Trần Bạch Thu
Tôi rời Kontum chiều ngày 8 tháng 3 năm 1975 trên chuyến bay của hãng Hàng Không Việt Nam cùng với một số viên chức thuộc tỉnh như Ty Xã Hội, Công Chánh, Sở Học Chánh cũng như Trung Tâm Bình Định Phát Triển để dự phiên họp tổng kết chương trình định cư, khẩn hoang lập ấp (KHLA) của địa phương tại Phủ Phó Thủ Tướng. Trong thời gian họp ở Sài Gòn báo chí và đài truyền thanh, truyền hình loan tin Cộng quân tấn công Ban mê Thuột ngày 10 tháng 3 năm 1975 và chỉ ba ngày sau là hoàn toàn thất thủ.
Họp xong ở Phủ Phó Thủ Tướng tôi về trình diện Bộ Nội Vụ vì Hàng Không Việt Nam đã hủy tất cả các chuyến bay về cao nguyên trong đó có Kontum và Pleiku. Văn phòng Phụ tá Đặc Biệt Tổng Trưởng Nội Vụ gọi điện giúp đăng ký chuyến bay quân sự về Pleiku ngày 16 tháng 3 năm 1975. Sáng hôm ấy tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất cùng với Trung Tá Lộc, Quận trưởng Quận Kontum lúc 6 giờ sáng chờ chuyến bay đi Pleiku. Sau gần hai giờ chờ đợi, nhân viên phụ trách chuyến bay thông báo vì lý do an ninh chuyến bay bị hủy bỏ. Kế hoạch Di Tản Chiến Thuật bắt đầu đúng vào ngày nầy.
Họp xong ở Phủ Phó Thủ Tướng tôi về trình diện Bộ Nội Vụ vì Hàng Không Việt Nam đã hủy tất cả các chuyến bay về cao nguyên trong đó có Kontum và Pleiku. Văn phòng Phụ tá Đặc Biệt Tổng Trưởng Nội Vụ gọi điện giúp đăng ký chuyến bay quân sự về Pleiku ngày 16 tháng 3 năm 1975. Sáng hôm ấy tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất cùng với Trung Tá Lộc, Quận trưởng Quận Kontum lúc 6 giờ sáng chờ chuyến bay đi Pleiku. Sau gần hai giờ chờ đợi, nhân viên phụ trách chuyến bay thông báo vì lý do an ninh chuyến bay bị hủy bỏ. Kế hoạch Di Tản Chiến Thuật bắt đầu đúng vào ngày nầy.
Chỉ một tuần lễ sau, quân dân hỗn loạn từ cao nguyên đã lần lượt tràn về tới miền duyên hải, mọi người đang cố gắng nhanh chóng đi về Nha Trang, Khánh Hòa vì có tin đồn không biết do đâu là đã có thỏa thuận cắt đất từ vĩ tuyến 13 trở ra sẽ thuộc quyền kiểm soát của Chánh phủ Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Lúc nầy thời sự biến chuyển rất nhanh chóng, không thể tưởng tượng được, bộ đội Bắc Việt tràn tới đâu, dân chúng chạy tránh tới đó, cứ càng xa vào trong Nam càng tốt và cảm thấy an toàn hơn.
Tình hình chiến sự dồn dập và lan nhanh khiến cho mọi người xôn xao bàn tán khắp mọi nơi trong thành phố. Suốt thời gian nầy tôi ở Sài Gòn trong khi các viên chức di tản về tới Sài Gòn càng lúc càng đông nên giới chức ở Bộ cho phép đặt luôn Văn phòng đại diện tỉnh cạnh Bộ để điều hành các công việc thuộc tỉnh và làm công tác tiếp nhận các viên chức di tản từ Kontum về Sài Gòn, chủ yếu là xác minh nhân viên thuộc tỉnh để họ được lãnh tiền và nhận thực phẩm cứu trợ. Mỗi người trên đường di tản về Sài Gòn là môt câu chuyện thương tâm đầy nước mắt. May rủi khôn lường.
