Sunday, April 30, 2017
MẸ CON ANH KHỜ
Nguyễn Thạch Giang
Anh tên Hiền mà người thì cũng thật là hiền, nhưng hiền quá đôi lúc thành ra...khờ. Không biết ai đặt cho anh cái tên Khờ, dân lối xóm kêu riết thành quen chết danh cái tên Khờ. Mẹ anh thì nói con tui đâu phải khờ, nó chỉ không được khôn lanh như người ta mà thôi.
Mẹ anh Khờ là bà Thảo giáo viên trường tiểu học. Bà Thảo hồi nào tới giờ không có chồng nên anh Khờ không biết cha mình là ai. Gia đình đơn chiếc, hai mẹ con sống trong căn nhà ông bà để lại vùng ngoại ô đèn vàng này, cái nhà mà bà Thảo đã sống từ thời bà mới vừa biết đi lẫm đẫm. Bà có một người anh trai từ lâu sống trên thành phố, nay được con cháu bảo lãnh sang sống ở nước ngoài. Căn nhà và miếng đất cho hết bà Thảo, không ai tranh giành.
Anh Khờ cũng học xong trung học, thi đại học đôi ba lần không đậu, về nhà nói mẹ ơi con muốn đăng ký đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Bà Thảo có hơi ngần ngừ, nửa muốn cho con ra ngoài học khôn, học ăn học nói học gói học mở với người ta, nhưng nửa ngại con mình khờ quá biết có thích nghi nỗi hoàn cảnh nơi xứ người không đây. Nhưng rồi anh Khờ lại rớt phỏng vấn, thôi thì theo bạn bè xin việc tại các khu công nghiệp. Thời đó hãng xưởng gia công mọc lên như nấm sau mưa, đi đâu cũng thấy tuyển người làm. Mặc sức cho anh Khờ bay nhảy, anh làm chỗ này đôi ba tháng lại đổi chỗ khác, nhưng anh vốn hay bị khờ lại đứng núi này trông núi nọ, nếu anh không tự ý xin nghỉ thì chủ cũng cho anh nghỉ.
Năm anh hai mươi lăm tuổi mẹ kêu về quê cưới vợ. Có chỗ muốn gã con. Ông bà Thân cũng là giáo viên dạy chung trường lại là người lối xóm. Cô con gái của ông bà cũng trạc tuổi anh Khờ, cũng theo nghiệp cha mẹ, cũng là cô giáo trường làng. Cô tên Lan năm nay đã hai nhăm nhưng chưa từng có bạn trai. Sợ để lâu con mình ế, ông bà Thân sang nhà bà Thảo không cần khách sáo nói huỵch tẹt là muốn cưới anh Khờ cho con gái mình. Bà Thảo thấy gia đình ông giáo Thân tự hồi nào đến giờ không mang điều tiếng chi. Cô Lan cũng được gái, nếu đem chấm điểm cũng được bảy trên mười, người như cô đi đâu mà tìm. Bà Thảo thì ưng bụng lắm nhưng cũng nói để tôi hỏi ý thằng con. Ông giáo Thân sợ anh Khờ chê con mình, trước khi ra về còn nói vợ chồng tôi bảo đảm với chị, con gái tôi còn nguyên xi, con gái tôi chưa từng, chưa từng...yêu. Bà Thảo cười thầm trong bụng bởi bà là người có tư tưởng rất thoáng, đời bây giờ đâu ai đòi hỏi gái về nhà chồng phải còn nguyên xi. Mà còn hay mất...chỉ có trời mới biết.
Anh Khờ nghe tin cưới vợ thì mừng hí hửng. Thân con mười hai bến nước, mẹ muốn gã cho ai thì gã. Con đi làm trên thành phố mấy năm nay nhưng chẳng có dư được đồng nào. Đám cưới ai muốn tính sao thì tính. Hai nhà cách nhau chưa tới trăm mét, lễ rước dâu đi bộ cũng được nhưng nhà gái muốn có xe hoa. Cô dâu phải bước lên xe hoa về nhà chồng cho đúng bài bản.
Đám cưới của anh Khờ thật là vui. Chú rể trai tân sánh duyên cùng cô dâu chưa từng...yêu. Nhưng ngày vui qua mau. Mau không ngờ. Cô dâu về nhà chồng được ba ngày thì ôm gói bỏ đi đâu không ai biết. Chờ hoài không thấy về, bà Thảo cùng anh Khờ sang nhà thông gia tìm hiểu sự tình. Hai ông bà Thân chưng hửng, nó không có về đây, không biết nó đi đâu, để tôi đi tìm nó về chịu tội. Thiệt tình là con với cái. Nhưng tôi biết nó không quen ai, không hề.
Mười ngày sau ông bà Thân sang nhà bà Thảo chịu tội thế cho con. Con dại thì cái mang. Không phải ông không tìm ra con mình bỏ trốn ở đâu, nhưng ông biết rằng cuộc hôn nhân này hết phương cứu vãn. Ông không nói lý do con bỏ trốn, chỉ nói xin lỗi. Chúng tôi thành thật xin lỗi. Nhưng hai ông bà chỉ nói những lời xin lỗi suông mà không hề đả động gì tới tiền bạc hay đồ sính lễ. Bà Thảo nhìn thằng con, anh Khờ ngồi làm thinh mặt mày ngẩn tò te. Bà thấy vừa tội vừa thương. Bởi vì anh sinh ra đã mang tên Hiền, trong tình cảnh này mà anh cũng hiền được thì anh quả thật là người đáng...thương.
Sau đó anh Khờ lẳng lặng lên thành phố tiếp tục cuộc đời công nhân. Cuộc sống ngày qua ngày, ngày nào cũng giống ngày nấy chẳng thấy chi điều mới lạ. Tiền lương vừa đủ chi tiêu tháng nào hết tháng đó, suốt cả năm chẳng có dư lấy một đồng. Hôm mất việc, anh lại khăn gói về quê sống với mẹ. Thôi, không đi đâu nữa, ở đây kiếm việc làm sống qua ngày. Anh làm linh tinh đủ việc, không việc nào ổn định, lúc có lúc không, làm năm ba bửa nghỉ năm ba bửa. Nhưng anh không lo, chỉ mong kiếm chút đỉnh tiền sáng sáng cà phê cà pháo là được rồi. Còn nhà lầu xe hơi tiền tỷ thì anh chẳng bao giờ mơ tới, bởi biết có mơ thì cũng chỉ thấy mờ mờ. Ngay cả đến việc vợ con anh cũng không lo, kệ, chừng nào có thì có, tới đâu hay tới đó.
Một buổi sáng mùa xuân đẹp trời, một cô gái đến gõ cửa nhà xin được làm vợ anh Khờ. Cô còn trẻ và khá là đẹp, chỉ mới hai lăm. Cô nàng là người xóm trên, cha mẹ đều là nhân viên nhà nước, gia đình nhà cửa đàng hoàng ai cũng biết. Cô chỉ có cái tội là yêu sớm và ham vui sớm, bỏ nhà theo bạn trai sống thử. Chừng đẻ được đứa con thì bạn trai vô tù vì có dính líu tới băng đảng bán xì ke. Là gái hồi nào tới giờ chỉ biết ăn ở không, nay lại ôm con mọn cô cảm thấy không có cái khổ nào bằng. Về nhà cha mẹ sống cũng không yên, bà con chòm xóm lời ong tiếng ve, chịu hết nỗi, đường cùng, cô đến nhà bà Thảo gõ cửa, tình nguyện làm vợ anh Khờ.
Cô hứa nếu anh Khờ chịu lấy cô làm vợ, cô sẽ một lòng một dạ lo cho chồng và mẹ chồng. Cô sẽ đi làm nuôi anh Khờ suốt đời. Bà Thảo nhìn thằng con, anh Khờ nay đã ba lăm rồi mà cũng chưa nên thân. Nghề cũng không mà tiền cũng không. Thôi thì cái thằng này, nó không lo kiếm vợ thì vợ cũng đi tìm nó. Chắc cái số của nó trời định như vậy rồi.
Đám cưới anh Khờ lần này cũng đông vui. Chú rể trai một đời vợ sánh duyên cùng cô dâu gái một con. Mọi sự đều do cô dâu bày vẽ, anh Khờ chỉ lo việc trả tiền. Cô dâu trẻ tuổi điệu đàng, thay áo cưới đôi ba lần. Áo đầm hở cổ, áo dài truyền thống áo dài cách tân. Lúc đi chào bàn quan khách mời rượu, cô dâu chú rể mặc áo cung đình. Cô dâu mặc áo hoàng hậu còn chú rể mặc áo hoàng đế. Bộ đồ mướn rộng thùng thình, không biết y phục cung đình thời vua nào, rồng phụng màu mè giống giống phim bộ Hồng Kông.
