Saturday, February 22, 2025

Bài đăng trong Tập san : “Đốc Sự 17 “Theo Dòng Thời Gian”

Kỷ niệm 50 năm tốt nghiệp 1972-2022

Ban Đốc sự Học viện Quốc Gia Hành Chánh

 

CÒN MỘT CHÚT GÌ  ĐỂ NHỚ

 

NGUYỄN THANH NHỰT

 

Ra trường cuối năm 1972, tôi chọn Bộ Nội Vụ và chọn tỉnh Pleiku, miền "cao nguyên đất đỏ", chỉ biết qua sách báo và thật là xa xôi với quê nhà "miệt vườn miền Tây sông nước" của tôi.

Khoảng đầu năm 1973 tôi đến văn phòng Air Vietnam mua vé đi Pleiku để trình diện nhận nhiệm sở, (lần đầu tiên trong đời đi máy bay). Tôi nhớ lúc đó gần Tết nguyên đán, bạn đồng khoá cùng về Pleiku có Trần Ngọc Danh và Ksor De cùng Trần Thanh Thủy.


Nằm gần toà Hành chánh Pleiku là "Nhà Khách" (nhà vãng lai) trực thuộc toà Hành chánh tỉnh. Trong khuôn viên "Nhà Khách" có một dãy nhà, (có lẽ trước đây dành cho nhân viên Nhà Khách), nay anh em "hành chánh" mỗi người một căn. 

Bìa trái là căn hộ của gia đình anh Đào Văn Bình (Cao học HC), lúc anh Bình đổi về Nam thì gia đình anh Cử (ĐS 11) dọn vào căn nhà đó, anh Phương (TS) và anh Ninh (ĐS 16) thì ở căn kế bên. Lúc đó anh Phương và anh Ninh chưa lấy vợ, anh Phương sống với đứa em trai tên Sơn chừng 18 tuổi và đang học lớp 12 trung học. Căn nhà ở bìa phải là gia đình anh Chỉ (TS), anh một vợ hai con có nuôi thêm mấy đứa cháu ăn học. Anh Phan Văn Quả (ĐS 15) thì ở căn nhà kế bên nhà để xe, anh Quả lúc ấy cũng còn độc thân, anh sống một mình nhưng ngon lành có nuôi một chị người làm, lo việc nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa. Anh Quả có người em trai tên Phan Văn Thắng, anh Thắng này chính là nhạc sĩ Miên Đức Thắng, nổi tiếng với các bài hát "phản chiến" hiện là sĩ quan làm việc ở Bộ tư lệnh Quân Đoàn 2.


Mới ra chân ướt chân ráo, tôi và Danh ở tạm nhà anh Phương. Lúc đó gần Tết nguyên đán, tôi chào sân thành phố cao nguyên bằng một cơn bệnh nằm mẹp trên giường. Buổi tối cả nhà đi vắng chơi Tết, mừng mùa xuân mới sang, tôi bị bệnh nằm ở nhà một mình, buồn tình tôi nghe nhạc, nghe tới nghe lui bài hát rất lạ, lạnh lùng ma quái với tiếng hát Julie Quang: "Huyền thoại trên một vùng biển", giờ không thấy ai hát lại bài hát này.


Chúng tôi hẹn cùng nhau vào trình diện ông tỉnh trưởng và ông phó tỉnh trưởng hành chánh. Tinh trưởng đương thời lúc ấy là ông Y A Ba, người sắc tộc, phó tỉnh hành chánh là anh Nguyễn Phú Hữu (ĐS 8). Pleiku lúc ấy có ba quận: Lệ Trung, Phú Nhơn và Thanh An. Thủy và Ksor De được điều về quận Lệ Trung, Ksor De là phó hành chánh đặc trách sắc tộc, Danh về Phú Nhơn, còn phần tôi về Thanh An, thế chỗ cho anh Ninh về toà hành chánh làm trưởng ty Nội An.


Ngày đầu xuống Thanh An trình diện thiếu tá quận trưởng Nguyễn Tải, anh Ninh chở tôi đi trên chiếc xe Jeep của anh. Sau này anh bàn giao chiếc xe đó lại cho tôi.

Thanh An (nghe nói tên cũ là Lệ Thanh), cách thị xã Pleiku khoảng hơn ba mươi cây số. Trên đường từ thị xã Pleiku đến Thanh An có đi ngang qua một đồn điền trà của người Pháp ở xã Bàu Cạn. Trà ở đây được đóng hộp và xuất thẳng về Pháp. Trà được xắt miếng vuông nhỏ, và nước trà có màu hồng hồng không như màu vàng xanh của loại trà Tàu thường thấy.


Người dân ở Thanh An (và nói chung cả tỉnh Pleiku) là người tứ xứ được đưa lên theo chính sách Dinh Điền thời chánh phủ Ngô Đình Diệm. Phần đông là người xứ Quảng, nhưng một cảm nhận của tôi là họ sống với nhau rất hoà thuận, giúp đỡ lẫn nhau. Ở đó tôi thấy có một tập tục hơi lạ mà chẳng thấy ở nơi khác, ông Tư có người con trưởng tên Thành, ai cũng gọi ông là ông Thành mặc dù ông tên Tư.

Thị trấn Thanh An rất nhỏ, cũng có nhà lồng chợ buôn bán lèo tèo đến trưa là hết. Có một quán ăn mà bà chủ quán là người miền Nam, nghe đâu dân Kiến Hoà Bến Tre gì đó, (lúc trước tôi còn nhớ tên, giờ cố nhớ mà không tài nào!) không hiểu sao trôi nổi lạc loài đến cái quận miền núi này, lính nhiều hơn dân. Trong khu phố chợ có một tiệm bán tạp hóa nhỏ nhỏ, mà người chủ là một cán binh Cộng Sản hồi chánh. Tôi có gặp qua và có nói chuyện, người miền Bắc, không biết sau cái ngày binh biến ấy số phận ông ra sao.


Tôi được cấp một căn phòng nho nhỏ trong chi khu, làm bạn với mấy ông lính và mấy sĩ quan, ai cũng mặc áo nhà binh chỉ mình tôi là không mặc áo lính. Tối tối xúm nhau đánh cờ domino giải buồn, nếu không thì luộc khoai lang uống trà ngồi nói dóc.

Thời chiến, chiều tối là có người gài mìn xung quanh chi khu, sáng gở tối gài ngày nào cũng vậy. Buổi sáng ông quận cho một tiểu đội lính nghĩa quân đi dò mìn trước khi cho xe chạy. Bởi vì đoạn đường đi ngang đồn điền trà xã Bàu Cạn hay bị Việt Cộng đêm đêm lẻn ra gài mìn, rất nguy hiểm, đôi lần xe lam sáng sớm đi ngang trúng mìn, tai nạn rất kinh hoàng.


Trên đường từ quận Thanh An về thị xã Pleiku, đoạn từ ngã ba Hàm Rồng đổ về thành phố là một con dốc thoai thoải. Có lần tôi bắt chước người bạn chơi dại, khi xe đổ dốc, tắt máy, trả số xe về số point mort (xe số tay, không biết tôi viết chữ này có đúng không). Nói là để tiết kiệm xăng, thật ra là để tìm cảm giác, cũng may ngày đó xe cộ còn ít. Giờ nhớ lại, đúng là chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.

Khi nào về chơi ở thị xã Pleiku thì tôi ở nhà trong khuôn viên "Nhà Khách" gần toà hành chánh, gần quán cà phê nổi tiếng Dinh Điền. Từ đó đi xuống con phố chánh tập trung hàng quán không xa mấy, nơi có rạp hát Diệp Kính (mà con cháu giờ sống ở San Jose, Ca).

Khi sống ở Pleiku tôi có đôi lần xuống Quy Nhơn bằng đường bộ. Đi công tác, mang tờ chi phiếu xuống "Tổng cục thực phẩm" mua gạo, chỉ làm thủ tục thôi, gạo sẽ nhận tại kho gạo Pleiku để sau đó cấp phát cho đồng bào "tỵ nạn chiến cuộc". Đường rất tốt có qua hai cái đèo rất đẹp là đèo Mang Yang và đèo An Khê. Lúc qua đèo An Khê, từ trên cao nhìn xuống phía xa dưới kia, đường quanh co uốn lượn rất hùng vĩ nên thơ, và điều đặc biệt không cảm thấy sợ, cảm thấy an toàn không có gì nguy hiểm. Ngang qua An Khê, có một bảng bên đường ghi nhớ công của những người lính công binh Đại Hàn, đã giúp xây dựng quốc lộ. 

Vì mấy công tác có liên quan đến đồng bào "tỵ nạn chiến cuộc" nên tôi có đôi lần đến ty Xã Hội Pleiku, có gặp Trần Ngọc Phê là bạn học khóa ĐS 17 của mình. Anh Phê lúc đó ngon lành là trưởng ty một ty lớn, có rất nhiều nhân viên dưới quyền. (Lâu lắm không nghe bạn bè nhắc tới bạn Phê, không biết giờ anh ở đâu).


Hôm đám cưới anh Ninh (ĐS 16), anh biểu diễn giúp vui màn ảo thuật xếp tờ giấy trắng thành tiền. Người anh vợ sắp cưới của anh vốn là một ảo thuật gia chỉ vẻ cho anh màn biểu diễn này. Tôi cũng tham gia học ké. Rất đơn giản, đại khái mình gấp tờ giấy bạc nhiều lần cho đến khi nó thành một miếng nhỏ, kẹp giấu nó trong lòng bàn tay. Khi biểu diễn, mình lấy tờ giấy trắng cở tờ giấy bạc, xếp nó lại thành một miếng nhỏ, nhẹ nhàng tráo nó với tờ giấy bạc mình đã xếp nhỏ, rồi từ từ mở ra cho mọi người xem, tờ giấy trắng biến thành tờ giấy bạc.


Tôi đã rời xa Thanh An và Pleiku từ dạo tháng ba mùa chinh chiến ấy. Chưa lần nào trở lại. Không biết những người bạn ở cái chi khu Thanh An ngày ấy giờ ra sao? Ai còn ai mất? Ai chịu đựng được cơn địa chấn của cuộc đời.

Sau này tôi biết được ông sếp cũ của tôi là thiếu tá quận trưởng, đến Mỹ trong chương trình H.O, tôi gọi điện thoại hỏi thăm. Ông nói ông và gia đình đến Mỹ đầu thập niên 90, các con ông đều đi học, chỉ có thằng con trai lớn là đi làm, đứa con trai mà ngày trước ông định cho nó đi tu, nếu miền Nam mà không mất chắc nó giờ đã là linh mục. 

Riêng phần các anh em thuộc gia đình "Hành chánh" ở Pleiku thì chỉ có Ksor De là qua đời trong những ngày binh biến 75. Anh Chỉ và Trần Thanh Thủy còn ở lại Việt Nam, mấy anh em khác thì kẻ trước người sau lần lượt sang Mỹ "tìm lại cuộc đời". Khoảng năm 1982 tôi có gặp anh Hữu (phó tỉnh Pleiku) vừa đến Mỹ, anh Đào Văn Bình thì từ lâu sống ở San Jose, thỉnh thoảng thấy anh viết bài đăng trên các diễn đàn trên Internet. Trần Ngọc Danh thì nay là nhà thơ Trần Kiêu Bạc, có nhiều bài thơ về mẹ và quê hương rất hay qua giọng ngâm Hồng Vân trên YouTube.)


Sống ở Pleiku chỉ có hai năm, nhưng tôi có rất nhiều kỷ niệm. Giờ lẩm cẩm dài dòng kể ra, vì tôi muốn ghi lại một vài kỷ niệm trong đời, mà giờ đây đã quên rất nhiều. Những khu vườn trồng cà phê mà khi trổ hoa thơm ngát cả một khoảng đường. Những địa danh bắt đầu bằng chữ Lệ giờ chắc mang một cái tên khác, nào là Lệ Trung, Lệ Thanh, Lệ Kim, Lệ Ngọc, Lệ Minh. Chắc ít ai biết rằng chữ Lệ ấy có dính dáng đến cái tên của một người đàn bà quyền lực lừng lẫy một thời, mà gần đây báo chí có nhắc đến Quyền lực Bà Rồng.


