Tuesday, May 14, 2019

CẤU TRÚC CỦA MỘT BÀI THƠ



Nguyễn Hưng Quốc


Thơ, trước hết là ý, Lê Hữu Trác viết: "Thơ cốt ở ý, ý có sâu xa, thơ mới hay". Ý dựng lên cột xương sống cho thơ, khiến bài thơ dù dài bao nhiêu vẫn là một chính thể nhất quán. Ý thể hiện cái nhìn độc đáo riêng tây của nhà thơ trước những hiện tượng, những vấn đề của cuộc đời.
Nhiều người có khuynh hướng chia thơ ra làm hai loại: thơ trí tuệ và thơ tình cảm. Thơ trí tuệ coi trọng ý, đã đành. Ngay cả thơ tình cảm cũng không thể bỏ rơi ý. Không có ý, tình cảm sẽ tản mạn, bay loang như khói, chưa tụ thành hình mây. Ý là yếu tố quyết định và tạo hình của bài thơ. Bố cục gồm 4 phần trong các thể Đường luật: đề, thực, luận, kết là dựa theo ý. Sau này, thơ có khuynh hướng tự do hơn nhưng không có nghĩa là tính chất quyết định của ý bị giảm nhẹ.
Có điều, trong thơ, ý không thể là trần trụi ý, là nguyên chất ý. Ý đứng một mình không thể tạo thành thơ. Nó là văn: văn nghị luận. Nghĩa là cái gì xa lắc với thơ, không những về thể tài mà còn về loại hình. Thơ đòi hỏi ý phải gắn liền với cảm xúc. Ý phải nhập thân vào cảm xúc. Nhà thơ có một ý tưởng. Chưa đủ. Hẳn phải đợi ý tưởng ấy bồng lên trong lòng những luồng sóng vỗ. Cái nếp nhăn trên trán phải trở thành nếp nhăn trong tâm hồn. Cảm xúc phải dào lên song song với ý. Vũ Đình Liên suy nghĩ về thời gian. Thấy   trước mặt mình có cái gì của quá khứ đang ngày một tàn tạ, phôi pha đi. Ý tưởng ấy gợi lên cảm giác ngậm ngùi. Thấy nao nao thương một hình ảnh thân quen sắp tắt như Lý Thương Ẩn xa xưa thương cho cái nắng hoàng hôn vô hạn đẹp sắp tàn: bài thơ Ông Đồ ra đời không như một ý niệm trừu tượng về một sự mất đi mà còn là niềm lưu luyến đối với quá khứ, nỗi băn khoăn hiu hắt về "Những người muôn năm cũ".   
Ý và cảm xúc. Vẫn chưa đủ.  Ý và cảm xúc như là gió. Gió vốn vô thanh. Gió phải tìm đến lá cây để động tiếng rì rào. Ý và cảm xúc như là biển. Biển vốn vô ngôn. Biển phải tìm đến đá dựng để cất tiếng thì thầm. Để thành thơ, cần thêm một điều kiện nữa: hình tượng. Hình tượng là vóc dáng, là hình thù của ý và cảm xúc. Hình tượng cụ thể hoá, da thịt hoá ý và cảm xúc, biến ý và cảm xúc từ một hiện hữu trừu tượng, mơ hồ thành một hiện hữu sinh động, có màu sắc, có âm thanh. Ý niệm về thời gian, nỗi ngậm ngùi về quá khứ của Vũ Đình Liên chưa đủ để tạo ra thơ trước khi ông tìm ra được một hình tượng thật đắc: hình tượng ông đồ. Ông đồ cưu mang trọn vẹn trong thân thể hình ảnh quá khứ, từ cái thuở vàng son, ai ai cũng quí chuộng những câu đối Tết đến cái thời kỳ suy tàn, người người hết xôn xao trước một nét bút như "phượng múa rồng bay". Ngày xưa, chung quanh ông là những người ái mộ. Ngày nay, chung quanh ông chỉ là lá vàng và mưa bụi bay. Cái gì mất đi trước hết? Những người thưởng thức. Cái gì phôi pha đi trước hết? Một thói quen thẩm mỹ của con người. Bài thơ của Vũ Đình Liên như cất cánh bay lên chiếm một khoảng không gian mênh mông. Ông đồ chỉ là một điểm nhỏ. Nghề viết câu đối Tết chỉ là một điểm nhỏ. Rộng hơn và xa hơn, là một phần của nền văn hoá quá khứ đang bắt đầu chìm đi và mất hút trong "lớp sóng phế hưng".
Ý, qua hình tượng, trở thành rõ ràng hơn. Cảm xúc, qua hình tượng, trở thành sâu sắc hơn.
Ngược lại, nhờ ý và cảm xúc, hình tượng mới bay bỗng vào trong cõi thơ. Tạo nên khoảng cách xa lăng lắc giữa Thơ và Vè. Thử đọc mấy câu thơ sau đây của Tú Xương:

Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ giồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai...

  Chỉ là ba câu tả cảnh không có gì đặc sắc. Ai làm cũng được. Không khác mấy với những câu thơ Đỗ Quý Toàn nêu ra đùa trên Văn Học số 2.86: "Vui chân đến quán Chiêu Hiền. Phở ngon lại có chuối chiên đậm đà... "  Thế nhưng đến câu cuối:

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

 thì mọi sự đổi khác hẳn. Cánh đồng dường như biến mất. Nhà cửa và ngô khoai cũng dường như biến mất. Còn lại buồn tênh những tiếng ếch kêu. Rồi ngay cả tiếng ếch kêu cũng biến mất. Còn lại, chỉ còn lại ngân nga man mác trong tâm hồn nhà thơ những tiếng gọi đò năm xưa. Không gian im của bức tranh tĩnh vật bỗng lồng lộng vang lên khắc khoải những tiếng gọi đò. Chao ôi, tiếng gọi đò. Tiếng gọi đò vang vang trong tâm tưởng. Tiếng gọi đò vang vang trong đêm khuya. Tiếng gọi đò vang vang lạnh buốt một vùng Nam Định đang trở mình thay đổi. Thời gian sững lại, xoá nhoà quá khứ, xoá nhoà hiện tại. Nhà thơ, với câu thơ cuối trong bài, vừa làm một phép mầu: con sông lấp kia lại trở thành một con sông lao xao nước chảy như trước. Cái ảo ảnh trở thành có thật. Có thật như nỗi nhớ không nguôi giữa lòng người.
 Ý, cảm xúc và hình tượng, phải quyện chặt vào nhau, nhập thân vào nhau, cộng hưởng với nhau để tạo thành cái mả người xưa hay gọi: tứ thơ. Có thể định nghĩa tứ thơ là một ỷ tưởng gắn liền với cảm xúc hiện thân qua một hình tượng cụ thể. 
Xuân Diệu cho việc làm thơ, trước hết là kiếm tứ. Và trong việc làm thơ, theo ông cái khó nhất là việc tìm cho ra một tứ thơ hay.
Có tứ, nhà thơ còn một nhiệm vụ nữa để làm: thể hiện tứ thơ ấy ra ngôn ngữ. Bởi văn học là nghệ thuật ngôn ngữ. Cần phải tìm ra những chữ phản ảnh trung thực và sâu sắc nhất cái ý mình muốn nói; đầy đủ và có khả năng truyền cảm nhất những cảm xúc mình muốn gửi gấm; độc đáo và gây ấn tượng nhất những hình ảnh mình muốn dựng. Rõ ràng ngôn ngữ thơ phải tuỳ thuộc vào tứ thơ. Một ngôn ngữ thơ thành công là một ngôn ngữ diễn đạt tứ thơ một cách trọn vẹn nhất, hoàn chỉnh nhất. Mọi nỗ lực trau chuốt ngôn ngữ ở ngoài mục đích thể hiện tứ thơ đều là những son phấn giả tạo.
 Nếu việc đãi lọc ngôn ngữ luôn luôn là một dày vò đau đớn nhất đối với người cầm bút thì điều đó, càng đúng hơn nữa, đối với người làm thơ. Nhà thơ là kẻ trăn trở vật vã với từng con chữ một. Giả Đảo là một ví dụ cực đoan. "Thôi xao"  như ông thì hơi quá. Nghiền ngẫm suốt ba năm ròng để làm được 2 câu thơ, đọc xong, tràn nước mắt như ông thì cũng hơi quá. Tuy nhiên không có nhà thơ lớn nào lại không quằn quại đau khi sinh đẻ chữ nghĩa. Trong ngôn ngữ thơ có hai nguyên tắc lớn ít được ai nói đến: một, trong thơ, mỗi chữ là một sinh mệnh riêng, có chỗ đứng riêng, không thể xoá bỏ hay thay đổi. Nó là một con cờ trong một ván bài, là một người lính đứng nghiêm trong đội ngũ, là một tay kiếm trong thế trận các truyện kiếm hiệp hay tả. Sự tồn tại và vị trí của mỗi chữ gắn bó máu thịt  với bài thơ. Không có sự thay đổi nào không gây nên hụt hẫng. Không có ví dụ nào rõ hơn là chữ "vèo" trong câu thơ "vèo trông lá rụng đầy sân" của Tản Đà mà mọi người hay nhắc. Hai, trong thơ, tuyệt đối không có từ đồng nghĩa. Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa thơ và văn xuôi. Trong văn xuôi có thể dễ dàng thay đổi từ mà không hại mấy đến chất văn. Trong thơ thì khác. Trong thơ, mỗi từ ngữ, ngoài nghĩa, còn có sắc thái biểu cảm, còn có âm, vần, điệu ngân, điệu vang, còn cái khí quyển tâm lý bao bọc chung quanh nó. Nguyễn Bính có câu thơ:

