Saturday, February 22, 2025

Bài đăng trong Tập san : “Đốc Sự 17 “Theo Dòng Thời Gian”

Kỷ niệm 50 năm tốt nghiệp 1972-2022

Ban Đốc sự Học viện Quốc Gia Hành Chánh

 

CÒN MỘT CHÚT GÌ  ĐỂ NHỚ

 

NGUYỄN THANH NHỰT

 

Ra trường cuối năm 1972, tôi chọn Bộ Nội Vụ và chọn tỉnh Pleiku, miền "cao nguyên đất đỏ", chỉ biết qua sách báo và thật là xa xôi với quê nhà "miệt vườn miền Tây sông nước" của tôi.

Khoảng đầu năm 1973 tôi đến văn phòng Air Vietnam mua vé đi Pleiku để trình diện nhận nhiệm sở, (lần đầu tiên trong đời đi máy bay). Tôi nhớ lúc đó gần Tết nguyên đán, bạn đồng khoá cùng về Pleiku có Trần Ngọc Danh và Ksor De cùng Trần Thanh Thủy.


Nằm gần toà Hành chánh Pleiku là "Nhà Khách" (nhà vãng lai) trực thuộc toà Hành chánh tỉnh. Trong khuôn viên "Nhà Khách" có một dãy nhà, (có lẽ trước đây dành cho nhân viên Nhà Khách), nay anh em "hành chánh" mỗi người một căn. 

Bìa trái là căn hộ của gia đình anh Đào Văn Bình (Cao học HC), lúc anh Bình đổi về Nam thì gia đình anh Cử (ĐS 11) dọn vào căn nhà đó, anh Phương (TS) và anh Ninh (ĐS 16) thì ở căn kế bên. Lúc đó anh Phương và anh Ninh chưa lấy vợ, anh Phương sống với đứa em trai tên Sơn chừng 18 tuổi và đang học lớp 12 trung học. Căn nhà ở bìa phải là gia đình anh Chỉ (TS), anh một vợ hai con có nuôi thêm mấy đứa cháu ăn học. Anh Phan Văn Quả (ĐS 15) thì ở căn nhà kế bên nhà để xe, anh Quả lúc ấy cũng còn độc thân, anh sống một mình nhưng ngon lành có nuôi một chị người làm, lo việc nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa. Anh Quả có người em trai tên Phan Văn Thắng, anh Thắng này chính là nhạc sĩ Miên Đức Thắng, nổi tiếng với các bài hát "phản chiến" hiện là sĩ quan làm việc ở Bộ tư lệnh Quân Đoàn 2.


Mới ra chân ướt chân ráo, tôi và Danh ở tạm nhà anh Phương. Lúc đó gần Tết nguyên đán, tôi chào sân thành phố cao nguyên bằng một cơn bệnh nằm mẹp trên giường. Buổi tối cả nhà đi vắng chơi Tết, mừng mùa xuân mới sang, tôi bị bệnh nằm ở nhà một mình, buồn tình tôi nghe nhạc, nghe tới nghe lui bài hát rất lạ, lạnh lùng ma quái với tiếng hát Julie Quang: "Huyền thoại trên một vùng biển", giờ không thấy ai hát lại bài hát này.


Chúng tôi hẹn cùng nhau vào trình diện ông tỉnh trưởng và ông phó tỉnh trưởng hành chánh. Tinh trưởng đương thời lúc ấy là ông Y A Ba, người sắc tộc, phó tỉnh hành chánh là anh Nguyễn Phú Hữu (ĐS 8). Pleiku lúc ấy có ba quận: Lệ Trung, Phú Nhơn và Thanh An. Thủy và Ksor De được điều về quận Lệ Trung, Ksor De là phó hành chánh đặc trách sắc tộc, Danh về Phú Nhơn, còn phần tôi về Thanh An, thế chỗ cho anh Ninh về toà hành chánh làm trưởng ty Nội An.


Ngày đầu xuống Thanh An trình diện thiếu tá quận trưởng Nguyễn Tải, anh Ninh chở tôi đi trên chiếc xe Jeep của anh. Sau này anh bàn giao chiếc xe đó lại cho tôi.