Quê nội của tôi ở Sa Đéc. Ba tôi là bạn học rất thân với ông Huỳnh Thủy Lê, người mà báo chí gần đây ở Việt Nam nói đến như là nhân vật chánh trong tiểu thuyết "Người Tình" (L'Amant) của nữ văn sĩ người Pháp Margueritte. Quyển tiểu thuyết này được xuất bản năm 1984, nhanh chóng nổi tiếng và sau đó được dựng thành phim với sự góp mặt của tài tử Hồng Kông Lương Gia Huy. Không biết câu chuyện tình đầy lãng mạng này có bao nhiêu phần trăm là sự thật. Người ta tò mò muốn biết "người tình Huỳnh Thủy Lê" là ai.

Báo chí mô tả ông là một công tử người Việt gốc Hoa giàu có vào những năm đầu thế kỷ 20, và căn nhà cổ của cha mẹ ông ở Sa Đéc hiện giờ được nhiều khách du lịch đến thăm viếng.

Thông tin trên báo về ông chỉ có vậy. Còn có nhiều điều không thấy báo chí nói tới, như là Ông tuy gốc Hoa nhưng theo Tây học, ông từng du học bên Tây và có thời gian sống ở Pháp. Ông có chức danh dự "Hội Đồng", nhiều người vẫn gọi ông là ông "Hội đồng Lê". Ông là thông gia với ông Trần Văn Hương, (một người con gái của ông lấy con trai ông Trần Văn Hương).

Khi tôi tốt nghiệp và sắp đi làm có đến thăm ông bà Huỳnh Thủy Lê, gia đình ông bà sống tại một biệt thự trên đường Bà Huyện Thanh Quan ở Sài Gòn. Khi biết tôi sẽ ra làm việc ở Pleiku bà kể cho tôi biết một chuyện mà ít người biết. Bà nói lúc dinh Độc Lập bị dội bom, một đứa con gái nhỏ của bà Ngô Đình Nhu bị tử nạn. Bà Nhu đem xác đứa con vắn số của bà chôn tại một địa danh mang tên người con này ở Pleiku.


Đầu năm 1975, Quách Mạnh Kha và anh Nguyễn Văn Nhứt ĐS 19 mới ra trường và được đổi về Pleiku. Trong khi chờ được phân công việc thì chiến sự bùng phát. Tôi có vài lần trò chuyện với Kha thấy cũng khá gần gủi. (Đọc báo trên Internet, được biết Kha hiện giờ là một đạo diễn phim truyền hình ở Việt Nam).

Tháng ba năm 1975 Quân đoàn 2 di tản chiến thuật. Dẫn đầu là đủ loại xe "nhà binh" của các binh chủng, theo sau là xe của dân chúng Pleiku và Kon-Tum rồng rắn theo đường 7 đến Phú Bổn mở đường rừng xuống Tuy Hoà. Bà xã Danh là chị Mỹ cùng đứa con trai nhỏ tên Chi Bảo đã về Sài Gòn trước đó bằng Air Việt Nam nên Danh cũng đỡ lo. Danh làm phó quận được cấp một chiếc xe khá tốt, chiếc "Scout" (giống như loại SUV bây giờ) do cố vấn Mỹ về nước để lại. 

Tôi và Danh, Kha cùng anh Nhứt và anh Lân (ĐS 8) lên xe của Danh cùng đoàn người nối đuôi về Phú Bổn tìm đường xuống Tuy Hoà lánh nạn. Anh Lân từ trong Nam đổi ra Pleiku khoảng đầu năm 1975, anh chưa được phân công việc gì thì chiến sự bùng nổ. Anh không may bị tai chết đuối khi băng qua con suối trên đường chạy loạn.

 Những anh em thuộc gia đình "hành chánh" khác ở Pleiku thì không sao, tất cả đều "tai qua nạn khỏi". Tôi là người không được may mắn lắm trên đường chạy loạn, nhưng rồi cũng bình an vô sự.


Khi xe của Danh đến thành phố Phú Bổn thì bị tắt đường, xe xếp hàng nối đuôi đậu một chỗ. Tôi ngồi phía sau mở cửa bước ra ngoài xem xét tình hình. Đường thông, xe tiếp tục chạy không ai biết tôi đã bước khỏi xe. Tôi bị bỏ lại bơ vơ đành bám theo một chiếc xe nhà binh khác. Thật không may, chiếc xe này không đi tiếp mà ngủ lại đêm ở Phú Bổn nên bị quân Bắc Việt có thì giờ từ Ban  Mê Thuộc kéo sang chận bắt.

Tôi lượm được một chiếc áo khoác jacket rất đẹp có người bỏ lại khi chạy loạn, loại áo của phi công Mỹ. Khi tôi lang thang trong rừng ở Phú Bổn thì bị hai tên cán binh cộng sản Bắc Việt chận bắt, nó hỏi tôi lính gì. Tôi nói tôi không phải lính. Nó nói mày mặc cái áo đó mà không là lính à. Rồi một tên lột chiếc áo jacket pilot rất đẹp của tôi, không quên lột luôn cái đồng hồ "hai cửa sổ không người lái", cùng tất cả mớ tiền "ông Thiệu" trong túi quần của tôi. Tên cán binh bạn của nó lắc đầu, tỏ vẻ không tán thành việc làm này, nhưng nó không ngăn cản. Trước khi dẫn tôi đi nó bảo tôi nộp tờ căn cước cho nó. Tôi khôn nói không có, bị rớt mất rồi. Nhờ vậy sau này, khi theo ghe đánh cá ở Phan Rang trốn được vào Long Hải, (khoảng ngày 20 tháng Tư năm 75), khi xe đò về đến Biên Hoà thị bị chận lại xét giấy tờ, tôi nhờ có căn cước nên được cho vô Sài Gòn.


Lúc bị Việt Cộng bắt trong rừng ở Phú Bổn, tôi được cho ăn cơm với muối. Họ cũng tập hợp những người bị bắt theo từng nhóm, anh chàng "chính trị viên" (tôi nghĩ vậy, không biết anh ta cấp bậc gì) hỏi vậy chớ có ai bị lấy tiền hay vàng bạc gì không, và anh ta nói thêm, hỏi vậy cho biết chớ không trả lại. Tôi làm thinh, thấy tức cười, nhưng nhìn chung quanh, thấy nhiều người bị bắt nhưng họ vẫn còn đeo đồng hồ. Tự nghĩ thầm kể ra quân đội cộng sản Bắc Việt cũng tương đối có kỷ luật.

Tôi nhờ mặc đồ dân sự nên lén qua nhập bọn với mấy gia đình người dân tôi quen ở Pleiku. Sau đó thì đàn bà con nít cùng người dân sự được thả, (chỉ giữ những người lính). Tôi theo một người đàn ông đi bộ về thị xã Phú Bổn. Đến nơi mới biết ông ta là bác sĩ làm trong bệnh viện. Ông gởi tôi tá túc tại nhà một người y tá làm việc dưới quyền của ông. Nhà này mọi người đều đi di tản, chỉ còn lại một bà già ở lại giữ nhà. Bà cho tôi ăn cơm và uống sữa. Ở đó chừng hai ngày thì tôi quyết định ra bến xe tìm đường về lại Pleiku. Thật là may mắn, ở đó tôi tình cờ gặp bà vợ ông trưởng ty Ngân khố Pleiku, bà và mấy đứa con cũng bị kẹt lại và đang tìm đường trở lại Pleiku. Tôi theo bà về Pleiku, vô mấy căn nhà của người quen bà bỏ trống ở tạm, nhờ bà còn giấu được một ít tiền nên chúng tôi có tiền mà mua thức ăn sống qua ngày. Sau đó tôi theo gia đình bà lên Kon-Tum, ở đó khoảng một tuần lễ thì đi xe đò xuống Qui Nhơn khi thành phố này rơi vào tay cộng sản. 


Khi cộng quân chiếm Phan Rang, tối muốn đi tiếp về phương Nam, bà không chịu đi nói con cái làm đùm bất tiện. Tôi đi một mình đến Phan Rang, sống len lỏi trong mấy gia đình người dân đánh cá ở đó. Khi biết mình là dân chạy loạn, họ rất tử tế cho ăn cho chỗ ngủ. Sau đó thì theo ghe đánh cá vào Long Hải, có một số người muốn vào Sài Gòn lo chuyện tiền bạc gì đó. Tôi về đến Sài Gòn không bao lâu thì mấy ổng vô tới.


Khi nào nhớ tới những ngày lang thang ở Pleiku sau khi thành phố bị cộng sản chiếm. Tôi thấy mình thật là may mắn khi gặp được bà vợ ông trưởng ty Ngân khố Pleiku, tôi mang ơn bà rất nhiều, nếu không có bà, tôi bơ vơ một thân một mình, không tiền không bạc, tôi sẽ khổ biết dường nào.


Lúc vào trại cải tạo ở Long Thành, tôi chung nhóm với Chu Văn An nên có dịp gần gủi tâm sự tâm tình. An tướng người mập mạp tròn trịa có da có thịt. Vô tù mấy tháng ốm nhom thấy phát rầu. Tôi rủ An lên bệnh xá, hai đứa giả bộ bệnh xin thuốc bổ. Được chừng một lần, lần thứ nhì bị cô y tá Việt cộng mắng mỏ nạt nộ, hai đứa "tởn", chẳng dám... bệnh. An qua Mỹ cuối năm 1992, một mình, khoảng tháng Năm 1993 An và một số bạn hành chánh từ miền Nam Cali có lên San Jose chơi. An kể cho tôi nghe vì sao hai vợ chồng không đi cùng qua một lượt. An nói vì là gia đình gốc Bắc, nên người trong nhà muốn An sớm có con, nhất là có con trai để nối dõi tông đường. An tâm sự, vì bà xã có bệnh tim sao đó nên bác sĩ khuyên không nên mang thai. Đó là lý do suốt mấy chục năm hai ông bà vẫn mình ên.

Khoảng đầu thập niên 2000, vợ chồng An có lên San Jose dự đám cưới con gái Nguyễn Trung Quang, tôi gặp An lần đó cho đến ngày An qua đời. 

Lúc Trần Đình Sơn qua Mỹ thăm con trai đang học đại học ở Mỹ, Sơn có dự đám cưới của con trai Đặng Công Chánh hay là đám cưới con gái Đắc Hữu Thiên tôi không nhớ rõ. Chỉ nhớ là đám cưới đãi tại nhà hàng Thành Được, sau đó anh em kéo nhau về nhà của Trần Đình Tuấn ở downtown San Jose.

Khi còn đi học, tôi có đôi lần chơi xì phé với Trần Đình Sơn ở ký túc xá, và một lần ở nhà chú của Sơn ở cầu Công Lý. Còn nhớ lúc đó có gặp bà nội của Sơn ở đó. Có một lần chơi bài với Sơn ở ký túc xá, tôi thua cháy túi chạy đến phòng của bạn Trịnh Xây Dựng gõ cửa. Tôi nói tôi vừa nướng sạch học bỗng mới lãnh, bạn làm ơn cho tôi mượn chút đỉnh chơi tiếp, hầu mong lấy lại những gì đã mất. (Dân chơi sợ gì mưa rơi). Bạn Dựng nhà ta trố mắt kinh ngạc làm như đó là một việc gì kinh khủng lắm. Nhưng bạn vui vẻ móc tiền cho tôi mượn (chớ không có cằn nhằn như những người thân của tôi mỗi khi cho tôi mượn tiền). Bạn Dựng ơi! Nếu bạn còn đang ở đâu đó trên thiên đàng, chắc bạn cũng thấy là tôi chưa quên những chuyện cũ rích cũ mèm ngày xưa ngày xửa.