Em nghe hàng xóm phong thanh
Hình như họ biết chúng mình... với nhau.

    Đó chỉ là câu thơ bình thường, rất mực bình thường, nếu tác giả không dùng từ "... với nhau"  thay cho một kiểu nói quen thuộc hơn "yêu nhau". Nguyễn Bính lột trần được cái tâm lý bẽn lẽn, e ấp, thẹn thùng của người con gái ở thôn quê ngày trước. Bởi bẽn lẽn, e ấp, thẹn thùng nên người con gái ấy mới băn khoăn về việc "hàng xóm phong thanh", về việc "hình như họ biết". Chỉ bằng việc dùng chữ "với nhau" Nguyễn Bính làm cho 12 chữ còn lại của cặp lục bát trên có lý do tồn tại, làm cho 2 từ "phong thanh" "hình như" trở thành đắc thế.

Trong ngôn ngữ, ngoài ngữ nghĩa, ngữ sắc, còn có ngữ điệu bao gồm trước hết âm vần (gồm cả thanh điệu - bằng trắc) là hai yếu tố đầu tạo nên nhạc tính trong thơ. Xuân Diệu nhờ sử dụng âm "r" một phụ âm rung để tả cái lay động của lá trong gió: "Những luồng run rẩy rung rinh lá". Nguyễn Du "tả" tiếng khua lóc cóc khó nhọc của vó ngựa trên con đường dốc đá qua âm điệu của những tính từ gợi hình "Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh". Tản Đà "tả" sự sắp tàn của một năm bằng cái âm thanh yếu ớt, nhẹ nhàng như lời thều thào của một người hấp hối qua từ "hồ". "Hồng bay mấy lá năm hồ hết". Thử thay từ "hồ" ấy bằng một từ khác có nghĩa tương đương, chẳng hạn, "năm gần hết", người ta sẽ thấy ngay vai trò của ngữ âm trong thơ.
Có khi âm và vần bộc lộ nhiều hơn chính cái ngữ nghĩa của nó, chẳng hạn:

Những lúc say sưa cũng muốn chừa
Muốn chừa nhưng tỉnh lại hay ưa
Hay ưa nên nỗi không chừa được
Chừa được thì ta cũng chẳng chừa.
                      (Nguyễn Khuyến)

Muốn chừa rượu nhưng không chừa được bởi lúc này mình cũng đang say. Những vần "ưa" lập đi lập lại gợi lên cái cảm giác nhừa nhựa của một kẻ đang chếnh choáng hơi men.
Trong bài "Đêm mùa hạ", Nguyễn Khuyến chọn gieo vần trắc ở cuối câu:

Tháng tư đầu mùa hạ
Tiết trời thực oi ả
Tiếng dế kêu thiết tha
Đàn muỗi bay lả tả.

Nỗi ấy biết cùng ai
Cảnh này buồn cả dạ
Biếng nhấp năm canh chầy
Gà đã sớm giục giã.

  Để làm gì? Để cực tả cái oi ả của đêm hè và nhất là, để nói lên cái tâm trạng bức bối ngột ngạt khó chịu của mình trước thời cuộc, điều ông không hề bộc lộ thẳng ra ở bất cứ một chữ, một câu nào trong suốt bài thơ.
Bên cạnh "âm" "vần", nhịp ngắt là yếu tố quan trọng trong việc tổ chức ngôn ngữ thơ. Nhiều người đã chứng minh tính chất độc đáo của nhịp điệu trong thơ Việt Nam khi so sánh với thơ Trung Quốc. Dẫu sao, trên thực tế, nhịp điệu không ngừng biến hoá, tuỳ thuộc tài hoa mỗi người. Cũng là lục bát nhưng trong Truyện Kiều có biết bao là cách ngắt nhịp khác nhau. Sử dụng linh hoạt và sáng tạo cách ngắt nhịp khiến câu thơ tránh được sự đơn điệu, đồng thời giúp nhà thơ mô tả được cái lặng lẽ cần có trong thơ, cái lặng lẽ mà đôi khi, nghĩa của chữ khó lột trần:

Cuối đường gai gốc mọc đầy
Đi về này những lối này năm xưa.

    Ở câu 8, nhịp ngắt 3/3/2 cộng với sự lập lại hai lần từ "này" có phải giúp chúng ta hình dung ra trọn vẹn dáng vẻ trầm ngâm đau đớn của Kim Trọng khi trở về Vườn Thuý đã mù biệt, vô tăm bóng dáng của Kiều?

Sự kết hợp giữa âm, vần, nhịp ngắt và hình ảnh sẽ tạo ra cái mà chúng ta gọi là hơi thơ. Có hơi thơ chậm. Có hơi thơ nhanh. Thế Lữ tả tiếng sáo bằng hơi thơ thật chậm:

Tiếng đưa hiu hắt bên lòng
Buồn ơi! Xa vắng mênh mông là buồn.

Ngược lại hơi thơ lại chuyển sang nhanh khi tả cánh hạc bay vút lên trời cao:

Trời cao xanh ngắt. Ô kìa...
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.

Vũ Hoàng Chương tả hai điệu vũ khác nhau:

Một:

Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm, não nuột dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê hồn gửi cánh tay hờ
Âm ba gờn gợn nhỏ
Ánh sáng phai phai dần...

Hai:

Lui đôi vai, tiến đôi chân
Riết đôi tay, ngả đôi thân
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió
Không biết nữa trời xanh hay sắc đỏ.

    Trong khi đó, sự kết hợp giữa âm, vần, nhịp ngắt và cảm xúc lại tạo ra cái mà chúng ta gọi là giọng thơ. Giọng thơ trực tiếp thể hiện tâm trạng của nhà thơ. Có giọng thơ hùng tráng dữ dội trong "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi. Có giọng thơ đau đớn nghẹn ngào trong "Hải ngoại huyết thư" của Phan Bội Châu. Có giọng thơ đè nén chua cay trong "Nhất định thắng" của Phùng Quán. Có giọng thơ khinh bạc trong "Gửi Trương Tửu" của Nguyễn Vỹ... Có giọng thơ ngất ngưỡng của Nguyễn Bắc Sơn, ngang tàng của Cao Tần, ngông nghênh của Ngu Yên...
Trong bài "Nhớ rừng", Thế Lữ dùng 2 giọng thơ khác nhau để tả hai tâm trạng khác nhau.
Khi con hổ nhớ quá khứ oanh liệt của mình, giọng thơ mạnh và hùng:

Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên dõng dạc, đường hoàng... 