Lúc cô dâu chú rể cắt bánh cưới, đứa con gái nhỏ của cô dâu chạy đến ôm chân mẹ. Má ơi con muốn ăn bánh. Cả khán phòng cười ồ. Đây là một tình huống bất ngờ ban tổ chức không lường trước được.
Đám cưới đâu chừng ba tháng thì xảy ra chuyện không ngờ. Một buổi sáng con dâu bà Thảo đi đâu về cùng một cậu thanh niên. Vừa bước vô nhà thấy bà Thảo là hai người quỳ xuống vừa khóc vừa kể:
- Mẹ ơi xin tha lỗi cho con, con biết là con có lỗi nhiều lắm khi bỏ anh Khờ. Chồng cũ của con mới vừa được thả, đâu ai ngờ mau dữ vậy. Con thiệt là khổ tâm, mẹ với anh Khờ có thương con thì thương cho trót, thả con về với chồng cũ của con, hai vợ chồng con đội ơn mẹ với anh Khờ.
Nãy giờ bà Thảo ngồi sững sờ, bà bị một cú sốc mạnh không nói nên lời. Đứa con dâu tháo chiếc nhẫn cưới bước lại đưa anh Khờ.
- Anh làm ơn nhận lại chiếc nhẫn cưới này dùm em, coi như anh xoá bỏ một lời nguyền. Em muôn vàn nhớ ơn anh. Còn đôi bông tai và sợi dây chuyền em xin giữ lại như đồ kỷ niệm.
Anh Khờ và bà Thảo ngồi làm thinh, hết ý kiến.
Cái tin vợ anh Khờ trở về với chồng cũ cả xóm đều biết. Có người nói tội cho anh Khờ, có người nói bỏ tiền ra mua được vợ ba tháng... coi như huề.
***
Bà Thảo đến tuổi nghỉ hưu, ngày nào còn đi dạy bận bịu sách vở trường lớp, giờ ở nhà đi ra đi vô sao mà nó trống vắng buồn tênh. Anh Khờ nay đã bốn mươi, bà nghĩ đến việc tìm vợ cho anh, mình đâu có sống đời mà lo cho nó hoài. Nhưng bà chưa kịp tìm thì vợ anh Khờ tới nhà gõ cửa, chắc cái số của anh như vậy.
Một buổi chiều mưa giông, có một người đàn bà cùng hai đứa con nhỏ chạy xâm xâm vào hiên nhà bà ngồi tránh mưa. Anh Khờ đói bụng bưng tô cơm nguội ra đứng ngoài hiên vừa ăn vừa ngó lén người ta. Anh trở vô nói với mẹ:
- Con ăn cơm thằng nhỏ ngó miệng hoài, chắc nó đói.
Bà biết ý thằng con, thấy người ta đói tội nghiệp muốn cho ăn mà còn ngại mẹ, sợ nói này nói kia. Bà bước đến lấy tô cơm nguội chan cá kho đem ra ngoài cho thằng bé, bà nói trống không:
- Còn chút cơm nguội ăn đỡ.
Thằng nhỏ lấm lét nhìn mẹ nó. Người đàn bà trẻ lên tiếng:
- Nói cám ơn bà đi con.
Hai đứa nhỏ nói cám ơn bà rồi bưng tô cơm lên ăn. Nó ăn một muổng rồi đút cho mẹ nó một muổng. Bà bước vào nhà trong lòng chợt thấy xúc động.
Mưa càng lúc càng to, giông gió sấm chớp tứ bề, anh Khờ đi tới đi lui ra chừng ái náy. Bà bước ra ngoài kêu ba mẹ con vô nhà tránh mưa, ướt hết rồi thay quần áo kẻo cảm lạnh. Bà bước đến bếp nấu nước sôi luộc mì gói cho ba mẹ con ăn thêm chắc họ còn đói.
Người đàn bà lấy trong túi xách mấy bộ đồ khô thay cho con rồi ba mẹ con ngồi ăn mì.
- Con cám ơn bác nhiều lắm. Trước đây con ở ngoài Trung, làm ruộng quanh năm mà không đủ ăn. Chồng con theo người ta đi tàu đánh cá ngoài biển xa, không may tàu chìm chết đuối. Con ở quê không có việc gì làm, càng lúc càng túng quẩn. Có người bạn cùng thôn lấy chồng ở thị trấn này mấy năm trước, năm ngoái chị về quê, thấy hoàn cảnh con khổ quá nói có gì vô đây chị giúp đỡ kiếm việc làm nuôi con. Đâu ngờ tới đây mới biết chị cùng chồng dọn đi nơi khác rồi. Bác làm ơn cho con tá túc vài bữa, rồi thủng thẳng con tìm việc tìm chỗ ở dọn đi.
Bà Thảo không nói gì. Từ chối thì không nỡ mà nhận lời thì sao ách giữa đàng cứ mang vào cổ. Bà nhìn cái đi văng chất đầy đồ đạc trên đó, bà không muốn dọn dẹp chỗ ngủ cho họ, tự nghĩ lòng tốt cũng có giới hạn, để họ ngủ dưới sàn gạch là quý rồi. Bà bước vào trong lấy chiếc chiếu và mùng mền . Anh Khờ giúp giăng mùng, mấy mẹ con chui vào ngủ.
Buổi sáng bà Thảo bước ra khỏi phòng đã thấy mấy mẹ con thức dậy từ lâu, mùng mền xếp gọn gàng. Bà bước đến bếp nấu nước pha cà phê, mang cho người đàn bà trẻ một ly, bà cầm một ly bước ra phía trước nhà. Bà không thấy nhưng cũng nghe biết ba mẹ con đang chia nhau uống. Sân vườn buổi sáng sau cơn mưa đêm thêm tươi mát. Bà Tư hàng xóm đi ngang thấy bà trước sân bước vào nói chuyện. Bà Tư thấy có bóng người lạ con nít trong nhà tò mò đưa mắt nhìn. Bà Thảo kể rõ đầu đuôi câu chuyện ngày hôm qua.
Hai bà bước vào trong. Bà Tư lên tiếng hỏi:
- Cô tên gì ?
- Dạ cháu tên Lành.
- Ông Hoà nhà ở đầu đường có bà mẹ chín mươi tuổi, muốn tìm người mỗi ngày tới phụ giúp cho ăn tắm rửa chừng bốn tiếng đồng hồ trả năm chục ngàn, cô có muốn làm không ?
- Dạ muốn, cháu làm được, chuyện gì cháu cũng làm.
Bà Tư nói vậy cô đi theo tui đó tới thử việc.
Buổi trưa chị Lành đi về đưa bà Thảo tiền làm được. Con làm được, họ thích lắm, dặn là mỗi ngày cứ đến làm đủ ba tiếng thì về. Chị đến bếp làm cơm, bà Thảo lấy trong tủ lạnh con gà đưa chị làm cơm gà luộc. Bà bước đến ghế ngồi cầm quạt phe phẩy, ra điều bà chủ, bà mẹ chồng. Chị Lành làm bếp gọn gàng lanh lẹ, cả nhà xúm lại ngồi ăn ai cũng khen ngon.
Chị Lành đi làm về là đưa tiền cho bà Thảo. Bà không nói gì lẳng lặng bỏ túi. Bà muốn thử xem sức chịu đựng của chị Lành đến đâu. Bà còn tìm cách thử lòng người mẹ trẻ này, bà giả bộ để quên tiền chỗ này chỗ nọ, bà đánh rơi tiền khi thì trong bếp lúc ngoài sân. Mấy đứa nhỏ lượm được trả lại cho bà. Không, bà muốn thử lòng mẹ nó kìa. Một hôm bà nhét hai tờ giấy năm trăm trên đầu tủ, một tờ tiền thật một tờ tiền âm phủ. Buổi trưa bà đến xem chừng, hai tờ bạc không cánh mà bay. Bà suy nghĩ, lúc bà dấu đâu có chị Lành ở nhà, chị đã đi làm rồi, chỉ có thằng con trai bà đi ra đi vô mặt mày như mèo ăn vụng. Buổi trưa anh Khờ về ngủ, bà lục túi quần anh treo trên vách, trong mớ tiền lẻ có tờ năm trăm tiền giả. Bà xé làm đôi vụt thùng rác, thằng này xớn xác đem xài có ngày công an còng đầu. Con ơi là con.
Xéo nhà bà Thảo phía bên kia đường là nhà ông Quý làm ở ngân hàng. Ông đang cho thợ đập nhà cũ xây nhà mới lên thêm từng lầu. Một hôm mấy người thợ xách con gà nhờ chị Lành làm cơm họ trả công. Chị Lành có tài nấu cơm gà luộc pha nước mắm gừng rất ngon. Ai ăn cũng khen. Thế là hết nhóm thợ này tới nhóm thợ khác nhờ chị giúp, buổi trưa họ ngồi ăn uống ồn ào như cái quán. Chị Lành thấy ham xin phép bà Thảo đặt hai cái bàn nhỏ trước sân buổi trưa bán cơm gà kiếm thêm tiền chợ. Bà Thảo bảo anh Khờ phụ chị cắt cổ gà nhổ lông gà, phụ dọn dẹp. Tiền lời bao nhiêu chị đưa bà Thảo. Bà chỉ lấy một ít, bảo chị giữ để dành lo cho hai đứa nhỏ. Bà thử thách chị bao nhiêu là đủ rồi.
