Friday, December 18, 2015

TÚ XƯƠNG


  120 NĂM SINH TÚ XƯƠNG
  (1870-1990)

  NHÀ THƠ ĐẦU TIÊN CỦA THẾ KỶ



                                                                    NGUYỄN HƯNG QUỐC



Trần Tế Xương nguyên tên là Trần Duy Uyên, tự Mặc Trai, hiệu là Mộng Tích, khi thi Hương lấy tên là Tế Xương, sau đổi thành Cao Xương. Thi, bao nhiêu lần đi thi, vẫn chỉ đậu Tú Tài. Thiên hạ quen gọi ông là ông Tú: Tú Xương.

Tú Xương sanh ngày 10  tháng 8 năm Canh Ngọ, tức là ngày 5 tháng 9 năm 1870, ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
Năm 1907, lúc về quê ngoại tại làng Địa Tứ, cũng thuộc huyện Mỹ Lộc ăn giỗ, gặp mưa, Tú Xương bị cảm rồi mất ngày 20 tháng giêng, thọ 37 tuổi.

Trong quyển CÁC NHÀ THƠ CỔ ĐIỂN VIỆT NAM  xuất bản năm 1982, Xuân Diệu xếp Tú Xương vào danh sách năm nhà thơ lớn nhất trong lịch sử văn học cổ điển Việt Nam , sau Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương và Đoàn Thị Điểm (nếu Đoàn Thị Điểm quả là dịch giả của bản Chinh Phụ Ngâm Khúc hiện hành) .

Trước Xuân Diệu, nhiều người đã bày tỏ lòng khâm  phục vô hạn của mình trước tài thơ kiệt xuất của Tú Xương. Tú Mỡ nuôi tham vọng làm một người học trò của Tú Xương. Tản Đà thú nhận với Nguyễn Công Hoan là ông chỉ đuổi kịp tài dùng chữ tuyệt vời của Tú Xương có một lần duy nhất, trong câu "Vèo trông lá rụng đầy sân " (1).
Trước đó, Nguyễn Khuyến, lớn hơn Tú Xương 35 tuổi, ba lần đỗ đầu các khoa thi, nỗi tiếng là một nhà nho uyên thâm, và một nhà thơ xuất sắc, có lần nói: "Kế được ta sau này may ra có Tú Xương" (Kế dư chi hậu kỳ Xương hồ).
Tú Xương mất, Nguyễn Khuyến làm hai câu điếu:

Kìa ai chín suối Xương không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn

Nguyễn Khuyến còn dè dặt: ông dùng chữ "có lẽ" . Đã gần một thế kỷ trôi qua, thời gian càng xác định giá trị thơ Tú Xương, nên có người quả quyết:

Ông Nghè, ông Thám vô mây khói
Đứng lại văn chương một Tú Tài

Căn cứ vào năm sinh, năm mất cũng như hình thức văn tự (chữ Nôm) của Tú Xương, giới nghiên cứu ở miền Nam lẫn miền Bắc đều coi Tú Xương là nhà thơ cuối cùng của thế kỷ 19.

Trong bài Xuân nhớ Tú Xương  đăng trên tạp chí Thời Tập số xuân Giáp Dần (1974) , Thanh Tâm Tuyền đưa ra nhận định mới mẻ và tôi nghĩ, chính xác hơn:

  "Thực chất, ông là nhà thơ mở đầu thế kỷ hai mươi. Ngôn ngữ của ông là ngôn ngữ của thế kỷ này. Vô luân phi luân là Tú Xương. Dấy loạn, tuyệt vọng là Tú Xương. Hiện thực xã hội, hiện sinh chủ nghĩa và cả mối lặng lẽ thâm nghiêm cùng cực nhất cũng đã ở Tú Xương"  (tr. 55) .