Nhắc tới chuyện cờ bạc, tôi không biết là Trần Đình Sơn có còn thích đánh xì phé như ngày xưa hay không. Khi Sơn về lại Việt Nam, tôi nghĩ sao hôm đó mình không dẫn Sơn lên casino chơi xì phé kiểu Mỹ, môn xì phé Texas Hold'em mà tôi rất mê. Chơi cho vui cho biết mùi cờ bạc Mỹ.


Khi còn ở tù "cải tạo" tại Long Thành, trong nhóm tổ 10 người của tôi đều là anh em dân hành chánh. Anh Thái Quang Chung (ĐS 12) nói chuyện vui vẻ và thường viết bài đăng trên "báo tường" trong trại. Anh nói có hai ông anh, một ông là tướng trong Nam, một ông là tướng ngoài Bắc. Ông Thái Quang Hoàn là tướng Việt Nam Cộng Hòa, ông Thái Quang Hồng là tướng phòng không không quân miền Bắc.

 Một ngày khoảng tháng chín năm 1975, (tôi không còn nhớ chính xác ngày giờ), sáng sớm hôm đó anh em trong trại tù được đánh thức dậy, tập họp để nghe tin là có lệnh đổi tiền (lần thứ nhất). Anh Hùng (ĐS12) ngồi gần tôi mới nói: "tôi đố mấy anh là lần đổi tiền này chỉ riêng cho miền Nam hay cả nước". Tôi nghĩ đất nước đã thống nhất, lần đổi tiền này phải là từ Nam chí Bắc để cả nước xài chung một hệ thống tiền tệ. Anh Hùng nói lần đổi tiền này chỉ riêng cho miền Nam, anh nói thêm đó là kinh nghiệm của những người đã sống trong vùng cộng sản. Và anh Hùng đã đoán đúng, và tôi đã nhiều lần tự hỏi, cái kinh nghiệm sống với cộng sản này (anh học được ở đâu mà nhanh vậy?).


Nguyễn Chí Thiện (ĐS 19) cũng ở tù "cải tạo" tại Long Thành. Tuy ở khác dãy nhà, thỉnh thoảng có đến gặp tôi nói chuyện tâm tình. (Tôi không nhớ quen Thiện khi nào, có lẽ là khi (không chắc lắm) Thiện từ Kon-Tum xuống Pleiku theo xe của Danh di tản xuống Tuy Hoà). Thiện khoe tôi vừa làm được một bài thơ, và thích thú đọc cho tôi nghe. Nhưng tôi nghe thơ như vịt nghe sấm, kể chuyện vui tiếu lâm họa may tôi còn nhớ. Có lần Thiện nói Thiện chỉ là đứa con nuôi của một gia đình giàu có chủ vườn cao su ở Tây Ninh. Có lần Thiện khoe tấm hình người yêu bé bỏng tên Phượng. Rồi có lần Thiện lại kể về một chuyện tình với một người đàn bà nhiều tuổi hơn Thiện. Chuyện tình không đoạn kết.

Khi ở tù về, có lần tôi đến thăm Thiện ở Sài Gòn, Thiện gọi người yêu đang ở trên lầu xuống để tôi biết mặt. Nhưng cô nàng không chịu xuống, vì đi "thanh niên xung phong" đen đúa xấu xí, sợ tôi chê là không đẹp. Thiện đi vượt biên và tử lâu sống ở Úc. Thiện hay làm thơ và viết truyện ngắn đăng trên mấy trang văn học trên Internet, ký hiệu Thuyên Huy. Thiện hay gởi tình yêu quê hương làng xóm Tây Ninh của Thiện vào thơ và truyện ngắn. Chỉ một Tây Ninh yêu dấu.


Khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, vợ chồng bạn Nguyễn Ngọc Quang từ Canada có sang Mỹ chơi. Trước khi đến San Jose Quang có đến Texas thăm Diệp Thanh Sang. Đầu năm 2017 vợ chồng Quang có sang Mỹ, có gặp bạn bè ở San Jose, thật bất ngờ, sau đó chị Quang ngã bệnh và qua đời.

Tôi còn giữ tấm hình chụp hôm đám cưới Vũ Quý Dân, (đã lâu không nghe tin tức của bạn từ ngày bạn đi khỏi San Jose, mong là một ngày nào đó bạn sẽ "tái xuất giang hồ").

Một tấm hình chụp khoảng năm 1991, trước cửa văn phòng dịch vụ du lịch travel của Phạm Đức Thạnh lúc bạn Thạnh còn ở San Jose. Một tấm hình khác chụp cùng anh em hành chánh lúc ở trại tỵ nạn Pulau Galang Indonesia (có Mã Thành Nghĩa).

Và tôi cũng muốn ghi lại đây tấm hình chụp hôm đám cưới của cháu Chi Bảo là con trai đầu của Trần Ngọc Danh và chị Mỹ.

Cháu Chi Bảo sanh năm 1974 ở Pleiku, Danh và tôi ở hai quận khác nhau, nhưng khi về thành phố Pleiku ở chung nhà, thỉnh thoảng tôi cũng bồng ẳm em bé Chi Bảo khi đó rất "sổ sửa" bụ bẩm tròn trịa như cha và mẹ.


Trên đây là những gì tôi còn nhớ được có chút liên quan đến bạn bè, anh em hành chánh. Những mảng ký ức vụn này được ghi chép lại có vẻ hơi lộn xộn, lủng củng, mong rằng nó cũng nhắc cho chúng ta nhớ lại một đoạn đời đã qua. 


 

NGUYỄN THANH NHỰT

 

unknown.jpg

unknown_1.jpg

unknown_2.jpg

unknown_3.jpg

 Sent from my iP

Thursday, February 13, 2025

Yêu Nữ

Trên tạp chí Văn số tháng 11-1987 Mai Thảo giới thiệu người viết mới Nguyễn Thạch Giang với truyện ngắn: Yêu Nữ. Ngay tức khắc tôi chú ý tác giả này vì khả năng tái tạo khung cảnh xã hội miền Nam ngay sau 75 với những kiếp đời trôi nổi như cánh lục bình trong các khu dân sinh, nước trôi đến đâu lục bình trôi đến ấy, đến khi nước ròng trôi ra biển lớn… Là câu chuyện của Phương Huệ, một thiếu nữ làm lẻ rồi yêu Danh, với tất cả phóng túng của tuổi trẻ. Ba thập niên sau người đọc còn cảm thấu văn phong rất nhiều nữ tính của tác giả, cùng chất tinh nghịch duyên ngầm của nhân vật không tương lai, không ngày mai, với ước mơ vượt biên đành phó thác cho tử vi…

Vài số sau, Mai Thảo giới thiệu tiếp truyện ngắn thứ nhì của Nguyễn Thạch Giang: Người Tình Part Time. Tựa truyện tự thân là một hấp dẫn. Nhưng Người Tình Part Time không kiêng dè mỹ tục mà cực thực. Ít năm sau Mai Thảo sang Pháp, tôi hỏi: Vì sao bác chọn đăng? Mai Thảo gắt: Nhà văn không phải là nhà đạo đức! Câu trả lời, tự thân cũng là một quyến rũ. 

Ba thập niên sau tôi vẫn không biết Nguyễn Thạch Giang là ai, tên thật hay bút hiệu, nam hay nữ? Nguyễn Thạch Giang cộng tác duy nhất với tạp chí Văn, bút hiệu khách: Ý Ngôn, cũng trên Văn. [Trần Vũ]

Thi rớt vào đại học, tôi lấy chồng. Bởi làm thân con gái, trước sau gì cũng có chồng, tôi lấy chồng cho rồi. Nếu là một tài tử điện ảnh, tiêu chuẩn kén chồng của tôi sẽ theo thứ tự ưu tiên như sau: Thứ nhất, chàng phải đẹp trai (tôi luôn luôn mê kép đẹp). Thứ nhì, chàng phải có học thức, và có địa vị cao trọng trong xã hội. Sau cùng, chàng phải có nhiều tiền. Đó là câu trả lời cho câu hỏi: “Mẫu người đàn ông lý tưởng của cô như thế nào?”

Nhưng thực tế, tôi chỉ là một đứa con gái tầm thường, thi rớt lên rớt xuống. Nên chồng của tôi chỉ là một Thiếu úy Pháo binh. Chàng là dân “đề lô”. Chàng của tôi không cao, không thấp, không mập, không ốm. Không xấu, không đẹp. Không nghèo hèn mà cũng chẳng giàu sang. Nói tóm tắt, chàng là người trung bình về mọi phương diện.

Lấy chồng lúc 20 tuổi, thuở đó tôi cứ tưởng mình đã đủ khôn lớn, để có chồng. Giờ đây, đôi lúc ngồi tính sổ lại đoạn đường … chiến binh, tôi cứ tiếc cho tuổi trẻ, và cứ tự hỏi tại sao tôi có thể lấy chồng ở cái tuổi “con nít trân” như vậy cho được chứ. 

Tôi quen chàng sơ sơ rồi lấy đại làm chồng. Tôi quyết định có hơi vội vàng, một phần cũng vì áp lực của ông già, bà già dữ quá! Không phải ba má tôi muốn gả tôi cho chàng. Không, ông bả muốn tôi lấy một người bạn của gia đình: “Chú Hùng”. Ông chú này là bạn của Ba Má tôi. Tuổi của ổng không nhỏ hơn tuổi của Ba tôi bao nhiêu. Được một cái chú Hùng có rất nhiều tiền. Chú lại là người có học thức (nghe đâu cử nhân Luật gì đó). Chú lại có địa vị trong xã hội. Nhưng than ôi! Cái tuổi trẻ khờ dại của tôi chỉ “yêu” được mấy chàng thanh niên trẻ tuổi, đẹp trai. Còn tiền bạc, tôi chẳng màng, dù đôi khi tôi chẳng có một đồng xu dính túi. 

Cái số của tôi rất kỳ cục. Nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao nó có thể ngộ nghĩnh đến như vậy được. Tôi chưa từng thấy đứa bạn gái nào giống như tôi cả. Tôi thường được – hoặc là – mấy đứa con nít nhỏ tuổi hơn mình chọc ghẹo, nếu không, thì cũng mấy ông xồn xồn theo tán tỉnh. Điều này đôi lúc làm cho tôi tức tối ghê lắm. Hồi tôi học lớp 6, lớp 7, chuyên môn bị mấy anh chàng lớp 11, lớp 12 ghé mắt xanh. Chừng tôi học lớp 12, mấy đứa con nít lớp 9, lớp 10 gửi thư tình. Trong khi tôi phải lòng một tên học trò cùng lớp, thì có ít nhứt hai ông già muốn hỏi cưới tôi làm vợ! Trời đất! Thật là tréo ngoe, tréo cẳng ngỗng.

Chú Hùng là bạn của ba tôi, mỗi khi chú đến nhà, tôi lễ phép vòng tay chào hỏi. Đôi lúc tôi rót nước trà, có khi tôi mời chú một miếng mứt, miếng bánh tôi vừa mới học được của con nhỏ bạn. Tôi nhiều chuyện kể chú Hùng về một bài thơ nào mà tôi thích, tôi hát chú Hùng nghe một bài ca nào tôi yêu. Chú Hùng ăn bánh, ăn mứt của tôi làm. Chú Hùng nghe tôi hát. Chú “mê” tôi hồi nào không ai hay. Tới chừng chú ngỏ ý muốn cưới tôi làm vợ, cả nhà bật ngửa. Vậy mà Ba, Má tôi cũng chịu. Ba tôi nói, thời buổi này tìm đâu ra được người đàng hoàng, tử tế như chú Hùng.