Thanh An (nghe nói tên cũ là Lệ Thanh), cách thị xã Pleiku khoảng hơn ba mươi cây số. Trên đường từ thị xã Pleiku đến Thanh An có đi ngang qua một đồn điền trà của người Pháp ở xã Bàu Cạn. Trà ở đây được đóng hộp và xuất thẳng về Pháp. Trà được xắt miếng vuông nhỏ, và nước trà có màu hồng hồng không như màu vàng xanh của loại trà Tàu thường thấy.


Người dân ở Thanh An (và nói chung cả tỉnh Pleiku) là người tứ xứ được đưa lên theo chính sách Dinh Điền thời chánh phủ Ngô Đình Diệm. Phần đông là người xứ Quảng, nhưng một cảm nhận của tôi là họ sống với nhau rất hoà thuận, giúp đỡ lẫn nhau. Ở đó tôi thấy có một tập tục hơi lạ mà chẳng thấy ở nơi khác, ông Tư có người con trưởng tên Thành, ai cũng gọi ông là ông Thành mặc dù ông tên Tư.

Thị trấn Thanh An rất nhỏ, cũng có nhà lồng chợ buôn bán lèo tèo đến trưa là hết. Có một quán ăn mà bà chủ quán là người miền Nam, nghe đâu dân Kiến Hoà Bến Tre gì đó, (lúc trước tôi còn nhớ tên, giờ cố nhớ mà không tài nào!) không hiểu sao trôi nổi lạc loài đến cái quận miền núi này, lính nhiều hơn dân. Trong khu phố chợ có một tiệm bán tạp hóa nhỏ nhỏ, mà người chủ là một cán binh Cộng Sản hồi chánh. Tôi có gặp qua và có nói chuyện, người miền Bắc, không biết sau cái ngày binh biến ấy số phận ông ra sao.


Tôi được cấp một căn phòng nho nhỏ trong chi khu, làm bạn với mấy ông lính và mấy sĩ quan, ai cũng mặc áo nhà binh chỉ mình tôi là không mặc áo lính. Tối tối xúm nhau đánh cờ domino giải buồn, nếu không thì luộc khoai lang uống trà ngồi nói dóc.

Thời chiến, chiều tối là có người gài mìn xung quanh chi khu, sáng gở tối gài ngày nào cũng vậy. Buổi sáng ông quận cho một tiểu đội lính nghĩa quân đi dò mìn trước khi cho xe chạy. Bởi vì đoạn đường đi ngang đồn điền trà xã Bàu Cạn hay bị Việt Cộng đêm đêm lẻn ra gài mìn, rất nguy hiểm, đôi lần xe lam sáng sớm đi ngang trúng mìn, tai nạn rất kinh hoàng.


Trên đường từ quận Thanh An về thị xã Pleiku, đoạn từ ngã ba Hàm Rồng đổ về thành phố là một con dốc thoai thoải. Có lần tôi bắt chước người bạn chơi dại, khi xe đổ dốc, tắt máy, trả số xe về số point mort (xe số tay, không biết tôi viết chữ này có đúng không). Nói là để tiết kiệm xăng, thật ra là để tìm cảm giác, cũng may ngày đó xe cộ còn ít. Giờ nhớ lại, đúng là chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.

Khi nào về chơi ở thị xã Pleiku thì tôi ở nhà trong khuôn viên "Nhà Khách" gần toà hành chánh, gần quán cà phê nổi tiếng Dinh Điền. Từ đó đi xuống con phố chánh tập trung hàng quán không xa mấy, nơi có rạp hát Diệp Kính (mà con cháu giờ sống ở San Jose, Ca).

Khi sống ở Pleiku tôi có đôi lần xuống Quy Nhơn bằng đường bộ. Đi công tác, mang tờ chi phiếu xuống "Tổng cục thực phẩm" mua gạo, chỉ làm thủ tục thôi, gạo sẽ nhận tại kho gạo Pleiku để sau đó cấp phát cho đồng bào "tỵ nạn chiến cuộc". Đường rất tốt có qua hai cái đèo rất đẹp là đèo Mang Yang và đèo An Khê. Lúc qua đèo An Khê, từ trên cao nhìn xuống phía xa dưới kia, đường quanh co uốn lượn rất hùng vĩ nên thơ, và điều đặc biệt không cảm thấy sợ, cảm thấy an toàn không có gì nguy hiểm. Ngang qua An Khê, có một bảng bên đường ghi nhớ công của những người lính công binh Đại Hàn, đã giúp xây dựng quốc lộ. 

