Sunday, January 12, 2025

NỖI BUỒN TỪ TIỀN KIẾP

 

 Nguyễn Thạch Giang


 Phước nằm lim dim mắt nhắm mắt mở, bà vợ nằm kề bên rù rì, "chị Trâm kể hôm đi chợ Việt có quen một người biết coi bói, bói cho chị Trâm một quẻ không biết đúng sai ra sao mà chị Trâm về nhà mắt còn đỏ hoe khóc hoài. Người đó ban ngày là đàn ông ban đêm là đàn bà".

Phước mơ mơ màng màng. "Trên đời này có một người như vậy à?".


Chị Trâm là chị của Phước, không chồng con, hồi nào tới giờ ở với vợ chồng Phước, trong nhà ai cũng mến cô Trâm. Hai đứa con của Phước một tay cô Trâm chăm sóc, từ lúc tụi nó chưa biết nói giờ lớn đại theo bồ không còn theo cô Trâm nữa. Vợ Phước thì hạp tánh bà chị chồng, chuyện vui chuyện buồn gì cũng kể cô Trâm nghe, hai bà hễ xáp lại là rù rì to to nhỏ nhỏ.

Chị Trâm làm công nhân lắp ráp trong một hãng điện tử nhỏ, chuyên làm đồ gia công cho mấy hãng lớn. Công việc nhẹ nhàng ngày làm tám tiếng. Năm vừa rồi hãng mất hợp đồng phải cắt giảm nhân công. Chị Trâm có tên trong danh sách đầu tiên. Chị nói thôi nghỉ hưu luôn chớ cái tuổi này đi xin việc ai mướn, không chồng con làm nhiều cho ai ăn đây.


Từ ngày thôi không còn sáng xách cơm theo chiều xách hộp không đem về, chị Trâm đâm ra thích nhiều thứ. Nhưng chị không thích nấu nướng, chị thích đi ra ngoài với mấy bà bạn, mấy bà cứ rủ nhau đi mua đồ giảm giá, đi suốt ngày không nghe than mệt. Ham rẻ mua hoài quần áo chất đầy tủ ít khi có dịp mặc tới. Mua về nhà ngắm tới ngắm lui thấy không vừa ý lại mang đem trả. Cứ nay mua mai trả, cứ vậy làm hoài ngày tháng trôi qua không thấy buồn. Hôm nào ở nhà thì chị Trâm ôm cái phone. (Không biết mấy người nói chuyện gì mà cả tiếng đồng hồ cũng còn nói). Nhờ vậy mà đỡ xì trét tuổi già.


Hôm nay cả nhà rủ nhau đi casino. Vợ chồng thằng em vợ của Phước ở tiểu bang khác sang chơi. Mới tới ban trưa là đã rủ rê bà chị tối nay thứ sáu mình đi chơi chúa nhật về. Tưởng rủ đi đâu chớ đi casino thì vợ Phước không từ chối. Mấy chị em gia đình bên vợ người nào cũng thích đi casino. Có lần Phước trêu chọc, "cũng may bà xã tôi mê ông Tây bà Đầm, còn đỡ hơn là mê ông hàng xóm". Vợ Phước nhéo chồng, "ông xã nói chuyện hỏng có duyên.". 

Vợ Phước thích làm gì thì làm, Phước ít khi cấm cản hay có ý kiến này nọ. Không phải Phước sợ vợ. Không phải. Tại vợ chồng người ta như vậy. Cũng như khi Phước đi nhậu bia ôm với bạn bè, hay đôi khi vô quán cà phê mát mẻ nhìn mấy em khoe hàng, vợ Phước cũng không nói gì, cô nàng nói với mấy bà bạn "Vợ chồng ăn ở với nhau mấy chục năm, ngày nào cũng nhìn mặt, chán muốn chết... ở đó mà ghen". Còn Phước thì nói bà xã tui cái gì cũng được, chỉ có cái mê cờ bạc, mà cũng chỉ là lâu lâu chút đỉnh cho vui.


Cách đây cũng lâu lắm rồi, lúc hai đứa con còn nhỏ xíu, không biết Phước làm gì khiến vợ nổi giận đùng đùng, vừa khóc vừa kể, ôm con về nhà cha mẹ, tính thôi cái ông này. Chịu hết nổi. Bà chị họ, mà sau này Phước vui cười gọi là sư phụ. Bà chị sư phụ này nghe tin hai vợ chồng lục đục, tài lanh đứng ra dàn xếp. Bà chị trịnh trọng hỏi người vợ, "em thấy em có thể xa được người đàn ông này không?". Người vợ ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đáp, "đó là việc khó khăn nhất trong đời của em". Sư tỉ quay sang hỏi người chồng, "em có muốn thôi người đàn bà này không?". Người chồng trả lời không đắn đo. "Không. Tôi không bao giờ muốn rời xa người đàn bà này.". Sư tỉ phán một câu như thánh phán: "Nếu hai người cảm thấy không thể sống rời xa nhau, thì mỗi người nhịn một chút sống vui vẻ cùng nhau… cho tới ngày cùng nắm tay vào nhà dưỡng lão". 