Tôi tức giận cho cái số phận oái ăm của mình. Tôi muốn thách thức với ông tơ, bà nguyệt. Tôi bạo gan cải số trời. Tôi lấy thiếu uý Trần, một người tôi vừa quen khi đi coi phim “La fille de Ryan” (có Robert Mitchum đóng) chiếu ở Mini Rex. Chú Hùng buồn bã, xin đổi về làm việc ở Cần Thơ, sau này chú Hùng lấy vợ. “Vợ chú không trẻ hơn tôi mấy. Chú cưới về cho đỡ lạnh lùng.”

Đám cưới xong, chúng tôi chưa kịp hưởng tuần trăng mật, trăng đường gì cả, chàng phải trở ra đơn vị, bởi chàng là lính tác chiến. Một câu thơ nào đó của Hữu Loan muôn đời vẫn có ý nghĩa cho nhiều cặp vợ chồng son trong thời chinh chiến. “Cưới nhau xong là đi”.

Tiểu đoàn của chàng đóng tại một địa danh nào đó bắt đầu bằng chữ “Lệ” ở tỉnh Pleiku. Chàng nói lúc ông Diệm nắm chính quyền, Ngô tổng thống đưa dân miền Trung lên cao nguyên khai hoang, lập ấp, lập Khu Dinh Điền, Khu Trù Mật. Bà Nhu đã mang chữ lót tên “Lệ” của bà đặt cho nhiều nơi ở ngoài ấy. Lệ Trung, Lệ Thanh, Lệ Ngọc, Lệ Kim, Lệ Minh… chàng nói lúc Dinh Độc Lập bị dội bom, một đứa con gái nhỏ của bà Nhu tử nạn. Bà mang xác đứa con đó chôn tại một nơi mang tên người con vắn số của bà. Tôi hỏi làm sao chàng biết. Chàng cười hì hì, nghe người ta kể như vậy.

Đơn vị chồng tôi đóng quân tại một nơi đèo heo hút gió, nên chàng bỏ tôi ở lại Sài Gòn. Thành ra, mang tiếng có chồng, tôi vẫn phòng không, gối chiếc. Thời giờ trống trải chẳng biết làm gì, tôi đi học Anh văn ở trường Nguyễn Ngọc Linh. Hàng ngày tôi thường mặc mini jupe thật ngắn, mang giày bata trắng, khi tan trường về, tôi ôm cặp bước đi nhún nhảy như một con chim non. Má tôi quở, coi bộ tướng con Phương Huệ, có chồng rồi cứ như con nít.

Khi tan học, tôi thường ghé qua ăn bánh cuốn, bánh chả, uống đậu đỏ bánh lọt ở mấy xe bán thức ăn dọc lề đường Trần Quý Cáp. Một hôm đang mút cà rem cây, tôi bắt gặp một thằng nhỏ ngó mình lom lom, thằng bé này khoái tôi dữ. Tôi đi bộ, ôm cặp nhún nhảy trên lề đường, nó dẫn xe đạp đi kè kè một bên hông. Nó làm thinh đi theo tôi cho tới khi tôi về đến nhà. Đôi lúc nó láp giáp một điều gì đó bên tai, tôi không trả lời và cố nín cười. Nó xưng tên Trí, học lớp 11 trường Pétrus Ký. Nó hỏi còn Huệ, lớp mấy, trường nào. Chúa ơi! Sao nó biết tôi tên Huệ. Cái kiểu nói chuyện xưng tên của nó nghe sao mà dễ thương, bé bỏng hiền lành quá đỗi. Chắc nó tưởng tôi cũng cỡ lớp 10, lớp 11 là cùng chứ gì.

Thằng Trí bắt đầu gửi thư tình. Tôi chìa bàn tay có đeo nhẫn nhận thư. Ngón tay tôi đeo nhẫn sờ sờ vậy mà nó không chịu thấy. Mà sự đời có nhiều chuyện éo le. Thiếu khối gì người có gia đình mà họ có bao giờ chịu đeo nhẫn cưới đâu. Trong khi mấy đứa con gái độc thân, hàng trăm, hàng vạn đứa thích đeo nhẫn ở ngón áp út. Chiếc nhẫn ấy thực sự chẳng nói lên một điều gì rõ ràng cả.

Thư tình của thằng Trí mùi tận mạng. Chữ viết hoa hoè, hoa sói, bay nhảy như chim, như bướm. Lời lẽ ướt nhẹp như văn chương Quỳnh Dao. Tôi kể cho chồng tôi biết, tôi gửi thư tình cho chàng xem đỡ buồn lúc hành quân. Tôi nghĩ chàng sẽ không nghi ngờ… gì cái tiết trinh của tôi. Nhưng chàng viết thư trả lời bảo dẹp cái vụ ấy đi, tội nghiệp thằng nhỏ.

Tình hình chiến sự trở nên sôi động, Trần điện tín bảo tôi ra “ở” với chàng. Tinh thần chồng tôi có hơi xuống thấp. Chàng cần một “người vợ” ở kề cận để chia sẻ mùi chiến tranh. Nhưng khi có tôi ở một bên, chàng càng khó tính, khó lo liệu hơn nữa.

Vừa xuống phi trường Cù Hanh, Pleiku thì cũng vừa có lệnh tạm ngưng các chuyến bay của hàng không Việt Nam. Tôi đến với Trần khi đơn vị chàng bị vây tứ phía, suốt ngày ở dưới hầm chờ pháo kích. Sau cùng, chàng liều mạng xách xe đưa tôi về thị xã Pleiku, đúng lúc thành phố đang xôn xao di tản chiến thuật.

Thế là tôi và Trần nhập vào đoàn người lội suối, băng rừng theo con lộ 7 kinh hoàng tìm đường xuống Tuy Hoà. Khi không đang ở Sài Gòn yên lành, tôi bay ra thăm chàng, để cùng chạy giặc. Thật là hết chỗ nói.

Chúng tôi về đến Sài Gòn chưa đầy một tháng thì mấy “ổng” vào tới. Chàng bị “Giải Phóng” vào tù mút chỉ. Tôi về sống với Ba, Má ở đường Lê Văn Duyệt, chờ ngày chàng trở lại.

Nhưng chàng không bao giờ trở lại, với người vợ bé bỏng, nhỏ nhen này. Lúc Trung Cộng tấn công sang biên giới Bắc-Việt, chàng mất hẳn liên lạc với tôi từ đó. 

Sau khi bị “đổi đời” anh em chúng tôi xúm nhau về nhà cha mẹ ăn bám. Thời buổi khó khăn, tiền làm không ra mà mấy anh, mấy chị tăng gia sản xuất dữ quá. Chỉ mới mấy năm mà Ba Má tôi cháu ngoại, cháu nội lũ khũ. Lúc đầu còn cưng chiều, săn sóc, riết rồi chịu hết nổi, ổng bả bỏ bò lăn bò lóc. Đồ đạc trong nhà bắt đầu đội nón ra đi. Chúng không có chân, có cẳng mà đi ra thật lẹ. Nặng như cái tủ lạnh, mà nó cũng đi cho được. Cái hôm biết Má tôi bán cái tủ lạnh, tôi buồn hết năm phút. Bởi vì tôi luôn luôn uống cái gì cũng kiếm cho được nước đá bỏ vào. Trời Sài Gòn nóng nực, uống nước đá lạnh thấy cũng khoẻ. 

Cuối năm 1978, Ba Má tôi chịu đời không thấu, bán nhà về quê nội ở Cao Lãnh làm ruộng. Đành cam từ giã Sài Gòn. Hôm Ba Má tôi về quê, hôm bán nhà ở cái xóm Lê Văn Duyệt – Trần Quý Cáp, tôi buồn muốn chết, mà khóc không nổi. Anh em tôi mạnh ai nấy lo. Tôi bám víu ở lại thành phố. Cuộc đời thả trôi từ đó. Tôi chẳng khác nào cánh lục bình, nước lớn trôi vào sông rạch, nước ròng trôi ra biển.

2.

Tôi quen chị Năm Chà khi đi cầm đồ ở nhà Dì Hai. “Năm Chà” vì chị đen như Chà và. Lớn hơn tôi 6 tuổi, nhưng hai đứa tôi đi chơi với nhau như bạn bè. Sau này khi về ở chung, đôi lúc tụi tôi gọi nhau mày tao nữa chứ.

Ở góc đường Phát Diệm – Nguyễn Cư Trinh, có một con hẻm lớn, bà con bày hàng quán, buôn bán dọc theo con hẻm. Lâu ngày trở thành một cái chợ, chợ Xả Rác. Tôi đi hỏi bà con từ đầu hẻm tới cuối hẻm, không ai biết vì sao lại “Xả Rác”. Tới chừng đi hỏi chị Năm Chà, bị bả làm cho một trận. Con nhỏ này ưa hỏi lôi thôi, người ta gọi “Chợ Xả Rác”. Đi thắc mắc làm gì mấy cái tên gọi cho mất thì giờ. Bả làm một hơi, tôi nín khe.

Đi sâu vào con hẻm chợ, qua chừng một chục lần quẹo phải, hai chục lần quẹo trái thì tới nhà Dì Hai. Nhà Dì Hai vách gạch, mái lợp tôn. Đứng bên ngoài ngó vào, có thể nghĩ chủ nhân chẳng giàu có gì. Bước vào trong, căn nhà hơi tối, bày biện đơn sơ. Một căn phòng rộng vừa là phòng ngủ của Dì Hai, vừa là phòng khách, một góc có để bàn ăn và một cái bếp nấu ăn. Xéo góc trái là nhà tắm, cầu tiêu. Dì Hai có cho cất thêm một cái gác lửng bằng ván để Dì lập bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên. 

Dì Hai sống bằng… viện trợ Mỹ. Đứa con gái và hai thằng con trai của Dì đều ở Mỹ. Thành ra Dì Hai khoẻ ru, lâu lâu đi lãnh quà ở Tân Sơn Nhứt một lần. Dì Hai cũng gần 60, nhưng da dẻ hồng hào, tướng người mạnh dạn, Dì Hai làm việc loay hoay cả ngày; Dì quen hoạt động, nên ở không hoài cũng thấy buồn. Sẳn có tiền dư chút đỉnh, Dì cầm đồ, cho tiền góp và chơi hụi. 

Dì Hai ăn trầu bỏm bẽm, lúc Dì xỉa thuốc, có cảm tưởng như bà Tuý Hoa đóng vai bà Hội Đồng. Nhưng thực sự, Dì Hai hiền hơn nhiều. Đôi lúc dì ăn nói rổn rảng, lại có khi nói dai nhách, nhưng bụng dạ Dì rất hiền, rất tốt. Dì ăn chay một tháng 8 ngày và thường nhờ chị Năm Chà chở Dì đi chùa. Thỉnh thoảng Dì cạo đầu trọc lóc, tóc ra lún phún như tân binh ở quân trường.

Hằng lớn hơn tôi hai tuổi, là cháu gọi Dì Hai bằng Dì. Có nhà có cửa đàng hoàng ở miệt Phú Lâm, xa cảng miền Tây, nhưng thích đi hoang, bỏ nhà xuống ở với Dì Hai. Năm Chà thì lý lịch không ai biết, (mà ai cắc cớ hỏi bả, lớ quớ bị xì-nẹc) – cũng trôi sông lạc chợ như tôi, tấp vào nhà Dì Hai tá túc.

Tôi đến nhà Dì Hai hỏi tiền góp, con nhỏ Hằng và chị Năm Chà chịu tôi liền. Hai bà dẫn tôi ra quán chị Thanh, ở đầu đường ăn hủ tiếu và uống cà phê đá. Năm Chà hút thuốc lá… như Mỹ. Hai bà biết tôi lang thang… như đoá hoa lục bình, bèn rủ rê về nhà Dì Hai ở cho có bạn, cho có bè, có lũ. Từ đó ba đứa tôi trở thành ba con yêu – thường gọi đùa là yêu nữ – phá làng, phá xóm, quậy đục cái xóm chợ nhỏ ở đường Nguyễn Cư Trinh – Phát Diệm.

Chị Năm Chà chuyên nghề mánh mung. Lấy đồ người này, đem bán người khác ăn lời. Nhờ trời thương, bả trúng mánh đều chi. Dẫn tôi đi ăn sáng, uống cà phê. Tôi mang bịnh ghiền cà phê đá từ cái năm bả hên, tiền vô như nước, dẫn tôi và con nhỏ Hằng đi quán lia chia. Cũng có khi bả gặp nhằm năm cùng, tháng tận. Áp phe cứ trật vuột hoài, đói meo, tụi tôi phải “hỏi vay” Dì Hai xài đỡ. Ăn trước trả sau, vốn là sự thường tình của ba con yêu nữ nhà này.

Hằng đã ngoài 30 tuổi, mà sắc đẹp vẫn còn mặn mà như con gái. Mới nhìn thoáng qua cứ tưởng bả là Trang Bích Liễu. Có nhiều bữa bả ngắm nghía, săm soi trong gương, bả nhìn nghiêng qua bên trái rồi lại nghiêng qua bên phải. Rồi bả chạy đến chiếc gương lớn ở tủ kính, cầm chiếc gương nhỏ để một bên, nhìn vào gương lớn xem ảnh nhìn ngang của bả ra sao… Con nhỏ Hằng than van, phải chi sóng mũi của mình cao hơn một chút, mình sẽ đẹp như… Phương Hồng Ngọc… Tôi thiệt là chán chê cho cái cảnh già mà còn làm điệu của bả, tôi nói đẹp cỡ như bồ… ra đường thiếu gì đàn ông dòm ngó. Tại bà chẳng chịu đá lông nheo với ai đó thôi. Bả cười khoái chí khi nghe tôi khen bả đẹp.

Con nhỏ Hằng không biết buôn bán, mánh mun, chợ trời, chợ đen chợ đỏ gì cả. Nhưng bả có tài nịnh, bả gọi Dì Hai bằng Má… nghe ngọt còn hơn đường phèn. Nhiệm vụ của nó là đi thâu tiền hụi, tiền góp cho Dì Hai. Thường thường nó ưa mượn xài trước và Dì Hai không hề nhắc. Khi nào có thì trả lại cho Má Hai ăn trầu. Dì Hai cho tiền góp, một trăm ngàn góp thành trăm mốt. Mỗi tháng góp mười ngàn, góp 11 tháng thì dứt. Dì quen gọi tiền theo… chế độ tiền cũ. Một trăm ngàn của Dì tương đương với hai trăm đồng tiền Bác Hồ; Lối cho vay của Dì thấy cũng ham, nhưng tính kỹ ra… lỗ quá trời. Một trăm ngàn của Dì, lúc cho vay, mua được một chỉ vàng. Chừng thâu xong cả vốn lẫn lời, mua được chừng sáu, bảy phân là cùng. Nhưng ai trong nhà đừng có tài lanh giảng nghĩa cho Dì biết. Ba cái từ leo thang, lạm phát thiệt là rắc rối. Tính đơn giản như dì, một trăm ngàn bỏ ra, thâu vào trăm mốt là được quá rồi chớ gì. Dì Hai lại tu hành ăn chay nằm đất, giúp đỡ cho bà con lối xóm mà tính quá vậy con. Trời đâu có cho. Sống như Má Hai, tà tà… không sức mà ăn. Dì Hai nói cũng phải, tính toán quá làm gì. Miệng tôi nói thì giỏi, nhưng có làm ra được đồng ten, cắc bạc nào đâu.

3.

Tôi không có tài cán gì cả, nhờ “có duyên” chút đỉnh nên thường được đàn ông bảo bọc. Hằng làm mai “anh Chiến” cho tôi. Gặp nhau ảnh chịu tôi liền. Tôi còn hơi dụ dự vì nghi ông này đã có vợ. Chị Năm Chà và con Hằng xúi tôi “chịu đại”, bắt địa xài đỡ. Ai có biểu bà làm hôn thú đâu mà ngại. Anh Chiến cứ đến o bế tôi hoài, thằng chả tung tiền thật nhiều, cố tình mua tôi cho bằng được. (Sau này chả nói với Dì Hai, thấy tôi đỏng đảnh… khó ưa. Chả “cua” tôi cho thoả lòng tự ái. Trời ơi, nghe qua tôi nổi giận đùng đùng. Muốn bỏ chả cho chả thấy tôi cũng có lòng tự ái như ai – nhưng dây nhợ dính líu tùm lum… lỡ rồi.. gỡ làm sao cho ra).

Lúc đầu, tôi chỉ “bắt địa” anh Chiến. Lâu ngày, xài tiền của ổng quen tay, tôi đâm ra ghiền tiền của ổng, như người ta ghiền thuốc phiện. Thành ra, cứ dính líu hoài, già nhân ngãi mà non vợ chồng.

Trên căn gác xép của Dì Hai, một bên là bàn thờ Phật, bàn thờ ông Ngoại, bà Ngoại. Phía cửa sổ là cái giường để tôi và Hằng ngủ chung. Năm Chà thì tình nguyện ngủ dưới ván. Nhứt là từ khi có sự hiện diện của anh Chiến, chị Năm Chà chê cái giường của tôi đầy mùi u ám, mùi tục lụy… bả không chịu nằm.

Tôi mua vải bông may thành một tấm ri-đô để khi có ông bồ của tôi tới thăm, hai đứa tôi kéo màn hát cải lương. Chàng đến bất thình lình, rảnh giờ nào tới giờ đó, không có thời khoá biểu gì cả. Có hôm sáng tinh sương chả vác mặt mo đến gõ cửa, nhỏ Hằng còn say ngủ, bị tống xuống nhà dưới, vừa đi vừa cằn nhằn, làm ăn gì hừng sáng vậy cha nội.

Lúc đầu tôi có hơi ngượng, nhứt là khi có sự hiện diện của Dì Hai ở nhà. Cái gì mà giữa trưa, chúng tôi đang ngồi chơi vui vẻ, ổng từ đâu tới, dẫn tôi lên gác kéo ri-đô nói chuyện tâm tình. Cái cảnh này diễn ra hoài, riết rồi nhàm. Tôi chai đá – coi như đó là một sự thường tình xã hội, chẳng có gì xấu phải mắc cở. Hằng, Năm Chà riết rồi cũng coi như pha. Cả đến Dì Hai nữa trời ạ! Một hôm tôi và chàng ở trong màn, Dì Hai đứng bên ngoài bảo làm giùm Dì một bài toán – đại khái tiền lời, tiền lỗ… con khỉ gì đó. Có lúc nhỏ Hằng cần tiền gấp, đứng bên ngoài hỏi tiền. Nó tỉnh bơ đứng bên ngoài chờ đợi, tôi móc tiền vén màn đưa cho nó. Thật là chẳng coi đạo đức ra gì cả. Ba con yêu nữ… xóm chợ nhỏ này. 

Tôi đi lại với Chiến khá lâu mà thật tình không thể nào yêu chàng nổi. Anh ta không thuộc “tuýp” người tôi thích: mặc dù chàng là người rộng rãi, có lòng tốt với mọi người. Chiến chưa bao giờ nói với tôi là chàng đã có gia đình hay chưa. Mà chàng cũng không hề hỏi cưới tôi làm vợ. Nhưng tôi không mong đợi điều đó. Chàng hiền lành tử tế, nhưng dưới mắt tôi, đôi lúc, cù lần quá. Chàng lại ăn mặc xuề xoà, đi dép lệt bệt. Tôi muốn, bồ của tôi, lâu lâu cũng phải ăn diện một chút chớ. Nhất là khi đi phố Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Nhưng điều mà chàng làm tôi nản hơn hết là cái mùi… “mồ hôi” của ổng. Có hôm trưa nắng, chàng đến người đầy mồ hôi nhễ nhại. Sờ vào thân hình rin rít của chàng, tôi có cảm giác hơi gớm. Vì vậy tôi thường là người thụ động, cứ để mặc chàng muốn làm gì thì làm.

Chiến thích được vuốt ve, âu yếm. Tôi cũng thích được vuốt ve, âu yếm. Nhưng tôi không thích làm cái chuyện đó với chàng. Chiến thích hôn môi, nhưng tôi cố tránh, vì không thích mùi thuốc lá quá nặng. Răng của thằng chả cũng không được đẹp, đôi lúc dính thịt gà, thịt vịt… thật khủng khiếp. Cho nên tôi luôn xoay mặt tránh chỗ khác. Chàng có hơi bực với thái độ hờ hững này…

Một hôm lúc đang ăn ổi với Hằng và Dì Hai thì chàng đến. Ông lôi tôi lên giường, tôi để mặc chả muốn làm gì thì làm tôi tiếp tục ăn ổi. Hôm đó chắc bị bà xã xì-nẹc sao đó, ổng nổi sùng cầm trái ổi tôi đang ăn vụt mạnh xuống sàn… đụng đồ kêu rổn rảng. Dì Hai ở nhà dưới quở, cái gì vậy tụi bây. Chàng nói bà làm thiệt là giống mấy em ở Hạnh Thông Tây, Gò Vấp. Tôi nổi nóng nói ông tới thiệt là bất tử, bất thình lình, làm như tôi lúc nào cũng sẵn sàng ứng chiến trăm phần trăm. Chàng hầm hầm mặc quần áo đứng dậy bỏ đi không nói một tiếng với Dì Hai. Tôi tiếc rẻ trái ổi đang ăn dở dang.

Năm Chà trở về rủ chúng tôi đi coi “Dưới Hai Màu Áo”, ba con yêu nữ thả bộ tà tà đến rạp Hưng Đạo. Phương Hồng Quế hát mở màn, đẹp như hoa hậu. Con nhỏ Hằng khều tôi nói nhỏ, ê Lệ Thu đi nữa rồi đó. Năm Chà nói thích Thanh Tuyền hát bài “ Tình Đất Đỏ Miền Đông”. Tôi nói Lê Hành hát bài này hay hơn. Nhỏ Hằng nói riết rồi ca sĩ hay đi ráo trọi. Hai bà xúm nhau hả họng cười khi Kim Cương, một cô gái bán hột vịt lộn, được ăn mặc sang trọng, đi guốc cao gót té lên té xuống. Lúc đầu mới xem, tôi cũng cười. Nhưng coi mãi đâm ra nhàm. Tôi rủ hai bà về nhà ngủ sướng hơn, nhưng mấy bả đòi ở lại coi cho tới vãn. Tôi buồn bực bỏ ra đứng trước cửa rạp hát ngó ông đi qua, bà đi lại.

Có một thanh niên đang mua thuốc lá gần chỗ tôi đứng. Chàng nhìn tôi cười cầu tài và sau đó bước đến hỏi có phải Phương Huệ, nhà ở chợ Xả Rác. Thật tình tôi không biết hắn là ai, nhưng thấy hắn có vẻ dễ thương, nên đi bộ tà tà nói chuyện… trên đường trở về. Nhà hắn ở gần tiệm cơm Thanh Sơn. Lúc đi ngang, hắn rủ tôi vào… chơi. Hai đứa ngồi nói chuyện ở phòng khách, đèn chong mờ mờ không để đèn sáng. Hắn bắt đầu đụng chạm, tay chân táy máy. Tôi cũng chịu đèn nên làm thinh. Sau đó hắn dẫn tôi vào phòng tắm. Trời đất ơi! Phòng tắm chớ không phải phòng ngủ. Tôi ngoan ngoãn đi theo như một người bị thôi miên. Khi hai đứa đang ôm nhau mùi mẫn thì có tiếng gõ cửa dựt giọng. Anh Ba ơi! Mở cửa cho em đi cầu một chút coi, quýnh quá rồi nè! Tôi cài nút áo và nói hắn mở cửa cho thằng nhỏ vào kẻo nó “ể” trong quần. Hắn kéo màn tắm vào bảo tôi đứng yên đừng thở mạnh. 