Vì mấy công tác có liên quan đến đồng bào "tỵ nạn chiến cuộc" nên tôi có đôi lần đến ty Xã Hội Pleiku, có gặp Trần Ngọc Phê là bạn học khóa ĐS 17 của mình. Anh Phê lúc đó ngon lành là trưởng ty một ty lớn, có rất nhiều nhân viên dưới quyền. (Lâu lắm không nghe bạn bè nhắc tới bạn Phê, không biết giờ anh ở đâu).


Hôm đám cưới anh Ninh (ĐS 16), anh biểu diễn giúp vui màn ảo thuật xếp tờ giấy trắng thành tiền. Người anh vợ sắp cưới của anh vốn là một ảo thuật gia chỉ vẻ cho anh màn biểu diễn này. Tôi cũng tham gia học ké. Rất đơn giản, đại khái mình gấp tờ giấy bạc nhiều lần cho đến khi nó thành một miếng nhỏ, kẹp giấu nó trong lòng bàn tay. Khi biểu diễn, mình lấy tờ giấy trắng cở tờ giấy bạc, xếp nó lại thành một miếng nhỏ, nhẹ nhàng tráo nó với tờ giấy bạc mình đã xếp nhỏ, rồi từ từ mở ra cho mọi người xem, tờ giấy trắng biến thành tờ giấy bạc.


Tôi đã rời xa Thanh An và Pleiku từ dạo tháng ba mùa chinh chiến ấy. Chưa lần nào trở lại. Không biết những người bạn ở cái chi khu Thanh An ngày ấy giờ ra sao? Ai còn ai mất? Ai chịu đựng được cơn địa chấn của cuộc đời.

Sau này tôi biết được ông sếp cũ của tôi là thiếu tá quận trưởng, đến Mỹ trong chương trình H.O, tôi gọi điện thoại hỏi thăm. Ông nói ông và gia đình đến Mỹ đầu thập niên 90, các con ông đều đi học, chỉ có thằng con trai lớn là đi làm, đứa con trai mà ngày trước ông định cho nó đi tu, nếu miền Nam mà không mất chắc nó giờ đã là linh mục. 

Riêng phần các anh em thuộc gia đình "Hành chánh" ở Pleiku thì chỉ có Ksor De là qua đời trong những ngày binh biến 75. Anh Chỉ và Trần Thanh Thủy còn ở lại Việt Nam, mấy anh em khác thì kẻ trước người sau lần lượt sang Mỹ "tìm lại cuộc đời". Khoảng năm 1982 tôi có gặp anh Hữu (phó tỉnh Pleiku) vừa đến Mỹ, anh Đào Văn Bình thì từ lâu sống ở San Jose, thỉnh thoảng thấy anh viết bài đăng trên các diễn đàn trên Internet. Trần Ngọc Danh thì nay là nhà thơ Trần Kiêu Bạc, có nhiều bài thơ về mẹ và quê hương rất hay qua giọng ngâm Hồng Vân trên YouTube.)


Sống ở Pleiku chỉ có hai năm, nhưng tôi có rất nhiều kỷ niệm. Giờ lẩm cẩm dài dòng kể ra, vì tôi muốn ghi lại một vài kỷ niệm trong đời, mà giờ đây đã quên rất nhiều. Những khu vườn trồng cà phê mà khi trổ hoa thơm ngát cả một khoảng đường. Những địa danh bắt đầu bằng chữ Lệ giờ chắc mang một cái tên khác, nào là Lệ Trung, Lệ Thanh, Lệ Kim, Lệ Ngọc, Lệ Minh. Chắc ít ai biết rằng chữ Lệ ấy có dính dáng đến cái tên của một người đàn bà quyền lực lừng lẫy một thời, mà gần đây báo chí có nhắc đến Quyền lực Bà Rồng.


Quê nội của tôi ở Sa Đéc. Ba tôi là bạn học rất thân với ông Huỳnh Thủy Lê, người mà báo chí gần đây ở Việt Nam nói đến như là nhân vật chánh trong tiểu thuyết "Người Tình" (L'Amant) của nữ văn sĩ người Pháp Margueritte. Quyển tiểu thuyết này được xuất bản năm 1984, nhanh chóng nổi tiếng và sau đó được dựng thành phim với sự góp mặt của tài tử Hồng Kông Lương Gia Huy. Không biết câu chuyện tình đầy lãng mạng này có bao nhiêu phần trăm là sự thật. Người ta tò mò muốn biết "người tình Huỳnh Thủy Lê" là ai.