Lối xóm thấy anh Khờ đưa đón hai đứa nhỏ đi học, thấy anh buổi trưa phụ chị Lành bán cơm gà, ai cũng nghĩ chắc hai người này đã nhập cục ngủ chung mùng. Ông Tám nhà kế bên hỏi vậy chớ chị không tính làm đám cưới cho tụi nó sao. Bà Thảo nghe tới đám cưới thì sợ hết hồn. Tởn tới già. Mà cũng ngộ thiệt, hai đứa tụi nó có gì đâu. Sao ai cũng nghĩ hễ trai gái chung nhà thì không trước thì sau cũng dở mùng chun vô. Bà Tư ông Năm gặp bà Thảo hỏi đon ren. Sao, chị tính chừng nào cho hai đứa trình làng ra mắt quan viên hai họ.
Người này người kia nói ra nói vô khiến bà Thảo nghĩ ngợi. Hay là mình hỏi con Lành cho thằng Khờ cho rồi. Bà nói với chị Lành:
- Con ở đây mấy tháng cũng biết tình cảnh của mẹ con bác ra sao rồi. Thằng Khờ tuy không khôn lanh như người ta, nhưng nó hiền lành tử tế, không chơi bời nhậu nhẹt hút sách. Bác nay đã lớn tuổi mong nó sớm yên bề gia thất. Nếu con thấy được thì hai đứa sống với nhau xây dựng gia đình.
Chị Lành cảm động ứa nước mắt:
- Nếu bác với anh Khờ mà không chê con, con thật là có phước mới bước vô được nhà này.
Bà Thảo không muốn tổ chức đám cưới rình rang, bà chỉ muốn làm một bữa tiệc nhỏ nhỏ tại nhà, gọi là buổi ra mắt. Bà bàn với ông Tám và bà Tư lối xóm, bà nói:
- Tôi tính đặt một con heo quay, nấu một nồi cà ri gà ăn với bánh mì, cá hấp ăn với cơm chiên là đủ. Mua một thùng bia, mời bà con lối xóm chừng hai bàn là được rồi.
Ông Tám có ý kiến:
- Mình đãi kiểu đó giống như đám giỗ. Mặc dù không nói đám cưới nhưng cũng là đám cưới. Đãi ăn phải dọn từ món chớ không bưng ra một lần. Dạo đầu phải có đồ nguội để thực khách lai rai uống rượu hay bia, bỏ món cà ri thế bằng món vịt quay Bắc Kinh hay là chim cút rô ti, thêm món đồ biển cua tôm. Có hơi tốn kém chút...nhưng phải làm coi cho được.
Bà Năm góp ý:
- Để tôi kêu mấy đứa nhỏ cùng bạn bè tụi nó sang phụ giúp, chị đừng lo, mấy thằng con tui giỏi mấy cái vụ này lắm
Mặc dù không phát tờ rơi không làm quảng cáo, nhưng đám "ra mắt" của anh Khờ cả xóm ai cũng biết. Đàn bà con nít đi ngang nhà đứng lại dòm ngó trầm trồ, " bữa nay đám cưới anh Khờ, bữa nay đám cưới anh Khờ ". Mấy cậu thanh niên lăng xăng làm cổng chào với bảng " Tân Hôn ", mấy cô gái í a í ới vừa làm vừa cười giỡn dưới bếp. Bà Thảo đi tới đi lui miệng cười mãn nguyện. Thằng con của bà lối xóm ai cũng thương. Mấy cậu thanh niên lại còn bày đặt đem gắn dàn máy hát hò. Đám thanh niên thanh nữ đông quá ham vui, xin bác đặt thêm hai bàn, bác đừng lo, tụi con tự biên tự diễn, tự đem mồi với lại bia, vui với anh Khờ là chính.
Anh Khờ uống rượu vui quá kéo cô dâu lại hôn, cô dâu mắc cở bỏ đi chỗ khác, thiên hạ vỗ tay tán thưởng, anh Khờ xỉn xỉn lên hát một bài tân cổ giao duyên quên đầu quên đuôi ai cũng cười.
Buổi tối vợ chồng con cái xúm lại mở bao thơ đếm tiền. Anh Khờ mặt mày hí hửng lại nói với mẹ: lời, lời, hỏng lổ. Bà Thảo không nhịn được cười, hết ý kiến thằng con của tui, lần này đám cưới của nó...có lời.
Bà Thảo bắt đầu để ý con dâu, mỗi khi chị Lành đi đứng bà nhìn soi mói tìm điều khác lạ. Bà mong chị hôi cơm tanh cá, bà mong có một đứa cháu nội của riêng bà. Anh Khờ có thể mất vợ, nhưng cháu bà, cháu nội của bà sẽ mãi mãi là cháu bà.
Ngày tháng trôi qua bà không thể chờ. Một hôm bà kêu con dâu bà lại gặng hỏi:
- Mẹ nói thật với con, mà con cũng phải trả lời cho thật, con có thể nào đẻ cho mẹ một đứa cháu nội nữa không.
Chị Lành trầm ngâm giây lâu ngập ngừng điều khó nói:
- Con cũng biết mẹ với anh Khờ mong đợi điều đó, con thật lòng thương anh Khờ, muốn đẻ cho ảnh một đứa con, nhưng ảnh không thể...không thể...hai đứa con cố gắng nhiều lần nhiều cách mà ảnh vẫn...không thể nào...
Một lần nữa bà Thảo bị một cú sốc, chuyện bây giờ mới biết. Bà nhớ lại lúc anh Khờ còn trẻ, bà nhiều lần tắm rửa cho anh, thấy anh cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Lúc nó lớn tui nhiều lần giặt quần xà lỏn cho nó, đôi lúc vấy bẩn mùi tanh tửi, sao bây giờ...sao bây giờ...như thế này.
Một buổi sáng sớm bà Thảo nói cho con dâu và thằng con biết là bà có việc phải đi lên thành phố chiều về.
Mỗi lần đi là bà thấy thành phố thay đổi khác lạ, xe cộ người ta đi lại đông đúc ồn ào. Nhưng bà không khó lắm để tìm ra nhà thầy " Đông y sĩ bán thuốc gia truyền chuyên trị đàn ông yếu sinh lý ". Bà bước vào phòng đợi lòng thấp thỏm lo âu. Bà nói ngập ngừng:
- Thưa thầy, tôi muốn thỉnh thuốc cho một người đàn ông...yếu...yếu...không thể...không thể...
Ông thầy thuốc Đông y gia truyền nhìn bà khách bề ngoài không có vẻ gì là một người đàn bà đang trong thời kỳ...cần đến mấy chuyện đó.
- Bà nói ông nhà không thể ... mà không thể như thế nào ?
- Tôi nghe con dâu tôi nói chồng nó như vậy thì tôi biết như vậy. Có cần phải dẫn nó lên đây cho thầy khám ?
Ông thầy bật cười hô hố. Té ra bà đi thỉnh thuốc cho con trai bà, nãy giờ tôi cứ tưởng bà nói ông nhà. Tôi có thuốc viên hải cẩu bổ thận hoàn, bà mua cho cậu một lọ uống thử. Tôi hốt ba mươi thang thuốc cho con trai bà uống trong một tháng. Thuốc cường dương gia truyền, nổi danh ba đời.
Buổi chiều về nhà, việc đầu tiên là bà Thảo đi vô bếp tìm siêu sắc thuốc cho thằng con trai. Buổi tối bà còn bắt anh Khờ bưng chén thuốc uống hết trước mặt bà.
Bà chờ đợi. Ngày nào cũng dòm ngó con dâu coi tướng tá có mập thêm chút nào. Buổi tối bà đi ra đi vô nghe ngóng, đi ngang phòng thằng con trai lắng nghe coi có tiếng cười giỡn giường chiếu nhúc nhích động đậy gì không.
Lúc thuốc gẩn hết, bà kêu con dâu lại hỏi nhỏ, con thấy có tiến bộ hơn chút nào không con. Cô con dâu lắc đầu, mọi sự vẫn u như kỹ...y như cũ.
Ngày tháng trôi qua...bà Thảo tức mình không chịu đầu hàng số phận, hễ còn nước là còn tát, hễ có bịnh là vái tứ phương. Đi đâu cũng nghe tụi thanh niên khẳng định " người ta làm được, mình làm được ".
Bà thu xếp chuyện gia đình, dẫn con trai con dâu lên thành phố đến bệnh viện trung ương khám nam khoa chữa trị hiếm muộn. Sau nhiều lần thử nghiệm, bác sĩ tuyên bố bó tay, hết cách. Rất tiếc, ông không thể nào...không thể nào...chấm chấm chấm.