Không biết thằng nhỏ ăn cái giống gì mà tôi chịu gần.. bể cái lỗ mũi. Khi đã xả bầu tâm sự, thì thằng bé bước lại gần hỏi anh làm gì trong này vậy anh Ba. Con nít Sài Gòn thiệt là khôn, nhứt là kể từ khi nó được giải phóng, phỏng giái. 

Tôi về đến nhà thì bị Năm Chà và con nhỏ Hằng xúm lại chửi rủa. Quỷ ơi! Bà đi đâu mất tiêu, mất dạng vậy. Tôi chu cái miệng nói nhõng nhẽo. Dạ em bị một người nam thôi miên dẫn em vô buội rậm. Tôi hỏi ê Hằng, bà có nhớ thằng cha ngó bà cười lúc Thái Châu hát bài Lá Đỏ không. Nhỏ Hằng chớp mắt lia lịa. Đàn ông, con trai ngó tôi cười mím chi cọp thiếu gì. Bà nói kiểu đó, ai mà nhớ cho ra. Tôi nói tôi bị thằng cha đó thôi miên, tôi đi theo hắn về nhà. Nhỏ Hằng tiên đoán, rồi chàng dẫn bà vào phòng ngủ phải không. Tôi nói không phải phòng ngủ, phòng tắm. Năm Chà trợn mắt, ở trong nhà tắm? Rồi bà đứng ngồi, nằm ở chỗ nào. Tôi nói tỉnh queo, tôi ngồi tựa lên lu nước. Năm Chà dang tay lên trời! Chúa ôi! Con nhỏ này chết xuống mười tầng địa ngục. Tôi chấp tay nói Mô Phật, khi em chết em chỉ thích xuống địa ngục. Ba con yêu nữ cười vang vang rung rinh căn gác xép. 

Chiến giận tôi vụ “trái ổi” chàng không đến thăm. Cả tuần… cho tới khi tôi nằm nhà thương. Một hôm người bần thần, uể oải tôi với chai thuốc đau lưng nhức mỏi của Dì Hai. Ngờ đâu chai thuốc đó kỵ đàn bà có thai. Mà tôi có bầu lúc nào tôi cũng chẳng biết. Uống thuốc được một buổi thì tôi bị đau bụng dữ dội, sau đó ra huyết phải vào nhà thương. Cô y tá nói với nhỏ Hằng, trễ chút nữa là trời cứu! Năm Chà mặt mày buồn xo như nhà có đám ma. 

Chiến hết giận đến thăm tôi mang theo một bịch cam. Chàng nói lỡ rồi, phá làm chi. Tôi làm thinh không giải thích. Mà có nói đâu ai hiểu cho tôi. Chính nhỏ Hằng và Dì Hai còn tưởng là tôi cố tình tống khứ cái của nợ đó chứ. Chiến ra về nhét dưới gối năm trăm. Tôi vẫn thường nhận tiền của chàng, nhưng lần này tôi thấy tủi thân. Tôi ứa nước mắt, thương cho thân phận lục bình. Tôi đã quá bệ rạc. Bệ rạc thân xác mà bệ rạc luôn cả linh hồn.

Tôi buồn muốn đi xem bói. Tôi muốn hỏi thầy bói vì cớ gì mấy năm qua tôi đều gặp chuyện xui rủi, chằng rây. Chiến đưa tôi đến nhà bà Tám ở đường Trần Bình Trọng – Bà Tám chuyên coi chỉ tay, bói bài. Bà còn biết xem bốc dịch, đoán tử vi và lên đồng nữa chứ. Bà thờ xác cô, xác cậu nào đó. Nghe nói nhập vào bà, tiên đoán mọi việc trúng phong phóc. Dân chúng Sài Gòn đổ xô đến tìm bà Tám nhờ xem chuyện gia đạo, giải tai nạn, giải xui… đông như kiến.

Nhà bà Tám thầy bói thuộc loại xưa, cột bằng gỗ to tròn màu đen, mái lợp ngói âm dương. Trong nhà hơi tối lại bày thêm bàn thờ tổ… nên trông có vẻ lạnh lùng ma quái. Bà Tám dành một phòng riêng để tiếp khách. Căn phòng ngó ra sân vườn phía sau nhà. Tôi thật kinh ngạc và không thể tưởng tượng nổi ở giữa Sài Gòn hoa lệ này lại có một khu vườn với đầy đủ cây ăn trái như thế này.

Bà Tám khoảng 50 tuổi, người trắng trẻo, bới tóc ăn trầu bỏm bẽm, nhìn qua có vẻ hơi quê mùa. Theo lệ thường, các thầy hỏi người đi xem muốn xin quẻ gì, tình duyên, gia đạo, công việc làm ăn hay là theo một việc rất thời sự… chuyện vượt biên. Đằng này bà Tám không cần hỏi tôi muốn gì. Vừa ngồi xuống ghế, bà xem tướng của tôi liền. Chiếc mũi tốt không lo nghèo, ngặt lỗ mũi hơi trống tiền vô nhiều mà ra cũng lẹ. Cặp môi đầy đặn, người chân thật, chơi với bạn không lừa lọc, xảo trá. Gương mặt phúc hậu, không sợ yểu mạng. Cuộc đời thường gặp nhiều may mắn, có người tử tế giúp đỡ. (Nghe qua tôi cũng vững lòng. Ừa phải rồi, đời tôi có nhiều lúc thật khổ, nhưng rồi đâu cũng qua, cũng êm xuôi). Bà Tám bảo tôi xoè bàn tay cho bà xem, thấy không, bà la lớn, có rất nhiều đường may mắn. Bà bảo tôi nắm bàn tay lại, đường tình duyên cũng lận đận, phải hai ba đời chồng. (Trời đất ơi! Chi nhiều dữ vậy. Tôi có phải là đào hát Hồ Ly Vút đâu?). Bà thầy bói thình lình bảo tôi đưa bàn chân cho bà xem, bà nói tôi có đường xuất ngoại. Chắc chắn số tôi phải sống xa nhà. Ông bồ của tôi đưa tay che mặt, cười diễu cợt. Tôi cũng không nhịn được cười vì có vẻ tiếu lâm khôi hài quá.

Bà Tám vói tay lấy bộ bài trên bàn thờ tổ. Bộ bài ny-lông mới tinh. (Tôi thắc mắc, đồ của Mỹ ngụy sao còn tàn tích tới giờ này). Bà bảo tôi thầm khấn vái điều cầu nguyện. Tôi vái ông thần, bà thần bài cào có linh thiêng ứng vào quẻ bài cho tôi biết chừng nào tôi trúng số cá cặp. Bà Tám bảo tôi xào bài và bắt hai lá, tay mặt một lá, tay trái một lá. Tôi rút bài mà thầm van vái cho nhằm lá ách chuồn. Giờ phút này tôi yêu tiền hơn bao giờ hết. Quẻ bài không xấu không tốt. Tôi muốn biết khi nào có nhiều tiền thì bài lên toàn chuyện mà tôi không cần biết. Tôi có được một người đàn ông trẻ tuổi thương mến, si mê, theo đuổi. Tôi sẽ bị một người đàn ông khác lường gạt (nếu đã bị rồi thì thôi). Tôi nhìn Chiến, thằng chả nhăn mặt, trề môi ý chừng không phải tui đâu à nhe. Tôi có số may mắn, có người âm theo độ mạng. Tôi suy nghĩ ai vậy ta, không lẽ ông chồng của tôi. Trời ơi! Chàng đã chết thật rồi sao. Quẻ bài còn nói tôi bị nhiều chuyện tai tiếng, xui rủi, nhưng không sao vì con ách bích chĩa mũi dùi sang hướng khác.

Thằng con của bà thầy bói bước vào nói má ơi có thím Năm qua mượn đỡ một trăm, chừng tối chồng thím về sẽ trả lại. Bà Tám bước ra ngoài tiếp khách, con trai bà Tám khoảng hơn 20 ngoài. Tôi hỏi em có biết coi bói không? Khi nãy má em nói con ách bích không chĩa thẳng ngay chị là sao, chị không hiểu. Thằng nhỏ cầm con bài xoay ngược chiều, mũi nhọn chĩa thẳng vào con đầm cơ. Tôi à một tiếng, hỏi nó em cũng biết coi bói nữa hả. Nó nhún vai, bả dạy em hoài để mai sau có nghề kiếm cơm. Nhưng em ghét bói toán, đồng bóng lắm. Coi làm chi, việc gì tới sẽ tới, biết trước tương lai, hồi hộp thấy bà. Tôi nói sướng chưa. (Thiên hạ đem tiền tới cho má em nuôi em – mà nó ăn nói như vậy đó!)

Bà Tám trở vào móc 20 đồng cho thằng con, dặn nó đi chơi chiều nhớ về ăn cơm. Bà xếp bộ bài lại, để ngay ngắn trên bàn thờ. Bà bảo tôi ra vườn hái một chiếc lá. Tôi thấy có hai đóa hoa lài vừa hé nụ, ngắt đại vào cho bà xem. Bà Thầy Tám cầm đóa hoa đưa qua đưa lại, ngắm nghía. Sướng chưa ! Bảo đi hái lá lại đi hái hoa. Cái này là rõ ràng tại cô. Số trời chạy đâu cho khỏi. Màu trắng tượng trưng cho cung ly, mùa hè tới cô sẽ gặp người đàng hoàng, tử tế, sẽ có đôi có cặp. Hai đóa hoa vừa chớm nở, thơm ngát, con nhà lành đó nghe. Tôi rầu rĩ ngó ông bồ của tôi, định hỏi bà Thầy. Vậy chớ còn cái ông thần thừ đó bỏ cho ai. Thằng chả mặt nhăn như khỉ vì ngồi chờ lâu quá.

Tôi cám ơn và hỏi tiền quẻ bao nhiêu. Công coi chỉ tay, chỉ chân hai chục. Bói bài 20. Xem bốc dịch 20. Bớt 10 đồng, lấy 50 thôi. Anh Chiến móc túi đưa tờ “Bác Hồ nhìn thẳng” màu đỏ. Tôi bước ra ngoài nói bà Tám sống khoẻ ru. Thời buổi này, biết được một thứ là sống nhàn hạ, đằng này bà Tám làm đủ thứ. Bốc dịch, lên đồng, bói bài, xem chỉ tay rồi con xem chỉ bàn chân nữa chứ. Gì chứ món này khỏi sợ ai cạnh tranh. Đi khắp Sài Gòn – Chợ Lớn, chưa có ai biết xem chỉ bàn chân như bà. Anh Chiến nói thiệt là tào lao, ông địa, vậy mà bà cũng tin. Hồi nãy tôi nghe bà nói mai mốt gì đó bà sẽ được con trai nhà lành hỏi cưới, tôi nhịn cười muốn chết. Bà mà đi lấy chồng, tôi tình nguyện dọn dẹp, rửa nhà, rửa chén ba ngày ba đêm. Tôi cười hí hí nói ai mà biết được chuyện ngày mai.

Năm chà và con nhỏ Hằng nghe tôi kể chuyện đi coi bói tụi nó cười muốn vỡ bụng. Tưởng sao hai bà biểu tôi dẫn đi xem (mình ngu mà có đứa ngu hơn). Năm Chà khoái cái vụ xem chỉ bàn chân, bả lo tu hành còn mơ chi ba cái vụ vượt biên, vượt biển. Ra xứ ngoài biết có chùa mà đi lạy Phật không đây. Nhỏ Hằng thì khoái cái vụ bốc dịch. Nó phân bì với tôi sao cái số của bà gặp hết người này tới gặp người khác. (Nó làm như chuyện thiệt!) Tôi dặn nó khi nào bà Tám thầy bói bảo hái cái lá, thì hái đóa hoa. Mà nhớ lựa hoa còn búp. Không chừng sẽ gặp con trai đồng trinh.