Báo chí mô tả ông là một công tử người Việt gốc Hoa giàu có vào những năm đầu thế kỷ 20, và căn nhà cổ của cha mẹ ông ở Sa Đéc hiện giờ được nhiều khách du lịch đến thăm viếng.

Thông tin trên báo về ông chỉ có vậy. Còn có nhiều điều không thấy báo chí nói tới, như là Ông tuy gốc Hoa nhưng theo Tây học, ông từng du học bên Tây và có thời gian sống ở Pháp. Ông có chức danh dự "Hội Đồng", nhiều người vẫn gọi ông là ông "Hội đồng Lê". Ông là thông gia với ông Trần Văn Hương, (một người con gái của ông lấy con trai ông Trần Văn Hương).

Khi tôi tốt nghiệp và sắp đi làm có đến thăm ông bà Huỳnh Thủy Lê, gia đình ông bà sống tại một biệt thự trên đường Bà Huyện Thanh Quan ở Sài Gòn. Khi biết tôi sẽ ra làm việc ở Pleiku bà kể cho tôi biết một chuyện mà ít người biết. Bà nói lúc dinh Độc Lập bị dội bom, một đứa con gái nhỏ của bà Ngô Đình Nhu bị tử nạn. Bà Nhu đem xác đứa con vắn số của bà chôn tại một địa danh mang tên người con này ở Pleiku.


Đầu năm 1975, Quách Mạnh Kha và anh Nguyễn Văn Nhứt ĐS 19 mới ra trường và được đổi về Pleiku. Trong khi chờ được phân công việc thì chiến sự bùng phát. Tôi có vài lần trò chuyện với Kha thấy cũng khá gần gủi. (Đọc báo trên Internet, được biết Kha hiện giờ là một đạo diễn phim truyền hình ở Việt Nam).

Tháng ba năm 1975 Quân đoàn 2 di tản chiến thuật. Dẫn đầu là đủ loại xe "nhà binh" của các binh chủng, theo sau là xe của dân chúng Pleiku và Kon-Tum rồng rắn theo đường 7 đến Phú Bổn mở đường rừng xuống Tuy Hoà. Bà xã Danh là chị Mỹ cùng đứa con trai nhỏ tên Chi Bảo đã về Sài Gòn trước đó bằng Air Việt Nam nên Danh cũng đỡ lo. Danh làm phó quận được cấp một chiếc xe khá tốt, chiếc "Scout" (giống như loại SUV bây giờ) do cố vấn Mỹ về nước để lại. 

Tôi và Danh, Kha cùng anh Nhứt và anh Lân (ĐS 8) lên xe của Danh cùng đoàn người nối đuôi về Phú Bổn tìm đường xuống Tuy Hoà lánh nạn. Anh Lân từ trong Nam đổi ra Pleiku khoảng đầu năm 1975, anh chưa được phân công việc gì thì chiến sự bùng nổ. Anh không may bị tai chết đuối khi băng qua con suối trên đường chạy loạn.

 Những anh em thuộc gia đình "hành chánh" khác ở Pleiku thì không sao, tất cả đều "tai qua nạn khỏi". Tôi là người không được may mắn lắm trên đường chạy loạn, nhưng rồi cũng bình an vô sự.


Khi xe của Danh đến thành phố Phú Bổn thì bị tắt đường, xe xếp hàng nối đuôi đậu một chỗ. Tôi ngồi phía sau mở cửa bước ra ngoài xem xét tình hình. Đường thông, xe tiếp tục chạy không ai biết tôi đã bước khỏi xe. Tôi bị bỏ lại bơ vơ đành bám theo một chiếc xe nhà binh khác. Thật không may, chiếc xe này không đi tiếp mà ngủ lại đêm ở Phú Bổn nên bị quân Bắc Việt có thì giờ từ Ban  Mê Thuộc kéo sang chận bắt.