Ngày 30 tháng 3 tin Đà Nẵng thất thủ làm rúng động toàn miền Nam nhưng cũng chưa có dấu hiệu gì hoảng hốt vì còn “quân mạnh tướng bền.” Cho đến khi Mặt trận Phan Rang bị tràn ngập ngày 15 tháng 4 và Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi bị địch bắt sống thì sự hoang mang, dao động lên đến tột độ. Một tuần lễ sau Tổng thống Nguyễn văn Thiệu từ chức, mọi người bắt đầu tìm mọi cách để di tản. Bắt đầu là các nhân viên làm sở Mỹ và thân nhân có danh sách di tản ở Tòa Đại Sứ Mỹ hay Phi trường Tân Sơn Nhất.
Một số bạn bè thân thiết và người quen đề nghị tôi nên ra đi theo họ. Đến lúc nầy tôi vẫn chưa tin rằng miền Nam bại trận vì ít nhất VNCH cũng còn làm chủ một số tỉnh thuộc quân đoàn 3 và quân đoàn 4 với đầy đủ lực lượng và phương tiện chiến đấu. Về phương diện chính trị các tổ chức và phe phái tại miền Nam qua tin tức từ trại Davis, trụ sở Ủy Ban Liện Hợp Quân Sự bốn bên đã áp lực Tổng Thống Thiệu từ chức thì sẽ có đàm phán về một thể chế chính trị hòa hợp hòa giải cho miền Nam. Sau khi Phó Tổng Thống Hương lên thay thì lại có tin là chỉ có Đại tướng Dương Văn Minh mới có đàm phán. Đến đây thì tình hình gần như nguy ngập. Tướng Nguyễn Cao Kỳ hô hào tại xứ đạo Tân Sa Châu kêu gọi tử thủ không di tản ra nước ngoài “không có mắm tôm mà ăn” nhưng lại không có lực lượng. Tướng Nguyễn văn Toàn Tư lệnh Quân đoàn 3 và một số viên chức cũng như đảng phái dự tính một cuộc đảo chánh.
Đến khi Đại tướng Dương văn Minh nhận quyền từ Tổng Thống Trần văn Hương trong phiên họp khoáng đại lưỡng viện quốc hội cũng còn hiệu triệu quân nhân các cấp hãy giữ vững tay súng. Nội các Vũ văn Mẫu đang còn sắp xếp nhân sự, ra tuyên cáo yêu cầu người Mỹ phải rời khỏi Việt Nam và thông tin là sắp có giải pháp hòa bình thì các sư đoàn Bắc Việt đã vây kín Sài Gòn.
Sáng ngày 28 tháng 4 năm 1975 ba anh em tôi ra bến Bạch Đằng ăn sáng và bàn thảo chuyện xuống tàu di tản, đứa em kế là Hải quân cơ khí tại Hải quân công xưởng cho biết tình hình rất nguy ngập không thể nào chần chừ được nữa, mọi người đang chen nhau xuống tàu di tản càng lúc càng đông. Cho đến lúc đó, tôi vẫn không có ý niệm ra đi sống ở nước ngoài, lại càng không thể di tản, tránh đi một thời gian rồi trở về khi tình hình tạm lắng nên tôi quyết định không đi và thuyết phục các em là tình hình tuy xấu nhưng so với hồi tết Mậu Thân cũng chưa đến hồi tuyệt vọng. Vả lại dân chúng thì được, sau khi tình hình ổn định có quay về cũng không sao chứ quân nhân, công chức thì không được. Phần hy vọng rằng có thể có giải pháp hòa hợp hòa giải trên vùng đất còn lại nếu có cắt đất phân chia vùng lãnh thổ đôi bên. Đứa em thứ hai là Quân cảnh nên đồng ý là dĩ nhiên. Ăn xong ngồi uống chưa hết ly cà phê sữa đá, đứa em kế đã đứng lên đội kết-pi, sửa lại cho ngay ngắn rồi nói: “Thôi anh về nói với ba má em đi.”
Nhìn theo bóng quân phục màu xanh nước biển thu nhỏ dần sau cổng trại, hai anh em tôi không nói được lời nào, cũng không buồn đứng lên đưa tiễn, chỉ với tay lấy điếu thuốc Ruby quân tiếp vụ, bật lửa mồi thuốc và rời quán.