Tú Xương đã đem đến cho thi ca Việt Nam nhiều sự cách tân cực kỳ quan trọng. Cách tân về giọng điệu: lần đầu tiên thơ trào phúng được nâng lên thành một dòng riêng biệt. Cách tân về đề tài: lần đầu tiên cuộc sống thành thị được thể hiện trong thơ. Cách tân về chất liệu: lần đầu tiên trong thơ, người ta thấy những con người , những cảnh vật bình thường, thậm chí, tầm thường, ngỡ như không hề có chút thi vị nào cả. Cách tân về ngôn ngữ: lần đầu tiên những chữ dùng, những cách nói hằng ngày nườm nượp ùa vào thơ, diễn hành và hòa nhạc trong thơ. Cách tân về tư tưởng nghệ thuật: thơ không phải để "chở đạo" để "nói chí" mà, trước hết, là để nói về mình, về cái "tôi" vừa nghênh ngang dữ dội, lại vừa lơ láo tủi nhục của mình.

Trừ hình thức chữ viết, ở tất cả mọi phương diện còn lại, thơ Tú Xương đều gần gũi với Tản Đà hơn là với Nguyễn Khuyến, người mất sau ông hai năm.

Trước nay, nhiều người cho là, do thi cử lận đận "tám khoa chưa khỏi phạm trường quy" , do cuộc sống cùng quẫn bế tắc "van nợ lắm khi trào nước mắt" , cho nên Tú Xương đâm ra phẫn thế, dùng thơ văn để giải tỏa những hậm hực, những uất ức, những cay đắng chất chứa trong lòng mình. Thơ văn của ông, do đó, không có giá trị cao (2).

Tôi nghĩ là không đúng.
Ý kiến trên thật ra chỉ là một lời giải thích hơn là một sự đánh giá. Giải thích như vậy chưa chắc đã chính xác. Biến một nhận định thiên về giải thích thành một nhận định có tính chất đánh giá lại càng sai lầm về phương pháp luận.
Vấn đề quan trọng nhất là tiếng chửi của Tú Xương có giá trị văn học hay không, chứ không phải là tại sao Tú Xương lại chửi đời.

Tú Xương chửi ai ?
Chửi Tây: "Lọng cắm rợp trời quan sứ đến" 
Chửi Đầm :"Váy lê quét đất mụ đầm ra" 
Chửi những kẻ vô lại:
"Lắng tai non nước nghe chừng nặng
Chớp mắt trăng hoa giả cách nhèm"  (3)
Chửi những đứa hãnh tiến nhí nhố trong xã hội:
Chí cha chí chát khua giày dép
Đen thủi đen thui cũng lượt là

Tú Xương chửi ai nữa ? Ông chửi chính ông:

Vị xuyên có Tú Xương
Dở dở lại ương ương
Cao lâu thường ăn quỵt
Thổ đĩ lại chơi lường.

Giả dụ, thơ Tú Xương chỉ toàn là những tiếng chửi rủa như vậy, tầm vóc của ông chắc chắn sẽ kém đi. Nhưng đóng góp của ông không phải không có. Thơ ông, về phương diện này, đã khắc họa hình ảnh một thời kỳ biến động sâu sắc trong xã hội Việt Nam. Thời kỳ những giá trị cũ đang phôi pha dần, những giá trị mới vừa nứt rễ, chưa thành hình dáng. Khiến nhiều kẻ hời hợt vội vã đoạn tuyệt với quá khứ, nhưng lại chưa biết về đâu đến đâu, thành ra đua đòi làm những chuyện nhố nhăng bỉ ổi.

Nhưng thơ Tú Xương không phải chỉ là một tiếng chửi. Phần lớn, đằng sau những lời lẽ hằn học, chua cay kia, giọng của Tú Xương man mác bao nhiêu nỗi buồn, bao nhiêu nỗi đau.
Ông thương cho nền Hán học sắp tàn. Ông thương cho nền văn hoá ngàn đời của dân tộc trước nguy cơ bị tàn phá. Ông thương cả những dòng sông bị lấp trong quá trình đô thị hoá, đang khởi sự ngay trên chính quê hương ông: Nam định.