Tôi lượm được một chiếc áo khoác jacket rất đẹp có người bỏ lại khi chạy loạn, loại áo của phi công Mỹ. Khi tôi lang thang trong rừng ở Phú Bổn thì bị hai tên cán binh cộng sản Bắc Việt chận bắt, nó hỏi tôi lính gì. Tôi nói tôi không phải lính. Nó nói mày mặc cái áo đó mà không là lính à. Rồi một tên lột chiếc áo jacket pilot rất đẹp của tôi, không quên lột luôn cái đồng hồ "hai cửa sổ không người lái", cùng tất cả mớ tiền "ông Thiệu" trong túi quần của tôi. Tên cán binh bạn của nó lắc đầu, tỏ vẻ không tán thành việc làm này, nhưng nó không ngăn cản. Trước khi dẫn tôi đi nó bảo tôi nộp tờ căn cước cho nó. Tôi khôn nói không có, bị rớt mất rồi. Nhờ vậy sau này, khi theo ghe đánh cá ở Phan Rang trốn được vào Long Hải, (khoảng ngày 20 tháng Tư năm 75), khi xe đò về đến Biên Hoà thị bị chận lại xét giấy tờ, tôi nhờ có căn cước nên được cho vô Sài Gòn.


Lúc bị Việt Cộng bắt trong rừng ở Phú Bổn, tôi được cho ăn cơm với muối. Họ cũng tập hợp những người bị bắt theo từng nhóm, anh chàng "chính trị viên" (tôi nghĩ vậy, không biết anh ta cấp bậc gì) hỏi vậy chớ có ai bị lấy tiền hay vàng bạc gì không, và anh ta nói thêm, hỏi vậy cho biết chớ không trả lại. Tôi làm thinh, thấy tức cười, nhưng nhìn chung quanh, thấy nhiều người bị bắt nhưng họ vẫn còn đeo đồng hồ. Tự nghĩ thầm kể ra quân đội cộng sản Bắc Việt cũng tương đối có kỷ luật.

Tôi nhờ mặc đồ dân sự nên lén qua nhập bọn với mấy gia đình người dân tôi quen ở Pleiku. Sau đó thì đàn bà con nít cùng người dân sự được thả, (chỉ giữ những người lính). Tôi theo một người đàn ông đi bộ về thị xã Phú Bổn. Đến nơi mới biết ông ta là bác sĩ làm trong bệnh viện. Ông gởi tôi tá túc tại nhà một người y tá làm việc dưới quyền của ông. Nhà này mọi người đều đi di tản, chỉ còn lại một bà già ở lại giữ nhà. Bà cho tôi ăn cơm và uống sữa. Ở đó chừng hai ngày thì tôi quyết định ra bến xe tìm đường về lại Pleiku. Thật là may mắn, ở đó tôi tình cờ gặp bà vợ ông trưởng ty Ngân khố Pleiku, bà và mấy đứa con cũng bị kẹt lại và đang tìm đường trở lại Pleiku. Tôi theo bà về Pleiku, vô mấy căn nhà của người quen bà bỏ trống ở tạm, nhờ bà còn giấu được một ít tiền nên chúng tôi có tiền mà mua thức ăn sống qua ngày. Sau đó tôi theo gia đình bà lên Kon-Tum, ở đó khoảng một tuần lễ thì đi xe đò xuống Qui Nhơn khi thành phố này rơi vào tay cộng sản. 


Khi cộng quân chiếm Phan Rang, tối muốn đi tiếp về phương Nam, bà không chịu đi nói con cái làm đùm bất tiện. Tôi đi một mình đến Phan Rang, sống len lỏi trong mấy gia đình người dân đánh cá ở đó. Khi biết mình là dân chạy loạn, họ rất tử tế cho ăn cho chỗ ngủ. Sau đó thì theo ghe đánh cá vào Long Hải, có một số người muốn vào Sài Gòn lo chuyện tiền bạc gì đó. Tôi về đến Sài Gòn không bao lâu thì mấy ổng vô tới.


Khi nào nhớ tới những ngày lang thang ở Pleiku sau khi thành phố bị cộng sản chiếm. Tôi thấy mình thật là may mắn khi gặp được bà vợ ông trưởng ty Ngân khố Pleiku, tôi mang ơn bà rất nhiều, nếu không có bà, tôi bơ vơ một thân một mình, không tiền không bạc, tôi sẽ khổ biết dường nào.