Đêm hôm ấy hai anh em qua Thủ Thiêm ngủ ở nhà người quen gần bến đò. Suốt đêm tàu đò qua lại đưa người vội vã di tản ra các tàu lớn. Những ngọn đèn dầu lấp lánh trên sông như bầy đom đóm. Xa xa ánh trăng chiếu loang loáng trên mặt nước lung linh rọi dài một vùng sương phủ mênh mông. Lặng thinh buồn rười rượi chờ sáng.
Sài Gòn thất thủ tôi ra trình diện học tập cải tạo theo diện ngụy quyền tại trường Nữ Trung học Trưng Vương đúng với nội dung thông cáo của Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn ghi rõ trại viên phải chuẩn bị quần áo, mùng mền vật dụng cá nhân và mang theo tiền để đóng tiền ăn trong một tháng. Khi nghe thông báo trên đài phát thanh cũng như trên báo “Sài Gòn giải phóng” về điều kiện và thời gian học tập cải tạo một tháng, các viên chức chế độ cũ hiện đang cư ngụ trong thành phố ai nấy đều đang hồi hộp chờ đợi sự thể ra sao, nay nghe được tin nầy mọi người rất hân hoan lo thu xếp để đến nơi trình diện đúng hạn.
Tôi về Mỹ Tho nói với mọi người về thông cáo trên, ai cũng có vẻ nghi ngờ vì số sĩ quan và viên chức trình diện ở Mỹ Tho đã bị nhốt hết vào trong khám đường rồi và nghe đâu đang chuẩn bị đưa vào trại Vườn Đào (Mỹ Phước Tây) để lao động, chớ có nghe học hành cải tạo gì đâu?
Lên Sài Gòn đúng ngày tôi trình diện ban đầu ở trường Gia Long, không ngờ mọi người đã đến rất đông từ sáng sớm nên đến phiên tôi, địa điểm trường Gia Long đã hết chỗ, cán binh cộng sản hướng dẫn sang trường Trưng Vương trình diện.
Khi đến nơi người đông như kiến, xếp hàng đôi dài dọc theo đường trước cổng trường. Lâu lâu chừng hai mươi phút, cán binh mở cổng cho từng tốp người vào độ năm phút thì ngăn lại và chờ, cứ thế cho đến xế trưa, số người được vào bên trong không biết là bao nhiêu, nhưng theo suy đoán có lẽ cũng sắp hết chỗ chứa. Quả thật khi đến lượt tôi vừa vào lọt bên trong thì nghe bên ngoài nhiều loạt súng nổ vì số người chen nhau tràn lên phía trước xô ngã cổng rào khi nghe cán binh thông báo đợt nầy là đợt cuối, những ai còn ở lại bên ngoài về nhà chờ lệnh mới.
Lạ thật, khi vào đến bên trong, xếp hàng đứng trước một dãy bàn, mỗi bàn có ba cán binh, nam có nữ có, còn rất trẻ, dáng điệu ở trong quê mới ra, ăn mặc đồ bà ba đen, trời nóng mà quấn khăn rằn, đội mũ tai bèo, hình như đọc chữ không được nên hỏi đi hỏi lại nhiều lần mặc dù đã trình giấy đăng ký rõ ràng và chỉ có một người viết danh sách nên mức độ tiếp nhận rất chậm. Sau khi đã ghi được vào danh sách, mọi người túa vào trong các phòng học, lo trải chỗ nằm chen chúc trên sàn gạch bông xen kẻ giữa các dãy bàn ghế còn nguyên tại chỗ, không được di dời đi nơi khác, lệnh cán binh đưa ra mọi người phải chấp hành, không được đi lại linh tinh. Hàng ngày có hai chuyến xe chở cơm nước tới, thấy có ghi bảng hiệu Nhà hàng Đồng Khánh.
Được ba ngày, tới ngày thứ tư, thình lình nửa đêm cán binh đến từng phòng tắt đèn, rọn đèn pin vào ra lệnh im lặng, khẩn trương tập họp dưới sân trường. Tất cả lặng câm trong bóng tối, cán binh cộng sản rọi đèn pin trên mảnh giấy nhỏ, đọc tên một số ít người tách riêng ra, trong số đó tôi biết có người là nhân viên Ngân hàng quốc gia.