Từ đó hai vợ chồng cứ làm theo lời sư phụ, hễ chồng nóng thì vợ vuốt, vợ nóng thì chồng vuốt. Người này chiều người kia một chút thì đâu cũng vào đó, trong nhà trong ấm ngoài êm.


Như là cái chuyện tối nay ghé rước người đàn ông quen chị Trâm có tên là Cát Mộng Tuyền. Nghe cái tên cũng “thấy” hình dạng ra sao rồi.  Có lần Phước nói với nàng, không biết chị Trâm đi đâu mà quen cái thằng đó. Nghe nói ban ngày nó là đàn ông, đêm đêm đội tóc giả, bôi son trét phấn giả gái tới làm ở quán rượu. Nhưng Thi nghe lời chị Trâm theo phe chị Trâm, nói coi vậy chớ nó đàng hoàng mà lại tội nghiệp lắm (?), xe còn chỗ rộng cho người ta có giang đi theo chơi, phòng khách sạn to bự dư chỗ ngủ lo gì. Thật tình Phước không muốn tí nào, nhưng bà xã cứ nói còn chỗ mà anh. Mà đó cũng là do ý của chị Trâm, chị thích người đó lắm, chắc tại người ta coi bói cho chị, nói tới mấy cái vụ tình cảm tình yêu từ ngày xa xưa đâu từ hồi thế kỷ trước. Tưởng mấy cái chuyện đó đã ngủ yên theo năm tháng vậy mà giờ nhắc lại chị Trâm cứ khóc hoài đôi mắt đỏ hoe.


Phước nói với vợ, em nói với chị Trâm kêu cái “thằng đó” chuẩn bị sẵn, mình tới là đi liền, anh không thích chờ. Nói với nó đi với tui thì không được giả gái. Thi nhăn mặt ý chừng sao chồng kêu người ta thằng đó. Người đó đang đước trước cửa chờ, có cả cha và mẹ người ta đứng đó. Người đàn ông này cũng đã hơn bốn mươi ngoài, thấy xe tới ngoắc tay ra hiệu, rồi quay sang nói với hai ông bà:

 - Xin phép cha mẹ con đi chơi, chiều chúa nhật về, chút nữa mẹ nhớ nhắc cha uống thuốc. 

Chắc chị Trâm nói gì, người đó thấy Phước cúi chào xã giao không nói gì. Bước lên xe mùi thơm thoang thoảng. 

Xe chạy được chút xíu là mấy bà xúm nhau nhiều chuyện.

– Em tên là Cát Mộng Tuyền? 

– Dạ, tại vì lúc em giả gái ai cũng nói em giống Mộng Tuyền.

– Mộng Tuyền là ai vậy? 

– Ủa chị hỏng biết Mộng Tuyền à?  Mộng Tuyền hát cải lương nổi tiếng lắm, đẹp lắm. Em thích nhân vật "Cát Mộng Thuỳ Dương" trong tuồng cải lương nên tự đặt tên mình là Cát Mộng Tuyền, chị thấy cái tên đó có đẹp không?

– Hơi giống cải lương.

– Thì em thích cải lương lắm. Em biết ca cổ.

Cả chị Trâm và Thi nhìn săm soi.

– Em có đi giải phẩu chuyển giới? 

– Dạ không. Hồi trẻ em mơ làm cái vụ đó lắm. Dự tính để dành đủ tiền thì sang Thái Lan làm. Nhưng bây giờ lớn tuổi rồi hết ham. Nhưng em có sửa mũi, hai chị thấy thế nào?

Chị Trâm và Thi lại nhìn săm soi. "Cũng đẹp. Coi có vẻ tự nhiên".

– Hồi cách đây cũng lâu lắm rồi, chắc cũng cở mười năm, em có đi chơi casino, có một người đàn ông nhìn em chăm chăm. Lúc sau ổng tới gần em nói chuyện. Ồng nói mấy ngày nay ổng đen quá, thua là thua, ổng hỏi em có thể vái "thần bài" cho ổng ăn được không. Em vái. Ổng trở vô đánh bài. Chừng nửa tiếng đồng hồ ổng trở ra tìm em. Ổng nói ổng gở được vốn mà còn ăn chút đỉnh. Ồng cho em một ngàn. Em lấy tiền đó đi sửa mũi.