Từ đó bà Thảo không còn buồn, Không còn lo kiếm đứa cháu nội. Bà tự an ủi..."Ý trời "
Một hôm chị Lành đến gần bà Thảo thưa chuyện:
- Mẹ à, đêm qua con nằm mơ thấy chồng cũ con hiện về, anh vui cười hỏi thăm con đủ thứ. Tỉnh dậy con nhớ quê quay quắc suốt cả ngày. Con đi cũng đã ba năm, con muốn xin phép mẹ cho con dẫn hai đứa nhỏ về quê, cúng mồ mã ông bà, mồ ba tụi nó.
Bà Thảo miệng nói ờ phải con cứ đi, mà trong lòng bà thấy buồn buồn. Bà nghĩ rồi cỏ ngày đứa con dâu này cũng sẽ bỏ con trai bà mà đi.
Buổi sáng anh Khờ hí hửng đưa vợ con ra bến xe về quê một tuần. Nghĩa là anh khỏi cắt cổ gà nhổ lông gà một tuần. Anh có nhiều thì giờ bù khú với bạn bè, trong khi mẹ anh lại buồn rười rượi vì nghĩ đứa con dâu này sẽ một đi không trở lại. Lúc ra cửa bà móc tiền đưa con dâu và cho hai cháu. Dẫu thế nào thì bà cũng phải đối xử cho phải đạo mẹ chồng.
Mấy ngày con dâu đi vắng, bà cảm thấy trống trãi buồn bã lạ thường. Bà thấy nhớ tiếng hai đứa nhỏ chạy giỡn nô đùa. Bà nhớ tiếng con dâu chặc thịt gà lộp bộp. Bà thương con dâu thương cháu nội thương cái mái ấm gia đình này hổi nào không biết. Nhớ ngày nào tụi nó mới tới, co ro trong chiều mưa giá lạnh. Giờ đã ba năm. Ba năm con dâu bà trả ơn cưu mang coi như đã đủ. Sòng phẳng. Cuộc đời lúc nào cũng đối xử với bà sòng phẳng. Quá là sòng phẳng.
Buổi sáng anh Khờ đi quán cà phê, ngang tấm lịch giả bộ ngó ngó, bữa nay mẹ con tụi nó về, ngày mai lại tiếp tục ...cắt cổ gà...nhổ lông gà. Bà muốn nói, con ơi mày được nhổ lông gà hằng ngày là phước ba đời đó con.
Anh Khờ nhắc tới một việc bà không dám chắc nhưng vẫn mong chờ. Ở tuổi này phải gánh vác một điều mất mác là một việc hết sức khó khăn. Buổi trưa nằm thiêm thiếp trên giường bà nghe tiếng trẻ con cười nói, một âm thanh quen thuộc thân thương trong ngôi nhà này trong nhiều tháng qua. Bà bước đến cửa sổ nhìn ra vườn sau, thằng cháu nội về tới là chạy u ra thăm con gà mái tre của nó nằm ấp trứng trong ổ, đứa cháu gái thì leo tuốt trên cây mận.
Bà bước ra phía trước, con dâu bà về tới lăng xăng xếp đồ sắp lên bàn thờ cúng ông bà. Nhiều dữ hôn, trái cây đồ ăn lũ khũ.
- Mẹ không ngủ trưa sao ? Con có đem về mấy con tôm hùm với lại mực một nắng. Để con làm cơm trưa.
Chị Lành không thay quần áo nhào vô bếp làm món tôm hùm mới vừa học được. Anh Khờ đi chơi về bước vô nhà nói thơm quá xá là thơm. Cả nhà xúm lại quây quần ăn cơm trưa. Bà nói mẹ tính là ngày mai mình mua gà người ta làm sẵn cho tiện, cũng ngon chớ làm gà sống cực quá. Cả anh Khờ và chị Lành đồng thanh dạ phải dạ phải, con cũng tính nói với mẹ như vậy. Ăn xong vợ chồng con cái nằm ngủ ngon lành.
Bà Thảo đi vòng quanh nhà ngắm nghía, phải sửa lại nhà bếp và nhà tắm theo kiểu mới hiện đại vừa sạch vừa thơm. Rồi còn phải xây thêm phòng cho hai đứa cháu, tụi nó ngày một lớn. Hồi nào tới giờ cứ nghĩ thằng con của mình trước sau gì cũng bị vợ bỏ nên bà không tính đến chuyện sửa nhà. Nhưng mà mình đã tính sai. Người tính sao bằng trời tính.
Tháng 04-2017
Wednesday, April 26, 2017
Đường 7
Nguyễn Thạch Giang
Người đàn ông tóc bạc ngồi một mình trong quán cà phê Vĩa Hè mỗi sáng
Không ai biết ông tên gì ông không nói chuyện với ai và cũng không ai nói chuyện với ông
Đôi mắt ông đượm buồn dáng đi của ông buồn buồn người ông toát ra cả một nỗi buồn không cách gì diễn tả dù đôi khi ông hay cười một mình
Tháng Tư người ta hay chiếu lại những cảnh của thế kỷ trước của những người muôn năm cũ
Xe tăng đại bác trực thăng bom rơi đạn nổ
Xe nhà binh và lính và dân từng đoàn từng đoàn xe nối đuôi xếp hàng
Người đàn ông tóc bạc ngồi một mình bỗng la to Đường 7 Đường 7
Thật khó đoán là đôi mắt và nụ cười mĩm của ông là vui hay buồn
Ông nói chuyện với ông ông tự nói một mình
" Kiếp trước tôi sống ở vùng cao nguyên đất đỏ thành phố đi dăm phút đã về chốn cũ
Và rồi một sáng tháng Ba từng đoàn người ùn ùn nối đuôi xếp hàng theo Đường 7 đi về một nơi không xa lắm một nơi mơ ước nhưng sao đi hoài không tới
Vợ người bạn giờ phút chót không hiểu sao cắt cổ con gà mái tre chưa kịp nhổ lông đã phải vội vàng lên xe
Nhiều năm sau đó tôi vẫn thắc mắc không biết mấy con gà tre con mất mẹ sẽ ra sao và những người lính khác màu áo khi vào nhà sẽ nghĩ gì khi thấy con gà nằm trên bàn khô máu
Khi tôi đến Phú Bổn thì ngủ lại đêm ở chỗ người ta đặt tên Bến Mộng trong khi những người bạn đi cùng tiếp tục đi về Tuy Hoà
Ngày hôm sau tôi vượt Sông Ba theo đoàn người lang thang loanh quanh trong rừng không lối thoát đến khi bị bắt bị lột đồng hồ hai cửa sổ không người lái cùng những đồng tiền ông Thiệu
Tôi được thả vì mặc đồ dân sự cùng với đàn bà con nít tôi theo người đàn ông đi về thành phố đến nơi mới biết ông ta là bác sĩ nhà thương Phú Bổn
Nơi đây tôi được cho ăn cơm và uống sửa. "
Người đàn ông không nói gì nữa trở về im lặng như ông đã nhiều ngày im lặng
Phú Bổn giờ đã bị xoá tên trên bản đồ và Đường 7 thì mang tên khác
Nhưng lịch sử làm sao quên được cuộc di tản của Quân Đoàn 2 cùng người dân ba tỉnh cao nguyên trên con đường định mệnh mang số 7
Tháng 04-2017
Monday, April 24, 2017
NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ
Bài đăng trên tập san "Nhìn lại" - Kỷ niệm 45 năm tốt nghiệp (1972 - 2017)
Cựu sinh viên ban Đốc Sự khoá 17 Học viện Quốc Gia Hành Chánh
Nguyễn Thanh Nhựt
Sau khi dự kỳ thi tuyển vào ban Đốc Sự khoá 17, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, tôi về quê, căn dặn thằng bạn khi nào có kết quả báo cho tôi biết. Hôm nhận điện tín báo trúng tuyển, tôi mừng rỡ nhảy cẫng lên, trong đời đây là lần thi đậu mà tôi mừng nhất.
Kỳ thi tuyển vào ban Đốc Sự của trường QGHC thường tổ chức trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Như vậy cũng có điều lợi là thí sinh có một năm để chuẩn bị. Tôi nhớ năm đó đề thi là : "Nguyên tắc dân chủ", và một bài dịch sinh ngữ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Hồi trung học tôi chọn sinh ngữ 1 là tiếng Pháp. Không biết hồi lúc thi làm bài ra sao, giờ thì quên hết, nếu có đi qua Tây chỉ còn biết oui, non, hay là merci, chỉ bấy nhiêu thôi.