Sau đó tất cả mọi người đều lên xe đò chở khách trên hai mươi chiếc di chuyển ra khỏi thành phố. Gió lạnh thổi phần phật trên những tấm bạt che kín cửa sổ, hòa lẫn với tiếng máy xe nổ đều đều. Mọi người cùng đưa mắt nhìn lơ đễnh về phía trước, không mường tượng được gì và lặng im bao trùm lên khoảng không gian bít bùng tối mờ mờ trong xe, nghe chừng như đang đi về nơi vô định.
Đến gần bốn giờ sáng, trời còn tối om, đoàn xe rẽ vào khu vực gồm nhiều dãy nhà bỏ trống. Một số người nhận ra ngay là làng Cô Nhi Long Thành do ông Tư Sự xây dựng trước đây, giờ đã bỏ hoang từ nhiều năm nay. Nhờ ánh sáng của mấy chục chiếc xe đậu xuôi ngược rọi chung quanh khu vực vắng vẻ mà đoàn người mới bước xuống xe nhanh chóng và xếp hàng trên những bãi đất trống, đến khi có lệnh của cán binh cộng sản từng tốp khoảng gần hai trăm người mới lần lượt túa vào trong những căn nhà trống trơn chỉ có tường chung quanh và vách ngăn thành ba, bốn buồng mà không có cửa. Mọi người tự do kiếm chỗ ổn định hành lý và tụ tập nhau thành từng khu gồm những người quen biết hoặc thân thiết nhau từ trước khi trình diện cải tạo.
Chờ đến sáng rõ, không thấy cán binh cộng sản ở đâu mọi người mới bắt đầu ra ngoài các bãi đất trống để quan sát. Ngoài những dãy nhà trống lợp tôn xi-măng còn lại toàn khu vực rộng lớn hoang vu chỉ mọc đầy cỏ dại cao gần nửa người, không có hàng rào chung quanh. Không có dấu hiệu có người sinh sống, không có nước. Gần đến xế chiều mới có một xe bồn loại nhỏ chở nước tới, cả ngàn người xếp hàng tới tối để nhận được một xô nước vì xe bồn cứ hết nước lại đi lấy và mọi người cứ xếp hàng chờ.
Ngày hôm sau mới có xe chở cơm tới với cá khô. Gần cả tháng trời như vậy, cán binh cộng sản mới điều động mọi người tự xây cất khu nhà bếp, căn-tin và ổn định phân chia thành tổ, đội trong từng nhà. Sau đó sửa chữa hội trường dã chiến, lợp tôn, đóng từng thanh gỗ ngang làm thành ghế ngồi hai bên trên nền đất.
Ban đầu, mỗi tuần cả trại lên hội trường nghe cán binh cộng sản thuyết giảng vài ngày, tối về sinh hoạt, kiểm điểm hoặc thu hoạch và thường thì đêm nào cũng có ca hát các bài ca cách mạng do các nhạc sĩ miền Bắc sáng tác trong thời kỳ chiến tranh, dần dần về sau là các bài ca mới do một số trại viên sáng tác. Thỉnh thoảng cũng có một vài cán bộ cao cấp vào trại thuyết giảng. Tôi còn nhớ có một lần cán bộ thuyết giảng là nhà văn Hoài Thanh với đề tài thơ văn Bác Hồ, điều làm tôi nhớ mãi không phải là nội dung của bài thuyết giảng mà là hình ảnh cứ chừng năm đến mười phút lại có một cán binh đến rót bia để sẵn trên bục cho diễn giả vừa ngụm bia vừa nói về văn thơ của Bác Hồ say sưa đến sùi bọt mà không biết là bọt mép hay bọt bia.
Gần nửa năm, chương trình học tập gồm 11 bài như Đế quốc Mỹ là kẻ thù số một; Nguỵ quân, nguỵ quyền là tay sai của Đế quốc Mỹ; Tình hình mới, nhiệm vụ mới. v…v… Trong thời gian học tập cũng có một vài đợt được trả tự do, cán binh cộng sản tung tin qua các Nhà Trưởng là chương trình học tập đã xong khiến mọi người ai nấy cũng đều hy vọng là sẽ được ra trại sớm. Sau đó cán binh cộng sản, một số chuyển sang mặc áo vàng và một số khác được thay thế bằng công an.