Chính những nỗi buồn, nỗi đau ấy làm cho tiếng chửi của Tú Xương càng thêm thắm thía. Có cảm tưởng sau khi chửi rủa một cách xối xả và độc địa như vậy, ông về nhà ngồi lặng lẽ khóc. Nghĩ coi, ở đời, hiếm gì người làm thơ trào phúng, thế mà, đến nay, còn lại ngân nga mãi, buốt nhói mãi, chỉ có mỗi tiếng thơ Tú Xương thôi.

Nếu Nguyễn Khuyến tự ví mình với Mẹ Mốc thì Tú Xương  ví mình chú Mán:

Hổ sinh ra lúc thời này
An thân mệnh thế, giấu tay anh hùng
Không danh cho dễ vẫy vùng
Mình không phú quý, mắt không vương hầu
Khi để chỏm, lúc cạo đầu
Nghêu ngao câu hát nửa tàu nửa ta...

Thơ Tú Xương, nghĩ cho cùng, là những tiếng hát "nửa tàu nữa ta" . Đó là một sự phá phách. Và sự phá phách ấy chỉ là một phản ứng chống lại xã hội. Cái xã hội đã bị tha hoá, mọi người ùn ùn chạy đi tìm những quyền lợi ích kỷ và phù phiếm.
Trong hầu hết những bài thơ trữ tình, người ta thấy Tú Xương bao giờ cũng lẻ lỏi và buồn bã. Lúc thì ông đứng bên dòng sông lấp. Lúc thì ông ngơ ngác giữa đường. Lúc thì ông trằn trọc trong đêm khuya khoắt.
Nỗi buồn mênh mông, dằng đặc, tưởng như không bao giờ dứt :

Trời không chớp bể, chẳng mưa nguồn
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn
Bối rối tình duyên cơn gió thoảng
Nhạt nhèo quang cảnh bóng trăng suông...

Những bài thơ hay nhất, cảm động nhất của Tú Xương là những bài thơ có âm điệu buồn buồn, "Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn" . Nhiều lúc Tú Xương cười mà nụ cười cứ như mếu. Như bài thơ dưới đây, ngỡ như có nước mắt ràn rụa trong những vần "i" rền rền, não nuột.

Tấp tễnh người đi tớ cũng đi
Cũng lều cũng chõng cũng đi thi
Tiễn chân cô mất ba đồng lẻ
Sờ bụng thầy không một chữ gì

Thi xong, biết mình hỏng, lại càng buồn ê chề :

Bụng buồn còn biết nói năng chi
Đệ nhất buồn là cái hỏng thi
Một việc văn chương thôi cũng nhảm
Trăm năm nhân thế có ra gì

Thơ Tú Xương hay ở sự thành thật. Có lẽ, trước thế kỷ hai mươi, chưa có nhà thơ nào thành thật như Tú Xương. Nói về mình, viết về mình, Tú Xương không hề màu mè son phấn. Ông thản nhiên đem hết tất cả những khuyết điểm, nhược điểm của mình phơi bày trên trang giấy.
Không có ai mà cuộc sống đọng lại trong thơ văn nhiều và rõ nét như Tú Xương. Chỉ cần đọc thơ văn  Tú Xương, người ta cũng dễ dàng hình dung được con người Tú Xương, vợ con Tú Xương, cũng như cả cái thành phố Nam Định, quê hương của Tú Xương, vào những năm cuối cùng của thế kỷ trước và những năm đầu tiên của thế kỷ này.

Thơ Tú Xương còn hay ở chỗ giản dị. Ít có người nào làm thơ giản dị như Tú Xương. Không có bài thơ nào mảy may có vết tích sự đẽo gọt, trau chuốt. Dường như Tú Xưong mở miệng đọc ra thơ. Vậy mà, đọc, vẫn thấy hay. Lạ.