Ba con yêu nữ lại cười… muốn vỡ nhà.

Mấy tuần sau chúng tôi trở lại nhà bà Tám thầy bói để cho Năm Chà và Hằng “thoả mãn” – Nó cứ rủ rê, rù rì một bên tai. Hèn gì nhà bà Tám lúc nào cũng đông… khách thập phương.

Rủi thay hôm đó, bà không có nhà. Chỉ có thằng con lớn đang đứng nấu cơm, kho cá. Thằng nhỏ cũng bặt thiệp dữ, xưng tên Danh và mời mấy chị ngồi chơi, chờ Má em, chắc cũng gần về rồi đó. Tôi không chịu ngồi một chỗ mà đi vòng quanh xem cái này, ngó cái kia. Tôi bước lại gần xem thằng Danh làm bếp. Chà, nấu canh chua cá lóc ngon dữ. Nó biết lấy trứng cá cá lóc để vào chén, dầm cho nát ra rồi bỏ vào nồi, nổi lên mặt vàng óng… thấy thèm. Tôi đứng gần, chắc lưỡi hít hà. Con trai mà giỏi quá vầy nè. Mai mốt đố khỏi làm mọi cho vợ. Thằng nhỏ chẳng vừa đáp lễ, vợ mình mình làm mọi, chớ có làm mọi vợ ai đâu mà sợ. Năm Chà và con Hằng cười rúc rích. Hai bả đang lấy bộ bài của bà Tám binh xập xám.

Thằng Danh hỏi tôi cái anh hôm trước đâu sao không thấy. Có phải chị là vợ của ảnh. Tôi nói phải, nhưng chị chỉ làm vợ thuê, vợ tháng mà thôi. Thằng nhỏ có vẻ không hiểu rõ. Tôi nói thêm, nghĩa là ảnh bỏ tiền ra thuê chị làm vợ, giống như người ta thuê người làm vậy đó. Nhỏ Hằng nghe vậy nói vừa phải thôi chứ bà, lên đây binh xập xám nè. Thằng Danh nghe vậy lật đật chạy lên phòng riêng của Má nó, mặt mày xanh lét, trời đất ơi! bộ bài của má em để dành coi bói. Bả về thấy được chửi ba ngày chưa dứt. Năm Chà lẹ tay xếp gọn để vào chỗ cũ. Tôi đùa dai, làm bộ đến chấp tay xá xá, nói xin ông thần bài cào, tha tội cho ba con yêu nữ này. Thằng Danh hỏi tôi sao gọi yêu nữ. Tôi nói với nó, một cách rất nghiêm trang, yêu nữ nghĩa là người nữ rất đáng yêu.

Ngồi chờ bà Tám từ lúc thằng con trai bà nấu cơm… cho tới khi cơm chín, cá kho, canh chua bay mùi thơm phức mà bà cũng chưa về. Thằng con trai cũng bặt thiệp, sẵn bữa mời ba chị dùng cơm nhà nghèo với tụi em. Ba chị chỉ chờ có thế, nhào vào ăn liền một cách rất tự nhiên. Nhỏ Hằng nói mình đi ăn chực, ngon thì thôi!

Cơm nước no nê, Năm Chà bắt đầu thèm thuốc lá. Bả ngó tới gói Samit để trên bàn thờ tổ lom lom, nhưng còn kiêng dè sợ phạm thánh. Tôi thì thèm cà phê đá, rủ mấy bả đi về cho rồi, bữa khác trở lại coi bói. Thằng Danh ham vui, đòi đi theo, nó nói em cũng ghiền cà phê đá nhứt nhà.

4.

Một buổi sáng Chiến xách xe Honda rủ đi Vũng Tàu. Tôi bỏ hai bộ quần áo vào cái túi xách đi theo chàng, không kịp cho Dì Hai biết tin.

Đến Cấp đã quá trưa, chúng tôi ghé vào quán ăn cơm và sau đó tìm mướn khách sạn. Chiến uống bia người mệt mỏi nằm ngủ say vùi. Tôi bỏ chàng nằm chèo queo trong phòng, xuống biển tắm một mình. Khi trở về lại khách sạn, Chiến tỉnh giấc, chàng ôm tôi hôn lấy hôn để và đòi làm tình. Tôi nói ông đi tắm rửa sạch sẽ tôi mới cho yêu. Chàng ngoan ngoãn bước xuống giường đi vào phòng tắm.

Sau đó tôi và Chiến đi ăn cơm tối, Chiến lại uống rượu. Tôi nói sao bữa nay ông hứng uống dữ vậy. Chàng nói buồn quá. Chúng tôi trở về khách sạn, chàng ôm ấp tôi một hồi mà không đủ sức làm tình, quay ra ngủ như chết. Tôi buồn bã một mình lang thang về phía biển.

Tôi ngồi dưới gốc cây ở vệ đường bãi trước ngó về phía ngoài khơi xa thẳm. Đêm không trăng, biển Vũng Tàu tối âm u, gió từng cơn làm cho tôi thêm u buồn. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy cuộc sống của mình thật bấp bênh. Liên hệ với Chiến chẳng đem lại cho tôi một chút an ủi nào. Đời sống của chàng và tôi càng ngày càng có nhiều trái ngược. Nghĩ đến cảnh chàng đang nằm ngủ vùi trong phòng khách sạn, tôi thấy thật không hợp với chàng một chút nào cả.

Tôi định đứng lên bước ra về thì bật chợt gặp Danh, thằng con trai bà Tám thầy bói. Vừa lúc nó gặp tôi mừng rỡ gọi chị Huệ, chị Huệ. Nó rủ tôi vô một cái quán ở bãi trước ăn khô mực, uống la ve. Tôi nói em mà cũng uống la ve nữa hả. Nó than buồn quá. Tôi nhớ lời Chiến than hồi chiều, buồn quá. Danh hỏi tôi khi xa Vũng Tàu có buồn không. Tôi nói sống ở một phố biển là điều tôi ước mơ. Nhưng Sài Gòn là nơi tôi có nhiều kỷ niệm nhất. Khi nào xa Sài Gòn, chắc tôi sẽ nhớ ngôi chợ Xả Rác đến ốm o gầy mòn. Danh uống thêm một hớp rượu và than buồn quá. Tôi thấy nó hình như có một điều gì muốn giấu giếm.

Trời đã khuya, bãi biển bắt đầu vắng người. Tôi đứng dậy nói thôi đi về Danh ơi, con nít uống rượu nhiều không tốt. Danh hỏi chị ở đâu. Tôi chỉ về khách sạn ở phố ngang nhà lồng chợ. Danh nói em phải về Long Hải ngay bây giờ, chắc thằng Trí và con Liên đang trông em dữ lắm. Tôi hỏi tụi em làm gì ở bên đó. Thằng nhỏ nhìn tôi buồn bã, giọng của nó còn buồn hơn, chắc em không có dịp gặp lại chị nữa đâu. Tôi chợt hiểu, và một nỗi buồn man mác chợt dấy lên trong lòng.

Danh dẫn tôi đến chỗ nó gửi chiếc xe Honda. Thằng nhỏ nổ máy mà còn luyến tiếc chưa muốn đi. Tôi nói chúc bình an. Danh bỗng dưng rủ tôi đi với nó về Long Hải và không hiểu sao, tôi leo lên yên sau ôm eo ếch nó cứng ngắt. Thằng Danh phóng xe như bay trong đêm tối.

Đến Long Hải lúc gần nửa đêm, trời tối đen, đâu đây tiếng chó sủa làm tôi rùng mình. Danh đưa tôi đến nhà chủ ghe, nơi có hai đứa em nó ở đó chờ từ mấy ngày nay. Vừa bước đến cổng, tôi đã có linh cảm không ổn. Hai, ba tên phường đội cầm súng đứng phía trước nhà. Danh khôn hồn nắm tay tôi vọt lẹ. Chừng một khoảng đường mấy trăm thước, Danh lủi vào một căn nhà ở mé biển, tôi run sợ đứng khép nép ở ngoài hiên. 

Một người đàn bà bước ra nói trời ơi! Danh mày đi đâu mất tiêu vậy, tao tưởng mày dính rồi chớ. Thằng Danh hỏi hai đứa em tôi có sao không bác Tư. Người đàn bà nói nho nhỏ, không có sao, chẳng có ai bị gì cả. Bà ta nhìn tôi có ý muốn hỏi chị này là ai đây. Tôi hiểu ý, mỉm cười nói thiệt may quá. Người đàn bà đó dẫn tôi và Danh đi đến một cái chùa ở gần đó, bà ta nói mầy ở tạm đây đi, yên ổn hơn đằng nhà tao. 

Tôi và thằng Danh được đưa vào hậu liêu của một ngôi chùa… lánh nạn. Đây cũng giống như nhà bếp, nhưng có đặt thêm một chiếc đi văng bằng gỗ, ở chính giữa nhà có đặt bàn thờ Phật, góc trái có đặt bàn thờ ông Quan Thánh Đế Quân.

Chùa không có điện. Một ngọn đèn dầu lù mù trên bàn Phật. Không có ai ở dưới hậu liêu này, bốn bề im vắng thật dễ sợ. Tôi và Danh ngồi trốn ở một góc phòng, hồi hộp chờ đợi. Tôi nghĩ chuyến đi đã bị bể, chủ ghe bị bắt và chẳng mấy chốc công an sẽ đến đây tóm cổ cho mà xem. Nghĩ đến Chiến đang nằm chèo queo ở Cấp. Bể chuyện ổng sẽ chửi tôi thậm tệ. Thằng chả sẽ nói đáng kiếp cho đồ… phản bội. Thật là oan ơi ông Địa. Khi không vướng vào cái vụ kỳ cục này. Người ta đi vượt biên bị bắt đã đành, còn tôi đi theo chơi bị bắt thiệt là hết chỗ nói.

Tôi kề tai Danh nói nhỏ, có sao không, chị hồi hộp quá. Danh nắm tay tôi trấn an, không sao đâu, số của em may mắn lắm. Em có số vượt biên, Má em coi ngày, coi tuổi cho mấy tụi em rồi mới cho đi chớ. Bàn tay Danh nắm tay tôi một cách rất đàn ông. Nó nói chị có mệt, dựa lên vai em mà nghỉ. Tôi tựa sát vào người nó, một hơi hướm đàn ông thật dễ chịu.

Thằng Danh không ngồi im mà cựa quậy. Người nó ấm dần. Tôi nghe tiếng nó thở dồn dập một bên tai. Nó bắt đầu đưa bờ môi mơn trớn vành tai của tôi. Tới chừng nó nhẹ đưa đầu lưỡi chạm vào lỗ tai thì tôi chịu hết nổi. Tôi đẩy nó ra bảo đừng Danh. Nó ngồi im được một chút xíu rồi lại bắt đầu cái mửng cũ. Tôi xô nó ra nói thôi mà, làm ở trong chùa tội chết. Nhưng thằng nhỏ giờ phút này còn có biết gì nữa, công an nó còn chưa sợ, sợ gì tội. Tôi ngó lên bức hình ông Quan Công trên bàn thờ, tôi nói coi chừng cái ông cầm cây Thanh Long đao kìa. Danh bước đến thổi tắt phụt ngọn đèn dầu. Trong phòng bỗng tối như mực. Danh đã cởi áo tự hồi nào. Nó kéo tôi nằm ngửa ra nền xi-măng. Bóng tối trong đêm làm cho dạn dĩ hơn, không còn mặc cảm tội lỗi nữa, tôi ôm Danh với tất cả ham mê. Thằng nhỏ tuổi trẻ mà tài cao. Nó làm tình như giông, như bão.