Trại bắt đầu tổ chức thành tổ đội lao động và bắt đầu xây tường rào kiên cố chung quanh trại và đồng thời sửa chữa các căn nhà trống trước đây thành các buồng giam có cửa. Các đội sinh hoạt theo tiếng kẻng báo giờ và chủ yếu là lao động ngày hai buổi theo chế độ, nội qui của trại giam từ đó. Không có chế độ thăm nuôi, chỉ được nhận quà của gia đình hằng tháng 5 kg theo địa chỉ hộp thư 15NV (“mười năm anh về.”) Cấm tiết lộ địa điểm, nơi giam giữ khi gởi thơ về cho gia đình xin quà.
Cải tạo tại Long Thành được một năm cho đến một buổi chiều sau khi cơm nước xong xuôi có kẻng tập họp bất thường, mọi người rất lo lắng về số phận của mình vì trước đó thỉnh thoảng cũng có tập họp như vậy, tôi còn nhớ có một buổi chiều trời chạng vạng cán binh cộng sản đi xe jeep tới trại và áp tải bốn người về Quảng Ngãi mà trong đó tôi có quen biết một người. Lần nầy cán bộ trại đọc danh sánh hơi dài hơn 250 người, sau đó được cách ly và cán bộ cho biết là sẽ di chuyển đến một nơi có điều kiện học tập, lao động tốt hơn.
Nhưng thật sự lại là một chuyến đi kinh hoàng hơn mấy lần trước, những người có tên trong danh sách bị còng tay lên xe tải chở xuống bến Tân Cảng, nửa đêm đem nhốt xuống hầm tàu Sông Hương mấy ngày đêm chở ra miền Bắc giam ở trại Phú Sơn, Bắc Thái. Khi Trung quốc tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979 thì được đưa về trại Ba Sao, Hà Nam Ninh. Đến năm 1982 lại bị còng tay đẩy lên xe lửa ở ga Phủ Lý xuôi Nam về trại Z30D, Hàm Tân.
Lúc ở trại Long Thành còn hy vọng được về trong vài ba tháng, đến giữa năm khi có chánh sách mười điểm của chính phủ Cộng Hòa Miền Nam công bố cải tạo từ một đến ba năm cũng còn hy vọng. Nhưng khi xuống tàu ra miền Bắc thì hết hy vọng, nhất là khi gặp lại các quân nhân bị bắt từ hồi Tết Mậu Thân năm 1968 cho đến nay vẫn còn giam rải rác ở trong các trại. Kinh hoàng hơn nữa khi biết được rằng một số quân nhân, viên chức từ thời 1954 vẫn còn bị giam giữ và số khác được thả ra nhưng bị chỉ định vùng cư trú vĩnh viễn ở các tỉnh miền Thượng du, Bắc Việt.
Lao động cải tạo đói rét trên miền Bắc đến năm thứ ba coi như đã kiệt sức, sống chết gần kề, không có chế độ thăm nuôi, thậm chí người thân còn chưa biết rõ là bị giam cầm ở đâu. Bệnh tật không thuốc men, mỗi sáng sau tiếng kẻng báo thức ra sân điểm danh, sạp nào còn phủ mùng thì tổ trưởng tạp dịch vào thu dọn đưa người không chịu dậy điểm danh âm thầm ra đồi đá bên kia suối. Có hôm một lượt có đến hai, ba người như thế thì may mắn hơn được bó chiếu đặt trên xe cải tiến và có nhiều người đi theo sau vì đồi đá bazan năm người đào một huyệt từ sáng đến chiều chỉ sâu được chừng một mét. Huyệt được phủ đá vụn, bằng phẳng, không ghi dấu. Tổ trường tạp dịch trước khi xuống đồi thường hay ngớ ngẫn đứng trước mộ không biết cầu nguyện gì mà không thấy làm dấu thánh giá hay chấp tay xá chỉ nghe lẩm nhẩm: “Người yêu người sống để yêu nhau” (Thơ Tố Hữu).
Người chết đã thế còn người sống ra sao? Đến muối mà còn phải pha nước màu làm bằng gạo rang cháy khét và mỗi bữa ăn chỉ được phát ba muỗng thì nói chi đến cơm gạo, chỉ bo bo và sắn lát làm chuẩn, mỗi người một chén sắt. Như thế cũng còn sống được miễn là đừng có nhận tin buồn gia đình tan nát ở bên ngoài vì có khi nhận được tin như thế lại lo buồn mãi là sẽ ra đồi đá sớm hơn.