Những bạn học cùng cấp đều biết hai câu dè dân gian của học trò thời đó : "Tú tài Mậu Thân, cử nhân Nhâm tý". Có thể nói đó là hai ân khoa, vì nhiều thí sinh được vớt điểm. (mà người nào đỗ tú tài năm Mậu Thân thì cũng thi cử nhân năm Nhâm Tý). Sau tết Mậu Thân, luật tổng động viên ra đời, nhiều bạn học hoang mang, trước sau gì cũng đi lính, nhiều bạn bỏ học đăng lính cho rồi. Bốn năm sau, mùa hè đỏ lửa, lại có một ân khoa khác. Ban Đốc Sự khoá 17 cũng có một điểm rất đặc biệt có thể gọi là ân khoa khi tuyển sinh nhiều gấp đôi, thành ra có 17 A và 17 B.
Tôi không có trí nhớ tốt lắm, cũng đã lâu lắm rồi, hơn bốn mươi năm, giờ đã quên rất nhiều, nhớ gì viết nấy không theo thứ tự thời gian, có thể có nhiều điều không chính xác, nhưng tôi muốn ghi lại một vài kỷ niệm với các bạn trường Hành Chánh dù viết có hơi lộn xộn lủng củng.
Học trường Hành Chánh có cái sướng là tất cả sinh viên đều được học bỗng, sang năm thứ hai học bỗng nhiều như lương Tham Sự. Trường Hành Chánh lại có ký túc xá và câu lạc bộ trong khuôn viên, rất tiện cho sinh viên không có nhiều điều kiện như tôi. Sinh viên tốt nghiệp ra trường đương nhiên có việc làm. Cơ sở vật chất của trường do Mỹ giúp xây dựng, hầu như toàn bộ, nhiều bàn ghế còn mang dấu tích tên trường đại học nào đó bên tiểu bang Ohio đỡ đầu.
Trường Hành Chánh còn có một quy chế rất đáng ngưỡng mộ, luôn luôn dành ra một số tỷ Lệ phần trăm cho thí sinh nữ và thí sinh công chức cũng như thí sinh sắc tộc thiểu số.
Ban đầu trường có một cái tên rất oai, Học Viện QGHC và trực thuộc Phủ Thủ Tướng (con chính phủ), không hiểu vì lẽ gì từ học viện tuột xuống thành trường.
Tôi thuộc lớp A, lớp có một trăm sinh viên. Sinh viên có chỗ ngồi nhất định, theo thứ tự vần abc từ trên xuống dưới. Hai dãy ghế đầu dành cho bạn nữ. Tôi tên Nhựt nên ngồi bên cạnh Cao Đức Nhuận. Lớp cũng có bầu trưởng lớp và ban đại diện sinh viên, nhưng việc điểm danh do một nhân viên văn phòng phụ trách, còn nhớ lúc đang ngồi học trong lớp, nhìn ra bên ngoài, ông giám thị đang điểm danh ghi ghi chép chép. Đó cũng là một điểm tốt của trường Hành Chánh, sinh viên muốn cúp cua cũng khó.
Phần đông sinh viên đi học bằng xe gắn máy hai bánh, ngoại trừ hai bạn đi xế hộp bốn bánh. Lớp A có Lê Linh Sơn ( nghe nói là thương gia chủ hãng nước mắm), lớp B có Huỳnh Nhân Hậu (nghe đâu thuộc hàng cậu ấm COCC ). Trong lớp cũng có một bạn nổi tiếng vì là con ông lớn, Lê Thu Phong (con trai thứ trưởng Bộ Nội Vụ ). Một bạn khác nổi tiếng vì có viết bài đăng báo, Trần Đình Tuấn. Nguyễn Văn Khôi thì được nhiều bạn " nể " vì nghe đâu từng đi du học Hoa Kỳ một năm theo chương trình trao đổi học sinh trung học. Rất tiếc là bạn qua đời rất sớm khi còn đang học năm thứ hai. Dương Thị Ngọc Xuân có lẽ là gương mặt nổi trội trong số nữ sinh viên nên được mời tham gia ứng cử vào ban đại diện. Vũ Tiến Trung nổi tiếng hát hay như ca sĩ.
Nhắc đến Cao Đức Nhuận, tôi nhớ có một lần bạn bảo tôi vẽ ba cái hình để bạn theo đó mà đoán tâm tính cuộc đời: mặt trời, ngôi nhà và con rắn. Tôi vẽ con rắn bị cây gậy đập chết. Bạn Nhuận trầm ngâm suy nghĩ, không nhớ bạn "phán" như thế nào, chỉ nhớ bạn nói rắn tượng trưng cho tình yêu. Hèn gì, tôi suốt cuộc đời từ trẻ cho đến giờ đầu bạc chỉ thuộc mỗi bài hát "Một Mình".
Yapha ngồi gần tôi nên đôi lúc trao đổi tâm sự. Có một lần tôi và Yapha đi dạo chơi phố Lê Lợi Nguyễn Huệ, tôi rủ Yapha vào quán kiếm cái gì ăn, bạn nói không thể được, vì tôn giáo của bạn, một con gà con vịt, trước khi cắt cổ phải đọc kinh làm phép gì đó. Khi Đắc Hữu Thiên đến Mỹ, có kể hồi chung tù cải tạo, Yapha rất xuống tinh thần và nhiều lần tìm cái chết. Bạn Thiên phải theo năn nỉ và trông chừng không để Yapha tự tử. Yapha qua đời không lâu sau đó khi tuổi đời cũng còn khá trẻ.
Năm thứ nhất tôi và Võ Văn Lượng ở chung phòng ký túc xá. Lượng người Huế, có lần dẫn tôi đi ăn món Huế. Lần đầu tiên ăn bún bò Huế nước mắt nước mũi tôi chảy ròng ròng, cay quá !. Sau này ăn bún bò Huế khắp nơi, chưa bao giờ tìm được cái cảm giác cay xé cay nồng như lần đầu tiên ấy. Lượng cũng đã một lần dẫn tôi đi ăn thịt chó trên đường Hồng Thập Tự, Lượng thì uống rượu nếp than , tôi thì không uống được rượu nên thịt cày tơ chẳng mang đến cho tôi một ấn tượng gì. Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi thử món nhậu nổi tiếng "sống trên đời". Không biết bây giờ Lượng có thích uống rượu hay không, chớ trước kia tôi thấy Lượng không phải là người thích nhậu. Đi ăn thịt chó chắc Lượng muốn tỏ ra mình cũng là người "sành điệu".
Khi nói chuyện Lượng không kêu mày tao ông tui mà chỉ xưng tên. Vì Lượng nói chuyện với mình như vậy nên mình cũng đối đáp theo cách đó. Năm thứ ba tôi ở chung phòng trong ký túc xá với Huỳnh Ngọc Long. Một hôm Lượng ghé qua hỏi tôi chuyện gì đó, Lượng muốn hỏi Nhựt ...cái này cái kia cái nọ...ra sao rồi. Tôi trả lời: " mấy chuyện đó thì Nhựt không biết, Lượng thử hỏi ...người này người kia người nọ xem sao..." đại khái như vậy. Khi Lượng đi khỏi, Long nói với tôi, cách nói chuyện của hai đứa mày...như là có vấn đề.
Lượng cũng là người bày vẽ cho tôi lấy số tử vi. Cũng dễ, nếu biết chính xác ngày tháng năm sinh thì cứ theo chỉ dẫn trong sách "Tử vi đẩu số" của cụ Thiên Lương. Khó là chỗ luận bàn về lá số của mình. Tôi cũng biết đại khái, các cung thân, mệnh, quan lộc, phu thê... Đại hạn mười năm, tiểu hạn, cung tuần triệt, sao hoá giải...vân vân. Nhưng tôi không phải là người mê bói toán đồng bóng, coi chơi cho vui vậy thôi. Cách đây cũng khá lâu, một người bạn của tôi còn ở Việt Nam, nghe trên đài VOA có nói đến ông thầy tử vi lừng danh nào đó ở Mỹ, anh bạn này nhờ tôi lấy lá số tử vi cho anh ta. Anh không nói ông thầy đó tên gì ở đâu, tôi tìm đại trên báo quảng cáo tiếng Việt ở San Jose gọi lấy hẹn. Đến nơi, thầy không nhận xem cho người ở xa, vì thầy kết hợp xem lá số và xem người thật ngoài đời. Thay vì đi về, tôi sẵn dịp nhờ thầy lấy lá số cho mình. Thầy nói chung chung nhiều điều tôi không lưu ý chi lắm. Nhưng có hai điều thầy nói cũng đúng. Thứ nhất, cái túi của tôi là một cái túi lủng. Thứ nhì, số mạng của tôi chỉ hợp ở Việt Nam chớ không hợp ở Mỹ. Thầy nói thêm, mà Việt Nam ngày trước, thời chinh chiến, chớ bây giờ thời bình cũng không hợp. Cái túi của tôi là một cái túi lủng nên tôi lúc nào cũng không có tiền. Thời chinh chiến đã qua, thời của tôi đã hết. Nghĩ lại cũng có phần đúng. Cuộc đời tôi "huy hoàng " nhất có lẽ là hai năm ngắn ngủi đi làm phó quận ở Pleiku, mặc dù là cái quận nghèo nàn miền núi, thời chiến tranh lính nhiều hơn dân. Nhưng tôi cũng được cấp cho một chiếc xe con và một tài xế hẳn hoi. Ông quận trưởng còn cho một lính nghĩa quân sáng sáng đi chợ nấu ăn. Mỗi khi vào toà hành chánh tỉnh hay có việc phải đi giao dịch các ty sở, ông phó quận trẻ tuổi trông cũng ra vẻ lắm.