Phước với tay mở nhạc, cố tránh không nghe cái "Đài tiếng nói Bà Tám". Quý vị xướng ngôn viên nghỉ giải lao được một chút, rồi bắt đầu trở lại talk show.

– Em giả gái ba má em có nói gì không? 

– Dạ không. Hồi trẻ em có thương một người, nhưng ảnh không thương lại. Em viết nhật ký bị cha em bắt gặp. Cha em nói cho mẹ em biết, nhưng ông không có la hay cấm cản gì em. Có lần mẹ em nói với em, "Coi cái điệu bộ của mày, con ơi chắc ngày sau mày vừa ăn cơm vừa khóc". Chị à! người ta nói gia đình nào cũng có một người con phải gánh lấy điều bất hạnh của gia đình.


Phước nhìn vào kính chiếu hậu, có chút gì đó xót xa trong lòng… chàng muốn nhìn rõ hơn người đàn ông vừa ăn cơm vừa khóc.


– Em đi làm ở quán nhậu? 

– Dạ, tại vì em biết coi bói, có lần em coi cho bà chủ quán, bà thấy em tội nghiệp nên kêu em tới phụ bếp phụ dọn dẹp. Em biết hát, hễ khách nhậu thích thì kêu em hát giúp vui. Chớ coi bói chút đỉnh ai muốn cho bao nhiêu thì cho, mà cũng thỉnh thoảng thôi, đâu đủ xài.

– Em làm như vậy có đủ sống không?

– Dạ đủ, em nấu nướng làm công chuyện nhà, anh em cho em ở "free". Em rán dành dụm, khi nào cha mẹ em trăm tuổi già em về Việt Nam sống. Em có mua sẵn một căn nhà rồi. Nhà nho nhỏ ở vùng ngoại ô, có sân trước vườn sau đã lắm. Hồi mấy năm trước còn rẻ, em mua căn đó chưa tới mười ngàn đô. Để cho thằng cháu bà con đứng tên, tại vì mấy anh chị đều qua Mỹ hết. Ai cũng nói em coi chừng mai mốt người ta sanh lòng tham không chịu trả. Nhưng em không sợ, bây giờ em có bao nhiêu tiền em giúp người này người kia, giống như mình rãi hạt mình gieo, mai mốt gặt, có mất thì cũng mất phần nào, không lẽ mất hết phải không chị.


Thấy cây xăng bên đường Phước tấp vào dù dự tính là để chừng một tiếng nữa hãy ngừng.

– Quý vị nào có đi đái đi ỉa thì nhanh lên.

Thi nhéo chồng, cái ông này… nói kỳ. Anh có muốn uống cà phê ?

 - Ừ phải, vô đó kiếm một ly.

Hai vợ chồng cậu em đi theo vô đó kiếm mua vé số cạo, thử thời vận coi có hên không, vừa đi vừa nói "Vái trời cho trúng năm triệu, tui dọn nhà về đây ở luôn"

-Còn bao xa nữa ông xã?

- Mình đi cũng đi được nửa đường, còn khoảng ba tiếng lái xe, lên tới đó chắc cũng gần sáng.

Chị Trâm và Cát Mộng Tuyền đi tìm rest room, Phước nhìn theo hỏi vợ vậy chớ cô đào Mộng Tuyền mập và tròn như vậy hả em.

 - Người ta nói gương mặt nhìn giống chớ đâu có nói tướng người. 

- Mộng Tuyền mà giống người này thì không biết đẹp là đẹp ở chỗ nào.

- Người ta giống Mộng Tuyền chớ đâu phải Mộng Tuyền giống người ta.

Phước nhăn mặt chu mỏ, không biết hai cái đó nó khác nhau chỗ nào.


Xe đến chỗ parking của khách sạn thì trời đã tờ mờ sáng. Thiên hạ nhộn nhịp kẻ ra người vào. Thành phố này thì lúc nào cũng vậy, ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày. Cậu em vợ của Phước dặn trước hai phòng lớn, có cửa ăn thông nhau qua lại. Phòng nào cũng có phòng khách phòng ngủ riêng biệt. 

Phước hỏi vợ, em có muốn ngủ chút cho khỏe không. 

Thi trả lời ông chồng: "Trên xe em có ngủ, anh có buồn ngủ thì lên phòng ngủ, em theo cậu nó xuống chơi lòng vòng". 