Thư từ trại qui định chừng đôi ba tháng mới được viết một lá thư gởi về cho gia đình không được ghi địa chỉ nơi gởi mà chỉ ghi mã số giống như hồi ở trại Long Thành là 15NV và ít khi nhận được thư hồi âm. Thư qua kiểm duyệt của cán bộ trại giam, nếu không đúng mẫu thì bị kiểm điểm vừa không được gởi đi mà còn bị kỷ luật và phạt không được gởi thư lần tới.
Một số tù nhân, trước kia khi di cư vào Nam hồi năm 1954 còn thân nhân ở lại miền Bắc nay đã trở thành cán bộ là được thăm nuôi cũng chỉ có vài ba ký đường, kẹo bánh và thuốc lào, một số khác được bảo lãnh ra khỏi trại, chính nhờ số anh em nầy mà một số anh em thân tình mới gởi được thư “chui” nhờ đem ra Hà Nội gởi về cho gia đình. Tôi cũng gởi được một lá thư về cho gia đình với nội dung thực sự là không biết được ngày về và nói với mẹ rằng con sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn, may ra nếu còn sống con sẽ trở về với gia đình.
Năm năm sau mẹ tôi ra Bắc lần đầu tiên thăm nuôi. Từ Cai Lậy lên Sài Gòn ngủ qua đêm, hôm sau theo đường xe lửa mất mấy hôm mới ra đến ga Phủ Lý, Nam Định rồi thuê xe trâu cùng với vài người nữa cũng đi thăm nuôi cùng vào trại Ba Sao.
Đường vào trại ngoằn ngoèo, quanh co, hai bên vách núi đá vôi lởm chởm, nhô ra nhiều hình thù trông rất là kỳ quái. Được non chừng mười hai cây số thì xuống xe bên đường lộ đá, sau đó thuê người gánh quà đi dọc theo đường đất chừng non cây số thì đến khu nhà thăm nuôi nghỉ qua đêm, hôm sau mới được gặp thân nhân. Trại Ba Sao có ba phân trại A, B và C. Tôi ở phân trại C là phân trại trước tiên, vào thêm độ năm cây số nữa là phân trại A và cuối cùng nằm sâu trong vách núi là phân trại B.
Thời gian gặp mặt ngắn ngủi quá, tôi có hỏi về mọi chuyện, nhưng mẹ nói nhà mình khổ quá, cũng không biết cô Trâm ra sao nữa, mẹ nói thỉnh thoảng hai đứa em gái tôi làm ở tổ hợp bánh kẹo tại thị trấn đi Sài Gòn mua hàng cho tổ hợp thỉnh thoảng có ghé nhà anh Suy vẫn còn ở trong chung cư Nguyễn Thiện Thuật nhưng cũng không có tin tức gì nhiều về cô Trâm ngoài Kontum. “Nhưng chắc cũng khổ như nhà mình.” Mẹ tôi nói trong nghẹn ngào.
Trên đoạn đường từ căn nhà tranh vách đất làm nơi thăm nuôi về đến cổng lán trại tôi khóc mù mịt, không thấy đường thấy xá gì cả cho đến khi anh bạn tạp dịch thuộc đội nhà bếp nhắc nhở là nên bình tỉnh thì cán bộ kiểm tra quà thăm nuôi sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn. Tôi cố gắng mím môi quẹt nước mắt cho thật khô, nhưng đến khi cán bộ dỡ ra xem, kiểm tra từng món quà mà mẹ tôi đem từ Nam ra Bắc thăm nuôi thì tự nhiên nước mắt tôi ứa ra không cầm lại được nữa.
May mắn lắm, tôi là người cuối cùng, hơn nữa đã gần đến giờ đóng cửa trại nên cán bộ không nói gì, quay đi và ra lệnh khẩn trương mang quà vào trại. Nhanh chóng anh bạn giúp tôi chuyển quà vào trại đầy đủ và an toàn.
