Wednesday, July 27, 2016

TÔI MƠ ... MỘT GIẤC MƠ




Dự báo thời tiết nói bầu trời đêm nay sẽ có hiện tượng mưa sao băng. Mưa sao băng ? Tôi có nghe qua chớ chưa từng thấy, có thấy trên phim ảnh nhưng thật ra chỉ là cảnh giả. Nhất định đêm nay sẽ đón coi cho bằng được, lỡ dịp này phải chờ đến hằng trăm năm nữa.

Thỉnh thoảng tôi có thấy sao băng trên bầu trời, có lúc bay ngang rất nhanh tạo thành một đường sáng tỏ, sao xẹt, có lúc như đang rơi từ trên cao xuống, sao rơi. Nhiều người nói khi nhìn thấy một vì sao đang di chuyển, hãy nhắm mắt và thầm cầu khẩn điều ước muốn. Tôi nhiều lần cố thử, nhưng lúc ấy sao đi  nhanh quá mà tôi thì bất ngờ quá không nói kịp điều mình cầu mong.

Cầu mong. Tôi có một cầu mong hết sức tha thiết là được sống ở Mỹ.

Đó là điều tôi mong ước, mong ước từ  ngày giải phóng cho đến giờ vẫn còn mơ một giấc mơ.  Hồi đó muốn được đi Mỹ hơi khó, phải có nhiều tiền, đi chui hoặc đi bán chính thức. Nhưng tôi biết cũng có nhiều người không có tiền mà vẫn sang được Mỹ. Thằng Cao ở xóm tôi, nhà nó nghèo lắm, cha chết sớm, mẹ nó tái giá giao nó cho Dì nó nuôi. Nó không được đi học phải theo Dượng nó làm phụ xế xe tải từ lúc nhỏ. Dượng nó có người em có ghe đánh cá trong Rạch Giá, sau giải phóng mấy năm thì anh em giòng họ mấy chục người dẫn nhau đi vượt biên. Tới chừng nghe tin nó ở Mỹ, tôi tự hỏi không biết nó hội nhập vô cái xứ đó như thế nào đây.

Nó cũng thường về Việt Nam, hồi nhỏ ốm nhách đen thui, giờ mập thù lù nhưng nước da thì vẫn còn đen. Người nó đeo đầy vòng vàng, chiếc lắc tay ít nhất cũng phải một lượng, sợi dây chuyền to bự chảng kiểu ở Việt Nam không thấy, đồng hồ vàng mấy ngàn đô, nhẫn hột xoàn lấp lánh. Tôi biết tại tánh nó thích đeo vàng chớ không phải là người khoe của. Nó ăn nói hệt hạt bình dân, có lần nó kể chuyện thi nhập tịch Mỹ, ông giám khảo bảo nó viết một câu tiếng Anh, nó nói xin lỗi, tôi không biết viết. Ông giám khảo nói mày về nhà bảo con mày dạy, đem tới đây tao cho mày nhập tịch.

Tôi có một thằng bạn rất thân, hồi nhỏ ở cùng xóm, học cùng lớp cùng trường. Hai đứa thường đi chơi chung cùng nhóm bạn đồng sở thích. Nhà nó cũng nghèo, nghèo có hạng trong xóm. Lúc khổ quá nó than có bữa chỉ ăn cháo. Rồi nó cũng đi Mỹ. Tôi không biết nó đi bằng cách nào. Lúc đất nước vừa mở cửa, nó là  một trong số những Việt kiều về nước đầu tiên. Nhớ lần đầu nó về, con nít trong xóm bu quanh như tụi trẻ bây giờ ái mộ ca sĩ. Không biết nó làm gì bên Mỹ, năm nào cũng thấy về Việt Nam chơi. Lần nào về nó cũng có quà cho tôi, có khi cho tiền. Tôi nói tôi thiệt là có phước. Nó nhìn tôi, cười nửa miệng nói nhận không có phước. Cho mới là có phước. Khi nào ông cầm trong tay bạc triệu, đem tiền cho người này người nọ, khi đó ông sẽ cảm thấy ông là người có nhiều ơn phước. Tôi thường coi nhẹ trình độ của nó, nhưng hôm đó lời nó nói làm tôi đau đớn nhiều ngày tháng.

Nó thường kể tôi nghe,  những năm tháng tuổi trẻ, từ một nơi ở cách xa San Francisco hai tiếng đồng hồ lái xe, tối thứ sáu thứ bảy là nó đến đó vui chơi thâu đêm suốt sáng. Tôi cũng thường mơ ước có ngày mình cũng sẽ đến thành phố nổi tiếng đó, được vui và được sống với con người thật của chính mình.

Tôi hỏi nó có phải bây giờ ở Mỹ cho phép người đồng tính lấy nhau một cách hợp pháp. Nó nhìn tôi mĩm cười, ông không cần phải đến Mỹ, tôi thấy ở Việt Nam bây giờ cũng có nhiều cặp đôi đồng tính làm đám cưới công khai.
Đành là vậy.

Rồi đến đầu thập niên 90, người ta lại kéo nhau ra đi theo diện con lai và diện H.O. Kế cạnh nhà tôi là nhà của gia đình anh Trường, anh là sĩ quan chế độ cũ phải đi học tập cải tạo. Ra tù anh  làm đủ thứ việc kiếm sống, ai mướn gì làm đó,  gia đình bữa đói bữa no. Tới chừng có chương trình H.O. anh không có tiền làm giấy tờ. Con cái đứa có hộ khẩu đứa không. Sau cùng chạy vạy mượn đầu nầy đầu kia để làm thủ tục nộp đơn. Gia đình anh ra đi trong những đợt cuối cùng của chương trình. Hai đứa con không hộ khẩu phải ở lại. Rồi lần lần anh cũng làm giấy tờ đưa tụi nó sang.

Ngày nay người ta sang Mỹ càng ngày càng đông, bằng đủ mọi con đường. Đường nào cũng đưa tới Mỹ. Có người đi đi về về, chân trong chân ngoài. Bây giờ sao thấy người ta đi Mỹ dễ quá, có nhiều người còn chê  nói sống ở Mỹ cực lắm, buồn lắm. Có người  sang Mỹ được mấy tháng rồi  trở về Việt Nam ở luôn nói ở Mỹ buồn  ở Việt Nam vui hơn. Riêng tôi, tôi nghĩ đến  phận mình muốn quá sao không được. Tại mình dở hay tại số phận. Chắc là cả hai. Lúc trước có lần đi xem bói, lấy số tử vi để xem coi khi nào thì cuộc đời có sự thay đổi. Ông thầy bói nói số của cậu chỉ hợp với thời chinh chiến, còn cái túi của cậu là một cái túi lủng. Túi lủng thành ra lúc nào tôi cũng chẳng có tiền, thời chinh chiến đã qua, thời của tôi cũng đã hết.

Tôi ra trước nhà ngồi nhìn lên bầu trời cao mong được thấy mưa sao băng. Trời mùa hè trong xanh, hàng ngàn hàng triệu vì sao lấp lánh đẹp lạ lùng. Đêm ở cái thành phố nhỏ xíu buồn hiu này thật yên tĩnh. Con đường nhỏ phía trước nhà sắp được nới rộng. Phía sau nhà chánh quyền cũng sắp phóng một con đường lớn. Căn nhà tôi ở bỗng trở nên có giá. Nhiều người dòm ngó. Thằng cháu trai con ông anh đứng tên rục rịch muốn bán. Ngôi nhà này do cha mẹ tôi tạo dựng từ thời tổng thống Ngô Đình Diệm chấp chánh. Tôi ra đời một năm sau đó và sống ở cái ngôi nhà này từ đó cho đến nay.
Sau năm 75, cha mẹ tôi không còn được  đi làm, gia đình đôi lúc gặp nhiều khó khăn phải đem căn nhà cầm cố thế chấp. Anh trai tôi bỏ tiền ra chuộc. Cha mẹ tôi nay đã qua đời, hai vợ chồng ông anh cũng đã qua đời. Thằng con trai muốn bán nhà lấy tiền làm vốn  ra Phú Quốc hùn hạp bán quán cà phê. Nó nói sẽ cho chú ba trăm triệu để dành sống dưỡng già.  Vợ chồng nó đối đãi với tôi cũng tốt.

Hồi nào tới giờ, tôi ở trong nhà, không ai nói điều chi. Không ai hỏi tại sao tôi không chịu đi kiếm công chuyện gì làm để có tiền mà sống. Thời cha mẹ tôi còn sống cũng vậy, ông bà không bao giờ bảo tôi đi kiếm việc làm. Chắc ông bà cũng biết tôi là một người thất tình thất chí thất bại.  Tôi thì lúc nào cũng mong được sang Mỹ,  cho nên sống tà tà chờ thời cơ. Mà chờ hoài sao chẳng thấy.

Tôi đã bỏ lỡ một cơ hội. Ngày ấy, một ngày đầu tháng năm 1975, một người bà con của tôi dẫn một thanh niên từ Sài Gòn xuống Rạch Giá tìm đường trốn. Chị ta có ghé qua nhà tôi rủ tôi đi cùng. Tôi không đi theo mà ngược đường trở lên Sài Gòn để nghe ngóng tình hình sau khi thành phố đổi chủ. Trong khi tôi lang thang trên phố Lê Lợi nhìn cảnh người ta giật sập tượng đài những người lính Thủy Quân Lục Chiến tại công trường Lam Sơn phía trước toà nhà Quốc Hội, thì anh chàng thanh niên kia từ Rạch Giá ra Phú Quốc, sau đó đi theo một ông cha xuống ghe đánh cá chạy sang Thái Lan. Sau này khi gặp lại, người chị họ cứ tiếc rẻ dùm cho tôi.


Tôi nhìn lên lên bầu trời xanh thẳm. Đã khuya lắm mà chẳng thấy mưa sao băng. Chắc phải cần kính thiên văn. Mắt thường không thấy. Tôi trở vô nhà giăng mùng ngủ. Đã mấy mươi năm nay tôi nằm ngủ trên bộ ván gõ này. Tôi định bụng khi nào dọn nhà tôi sẽ mang nó theo.  Vật kỷ niệm của cha mẹ để lại. Thằng  cháu trai không có ý kêu tôi đi theo nó, mà tôi cũng không muốn. Cuộc đời tới đây coi như đã hết. Sống qua trọn một vòng Lục Thập Hoa Giáp coi như đã đủ. Nhớ có lần đâu đó đọc trên internet về cái luật chân ướt chân ráo bên Mỹ. Người dân Cuba nào mà vượt biển đến Hoa Kỳ, hễ bước được lên đất liền, chân ráo, thì được cho vào Mỹ hưởng qui chế tỵ nạn. Còn nếu vẫn còn ngồi trên ghe thuyền, chân ướt, thì bị từ chối.  Tôi có đem chuyện này hỏi anh Phong, khi anh tình cờ đi ngang nhà. Anh Phong là người lối xóm, gia đình anh sang Mỹ từ năm 75, anh em ai cũng học giỏi. Khi nghe tôi hỏi anh cười xoà,  vậy à, có cái đạo luật như vậy à, tôi không biết, mà sao ở Việt Nam rành ba cái chuyện ở bên Mỹ dữ vậy. Tôi nói chắc năm nay đảng Cộng Hoà  sẽ vào Nhà Trắng. Anh vừa bước đi vừa cười nói, hết Dân Chủ rồi đến Cộng Hoà, hết Cộng Hoà rồi đến Dân Chủ. Anh quay lại nhìn tôi, bĩu môi, mà Dân Chủ hay Cộng Hoà thì cũng vậy thôi. Cũng giống nhau thôi.

Tôi trằn trọc không ngủ được. Tự nghĩ cuộc đời mình lúc nào cũng dở dở ương ương, làm việc gì cũng không đến nơi đến chốn. Tôi trở ra phía trước nhà nhìn lên bầu trời mong nhìn thấy mưa sao băng. Bầu trời trong xanh đẹp vô cùng. Người ta đôi lúc có bàn chân ướt chân ráo. Riêng tôi suốt đời có đôi chân ướt, suốt đời lênh đênh giữa biển khơi cho đến ngày đầu bạc cũng chưa bước lên đất liền.

Tôi vẫn còn ngồi tại cái chỗ tôi vẫn thường ngồi, những buổi sáng sớm tay cầm ly cà phê nóng nhâm nhi nhìn dòng người  qua lại phía bên ngoài hàng rào. Có những trưa hè nóng nực cũng tại chỗ này tay cầm quạt phe phẩy,  tay cầm quyển Kỳ quan kim cổ. Cũng tại nơi hiên  nhà này, có những buổi  chiều tối tôi ngồi im lặng hằng giờ nhìn những ồn ào náo nhiệt phía ngoài,  trong lòng thì nghĩ vẫn vơ đến những vui buồn  những ngày đã qua.

Rồi tôi sẽ không còn ngồi ở chỗ này nữa. Căn nhà này sẽ có người chủ mới cũng như nhiều căn nhà khác trên khu phố này đã có chủ khác. Tôi  không biết cuộc đời tôi rồi sẽ trôi nỗi ra sao. Nhưng nghĩ cho cùng,  đến từng tuổi này thì mọi sự thay đổi cũng chẳng có ý nghĩa quan trọng nào đối với tôi nữa.
Nhưng tôi vẫn mong chờ, như tôi đã từng mong chờ từ nhiều năm trước, và tôi luôn hy vọng được nhìn thấy một vì sao đổi ngôi khi mình  vẫn còn sống.



Nguyễn Thạch Giang
Hè 2016














Monday, July 18, 2016

CẶP ĐÔI HOÀN HẢO





                                                                           Nguyễn Thạch Giang


Tình bước xuống giường nhẹ nhàng sợ làm động bà xã còn đang ngủ. Sáng nay thứ bảy nhưng chàng phải đi làm over time. Lúc sắp sửa bước ra khỏi nhà, chợt nhớ quay vô căn dặn vợ :
- Bà xã, chiều nay ông xã đi làm về có hẹn đi nhậu với mấy người bạn, có gì lỡ say quá bà xã đi đón dùm.
Hường mắt nhắm mắt mở ngồi dậy ngó đồng hồ, mới có sáu giờ sáng. Bà xã bữa nay không có đi làm, chị Trang có người bạn từ bên Texas qua chơi, mấy bà rủ nhau đánh bài tứ sắc. Ông xã đi làm về  ghé chỗ nào kiếm gì ăn. Tụi em chơi tới tối thì nghỉ, có gì điện thoại em đi đón.

Hường qua Mỹ được mấy tháng thì lấy chồng. Mấy người bạn hỏi chị quen anh Tình hồi nào, Hường cố nhớ mà thật tình không nhớ nỗi mình đã quen người đàn ông này ở đâu hồi nào. Em cũng chịu chị luôn.
Anh Tình là dân miền Tây Nam bộ, không biết có cày sâu cuốc bẫm gì không, ai đó có lần nói cái thằng tướng tá ô dề cục mịch. Thiệt mấy cái chữ nghĩa đó đời bây giờ không nghe ai nói, cũng đem ra mô tả cái bề ngoài của ông chồng tui cho được. Có người còn nói cái thằng xấu tệ, xấu lạ. Nói người ta xấu thì cũng đủ rồi, lại còn nhấn nhá...xấu tệ...xấu lạ. Xấu lạ ? là xấu không đụng hàng, xấu...không giống ai.  

Nhưng ai nói gì thì nói, kệ họ, kệ tui. Chồng tui tui biết. Mà ông bà mình ngày trước có nói củi tre dễ nấu chồng xấu dễ xài. Chồng đẹp mắc công ghen bóng ghen gió. Chồng xấu dễ đì. Nói vậy chớ không phải vậy. Ai chớ cái ông chồng không đẹp trai này có tánh hơi ngang ngang bướng bướng. Cái nào bà xã nói phải  thì ông xã nghe theo, còn cái gì không phải thì má mày đừng có cãi.