Phước nói với mọi người, "vậy thì ai muốn làm gì thì làm, chút nữa mười hai giờ nhớ về tập trung chỗ này đi ăn trưa". 

Ăn trưa xong chị Trâm muốn đi tới chỗ khách sạn có thủy cung xem cá, cậu em mê đánh bài không chịu đi nói đâu có gì lạ, coi hoài.

Phước nói với cậu em vợ, vậy thì cậu có đi chơi đâu thì đi, chừng sáu giờ chiều trở về khách sạn cùng nhau đi ăn tối.

Chị Trâm và Cát Mộng Tuyền không đánh bài, hai người dẫn nhau đi dài dài theo mấy casino ngó cái này ngắm cái kia. Phước đi theo vợ nhưng không chơi, đứng ngoài ngó bà xã chơi bài, nhìn bả hào hứng ăn thua thấy cũng đủ. Đứng một hồi mỏi chân, Phước kiếm chỗ ngồi uống bia một mình.

Buổi tối ăn xong, rủ nhau đi tới khách sạn có kênh đào bên trong xem cảnh người ta bơi xuồng. Phước tạo dáng lúc ngồi lúc đứng cùng vợ chụp hình. Phước không thích nhưng vợ thì rất thích, đi đâu cũng chụp hình. Hôm nào rảnh rỗi thì đem mớ hình cũ ra ngắm. Nói lúc này thấy trẻ, cái bộ đồ này mặc thấy mập, cái kiếu đứng đó thấy sang… Tự sướng.


Mọi người lại mạnh ai nấy đi mỗi người một hướng. Phước buồn tình lang thang dọc con đường đèn đuốc sáng trưng nhộn nhịp người qua kẻ lại suốt đêm không ngủ. Phía bên kia đường người ta đang diễn cảnh cướp biển thời mấy thế kỷ về trước, thỉnh thoảng lửa phựt cháy sáng rực. Nhiều người đứng đường đưa tấm cạt nhỏ mời gọi. Phước nhớ hồi còn độc thân, cũng tại chỗ này một người bạn cứ nằng nặc đòi kiếm chỗ thử cảm giác với một người da màu. Phước đi cùng bạn tới chỗ nhưng không vào, đứng ngoài chờ.

Lang thang lên xuống mỏi chân không thấy gì lạ. Bao năm qua trở lại thì cái thành phố này vẫn vậy. Không hiểu sao thiên hạ thích đưa nhau tới đây đốt tiền. Phước ghé liquor mua một xâu bia về phòng khách sạn uống một mình.

Phước lại ngồi trên ghế sofa cạnh cửa sổ vén màn nhìn ra bên ngoài. Khách sạn gần bên cứ mười lăm phút có màn trình diễn nước phun theo điệu nhạc cùng đèn màu chiếu sáng. Phước nhìn xuống phía dưới đường chỗ bóng tối, có một vật gì giống như một thùng giấy to nằm bất động lâu lâu lại thấy nhúc nhích. Nhìn kỹ thì ra một người vô gia cư đang nằm ngủ, thỉnh thoảng ngồi dậy đưa chai rượu lên uống.

Đêm đã khuya, đường phố vắng người qua lại, chắc họ rút vào mấy quán bar uống rượu, hay lại tụ về mấy sòng bạc chơi trò đỏ đen nhiều đam mê hào hứng.


Có tiếng mở cửa phòng. Có tiếng chị Trâm và Cát Mộng Tuyền xầm xì to nhỏ. Hai người mở tủ lạnh lấy đồ ăn mua từ ban chiều. Hai người vừa ăn vừa nói chuyện thì thầm.

– Hồi lúc em còn ở bên Việt Nam, chỗ vùng quê cách chỗ em ở chừng mấy chục cây số, có một cậu bé trai cở mười tuổi, cậu được "ông bà nào ở cõi trên" nhập vào người nên cậu có thể soi thấy kiếp trước của người khác. Cậu soi bằng chiếc gương soi mặt bình thường. Cậu nổi tiếng khắp vùng. Ngày nào nhà Cậu cũng đông nghẹt người tới nhờ Cậu soi tiền kiếp. Cậu không lấy tiền của ai cả. Một hôm em rủ bạn tới nhà Cậu nhờ soi coi kiếp trước mình là gì. Tới phiên em, Cậu vừa cầm tấm gương, mọi người nhốn nháo, công an bao vây bắt. Em bỏ chạy thục mạng không bao giờ dám trở lại.


Chị Trâm cười khúc khích. "Vậy à, vui quá vậy. Nhưng mà biết tiền kiếp để làm gì?"