Kể từ đó hằng năm mẹ tôi dù khó khăn thế mấy cũng lần lượt dẫn các em tôi ra trại Ba Sao thăm nuôi cho gặp mặt anh vì sợ bị giam lâu quá tôi sẽ chết mất trong tù. Em út tôi năm đó mới học lớp 6, nhà nghèo, cha bị bệnh, mẹ buôn bán hàng rong, ba anh trai đi cải tạo mấy năm chưa về, chị lớn đang học trường Luật thì phải về quê đi làm hợp tác xã bánh kẹo ở thị trấn để được lãnh tem phiếu. Trong hoàn cảnh khó khăn vô cùng đó em tôi vẫn đi học và học rất giỏi. Những mong là khi tôi về sẽ được khen ngợi. Lúc bấy giờ ai cũng nghĩ rằng cải tạo đôi ba tháng hoặc cùng lắm là một hoặc hai năm thôi vì đã có chính sách được công bố rõ ràng. Mãi đến gần năm thứ ba, gia đình mới biết là tôi đã được chuyển ra miền Bắc ban đầu ở trại Phú Sơn, Bắc Thái sau chuyển về trại Ba Sao, Nam Hà.
Hy vọng còn lại, không mong gì được về sớm, là làm sao có tiền để đi thăm nuôi gặp mặt. Em còn nhỏ, nhà nghèo nên biết lo, thường hay năn nỉ xin mẹ đi chợ khi nào có heo thừa vú, bán rẻ thì mua về nuôi, nhớ là mua heo nái. Người còn không đủ ăn lấy gì mà nuôi heo mà lại là heo nái nữa mới khó. Mẹ tôi nói hằng ngày sau giờ học, em tôi thường đi vòng khắp xóm xin chuối cây đã chặt buồng về xắc trộn ít cám cho heo ăn. Đợt đầu được bầy ít con, đem bán lấy tiền mua cám nhiều hơn nuôi đợt hai. Trời không phụ, nuôi được vài lứa heo được khá tiền mẹ bảo con gái lớn nên sửa soạn chút đỉnh, may mặc quần áo cho tươm tất. Em chẳng nói gì. Một buổi tối, em nói với má là con đã để dành đủ tiền, má lo xin phép và mua đồ đi thăm nuôi anh Hai, lâu quá rồi má. Mẹ tôi khóc hết nước mắt.
Nhờ có thăm nuôi mà hai đứa em gái tôi liên lạc với anh Suy thường hơn và mẹ tôi cho biết rằng cô Trâm, vị hôn thê tương lai của tôi, hồi tháng 3 năm 1975 cùng với gia đình di tản ban đầu thuê xe đi từ Kontum đến Phú Bổn, sau đó xe hư và bị kẹt đường nên mọi người phải đi bộ mấy ngày mới tới bờ sông Ba, lúc còn đang ở bên nầy bờ chưa qua sông thì chiến trận khốc liệt xảy ra, bộ đội Bắc Việt nã trọng pháo vào đoàn người di tản dân quân hổn loạn, thương vong vô số kể. Em cùng với gia đình chạy lạc vào trong rừng, đói khát tưởng đâu đã bỏ mạng, may nhờ có người Thượng quen với gia đình trước đây giúp đỡ dẫn ngược đường về nguyên quán an toàn và hiện nay cô Trâm vẫn còn ở Kontum, có sạp mua bán ngoài chợ để phụ giúp mẹ nuôi ba đang cải tạo và các em.
Đến khi được chuyển trại về Hàm Tân, tình hình tương đối dễ thở, ăn uống được cải thiện tốt hơn nhờ trồng trọt thêm. Mẹ tôi đi thăm nuôi thường hơn, hằng tháng đều có gởi thơ cho cô Trâm biết, lúc đầu cô có gởi quà về nhà tôi để tập trung cho mẹ đem đi, sau đó cô Trâm xin địa chỉ để gởi trực tiếp về địa chỉ trại và lần nào ngoài đường tán, chuối khô bao giờ cũng có vài ba chai dầu gió. Tôi trở thành đại lý dầu gió ở trại Z30D. Vui mừng nhất là nhận được thư em vẫn chờ anh. Bấy giờ đã gần mười năm./.
Trần Bạch Thu
Nguồn: Sáng Tạo
No comments:
Post a Comment