Vợ chồng người ta thì ai cũng chỉ có một trương mục ngân hàng. Vợ chồng đứng chung ai xài cũng được. Còn cái  ông xã nhà mình, tiền ai nấy giữ tiền ai nấy xài. Vợ chồng mà ổng giao ước minh bạch, anh lo phần tiền nhà, tiền thuế đất, thuế nhà,  tiền bảo hiểm xe cộ. Phần em ba cái bill lẻ tẻ, ga điện nước, điện thoại, tiền chợ,  tiền mua đồ xài lặt vặt trong nhà. Tuy là giao ước miệng, nhưng hai vợ chồng đã bao nhiêu năm không hề vi phạm cam kết. Lúc đầu Hường cũng hơi bực. Vợ chồng có hôn thú chớ có phải vợ chồng theo hợp đồng mà ông phân định rạch ròi như thế. Chồng người ta, đi làm về lương bao nhiêu đưa vợ giữ hết. Cần xài chuyện gì nói bà xã đưa cho. Đàn bà giữ tiền thì còn, ông xã lại có máu cá độ, máu ham nhậu. Nhưng ông xã nhất quyết không nghe, thôi, giao tiền cho bà nắm, mỗi lần cần xài, hỏi mệt.

Hường đi làm nail, nghề này dễ học mau kiếm tiền. Tuần làm sáu bữa nghỉ ngày thứ ba. Được cái chủ tiệm là bà chị, đi sớm về trễ không thành vấn đề, cần gì cứ việc nghỉ thoải mái, chị em trong nhà sao cũng được. Ông xã của Hường là công nhân hãng tiện, làm một chỗ từ hồi cưới Hường cho tới giờ. Bạn bè làm chung, ai đổi việc đổi hãng, ai bay nhảy mặc ai, anh Tình cứ tà tà làm một chỗ. Làm lâu ngày quen việc, thấy gì cũng dễ làm gì cũng được. Sếp thấy Tình chịu khó siêng năng cần mẫn nên rất thương. Ưu tiên mọi điều, anh Tình cứ ở đây làm với tôi, tôi còn thì anh còn. Khi nào hãng dẹp tiệm mới cho anh ở nhà.

Hường lấy chồng mấy tháng thì mang bầu. Lúc đi đẻ mấy bà bạn nhiều chuyện  đưa bàn tay tính nhẩm. Đếm tới đếm lui như con nít học đếm, mau dữ he, đám cưới đâu mới có mười tháng. Má ơi, lấy chồng sáu tháng đi đẻ cũng đâu có sao.

Cái hôm con gái đầu lòng còn nhỏ xíu mới vừa  sáu tháng tuổi, Hường tay bế tay bồng tay xách tay mang con khóc con la. Bác sĩ miệng cười tươi báo tin vui, bà có thai hai tháng. Nghe tin chị Hường muốn té xỉu. Bước ra ngoài ông xã ơi, ông xã ơi chết rồi. Anh Tình xanh mặt, chuyện gì vậy em. Bà xã có bầu hai tháng. Vậy mà em làm anh hết hồn hết vía. Tưởng gì, ở cái xứ này mà lo ba cái chuyện đó. Em ơi, trời sanh voi sanh cỏ. Ông xã cười hì hì. Thiệt cái ông này vô tư, ông xã còn nói...làm sớm nghỉ sớm.

Hồi lúc còn ở Việt Nam, hồi cái lúc mới vừa biết để ý người ta, mới vừa biết thương, biết nhớ biết giận hờn, Hường có quen một thanh niên cùng xóm. Hai bên gia đình nhà trai nhà gái đều tán thành cho cặp đôi hoàn hảo này. Cô cậu tự nhiên dẫn nhau đi chơi, đi du lịch đây đó không ai cấm cản không ai thắc mắc điều gì. Hình như mọi người từ trong nhà cho đến bạn bè bà con lối xóm ai cũng nghĩ hai người tiên đồng ngọc nữ này sinh ra là để  lấy nhau. Giống như phim bộ. Nhưng đám cưới thì cả bên nàng và bên chàng  không nhắc tới. Khoan. Nhà trai có giấy tờ chờ đi Mỹ. Nhà gái cũng được bảo lãnh và cũng chờ ngày lên máy bay đi Mỹ. Chừng nào qua tới đó rồi tính tiếp. Còn bây giờ, mọi sự cứ giữ y như vậy, ai ở đâu ở đó.

Chàng có tên đi trước. Tiệc tiễn đưa linh đình, hôm đi phi trường nhà trai mướn hai chiếc xe van bự, chở hết bà con cô bác bạn bè  lối xóm. Ai cũng cười tươi, xúm nhau chụp hình đủ kiểu. Chàng ra đi nơi quê người xứ lạ, để lại cho người yêu nơi quê nhà một xấp hình. Ôi chao, biết bao là tình. Người yêu ơi, anh có biết. Em không đủ chữ nghĩa để diễn tả cho hết...cái tình yêu này.

Nhưng đường đời muôn lối rẽ. Qua Mỹ đâu chừng hơn sáu tháng nghe tin chàng lấy vợ. Hường còn nhớ rõ, buổi chiều hôm  đó lúc hay tin, nàng có cảm tưởng như trái tim tan vỡ,  là thật đó, đau, đau lắm, không biết diễn tả ra làm sao đây. Khó thở, giống hệt mấy cô nàng trong phim bộ Hàn Quốc. Là thật đó. Rồi sau đó thì lặng lẽ leo lên giường, không ăn không uống, khóc sướt  mướt. Khóc từ đầu hôm cho tới sáng vẫn còn khóc. Không biết ngày đó nước mắt ở đâu mà nhiều dữ.

Hường nhớ, lúc còn nhỏ, nhỏ lắm không nhớ lúc mấy tuổi, có lần nghe mẹ nói chuyện với một người bạn. Mẹ kể về một chuyện phim mà mẹ rất thích. Phim tình cảm lâm ly bi đát. Phim  Pháp. Do anh chàng tài tử lừng danh Alain Delon thủ diễn. Chàng là một Đại Uý quân đội hoàng gia. Nàng là một tiểu thơ xinh đẹp, chiều chiều nàng hay đứng trên lầu nhìn  chàng sĩ quan bảnh bao trẻ tuổi đẹp trai dẫn một toán lính đi ngang nhà trong nhịp điệu quân hành. Chiều nào cũng vậy. Rồi nàng và chàng quen nhau. Yêu nhau. Một cặp đôi hoàn hảo.
Trước khi quen nàng, chàng có dan díu với một bà Bá Tước. Sau này  câu chuyện đó bị phanh phui. Ông Bá Tước tức giận, thách chàng đấu súng. Chàng chậm hơn một bước, trúng đạn từ trần.
Một buổi chiều, đứng trên lầu nơi nàng vẫn thường đứng mỗi chiều, cũng một người sĩ quan dẫn đoàn quân đi qua. Vẫn tiếng nhạc quân hành quen thuộc. Nàng không chịu đựng được nữa, nhảy xuống lầu tự tử. Trước khi chết nàng nói :

Trước khi yêu anh em chưa yêu ai
Và khi yêu anh rồi em không yêu ai nữa hết
Anh nói anh yêu em nhất trên đời...vậy mà anh chết vì một người đàn bà khác.

Hường chỉ nghe qua một lần mà nhớ mãi. Cứ ước ao có ngày được xem lại bộ phim đó. Chỉ biết nhan đề tiếng Việt là  Tơ Vương Đến Thác.

Hường rất thích những lời thoại này. Định bụng lúc sang Mỹ việc đầu tiên là đi tìm người tình năm xưa. Nhất định phải tìm cho ra,  dù chàng ở chân trời góc biển hay là ở trong hóc bà tó  nào. Hường muốn tận mặt chàng, nghe chàng giải thích lý do đi cưới vợ. Và nàng sẽ bắt chước cô nàng trong phim, sửa đổi lời nói lại một chút. Anh nói anh yêu em nhất trần đời...sao anh đi lấy một người đàn bà khác.
Định bụng như vậy, nhưng khi đến Mỹ việc đầu tiên là Hường đi tìm việc. Qua đến đây rồi thì ai cũng như ai phải đi làm. Còn ba cái vụ tình cảm lăng nhăng ân oán giang  hồ để thủng thẳng từ từ tính. Và rồi Hường cũng biết người ta ở đâu. Không xa mấy, chỉ cách một tiếng đồng hồ lái xe. Còn có cả số điện thoại. Nhiều lần Hường cầm máy nhấn nút, nhưng rồi không nói gì lặng lẽ gát phone. Thôi. Bỏ qua. Quên đi. Còn gì nữa đâu.

Người xưa thì nhớ rõ từng chi tiết. Còn người đàn ông đầu ấp tay gối thì không biết là quen khi nào. Vậy mà cũng sống được tới giờ, hai con một trai một gái. Đứa lớn vừa tốt nghiệp bốn năm đại học, thằng con trai còn một mùa nữa là xong. Đứa con gái có một thằng bạn trai lâu lâu dẫn về nhà, quen nhau đã lâu mà không nghe tụi nó tính đến chuyện đám cưới. Con nhỏ cũng hai mươi bốn tuổi rồi. Thằng con trai thì chưa có bạn gái, về Việt Nam có ba bốn chỗ kêu gã con. Hỏi nó con thấy chỗ này có được không. Dạ được. Hỏi nó chỗ kia có được không. Dạ con thấy cũng được. Cái thằng. Đẻ ở Mỹ, tưởng nó kén chọn tìm hiểu, đôi khi còn phải sống thử xem có được không. Cái này ai nó cũng được. Cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đó. Ông nội nghe vậy để ông nội kiếm vợ cho con. Để ông nội lo.

Tiếng điện thoại reo vang. Chị Hường ngủ dậy  chưa, chút nữa đúng mười giờ thì tụi mình ráp sòng. Chị Hường làm ơn ghé quán mua dùm em hai ly cà phê sửa đá. Một ly nói họ để cà phê nhiều nhiều ít sửa. Em thích uống càng đắng càng ngon. Cám ơn trước nhe. Rồi. Chút nữa gặp.

Hường tới nơi thì còn thiếu một tay. Bà Liên thì lúc nào cũng đi trể. Hường kéo chị Trang lại hai bà nhiều chuyện. Sao lúc rày hai ông bà dẫn nhau đi casino hoài phải không. Thì buồn buồn không có chuyện gì làm, ổng thì mê kéo máy, lúc này tui thích baccarat không còn mê black jack nữa.
 Nhớ hồi lúc mới biết chơi, thấy người ta có hai cây bài giống nhau, chẻ làm đôi hai tụ, mình bắt chước, bài có hai thằng Tây cũng chẻ làm hai. Ổng đứng gần không nói gì, tới chừng mình kéo một bên lá hai, một bên lá sáu. Cái mười bảy ăn hết. Ổng nói mình ngu quá, chơi như bà đem tiền cho người ta ăn. Hường cười xoà, nhớ lần em mới chơi cũng vậy, bài hai thằng Tây cũng chẻ ra làm hai. Nhưng Hường chỉ kể tới chỗ đó, phần sau không kể sợ chị Trang phân bì chồng mình chồng người ta. Hôm đó anh Tình cũng đứng gần bên, chị Hường đưa mắt  nhìn,  ngõ ý em làm như vậy có đúng không. Anh Tình nói tuỳ  bà xã, thích sao chơi vậy. Cờ bạc mà, ai biết được, hên xui. Thương ông chồng tui ở chỗ đó. Bởi vậy có giận thì giận chút, chớ thương ổng trăm bề, hai vợ chồng hạp tánh, hạp tình, hạp đủ thứ.
Chị Trang hỏi vậy chớ anh Tình còn mê cá độ. Còn chị ơi, bỏ đâu được. Lúc rày còn thêm màn cá độ
banh dưa hấu. ??? . Football thì ổng nói cà na, còn basketball thì ổng nói dưa hấu. Có ông chồng tứ đổ tường cũng vui. Nhưng hai đứa tụi em giao hẹn, có chơi thì chơi chừng mực vừa phải. Có tiền thì chơi không tiền thì thôi, tuyệt đối không vay mượn không cầm đồ bán đạc. Ồng có nghe không. Có. Không đến đổi. Có khi em đi theo ổng vô quán, ổng ngồi coi game, em ngồi cạo số. Cạo số ? Số cạo đó chị không biết à ? Hai vợ chồng bà này thiệt tình là đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn.

Đánh  được mấy chến  bài thì có chuyện. Bà Liên xé đôi không chịu đền. Bà nói xé đôi thì bài người ta té rác, thiệt thòi người ta mà còn bắt đền. Không chịu đền thì nghỉ. Nghỉ thì nghỉ. Thiệt tình mấy bà lần nào chơi cũng cãi.  Còn sớm chán. Hường rủ chị Trang hai chị em mình đi massage. Massage ? Đàn bà cũng đi massage? Được không ? Chị ơi xứ này ai cũng như ai, vô đó thấy đàn bà còn đông hơn đàn ông là đằng khác. Chị đi theo em lần này cho biết, đã lắm.

Hường bắt đầu ghiền cái vụ massage này từ hôm đi theo ông xã. Nhưng thường nàng chỉ chọn foot massage chứ không phải body massage như lần đầu đi với chồng. Ông xã của tui cũng thiệt là vui, mình lần đầu bước vô mấy chỗ đó có hơi ngập ngừng, thấy ngày ngại kỳ kỳ làm sao. Ổng tự nhiên chọn phòng có hai giường dành cho cặp đôi hoàn hảo. Phòng để đèn mờ mờ nhạc nhè nhẹ êm dịu. Vừa bước vô thì ổng cởi  tuốt tuồn tuột. Cởi đồ ra đi em. Mình tưởng phải mặc đồ lót. Không. Cởi hết. Đâu có gì mà mắc cở  bà xã. Ở đây hay ở đâu ai cũng như ai. Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Một cặp đôi nam nữ bước vô nhẹ nhàng đóng cánh cửa lại. Bà xã nằm sấp úp mặt xuống như ông xã như vầy nè. Mình tưởng người nam sẽ đấm bóp người nam, người nữ phục vụ người nữ. Không, cô gái thì lo cho ông xã, còn anh chàng thanh niên thì massage mình. Nhớ hồi nhỏ ở Việt Nam có thấy mấy người đấm lưng cho ông ngoại hoài. Ông ngoại nằm sấp, ông thợ vừa đấm vừa bóp  kêu lộp bộp. Còn ở đây, anh chàng này lấy dầu thoa lên người, bàn tay nhẹ nhàng nhẹ nhàng. Xong phần nằm sấp rồi đến nằm ngữa. Anh chàng cũng lấy dầu xoa khắp người bàn tay nhẹ nhàng nhẹ nhàng. Bà xã thấy sao thích không. Thiệt là tình. Kể mấy chuyện này chắc chị bạn sẽ nói hai ông bà thiệt là đồng vợ đồng chồng. Không biết chừng bữa nay sẽ nói ông ăn chả bà ăn nem.

Đang nằm coi phim thì ông xã gọi Hường đi đón. Quán nhậu Phố không đèn quen thuộc. Đến nơi gọi phone ông xã nói em ngồi chờ chút. Anh đang hát. Dân nhậu bắt đầu lai rai ra về. Có mấy thanh niên tự nhiên kéo quần ra tè tại chỗ đậu xe.  Hường ngồi trong xe chắc họ không thấy, mà có thấy thì đã sao. Hường nghĩ quán nào mà không có rest room , chắc mấy ông này thích ngoài trời mát mẻ. Cảnh sát tình cờ đi ngang không biết có cho ticket? Chưa thấy ai bị phạt vì tội đứng đái ngoài đường.

Sau cùng thì ông xã bước ra. Bà xã có nghe ông xã hát không. Hường chẳng mấy để ý, cũng nói để ông xã vui, ông xã hát bài gì vậy. Một nửa đời em. Trong quán có cô tiếp viên hát bài này hay lắm. Lúc nào cũng một nửa đời em. Ông xã đôi mắt mơ màng, tay chân múa máy... Hát trong quán chưa đã, ngồi trong xe hát tiếp. Có mấy người đi xe gần bên, đưa ngón tay cái ý nói mày hát hay lắm...mà không biết họ có hiểu gì không.

Vừa bước vô nhà là Tình muốn leo lên giường. Ông xã đi tắm chút cho mát...em luộc mì gói hai đứa mình ăn. Tình chiều vợ. Bả có tật, tối ngủ là bắt mình đi tắm.
Hường áp má chồng. Thích cái mùi rượu thoang thoảng. Râu buổi tối mọc lún phúng. Cọ cọ thấy hơi đau mà thích. Thích cái cảm giác cọ râu ông xã. Hường nhẹ để môi kề bên môi. Muốn có một nụ hôn thật lâu thật dài. Sao vậy anh, sao lúc này ông xã làm biếng quá à nhe. Làm qua loa cho có như là để trả nợ quỷ thần. Tình ôm siết vợ bàn tay mân mê. Thích không. Thích. Cho bà xã mang bầu nhe. Hường cười khúc khích sướng tê. Ông xã mà làm bà xã  mang bầu, muốn gì em cũng chịu.  Thiệt đó. Hường tưởng chàng muốn cởi áo. Sao ông xã cởi hoài mà không xong. Bà xã có biết chuyện chú Tư Cầu không. Chú Tư Cầu là trai mới lớn miệt vườn. Có người yêu là cô Phấn. Khi màn đêm buông xuống, hai người dẫn nhau ra  chỗ vắng nói chuyện tâm tình. Cô Phấn là gái mới lớn, chưa biết gì, không dám cho trai cầm tay cầm chân. Chú Tư Cầu phải năn nỉ ỷ ôi, vòng vo tam quốc ba điều bốn chuyện cho cô Phấn xiêu lòng. Tới chừng mân mê định cởi áo, bà má xuất hiện, Phấn ơi đi về ba biểu. Ngày hôm sau cũng vậy, lúc chú Tư Cầu sắp sửa cởi áo cô Phấn, em cô Phấn xuất hiện, chị Phấn ơi về nhà má biểu. Cái điệu đó ngày nào cũng như ngày nấy. Tới phút cụp lạc, ai cũng hồi hộp chờ đợi coi chú Tư Cầu có làm ăn gì được không. Có người xuất hiện. Quý bạn muốn biết xin coi tiếp số ngày mai. Chờ hoài  chờ tới bảy ngày mà chú Tư Cầu cũng chưa cởi xong cái áo cô Phấn. Chú Tư Cầu nổi tiếng khắp Nam kỳ Lục tỉnh.
Chị Hường cười khúc khích, nhủi nhủi mặt vào nách anh Tình. Ông xã nói chuyện có duyên ác. Rồi bây giờ ông xã định bắt chước chú Tư Cầu hay sao. Bà xã ơi bữa nay ông xã hơi mệt, buồn ngủ quá. Bửu khác đền bù gấp đôi. Không có được, lúc này ông xã làm biếng quá. Học trò thức dậy trả bài, không được trốn học. Cô giáo ơi học trò không thuộc bài. Chị Hường vuốt ve ông xã. Học trò ngoan, học trò cưng, ráng trả bài, chỗ nào không thuộc, cô giáo nhắc. Anh Tình đôi mắt lim dim mơ màng, cô giáo này chắc là cô giáo Thảo. Không thèm tên Thảo đâu, chớ bộ Hường của anh không đẹp sao. Tình ôm chặc bà xã, hôn nhẹ. Không chịu làm cô giáo Thảo hả. Không. Cô giáo Thảo nổi tiếng lắm đó em. Ai cũng biết.

Hường sung sướng khi được chồng ôm chặc. Nàng chờ đợi. Lâu lắm mới có phút giây này. Chả bù khi xưa, hoài, đến phát sợ. Hai năm hai đứa con, cứ mỗi lần lên giường là tui run, sợ mang bầu. Giờ muốn mà không có. Biết vậy hồi trước đâu thèm kiêng cữ. Xả láng sáng về sớm.
Ông xã ơi, để em nói cái này cho nghe. Ủa sao êm ra bà rù. Hường ngồi dậy hai tay lắc lắc ông chồng. Ngủ thiệt hả, sao mau vậy, mới đó mà đã ngủ khì. Bó tay. Đã đành là làm sớm nghỉ sớm. Nhưng mà có sớm thì cũng sớm vừa vừa, có đâu mà sớm quá như vầy. Ông xã ông xã nói cái này cho nghe nè, vui lắm. Hết cách. Vậy mà ổng nói làm cho tui mang bầu. Cái điệu này hoài mười năm cũng chưa đẻ.



Thung Lũng Hoa Vàng
Một ngày mùa hè 2016






Friday, July 8, 2016

NHỮNG NGƯỜI TỪ TUYỆT TÌNH CỐC





                                                                                THẾ  UYÊN




Mùa hè năm đó tôi quyết định ra Huế. Một phần vì suốt đời tôi đã nghe nói nhiều về thành phố này, bạn bè xuất xứ nơi đây cũng đông, một phần vì tình hình chính trị và tôn giáo miền Trung đang bắt đầu sôi động dữ dội, có thể tác động tới tình hình chiến tranh Việt Nam. Hơn nữa, tôi được biết người bạn đồng môn cũ tại Đại học Sư Phạm và Văn Khoa Sài Gòn, là Hoàng Phủ Ngọc Tường đang là một trong những  lãnh tụ sinh viên thanh niên ngoài đó. Chính Tường, qua một bạn chung, đã nhắn tôi ra chơi.

Tường và tôi quen nhau khi bắt đầu học ban Cử nhân Triết và ban Việt Hán năm thứ hai. Vóc người anh nhỏ nhắn, đầy sức sống, thích tranh luận và dĩ nhiên là tràn đầy lý tưởng, muốn đóng góp tối đa cho dân tộc. Con người là như thế, lại có nhiều tư tưởng đi ra ngoài đường mòn của khuôn sáo Đại học, anh thường bị các giáo sư không ưa...như tôi vậy. Hơn nữa, tôi bị giáo sư Nghiêm Toản kỵ bao nhiêu thì Tường cũng bị y như thế. Thầy Toản trụ trì cửa ải bắt buộc phải đi qua là chứng chỉ Văn chương Việt Nam tại Văn khoa. Không có chứng chỉ này, dù có đỗ tới đâu, cũng không được cấp bằng cử nhân. Tường và tôi cộng lại, hai đứa rớt tới xấp xỉ bảy kỳ thi mà không đứa nào lấy nổi chứng chỉ này. Quan điểm văn học của giáo sư Nghiêm Toản quá cổ điển, quá khuôn sáo đường mòn, có lẽ chỉ hợp với một thời thái bình thịnh trị. Làm sao hai đứa thanh niên như bọn tôi có thể ép mình vào khuôn sáo đó.

Các cụ xưa thường bảo ngưu tầm ngưu mã tầm mã. Tôi với Tường sớm thân nhau cũng là lẽ tự nhiên. Nhưng hai đứa cũng lắm lúc bất đồng ý kiến hơi nhiều. Tôi đã bắt đầu viết văn, có lẽ vì thế nên nhìn cuộc đời và con người bao dung, nhân bản hơn Tường. Đương sự lúc nào cũng cực đoan, không đầu này thì đầu kia. Sau khi ra trường, Tường trở về Huế dạy học, còn tôi đi con đường riêng của mình, với nhiều sóng gió, và đã trở thành một người lính viết văn - hay là một nhà văn đi lính thì cũng thế. Nhưng dù là gì, đến mùa hè năm đó, tôi đã là một nhà văn thành danh, bắt đầu hơi ồn ào về một đường lối văn nghệ cũng như xã hội mới. Tôi biết Tường có đọc hết những bài văn  của tôi, và vì thế, anh muốn tôi ra Huế để tranh luận, và nếu có thể, kéo tới gia nhập phong trào đấu tranh dữ dội sắp phát động tại miền này.

Tôi đi cùng hai người bạn. Một người là chủ bút tập san chính tôi đang hợp tác. Người thứ hai là một sĩ quan không quân đang giữ chức vụ chánh văn phòng tại Bộ Thanh Niên - với cái gốc lính tàu bay chính cống, anh bạn này bao sân tất cả việc đi về của bọn tôi bằng máy bay quân đội. Sau khi phi cơ nhỏ đáp xuống sân bay trong Thành Nội, anh bạn không quân đã tách ra đi lo việc của anh, quẳng cho tôi cái xe jeep cũ xì của Ty Thanh Niên địa phương.

Được báo trước ngày giờ, anh bạn chủ bút và tôi kiếm ra Tường không khó khăn gì. Kể từ ngày chia tay nhau ở sân trường lạo xạo đá ong đầy bóng mát của Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, đây là lần đầu tiên hai đứa mới gặp lại nhau. Không kịp hàn huyên gì cả vì Tường cho biết Tổng Hội Sinh Viên đã họp mặt đủ để đón tôi tại trụ sở. Tất cả leo lên cái jeep cũ. Tôi lái, Tường chỉ đường cùng giới thiệu những địa danh nổi tiếng của Huế. Điểm đặc biệt làm tôi chú ý là cách kiến trúc các nhà, nhất là trong khu Thành Nội. Cái gì cũng nho nhỏ nhưng đầy tách biệt với nhau trong một thứ trầm lặng đầy sóng ngầm. Những con đường cũng thế, nhỏ, êm vắng nhưng không thanh thản. Tất cả như toát ra một cái vẻ vừa trì kéo của quá khứ, vừa muốn vùng lên mà bung ra dữ dội. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao con gái xứ Huế có phong thái vừa khép nép giữ gìn, ngoan ơi là ngoan, lại vừa đam mê cuồng nhiệt khi đã lâm vào thế buông thả.

Buổi trao đổi ý kiến tại Tổng Hội Sinh Viên chưa chi đã đầy sóng gió của bất đồng. Nếu cá nhân tôi đồng ý dễ dàng với những người bạn trẻ xứ Huế về điểm để chính quyền tiếp tục trong tay các tướng lãnh quân đội, thì tương lai dân tộc khó khá nổi, thì bọn tôi lại không đồng ý với nhau về chính sách chống lại Đảng Cộng Sản Việt Nam đang tấn công miền Nam. Cùng là lớp trẻ nên dù thảo luận có gay go, cái bụng cũng thấy đói. Cả bọn đồng ý hoãn tới ngày hôm sau, để cùng nhau đi ăn ở một quán cơm khá bình dân, sinh viên hay lui tới gần giòng sông Hương.

Rồi sau đó là theo Tường đi thăm những người bạn xứ Huế có uy tín đấu tranh, hoặc có ít nhiều chất văn trong người. Tôi đã đến thăm nhà của Trần Quang Long, căn nhà nghèo nhưng có vườn cây chanh nho nhỏ đủ để tác giả đặt tên tập thơ của mình là Hoa Chanh. Tôi đã ngồi trong căn phòng học nhỏ xíu của Nguyễn Đắc Xuân nghe những bài tâm ca mới làm của Phạm Duy, thu vào tape  đêm ông bạn già lênh đênh trên sông Hương cùng lớp trẻ này - đây là lần đầu tôi được nghe mười bài Tâm Ca, và đã thấy xúc động vô cùng khi nhìn xuống giòng sông nhỏ kề sát có bụi tre xơ xác buông rũ. Tôi đã được đưa đến một quán cà phê nhỏ xíu trong Thành Nội, ngay giữa lục bộ thời xưa của triều Nguyễn, đã vào điện Thái Hoà đứng cạnh ngai vàng để hiểu rằng các nhà lãnh đạo thời quân chủ của Việt Nam thường vô cùng khiêm tốn, tránh xa hoa, nếu so với các vị vương gia khác trên thế giới cùng thời. Tôi đã leo lên cửa Ngọ Môn uy nghi nhìn xuống quãng trường rộng phía dưới để hiểu rằng các vương triều thời xưa phải trọng võ đến mức nào. Làm người Việt Nam, lỏng tay cung kiếm là mất nước như không.

Tôi đã cùng Tường và các bạn khác nữa đã có lúc ngồi ở một quán cà phê do một đại gia suy sụp mở. Bàn kê ngay trên thềm hiên  cạnh ngạch cửa của một ngôi nhà lớn cổ kính rêu phong và tôi có giương mắt lên quan sát, dù ở đây hay trên các con đường của Vĩ Dạ, ít khi thấy bóng dáng một giai nhân tha thướt ẩn hiện. Có lẽ tôi chỉ được nhìn thấy nhiều cô gái Huế trong quần áo trắng mỏng manh vừa mời mọc vừa thủ thế che dấu tại cầu Trường Tiền giờ tan học. Có lần tôi đã nửa đùa nửa thật hỏi Tường : Huế như thế này thì yêu đương làm sao đây ? Coi bộ muốn tán một cô thì phải lập kế hoạch ngũ niên chăng ? ...Điều bất ngờ nhất là cả Tường và các bạn đi cùng đều xác nhận thời gian này là đúng. Họ đều biết nàng của mình, quen nàng từ lâu, rất lâu, trước khi có thể ôm lấy tấm thân mảnh dẻ với vòng eo nhỏ bậc nhất thế giới để mà  hôn lên môi hay rước nàng về làm vợ. Sự khẳng định này làm tôi nhục chí thấy rõ, không còn mơ tưởng sẽ có một cô bạn gái hay người tình xứ Huế nữa.

Cuộc thảo luận sau đó cũng không dẫn tới đâu. Bất đồng quá sâu đậm giữa hai bên. Nhất là về sự tham chiến của quân đội Mỹ. Những người bạn xứ Huế của tôi ghét Mỹ một cách tổng quát, rất thể xác. Có thể nói ngửi thấy mùi Mỹ, trông thấy người Mỹ là họ nổi gai lên rồi - dù những người lính Mỹ thời kỳ này muốn đến thăm Huế đã phải mặc thường phục theo yêu cầu của thượng cấp để khỏi chọc giận thanh niên nơi này. Những người bạn Huế nhắc quá nhiều tới chuyện một cô gái điếm trẻ bị lính Mỹ hiếp chết quăng xác vào bãi rác, thậm chí một lần khi tổng cộng tám người cùng leo lên chiếc xe jeep cũ tôi lái, đã có bạn buông ra một câu : "Tám người mình đâu có nặng bằng bốn thằng Mỹ ha !". Có thể nói họ có phong cách như các cụ xưa thời Minh Mạng Thiệu Trị và Tự Đức, coi người da trắng mắt xanh đều là bọn "Bạch quỷ", hoặc tệ hơn, như Nguyễn Huệ đã có lần coi người Tây phương là những cái xác trắng bệch trôi từ biển Bắc xuống.

Về điểm nào chứ điểm này tôi bất đồng dữ dội. Tôi trình bày thẳng thắn là tôi và các bạn ở Sài Gòn cũng có chống Mỹ, nhưng là chống chính sách Mỹ đang áp đặt cho Việt Nam. Nói kiểu bây giờ, là chống cái policy của chính quyền Mỹ đang theo đuổi trong chiến tranh Việt Nam - thứ policy  chắc chắn sẽ đưa miền Nam đến thảm bại trong tương lai. Cuộc chiến tranh này là của chúng ta mà, người Mỹ lúc này có mục tiêu tạm thời trùng hợp với Việt Nam Cộng Hoà, thì họ mang quân tới giúp. Ngày nào họ hoà được với Trung Quốc, ngày ấy họ sẽ rút khỏi phần đất Việt không vương vấn. Nước Mỹ nói chung, đâu có quyền lợi kinh tế và văn hoá nào đáng kể ở Việt Nam để vương vấn. Tôi trình bày thẳng thắn những ý nghĩ đó và nói thêm đối với tôi, sự hiện diện của quân đội Mỹ là cái mộc tốt, đỡ đòn cho ta để người Việt quốc gia có đủ thì giờ chấn chỉnh lại nội bộ một cách toàn diện, nghĩa là làm
Một cuộc cách mạng không Cộng Sản, để sau đó mới có đủ sức giữ vững miền Nam. Đến đây thì Tường và các bạn Huế không có gì phản đối. Nhưng khi tôi nói rõ thêm rằng như thế  quân đội Mỹ là một thứ bạn đồng minh thực sự, dù là giai đoạn, thì tất cả những bạn này phản đối. Tôi cũng chẳng chịu, tôi cũng trẻ như họ, hăng hái kém gì trong ngôn từ và tranh luận, nên đã tuyên bố đại khái :
"Tôi đã từng chiến đấu cạnh những quân nhân Mỹ, và trong tương lai nếu cần, tôi sẽ còn tiếp tục như thế !".

Đến đây cuộc thảo luận bế tắc. Chẳng ai chịu nhường ai điểm nào. Người bạn chủ bút liền đề nghị chấm dứt mọi thảo luận chính trị để khỏi bất hoà. Tường và tôi là bạn học cũ nhiều năm, không ai muốn tan vỡ tình thân hữu đó. Cả hai bên đồng ý kể từ nay chỉ gặp gỡ nhau trên bình diện thân hữu và văn nghệ mà thôi. Tường liền đề nghị một buổi gặp gỡ thuần tuý văn nghệ tại Tuyệt Tình Cốc đêm hôm sau.

Tuyệt tình cốc ? Nội cái tên nghe cũng đã  được rồi. Thời đó thế hệ thanh niên bọn tôi đều mê kiếm hiệp Kim Dung, đến độ ở Sài Gòn thiếu gì người cầm bút đã mượn tên các nhân vật của Kim Dung làm bút hiệu, và các bạn Huế của tôi sau này mở một quán cà phê nhỏ, cũng đặt tên là Doanh Doanh. Tối hôm sau, tôi lái cái jeep cũ một mình tới điểm hẹn  đón Tường. Thành phố Huế còn xa lạ với tôi, Tường bảo quẹo đâu thì tôi quẹo đó để rồi ngừng ở một con đường u tĩnh - bây giờ bảo tôi nhớ tên hay kiếm lại, chắc không nổi. Đã thế, Tường dắt tôi đi bộ trên đường nhỏ len giữa các hàng rào cao.

Tuyệt Tình Cốc là một căn nhà tranh vách gỗ giản dị nằm sau một sân rộng. Cả ba gian nhà đã đầy người dưới các ánh nến chập chờn. Hầu hết là thanh niên, ngoại trừ ba người là nữ. Và người nữ lớn tuổi nhất nơi đây được Tường giới thiệu dưới cái tên Tuý Hồng. Tuý Hồng thì tôi biết vì mới đọc vài truyện ngắn đầu tiên của cô đăng trên Bách Khoa. Lối viết mạnh bạo, nhất là về địa hạt tình dục của cô gái này làm tôi thích thú - tôi vẫn nghĩ từ lâu tình yêu bao giờ cũng bao gồm  cả tình cảm lẫn thân xác, viết văn mà chỉ lãng  mạn nhìn nhau qua hoa lá cỏ cây thôi không đủ. Phải nhìn thấy và thèm muốn thân thể nhau nữa...

Tôi không có thì giờ để nói nhiều với Tuý Hồng đêm đó ngoài vài câu chào hỏi vì số người hiện diện khá đông. Là khách phương xa nên tôi được mời ngồi trên chiếu giữa trải ngay trên nền đất, và khỏi nói cũng có thể biết ly cà phê được pha thật ngon, đậm sánh.  Dưới ánh nến mờ ảo khói  thuốc bay mù mịt thân ái quyện vào nhau. Bọn tôi đã giao hẹn trước,  đêm nay không một ai được nói đến chuyện chánh trị, cách mạng, xuống đường, đấu tranh chi hết.

Sau cùng đến mục văn nghệ. Tường giới thiệu với tôi người bạn trẻ nhỏ và gầy, đôi mắt dịu dàng sau làn kính cận, hầu như không nói gì từ lúc bắt đầu dù anh ngồi đối diện  tôi. Đó là Trịnh Công Sơn.
Lúc ấy nhạc của anh chưa được in ra, ở miền Nam chưa ai biết tới anh, kể cả tôi. Từ hôm tới Huế, Tường đã vài lần nhắc tới Trịnh Công Sơn và khen rất nhiều tài năng của người nhạc sĩ trẻ này. Tôi đã chỉ ừ à cho phải phép. Nhưng đêm nay, ngay sau khi Sơn ôm đàn hát lên  một bài của mình về một vết lăn trầm, tôi đã thấy ma lực của lời cũng như nhạc. Sơn càng hát thêm, tôi càng cảm thấy bị quyến rũ. Có lẽ đây mới là thứ nhạc của thế hệ trẻ chúng tôi, thế hệ lớn lên trong cuộc chiến khốc liệt kéo dài. Cuộc chiến do thế hệ cha chú phát động, nhưng bọn tôi phải cầm súng, chiến đấu và chết, dù chết như một nạn nhân vô danh trong một cuộc pháo kích tầm thường tăm tối. Tôi đã thành thực khen tài Trịnh Công Sơn đêm đó, anh vẫn chỉ cười nhẹ nhàng và hiền lành sau đôi kính cận. Có thể nói trong những bạn Huế của tôi thời đó cũng như sau này, không ai hiền lành, khiêm tốn bằng anh.

Khi rời Tuyệt Tình Cốc đêm đó, tôi với Tường tách ra đi riêng trong đường hẹp tăm tối. Với tư cách bạn cũ, tôi đã hết sức khuyên Tường đừng phát động cuộc đấu tranh dự trù, bởi vì dù có lật đổ được tướng lãnh này hay kia, đâu có thay đổi được tình hình. Tôi cũng e ngại rằng sau khi thất bại, Tường và các bạn sẽ không còn đường chạy nào khác là ra  ngoài mật khu với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam...Những con người cộng sản Việt Nam trước sau cũng theo chủ nghĩa Mác Lê Nin  tới cùng và đó chẳng phải là một giải pháp tối ưu - có thể nói thêm đó là một giải pháp chót, tệ nhất cho dân tộc Việt.

Tôi cũng nói  đã thấy thấp thoáng cạnh Tường người của Mặt Trận  cài vào. Tường năn nỉ chỉ giùm những người đó, dĩ nhiên tôi từ chối vì bản thân cũng không biết chính xác. Tôi cũng rán thuyết phục Tường đưa phong trào  tách khỏi thầy Trí Quang bởi vì trong những vị sư lãnh đạo thời đó, tôi e dè thầy này nhất,  vì ông tuy có uy tín, có tài lãnh đạo, nhưng lại không có một chính sách nào đáng kể và dài hạn cho miền Nam cả. Về điểm này, Tường cương quyết lắc đầu vì anh cho rằng không có thầy Trí Quang, anh và các bạn trẻ sẽ không đủ sức phát động cuộc đấu tranh mong muốn.

Những người muốn  quá giang xe tôi, trong đó có Tuý Hồng, đã lên xe ngồi đợi nên hai đứa không thể nào kéo dài câu chuyện. Tôi đưa tay bắt Tường thật thân hữu, Tường đáp lại nồng nhiệt không kém, vì cùng ý thức được rằng cả hai sắp lao vào những cuộc chiến đấu lớn lao, phải trả giá bằng sự tự do và cả sinh mạng của chính mình. Mỗi người một con đường.

Tôi một lần nữa lái xe trong đêm khuya của thành phố cổ kính trầm lặng nhưng sôi sục ngấm ngầm. Ai bảo tôi quẹo đâu thì tội quẹo đó, bảo ngừng cho xuống thì tôi ngừng. Sau cùng chỉ còn Tuý Hồng ngồi cạnh tôi. Nàng đã nhỏ nhẹ chỉ đường cho tôi về nhà nàng, gần một con sông nhỏ xíu có một bến nổi danh từ lâu trong thi ca Việt Nam, nhất là trong những đêm trăng. Và đêm nay cũng có trăng, dù trăng hơi mờ. Khi tôi ngừng xe ven đường có con hẻm nhỏ dẫn vào nhà Tuý Hồng, trong một khoảnh khắc, cảnh đẹp nơi này đã làm người tôi ngẩn ngơ. Tôi im lặng và Tuý Hồng cũng thế. Nhà văn mới viết này rụt rè, ít lời trong giao tế - sau này nổi tiếng khắp nước với bút pháp độc đáo, lối sử dụng chữ nghĩa tiếng Việt khéo léo như phù thủy có ma thuật, cũng vẫn dịu dàng, rụt rè trong giao tế thường nhật như thế thôi.

Sau cùng tôi xuống xe, đi vòng sang phía bên kia đỡ cô gái xuống. Hai đứa từ giã nhau giản dị như hai người bạn cũ và tôi châm một điếu thuốc đợi Tuý Hồng đi khuất vào trong hẻm, dưới ánh trăng nhạt tràn đầy trên tất cả...Tôi cho xe chạy ra bờ sông. Một đêm như thế này, làm sao có thể ngủ được. Hai người bạn đồng hành từ Sài Gòn đã hẹn tôi ở một quán để cùng nhau ngủ đò trên sông Hương đêm nay. Tới Huế, dù có lang thang tới đâu, thăm đủ các lăng tẩm chùa chiền, nhưng nếu là nam nhi, chưa ngủ đò, thì kể như chưa trọn vẹn là đã tới Huế.

Bến đò ba đứa bọn tôi hẹn nhau có cảnh cũng tầm thường thôi, nhưng khi con thuyền đã tách bến, neo gần giữa giòng sông, thì cảnh thay đổi hẳn. Những ánh đèn bên trong bờ loé sáng thơ mộng hơn, không lấn át ánh trăng tỏa trên thuyền, trên giòng sông có nước hầu như không chảy. Ba đứa tôi bàn đủ thứ truyện, các đề tài sôi động của  thời ấy, xen kẻ với những lúc gọi các hàng  quà,  gọi bia. Chưa nơi nào hàng rong thơ mộng như trên giòng sông này. Mỗi một hàng là một con thuyền nhỏ, dáng thon mảnh  như lá tre, một ngọn đèn dầu nhỏ tỏa một vòng nhỏ ánh sáng cạnh một bếp đỏ  than  hồng. Món gì cũng nóng hổi, thơm lừng và dĩ nhiên cay xè. Ăn xong một tô bún bò nhỏ cay bỏng lưỡi để rồi sau đó tu một chai bia 33 ướp lạnh, không gì thú vị bằng.

Nhưng rồi cũng như bao cuộc ăn nhậu giữa các nam nhi xa nhà với nhau, đề tài cuối cùng được đưa ra vẫn là kiếm một bạn đồng sàn một đêm. Cái gì chứ cái đó trên sông Hương thì dễ có thôi...Nhưng các nàng kiều nữ xuất hiện cũng khác tại bất cứ nơi đâu : tất cả đi bằng những chiếc thuyền nhỏ  thanh mảnh từ từ đậu sát vào chiếc thuyền lớn. Cô nào cũng mặc đồ bộ  may bằng vải nylon mỏng nhất  phủ ra ngoài những bộ đồ lót nhỏ xíu, mỗi người một màu sắc khác nhau. Bọn tôi đỡ các cô lên thuyền, đặt ngồi cạnh trên khoang phía trước, nhưng chưa ai thấy hứng thú dục tình. Cảnh trí đẹp, đề tài ba đứa  đang thảo luận quá hào hứng, nên bọn tôi chỉ tháo gở hết toàn bộ áo quần hai cô gái rồi để nằm dài bên cạnh dưới ánh trăng. Ngay tôi cũng vậy, vừa uống bia vừa thảo luận, tay kia vuốt ve thân hình đầy đường cong êm ái của cô gái nằm cạnh, thấy cũng quá đủ thú vị, không cần phải có mục sau cùng. Nhưng các cô thì khác, thời gian với họ là tiền bạc. Mỗi đêm họ cần cho thuê thân xác tối đa...Bởi thế cô gái nằm cạnh tôi sau cùng đã nói nhỏ : Các anh đi đi cho tụi em còn về..

Đã được nhắc thì phải mang nhau vào khoang trong nhập cuộc mây mưa thôi, và quả thực đêm đó khoái cảm tôi thu nhập được thật nghèo nàn.
Ra ngoài khoang trước tiếp tục uống bia hút thuốc ngắm trăng còn thú vị hơn nhiều.


Đêm thức khuya nhưng bọn tôi vẫn dậy sớm vì những tiếng cười  nói  nô giỡn của phái nữ ngay trong  giòng  sông. Tôi thò đầu ra ngoài đúng lúc mặt trời bắt đầu tỏa những ánh hồng đầu tiên trên những kiều nữ  từ tất cả các thuyền có thuê thân xác các cô qua đêm. Họ cứ mặc nguyên bộ đồ mỏng như thế mà bơi trong nước, thỉnh thoảng lại leo lên  một tảng đá ngầm, đứng thẳng người lên tắm gội. Cả ba đứa tôi cùng đột nhiên để ý  tới một cô gái mặc đồ xanh đứng trên đá ngầm gần thuyền. Bộ đồ mỏng ướt nước đã bày lộ  rõ một thân hình đẹp, chắc chắn nhưng mảnh mai của con gái thành thị -
không ngắn và háng chắc quá to như các cô gái điếm thông  dụng khác - người bạn tôi đưa tay vẫy, cô gái mĩm cười, bơi lại. Bọn tôi đưa tay kéo cô gái lên thuyền, đưa vào khoang trong. Sau một đêm nhậu nhẹt và một giấc ngủ ngon, lòng trai bây giờ mới nổi sóng dữ. Nhất là dưới ánh nắng đầu tiên  chiếu qua cửa sổ khoang thuyền, thân hình cô gái tuyệt đẹp, trắng không một vết gợn. Cả ba đều giành nhau  nhập cuộc trước nên tôi đề nghị rút thăm. Nghe lời đó, đột nhiên cô gái chua chát nói với tôi : "thân em đã đến như thế này mà anh còn nỡ đưa  ra làm đồ vật  để bắt thăm sao?"
 Từ khi lớn lên,    Tôi đã gặp gỡ thiếu gì gái điếm và chưa bao giờ tôi khinh bỉ họ. Đối với tôi, họ đáng thương và dù có làm điếm, cũng vẫn là một con người. Tôi thường bao giờ cũng dịu dàng và thân hữu với họ. Bởi thế, sau khi nghe câu trách của cô gái, tôi buông ngực nàng ra, ngỏ lời xin lỗi, rồi bỏ ra ngoài mũi thuyền, uống ly cà phê nóng đầu tiên của một ngày trên giòng  nước đã chuyển sang màu xanh thẵm dưới ánh nắng của một ngày mới bắt đầu.

Bọn tôi rời chiếc thuyền và giòng  sông đi Đà Nẵng, lên máy bay quân sự trở về Sài Gòn vào lúc đêm đã khuya. Từ đó chưa lần nào tôi gặp lại Tường nữa.

Cuộc chiến đấu của Tường và những thân hữu xứ Huế đã bùng ra sôi nổi vô cùng sau đó. Nhiều năm, rất nhiều năm về sau, nhà văn Nguyễn Mộng Giác ở Hoa Kỳ đã lấy nhân vật Hoàng Phủ Ngọc Tường này, thêm phần hư cấu tạo ra nhân vật Tường trong truyện dài Mùa Biển Động. Trên thực tế, đúng như tôi đã lo ngại, khi cuộc chiến đấu thất bại, đa số những người bạn này, kể cả Tường, chỉ còn con đường chạy ra ngoài khu với Việt Cộng. Sau 30 tháng tư 1975, Tường đã cùng một số bạn sống sót trở về trong hàng ngũ của kẻ chiến thắng và thống trị mới. Tôi không biết anh giữ những chức vụ gì  ở ngoài Huế, chỉ thỉnh thoảng đọc một vài ký sự hay truyện ngắn anh đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Tài văn chỉ đại khái thôi. Và dĩ nhiên anh chẳng bao giờ  liên lạc hay tới thăm tôi nữa. Cái tệ của chủ nghĩa Mác Lê là ở chỗ đó. Đã không cùng một lý tưởng, thì cha mẹ anh em bạn bè cố tri cũng đều có thể coi như kẻ thù.

Trong những người từ Tuyệt Tình Cốc  đêm đó đi ra, có hai người sau này danh tiếng lẫy lừng. Người thứ nhất là Tuý Hồng đã bỏ Huế vào Sài Gòn lập nghiệp, nhưng có một nếp sinh hoạt khác nên thỉnh thoảng tôi mới gặp lại ở các toà soạn báo Văn hay Bách Khoa. 
Người thứ hai là Trịnh Công Sơn. Sơn nổi tiếng nhanh không kém và danh tiếng phổ biến khắp quần chúng .  Nhưng dù nổi tiếng như thế, tác phong anh vẫn giản dị như xưa. Tôi thỉnh thoảng gặp anh  ở khu nhà tiền chế trong khuôn viên của trường Đại học Văn Khoa. Vẫn xềnh xoàng với chiếc áo sơ mi kaki hay trắng ngắn tay với chiếc quần không mấy khi  thẳng. Sau này anh có thuê một căn gác nhỏ và khi tôi tới chơi đúng hôm trời mưa, thì mái dột tứ tung. Chủ và khách cứ việc thoải mái xê dịch sao mưa khỏi rơi trúng đầu là được. Tôi không biết các nhà xuất bản in nhạc anh, các nhà thu băng...có trả tác quyền anh khá không, chứ phần tôi, chưa bao giờ thấy anh có tiền nhiều một chút. Có thể nói anh không quan tâm đến tiền bạc, ngay chuyện tác quyền, anh cũng để các em đứng ra thay thế.


Vợ tôi, y hệt trăm ngàn phụ nữ khác của thế gian này từ thời khai thiên lập địa tới giờ, rất quan tâm tới việc xem ai là người tình của Trịnh Công Sơn. Và quả thực tôi đã không trả lời được. Tôi không thấy dấu vết đâu là người tình của Sơn. Tôi chưa bao giờ gặp anh đi thân thiết với một cô gái nào. Có thời kỳ tôi tưởng Khánh Ly  có thể là " người tình trong bóng tối " của Sơn, vì Sơn hay nhắc tới cô du ca này với giọng trìu  mến. Anh khen Khánh Ly có một thông  minh tuyệt vời về âm thanh, dạy qua một vài lần là đã hiểu, nắm vững được bản nhạc cùng cách thế diễn tả. Nhưng tôi biết là không phải từ hôm đang  đứng nói chuyện  với Sơn ở thềm hiên Hội Hoạ Sĩ Trẻ Sài Gòn. Khánh Ly tới, cần hỏi anh điều gì gấp. Nhìn cách thế cô du ca này đặt tay lên cánh tay Sơn, nhất là nhìn ánh mắt nàng nhìn Sơn, tôi hiểu giữa hai người chưa bao giờ có chuyện ái ân. Phụ nữ, khi họ đã từng làm tình với một đàn ông nào trong yêu thương, ánh mắt họ nhìn người đàn ông ấy sẽ hơi có tính cách sở hữu thân thuộc khá dễ nhận ra.
 Nhiều năm về sau, trong một bài phỏng vấn ở Hoa Kỳ, nữ ca sĩ này cũng xác định  là trước sau không có quan hệ thân xác nào với Sơn cả.

 Vậy ai là đối tượng yêu đương để nhạc sĩ này làm ra những bản tình ca tuyệt vời như thế ? Tôi không biết và e rằng cũng chẳng còn cơ hội nào để biết.

Cùng ở Sài Gòn, nhưng tôi quá bận nên thỉnh thoảng mới gặp Sơn. Một lần nhóm Thái Độ tổ chức một buổi ra mắt sách tại quán Hầm Gió của Nam Lộc. Phạm Duy, Miên Đức Thắng và Trịnh Công Sơn đều đến tham dự. Khi men bia đã ngà ngà, một người đề nghị cả ba nhạc sĩ lên hát chung một bài. Đứng giữa Phạm Duy mập mạp và Miên Đức Thắng đẹp trai to khỏe, Sơn thật mảnh mai, thư sinh. Sơn đề nghị hát một bài của Phạm Duy, nhưng ông bạn già này tế nhị từ chối. Sau cùng cả ba cùng đàn và hát một bài của Sơn, trong lúc đó tôi ngồi ngay trên bục gỗ dưới chân, tay cầm một ly bia lớn. Tôi đã thích thú vô cùng vì bài nhạc được lựa là một trong những bài tôi ưa thích nhất thời đó.

Vài hôm sau 30 tháng tư 1975, tôi đang đạp xe tới trường thì gặp Sơn đang đứng ở vĩa  hè gần ngã tư Phan Thanh Giản Lê Văn Duyệt. Hai đứa mừng rỡ bắt tay nhau. Sơn than với tôi là anh đến Quận 3 để xin về Huế thì bị ban Quân Quản ốp, đòi xuất trình giấy tờ chứng tỏ là ngụy quân ngụy quyền. Mấy bộ đội nơi đây lý luận rằng ở hạng tuổi Sơn, nếu không đi làm công chức thì chắc chắn phải đi lính. Sơn đã giải thích rằng anh đã trốn lính và lần này bị ốp nặng hơn. "Giấy chứng nhận trốn lính của anh đâu ?". Nghe kể, tôi phì cười và hỏi ông bạn nhạc sĩ hiền lành đã kiếm ra cơ quan nào phụ trách  cấp giấy tờ chứng nhận trốn lính hay chưa...Tôi có hỏi anh về vụ anh hát bài Nối Vòng Tay Lớn  trên đài  phát thanh những giờ đầu tiên miền Nam đổi chế độ, thì anh cho biết là bạn bè ngoài khu về kiếm ra anh ngay, kéo lên xe đưa đến đài phát thanh. Không kịp về nhà lấy đàn, nên anh phải hát tay không.

Sau khi tôi được tha khỏi trại cải tạo, tình hình phía Trịnh Công Sơn đã khá hơn. Trước hết anh không phải đi cải tạo - trong ba diện chính phải đi là sĩ quan, công chức từ cấp phổ thông  trở lên và đảng phái cũ, thì anh đều không dính. Hơn nữa, anh đã được hội nhạc sĩ thành phố kết nạp làm hội viên. Trụ sở hội đặt tại một toà nhà nhỏ trong khuôn viên của Hội Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh đường Trương Minh Giảng. Mỗi lần tôi ghé câu lạc bộ nơi này thăm bạn bè như Sơn Nam hay Vũ Hạnh, tôi đều gặp anh.

Có lần được đọc một bài Sơn viết đăng trên một tạp chí của Đảng trong đó anh tuyên bố rằng trước tháng tư  75 anh đã đi trong bóng đêm và làm những lời than khóc, còn bây giờ  anh đã được đi trong ánh sáng mặt trời...Nhưng đọc thì đọc thôi, tôi không có ý kiến gì bởi vì trong chế độ cộng sản, ai cũng có thể bị ép buộc  để nói ra những lời không thật, lắm khi trái cả với ý nghĩ hay lập trường chân thật của mình. Ngay cả báo chí phỏng vấn cũng vậy. Bất cứ ai khi được phỏng vấn, đều được mớm sẵn câu trả lời cho đúng bài bổn. Giả thử ai  có tuyên bố bất ngờ khác với bài bổn qui định, thì toà báo cũng không đăng. Chưa kể trong nhiều trường hợp, nhà báo còn ghép  cho mình  những câu không hề nói.

Bởi thế trong thời kỳ cắp sách đi học Văn và Sử  tại trường Sư Phạm Bồi Dưỡng, khi giáo sư chủ nhiệm bấm cho biết  hôm nay sẽ có nhật báo  Sài Gòn Giải Phóng đến kiếm để phỏng vấn, tôi đã khá đau đầu để kiếm cách tránh né. Đang là sinh viên, đâu có cúp cua  ở nhà dễ dàng được - nhất là khoá học này quan trọng đặc  biệt cho toàn thể gia đình : tôi có học xong và được bổ nhiệm làm giáo sư trở lại thì cả nhà  mới khỏi phải đi vùng kinh tế mới An Biên tít mãi miệt Rạch Giá sình lầy...Cứ nghĩ tới cảnh vợ tôi phải lội sình ngang lưng với đỉa như bánh canh, thì quả thật tôi không đùa với ban giám đốc trường đang học được. Sau cùng tôi đã phải dùng một kế rất trẻ con  là giờ đầu kiểm danh, tôi có mặt đàng hoàng, nhưng đến giờ thứ hai thì tôi rủ một người bạn nữa phóng qua cổng chui vào quán cà phê túi gần đó núp. Giờ chót lại có mặt trong lớp. Giáo sư chủ nhiệm túm lấy tôi, than là đã phải để phóng viên trở về tay không vì không kiếm ra tôi...Tôi mượn vài lời nói khéo xin lỗi cho qua, còn hơn là để bị phỏng vấn rất tức cười. Tránh không được thì bà con Sài Gòn sẽ được đọc một bài Thế Uyên tuyên bố bí beng  giống y chang  một nhà văn chính cống từ miền Bắc mới vào.
 Ngay về sau Tin Sáng của Ngô Công Đức phỏng vấn cũng vậy, chỉ có một phần lời tuyên bố là của tôi, còn lại là nhà báo tự tiện thêm vô cho " đúng bài bổn".

Tuy ở vị trí khá hơn tôi nhiều, nhưng về phương diện tác phẩm thì Sơn cũng chịu chung cùng một số phận. Toàn thể những bản nhạc anh sáng tác trước 30 tháng 4, 1975 đều bị xếp loại "văn hoá thực dân mới" ( Đảng gọi toàn bộ văn hoá văn học của miền Nam bằng từ ngữ như vậy), bị cấm phổ biến, tàng trữ và lưu hành. Toàn bộ đây là tất cả, kể cả bài Sơn hát về Nối vòng tay lớn  để cùng xây dựng lại đất nước.

Thật cũng kỳ lạ, nhiều năm về sau, sau khi định cư ở Hoa Kỳ, tôi lại thấy trên một số báo chí  hải ngoại có những bài hô hào đừng nghe đừng hát nhạc Trịnh Công Sơn sáng tác trước tháng 4-75 nữa vì đương sự là cộng sản. Những người cộng sản khi phủ nhận nhạc Sơn, họ có một hệ thống kinh điển và bài bổn lập luận đàng hoàng. Còn những người cầm bút ở hải ngoại kia...
Nhưng như trên đã ghi, Sơn ở vị trí khá hơn, thoải mái hơn anh em văn nghệ sĩ miền Nam cũ. Anh bị xoá bỏ toàn bộ quá khứ, nhưng đảng cho anh tiếp tục tồn tại như một nhạc sĩ. Anh vẫn được ôm đàn đi hát những nơi anh được mời. Còn về sáng tác, anh vẫn được phép làm nhạc. Nhưng bài nào được phổ biến, bài nào bị vứt vào ngăn kéo, đó là quyền của đảng, không phải do Sơn. Tôi có theo dõi những bài Sơn mới làm, một số bài khá hay, được phổ biến từ Bắc tới Nam và thu vào tape cho cassette. Bước vào một  quán cà phê nào có để nhạc, khách hàng cũng được nghe một vài bản của anh. Đề tài của nhạc Trịnh Công Sơn bây giờ thường là đề cao tình yêu thương giữa các người đồng loại, lòng say mê lao động tại các nông trường công trường xa.

Và đúng như lời Sơn tuyên bố, bây giờ anh không làm những lời than thở nữa. Nhạc anh mới làm, vui và hào hùng một cách nhẹ nhàng. Tôi ở lại với chế độ cộng sản hơn mười hai năm mới ra đi, trong suốt thời gian dài này, chưa bao giờ tôi thấy anh làm một bài nào ca tụng Hồ Chí Minh, ca tụng đảng cả.
Về nghệ thuật, bản thân tôi cũng như lớp trẻ mới lớn lên sau này, đều nhận thấy anh làm không hay bằng trước. Trước mười phần thì bây giờ chỉ còn chừng sáu bảy phần. Nhưng bấy nhiêu cũng quá đủ để nhạc anh tiếp tục được ưa chuộng, và lần này, suốt từ Nam ra Bắc.

Đó là nói về văn chương chính thống, được phổ biến công khai. Còn trên thực tế, dân chúng cả hai miền vẫn thích nhạc trước tháng 4-75 của Sơn. Đảng cấm gắt gao thì ta hát nho nhỏ, nghe thì thào. Từ những người bộ đội trẻ của miền Bắc tới cán bộ lớp trung niên trở xuống, đều mua lén những tape  nhạc cũ của Sơn để nghe một cách say mê, say mê hơn cả những người miền Nam chính cống nữa. Khỏi nói khi nghe và nghe say sưa những bản  nhạc vàng  đầy tình người này, tâm hồn những con người tưởng đã sắt đá trong chủ nghĩa ấy đã bắt đầu thay đổi.

 Phía tôi, càng ngày tôi càng lánh xa con đường chữ nghĩa văn chương. Tôi không thể tiếp tục viết nếu những bài văn tôi viết không phục vụ cho dân tộc tôi. Thậm chí có lần tôi đã chua chát trả lời đại diện một tờ báo đảng mời tôi viết rằng "Bây giờ tôi viết cho ai đây. Viết cho nhân dân thì các anh không cho. Còn viết để ca tụng đảng, ca tụng chế độ xã hội chủ nghĩa thì các anh  đã có quá đông người. Tôi rất tiếc không thể chen chân vào hàng ngũ ấy..."
Vào thời đó, lối ăn nói kiểu này gây mất lòng mất bề kinh khủng. Bởi thế ngay đến Hội Văn Nghệ Thành Phố cũng không chịu cho tôi gia nhập, dù chỉ với tư cách dự khuyết. Theo cách tổ chức của chế độ cộng sản, không được kết nạp vào hội văn nghệ  nào, kể như văn nghiệp bị xoá bỏ  cho cả tương lai.

Kể từ đó tôi ít lui tới trụ sở hội văn nghệ ở đường Trương Minh Giảng, và nếu có theo bạn bè đến, chỉ để uống cà phê khá rẻ ngoài sân cỏ rộng đầy cây cao bóng mát. Một lần, Sơn đã tâm sự với tôi, giọng buồn rầu :"Đứa em chót của tôi vượt biên và đã tới Mỹ. Anh có biết nó viết thư cho tôi thế nào không, khi nó là đứa em gái tôi thương nhất. Nó bảo rằng anh Sơn ơi từ giờ khỏi lo nhé. Bọn em kiếm dư tiền gửi về nuôi anh no đủ để tha hồ mà sáng tác cho đảng !" Nghe lời than này, tôi chỉ cười vì không biết nói sao.

Nhiều năm nữa trôi qua tôi mới lại uống cà phê nơi trụ sở hội này. Không còn là nhà văn nữa, lui tới nhiều làm chi. Lần đó, tôi cũng gặp Sơn. Tình hình lúc đó đã thay đổi nhiều. Chủ nghĩa Mác Lê Nin đã tỏ ra thất bại trong việc mang lại tự do và cơm áo cho toàn dân, hàng ngũ đảng viên cán bộ đã thoái hoá nhiều, biến thành một thứ quan lại Bắc Kỳ tham ô hống hách. Đa số các đảng viên đã hết là con người cách mạng, mơ thực hiện một giấc mơ thiên đường hạ giới cho toàn dân.
Tôi hỏi đùa Sơn :"Trước 75 anh bảo là anh đi trong bóng đêm, sau 75 vài năm thì anh bảo anh đi dưới ánh sáng mặt trời, vậy thì bây giờ anh đang đi  dưới ánh sáng gì ?". Sơn nhìn tôi với đôi mắt vẫn hiền lành sau làn kính cận, không trả lời, quay lưng bỏ đi không một lời giã từ.

 Đó là lần cuối cùng tôi gặp Sơn, một con người ra đi từ Tuyệt Tình Cốc năm xưa.

Đêm đầu tiên tại trại tị nạn bên xứ Phi,  cả gia đình tôi dùng những đồng tiền  cuối cùng mang theo ra quán cà phê do dân tị nạn mở trong trại. Xứ Phi cũng có mùa đông nên trời khá lạnh. Quán lại bày bàn ghế  giữa trời nên bọn tôi mặc thêm áo lạnh và tape nhạc đầu tiên bọn tôi yêu cầu chủ quán để cho nghe là một tape nhạc cũ của Trịnh Công Sơn. Ở Việt Nam, mọi người vẫn đàn và hát nhạc Trịnh Công Sơn cũ, nhưng bao giờ cũng mắt trước mắt sau xem có công an hay cán bộ nào ở trong tầm của âm thanh hay không. Ngay lũ con tôi cũng vậy, thường tới đêm khuya, tôi đã ngà say với xị rượu, chúng mới mang đàn ngồi chiếc ghế đối diện đàn những bản nhạc cũ xưa cho tôi nghe...Bây giờ đến được vùng đất tự do, phải nghe cho lớn và công khai cho đã.

Sau khi đã định cư ở Mỹ, tôi mượn tất cả những tape nhạc cũ của Trịnh Công Sơn của các bạn bè đi trước, để vừa uống bia vừa nghe lại hết những âm điệu cũ trong mùa đông dài đầu tiên nơi quê hương mới còn đầy xa lạ. Nhưng dĩ nhiên cả nhà dần dà không còn thấy hay, rung động như thời ở quê hương cũ nữa.

Con người phải thay đổi để hội nhập vào xã hội mới. Chúng ta phải xa dần nếp sống ngày xưa với nền văn hoá cũ quen thuộc. Người Việt hải ngoại mỗi ngày một nghèo đi về di sản văn hoá mang theo. Bởi thế tôi không đồng ý với những người bạn cực đoan kia đang đòi hỏi xoá bỏ nhạc Trịnh Công Sơn khỏi gia tài văn hoá cũ. Là một giáo sư dạy Việt văn hơn hai mươi năm xuyên hai chế độ, đã soạn sách giáo khoa cho học sinh trung học, có bao giờ tôi thắc mắc về những tác phẩm của các nhà văn tiền chiến đâu.
Chúng ta đã giảng dạy trong bao nhiêu năm văn thơ của những Xuân Diệu, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng...trong khi những người này đã ở lại miền Bắc sau 1954. Chế độ Việt Nam Cộng Hoà đã có lý vô cùng khi cho rằng những tác phẩm trước 1954 đã thuộc về gia tài văn hoá chung của người Việt Nam. Sau 1954, họ có theo đảng Cộng Sản  thì là chuyện chọn lựa riêng của họ. Chúng ta chống Cộng  thì con em sẽ không học những tác phẩm sáng tác sau 1954 .

Trong nhiều trường hợp, chúng ta còn mở rộng tới nền thi ca trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1946-1954, nếu những tác phẩm đó hay và không đề cao Cộng Sản. Từ bao nhiêu năm trước 30 tháng 4-1975 có ai thắc mắc về việc phổ biến những bài thơ của Quang Dũng, Hoàng Cầm....Đến độ bài Màu tím hoa sim  được phổ biến thành nhạc phổ thông  khắp hang cùng ngõ hẻm cũng đâu gây ra một thắc mắc trở ngại văn học nào.

Bởi thế tôi nghĩ rằng sống ở hải ngoại trong tới bốn mươi quê hương rải rác trên trái đất này, chúng ta không nên khó khăn quá đối với di sản văn hoá cũ còn mang theo được. Tất cả những nhạc Trịnh Công Sơn trước tháng 4-75 hãy để chúng thuộc vào gia tài văn hoá của Việt Nam. Một mình đảng  Cộng Sản  Việt Nam phủ nhận, đốt bỏ, cũng là quá đủ rồi. Còn với những bản nhạc nhạc sĩ này sáng tác sau 75, nếu hay và đầy đủ tình người, thì chúng ta cứ nghe.

Nhưng là vì người đã nghe nhiều nhạc mới của Trịnh Công Sơn, tôi cũng thành thực ghi nhận rằng loại nhạc này chẳng có bao nhiêu hy vọng được ưa chuộng trong thế hệ sau của Việt Nam hải ngoại. Bản thân chúng ta đã thay đổi dần, con cháu chúng ta còn thay đổi hơn. Nếu còn một chút góc tai nào muốn lắng nghe âm thanh của Việt Nam, cũng còn là điều đáng mừng cho tất cả.

Trời miền Tây Bắc nơi tôi cư ngụ về mùa Thu mùa Đông nhiều khi rất buồn. U ám, mây bay, sương mù, mưa dầm, không khí giá lạnh. Nhiều buổi sáng, khi kéo cổ áo cho mưa bớt rơi vào cổ, ngậm điếu thuốc, tôi đi như chạy trên những con đường nhỏ trong khuôn viên trường Đại Học đang theo học cho kịp giờ học kế...những lúc ấy thật thấy nhớ nhà và thèm cái nắng ấm  của Sài Gòn, của Việt Nam nhiệt đới. Tậm hồn bay bỗng đôi lúc về quê hương cũ, về những người thân yêu còn ở lại, về dân tộc mình bên kia biển Thái Bình Dương rộng lớn, tôi đôi lúc thở dài.
Trịnh Công Sơn đã có lý khi anh chọn ở lại quê hương. Nơi này, anh có đất nước, có dân tộc và dĩ nhiên có cả quê hương đích thật. Anh vẫn được làm một nhạc sĩ, mặc dù mười bài làm ra thì quá nửa không được chính quyền cho phổ biến. Nhưng với những bản còn lại, nhạc điệu và lời ca đẹp  như thơ của anh vẫn được vang lên khắp từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau đầy bùn lầy và phù sa. Anh được làm  nhạc sĩ cho dân tộc hơn sáu mươi triệu của mình, trên quê hương mình. Anh chọn lựa ở lại là phải. Bởi vì ai danh tiếng cho bằng người bạn già Phạm Duy thân ái của tôi, nhưng hay đến mười bài Rong Ca thì cũng chỉ phổ biến trong có một triệu người xa quê phân tán trên khắp hành tinh trái đất này.

Trịnh Công Sơn ở lại là phải. Nhưng còn  tôi, tôi  ra đi cũng là phải. Tôi không thể ở lại để viết những bài trái với lương tâm mình, không phục vụ cho dân  tộc mình. Ở lại, tôi trở thành một người già vô dụng, không giúp ích gì  được cho bất cứ ai, và cũng chẳng còn là nhà văn tiếp tục. Ra đi, tôi có tự do và được làm nhà văn theo ý mình một lần nữa, dù chỉ là nhà văn cho có một triệu người.

Rốt cuộc mỗi  người một hoàn cảnh. Chọn lựa nào cũng có cái lý của nó, và cũng có một nỗi buồn riêng. Một kết luận có vẻ nhiều bi quan. Có lẽ tại mùa Đông đang đến, tại buổi sáng sương mù, tại mưa rơi trên những con đường dẫn tới lớp học chăng ?
Tôi cũng không biết nữa.





Thế Uyên

Trích : VĂN, Số 81, tháng 3-1989























Monday, July 4, 2016

HƠI THỞ




                                                                                      NHÃ CA




Ấm nước sôi đã hơi lâu. Mấy lần Dung định đưa tay nhấc cái ấm xuống, tắt lửa. Nhưng nàng không làm nổi việc đó. Tiếng nước reo sao đều đặn, buồn bã. Tâm hồn nàng chán nản kỳ lạ. Tình trạng hệt như khi mang thai đứa con đầu lòng. Đứa con. Vết thương êm ái làm nàng muốn ngất lịm. Nhưng rồi Dung cũng nhấc ấm xuống. Phải có một phích nước sôi. Một gói trà thứ tốt. Hiệp thích uống trà vào buổi tối, trước khi ngủ. Dung đứng lên đi tìm cái phích. Dung hơi bực bội. Cái phích để lâu ngày không dùng, bụi bám đầy, trông dơ dáy quá. Nàng không ngạc nhiên gì, chính nàng dù có chồng, vẫn chưa dứt hẳn cuộc sống độc thân. Hiệp đổi đi xa. Lính tráng ngày nay ấy mà. Còn Dung, đời sống công chức. Ngày hai buổi đi về, cơm hàng cháo chợ. Hiệp viết thư nói: Anh muốn em bỏ con mẹ nấu cơm tháng. Mỗi ngày nhai đi nhai lại mấy món thức ăn, lập y từng ngày trong tuần lễ. Hiệp không đề nghị nàng tự nấu nướng lấy. Nàng không hiểu sao cuộc sống lông bông của chàng chưa nghĩ tới một thứ tự trong gia đình. Dung cũng vậy, một căn phòng thuê trong building, đồ vật ngổn ngang, đồng loã với sự lười biếng. Những thì giờ rãnh, không đi đâu, Dung thường nằm như liệt giường. Đôi lúc, chẳng thiết tới ăn uống nữa.

Lấy nước. Tắt lửa. Dung đem phích nước để lại chỗ cũ. Có lẽ phải lau sạch bụi bặm trên bàn một tí. Nàng vụng về suýt làm đổ cái bình nước. Khi xê dịch bình nước đi chỗ khác, nàng lại đánh rơi một mẫu giấy nhỏ, Dung cúi xuống lượm lên. Điện tín của Hiệp đây thôi. Anh về ngày thứ sáu, 13. Đừng có sợ. Chắc chắn gặp nhau vào khoảng ba giờ tại P N L. Dung đọc lại và tức cười. Điện tín dài dòng đủ thứ, lại viết tắt ba chữ Phạm Ngũ Lão. Thứ sáu mười ba thì ăn nhằm gì. Dung chẳng tin. Chẳng tin một thứ dị đoan nào hết. Nếu có số mệnh, có duyên số, Dung đã không lấy Hiệp. Trước khi lấy Hiệp, Dung đã có người tình. Làm đủ cách, bói toán, ở đâu cũng cam kết hai người lấy nhau. Hai người sinh ra để lấy nhau. Vậy mà vuột. Hiệp ở đâu lò dò tới. Hiệp đã có một đời vợ. Cuộc tình của Hiệp sao buồn hiu. Toàn xa cách.

Dung nhìn đồng hồ. Còn sớm quá. Phải nằm nghỉ một chút. Lưng nàng mỏi đừ. Có lẽ vì sáng nay đánh máy hơi nhiều. Mấy thứ giấy tờ phải thanh toán cho xong trước khi xin phép ông Trưởng  phòng nghỉ một buổi - Cô Dung, cô nói thiệt đi, cô có chuyện gì ? Dung cố dấu vẻ khó chịu - Dạ việc riêng gia đình. - Há, việc riêng ? Tôi biết rồi nhé. Cô không nói thật tôi không cho nghỉ. Có phải anh ấy về không ? Tha hồ...May, lúc nào hắn cũng kịp gượng lại câu nói sau đuôi. Dung đã sửa soạn vẻ mặt nghiêm trang. Nàng đâu có quên được nụ cười quá khổ của gã trưởng phòng. Mắt ti hí, lẳng, lúc nào cũng sẵn sàng bắt bồ với ai muốn hợp tác. - Thế cô cần nghỉ vài hôm không, chắc cô cũng cần...Bao nhiêu lần hắn muốn nham nhở với Dung rồi nhỉ ? Dung cố trầm tĩnh: Thưa ông, một buổi đủ cho tôi thu xếp công chuyện. Trông Dung có vẻ nghiêm trọng quá, chắc hờn mát nhau chăng? Ai? Ai hờn mát. Dung ngạc nhiên, nhưng nàng mĩm cười quay đi. Đàn ông thì ra, ông trời cho chung một nết. Dung nghĩ tới Hiệp, nhớ lại những tưởng tượng của mình. Nàng cay đắng. Biết đâu đó. Đi xa như thế. Một lần, mới đây lúc về phép, một người bạn hỏi: Sao, này, đi xa, mày đã nên cơm cháo gì chưa? - A, chuyện nọ kia hả? Tao luôn luôn sẵn sàng theo luật người cày có ruộng. Lúc đó, chỉ có bọn đàn ông ở phòng ngoài. Dung đang ở trong toa-lét súc bình cà phê. Giả dụ có Dung thì Hiệp có nói như vậy không ? Và nghe như vậy, Dung có phản ứng gì? Làm sao Dung biết được.

Dung nằm duỗi thẳng tay chân. Nàng tự kiểm điểm coi lòng mình có chút nô nức nào không? Không thấy gì lạ hết. Tại sao ? Mà hình như trạng thái này có từ lâu rồi. Có lẽ tại Hiệp đi xa đều đều, và nhiều lần về phép, những mong đợi náo nức trong tâm hồn nàng đã bị diệt lần mòn hết rồi chăng ? Chẳng phải đâu. Chính chuyện đó...Dung rùng mình, nhớ lại lần Hiệp đưa nàng vào nhà hộ sinh. Xong xuôi, Dung khóc. Hiệp vỗ về: Chẳng sao đâu em. Với lại, mình còn nghèo, còn lông bông quá, anh chưa muốn bó buộc. Kể ra cũng buồn, nhưng cũng là cái hay. Mắt Dung ráo hoảnh khi nghe Hiệp nói xong câu đó, mặc dù lòng nàng như bị ai xé. Một núm ruột đã bị đứt lìa. Một phần thịt da, xương cốt của mình đã gởi trong lòng đất. Về sau, chỉ có Dung đi thăm mộ đứa nhỏ. Hiệp luôn luôn bực dọc: Em lúc nào cũng mơ mộng, lãng mạng. Thăm làm gì. Nó đã đi đầu thai. Dung sững sờ. Sao đi thăm mộ con lại là một chuyện mơ mộng lãng mạng. Hiệp làm Dung chết dần mòn tình cảm. Lỗi ở Hiệp.

Dung đặt một tay lên ngực mình. Ở đó, trái tim đập nhịp nhàng như thế này từ lúc mối tình đầu tan nát. Dung lạ lùng không hiểu mình có nhớ thương gì không. Có điều, khi lấy Hiệp rồi, Dung coi như mình chấm dứt hết. Dung có một con bạn gái lúc còn đi học, tới bây giờ hai đứa vẫn còn liên lạc. Con nhỏ tên Thuỳ Mỵ, nhưng nó lại rất loạn. Chưa có chồng. Nó thường tới nằm dài ra với Dung nói đủ thứ chuyện. Dung nhớ mới ngày hôm qua, buổi chiều đi làm về đã thấy nó đợi ở hành lang. Lúc nào nó cũng ồn ào :
- Trời ơi, mày đi xe gì về đây. Mày biết tao đợi mày cả tiếng đồng hồ rồi.
Dung cười :
- Tao biết. Vì cái tật đến sớm, xem đồng hồ nhầm mà kép cho mày rơi hoài.
- Con quỷ. Mày cười được hả. Cười nữa đi. Tao cá với mày, ông Hiệp của mày có một tá mèo.
- Cũng được. Miễn là không có mày trong số đó.

Nó đấm Dung tới lọi lưng luôn. Vô phòng, chưa kịp cho Dung thay áo dài, nó đã xô Dung nằm xuống giường. Thôi mày, thay làm gì. Nằm đây. Ơi, tao leo cầu thang nhà mày mỏi đừ giò. Tao chỉ có một cặp giò thôi...Ủa, sao mày buồn vậy Dung. Mày nhớ ông Hiệp rồi. Tao đã nói đừng có thèm nhớ. Mày nhớ ông lúc ông đi với mèo.
Dung mĩm cười. Trong lòng Dung lúc này nhen một mối nghi hoặc. Lần mới về, Hiệp không báo tin. Lúc Dung đi làm về thấy Hiệp đứng ở dưới đường đợi. - Anh về từ lúc nào. - Lúc ba giờ. Đáng lẽ Dung hỏi tiếp sao về lúc ba giờ mà không gọi điện thoại cho em,  hay sao lúc năm giờ không đón em, Dung chỉ hỏi : anh ăn cơm chưa ? Rồi, anh ăn tiệm. Dung cố không thốt ra câu anh ăn cơm tiệm với ai. Hỏi làm gì, chắc Hiệp đi với một người. Buổi tối Hiệp không rủ Dung đi ciné gì hết mà nói :
Chiều xem phim hay quá. Dung làm thinh. Đến phiên Hiệp thắc mắc, em không cần biết anh đi với ai à. Dung trả lời không. Hiệp cười : Anh gặp một cô bạn cũ. Em buồn không ? Dung bật cười. Thay vì nói buồn, Dung bật cười. Hiệp nói, em chì thiệt. Buổi sáng hôm Hiệp đi, Dung tình cờ đọc được một mẫu giấy nhỏ trong túi áo bẩn của chàng. Anh Hiệp, đợi anh ở quán Nhớ. Giờ như mọi lần. Cô gái ký tên tắt, một chữ H. Biết thêm làm gì. H là Hoa, là Hồng, là Huệ. Dung không cần. Chỉ cần biết là Hiệp đã phụ bạc.

- Mày có vẻ tin ở ông Hiệp quá Dung ?
Dung mím môi. Thuỳ Mỵ tiếp :
- Hồi còn đi học tao thấy mày hay đa nghi. Cái gì mày cũng đa nghi. Bây giờ mày đổi tính nết rồi. Mày hiền quá.
- Chuyện mày đến đâu ?
- Chuyện gì ? Chuyện nào ?
- Tao muốn biết mày với thằng kép mới.
Thuỳ Mỵ cười rú lên.
- Tao có tới ba thằng kép mới. Mày nói đứa nào mới được chứ. Mày đừng để ý chuyện tao làm gì. Tao đang lo cho mày. Dung, sao dạo này tao thấy mày sút quá. Ơ, coi cổ tay mày gầy nhom. Mắt mày sâu hóm. Hiệp có làm gì mày không ? Hay ở sở mày có chuyện gì...
- Đâu đến nỗi. Mày ăn cơm chưa ?
- Có lẽ nên đi ăn. Mày xuống mua bánh mì lên hai đứa đớp. Nhớ mua hai bịch nước ngọt. Cho nhiều đá vào. Nhớ...hì hì, răng tao sắp rơi hết mà tao vẫn khoái nước đá như thường.
Hiệp nói với Dung, cô bạn của em có ít nhất là năm cái răng giả. Dung tò mò ngó Thuỳ Mỵ. Con bé câng  cái mặt lên : mày ngó gì ? Mặt tao có lọ nồi không ? dơ không ? - Không, Dung lắc đầu, ngồi dậy. Nàng mở ví lấy tiền. Nhưng Thuỳ Mỵ cũng nhổm dậy theo - Tao đi với. Nằm một mình buồn chết.


Ăn bánh mì, nói chuyện gẫu tới đêm, lúc về Thuỳ Mỵ còn thắc mắc, hay mày với ông Hiệp làm sao rồi. Dung đưa bức điện tín ra. Coi có làm sao không ? Thuỳ Mỵ cười lớn lên, à há, khi người ta hạnh phúc quá, người ta cũng sững người, ngó như đồ ngu
Dung dụi đầu vào gối. Nàng không muốn nghĩ gì hết. Nhưng làm sao mà không nghĩ được. Có lẽ lần này, nàng phải nói với Hiệp. Nói về mãnh giấy. Nói về những hồ nghi trong lòng nàng. Hay không nói gì hết ? Tâm hồn nàng mệt mỏi, chán nản lạ lùng. Từ mấy hôm nay, Dung có ý nghĩ ly dị. Thật tức cười. Tại sao nàng  có ý nghĩ đó ? Dung hoàn toàn không hiểu. Nàng chỉ biết nàng rất chán, chán tới độ tránh nhìn cả bức hình của Hiệp, lúc nào cũng ngó nàng chằm chặp, cười riễu cợt.

 Rồi mình sẽ làm gì ? Tiếp tục cuộc đời độc thân. Thì bây giờ đâu có gì thay đổi. Vẫn đời độc thân, trừ những khi có Hiệp. Nhưng hình như Dung ao ước một điều gì chưa rõ rệt. Hình như Dung cũng chán cuộc đời độc thân trơ trọi này rồi. Nghĩ tới Hiệp, lúc này có lẽ đang từ giã cô gái tên H. nào đó. Dung hình dung ra Hiệp đang đóng bộ  mặt buồn bã - Anh chỉ về với vợ anh vài hôm. Anh sống bên em nhiều hơn. Dung lăn người  một vòng, rồi trườn đầu lên cao để đặt gối lại như cũ. Có lẽ mình không đi đón Hiệp ở nhà ga. Mình đợi Hiệp ở nhà. Có lẽ lần này mình phải nói hết...
Nghĩ như vậy nhưng Dung vùng ngồi dậy. Nàng ngó mặt mình trong gương. Tò mò nhìn thấy mấy dấu nhăn  ở mép môi, ở đuôi mắt. Nàng nhướng mắt lên, mĩm cười. Nàng thất vọng. Không nhìn thấy nét trẻ trung đâu nữa. Mình xuống dốc quá. Làm gì đến đổi thế này. Dung đưa tay xoa xoa mấy nếp nhăn. Nàng nghĩ tới một thứ mỹ phẩm quảng cáo trong báo. Có lẽ phải làm đẹp một tí. Dung bắt đầu trang điểm.
Lúc trang điểm xong, chuông đồng hồ mới điểm có hai giờ. Nhưng có lẽ nên ra ngoài thôi. Ngồi rán lại, chắc Dung sẽ không đi đâu nữa hết.

Lâu lắm Dung mới ghé quán nước này. Quán nước còn ghi một kỷ niệm buồn của nàng.  Nhưng không hiểu sao Dung đã  quả quyết bước vào đó. Ngồi một mình với ly cô ca lạnh ngắt, Dung tưởng mình sẽ chết vì kỷ niệm. Tưởng như vậy là lầm. Lâu nay, mỗi khi nhớ tới chỗ này, Dung nghĩ rằng, có lẽ mình sẽ khóc, sẽ tê lịm người khi kỷ niệm thôi thúc. Nhưng Dung cũng chẳng thấy gì hết.
Thình lình Dung bắt gặp một khuôn mặt quen. Một người đàn ông làm cùng sở. Hắn đi với một cô gái lạ không phải là vợ hắn. Dung biết mặt vợ hắn vì một lần hắn đã dẫn tới dự một đám cưới bạn bè. Hắn chưa nhìn thấy Dung. Rồi thình lình nữa, vợ hắn xuất hiện ở một cánh cửa ra vô. Hắn đứng bật dậy, như phóng ra một cửa khác, mở cửa một xe taxi rất nhanh và mất hút. Chỉ còn lại hai người đàn bà. Người đàn bà dợm  bước theo người đàn ông. Cô gái mở ví đặt vội tờ giấy năm trăm lên bàn rồi lật đật đi. Ra tới cửa người đàn bà trông thấy, lật đật đi theo, Dung nghe có một tiếng gọi khá hằn học ê  cô kia. Rồi họ khuất mất ở đâu, chuyện gì sau đó Dung không biết nữa.
Dung uống nốt ly cô ca. Câu chuyện xảy ra không đem cho Dung chút giải trí nào, như nhiều người khác ở trong quán. Chỉ có một câu duy nhất lập đi lập lại. Đàn ông, trời cho một nết giống nhau. Dung nghĩ tới Hiệp. Lúc này chắc chàng ở trên máy bay. Và trước đó, họ chia tay nhau. Hai người đã hôn nhau. Cầm tay bịn rịn. Rồi gì nữa. Hẹn hò, bi thảm. Nước mắt. Ôi, chỉ là kịch. Với Dung, đời sống vợ chồng giữa hai người cũng là kịch. Vở kịch chưa buông màn. Vở kịch nào không buông màn đúng lúc cũng tẻ nhạt, chẳng ra gì, lòng Dung nguội ngắt.

Ở quán nước ra, Dung leo lên một chuyến buýt. Con đường từ quán ra tới ga Phạm Ngũ Lão ngắn thôi. Nhưng khi thấy chuyến xe buýt ngừng, Dung leo lên, rồi lại hối hận. Xe buýt chật ních không còn một chỗ ngồi. Dung đứng, vịn tay vào ghế. Người đàn bà bụng bự, đưa cái lưng ép vào tay Dung. Trước mặt Dung, một bà bầu, bám chặt hai tay vào thanh sắt. Không ai nhường nhịn ai nữa. Ngay sát chỗ bà bầu đứng, hai thanh niên ngồi hút thuốc lá phì phèo. Xe dừng lại, Dung bước xuống. Nàng có thể đợi thêm một trạm nữa gần ga hơn. Dung đã không đợi. Nàng lội bộ. Suýt nữa Dung bị một chiếc xe xích lô đạp đâm vào người. Chưa hết, nàng tông một đứa nhỏ chạy băng ngang. Đứa nhỏ dừng lại định sừng sộ.  Rồi có vẻ nhìn thấy vẻ mặt ngơ ngác  của nàng, nó nhe răng, làm mặt khỉ rồi cười ré lên bỏ chạy.
Dung đâm ra cáu kỉnh. Có điềm xui gì đâu. Có thể hôm nay Hiệp sẽ không về. Phích nước sôi của nàng đun sẵn sẽ nguội ngắt, và như thế, để chờ tới lúc nàng nhận được một tờ điện tín khác, phích nước mới được thay. Nhớ lần vừa rồi, vì về bất chợt, Hiệp hấp tấp lấy bình trà rót một ly, đưa lên miệng uống. Dung ngăn cản không kịp. Hiệp phun ra giữa nhà, chưa hết, thiếu điều chàng muốn móc miệng cho nôn mửa. Bình trà đóng mốc xanh, mốc đen. Làm sao được, Dung.

- Dung, Dung. Ê.
Thuỳ Mỵ dừng xe vừa đưa tay vẫy rối rít. Cô hét lớn tướng :
- Ê, đi đâu vậy Dung.
Dung tới gần, cười :
- Đi đón ông Hiệp.
- Trời ơi, đi đón chồng mà mày đủng đỉnh như đi dạo phố. Lên đây tao đèo. Ê, Dung. Tao ngạc nhiên, trông mày giống con mụ thất tình quá.
Thuỳ Mỵ cười ngất. Vài người ngó hai đứa. Đúng là con điên. Dung nghĩ thầm. Nàng vẫn giữ nụ cười dịu dàng.
- Thôi, cám ơn mày. Nàng chỉ về phía ga. Tao đón anh Hiệp ở đàng kia. Cám ơn mày nghe.
- Dung...
- Hử ?
- Thôi. Nhưng sao tức cười quá. Khỉ. Thôi, tao đi không cười chết mất.
Thuỳ Mỵ chưa đi, còn nói với :
- Cho tao gởi lời thăm ông Hiệp nghe mày. Nói với ông...
Tự nhiên Thuỳ Mỵ cắt ngang. Nói với ông cái gì ? Nhưng Dung không hỏi lại gật đầu. Còn một khoảng quá ngắn thì tới ga. Lạ chưa, Dung càng thấy lòng trống rỗng tợn.

Vì Hiệp mà Dung mới tới chỗ này. Dung ghét nhà ga chi lạ. Vừa vô tới, Dung đã bị bao quanh bởi các người bán hàng. Mua ổi cô. Mận ngọt cô. Chục xoài có nghìn rưởi, cô. Vé số cô. Cô mua giúp em. Thật khó nhọc Dung mới thoát được đám người đó. Nàng đi vào bên trong, đứng ở một mái hiên. Hình như mới có một chuyến xe vừa về. Chiếc xe trống đang de tìm chỗ đậu. Một vài người đứng từ trước, ngó Dung. Một cô gái đứng cạnh Dung, cứ coi đồng hồ hoài. Dung chăm chú nhìn người đàn bà bán hàng đang bóc một quả bưởi bằng con dao nhỏ. Bà ta bóc rất khéo tay. Những múi bưởi, chẳng mấy chốc được tách ra, trắng nõn, mộng căng nước mà vẫn được bao bằng lớp màng mỏng dính. Thấy Dung ngó, bà cười xã giao : bưởi Biên Hoà cô. Dung lắc đầu - ngọt lắm cô - Dung lắc đầu. Có mấy đứa trẻ chờ lâu quá, bày đặt trò chơi trốn tìm. Chúng kéo cả vạt áo của Dung mà núp. Người đàn ông, chắc là ông bố, gọi con lại phàn nàn, rồi ngó Dung, ra điều thông cảm, cháu nó dại. Ông mua mấy múi bưởi. Lần này, tụi nhỏ đứng yên một góc, cắm cúi chấm chấm mút mút với một gói muối ớt. Dung trả lời nụ cười ngượng nghịu  của người đàn ông bằng nụ cười vu vơ.

Dung nghĩ tới Hiệp. Liệu chàng có vui mừng gì khi trông thấy mình tới tận đây đón chàng ? Chàng đi một mình hay với ai nữa ? Có thể chàng cùng về với cô nhân tình trẻ, mới mẻ. Họ sẽ đóng kịch trước mặt mình. Nàng lại mĩm cười chua xót. Rồi nàng giận cả lòng mình, cho rằng, mình đã trở thành một con người chối  bỏ hết ý nghĩa cuộc sống. Không ham thích, không thiết tha. Đúng không ? Vẫn có thể chắc được gì. Hình như nghĩ tới Hiệp, nàng chỉ thấy chán ngắt. Tại sao Dung cố bác bỏ ý nghĩ là mình ghen tuông. Ghen với một tên tắt ? Với một người không hề biết mặt ? Không, Dung không muốn nghĩ tiếp nữa.


Cô gái đứng bên Dung bắt chuyện :
- Bà đi đón người nhà ?
Dung gật đầu.
- Hôm nay chắc máy bay tới trễ. Bà đi đón chuyến nào ? Qui Nhơn hay Ban Mê Thuột ?
- Cô đón chuyến nào ?
- Em đón chuyến Qui Nhơn.
Và cô gái như không dừng lại được. Cô có nhu cầu phải nói, phải thổ lộ. Sự chờ đợi đã làm lòng cô tràn đầy.
- Em đi đón từ trưa. Nhà em nói sẽ tới lúc hai giờ. Em đi lúc một giờ. Lúc nào em cũng đi đón sớm. Anh ấy thích vậy. Tới mà chưa thấy em là mặt sụ một đống.  Nhà em còn con nít lắm chị ơi. Tụi em mới lấy nhau, nhà em bị đổi. Em xin theo mà má em không cho. Tại vì em con một đó chị. Nhà em về hoài, lần này là lần thứ ba trong một tháng. Buồn cười, hồi nãy có một chuyến, có ai giống nhà em quá trời, tí nữa em túm lấy rồi...nhà em...
Dung cắt :
- Mấy giờ rồi ?
Cô gái đưa đồng hồ lên :
- Ui da, ba giờ rưỡi rồi cô. Dễ chừng tới bốn giờ. Đồng hồ của em chạy ẩu một cây. Ít nhất cũng gần bốn giờ. Lạ quá, sao hôm nay tàu trễ vậy. Trời ơi, em lo là lo.
Bốn giờ. Vậy thì chuyến tàu từ Đà Nẵng vô cũng trễ sao. Cô gái hỏi lại :
- Chị đón chuyến nào ?
- Đà Nẵng.
- Ý, Đà Nẵng tới rồi. Đó, cái xe trống đang dỡ hàng xuống đó chị. Tới lúc ba giờ. Đông ơi là đông.
 Dung thở dài. Còn cách nào hơn là trở về. Hiệp đã có mặt ở Sài Gòn. Và chắc bây giờ cũng đang lang thang ở đâu đó. Có thể lát nữa chàng đón nàng ở sở. Cũng có thể chàng sẽ về nhà muộn. Dung quay lưng đi.
Ủa, chị không đợi...
- Không.
Dung trả lời. Bước nhanh. Ra khỏi ga, đụng phố phường trước mặt. Dung nghĩ về nhà lúc này cũng vô ích. Nằm, đầu óc sẽ mệt mỏi hơn. Vì vậy, nàng đi ra phố, và để giết thì giờ, nàng cứ chúi đầu dí mắt vào những cửa hàng ngắm đồ. Những thứ đồ dùng mà người nội trợ  nào cũng mơ ước. Chỉ với nàng, nàng thấy dửng dưng. Nàng tưởng tượng như mình còn thích đời sống độc thân lắm. Thực ra nàng đã chán ngấy. Chẳng qua, nàng đã quá lười biếng, lười biếng kinh niên, đã giết hết mọi sự thiết tha trong tâm hồn nàng.
Nàng đi lang thang mãi, trong thành phố nàng biết đang có Hiệp, cho tới lúc đèn đỏ.

Thật tình cờ, hai người ngược chiều nhau, đụng độ nhau trước building, nơi Dung cư ngụ. Hiệp tươi cười, trong khi Dung cố nhếch mép.
- Không đi đón anh há. Nhận được điện tín không ?
- Có. Nhưng em đi đón trễ giờ.
Rồi Dung hỏi khi hai người đứng trong thang máy.
- Anh có tới sở kiếm em không ?
- Không.
- Em nghỉ sở chiều nay.
Nàng tưởng chàng sẽ hỏi nàng đi đâu giờ này mới về. Nhưng chàng nói huyên  thiên chuyện này chuyện nọ. Mà chuyện nào  nàng cũng chán ngắt. Cuối cùng họ cũng lên tới phòng. Nàng tra chìa khoá  vào ổ xoay mạnh. Chàng đẩy lưng nàng vô trước.
- Có áo sạch không. Cho anh một cái. Mặc đồ lính, nặng như chì. Mệt.
Nàng đang bận ngó chiếc đồng hồ treo tường, nàng hỏi :
- Đồng  hồ anh mấy giờ ?
- Tám giờ.
Đúng lúc quả lắc đồng hồ  như rung mạnh rồi đổ bảy tiếng. Mèn ơi. Dung kêu. Tại cái đồng hồ chết tiệt. Cái đồng hồ này điên, muốn chạy ra sao thì chạy. Nàng chỉ biết trách mà không biết nghĩ cho nó.  Có tới hai năm, nàng không cho nó ăn một chút dầu mỡ, mà nó đã làm việc tận lực để đúng giờ cho nàng bao nhiêu ngày rồi.
- Lấy áo cho anh đi.
- Anh đã ăn gì chưa ?
Rồi. Anh gặp một cô bạn cũ. Còn em, em ăn chưa ?
Dung chưa có gì trong bụng, nhưng nàng đáp :
- Em cũng ăn rồi. Em gặp một anh bạn cũ.
- Thế à.
Chàng trả lời không chút ngạc nhiên. Nàng hơi sùng.
- Để em pha trà.
- Ấy, đừng, trong mồm anh còn mùi trà mốc. Lần này, chắc mùi còn đặc hơn nữa.

Chàng cười lớn. Tự nhiên Dung sững người lại. Nàng nhìn chàng đăm đăm. Lúc đó, nàng đứng ở phía sau lưng chàng, và Hiệp đang bỏ áo sơ mi ra. Rồi Hiệp quay phắt lại.
- Lại đây.
Dung đi tới. Hiệp mở rộng vòng tay. Nàng dúi mặt vào ngực chồng. Nàng vừa hít được một hơi thở thơm tho, hơi thở như chất hồi sinh, làm nàng tỉnh táo lại. Và nàng tiếp tục hít hơi hướm  trên vùng ngực  rộng mênh mông của Hiệp. Nàng vít cổ Hiệp xuống.
- Trả lời cho em biết H. là ai.
Hiệp ngẩn ra một lúc. Rồi chàng cười rộ.
- H. à ? H. là hoa, một hoa bên đường, lúc anh đi qua. Được chưa.
Nàng bỗng nghiêm nghị.
- Anh Hiệp.
- Cắm nước sôi đi. Anh phải uống trà nóng.
Dung lắc đầu. Nước mắt muốn ứa ra.
- Không, anh Hiệp. Chắc mình phải ly dị.
Hiệp nâng mặt Dung lên, nhưng nàng thấy định vùi mặt mình xuống.
- Đúng, phải ly dị, phải bỏ cái đời sống này đi. Em không thể ở một mình như gái độc thân thế này được. Cuộc sống này giết chết tâm hồn em.
Dung bỗng khóc thành tiếng. Nàng tiếc quay quắt. Nhưng nàng không hiểu tiếc cái gì. Tiếc không mất Hiệp ? Tiếc đời sống y như còn độc thân ? Hay là tiếc điều mình đã nghĩ, đã quyết định, đã bị hơi thở của chàng xoá sạch.

Chàng lại phà hơi vào mặt nàng. Và chàng đẩy nàng ra xa.
- Thôi, đủ rồi cô. Để cho người ta gội rửa  cái hơi hướm  của những bông hoa bên đường đi đã. Đừng có khóc. Em con nít quá.
 Nàng cứ khóc. Khóc như một nỗi oan khiên không có cách gì chứng minh được. Khóc tới chàng phải ngạc nhiên, không giởn được nữa.
- Em, em làm sao vậy.
- Em ghét anh. Em ghét anh.
Và nàng đánh thùm  thụp vào ngực chàng, vào tay chàng. Chàng giữ tay nàng lại, và ôm chặc lấy nàng.
- Em có điên không. Có thì nói đi.
- Em không nói được. Không nói được.
Nàng vùng vẫy, rồi nàng chợt như không còn chút sức lực nào khi bắt gặp hơi thở nồng mùi quen thuộc, mùi thuốc lá, mùi nhựa răng. Nàng khóc nữa.

Lúc chàng vào buồng tắm, nàng nhìn căn phòng, nhìn phích nước đã đun lúc trưa. Nàng nhìn tới chiếc cà-mèn dựng ở một góc. Rồi nàng thu chân trên giường. Bỗng dưng, nàng mĩm cười trong khi nước mắt vẫn còn thi nhau rơi.
Nàng lắng nghe tiếng nước dội ở trong phòng tắm. Chàng đang gội rửa mùi vị của những bông hoa bên đường.
Nàng ngạc nhiên quá vì nụ cười mới mẻ đó.






Nhã Ca







--------------------------
Nguồn :   VĂN, số 28 tháng 10-1984























Saturday, July 2, 2016

ĐÙA BỠN




                                                                   ANTON CHEKOV

                                                                   Lê Duy Linh  dịch


Anton Chekov (1860-1904) bắt đầu viết văn khi còn là sinh viên đại học. Tập truyện ngắn đầu tiên của ông được xuất bản năm 1884, cũng là năm ông tốt nghiệp y khoa ở đại học Moscow. Chekov viết rất nhiều, rất nhanh với nhiều bút hiệu khác nhau trước khi ký tên thật. Bút hiệu đầu tiên là Thầy Thuốc Không Bệnh Nhân. Truyện ngắn của Chekov thường kết hợp - phức tạp và đơn giản - bi với hài. Bằng kỹ thuật này ông có thể nhìn nhân vật của mình một cách khách quan nhưng với lòng tương cảm. Ngoài một số lượng lớn truyện ngắn ông viết trong cuộc sống ngắn ngủi, Chekov còn để lại cho nền văn học chung nhiều kịch bản, quan trọng nhất là (bản anh ngữ) : The Sea Gull, Uncle Vanya, The Three Sisters,  và The Cherry Orchard.

ĐÙA BỠN (1886) là cách tác giả cho ta thấy một nhu cầu của thường nhân qua nhân vật Nadyenka và biến đổi trong nội tâm nhân vật lo thôi thúc của nhu cầu ấy. Độc giả có thể thấy cái nhìn và suy diễn của người kể chuyện nhiều phần chủ quan. Nhưng đừng quên người kể chuyện cũng là kẻ trong cuộc. Và biến cố cuối cùng của câu truyện cho thấy cái nhìn và suy diễn ấy là đúng.





Một buổi trưa mùa đông sáng trời, tuyết cứng vỡ lạo xạo dưới chân. Nadyenka sát bên tôi, những sợi tóc mai mềm cong  và dốc môi trên phủ một lớp tuyết bạc mỏng. Chúng tôi đang đứng trên một ngọn đồi cao. Mặt trời soi gương vào sườn đồi láng dốc chạy dài từ chân xuống tận bên dưới. Những chiếc xe trượt tuyết nhỏ bọc vải màu tươi thắm nằm rải rác đó đây.
"Nào, Nadyenka, mình đi xuống." Tôi nài, "Một lần thôi, tôi bảo đảm là không sao cả."
Nhưng Nadyenka sợ. Cô rùng mình trước đoạn đường trơn dốc từ đôi giày nhỏ bé xuống tận chân núi mất hút dưới kia. Tôi chỉ mới nói cô ngồi vào xe trượt tuyết, cô đã kinh hoảng nín thở nhìn xuống sườn núi. Giả như cô liều lao xuống thật ! Chắc cô sẽ mất tinh thần, sẽ chết vì sợ.
"Xuống đi mà." Tôi bảo. "Có gì đâu mà phải sợ ! Đừng nhát quá như vậy chứ!"
Cuối cùng Nadyenka nghe theo tôi, vẻ mặt cô cho thấy cô liều chết mà nghe theo. Tôi đỡ cô gái run và xanh mét ngồi vào xe, quàng một tay qua lưng cô và ngồi chen vào bên cạnh.
Chiếc xe lao đi như một viên đạn, không khí sắc lẻm cứa vào mặt ; ào ào, vi vút bên tai. Chúng tôi tưởng như bị cấu xé, bầm dập, đầu muốn rớt khỏi cổ. Gió chận đứng hơi thở lại. Dường như chúng tôi đang bị móng vuốt của một con quái vật túm lấy kéo tuột xuống lòng đất. Cảnh vật xung quanh theo nhau đổ xô xuống. Có lẽ chỉ trong khoảnh khắc nữa chúng tôi sẽ bị hủy diệt. Tôi thấp giọng nói: "Nadya, anh yêu em."

Chiếc xe bắt đầu chạy chậm lại, tiếng gió rít và sức tuyết tạt vào mặt đỡ ghê sợ hơn, chúng tôi đã có thể thở được và cuối cùng xuống đến nơi. Nadyenka  như người đang hấp hối. Cô nàng tái xanh, hơi thở đứt đoạn. Tôi đỡ cô đứng dậy.
"Có được cái gì tôi cũng không đi xuống nữa." Cô nhìn tôi sợ hãi. "Nhất định không xuống nữa. Sợ muốn chết được!"
Chỉ vài phút sau cô tỉnh táo trở lại và bắt đầu nhìn vào mắt tôi dò xét. Có thực tôi đã nói bốn tiếng đó hay cô chỉ mơ hồ nghe thấy trong tiếng gió lộng ? Tôi đứng bên cạnh, hút thuốc và chăm chú xem lại găng tay.

Chúng tôi nắm tay nhau trượt vòng quanh đồi một lúc lâu. Rõ ràng câu hỏi làm cô bồn chồn.  Có ai nói mấy tiếng đó không ? Có hay không ? Câu hỏi cho lòng tự hào và danh dự, cho cuộc đời và hạnh phúc. Một câu hỏi quan trọng nhất. Nadyenka đang bất an nhìn thẳng vào mặt tôi dò xét, trả lời ra ngoài những câu tôi hỏi. Cô đang đợi xem tôi có nói gì không. Chà ! Một vở kịch câm trên khuôn mặt khả ái ! Tôi thấy Nadyenka đang xung khắc với chính Nadyenka. Cô có điều phải hỏi, phải nói với tôi nhưng không tìm ra lời. Cô bất an, hoảng hốt và xao động vì sung sướng.

"Anh biết gì không?" Cô hỏi, mắt nhìn ra chỗ khác.
"Biết gì?"
"Mình ...đi xuống lần nữa đi."
Chúng tôi leo lên những bậc thang. Tôi lại đặt Nadyenka run và xanh rờn ngồi vào xe. Chúng tôi lại phóng xuống vực sâu kinh hoàng, gió lại rú lên và tuyết lại cứa vào mặt. Và đúng vào lúc chiếc xe lao vào chỗ nguy hiểm nhất, ồn lộng nhất tôi lại thấp giọng nói: "Nadya, anh yêu em."
Khi xe ngừng lại, Nadyenka liếc ngược lại sườn núi vừa đi qua, rồi đôi mắt dò xét trên mặt tôi, chăm chú nghe tôi thản nhiên nói những câu chuyện phím; và mọi cái trên người cô, mọi cái, đôi găng tay và mũ, cả dáng người nhỏ bé cùng để lộ một nỗi hoang mang. Tôi đọc được trên mặt cô những câu hỏi: Cái gì vậy ? Ai đã nói những tiếng ấy ? Anh ấy nói hay là mình chỉ tưởng tượng ?
Những câu hỏi đeo riết lấy Nadyenka và thử thách lòng kiên nhẫn của cô. Cô gái tội nghiệp không trả lời những câu tôi hỏi và sẽ kêu lên bất cứ lúc nào.
"Về thôi chứ ?" Tôi hỏi
"Tôi...tôi thích trượt tuyết." Cô nói, hai má ửng lên. "Mình trượt thêm lần nữa đi."
Cô "thích" trượt tuyết. Vậy mà lúc ngồi vào xe, cũng như những lần khác, cô xanh mét, sợ run lên.

Chúng tôi phóng xuống chân núi lần thứ ba, cô nàng đang nhìn vào miệng tôi. Nhưng tôi rút khăn che miệng ra, ho. Và khi xuống đến giữa sườn núi tôi chỉ có đủ thì giờ để nói :
"Nadya, anh yêu em."
Vậy là bí mật vẫn còn là bí mật ! Nadyenka yên lặng, cô đang có điều gì suy nghĩ...Cô bước những bước ngắn trên đường về với tôi và đang đợi xem tôi có nói những tiếng đó không. Rõ ràng cô đang cố gắng để khỏi thốt ra : "Không ! lẽ nào gió lại nói thế ! Mà mình cũng không muốn nghe gió nói những điều ấy."
Sáng hôm sau tôi nhận được mấy chữ : " Nếu hôm nay anh đi trượt tuyết, xin gọi tôi. N.".  Bắt đầu từ hôm ấy ngày nào tôi cũng cùng trượt tuyết với Nadyenka, và trong lúc  chiếc xe đang lao xuống, lần nào tôi cũng thấp giọng nói  cùng một câu :
"Nadya, anh yêu em. "

Không bao lâu Nadyenka thành say mê mấy tiếng đó như người ta say mê rượu hay nha phiến . Cô không thể sống mà không nghe nói :"Nadya, anh yêu em." Từ sườn đồi lao xuống bên dưới vẫn dễ sợ như bao giờ, nhưng bây giờ sợ hãi và nguy hiểm mang sức quyến rũ đặc biệt của những tiếng nói tình ái, những tiếng nói - như vẫn từ trước - gây cho cô hoang mang và ray rứt... Vẫn là hai nghi can : gió và tôi. Trong hai, ai đang tỏ tình ? Cô không biết. Nhưng bây giờ điều đó thật không quan trọng với cô. Nếu chỉ để say thôi thì cô uống chén nào cũng vậy.

Một buổi trưa tôi lấy xe đi trượt tuyết một mình. Trong đám đông Nadyenka đang đi về phía đồi vừa nhìn quanh tìm tôi. Rồi cô dè đặt leo lên từng bậc thang nhỏ...Trượt xuống một mình quả là dễ sợ ! Mặt cô trắng nhợt như tuyết, cô run lên và bước đi như đang bước lên giảo  đài, nhưng không ngoái nhìn lại, cương quyết. Rõ ràng cô quyết định thử nghiệm lần cuối cùng : Nếu không có tôi thì cô có nghe thấy những tiếng ngọt ngào tuyệt vời kia không. Tôi thấy Nadyenka xanh xao, miệng há ra vì sợ hãi, ngồi vào xe, hai mắt nhắm lại, nói vĩnh  biệt với trái đất, lao vút đi...Không biết Nadyenka  có nghe thấy những tiếng đó không ? Chỉ thấy cô đứng lên khỏi xe trượt tuyết, mệt mỏi và yếu đuối. Nhìn vào mặt cô người ta có thể biết chính cô cũng không chắc mình có nghe thấy gì không. Khi chiếc xe đang lao xuống dọc theo sườn đồi cô đã sợ hãi đến không còn tỉnh trí phân biệt được âm thanh nào với âm thanh nào.

Rồi tháng Ba của mùa xuân lại đến...Mặt trời gay gắt hơn. Đồi tuyết của chúng tôi nhú lên một màu xậm, màu sáng bóng tan dầu và cuối cùng tuyết không còn nữa. Chúng tôi không còn đi trượt tuyết. Không còn chỗ nào để Nadyenka đáng thương nghe những lời đó, cũng không còn ai nói nữa, gió đã ngừng thổi và tôi sẽ đi Petersburg  - ở đó một thời gian lâu, không chừng mãi mãi.
Một hoặc hai ngày trước hôm khởi hành, buổi chiều tôi ra ngồi trong khoảnh vườn cách sân nhà Nadyenka  một hàng rào gỗ cao...Trời còn khá lạnh, một chút tuyết còn đọng dưới lớp phân bón, cây cối khô trụi nhưng đã bắt đầu toát ra hơi hướng của mùa xuân, và lũ quạ ồn ào với nhau khi đậu xuống để nghỉ qua đêm. Tôi đứng dậy đi lại chỗ hàng rào nhìn qua khe gỗ một hồi lâu. Kìa, Nadyenka trong nhà đi ra cổng và buồn bã nhìn lên trời...Gió Xuân hướng đến khuôn mặt xanh xao...Cô nhớ đến tiếng gió lộng tạt vào chúng tôi trên núi lúc cô nghe thấy bốn tiếng ấy, và bây giờ trên khuôn mặt buồn một giọt nước mắt lăn xuống má...Cô gái đáng thương giang rộng hai tay như xin gió hãy mang lại những tiếng nói đó một lần nữa. Và, khi gió vừa bắt đầu thổi, tôi thấp giọng nói theo :
"Nadya, anh yêu em."
Trời, Nadyenka làm sao thế kia ! Cô reo lên, cả khuôn mặt mĩm cười, hai cánh tay giang rộng đón lấy gió - rạng rỡ, hạnh phúc và tươi đẹp.
Tôi về nhà sửa soạn hành lý.

Chuyện đó lâu rồi.  Bây giờ Nadyenka đã có chồng. Cha mẹ gã nàng - hay nàng tự chọn lấy chồng thì cũng chả có gì khác - cho một thư ký ở Bộ Tài Chánh Quý Tộc, và nàng có ba đứa con.
Nàng không quên những lần chúng tôi đi trượt tuyết với nhau, không quên gió đã đem lại cho nàng những tiếng "Nadya, anh yêu em." Bây giờ đó là kỷ niệm hạnh phúc nhất, cảm động nhất và đẹp nhất của nàng.
Nhưng bây giờ, nhiều tuổi hơn, tôi không còn hiểu được tại sao mình đã nói những tiếng đó, không hiểu tại sao mình đã đùa.




Anton Chekov










-----------------
Nguồn : Văn, số 88, tháng 10-1989