho cả nhóm tù. Có một dạo anh bị kiết lỵ rất nặng, nhìn anh cứ lâu lâu xách cuộn giấy đi về phía nhà cầu mà ái ngại. Chắc anh biết xem thiên văn địa lý sao đó, anh nói với tôi : " đêm qua tôi nhìn sao bổn mạng của mình trên trời vẫn còn sáng, chắc không sao ". Có lần tôi kể với anh tôi nằm mộng thấy có người đàn ông dẫn tôi đi mà lại có con cọp đi cùng. Anh nói chắc tôi sắp được thả vì hổ biểu tượng ( cho điều gì tôi quên mất ) . Đúng như anh đoán, tôi được thả mấy ngày sau đó, khoảng gần Tết đầu năm 1976.
Viết đến đây thì tịt ngòi, không biết viết gì nữa. Đọc lại thấy lủng ca lủng củng, muốn xoá nhiều đoạn viết linh tinh. Nhưng nghĩ lại, thôi kệ. Bạn bè thì mỗi người một hoàn cảnh, đang sống tứ tán khắp bốn phương trời. Nhiều bạn đã " qua đời lặng lẽ ", mình thì đang bước vào tuổi gần đất xa trời, từ lâu mình đã khép cửa thôi thì giờ cứ trãi lòng chia xẻ ít nhiều kỷ niệm cùng các bạn chung trường chung khoá, một ngôi trường mà ngày xưa nhiều người mơ ước.
Tháng 04-2017
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment