Tuesday, June 30, 2020

VÌ SAO TỜ 100 USD LẠI IN HÌNH CHÂN DUNG BENJAMIN FRANKLIN?
Phương Nam
Nhiều người Việt thích tờ 100 Đô la của Mỹ, nhưng chắc không mấy ai tò mò tự hỏi:
– Chân dung trên tờ tiền này là ai?
Một số người đoán có lẽ đó là một vị Tổng thống nào đó của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Thực ra đó không phải chân dung của Tổng thống nào của Hoa Kỳ, mà là chân dung của một người đóng vai trò quan trọng trong Lịch sử Hoa Kỳ còn hơn hầu hết các Tổng thống.Đó là một người khổng lồ của lịch sử nhân loại. Một người đa tài. Một nhà phát minh và sáng chế hàng đầu. Một nhà kinh doanh tài ba. Một nhà tư tưởng xuất sắc. Một chính khách lỗi lạc. Một trong những ‘‘Người Cha Lập Quốc’’ (Founding Fathers) và Anh hùng dân tộc của Hoa Kỳ. Trong lịch sử nhân loại khó có ai có thể sánh được về tài năng và ảnh hưởng với con người này. Ông là BENJAMIN FRANKLIN.
Benjamin Franklin sinh ngày 17 tháng 1 năm 1706 tại phố Milk, Boston. Cha Ông, Josiah Franklin, là người làm nến, xà phòng và bán hàng tạp hóa. Mẹ ông là vợ thứ hai của Josiah. Benjamin là con thứ 15 trong 17 người con của cha mình.
Do việc làm ăn của người cha sa sút, năm lên 10, Benjamin buộc phải thôi hẳn việc học ở trường. Năm 12 tuổi, Ben bắt đầu làm công việc của một thợ in cho xưởng in của anh trai James. Do ham học, cậu đọc ngấu nghiến mọi thứ sách báo cậu có được. 
Năm 1721, James Franklin lập ra một tờ báo lấy tên là New England Courant. Đây được coi là tờ báo độc lập đầu tiên ở xứ sở này. Khi đó, Ben tỏ ý muốn làm một người viết bài cho báo nhưng bị từ chối. Cậu bèn gửi bài theo bưu điện với bút danh là Mrs Silence Dogood, có vẻ như của một mệnh phụ. Và thật bất ngờ, những bài của cậu đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nó nêu ra những vấn đề xã hội mà rất nhiều thành phần quan tâm. Tuy nhiên, James đã rất khó chịu khi phát hiện ra tác giả của những bài viết này chính là thằng oắt em trai mình!
17 tuổi, Benjamin bỏ nhà tới Philadelphia để tìm việc làm. Những năm sau đó, chàng trai phải vật lộn mưu sinh. Chứng kiến sự trì trệ của xã hội, năm 1727, Franklin lập ra một hội lấy tên là Junto, gồm “những người thợ và thương nhân hy vọng hoàn thiện chính mình đồng thời hoàn thiện cộng đồng”.
Việc xuất hiện của Junto châm ngòi cho phong trào hình thành các tổ chức xã hội và nghề nghiệp khác nhau ở Philadelphia. Một trong những hoạt động quan trọng của Junto là đọc sách. Để có nhiều sách cho mọi người đọc, Franklin đã lập ra Library Company of Philadelphia (Công ty thư viện Philadelphia). Tiền mua sách do các hội viên đóng góp và các độc giả trả phí khi mượn sách. Công ty này vẫn tồn tại cho đến ngày nay và trở thành một trong những thư viện vĩ đại nhất thế giới.
Năm 1730, Franklin thành lập xưởng in của riêng mình, đồng thời lập ra tờ báo The Pennsylvania Gazette. Tờ báo này nhanh chóng trở thành diễn đàn bàn về việc cải cách xã hội. Với tư cách chủ bút và là người viết những bài quan trọng đề xuất những tư tưởng cách mạng, Benjamin Franklin nhanh chóng có được uy tín của một nhà cải cách thông thái.
Cùng năm, Franklin nhận là cha của một đứa bé tên là William và không cho biết mẹ nó là ai. Ông đã nuôi William cho đến khi người này trưởng thành và được chính Ông dàn xếp để làm Thống đốc New Jersey rồi trở thành nhân vật hoàn toàn bất đồng chính kiến với Ông: William là người bảo hoàng, trong khi Benjamin Franklin là nhà cải cách.
Tháng 9 năm đó, Franklin kết hôn (không hôn lễ) với bà Deborah Read, người đã từng có 2 đời chồng. Sau này, họ có với nhau 2 người con. Năm 1731, Franklin trở thành một trong những nhà lãnh đạo của Hội Tam Điểm ở Mỹ. Ông bắt đầu viết sách về tôn chỉ và hoạt động của hội này.
Năm 1743, Ông sáng lập Hội Triết Học Mỹ. Trong những năm tháng đó, vốn kiến thức mà ông tích lũy được về khoa học và kỹ thuật đã đưa Ông lên tầm một nhà khoa học thực thụ.
Ông phát hiện ra là có 2 loại điện và gọi chúng là điện âm và điện dương. Ông nêu ra nguyên lý bảo toàn điện tích. Ông phân loại được các chất thành chất dẫn điện và chất cách điện, nhờ đó đã không gặp nguy hiểm về tính mạng khi thu điện từ các đám mây. Ông là người đầu tiên phát hiện ra sự khác nhau giữa hướng gió trong cơn bão và hướng di chuyển của cơn bão, một điều rất quan trọng đối với dự báo bão. Ông tìm ra nguyên lý làm lạnh bằng hiện tượng bay hơi và đã tạo ra được nhiệt độ âm 14 độ C trong môi trường mùa hè bằng cách cho ether bay hơi.
Ông có những sáng chế đi vào lịch sử khoa học kỹ thuật. Trong số đó có:
– Cột thu lôi,
– Kính 2 tròng, lin, 
– Kính 2 tròng,
– Ống thông tiểu mềm,
Năm 1753, Franklin được trao tặng Huy Chương Copley của Hội Hoàng Gia Anh giống như Viện Hàn lâm Khoa học..
.Năm 1762, Ông được Đại học Oxford trao bằng tiến sĩ danh dự.
Trong đời sống xã hội, Franklin cũng có những đóng góp lớn lao. Ông đã:- Lập ra công ty cứu hỏa đầu tiên tại Mỹ
;- Thành lập Viện Hàn lâm Philadelphia. Thực chất là trường đại học;
– Cùng với Tiến sĩ Thomas Bond thành lập bệnh viện Pennsylvania. Bệnh viện đầu tiên ở Mỹ.
Cuối thập niên 1740, Franklin bắt đầu các hoạt động với tư cách quan chức chính quyền. Ngoài các chức vụ trong chính quyền thành phố và vùng Pennsylvania .Khi đó chưa phải là một bang của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ, vì chưa có liên bang. 
Ông còn đảm nhiệm công tác ngoại giao với Anh Quốc và Pháp…Năm 1751, Ông được bầu vào Quốc hội Pennsylvania.Năm 1754, Franklin lãnh đạo phái đoàn Pennsylvania tham gia Đại hội Albany. Tại đó, Ông đưa ra một tuyên ngôn về Liên Minh Thuộc Địa. Mặc dù tuyên ngôn không được thông qua, nhưng nó là cơ sở về tư tưởng cho Hiến Pháp Hợp Chúng Quốc sau này.
Từ 1757 đến 1762, Franklin sống ở Anh để giành tâm lực cho cuộc đấu tranh chống lại các đặc quyền đặc lợi của một số nhân vật Hoàng Gia Anh tại Mỹ và đòi quyền lợi kinh tế và chính trị cho các thuộc địa của Anh trên đất Mỹ.
Năm 1763, Franklin thay mặt chính quyền Pennsylvania đứng ra dẹp một cuộc nổi loạn. Những người tham gia cuộc nổi loạn này khi đó đang tiến hành một cuộc trả thù tàn bạo đối với những người Indian Mỹ, người ‘da đỏ’. Như vậy, Franklin đã giúp người Indian Mỹ tránh được một cuộc thảm sát. 
Sau vụ đó, Franklin lớn tiếng lên án những quan điểm phân biệt chủng tộc hiện đang khá phổ biến trong dân chúng gốc Âu.
Trong các năm từ 1764 đến 1774, Franklin liên tục có mặt ở châu Âu để vận động cho công cuộc giải phóng thuộc địa Mỹ khỏi sự cai trị của Hoàng Gia Anh. Đến năm 1775 thì Ông trở thành phần tử nguy hiểm nhất trong mắt Hoàng Gia Anh. 
Tháng 3 năm đó, Ông rời Anh Quốc trở về Mỹ.Ngày 5 tháng 5 năm 1775, chiến tranh cách mạng Mỹ bắt đầu. Trong cuộc chiến này, một số vùng mà sau này là các bang đã liên kết với nhau chống lại sự cai trị của Hoàng Gia Anh.
Franklin được chọn làm đại diện của Pennsylvania tham gia Đại Hội Thuộc Địa lần 2. 
Năm 1776, Franklin tham gia một ban gồm 5 người soạn thảo TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP trên cơ sở bản của Thomas Jefferson. Tháng 12 năm 1776, Franklin tới Pháp với tư cách công sứ Hoa Kỳ và làm việc tại đó mãi tới 1785. Trong thời gian đó, Ông đã thuyết phục chính quyền cộng hòa Pháp tham gia liên minh quân sự với Hoa Kỳ. 
Uy tín của Ông ở Pháp lớn đến mức việc treo chân dung của Ông trong nhà trở thành mốt. Một người là le Ray Chaumont đã thuê họa sĩ Duplessis vẽ chân dung ông. Đến nay, nguyên bản của bức chân dung này vẫn còn được treo trong Phòng Tranh Chân Dung Quốc Gia ở Washington DC, và đó chính là bản gốc của chân dung Ông trên tờ 100 đô Mỹ.
Năm 1785, khi trở về Mỹ, Franklin đã trở thành người có ảnh hưởng thứ hai ở đất nước này, chỉ sau George Washington.Những năm tháng cuối đời, Ông dành hết tâm sức cho công cuộc giải phóng nô lệ, chủ yếu là người da đen gốc Phi.
FRANKLIN LÀ NGƯỜI DUY NHẤT ĐỂ LẠI CHỮ KÝ TRONG CẢ 4 VĂN KIỆN LẬP QUỐC CỦA HOA KỲ, TRONG ĐÓ CÓ TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP VÀ HIẾN PHÁP. 
Benjamin Franklin cũng có năng khiếu và tham gia hoạt động nghệ thuật. Ông từng chơi mấy loại nhạc cụ và sáng tác nhạc. Ông là hội viên Hội Nghệ Thuật Hoàng Gia Anh nhiều năm. 
200 năm sau, vào năm 1956, hội này đã lập ra Huy Chương Benjamin Franklin để trao tặng cho những tài năng nghệ thuật xuất sắc.Về quan điểm Tôn giáo, Franklin tin vào Chúa Jesus.Về đức hạnh, cả đời Ông luôn giữ vững 13 đức tính: ôn hòa, kín tiếng, ngăn nắp, quyết đoán, tiết kiệm, siêng năng, chân thành, công bằng, điều độ, sạch sẽ, tĩnh tại, giản dị, khiêm tốn. (temperance, silence, order, resolution, frugality, industry, sincerity, justice, moderation, cleanliness, tranquility, chastity, humility).Benjamin Franklin mất ngày 14 tháng 4 năm 1790 tại Philadelphia. 
Phương Nam

Saturday, June 27, 2020

Với Lê Uyên Phương 


Song Thao


Với Lê Uyên Phương – Song Thao
Cả tuổi thanh xuân tôi mê đọc sách và có cái thú sưu tầm sách. Cho tới năm 1975, tủ sách của tôi đã gần hai ngàn cuốn. Đầu năm 1995, tôi trở về thăm nhà, tủ sách của tôi đã tiêu tan hết. May mắn chỉ còn một cuốn. Một tập nhạc. Nó còn sống sót được có lẽ chỉ vì lũ cháu con bà chị tôi còn thích tửng tưng gảy đàn. Tôi nhìn tập nhạc mà rưng rưng trong lòng. Chẳng phải vì nó tang thương quá lắm. Nhàu nát, quăn queo, nhiều trang đã được bện lại bằng những miếng băng keo nhuốm bụi. Nhưng vì nó là một kỷ niệm thiết thân của Lê Uyên Phương tặng tôi. Tập nhạc Yêu Nhau Khi Còn Thơ do nhà Quảng Hóa xuất bản năm 1970 được Lê Uyên Phương đề tặng như sau: Bản riêng tặng anh Song Thao, người đã cho tôi được thấy sự cảm thông tuyệt vời của một tâm hồn nghệ sĩ.     
Sự cảm thông mà Lê Uyên Phương nhắc tới là một bài báo tôi viết về anh, bài Một Ngày Với Lê Uyên Phương, đăng trên tạp chí Thời Nay. Không hiểu sao anh rất thích bài báo này. Có lẽ vì tôi đã thực sự sống với anh một ngày tại căn nhà nhỏ bé nhưng vô cùng thân thiết và ấm cúng của anh tại Đà Lạt. Nơi đây anh đã trút hết tâm sự với tôi, những nghĩ suy, hoài vọng, khắc khoải, dự tính và ngay cả cuộc sống, bệnh tật. Cũng có lẽ vì tôi đã hứng thú viết ngay trong khung cảnh Đà Lạt. Của anh và của tôi. Anh ở với Đà Lạt, tôi đang níu Đà Lạt.  

maxresdefault
Hè 1995, tình cờ tôi gặp lại anh tại phi trường Dorval, Montréal. Tôi ra đón người thân từ Cali về, anh và Lê Uyên theo đoàn nghệ sĩ qua thu hình cho Asia. Đụng mặt nhau, chúng tôi ngớ ra nhìn sững nhau. Anh bật ra tên tôi. Chúng tôi mừng rỡ siết chặt tay nhau. Hơn hai chục năm không thấy nhau chứ ít ỏi gì. Chúng tôi vội vàng tách đám đông ra nói chuyện. Anh hỏi nhỏ khi chúng tôi chỉ một mình với nhau.
” Bà xã đi với anh có phải là người con gái ở Đà Lạt anh viết trong bài báo về mình không vậy?”
Tôi cười gật đầu. Anh thêm.
” Chuyện đẹp nhỉ! “
Tôi cười gượng. Lòng ngượng ngập khôn tả. Thực ra tôi đâu còn nhớ đã viết những gì trong bài báo đó đâu. Nhưng anh, anh vẫn nhớ. Chắc là nhớ rất kỹ. Tôi thì chẳng dám hỏi. Mặt mũi nào mà hỏi.
Tôi khoe với anh mới vừa may mắn tìm lại được tập nhạc anh tặng năm xưa và ngỏ ý muốn tặng lại anh. Anh từ chối. Của anh thì anh cứ giữ, cho lại mình cái photocopy lời đề tặng là được rồi. Tôi gửi cho anh tờ photocopy sau đó. Và chúng tôi nối lại liên lạc. Bằng điện thoại.
Tôi gặp Lê Uyên Phương lần đầu trên chuyến máy bay Air Vietnam từ Saigon lên Đà Lạt vào cuối thập niên 1960. Nhìn thấy anh ngồi một mình trên chiếc ghế trong góc cuối máy bay, tôi biết ngay là anh. Mái tóc đó, bộ râu đó, cặp mắt đó, sao mà lầm được. Tôi bước xuống tự giới thiệu, làm quen và ngỏ ý muốn phỏng vấn anh. Tôi đường đột.
” Anh đi một mình thôi sao? “
Gật đầu.
” Lê Uyên đâu? “
” Ở lại Saigon. Bận hát. “ 
” Một mình? “
” Ừ, một mình! “
” Hát nhạc của anh? “
” Không, cô ấy hát nhạc khác. “
Lặng im. Tôi thấy xót xa.
” Tôi nghĩ Lê Uyên chỉ nên hát nhạc của anh, với anh. “
” Tôi cũng nghĩ vậy. “
” Vậy tại sao anh để như vậy? “
” Kiếm sống ấy mà! “
Tôi đọc trên mặt anh sự chịu đựng. Cái khó bó cái khôn. Văn nghệ ít khi an bình sóng đôi với cái quay quắt của cuộc sống. Nó phải lùi một bước, chịu thua. Nhưng trong tôi, Lê Uyên và Phương vẫn cứ là một hình ảnh văn nghệ, thuần túy văn nghệ. Hát cho đời, cho người. Vui vậy thôi.
Nhạc của Lê Uyên Phương chỉ dành cho Lê Uyên và Phương. Ít ra tôi vẫn nghĩ như vậy. Người khác hát nhạc của Phương, nghe không đã, không phê. Thiếu cái man dã, thiếu cái nức nở, thiếu cái đam mê, thiếu cái ê chề. Chỉ có Lê Uyên và Phương mới đủ nồng nàn, đủ thiết tha, đủ tận hiến cho nhạc của anh. Mỗi lần hát, họ như một lần sáng tác lại. Mỗi lần nghe, người nghe như bắt được cái đam mê mới. Mặc sức mà thả hồn, mặc sức mà buông lỏng con tim.
Nghe Lê Uyên và Phương hát, dễ thấy sự khổ công của họ. Buổi sáng tinh mơ, mặt trời chưa thức giấc, nơi căn gác rộng trên căn nhà của gia đình Lê Uyên trong Chợ Lớn, tôi đã từng phen thấy hai người mồ hôi mồ kê nhễ nhại luyện giọng. Họ vươn cổ lên, hét ra những tiếng u u dài và cao. Cao đến nứt cuống họng. Cần cổ kéo đày gân, mặt đỏ gay, ngực như trút ra từng vũng hơi sức. Cái giá để giữ vững chỗ đứng trong lòng mọi người.
Trong một lần điện đàm với anh, tôi đã đốc thúc anh thu CD và vidéo để giữ lại giọng hát của hai người. Tôi đã xót xa khi thấy giọng của Phương đã yếu đi, giãn ra so với thời trẻ. Anh hứng khởi nói về những dự tính của anh. Phải làm trước khi quá trễ. Hè 1996, tôi có dịp qua Cali chơi, điện thoại cho anh. Số điện thoại tôi mang theo lại là số của Lê Uyên. Tôi xưng tên. Giọng Lê Uyên reo lên.
” Anh đang ở đâu vậy? “
” Ở Santa Ana đây. “
” Anh Phương ở dưới Long Beach. Để em cho anh số điện thoại của Phương. Anh rủ anh Phương rồi tụi mình rong chơi một bữa cho vui nghe! “
Đọc số điện thoại xong, Lê Uyên dặn.
” Nếu anh thấy anh Phương để answering machine thì anh cứ nói vào máy. Nghe giọng anh, anh Phương sẽ bắt liền. Anh ấy ở nhà nhưng bận làm việc, để máy, nghe giọng quen mới nhấc phôn lên nói chuyện. Hồi này anh ấy bận lắm. “
Tôi phân vân trước mười con số trên điện thoại. Nhấn ngón tay bấm thì dễ nhưng bấm rồi thì chắc Phương sẽ mất một ngày làm việc quí báu của anh. Chẳng nên. Để anh làm việc. 
Ít lâu sau, CD Khi Loài Thú Xa Nhau ra đời kèm theo những hứa hẹn sẽ phát hành tiếp những CD khác. Nhưng chẳng biết những khó khăn nào chồng chất mà những hứa hẹn của anh vẫn chỉ là những hứa hẹn. Cho tới khi quá trễ. Chẳng thể nào trễ hơn được.
Những ngày Saigon còn chết mê chết mệt với nhạc Lê Uyên Phương, có những đêm tôi đã cùng Lê Uyên và Phương chạy quanh các phòng trà. Một cây đàn, hai khối đam mê, tôi đã nhìn thấy họ giữ nhịp thở người nghe như thế nào. Khung cảnh phòng trà vốn xô bồ đã thốt nhiên gọn ghẽ khi họ bước lên bục trình diễn. Hàng trăm hơi thở đã treo lên khi trên sân khấu Lê Uyên và Phương lặng yên chiêm nghiệm. Họ như hai tín đồ đang ngẩng lên trời cao dọn mình cho những lời kinh. Kinh tình yêu. Rồi đam mê cuộn lên với những ngón tay của Phương hừng hực đập vào đàn.
Vậy mà những ngón tay tài hoa đó đã buông xuôi.
Song Thao

(Trích đăng lại từ tvvn.org)   

Monday, June 15, 2020

Nhớ Ba


Trần Huy Sao


Ba thường đứng bên cửa sổ ngó ra
ngóng chừng coi có thằng con nào ghé
con hẻm Ngô Quyền cỏ lấn vô hè
thưa vắng người qua lâu rồi hoang dã
mấy đứa con chắc khó ghé thăm nhà
Ba đợi chi buồn thêm râu tóc bạc
cuộc đổi đời hóa ngược đời chi lạ
có chốn về không đủ sức để về

tại nồi cơm hành tụi con quá tệ
xoay trở gì cũng hụt trước thiếu sau
giật gấu vá vai chịu đời không thấu
có lúc nào ngơi mà ghé thăm Ba
nước mắt chảy xuôi con biết rồi mà
Ba ngóng chờ chi cho lòng con nhói
cứ mỗi chiều ra đứng bên cửa sổ
tụi con không về buồn lắm phải không Ba
tới lúc Ba nằm chờ chuyến đi xa
khung cửa sổ bỏ không thèm ngóng đợi
chiều xóm xưa con vói hoài không tới
lúc tới nơi rồi thì Ba lại bỏ đi
mấy mươi năm đời mỏi cánh chim di
con lại giống như Ba chiều bên cửa sổ
ngóng đứa con nào bất chợt về không đó
nước mắt chảy xuôi lần nữa rồi Ba ơi….

(Nguồn: Sáng Tạo)




Chuyện mô cũng buồn



Trần Huy Sao
tran_minh_tri
nì, o còn nhớ đường vô Nội. dắt tui đi cho đặng tỏ tường. thay đổi quá nên chi bối rối. lâu hung rồi về lại quê hương. Hồi đó em về chị không dắt đi, chị chăm lo bệnh cho anh đang tới lúc vô ra cũng phải có người coi ngó. Chợ Vỹ Dạ ngay trước mặt nhà mình chơ đâu. Bước qua đường là gặp tô bún Huế cay lừng sóng dập sông Hương, dĩa bánh bèo nhưn tôm vàng ươm đỏ thắm gác tía lầu son cung đình lộng lẫy, dĩa bánh ít bánh ram dòn tan tiếng cười o mô không biết, qua cầu Trường Tiền chộ ra chợ Đông Ba mà mừng cười không kịp nín. Rồi Cồn Hến bên tê qua cầu Đập Đá có nhà cháu Diệu Hiền ghé vô là gặp tô cơm Hến vô hậu cay, còn cay hơn tô bún Huế. May mà có chén chè đậu Ngự mát ngọt dỗ dành không thôi cách chi chịu thấu.

lâu lắm em không về với Huế. nên chi có chộ được ai mô. bỏ xứ lâu rồi xa Ôn Mệ. tội lệ chi  mà khổ rứa trời. Bữa cháu Hoài Lâm dẫn lên thăm mộ để chộ người trăm năm cũ. Cây cỏ khô vàng trong cái nắng rụt rè chờ mưa sao mà thấy buồn chi lạ. Hưng phế bao đời tróc lớp gạch vôi. Mùi khói nhang khiến cho lòng người cứ nao lòng não dạ. Rứa là em đòi cháu đưa về. Ở lâu em không chịu nổi. May mà chị không đi theo không thôi em lại nghe đã đời chị khóc rồi cũng khóc theo. Nước mắt rơi e chừng còn hơn ăn vừa xong trái ớt cay… Nói rứa chị biết rồi thôi em không nói thêm ra. Chi cho ngạ.
rồi mưa Huế ơi tàn canh gió lạnh. rớt côi đầu mà nhói buốt trong tim. ai hành tỏi chi mô mà đem hiu quạnh. bỏ mịt mờ xứ Huế buồn như ri. Có mấy ngày về mà mưa cho bưa một nửa. Hai chị em ngồi ngó nhau tới nỗi cái bể cạn nước tràn ra y như là hắn khóc. Mà ngó chị cũng đang ngồi khóc đó thê. Cái chị ni làm em ốt dột quá. Gặp nhau thì phải cười vui chơ răng lại khóc. Noái chi thì noái đi. Chị cứ noái một thôi một đỗi cho đã cơn buồn chi đó, giận chi đó, thương làm răng, nhớ cách chi. Cứ bỏ tâm tư vô cho mưa Huế nghe, cho em nghe rồi cười vui không thôi ngày em đi thì hành trang thêm nặng. Chị nghe lời em nói, chị cười. Tới bây chừ, tới sáng nay, ngồi ngó mưa Cali, chợt nhớ về mưa xứ Huế em thấy trong mưa chị có mỉm cười. Rứa là chỉ mưa trời thôi không có mưa trong lòng. Chị giờ đã lẩn rồi. Không còn nhớ không còn quên !…
Bây chừ chị ngồi đó, cười chi rứa ?. Có phải cười để chụp hình cho thêm ăn ảnh hay là chỉ cười bâng quơ trong nỗi nhớ, quên !. Mấy đứa cháu, con của chị, nhắn : “ Cậu ơi !. Mạ con bây chừ lẩn rồi ! ”. Rứa là chị lẩn rồi !.
Chị có nhớ là chị đang ngồi ở mô mà cười để chụp hình không !. Ngồi ở nhà xưa Phường Vỹ Dạ, Huế  hay là nhà ở Cây số Bốn phường Đệ Nhị thị xã Đà Lạt !.Hay là cố nở một nụ cho thằng em  giờ ở phương xa….
Mình có thằng con, ngộ lắm. Hắn hiếu kính mình như người Cha lại thân thiết gần gụi mình như người bạn. Nói nghe mà tức cười như là nói chuyện giỡn chơi!.
Cha là Cha. Con là con. 
Làm gì có kiểu nói hòa đồng hòa giải hòa hợp hòa vốn để chọc tức chọc giận chọc buồn ngài Khổng Tử muôn niên trường cửu giáo điều quân-sư-phụ.
Làm sao có chuyện lạ đời lạ nhân lạ nghĩa nửa nạc nửa mỡ làm buồn lòng mấy bậc hiền nhân quân chủ lập hiến muôn niên trường trị thống trị cho bằng được trên dưới thứ bậc phân miên.
Xin thưa thiệt là trong hoàn cảnh này cha con mình khó lòng bày giải nguồn cơn thấu đáo trước lề thói xưa không có bày có vẽ như vậy mà nay cứ thày lay làm chuyện trật đường ray !.
Nói tới nói lui nói qua nói lại cũng đâu có chi bằng nói  thằng-con-thằng-bạn là có thiệt trong cõi đời này.
(là mình nói hoàn cảnh tình cảnh của riêng mình. Đâu có dám nói chung cư chung chạ tâm trạng tình cảnh của sự đời trước cảnh sinh ly tử biệt. Cho nên mình không thấy ngại ngùng khi bày tỏ nỗi niềm đau thằng-con-thằng-bạn vừa mới ra đi không còn có đường về lại cõi trần gian)
Mình khóc tớt khóc tưởi rồi rã rượi tới khóc thầm như hồi nảo hồi nào Du Bá Nha khóc biệt Chung Tử Kỳ. Tình bạn.
Mình khóc đè khóc nén nỗi đau cùng tận đứa con rứt ruột đành đoạn ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Tình cha con.
Hai tiếng khóc cùng giành giật ré lên rồi đè nén xuống trầm lặng xuống. Buồn…Đau…
Nỗi buồn lâu quá hóa chai. Nỗi đau lâu quá hóa giải.
Câu nói này chắc là người cuộc, nói. Vô cuộc rồi mới thấy không phải vậy là không phải vậy. Còn tệ hơn vậy nữa !. Phải nói lại : “ Nỗi buồn này còn lâu mới chai. Nỗi đau này còn khuya mới giải ”.
Cha mất con thì buồn đau. Bạn mất bạn cũng buồn đau. Huống chi mình mất vừa thằng-con-thằng-bạn. Nỗi buồn đau nhân đôi. Nói cách chi cho ngạ nỗi buồn đau cùng tận như vầy.
Xưa nay vừa con lại là vừa bạn là khó tin, khó kiếm, rất hiếm. Vậy mà mình tìm được, có được từ những tháng năm trường trải qua cuộc sống khởi từ nghèo đói tới lúc không còn nghèo không còn đói.
Chặng đường từng đã cùng nhau chia sớt đói cơm lạt muối buổi đổi đời tới lúc cùng nhau khăn gói gió đưa hoa trôi bèo giạt ngụp lặn thăng trầm qua vùng đất mới. Không còn nghèo như ngày nào. Không còn đói như ngày nào.
Thủy chung từ bao nhiêu năm, vẫn mãi níu nhau bên nhau, vẫn cùng cảm nhận, chia xẻ, bù đắp, an ủi để rồi, vô hình trung, nẩy sinh tình bằng hữu chen lấn vô tình phụ tử.
Trước và sau, mình vẫn coi Trí như người bạn nhỏ. Thằng-con-thằng-bạn của mình.
Nay người-bạn-nhỏ của mình đi xa khi tuổi đời còn quá trẻ.
Mình buồn với đau khi mất một người con hiếu thảo ngang tầm đau với buồn khi mất một người bạn chân tình.
Nỗi đau níu nỗi buồn này, lớn quá !. Quá lớn rồi thằng-con-thằng-bạn của mình. 
Mổi chiều mình vẫn lên đồi xanh nơi người-bạn-nhỏ cư ngụ. Thắp nén nhang khói lựng mười phương mà xin riêng một góc lặng lẽ phương này, thầm nói riêng với người bạn nhỏ, chia với mình nỗi buồn như đói no sướng khổ cay đắng ngọt bùi đã từng chia.
Từ nay mình chỉ còn gặp nhau đây, thầm lặng buồn thầm lặng nhớ hòa với cỏ cây mây trời mưa nắng và tháng năm lần lựa trôi đi vô tình trong cõi vô thường…
Đêm nay, nhớ thương người bạn nhỏ viết nghẹn mấy dòng cho vơi.
Thấm thoát mà đã rồi, qua, một tháng…
Trần Huy Sao

Nguồn: Sáng Tạo 

Thương nhớ những mùa câu

Trần Huy Sao

gởi cậu Hai Trí
nhớ những mùa câu trên cầu Oceanside, Escondido


cau_oceanside
Tôi ngồi chờ, thè thẹ liếc nhìn về phía sân sau. Thấy Ba tôi đang tước lạt tre để bó, dễ cũng năm sáu cái cần câu, cho gọn nhẹ. Mùi thơm mè rang từ gian bếp lan tỏa tới nhà trên. Nghe tiếng Ba tôi:
– Nhắc chảo xuống, đổ ra mâm.
Mợ tôi vội vàng nhắc chảo xuống, đổ tràn mè ra chiếc mâm thiếc đã để sẵn bên bếp. Những hạt mè đang nóng gặp hơi lạnh tanh của mâm thiếc, nhảy nổ lung tung. Mùi mè thơm bung ra ngào ngạt. Ba tôi ngừng tay, ngó trời hít mũi mắt lim nhim. Ông trở lại công việc đang dang dở, không nói gì. Không nói gì là đã bằng lòng độ thơm chính xác của mùi mè rang. Không sớm quá để mùi thơm còn vướng vất mùi dầu. Không trễ quá để mùi dầu bắt đầu trở khét.
 
Sau khi bó cột những chiếc cần câu gọn gàng, Ba tôi trở ra vạt đất ẩm thấp gần cái bể-cạn (gọi là bể cạn là tên riêng theo vùng. Thật ra, nó là cái hồ xây bằng gạch cao khoảng 1 mét hay cao hơn chút đỉnh, có thể là hình vuông có thể là hình chữ nhật, được tô trét lớp ciment rất kỹ mặt trong và mặt ngoài, dùng để chứa nước mưa cho gia đình dùng quanh năm) coi lại mớ mồi câu được gói kỹ càng trong lá chuối. Mồi câu là những con trùn đỏ au đang tranh nhau đùn mình tìm hơi ẩm trong cục đất đen nhão nước. Ông chăm chú cẩn thận dò tìm những con trùn trở màu bạc đỏ, thân đã bắt đầu nhão. Những con trùn này không là mồi câu, phải loại bỏ. Mồi câu phải là những con trùn còn giữ màu đỏ bóng, thân tròn lẳng căng đầy.
Gọi là trùn huyết.
Trùn huyết không phải đào bắt từ đất. Nó nằm trong những bẹ lá chuối khô.
Bẹ lá chuối được hình dung như là cọng lá chuối. Khi lá chuối trở già, trở khô thì bẹ lá cũng bắt đầu rời rã nhả ôm thân chuối để chờ teo tóp nhường cho lớp bẹ non trổ lá xanh. Lá sau dồn lá trước cho thân chuối vươn lên…
Thường thì lá khô bẹ khô tự thân teo tóp chẳng ai đoái hoài chỉ có Ba tôi là chăm chút vì ông biết chắc và tin chắc buổi đi câu nắm phần thắng lợi chính là từ giữa khoảng hở của thân và bẹ chuối!
Mới nghe qua thì thiệt mơ hồ!. Cá sông cá suối có dính dáng gì cái khoảng hở của thân và bẹ chuối!.
Vậy mà có. Khi ông kéo cái bẹ chuối xuống là những con trùn đỏ au mập ú oằn thân co rút. Mỗi bẹ không nhiều, đâu chỉ mươi mười con. Đám chuối sau nhà cũng đủ mồi cho một buổi câu dư dã.
Trùn bỏ trong nắm đất moi từ gốc chuối và gói lá chuối, không hề bỏ trong lon hộp. Chắc là để giữ mùi đất, mùi lá quen thuộc.
Xem xét cần câu, mồi câu, các thứ lỉnh kỉnh cần thiết đâu đó rồi ông  lên nhà trên chiết rượu từ chai lớn ra một chai nhỏ bỏ vừa túi. Thường, thì không quên làm một ngụm trước khi đi. 
Đây là giây phút tôi hồi hộp ngồi nín yên, chờ đợi. Ba tôi chỉ thích đi câu một mình. Thi thoảng mới cho tôi đi theo chắc là ông cũng biết cái thú câu cũng đã lây lan qua thằng con. Nghiệt cái tôi quá nhỏ có biết gì đâu!. Chỉ ngồi nhìn chiếc phao nhấp nhô, đứng yên, nhấp nhấp rồi chìm lút. Ba tôi gật nhẹ tay, rê cần rồi thấy con cá quẫy xao động nước. Tôi lại gỡ cá không rành cứ trầm trầy trầm trật làm ông bực mình cứ “xì, xịt” làm tôi càng thêm cuống. Tự vì ông câu tới sáu cần nên cứ đều tay giật… Tôi gỡ cá làm sao kịp!
Cái thú đi câu của Ba tôi, có thêm tôi, hóa là cái bực mình…
Bữa đó, chắc tôi ngồi nhấp nhỏm liếc ngang liếc dọc dò chừng, ông không nỡ:
– Nì, con vác cái oi rộng cá, bỏ trùn với mè rang vô. Nhớ là mè bỏ dưới, trùn bỏ lên trên. Đi đừng có lắc mạnh không thôi trùn nó trối nước nó chết lấy mồi đâu câu!
Tôi mừng muốn nhảy dựng.
Hai cha con xuống cuối dốc cây dầu Gió nhà chú Hai Tín, ông ngừng lại, đắn đo. Cuối cùng, ông nói:
– Thôi, bữa ni không câu ở hồ, câu ở suối. Hôm trước nghe dượng Cứ mi nói là ở suối đang mùa rộ cá Trắng có cá Chép nữa. Vô câu thử.
Vậy là vô suối Cam Ly. Rẽ phải thay vì rẽ trái.
Vô tới suối rồi ông đâu có câu liền! Đi lên rồi đi xuống một đổi xa đổi gần thăm chừng con nước chảy, xem chừng vòng xoáy nước vô cái eo rộng có trả liền nước ra suối hay giữ nước chầm chậm theo dòng, xem chừng từng đám rong mềm mỏng hay dày đen bám đáy.
Quày quả lên xuống gần cả tiếng đồng hồ mới chọn được một chỗ câu ưng ý. Lại xăm xoi moi đất nắm từng những nắm tròn rồi lăn mè rang đều quanh. Đi lên một đoạn thảy vài nắm đất. Đi xuống một đoạn thảy vài nắm đất. Chuyện này tôi đã biết. Mùi mè rang thơm để rủ cá tìm tới. Thể nào cũng tìm tới. Tôi ngồi nép người trong lùm cây, nhấp nhỏm đợi chờ.
Ba tôi thì vẫn điềm nhiên ngồi móc mồi câu rồi từ tốn nhấp vài ngụm rượu, ngó trời, ngó nước, ngó qua phía thằng con đang ngồi nhấp nhỏm. Tôi nhớ có nhiều lần, sau khi đã thăm chừng, quăng đất lăn mè rồi chọn chỗ ngồi rồi nhìn trời nhìn nước (ngó thằng con đang ngồi nhấp nhỏm chờ, chắc là thể nào cũng có ngó). Cuối cùng, ông bó cần gọn lại, thả mớ mồi câu xuống nước, nói:
– Thôi, mình đi về.
Ông xăn xái đi trước, tôi lúp xúp chạy theo sau mà trong bụng cứ ấm ức một buổi câu đang hồi ngon trớn. Hình như thấy rõ được tâm trạng tôi, ông ngừng lại chờ. Vuốt đầu tôi, ông nói:
– Bữa khác rồi mình quay lại. Bữa ni thì ngó bộ không ra chi rồi, có ngồi lâu cũng giỏi lắm chỉ vài con. Chim trời cá nước, lo chi. Cái hồ ni tiếng là rậm cá nhưng bữa ni thì, thôi, về đi con. 
Tôi nghe thì nghe vậy, vẫn lúc thúc chạy theo rồi xực nhớ là buổi câu nào ông nhất định ngồi lâu là y như là buổi đó cá cắn câu giựt đều tay, gỡ cá rồi tiếp mồi đều tay. Ông đâu có câu chỉ một cần, giàn cần bày hàng ngang trước mặt từ sáu (không dưới sáu) tới mười cần. Tay giựt như máy, gỡ cá, tiếp mồi nhuần nhuyễn kịp thời khiến tôi cứ đứng nhìn mê, nhìn sững.
Rồi bỗng nhiên ông thản nhiên chuẩn bị cuốn cước từng chiếc cần, không câu nữa. Tôi quá ngạc nhiên, vuột miệng:
– Ba . Cá đang ăn mà!. Sao Ba không câu nữa?.
Ông vỗ vỗ cái đầu trọc của tôi, cười ngất:
– Câu chi nữa, con. Con không thấy cá lớn nó giành ăn, mình đã câu lên hết rồi. Còn lại mớ cá nhỏ ăn theo, mình có câu thêm thì phí của Trời. Chờ mai mốt tụi hắn lớn rồi ghé lại. Bữa ni mình câu hồ này mai mình câu hồ khác. Chim trời cá nước mà, lo chi . Phải biết dừng để dưỡng. Về thôi!.
Hóa ra cá lớn ỷ mạnh giành ăn mồi trước bị câu trước. Cá bé thì phải chịu phần thua, đi sau. Cái triết lý dừng dưỡng của Ba tôi nghe ra cũng thiệt quá đúng.
Cái đầu trọc lóc không có tóc như tôi nghĩ chưa thấu đáo.
Đầu có tóc, còn may ra. Đầu tóc bạc như Ba tôi thì nói đâu trúng đó.
Bởi Ba tôi vốn đam mê nghề câu, coi đó như là một (trong những) thú vui cuộc đời. Cái cần câu theo ông dọc suốt thời trai trẻ tới tận cùng tuổi già run tay mờ mắt với bao nhiêu là thành bại để rút tỉa làm kinh nghiệm giắt lưng.
Ở Xóm tôi không có tay câu nào qua mặt được. Không có nhà nào ăn nhiều cá câu như nhà tôi.
Ông ngồi trên bờ suối Cam Ly nhìn trời nhìn nước, nhẩn nha nhấp vài ngụm rượu. Tôi thì  ngồi thu lu trong bụi sim rừng  nhấp nha  nhấp nhỏm  chờ cá  xủi tăm, lâu thè thẹ ngoái nhìn Ba tôi.
Có thể ông sẽ cuốn cước bó cần đi về không câu .
Có thể ông bắt đầu dương cần quăng ngọt một đường cước vòng đẹp mắt. Cục chì rồi sẽ chìm xuống, phao rồi sẽ nổi dập dềnh chờ…
Thấy Ba tôi nhỏm người nhìn vầng nước xoáy nhẹ vòng quanh trước khi trả mình hòa nhập theo dòng chảy đều ra con suối. Một đổi lâu ông quay lại nhìn tôi ngoắc tay rồi chỉ xuống nước. Tôi chỉ chờ có vậy, bật người bươn tới.
Nghe tiếng Ba tôi vui vẻ:
– Cá bắt mùi tìm tới rồi, ngó bộ dày đám. Không câu xuể nhiều cần được đâu. Ba câu hai cần thôi.
Ông quay nhìn tôi, dò hỏi:
– Con muốn câu không?.
Tôi tưởng nghe lầm, ngớ ngẩn. Ba tôi cười:
– Câu đi. Cứ thấy phao lút nước là giựt…
Ông chọn cái cần câu nhỏ nhất trong số cần đưa cho tôi: 
– Nì, quăng dây đi. Cho con phá đám trước đó.
Tôi cầm lấy chiếc cần câu, mừng tới choáng ngợp. Bắt chước tư thế sánh điệu của ông, tôi quăng dây. Tiếng rớt nặng cục chì nghe bỏm, phao vừa chạm nước chưa kịp tìm dáng đứng thì đã bị lôi tuột. Tiếng Ba tôi hối hả:
– Giựt lên. Giựt lên mau.
Tôi nhấp cần, giựt mạnh. Đầu cần cong vút trì xuống . Tay cầm cần có cảm giác oằn nặng rung đều. Tiếng nước xé dọc dài ánh lên màu bạc. Tôi giật mạnh thêm lần nữa. Ánh bạc rời nước bung lên rớt vòng ra phía sau. Tôi quay lại mừng rỡ khi thấy màu sáng bạc vùng vẫy giữa đám cỏ.
Nghe tiếng Ba tôi cười sảng khoái….
Những mùa câu đã từng qua trong đời nhưng sao tôi cứ nhớ thương hoài một người câu đã từng dẫn dắt tôi đi trong những mùa câu của một thời thơ ấu…

viết dưới Hiên Trăng, tháng 07/2016 

Trần Huy Sao


Nguồn: Trích đăng lại từ sangtao.org 

Saturday, June 13, 2020

Một thời qua chợ Miêu Bông


Luân Hoán 

Chợ Miêu Bông nằm cách quê nội tôi một dòng sông nhỏ. Đây là một ngôi chợ ở vùng quê, nhưng có chút hơi thở thị thành, nhờ không cách xa thành phố Đà Nẵng bao nhiêu, và nhờ những chuyến xe đò ngược, xuôi vẫn thường dừng ngay trước chợ. Vào đầu thập niên năm mươi, tôi có hai người bà con, thím Diên và bác Hội Du, buôn bán ở ngôi chợ này.
Chợ đông mỗi ngày một buổi, từ tinh mơ kéo dài đến khoảng hai giờ chiều. Trong thời gian tôi sống ở quê nội, nhiều lúc tôi đã theo những người con của thím và bác tôi lang thang vào ngôi chợ. Thằng Tiên, anh Thoại, anh Lữ chiều nào cũng qua giúp hai bà mẹ thu cất hàng vào khi chợ sắp tan. Trong những lần làm cái đuôi như thế, tôi có dịp ngắm và nghe những sinh hoạt náo nhiệt của chợ búa. Dĩ nhiên sự hiện diện của tôi không phải lúc nào cũng rơi vào buổi chợ tan.
Hình ảnh, âm thanh có thể khác nhau chút ít, tùy thời điểm.Nhưng đặc điểm chung chung của một ngôi chợ làng quê, tôi nghĩ ở đâu cũng bao gồm cảnh hỗn tạp, ồn ào, luộm thuộm, bẩn thỉu, mùi hôi chen với mùi thơm… Riêng với ngôi chợ Miêu Bông, tuy không phải là ngôi chợ thứ nhất tôi được biết, được gặp, nhưng đây chính là ngôi chợ tôi lui tới nhiều nhất, quan sát nghe nhìn được nhiều nhất, và có thể dễ dàng lượm ra một vài kỷ niệm xinh xinh. Với chợ Miêu Bông, tôi không có cái ngơ ngáo như ở chợ Quán Rường, chợ Được…Tôi không có cái cảm giác đi tìm một bóng hồng như ở chợ Đông Ba, chợ Sông Vệ, chợ Tam Kỳ… Tôi không có những giây phút trống rỗng, đi tìm một cốc cà phê như ở chợ Quảng Ngãi, chợ Quán Lác, chợ Tăng Nhơn Phú… Tôi không có cái nhàn du, đi ngắm mọi người mua sắm như ở chợ Bến Thành, chợ Tăng Bạt Hổ…Tôi không có cái phút đi chọn mua hàng hóa, thức ăn như ở chợ Cồn, Chợ Vườn Hoa, chợ Hàn, chợ Tân Định…Tôi không có cái nao nao đứng chụp ảnh như ở chợ Hội An, chợ Vĩnh Điện, chợ Búng… Biết bao nhiêu là chợ tôi đã được ghé qua, nhưng đậu kín nhất trong lòng tôi vẫn là chợ Miêu Bông.
Để săm soi lại những kỷ niệm với ngôi chợ miền quê thân mến, tôi dặn mình hãy chậm rãi, vịn từng đầu mối nhớ tưởng để lần về, được chút nào hay chút ấy, đừng nghĩ quá mau, sống lại quá vội mà tay gõ không kịp, rối cả một đoạn đời.
Chợ Miêu Bông được dựng sát bên quốc lộ số một, trên đoạn đường từ cầu Đỏ, cầu Cẩm Lệ chạy vào Thanh Quýt, Vĩnh Điện, Hội An…Một nền đất sét nện, rộng già-hơn- nửa-diện-tích một cái sân vận động đúng tiêu chuẩn, đỡ một cái nhà lồng đứng vững chãi, trên nhiều trụ gỗ, mập, ốm không đều nhau. Đó là nóc chợ chính, trống hốc cả bốn mặt. Gió từ sông Liêm Lạc thổi lên. Bụi từ Quá Giáng tạt vào, tất cả tự nhiên, phơi phới. Một dòng nắng nghiêng, một dải mưa tạt, như phấn như son, càng làm cho nền đất bóng chắc. Trên cái nền đất mỗi ngày một ấm chân người ấy, được khéo léo sắp đặt những dãy sạp, hàng ngang, hàng dọc, có thứ tự tùy theo từng ô, mà điểm chuẩn thường là những gốc cột. Những khoảng trống làm lối đi lòng vòng, như một sợi dây dài buộc thân thiết các sạp lại với nhau. Không biết có phải đã có cuộc bốc thăm để chọn chỗ ngồi. Hay sự phân chia tùy thuộc vào mặt hàng bày bán. Nhưng dù dưới hình thức nào, trong lòng chợ đã có được một sự sắp đặt thứ tự và hình như ai cũng bằng lòng với vị trí của mình.
Cuộc mua bán như một trận đấu thể thao tích cực. Hàng hóa là vật chơi, như trái banh, con cờ…Hai đội chơi là những đối tượng trực tiếp ra giá, trả giá, và không thiếu những khán giả, góp ý, cổ vũ, động viên. Có lẽ sự so sánh việc buôn bán ở chợ với một cuộc chơi của tôi có phần khập khiễng, thiếu thuyết phục. Nhưng ngày ấy, quả thật tôi đã rất thú vị, khi được chứng kiến những cảnh mua bán tại ngôi chợ quê này.
– Cái áo này giá bao nhiêu đây chị?
– Năm đồng đó.
– Hả? Cái áo này có chi mô mà mắc rứa?
– Hàng hộp đó bà ơi, coi kỹ đi!
Cô bán hàng áo quần, nhìn thoáng người khách, đánh giá và mau miệng:
– Bà nhìn nề, không mắc đâu, hàng từ ngoài Hàn vô đó, còn nguyên trong hộp đây nề, hàng làm tận bên tây nhập về, không phải đồ lô đâu. Bà ngó kỹ cái nhãn  .

Chị bán hàng vừa nói vừa chỉ vào chỗ hột nút cổ đã gài kín. Ngón tay chị ấn nhẹ trên mặt giấy gương trong suốt. Cái ngón tay không thon nhỏ, không sạm nắng của chị cử động nhẹ nhàng, như gãi lên tờ giấy gương. Chị đang suy tính chớp nhoáng để làm cách nào đưa cái áo hộp của chị vào lọt trong cái giỏ xách của người đang trực diện. Trong giây phút nghiêm trọng ấy, chắc chị quên hết mọi việc ở nhà, ở ngay sau lưng. Chị cảnh giác, tập trung để dứt điểm. Nhưng bà mua hàng có lẽ chỉ hỏi giá cho vui buổi đi chợ, nên mau mắn phủi tay bằng một câu hẹn cho có:
– Được, để tôi về dẫn con tôi lại, coi nó có ưng không cái đã.
Bà bỏ đi. Ở ngay bên cạnh đó. Giọng kêu với của một người bán vải:
– Thôi lại đây tôi bán mở hàng cho…hàng bombay của Chà Và mà bán giá ni, thiệt là… để vốn làm quen với chị đó.
Rồi không kịp nghỉ hơi, bà hỏi luôn: 
– Xé mấy thước?
Tầm nhìn của tôi không đậu lâu được ở bất cứ một hoạt cảnh nào. Tai nghe, mắt nhìn, mũi ngửi…. tôi bỏ lạc cả thằng Tiên. Nhưng không sao, chỗ bán hàng của thím Diên tôi đã biết. Hàng của thím là hàng tạp hóa với cả trăm thứ lỉnh kỉnh. Từ xâu kim găm, hộp kim may, các cuộn chỉ, đến cả vở, viết học sinh. Rồi các thẩu kẹo ú, kẹo mè xửng, kẹo đậu phụng. Bánh in bọc giấy xanh, đỏ, vàng, trắng. Mấy thẩu ruợu trắng, rượu dầm thuốc Bắc. Mấy chai bia lùn. Mấy chai nước chanh. Những cái đèn treo bốn mặt gương. Lược sưa, lược dày, lược cài tóc. Kính tròn bỏ túi. Kẹp giắt, kẹp bản dành cho con gái. Dầu cù là. Dầu Nhị Thiên Đường. Dầu Khuynh Diệp Bác Sĩ Tín. Thuốc Dán Con Rắn. Thuốc Tiêu Ban Lộ. Thuốc Ách bi rin. Thuốc Ga ni đăng, Anh Côn Đờ mân. Giấy vàng bạc. Hương thẻ, hưong khoanh. Đèn cày trắng đỏ số 1, số 2. Quạt giấy, quạt mo. Chổi chà, chổi lông gà…vân vân và đủ thứ, phong phú vô cùng. Cái thế giới ấy, cái sạp hàng ấy của thím Diên thật vui mắt, thật thu hút, tôi tưởng như đang sờ thấy và nắm chắc trong tay giọng nói trầm trầm của thím:
– Con ăn bánh gì không ? Lấy kẹo đậu phụng cho anh ăn đi Tiên.
Tôi không qua chợ để ăn vặt. Nhưng nhiều lần tôi được ăn như thế, từ hàng thím Diên, từ hàng bác Hội Du. Bởi bác cũng có một giang sơn giống hệt như thím Diên. Thằng Tiên, anh Thoại, anh Lữ thường dựa vào tôi để ăn ké, dù quà bánh vốn là của gia đình họ.

Tôi đang đi lần ra hướng quốc lộ. Người mua kẻ bán vẫn chen chúc sát bên tôi. Chung quanh nóc chợ chính, rất nhiều chòi nhỏ với đủ loại mái, tranh, tôn, chen nhau ngó vào lòng chợ. Những người buôn gánh, bán bưng, ngồi, đứng, đi trong những khoảng trống họ thấy thích hợp. Trong đám này, tôi bắt gặp vài ba người có bộ tịch rất lạ. Khác hẳn với những người chung quanh. Họ vừa ngọng nghịu mời khách, vừa ngờ nghệch dòm quanh quẩn. Họ nói ít, quan sát nhiều. Thỉnh thoảng nắm giữ vành nón mình như sợ gió bay. Rồi có người vụt đứng dậy, nhanh nhẹn bưng cái rổ hàng nho nhỏ của mình, lách thật nhanh đi chỗ khác. Tôi thấy có một người như vậy bị một ông nắm tay kéo lại. Tuy đứng không xa, nhưng cái ồn ào của một ngôi chợ đang đông, tôi không nghe được người đàn ông nói gi. Ông lên tay xuống ngón rồi xé một mẩu giấy màu xanh, cầm sẵn trên tay, dán lên nón người đàn bà vừa lách đi không kịp. Thì ra ông ta là người đi thu thuế chợ và người đàn bà kia chỉ là một người đi bán bất đắc dĩ. Ở nông thôn, nhiều gia đình tằn tiện, gà đẻ được vài chục trứng, không để ấp, không dám ăn mà mang ra chợ bán, để kiếm ít đồng mua thêm chút mắm, chút dầu. Hoặc vườn nhà ổi, chanh… thuận nắng vừa mưa sai quả, lại mang ra chợ. Cũng có trường hợp trong nhà có người đau ốm cần chút tiền mua thuốc thang, đành kiếm một cái gì để mang ra bán. Lợi tức từ những món hàng như thế thường chẳng đáng là bao, nếu phải bị đánh thuế, không còn gì xót lòng hơn. Tôi chưa hiểu biết gì về cuộc sống. Chưa biết ái ngại giùm ai. Nhưng rõ ràng tôi thấy mình không ưa người đàn ông thu thuế. Tò mò tôi lách theo ông xem thử ông còn chộp được ai nữa, trong khi trên nón những người quanh tôi đều đã có một miếng giấy nhỏ xanh hoặc đỏ.
Mùi cá tanh xông vào mũi, tôi định tháo lui khỏi khu vực bán cá. Nhưng tức thì, ngay sát chân tôi, bà già bán cá giở cái trẹt ra khỏi miệng một cái rổ có trét dầu rải. Tiếng cá quậy nước kéo đôi mắt tôi xuống. Một rổ lúc nhúc cá đồng. Tôi bắt gặp những con cá rô nghiêng nghiêng trên mặt nước. Vài cái mình cá diếc bạc trắng ngất ngư lật ngửa. Chắc chắn phải có cá tràu, cá ngạnh… nằm phía dưới, Không chừng có cả cá lia thia. Tôi nhón gót dòm cá quậy liên tục. Sợ cá nhảy ra ngoài, bà bán cá đậy lại rồi giở ra liên tục gây chú ý đến người mua. Tôi thất vọng không nhìn thấy con lia thia nào. Mùi “Giấy Một Đồng Vàng” chợt thơm lừng. Tôi sờ tay lên túi áo, còn nguyên. Trong khoảnh khắc, tôi nhớ rõ hình vẽ một người đàn ông, ở trần, đội nón, gánh một gánh dưa đầy trên tờ giấy bạc. Với tờ giấy nhỏ này, tôi mua được những con lia thia, nếu có.
Thằng Tiên, từ phía sau vỗ mạnh vào ngang hông tôi một cái cùng một tiếng “hù!” đi theo liền tiếng cười như nấc cụt của hắn. Tôi giật mình quay lại, tiện chân đá nhẹ vào ống quyển hắn. Thằng Tiên giả vờ qụi xuống rồi đứng vụt dậy nheo mắt làm trò. Tôi nhìn thằng em họ bé loắt choắt cười theo. Với cái đầu bự, tóc rễ tre, cắt ngắn, tia tỉa như một đám cỏ, thằng Tiên rất nghịch ngợm, ma lanh. Hai vành tai trên hơi xừng ra, rất ngộ nghĩnh. Mặt mày sáng sủa với cái miệng cười suốt ngày. Từ hôm tôi hồi cư, không ngày nào hắn không tìm tôi. Chỉ cho tôi nhiều trò chơi mới như bắn bi, búng dây thun…và thường kéo tôi qua chợ. Có lần, cũng ở chợ này, hắn mua cà-rem-cây rồi phỉnh tôi:
– Anh cắn mạnh vào, nhai thật mau kẻo kem chảy hết.
Mới ở núi về, đâu đã ăn cà rem bao giờ, tôi tê buốt cả răng, cả miệng lưỡi, ngấu nghiến cho mau hết cái cục nước đá ngọt dài thòng ấy, không thấy ngon lành gì cả, chỉ chực nhả ra, nhưng lại thấy tiếc của lạ, nuốt vội. Trong lúc mặt mày thằng Tiên tỉnh bơ. Hắn ngó chăm bẳm vào miệng tôi, và không ngớt hỏi:
– Ngon không, ngon không anh?
Khi tôi nuốt trôi miếng cắn cuối cùng, hắn mới vùng lên cười, bỏ chạy. Mãi đến vài ngày sau, tôi mới biết cách thưởng thức ăn cà-rem-cây, rõ là dân ở núi.

Chúng tôi đã rủ nhau ra ngoài bìa chợ, lân la đến gần một ông già xem bói. Thằng Tiên coi bộ rất khoái ông lão này. Đã nhiều lần, hắn ngồi chồm hổm dưới đất, ngó sững cái miệng ông ta nói khi có khách. Hôm ấy, ông thầy bói ngồi một mình trên một cái đòn gỗ thấp như thường lệ. Trước mặt ông là một cái chõng tre nhỏ. Bề dài chừng một thước. Bề ngang cỡ năm tấc. Bề cao độ ba tấc, thấp hơn cả hai cái đầu gối của chính ông ta. Năm sáu lá bài gồm đầm, già, bồi, ách với đủ mặt rô, cơ, bích, chuồn, được sắp một vòng cung trên mặt vạt giường. Số bài còn lại được úp mặt trong một cái chén nhỏ, có hình vẽ con gà trống trên vành chén. Một cây quạt giấy màu tím bầm, được xếp cẩn thận, đặt gần bên cái chén đựng bộ bài. Ông thầy bói đeo kính trắng trông rất đạo mạo. Ông mặc cái áo bà ba màu trắng, đã ố vàng, nhưng không rách. Những hột nút trên áo ông cũng đặc biệt. Chúng như những hột cườm ngà ngà, to bằng cục gôm cây bút chì. Cái quần ông thầy bói mặc không đen hẳn mà cũng không nâu hẳn. Với tuổi chừng năm mươi, tôi thấy ông như một dân quân ở chiến khu hơn là một ông lão. Ông thầy bói cầm một cuốn sách gì đó trên tay. Thỉnh thoảng ông lật vài trang trong khi ánh mắt vẫn quét ra đường. Ông đang rình khách. Cặp môi ông chực cười nhiều lần nhưng hé không ra. Hình như ông chỉ quan tâm đến nét mặt những người đàn bà qua lại, chợt nhìn vào ông, vào cái chõng tre, thỉnh thoảng có vài con ruồi mỏi cánh đậu vài giây.
Tôi có cái tật nhìn cái gì cũng nhìn rất kỹ, dù ánh mắt tôi không để yên lâu trên bất cứ vật nào. Ông thầy bói chưa có khách. Cái nắng chín, mười giờ của tháng bảy đã bắt đầu hôi hổi. Chúng tôi xê dịch vào trong một chút, chạm một chòi bán đồ vàng mã. Tôi rất thú vị khi ngắm các hình tượng con ngựa, mũ, hia, quần, áo… làm bằng giấy ngũ sắc sặc sỡ. Hồi đó tôi chưa có trí khôn bao nhiêu và cũng chẳng có nguyên nhân nào để nghĩ đến chuyện sinh tử. Những nhu cầu vật chất của đời người sinh thời không có khả năng, chết rồi có được bù đắp ? Không chỉ những gia đình khá giả mới sắm cho thân nhân khuất bóng những vật dụng tươm tất. Nhiều nhà chật vật vẫn một vài lần gồng mình, để tạo cơ hội cho những người mình thương yêu, tiếp tục nuôi ảo tưởng sẽ có một giai đoạn sung mãn, giai đoạn đó có thể ở trong cõi chết. Thật là quý.
Thằng Tiên không thích sạp hàng thợ mã. Hắn kéo tôi đi. Hai đứa rúc dọc, luồn ngang trong chợ. Có lúc lấn đụng người này kẻ kia nhưng chẳng ai phàn nàn. Lại ló ra bìa một phía khác. Đụng vào khu vực ăn uống. Những gánh thức ăn với đầy đủ thúng gióng đặt gần nhau. Gánh cháo lòng. Gánh bánh tráng hến. Gánh mì Quảng. Gánh đậu hũ. Gánh xu xoa…Rổ bánh nậm. Rổ bánh bột lọc bọc con tôm. Rổ bánh ít… phong phú thức ăn và dồi dào thực khách, phần đông là mấy bà. Chúng tôi sớm dội ngược xa khu này. Lảng vảng không khéo có người cho mình đi ngó miệng. Vòng tới, vòng lui, chúng tôi lại trở ra gần mặt lộ.
Từ vòng đai chợ, tôi nhìn qua bên kia đường. Một dãy nhà vách xây, có cái lợp ngói, có cái lợp tôn nằm liền vai nhau, dọc theo con đường nhựa xám xám. Tất cả các căn nhà này đều là những cửa hàng. Trong vóc dáng khang trang cao ráo, những mặt hàng hình như được chọn lọc, và chưng bày có phần sáng sủa hơn bên chợ chính. Tôi cũng nhìn thấy một tiệm hớt tóc đang có khách. Hình như ông thợ đang đè cứng đầu một thằng bé, trạc tuổi tôi, để cạo sau ót. Tiệm thuốc Bắc đứng sát bên. Một người đàn ông đứng trước dãy thẩu gương, nhưng bị lấp từ bụng trở xuống vì một cái tủ dài đen thui. Ông ta cầm một cái cân thật nhỏ, mở một nắp thẩu. Một người đàn bà đứng nghiêng hông ra đường, đang theo dõi từng cử động của người đàn ông. Cạnh tiệm thuốc Bắc là một quán ăn. Một chồng bánh tráng nướng, vài xâu bánh ú, treo ngay phía trên cái bàn nhỏ, đặt gần cửa ra vào. Không biết quán bán chính món gì. Tôi chưa thấy có khách vào.
Một chiếc xe đò, từ hướng cầu Đỏ, lịch xịch, ép sát lề, dừng ngay trước mặt quán ăn. Chú lơ xe bu phía sau đã nhảy xuống mặt đường. Chú không lo giúp những bạn hàng vội vã bưng thúng gióng xuống xe, mà không ngớt chào mời những con buôn, những hành khách đang từ trong chợ chạy vội ra. Một cái xe đò khác, ngược chiều, từ Thanh Quýt ra, dừng cách chỗ chúng tôi đứng một thước. Cảnh xuống xe, lên xe diễn ra giống hệt như cảnh vừa rồi. Nhanh chóng, ồn áo, như một đám ruồi đang đậu yên bị động bay vụt lên.

Chợ có phần đông hơn. Nhưng chợt lặng đi trong vài giây. Tôi không ngạc nhiên lâu, khi thấy một nhóm lính Tây từ đồn Quá Giáng kéo vào chợ. Lính Tây hay lính Quốc gia vào chợ Miêu Bông đã là chuyện thường, bởi vì đồn Quá Giáng cách chợ Miêu Bông chỉ chừng hơn năm trăm thước. Lính vào chợ có thể là đội hỏa vụ, đi mua thức ăn tươi. Hoặc cũng có thể là những người đi dạo chơi trong lúc chưa có công vụ. Dẫu là chuyện thường, nhưng chợ Miêu Bông luôn luôn dành một vài phút giật mình như vừa rồi. Nguyên nhân này có lẽ bắt nguồn từ ngày tôi chưa hồi cư. 
Chuyện qua cũng chưa lâu lắm. Tôi nghe lóm nhiều người kể. Hồi đó ở đồn Quá Giáng, có một viên chức người Việt trong đội ngũ commando, ông được thăng đến chức quản. Và vì có tục danh là Chiếu, nên được mọi người gọi là Quản Chiếu. Theo lời đồn, ông Quản Chiếu là một thanh niên mặt mũi khôi ngô nhưng tính khí thất thường. Ông được người Pháp tin dùng vì sự tàn bạo độc đáo của ông. Ông thành danh mau chóng là một hung thần của nhiều làng thôn kế cận đồn Quá Giáng, trong đó có cả làng quê nội Liêm Lạc của tôi. 
Đồn Quá Giáng nằm sát quốc lộ số một. Đây là một trong những chốt được người Pháp bố trí dọc theo quốc lộ. Ngoài nhiệm vụ giữ đường, đơn vị đồn trú ở đây còn có nhiệm vụ tảo thanh, lục soát, phát hiện và tiêu diệt những mầm mống phản động trong tầm địa bàn hoạt động. Doanh trại đồn Quá Giáng không rộng lắm, không kiên cố bao nhiêu, nhưng trong suốt mấy năm kháng chiến chống Pháp, hình như đồn này chưa lần nào bị tổn thất nặng. 
Đồn gồm có doanh trại và lô cốt. Lô cốt (blackhaus), là một công sự được xây đúc bằng bê tông cốt sắt kiên cố. Bề dày và độ cứng phòng chống được nhiều loại đạn. Chung quanh có chừa nhiều lỗ châu mai để tác xạ. Doanh trại gồm một nhà ngói nhỏ và một dãy nhà tôn thấp, xây cất trên một vạt đất vốn là đất ruộng được đắp cao. Chung quanh khu vực được khai quang, để rộng tầm quan sát. Tất cả bản doanh này đều được nhiều lớp hàng rào kẽm gai bao bọc. Dĩ nhiên cùng với kẽm gai còn có những trái mìn, trái lựu đạn được gài đặt khéo léo. Cách đồn Quá Giáng không xa có một cây cầu sắt vững chắc nhưng chỉ dài chừng năm chục thước. Cây cầu này và dòng nước khiêm nhường bên dưới chính là mồ chôn của rất nhiều người dân vô tội, mà đao phủ, phần nhiều là ông Quản Chiếu trẻ tuổi. Cũng theo lời kể, ông Quản Chiếu không chỉ có ngón tay trỏ sở trường bóp cò. Mà thú vui của ông là dùng dao cắt cổ, và phải cắt thế nào để nạn nhân giữ được mạng cho ông mua vui lần sau. Làng tôi có một thanh niên bị ông cắt cổ đến ba lần, vào ba thời điểm khác nhau, nhưng vẫn không chết. Máu huyết con người có biết ca hát, reo vui, hay toả thơm một mùi hương đặc biệt, để cho một người nào đó có tính khí đặc biệt phải thèm khát, nghiện ngập? Nghĩ về máu có mùi hương, tôi không thể không nhớ đến những ông Hường, ông Phan, các anh Thiều, anh Hiểu… của nhà văn Nguyễn Văn Xuân. Máu quả thật có mùi hương, và nhiều trường hợp tác dụng khác nhau.
Ông Quản Chiếu không sống lâu. Dân làng tôi kể, ông có một người cha có đạo đức, một người anh hiền lành. Nhân một ngày giỗ của gia đình. Người anh đã bàn với người cha nên để anh ta ra mặt khuyên nhủ Quản Chiếu theo về con đường thiện. Người cha vẫn ngại, nên giấu người anh trong buồng, chờ ông thuyết phục trước. Nghe nói ông Quản Chiếu hôm ấy có ít nhiều vui vẻ và cởi mở với cha, nhưng ngay sau khi biết có sự hiện diện của người anh, ông đã đổi thái độ, và tức khắc, rút dao phóng vào buồng. Chẳng rõ vì sao, hôm đó là lần rút dao cuối cùng của Quản Chiếu.
Sự thực của câu chuyện, đáng tin được bao nhiêu phần trăm tôi không rõ. Ngắm nghía vài mảnh kỷ niệm với ngôi chợ Miêu Bông, tôi lại nhắc đến một ông Quản Chiếu nào đó, cũng giết người mà không được đặt tên đường, tên phố, có lẽ hơi phí giấy, nhưng biết làm sao. Quản Chiếu đã từng vô chợ Miêu Bông, đã từng cắt cổ người, để thưởng ngoạn màu máu ở ngay ngôi chợ này không phải là ít lần. Có thể có người đã bỏ mạng trên một sạp hàng xén, trên một quầy thịt nhỏ… đâu đó trong ngôi chợ này. Hồn họ vẫn ở đây, bên những trụ cột, trên những rui, mè, kèo, rượn tím bầm màu thời gian.

Chẳng phải điều gì cũng trở thành kỷ niệm. Cũng chẳng phải kỷ niệm phải vì một điều gì to lớn. Dù đã xa quê nội, đã không còn nhiều dịp ghé qua chợ. Miêu Bông vẫn không tằn tiện cho tôi những cơ hội nhớ tưởng. Đó là những dịp tôi về thăm làng bằng xe đò, trong những buổi chiều.
Một vài buổi chiều như vậy, sau khi xuống xe, tôi thường rúc vào lòng chợ. Thay vì đì băng qua để xuống bến đò, tôi thong thả ngồi lại bên một chiếc chõng tre, hay một mặt bàn gỗ, ngó loanh quanh. Chợ đã tan từ bao giờ. Trong cái trống hốc bày ra thật rõ những cái thân thương nhất, gắn bó nhất với ngôi chợ. Sự èo uột, ốm yếu của từng vật thể, níu giữ, bám víu lấy nhau để tạo thành một tổng thể thật thân thiết đáng thương, Cái tổng thể này lại ấm mùi đất, đậm mùi cây lá, thoang thoảng mùi sông nước, dễ gì phai tan. Những con ruồi tôi chợt thấy. Những mẩu rác tôi chợt nhìn ra, đỡ tôi đứng dậy, dìu tôi đi quanh. Tôi tìm lại trên nền đất âm thanh nhịp bước trước đây của mình. Không mất đâu. Chẳng mất đâu, tiếng nói của một thời chìm lẫn đâu đó. Tôi sẽ tìm ra ngay thôi. Những tiếng mặc cả, những tiếng cười, lẫn những tiếng chửi bới. Có ngôi chợ nào mà không như vậy. Nhưng có chợ nào giống chợ nào ở cái hồn cái vía của nó. Một lần tôi đã dựa vào một cây cột chợ, bình thản quẹt diêm châm một điếu thuốc. Khói mỏng chờn vờn, tôi trông ra như chùm mây, cứ theo đó mà ngó ra. Con đường quốc lộ từ Cầu Đỏ như đang dẫn về một đám gió. Một chút ít bụi vu vơ mà tôi chợt thấy được cái ngày tôi cùng thằng Tiên trèo lên xe lục lộ chở đá, để ra dòm mặt mũi cái cầu Đỏ, vốn đã được sơn đen từ thời nào. Ngày đó, đoạn đường này nằm trong giai đoạn xây dựng chưa hoàn tất. Anh rể tôi, Anh Kiều Văn Kiểm, chồng chị Sáu Hường là ông cai trông coi, điều động công việc chở đá, đổ đá, nghiền đá đấy mà. Anh Kiểm vui tính, thỉnh thoảng lại cho tôi và Tiên ngồi trên các cục đá rong chơi. Và chỉ cần nhích mắt lên một tí, tôi đã thấy ngôi nhà của hai con bạn Đỏ, Đen. Hai con bạn đã từng cho tôi thấy tất cả những gì quý giá của chúng, dù chúng lẫn tôi, ngày ấy chưa hiểu hết những hữu dụng của vưu vật.
Miêu Bông. Chợ Miêu Bông, lạ nhỉ, sao tôi chưa làm cho địa danh thân thương một bài thơ? Gọi tên Miêu Bông, nhắc tên Miêu Bông trong thơ thì không sót. Nhưng trải tình làm thảm cho ngôi chợ sống đời cùng thơ, thì tôi lỡ quên. Đã cuối đời rồi. Xin cho tôi tạ lỗi. Hãy mặc cả, hãy cười nói, hãy văng tục, hãy chửi gào, hãy thơm cùng hoa trái, hương, trầm, hãy tanh tưởi cùng thịt cá, rác rến… Và cứ mặc kệ tôi. 
Thấy chưa, ít câu lục bát bất ngờ đã hoàn tất lúc 9 giờ 4 phút sáng, ngày 15 tháng 11. Montréal Nord đang có những giọt tuyết bông đầu tiên của mùa tuyết năm 2005. Xin gởi về Chợ Miêu Bông vời vợi xa.
bay vù về chợ Miêu Bông
ai mua tôi bán chút lòng vân vi
chẳng biết mua lại những gì
vói tay vẫn đọt xuân thì hôm xưa…
hái, thành chùm nắng, chùm mưa
rồi thành chùm nhớ đong đưa chùm buồn
cất vào lòng ủ mùi hương
cho ấm lỗ rún, cái xương cuối đời
trẻ, già tôi vẫn là tôi
nằm, bò, chạy, nhảy, đứng, ngồi… nhớ thương
Luân Hoán 



 (Trích đăng lại từ tvvn.org)