– Trong kiếp này nếu mình có điều gì dính líu đến kiếp trước phải làm làm phép hoá giải. Thí dụ như mình có hứa hẹn làm vợ chồng với một người từ kiếp trước, kiếp này bằng đủ mọi cách mình vẫn không thể lập gia đình. Vì mình đã có hôn ước với người đó. Phải làm phép xé hôn ước với người âm.


– Vậy à, nếu vậy chắc kiếp trước chị đã chờ một người đi biền biệt không thấy về. Chờ từ năm này qua tháng nọ. Chờ từ kiếp trước tới kiếp sau cũng còn chờ.


Phước nghe có tiếng thúc thít hình như là tiếng chị Trâm đang khóc. Phước khui chai bia nốc cạn.


– Hồi dạo tháng Tư… “Mùa chinh chiến ấy chim đã xa bầy mịt mù bên trời mây…” * Anh ấy đang ở ngoài Trung, nghe tin ảnh theo tàu vô tuốt trong Phú Quốc, sau đó có người nói ảnh được tàu Mỹ bốc đi Mỹ rồi. Nghe vậy chị cũng mừng. Nhưng từ đó tới giờ… không hề biết tin tức của ảnh sống chết ra sao.


Hình như chị Trâm lại khóc. Phước đưa tay với lấy chai bia. Nhớ có lần cậu Hoà từ xa ghé nhà thăm mẹ ngủ lại qua đêm. Nửa đêm cậu hỏi mượn chìa khoá xe đi mua rượu. Cậu nói sao lúc rày không uống chút rượu không ngủ được. Cậu Hoà là người em họ của mẹ, cậu là người thành đạt, ở nhà biệt thự, đi xe sang, vợ đẹp con ngoan. Không hiểu sao hai người ly dị. Phước nghĩ chắc vì vậy cậu buồn. Nhưng cậu là người chủ động thôi vợ chớ không phải bị vợ bỏ.

Có tiếng mở cửa, Thi và hai vợ chồng cậu em về tới. Mấy người còn say sưa cuộc đỏ đen, cậu em nói với bà chị: "Hồi nãy em ăn nhiều, tính nghỉ rán chơi thêm thua lại cũng bộn". Thi bước đến nhìn chồng. "Chưa ngủ hả anh, sao không nằm trên giường, nằm trên ghế đó sáng dậy đau lưng lắm". 

Phước lấy chai bia cuối cùng nốc một hơi cạn. Chắc mình tối nay giống cậu Hoà, không say thì không ngủ được.


Sáng sớm mọi người thức dậy sửa soạn đi về. Phước ghé qua một tiệm bán thức ăn nhanh của người Việt mua cà phê và mua bánh mì thịt cho mỗi người một ổ. Thằng con gọi điện thoại dặn chiều về nhà ăn cơm ngon lắm con nấu, đừng ăn ở đâu.

Phước ghé nhà Cát Mộng Tuyền thả nàng xuống trước. Anh chàng bước xuống xe lăng xăng nói anh chờ em chút. Nó mang ra một trái bầu lớn và một bịch ớt chỉ thiên. "Mấy cái này là do cha em trồng, chỉ chôn đầu tôm đầu cá chớ không bỏ phân hoá học". 

Phước mỉm cười nói cảm ơn. Chàng muốn đối xử tử tế với một người sinh ra phải gánh nỗi bất hạnh của gia đình.

Vừa về đến nhà hai đứa con chạy ra mừng. "Má chơi ăn hay thua?".

Phước nhìn vợ, "hai đứa có cái gene của bà. Mai mốt về già hai đứa thay phiên chở má đi casino kéo máy". 

- Vậy chớ sao, con tui là con nhờ con cậy.

Cơm đã sẵn sàng, thịt sườn ram với tép để vỏ, canh chua rau muống nấu với tôm.

- Con trai giỏi quá, con gái có phụ không?

- Ảnh không cho con làm, ảnh nói con không biết làm vô bếp mất công ảnh chỉ.

Phước quay sang cậu em vợ hỏi vậy chớ cậu có muốn đi tắm trước rồi ăn sau. 

- Dạ phải, em thấy nực nội khó chịu quá, tắm một phát cho mát.

Phước nhìn theo dáng chị Trâm đi vô phòng, cái dáng điệu buồn buồn. Chắc là chị mang theo nỗi buồn ấy từ tiền kiếp.

Phước đi tới tủ lạnh coi có còn bia. Tối nay không uống say chắc khó ngủ.

 

Nguyễn Thạch Giang


(*) Lời bài hát "Hướng Về Hà Nội " của Hoàng Dương

 





No comments:

Post a Comment