Năm thứ nhất Huỳnh Hữu Duyên thường vô ký túc xá rủ tôi xuống thư viện học bài. Tôi không nhớ làm sao mà quen Duyên, vì tôi có vẻ chậm chạp khù khờ trong khi Duyên lại lăng xăng nhanh nhẹn. Đôi lúc Duyên vui cười kể về những ngày thơ ấu sống ở Hội An. Ngày đó Hội An chưa nổi tiếng như bây giờ. Tôi dân quê tỉnh lẻ chỉ biết nhạc sến nhạc bolero, Duyên thì thích loại nhạc như những bài của Đoàn Chuẩn Từ Linh. Có một bài hát mà Duyên rất thích hay nghe khiến tôi nhớ mãi:
" Tôi...nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
Môi thâm khô từ thuở định hôn người
Ngày nắng hạ sao khi không mà trở rét
Người đang yêu sao ngoảnh mặt kiêu sa..."
Thuở đó Duyên còn rất trẻ, chỉ mới đôi mươi mà dường như đi trước thời gian khi ngâm nga câu hát:
"...Con dế buồn tự tử giữa đêm sương. Bầy sẽ cũ cũng qua đời lặng lẽ. Em ngồi đó bờ sông còn ấm cát. Con sóng tình vỗ mãi một âm quên. "
Lượng có hai cô em gái họ hàng quen biết chi đó muốn giới thiệu cho tôi. Buổi đầu sẽ cùng nhau đi ăn để làm quen và tôi sẽ là người trả tiền cho có vẻ bảnh bao một chút. Duyên hưởng ứng, cùng Lượng mỗi người góp năm trăm phụ tôi trả tiền. Lúc đó trong túi tôi chỉ có bốn trăm rưỡi, tôi nghĩ 450 hay 500 thì cũng vậy thôi. Cả bọn năm người kéo ra nhà hàng Sing Sing trên đường Phan Đình Phùng. Quý vị chọn món hay quá, vừa đúng một ngàn rưỡi. Lúc anh bồi đưa bill tính tiền, tôi sượng trân, ngồi làm thinh lúng túng không biết phải làm thế nào, khờ quá. Lượng và Duyên vô tình hối thúc, trả tiền đi, trả tiền đi. Hai cô gái tế nhị bỏ ra đứng trước cửa quán chờ. Tôi thú thật, cả ba ôm bụng cười.
Cô Ngọc Dung dạy môn Định chế Tư Pháp. Nghe đâu chồng cô là một vị luật sư có nhiều năm trong nghề. Nhớ một lần cô nói, sống trong ngành này biết nhiều chuyện bên trong chán lắm, họ là những người tài giỏi và biết luật, có thể nói trắng thành đen, đen thành trắng. Cô Huệ thì hay tổ chức dẫn sinh viên đi chơi ngoại khoá. Nhớ lần đi cắm trại cùng các bạn ở Vũng Tàu thật nhiều thú vị. Sau đó thì có tổ chức viết cảm tưởng. Bạn Lý Thế Kiệt viết bài có nhan đề: " Nghịch lý trong niềm suy tư ". Không hiểu anh chàng thanh niên hai mươi tuổi này suy tư những gì mà cảm thấy nghịch lý.
Mùa hè năm 1984 tôi cùng Nguyễn Trung Quang, Vũ Quý Dân từ San Jose xuống San Diego dự đám cưới của Kiệt. Cũng rất đông bạn bè, Kiệt không có đạo nhưng hôn lễ được cử hành trong nhà thờ (?).
Tiệc trong nhà hàng thì Huỳnh Nhân Hậu làm emcee. Giờ chắc bạn Kiệt đã lên chức ông ngoại ông nội gì không chừng. Vũ Quý Dân cũng cưới vợ hồi ở San Jose, cũng đông đủ bạn bè, và sau đó thì...thì ...không ai biết bạn đang ở đâu.
Năm thứ nhất thầy Nguyễn Văn Hảo dạy môn Phát triển Kinh Tế. Học trò trong lớp xầm xì về cái huyền thoại nhà nghèo vượt khó của thầy du học lấy bằng tiến sĩ. Thầy có mời học trò đến nhà thầy dùng cơm chiều. Cả lớp 100 bạn đông quá, chỉ bốc thăm hai mươi người thôi. Thầy Hảo là một viên chức cao cấp trong chính phủ, thầy đến lớp trong giờ nghỉ trưa của thầy. Thầy tự lái chiếc xe Mazda màu xanh lá mạ đến trường. Vì giờ giấc tréo ngoe, đôi lúc thầy bắt gặp sinh viên ngủ gật nên phiền lòng, thầy nói một giờ tôi đến lớp, phải bỏ ra ba giờ soạn bài. Có ai trong lớp cho biết lý do tại sao phải ngủ trưa. Cả lớp im lặng. Hà Vĩnh Tường lên tiếng: " Thưa thầy, không ngủ trưa thì không biết làm gì ". Thầy Hảo bật cười: " Một người nghèo nàn, nói một câu nghe cũng nghèo nàn ".
Một hôm đến lớp thầy hỏi sáng nay ngoài trung tâm Sài Gòn có vụ biểu tình chống đối bầu cử độc diễn có ai hay biết gì không. Mọi người nín thinh. Thầy nói một sự kiện liên quan đến vận mệnh đất nước, sao chẳng ai quan tâm.
Đọc tin tức trên internet sau này, được biết biến cố 30- tháng tư thầy chọn ở lại Việt Nam. Thầy rất quan tâm đến số phận của mười sáu tấn vàng trong ngân khố quốc gia, thầy nói người nào mang ra khỏi nước sẽ mang tội với lịch sử. Sau đó ít năm thầy ra ngoại quốc sinh sống. Một hòn đảo nhỏ thuộc vùng lãnh thổ Hoa Kỳ ( ? ). Chẳng rõ. Cầu mong thầy vẫn còn mạnh khỏe và sống cho đến ngày chứng kiến cuộc phán xử cuối cùng.
Tôi quen Nguyễn Minh Đức khi về địa phương tập sự năm thứ hai. Khi về trường học năm thứ ba, Đức ở chung phòng với Trịnh Xây Dựng trong ký túc xá. Tôi có lần cùng Đức về quê Kiến Hoà của Dựng chơi cho biết. Tiếc là Dựng gặp tai nạn qua đời khi còn rất trẻ khi còn đang tại chức.
Trần Bạch Thu nói chuyện vui vẻ pha chút hài hước. Bạn kể chuyện một anh bạn nào đó ( lâu quá tôi quên chi tiết ), lên văn phòng giáo sư Binh phàn nàn về một người nào đó trong ban đại diện có thái độ chèn ép anh em sao đó. Lúc này giáo sư Bông đã qua đời, thầy Trần Văn Binh lên thế. Thầy Binh phán một câu nhớ đời: " Thì cờ vô tay ai, người ấy phất".
Mỗi khi Ban Đại Diện Sinh Viên làm lễ ra mắt trên sân khấu trên lầu thư viện, thường có tổ chức văn nghệ có mời ca sĩ nổi tiếng. Lần đầu được nghe Thái Thanh hát bài Tình Ca của Phạm Duy quá hay, tiếng hát vang lộng cả hội trường, không hổ danh là tiếng hát vượt thời gian. Năm thứ ba, ban đại diện chơi bạo có màn trình diễn vũ sexy ( lúc này là dưới thời thầy Binh ).
Lúc chọn đề tài luận văn tốt nghiệp, tôi chọn đại, " Tổ chức Nhân Dân Tự Vệ ", giờ không hiểu sao lúc đó chọn đề tài đó, vì mình đâu có tư tưởng chánh trị quân sự con khỉ gì đâu. Chắc là chỉ làm cho đúng thủ tục. Thầy đỡ đầu luận văn là giáo sư Tạ Văn Tài. Hôm thuyết trình luận văn có giáo sư Nguyễn Văn Tương. Hai thầy hỏi tôi : " Nhân Dân Tự Vệ là một lực lượng có tính chiến đấu không hay chỉ có tính cách báo động ?" . Tôi trả lời, có, Nhân Dân Tự Vệ cũng là một lực lượng chiến đấu. Hai thầy lắc đầu nói chỉ là một lực lượng báo động. Sau này nhớ lại, tôi nghĩ đó là một câu hỏi rất hay cho đề tài luận văn của tôi, mà khi viết tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Nhưng khi ra trường làm phó quận ở Pleiku, tôi thấy tối tối hằng đêm lực lượng nhân dân tự vệ xã ấp cũng tập họp ôm súng canh gát, sẵn sàng chiến đấu.
Cùng nhóm "chính trị" với tôi khi đó có Đinh Phan Cư, khi tôi vô phòng thi bạn Cư vừa xong, hai thầy hết lòng khen ngợi luận văn viết về Hoàng Sa Trường Sa của bạn Cư và cho điểm tối đa. Không cần xem nội dung hay dở ra sao, nội cái đề tài nhìn xa trông rộng đi trước thời cuộc, bạn Cư cũng xứng đáng được điểm mười sáu.
( Tôi đi vượt biên cuối năm 1980 và đến được Indonesia, khi đến trại có nghe tin Đinh Phan cư vừa đi Đức, Mã Thành Nghĩa đi Mỹ. Lúc rời trại Galang để sang Singapore chờ đi Mỹ có gặp Lê Trường Tại. Ở trại Singapore có gặp gia đình Dương Thị Ngọc Xuân chờ đi Hoà Lan. Sau này có lần Ngọc Xuân viết cho tôi một lá thư, nói là người tỵ nạn ở đâu cũng thấy buồn nhưng được chút an ủi là con cái học hành rất giỏi.)
Lúc ra trường tôi chọn Bộ Nội Vụ và được đổi ra Pleiku. Cùng khoá có Trần Ngọc Danh và Ksor De và Trần Thanh Thủy (lớp B). Ba đứa về ba quận khác nhau. Lúc đó Thủy đã có gia đình, nhanh nhẹn quan hệ xin được một căn hộ thuộc cư xá công chức. Lúc Danh lấy vợ, tôi và Danh sửa cái garage bỏ trống trong khu nhà khách của tỉnh thành chỗ ở mỗi khi có về chơi thị xã Pleiku. Nghe tin Thủy vừa qua đời tại Việt Nam. Ksor De thì qua đời từ ngày binh biến 30-4 .
Tôi đi tù cải tạo tại Long Thành. Trong tổ mười người có Chu Văn An và Huỳnh Văn Phước (lớp B). Mấy ngày đầu rãnh rỗi Phước thường đọc sách dạy đánh cờ tướng và hay đem bàn cờ tướng ra giải cờ thế một mình. Nằm ngủ cạnh tôi là anh Giao (ĐS 8), anh biết nhạc nên thỉnh thoảng được cử dạy hát cho cả nhóm tù. Có một dạo anh bị kiết lỵ rất nặng, nhìn anh cứ lâu lâu xách cuộn giấy đi về phía nhà cầu mà ái ngại. Chắc anh biết xem thiên văn địa lý sao đó, anh nói với tôi : " đêm qua tôi nhìn sao bổn mạng của mình trên trời vẫn còn sáng, chắc không sao ". Có lần tôi kể với anh tôi nằm mộng thấy có người đàn ông dẫn tôi đi mà lại có con cọp đi cùng. Anh nói chắc tôi sắp được thả vì hổ biểu tượng ( cho điều gì tôi quên mất ) . Đúng như anh đoán, tôi được thả mấy ngày sau đó, khoảng gần Tết đầu năm 1976.
Viết đến đây thì tịt ngòi, không biết viết gì nữa. Đọc lại thấy lủng ca lủng củng, muốn xoá nhiều đoạn viết linh tinh. Nhưng nghĩ lại, thôi kệ. Bạn bè thì mỗi người một hoàn cảnh, đang sống tứ tán khắp bốn phương trời. Nhiều bạn đã " qua đời lặng lẽ ", mình thì đang bước vào tuổi gần đất xa trời, từ lâu mình đã khép cửa thôi thì giờ cứ trãi lòng chia xẻ ít nhiều kỷ niệm cùng các bạn chung trường chung khoá, một ngôi trường mà ngày xưa nhiều người mơ ước.
Tháng 04-2017
Saturday, April 1, 2017
TÀN ĐÊM
Nguyễn Thạch Giang
Ngoại trừ những hôm trời mưa hay những ngày mùa đông giá rét, đã thành thông lệ, sáng nào hai ông bà cũng lội bộ đến công viên gần nhà coi như đi tập thể dục, ở đó chơi một hai tiếng đồng hồ rồi về. Ông đội nón rộng vành, tay xách cái túi đựng hai chai nước cùng mấy món đồ ăn vặt như bánh ngọt hay xôi. Bà đội nón lá, tay cầm túi nhỏ thấy vỏ lon bia, lon nước ngọt thì lượm để dành lâu lâu được nhiều đem bán lấy tiền cho mấy người nghèo. Tiền hưu của hai ông bà ăn không hết, một năm đôi ba lần giúp đỡ bà con bên Việt Nam.
Ông ngồi xuống băng ghế, cầm nón phe phẩy cho mát tay vuốt mồ hôi trên trán. Trời mùa xuân mà nóng như ngày hè. Bà đến ngồi cạnh ông lấy chai nước ra uống.
- Chút nữa về sớm, tôi vô bếp phụ con Lan một tay, chiều nay là sinh nhật thằng Rick.
- Nó có cho bà vô bếp đâu mà phụ, tụi nó lo hết rồi.
Từ ngày bà để nồi cá kho bị cháy, con bà không cho bà vô bếp, sợ bà nấu ăn khi nhớ khi quên, có chuyện gì khổ cả nhà. Có lần nó còn chê bà rửa rau không sạch, bà giận mấy tháng không tới gần cái bếp. Nhưng rồi nguôi ngoay, đâu có giận con gái được lâu, bà tuy nay không nấu ăn nhưng cũng lau chùi dọn đẹp chút đỉnh. Không làm bà thấy bức rứt khó chịu. Bà cũng hay ra vườn sau săn sóc luống rau. Bà trồng một ít rau thơm, rau húng. Thẳng rể cả năm chưa thấy bước ra sau vườn, vậy mà mỗi lần thấy là nhăn mặt tỏ ý không hài lòng, mấy thứ này trong chợ bán thiếu gì, đâu có bao nhiêu tiền. Tụi nó chỉ thích trồng hoa, trồng cây cảnh. Niềm vui của ông bây giờ là lên Internet đọc báo, đọc chuyện bốn phương, có khi ông ngồi đọc hằng giờ không chán. Hoặc đôi khi cùng mấy người bạn già ra quán cà phê ngồi ôn chuyện đời.
- Thằng Rick năm nay tốt nghiệp trung học, mùa tới đi học xa, nghe đâu ba má nó đang tìm mua xe cho nó.
- Mau dữ hè, mới ngày nào mình về ở chung, thằng nhỏ mới vô lớp một, giờ lớn đại biết lái xe.
Hai ông bà có năm người con, hai trai ba gái. Đầu thập niên 90 gia đình ông bà đến Mỹ theo diện H.O. Lúc mới qua cả gia đình ở chung một nhà, con cái tuy đã trưởng thành nhưng đều còn độc thân. Rồi dần dần kẻ lấy chồng người lấy vợ. Và rồi vì sinh kế, đứa ở miền đông đứa ở miền tây, cùng tiểu bang nhưng đứa miền nam đứa miền bắc. Từ ngày nghỉ hưu hai ông bà về sống với đứa con gái cũng hơn mười năm rồi. Ban ngày con gái con rể đi làm từ sáng tới tối. Mấy đứa cháu ngoại đi học về là rút vô phòng. Lúc còn nhỏ tụi nó chạy giỡn bà chịu không được, giờ lớn gặp ông ngoại bà ngoại nói vài câu, nửa tiếng Anh nửa tiếng Việt, ông bà nghe quen cũng hiểu cháu muốn nói gì. Đôi lúc tụi nó lên google nhờ dịch, để lại lời nhắn bằng tiếng Việt, chẳng hạn: "Người bà vui lòng rán cho tôi một ít gà chiên".
- Mệt hả ông xã, có đói bụng ăn gói xôi tôi đem theo. Ông đang nghĩ gì mà tôi thấy vẻ mặt ông như có điều vui lắm.
- Tôi nghĩ tối ngày bà lo chuyện gì đâu không. Bà sợ rủi bà chết trước tôi sẽ khổ. Cái gì bà cũng dành phần để bà lo.
- Tôi đã quen chịu đựng rồi, ngày mà tôi khổ nhứt là cái ngày ông có vợ bé, ngày đó tôi như chết chưa chôn, giờ có buồn gì tôi cũng chịu được.
- Tôi có vợ bé hồi nào ? Bà nói cái gì vậy.
- Thì hồi ông ở Mộc Hoá chớ đâu, ông quên rồi sao.
- Tôi có vợ bé hồi nào sao tôi không biết.
- Ai cũng biết. Cái thằng đệ tử của ông đó, thằng Tám tài xế, một hôm hai vợ chồng nó tới nhà nói cho tôi biết. Nó chỉ tường tận căn nhà mà ông mướn cho con nhỏ đó ở. Vợ nó còn đòi đi theo tiếp tôi đánh ghen.