Lúc vào trại cải tạo ở Long Thành, tôi chung nhóm với Chu Văn An nên có dịp gần gủi tâm sự tâm tình. An tướng người mập mạp tròn trịa có da có thịt. Vô tù mấy tháng ốm nhom thấy phát rầu. Tôi rủ An lên bệnh xá, hai đứa giả bộ bệnh xin thuốc bổ. Được chừng một lần, lần thứ nhì bị cô y tá Việt cộng mắng mỏ nạt nộ, hai đứa "tởn", chẳng dám... bệnh. An qua Mỹ cuối năm 1992, một mình, khoảng tháng Năm 1993 An và một số bạn hành chánh từ miền Nam Cali có lên San Jose chơi. An kể cho tôi nghe vì sao hai vợ chồng không đi cùng qua một lượt. An nói vì là gia đình gốc Bắc, nên người trong nhà muốn An sớm có con, nhất là có con trai để nối dõi tông đường. An tâm sự, vì bà xã có bệnh tim sao đó nên bác sĩ khuyên không nên mang thai. Đó là lý do suốt mấy chục năm hai ông bà vẫn mình ên.

Khoảng đầu thập niên 2000, vợ chồng An có lên San Jose dự đám cưới con gái Nguyễn Trung Quang, tôi gặp An lần đó cho đến ngày An qua đời. 

Lúc Trần Đình Sơn qua Mỹ thăm con trai đang học đại học ở Mỹ, Sơn có dự đám cưới của con trai Đặng Công Chánh hay là đám cưới con gái Đắc Hữu Thiên tôi không nhớ rõ. Chỉ nhớ là đám cưới đãi tại nhà hàng Thành Được, sau đó anh em kéo nhau về nhà của Trần Đình Tuấn ở downtown San Jose.

Khi còn đi học, tôi có đôi lần chơi xì phé với Trần Đình Sơn ở ký túc xá, và một lần ở nhà chú của Sơn ở cầu Công Lý. Còn nhớ lúc đó có gặp bà nội của Sơn ở đó. Có một lần chơi bài với Sơn ở ký túc xá, tôi thua cháy túi chạy đến phòng của bạn Trịnh Xây Dựng gõ cửa. Tôi nói tôi vừa nướng sạch học bỗng mới lãnh, bạn làm ơn cho tôi mượn chút đỉnh chơi tiếp, hầu mong lấy lại những gì đã mất. (Dân chơi sợ gì mưa rơi). Bạn Dựng nhà ta trố mắt kinh ngạc làm như đó là một việc gì kinh khủng lắm. Nhưng bạn vui vẻ móc tiền cho tôi mượn (chớ không có cằn nhằn như những người thân của tôi mỗi khi cho tôi mượn tiền). Bạn Dựng ơi! Nếu bạn còn đang ở đâu đó trên thiên đàng, chắc bạn cũng thấy là tôi chưa quên những chuyện cũ rích cũ mèm ngày xưa ngày xửa.

Nhắc tới chuyện cờ bạc, tôi không biết là Trần Đình Sơn có còn thích đánh xì phé như ngày xưa hay không. Khi Sơn về lại Việt Nam, tôi nghĩ sao hôm đó mình không dẫn Sơn lên casino chơi xì phé kiểu Mỹ, môn xì phé Texas Hold'em mà tôi rất mê. Chơi cho vui cho biết mùi cờ bạc Mỹ.


Khi còn ở tù "cải tạo" tại Long Thành, trong nhóm tổ 10 người của tôi đều là anh em dân hành chánh. Anh Thái Quang Chung (ĐS 12) nói chuyện vui vẻ và thường viết bài đăng trên "báo tường" trong trại. Anh nói có hai ông anh, một ông là tướng trong Nam, một ông là tướng ngoài Bắc. Ông Thái Quang Hoàn là tướng Việt Nam Cộng Hòa, ông Thái Quang Hồng là tướng phòng không không quân miền Bắc.