Khi con hổ nhớ những cảnh thơ mộng của núi rừng, giọng thơ nhẹ và thoáng chút bâng khuâng:

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan...

Tất cả những yếu tố trên: âm, vần, nhịp, hơi thơ, giọng thơ tạo thành nhạc điệu của thơ. Có thể khẳng định nhạc điệu là yếu tính của thơ, là ranh giới quan trọng nhất phân biệt thơ và văn xuôi. Người ta có thể phá đổ tất cả mọi lề lối khuôn phép cũ, từ số chữ đến số câu, từ niêm, vần đến luật bằng bằng trắc trắc. Nhưng phải giữ lại nhạc điệu. Người ta có thể xáo tung hết mọi tổ chức từ lâu ngỡ là cố định của thơ, chặt câu thơ ra từng khúc, từng khúc:

Mặt trời mọc
Mặt trời mọc

hay kéo dài câu thơ ra miên man:

Lỡ một mai tôi chết trần truồng không cơm áo

hay nối các câu thơ lại với nhau theo kiểu bắt cầu:

Chỉ một ngày thôi. Em sẽ
trở về. Nắng cũng mong. Cây
cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm
cũng thêm màu trên cánh đang bay.

  nhưng phải giữ lại nhạc điệu.

Trong một chương sau, tôi sẽ phân tích riêng về vấn đề nhạc điệu, ở đây chỉ xin nêu một số đặc trưng nổi bật nhất: thơ cổ điển và thơ mới chủ yếu sử dụng nhạc điệu bên ngoài hình thành từ độ ngân vang của âm, sự luyến láy của vần, sự ngắt hơi của nhịp, ngược lại thơ tự do chủ yếu sử dụng nhạc điệu bên trong, hình thành từ sự gắn bó của ý, sự trùng điệp của hình tượng và nhất là sự dạt dào trong cảm xúc. Thơ cổ điển và thơ mới thuộc dòng thơ chủ yếu để ngâm. Thơ tự do chủ yếu thuộc dòng thơ để đọc. Thơ để ngâm gần gủi với ca nhạc. Thời Đường bên Trung Quốc, các kỹ nữ thường hay "hát" thơ. Thơ để đọc gần với văn xuôi. Trừ trường hợp được phổ nhạc, thơ tự do không thể "hát" mà cũng khó ngâm. Thơ để ngâm là loại thơ để thưởng thức bằng tai, chinh phục người đọc trước hết bằng cảm giác về âm thanh. Thơ để đọc là loại thơ để thưởng thức bằng mắt, chinh phục người đọc trước hết bằng sự độc đáo trong cấu tứ, trong tư tưởng. Chưa biết thơ tự do có giá trị thẩm mỹ hơn thơ cổ điển và thơ mới hay không nhưng đứng về phương diện tâm lý xã hội, thơ tự do, ngay từ lúc ra đời, đã chịu ngay một sự thiệt thòi lớn: người ta ít nhớ.

Ở trên, tôi đã liều nêu lên sơ bộ một số yếu tố trong một bài thơ. Tôi thử liều thêm một lần nữa, vẽ lên thành một mô hình như sau:

                                             + hình ảnh  > hơi thơ
Âm + vần + nhịp     {                                                   {  nhạc điệu
                                             + cảm xúc  > giọng thơ                              ====== >     THƠ   

Ý tưởng + cảm xúc + hình tượng                  >                tứ thơ




 
Như vậy, trong thơ có hai yếu tố quan trọng nhất: tứ thơ và nhạc điệu. Có phải vì thế mà có người gọi thơ là đi giữa ý và nhạc chăng?



Nguyễn Hưng Quốc



------------



TÌM HIỂU NGHỆ THUẬT THƠ VIỆT NAM
Khảo luận của Nguyễn Hưng Quốc
Quê Mẹ ấn hành. Paris 1988

















No comments:

Post a Comment