Tú Xương là người mang chữ tàu, chữ tây vào thơ:

Hẩu lố, khách đà ba bảy chú
Mét xì, tây cũng bốn năm ông

Trước Tú Xương, đã có ai dám dùng những chữ như thế này chưa ?

Sao dám khinh mình, thầy đâu, thầy bậy, thầy bạ! 
Chẳng biết trọng đạo, cô gì, cô lốc, cô lô!

Hai câu này, trong bài Phú Thầy đồ dạy học, nghe như những tiếng chửi, những tiếng chửi đùa của những kẻ thân yêu nhau đang sống trong một cảnh ngộ nhỡ nhàng, oái oăm.

Khi Tú Xương đùa, ông thật có duyên:

Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ ấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà

Khi Tú Xương đằm thắm, giọng thơ ông ngọt ngào lạ lùng.

Ta nhớ người xa cách núi sông
Người xa xa lắm nhớ ta không ? 

Nhắc đến Tú Xương, không thể không nhắc bài Sông Lấp.
Trong bài tiểu luận Thời và thơ Tú Xương đăng trên báo Văn Nghệ  năm 1961, sau in lại
trong tập Chuyện Nghề (1986) , Nguyễn Tuân quan niệm:
"Dẫn thơ Tú Xương mà vô tình hoặc cố ý đánh rớt bài Sông Lấp, tức là bước lên đầu tháp, mở cửa tầng này tầng kia mà quên mất cái chuông trên vọng lâu vậy!"

Bài thơ Sông Lấp như sau:

Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ trồng nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

Ba câu đầu chỉ là ba câu tả cảnh không có gì đặc sắc. Ai làm cũng được...thế nhưng đến câu
cuối:

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

Thì mọi sự đổi khác hẳn. Cánh đồng dường như biến mất. Nhà cửa và ngô khoai cũng dường như biến mất. Còn lại buồn tênh những tiếng ếch kêu. Rồi ngay cả tiếng ếch kêu cũng biến mất.
Còn lại, chỉ còn lại ngân nga man mác trong tâm hồn nhà thơ những tiếng gọi đò năm xưa .
Chao ôi, những tiếng gọi đò. Tiếng gọi đò vang vang trong tâm tưởng. Tiếng gọi đò vang vang trong đêm khuya. Tiếng gọi đò vang vang lạnh buốt một vùng Nam Định đang trở mình thay đổi.
Tiếng gọi đò cứ chơi vơi, cứ khắc khoải, cứ lồng lộng ngân dội suốt mấy chục năm trời, trãi qua bao nhiêu cuộc biển dâu, đọng lại trong chúng ta thành những niềm nhớ không khuây về những gì đã vĩnh viễn không còn nữa, trong cuộc đời này.

Thơ Tú Xương là chứng tích của những đỗ vỡ, đồng thời là một sự hoài niệm về một quá khứ xa xôi, ở cái thuở trên quê hương cũng như trong tâm hồn mỗi người còn có một dòng sông Vị Hoàng êm ả ngày lấp lánh sắc trời, đêm long lanh bóng trăng, cả ngày lẫn đêm đều có mây bay trong đáy nước.


NGUYỄN HƯNG QUỐC



Chú thích:

1) Xuân Diệu trong quyển " Các nhà thơ cổ điển Việt Nam" tập 2 , HN 1982, có dẫn lại đoạn hồi ký này của Nguyễn Công Hoan, trang 267-268.

2) Tiêu biểu cho quan điểm này là Phạm Thế Ngữ trong quyển " Việt Nam văn học giản ước tân biên" , tập 3.

3) Ý nói: Nghe chuyện nước nhà thì giả bộ nặng tai để lảng tránh. Gặp phụ nữ đẹp thì giả bộ mắt kém để nhìn thật sát.

---------------------
Nguồn: VĂN số 93, tháng 3-1990

No comments:

Post a Comment