 Một ngày khoảng tháng chín năm 1975, (tôi không còn nhớ chính xác ngày giờ), sáng sớm hôm đó anh em trong trại tù được đánh thức dậy, tập họp để nghe tin là có lệnh đổi tiền (lần thứ nhất). Anh Hùng (ĐS12) ngồi gần tôi mới nói: "tôi đố mấy anh là lần đổi tiền này chỉ riêng cho miền Nam hay cả nước". Tôi nghĩ đất nước đã thống nhất, lần đổi tiền này phải là từ Nam chí Bắc để cả nước xài chung một hệ thống tiền tệ. Anh Hùng nói lần đổi tiền này chỉ riêng cho miền Nam, anh nói thêm đó là kinh nghiệm của những người đã sống trong vùng cộng sản. Và anh Hùng đã đoán đúng, và tôi đã nhiều lần tự hỏi, cái kinh nghiệm sống với cộng sản này (anh học được ở đâu mà nhanh vậy?).


Nguyễn Chí Thiện (ĐS 19) cũng ở tù "cải tạo" tại Long Thành. Tuy ở khác dãy nhà, thỉnh thoảng có đến gặp tôi nói chuyện tâm tình. (Tôi không nhớ quen Thiện khi nào, có lẽ là khi (không chắc lắm) Thiện từ Kon-Tum xuống Pleiku theo xe của Danh di tản xuống Tuy Hoà). Thiện khoe tôi vừa làm được một bài thơ, và thích thú đọc cho tôi nghe. Nhưng tôi nghe thơ như vịt nghe sấm, kể chuyện vui tiếu lâm họa may tôi còn nhớ. Có lần Thiện nói Thiện chỉ là đứa con nuôi của một gia đình giàu có chủ vườn cao su ở Tây Ninh. Có lần Thiện khoe tấm hình người yêu bé bỏng tên Phượng. Rồi có lần Thiện lại kể về một chuyện tình với một người đàn bà nhiều tuổi hơn Thiện. Chuyện tình không đoạn kết.

Khi ở tù về, có lần tôi đến thăm Thiện ở Sài Gòn, Thiện gọi người yêu đang ở trên lầu xuống để tôi biết mặt. Nhưng cô nàng không chịu xuống, vì đi "thanh niên xung phong" đen đúa xấu xí, sợ tôi chê là không đẹp. Thiện đi vượt biên và tử lâu sống ở Úc. Thiện hay làm thơ và viết truyện ngắn đăng trên mấy trang văn học trên Internet, ký hiệu Thuyên Huy. Thiện hay gởi tình yêu quê hương làng xóm Tây Ninh của Thiện vào thơ và truyện ngắn. Chỉ một Tây Ninh yêu dấu.


Khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, vợ chồng bạn Nguyễn Ngọc Quang từ Canada có sang Mỹ chơi. Trước khi đến San Jose Quang có đến Texas thăm Diệp Thanh Sang. Đầu năm 2017 vợ chồng Quang có sang Mỹ, có gặp bạn bè ở San Jose, thật bất ngờ, sau đó chị Quang ngã bệnh và qua đời.

Tôi còn giữ tấm hình chụp hôm đám cưới Vũ Quý Dân, (đã lâu không nghe tin tức của bạn từ ngày bạn đi khỏi San Jose, mong là một ngày nào đó bạn sẽ "tái xuất giang hồ").

Một tấm hình chụp khoảng năm 1991, trước cửa văn phòng dịch vụ du lịch travel của Phạm Đức Thạnh lúc bạn Thạnh còn ở San Jose. Một tấm hình khác chụp cùng anh em hành chánh lúc ở trại tỵ nạn Pulau Galang Indonesia (có Mã Thành Nghĩa).

Và tôi cũng muốn ghi lại đây tấm hình chụp hôm đám cưới của cháu Chi Bảo là con trai đầu của Trần Ngọc Danh và chị Mỹ.

Cháu Chi Bảo sanh năm 1974 ở Pleiku, Danh và tôi ở hai quận khác nhau, nhưng khi về thành phố Pleiku ở chung nhà, thỉnh thoảng tôi cũng bồng ẳm em bé Chi Bảo khi đó rất "sổ sửa" bụ bẩm tròn trịa như cha và mẹ.


Trên đây là những gì tôi còn nhớ được có chút liên quan đến bạn bè, anh em hành chánh. Những mảng ký ức vụn này được ghi chép lại có vẻ hơi lộn xộn, lủng củng, mong rằng nó cũng nhắc cho chúng ta nhớ lại một đoạn đời đã qua. 


 

NGUYỄN THANH NHỰT

 

unknown.jpg

unknown_1.jpg

unknown_2.jpg

unknown_3.jpg

 Sent from my iP

No comments:

Post a Comment