Tôi hối thằng Danh mặc quần áo vào. Công an đến bắt tụi mình phạm hai tội một lượt. Nó ôm tôi hôn lên gáy nói thương quá, thương quá, cử chỉ thật đàn ông. 

Tôi nghe tiếng chân người đi, trống ngực đánh thình thịch. Số tui xui lắm, rớ vô ông nào ông đó thân bại danh liệt. Tôi chắc mẻm sẽ bị công an tới bắt dẫn về bót cho mà coi.

Cánh cửa phòng nhẹ mở, một giọng nói nho nhỏ. Danh, Danh. Thằng Danh đứng dậy nắm tay tôi đi theo người đàn bà ban tối. Chúng tôi âm thầm đi với nhau trong đêm len lỏi qua xóm nhà dân chài bờ biển Long Hải. Một chiếc ghe nhỏ đậu chờ sẵn. Người đàn ông trên ghe nói với người đàn bà, ba anh em thằng này thôi phải không. Còn cô kia, đi cách nào vậy? Tôi bỗng cảm thấy thừa thãi, trơ trọi. Bị bỏ lại trong hoàn cảnh này hơi tủi thân dù ba cái chuyện đi đứng tôi chưa bao giờ mong tới. Thằng Danh nói với tôi cứ nhảy xuống ghe đại, không có sao đâu. Ở đầu mũi chiếc ghe có úp một chiếc thúng rất lớn, Danh bảo tôi nhảy xuống ghe nằm trốn trong đó. Bỗng đâu có khoảng bảy, tám người từ trên bờ chạy đến canh me. Người đàn ông la lối om sòm. Hắn chửi thề ỏm tỏi. Hắn doạ ra khơi sẽ thảy xuống biển cho cá mập làm thịt. Thừa lúc lộn xộn thằng Danh thảy tôi xuống ghe. Nó lấy cái thúng úp tôi lại. Tôi nằm im lặng, lâu lâu hé miệng thúng để thở… chút không khí ngoài trời. Biển đêm tối như mực, tiếng ghe chạy êm ru giữa vùng vắng lặng. Ghe chạy độ hơn một giờ thì đến điểm hẹn. Chiếc ghe lớn đậu sẵn chờ rước khách. Tại đây, xảy ra một cảnh hỗn loạn hơn khi trước. Rất đông người đi canh me. Họ chờ chực, canh từ ghe con qua ghe lớn. Thằng Danh lo cho tôi và hai em nó chu toàn. Con tàu từ từ tiến vào biển Đông trong màn đêm.

Khi mặt trời lên cao, tàu chúng tôi đến được hải phận quốc tế. Chiều tối hôm đó con tàu đi ngang Côn Sơn. Thủy thủ cố tránh, lái thật xa. Danh chỉ tôi nhìn về phía trong kia xa thẳm, nó nói Côn Sơn. Tôi chỉ thấy trời mây bát ngát.

Một tuần lễ sau tàu chúng tôi đến được một chùm đảo nhỏ thuộc Nam Dương. Bước lên trại Kuku người tôi còn say sóng đi đứng lạng quạng. Đầu óc cũng chưa tỉnh táo hẳn. Chẳng khác nào một giấc chiêm bao. Mấy đêm liền tôi cứ mơ thấy về Việt Nam. Tôi thấy Dì Hai, Năm Chà và con nhỏ Hằng. Trong giấc chiêm bao, tôi thấy như đang đi trong chợ Xả Rác thân quen. Có lúc tôi thấy như đang về thăm nhà cha, mẹ ở Cao Lãnh. Có khi tôi thấy bị công an Việt Cộng bắt. Tỉnh dậy tôi vẫn còn bàng hoàng, khi thấy thằng Danh nằm ngủ cạnh một bên mới biết là mình đang ở Indonesia.

Thật là tức cười. Khi không vượt biên. Nghĩ đến cảnh Chiến nằm ngủ một mình ở khách sạn, chàng sẽ nghĩ gì về tôi. Tôi sẽ nói thế nào với con nhỏ Hằng và Năm Chà về cái vụ này. Rời Việt Nam tôi để lại hai tháng hụi chết chưa đóng. Còn thiếu Dì Hai ba trăm đồng. Ngoài ra còn tài khôn đi cầm giùm con Diễm chiếc nhẫn xoàn 4 ly. Đi Vũng Tàu với Chiến, tự nhiên tôi mất tích. Chẳng ai biết sống chết ra sao. Chắc tụi nó xúm lại làm thịt ông Chiến. Đâu có ai ngờ tôi đang ngồi rầu rĩ tại một hải đảo xa xăm này đây.

Đảo Kuku có một trại tạm trú cho phần đông người vượt biển đến được Nam Dương. Nơi đây chỉ là chỗ ở tạm, nhà cửa ọp ẹp thô sơ. Chúng tôi chiếm một căn nhà nhỏ, gần bệnh xá. Mái nhà lợp lá đã cũ, mục nát. Có nhiều đêm mưa to gió lớn, nước mưa rơi xuống mặt, xuống chân lộp bộp. Chúng tôi xin được hai cái mùng cũ, tôi ngủ một mình, Danh và hai em nó ngủ chung. Hai cái mùng giăng kề nhau trên một chiếc chõng làm bằng những thanh cây nhỏ. 

Thằng Danh nằm cạnh tôi. Nó thường thò chân, thò tay qua chỗ tôi nằm. Tôi mang mặc cảm tội lỗi từ cái đêm làm bậy, làm bạ ở trong chùa nên không muốn cảnh đó tái diễn. Để ngăn ngừa, tôi cho phép thằng Danh mỗi lần chỉ được xâm phạm biên giới một món mà thôi. Nếu cái đầu ló qua, thì bàn tay bàn chân phải ở vị trí cũ. Thường thường thì Danh tôn trọng cam kết lúc đầu hôm. Tới chừng giữa khuya, khi hai em nó đã ngủ mê, nó xé thoả ước chun qua mùng tôi luôn. Và thường thì chừng đó tôi đã hết mặc cảm tội lỗi, tôi phó mặc chuyện gì tới… cứ việc tới. Trời lại mưa gió ầm ĩ… thằng Danh nằm trong mùng tôi cho tới sáng bét… mới chịu trở về. Vậy mà hai đứa em nó cũng chẳng hay, chẳng biết.

Cái vụ này kéo dài hoài không dứt được. Càng gần gũi, Danh càng mê, càng ghiền. Nó đang sức lớn, khỏe như voi. Danh làm tình như giông gió… Khi rời đảo Kuku, chuyển qua trại Galang, thằng Danh sắp xếp cho tôi ở một góc kẹt của barrack. Dĩ nhiên nó cũng giăng mùng nằm kế cận.

Anh chàng đóng kịch rất tài. Ban ngày nó xưng em và gọi tôi bằng chị. Tôi với nó cứ chị chị, em em mà tối nào cũng ôm ấp yêu thương. Vướng vào cái vụ tình cảm này, tôi rầu ghê. Tôi đã nói trước rồi, cuộc đời tôi luôn luôn gặp chuyện tréo cẳng ngỗng. Tiếu lâm hơn nữa là Danh lại khoái làm lớn. Hằng đêm, ở trong mùng, nó gọi tôi là cưng và xưng anh. Đối với nó, hễ làm đàn ông… là làm anh.

Tôi gửi thư về cho Dì Hai, Năm Chà và con Hằng. Tôi chỉ nói đại khái tôi đã ra đi một cách rất tình cờ. Nhưng tôi giấu, không cho biết đi với ai. Làm sao tôi có thể thú thiệt với họ là tôi đi theo thằng con bà thầy bói đây hở trời! Tôi gửi lời thăm Chiến, mong chàng sớm quên… một đoá hoa lục bình. Giờ đây đã ra biển lớn… trôi về một phương trời xa thẳm. Tôi nhờ Năm Chà đóng giùm tôi hai tháng hụi và lo tiền chuộc chiếc cà rá cho con Diễm. Khi nào sang Mỹ, tôi sẽ gửi trả lại… có tiền lời đầy đủ.

Lúc gần đi định cư tôi nhận được thư nhỏ Hằng. Nó đại diện cả nhà, viết thư chúc mừng tôi… đã tới được thiên đường. Mở đầu thư, nó sỉ vả tôi trước. Nó nói bạn bè thiệt là xấu, có gì ngon… giấu ăn một mình. Nó nói tôi tính đi vượt biên, sao không rủ rê bà con với. Nó bảo ông Chiến rầu rĩ tới mấy tháng trời… ổng sợ bà nhảy xuống biển tự tử. Tới chừng được tin bà bình an ở xứ người, ổng than không dè bị bà đá đít. Đau còn hơn bị thiên sắc. Nhỏ Hằng nói cở này ông Chiến trúng áp phe lia chia. Tiền vô như nước. Ngày nào ổng cũng xuống chở nó đi ăn nhậu. Nó còn phán một câu, số bà thiệt xui, dính vô ông nào, ông đó mạt rệp. Coi nó ăn nói như vậy đó. Nhỏ Hằng cho biết nó có trở lại nhà bà Tám xem bói. Nó nói cố làm theo lời tôi dặn, lúc bà bảo nó ra vườn hái cái lá – nó cố tìm một đoá hoa còn búp – nhưng rủi hôm đó trong vườn chỉ còn mỗi một đoá hoa đã nở rồi. Nó hái đại, có còn hơn không – hoa cũng còn sắc, còn mùi thơm. Tôi nghĩ đến ông Chiến. Tôi chưa bao giờ mong đợi điều này. Nhưng biết đâu chừng nó sẽ đến. Cái gì mà tôi không mong… nó cũng đến. Sau cùng Năm Chà có vài lời nhắn gửi, mừng cho tôi. Số bà coi vậy mà hên lắm đó nhe. Chị ta bảo tôi đừng lo ba cái vụ nợ nần, tính xong rồi. Chỉ mong sang Mỹ đừng quên, lâu lâu gửi về một thùng quà là được.

Đọc thư tôi thấy vui vô cùng. Nhớ dễ sợ cái xóm nhỏ ở chợ Xả Rác. Tôi đi rồi, hai con yêu kia chắc sẽ lo tu tỉnh làm ăn. Tôi thì kể như rồi đời, có muốn quậy cũng không được.

Tôi đã mang bầu hai tháng. Lúc này phải mặc áo rộng để tránh sự tò mò của bà con trong trại ưa dòm ngó. Danh khoái chí sắp lên chức. Buổi tối nó chun vô mùng tôi sớm hơn thường lệ. Không còn đợi đến nửa đêm thanh vắng như trước. Nó làm cái điệu “cha của đứa con tôi” không bằng.

Danh tuổi còn nhỏ, nhưng tư cách rất đàn ông. Nó có nhiều điều rất hợp với tôi. Lâu dần tôi cảm thấy… thương nó ghê. Nhất là kể từ khi tôi có bầu.

Tôi tựa đầu lên vai Danh âu yếm, nữa mình đặt con tên Việt Nam hay tên Mỹ. Nó mỉm cười hiền hỏi em muốn thế nào. Tôi hỏi nó có cho Ba, Má bên nhà hay chưa. Danh nhìn tôi cười, chưa. Ai dám, biết được ổng, bả giũa chết. Và chừng như sợ tôi buồn, nó xoay ngang ôm tôi hôn. Danh luồn nhẹ bàn tay lên bụng tôi. Nó nói thương cục cưng này lắm à nhe. Nó an ủi. “Mà ổng, bả biết cũng chẳng có sao. Ở tuốt bên Việt Nam xa lắc làm gì được mình.”./.

NGUYỄN THẠCH GIANG

Hoa Kỳ, 1987

Trần Vũ đánh máy lại từ bản in trên tạp chí Văn số tháng 11-1987

(Tác giả sửa chữa lại một vài chỗ bị sai ( lỗi đánh máy)