- Thằng Tám tài xế mà dám đi nói cho bà biết chuyện này. Hồi đó nó sợ tôi còn hơn sợ cọp. Vợ nó dám xúi bà đi đánh ghen ?
- Tôi mà đi đánh ghen cái nỗi gì, gặp mặt người ta là bủn rủn tay chân, miệng thì ú ớ nói không ra hơi. Tôi muốn đi tới chỗ coi cho biết sự tình, sẵn dịp ba mặt một lời nói điều phải trái. Tôi gõ cửa hỏi xin lỗi cô, đây có phải là nhà ông thiếu tá Tuấn. Con nhỏ đó nói phải chị cần chi. Tôi định nói tôi là vợ của ổng, nhưng thôi, chờ ông về coi ông nói làm sao. Tôi nói tôi đi thăm chồng làm lính ở đây, sẵn dịp có người nhờ tôi mang tặng thiếu tá một bịch lạp xưởng với một bịch tôm khô. Con nhỏ đó cũng lịch sự mời tôi vào nhà uống nước, nó còn nói tôi giống vợ sĩ quan chớ không giống vợ lính. Tôi ngồi nói chuyện quanh co coi thử ông và nó tiến tới bao xa rồi. Bên ngoài thì máy bay trực thăng bay rầm rầm trên bầu trời, xa xa tiếng đại bác nổ đì đùng, thời buổi chiến tranh ác liệt nay nghe người này chết, mai nghe người kia chết. Tôi nghĩ đến ông sống nay chết mai, tôi đứng dậy ra về, giao cho ông lo liệu, ông muốn tính sao thì tính.
- Thiệt tình bây giờ tôi mới biết là bà có xuống Mộc Hoá đánh ghen. Sao mấy chục năm nay không bao giờ nghe bà nhắc.
- Con nhỏ đó tên gì, bây giờ tôi quên mất.
- Con nhỏ nào, mập hay ốm, trắng hay đen, xấu hay đẹp, bà nói con nhỏ đó ai mà biết con nhỏ nào. Tôi quen qua đường, xong là quên đường ai nấy đi. Hồi nào tới giờ tôi chỉ có một vợ, là cái bà sáng sáng hay đi lượm lon với tôi ai cũng biết.
- Ông được cái chỗ đó mà tôi không bao giờ giận lâu. Ông không bao giờ bỏ bê gia đình, tháng nào lãnh lương cũng đem tiền về nuôi con.
- Mấy chuyện qua rồi, hồi nào tới giờ không nhắc, giờ bà không nên nhớ làm gì.
- Người ta nói vợ chồng gặp nhau là cái duyên, ăn ở với nhau là cái nợ đời. Còn nợ là còn sống cùng nhau, hết nợ tự nhiên xa nhau. Tự hồi nào tới giờ, trong thâm tâm tôi luôn nghĩ ông là người đàn ông tôi mang nợ trọn kiếp.
- Khi nào tôi chết thì bà hết nợ phải không.
- Hồi trẻ thì ăn nói ngọt ngào, lâu lâu pha chút hài hước ai cũng thích. Giờ lớn tuổi sanh tật hay nói móc lò móc họng.
- Vợ chồng ăn ở với nhau chung lo xây dựng gia đình, bà đừng nghe người ta nói vợ chồng là cái nợ, không ai mắc nợ ai. Thôi đi về, nắng nóng quá.
Hôm nay cả nhà đông vui mừng sinh nhật thằng cháu ngoại mười tám tuổi. Người lớn con nít lăng xăng không có chỗ ngồi. Ông bà mỗi người một đĩa đồ ăn lẳng lặng ra ngồi ngoài hiên. Đứa con gái chạy ra tìm, ông ngoại bà ngoại vô chụp hình với Rick. Con nó kêu mình ông ngoại nó cũng kêu mình ông ngoại, lâu quá nó quên tiếng ba tiếng má. Bà ngó chừng sợ con gái nghe nó buồn. Ông sao hay bắt lỗi bắt phải chi cho mệt. Đôi mắt ông xa xăm nhớ về chuyện ngày xưa.
- Hồi tôi đi tù cải tạo về, tới đầu hẻm thằng con chạy lại mừng: "Ba về, ba về". Hồi tôi đi con còn nhỏ, giờ về nó lớn nhìn không ra. Khi nào nhớ lại hình ảnh nó đi thất thểu ngoài đường giữa trưa nắng bán vé số, lòng tôi đau như cắt. Giờ con cái có làm điều gì tôi buồn lòng, tôi đều tha thứ cho tụi nó hết.
- Khi tôi sinh con, việc đầu tiên là tôi nhìn con mình có được lành lặn bình thường không. Tôi chỉ cầu mong được như vậy. Con mình tuy không giàu có ông này bà kia như người ta, nhưng đứa nào cũng có gia đình con cái đầm ấm vậy là quý lắm rồi.
Có mấy thanh niên đứng hút thuốc lá, thấy ông bà ngồi bên góc nhà nói lời xin lỗi.
- Tụi cháu hút thuốc có phiền không bác.
- Không sao, mấy cháu cứ tự nhiên. Hồi trước tôi chuyên hút, giờ chỉ hít khói.
Bà vỗ nhẹ đùi ông, ý chừng đừng nói quanh co ông à. Thằng cháu bưng ra cho hai ông bà mỗi người một ly rượu đỏ. Ông bà ngoại chúc mừng cháu, bà cũng uống đi, rượu này nhẹ lắm, không say đâu mà sợ. Trong nhà cười nói hát hò ồn ào, ông cảm thấy vui quá vô trong đó tìm một ly rượu mạnh. Ông ngồi nhịp chân, nhớ về thời xa xưa hát nhỏ nhỏ:
" Tôi thường đi đó đây, bùn đen in dấu giày,
lửa thù no đôi mắt,
Chân nghe lạ từng khu chiến thuật,
Áo đường xa không ấm gió phương xa,
Nghìn đêm vắng nhà.
Mây mù che núi cao,
Rừng sương che lối vào
Đồng ruộng mênh mông nước
Đêm đêm nằm đường ngăn bước thù
Áo nhà binh thương lính, lính thương quê
Vì đời mà đi..." (1)
Thằng cháu chạy ra tròn mắt nhìn ông ngoại hát. Nó chẳng hiểu ông hát gì mà đôi mắt xa xăm mơ màng. Ông đang nhớ về thời trai trẻ lê bước ... khắp bốn vùng chiến thuật ngăn bước quân thù...vì đời mà đi...
- Hồi trẻ ông ngoại con hét ra lửa. Bà ngoại nói.
Thằng cháu tròn mắt trầm ngâm. Hồi xưa ông ngoại làm trong gánh xiếc ? Ông ngoại nhìn bà ngoại cười.
Tối nay ông hơi khó ngủ cứ nằm trằn trọc hoài, bà nói chắc tại ông uống rượu hơi nhiều. Có mấy ly mà nhằm nhò gì, hồi trước một mình tôi uống hết một chai Hennessy. Lâu lâu bà hay ngồi dậy xem chừng ông ngủ chưa. Từ lâu hai ông bà ngủ riêng, từ cái ngày ông bị cảm ho suốt đêm bà không ngủ được. Con gái tự động không cần hỏi ý kiến cha mẹ, mua hai cái giường nhỏ cho hai ông bà nằm riêng. Nó nói sợ ông bệnh lây sang bà, nằm chung khó ngủ. Già từng tuổi này, vợ chồng ngủ chung phòng là quý rồi, đâu cần ngủ chung giường. Con cái đặt đâu thì cha mẹ ngồi đó.
Bà đứng dậy bước sang giường xem ông ngủ chưa, bà có tật hay lo, thấy ông khó ngủ cũng lo, thấy ông ngủ mê quá cũng lo. Ông muốn nói lần này để tôi lo, tôi nhường bà chết trước, tôi sống lo cho bà mồ yên mã đẹp. Ông muốn ôm bà vào lòng nói anh yêu em nhiều lắm, ông kéo bà ngồi xuống bên giường nắm tay bà âu yếm, nhưng ông xúc động quá không nói nên lời. Trong bóng đêm mờ mờ, từ bàn tay ấm của chồng, bà cũng thấy hết tình cảm ông dành cho bà.
Thôi ngủ đi ông xã, đêm đã tàn rồi.
Ông muốn nói, anh chỉ có một người vợ là em, từ lúc khởi đầu cho đến ngày chấm hết. Em đừng có dành phần chết sau, nhưng nếu mà em chết trước anh... thì anh cũng chết mẹ cho rồi. Ông không thể nào ngăn được hai giòng lệ tuôn trào.
Tháng 04-2017
***
(1) Lời bài hát " Trên bốn vùng chiến thuật " của Trúc Phương
Subscribe to:
Posts (Atom)