Monday, December 24, 2018

BỐN MƯƠI NĂM TRƯỚC



Nguyễn Đình Hoà



Lời giới thiệu:

"Giáo sư Nguyễn Đình Hoà, một nhân vật tên tuổi của ngành giáo dục và một tiếng nói có thẩm quyền lớn về ngôn ngữ học, là một thân hữu của Văn từ mấy chục năm về trước ở quê nhà. Nhưng bản văn dưới đây là bài viết đầu tiên ông gửi cho tạp chí. Một đoạn hồi ký trích trong Hồi Ký Học Trò Của Người Đình Hoà Họ Nguyễn. Viết được hồi ký hay trước hết phải có một trí nhớ tốt. Điểm này trí nhớ Nguyễn Đình Hoà tuyệt hảo. Nhờ vậy mà hồi ký Nguyễn Đình Hoà đã làm sống lại, trên từng chi tiết, cả một thời điểm quá khứ. Và làm xúc động những người cùng một lứa tuổi, cùng sống với tác giả thời điểm ấy, trong số có người bạn thân của tác giả là tôi." 
                                                                                    Mai Thảo

  
Một buổi sáng thượng tuần tháng giêng năm 1948. Giáo sư John.F.Embree, dáng người cao, đeo kính trắng áo sơ mi vàng, chiếc quần màu xám, đôi giày nâu kiểu bướm, từ trên gác đi xuống. Tôi chào ông và đưa ông coi bản báo cáo mà chiều hôm trước ông đã giao cho tôi đánh, bằng chiếc máy chữ hiệu Royal đặt trên chiếc bàn ăn to tướng trong phòng ăn.
Tiến sĩ Embree là một vị giáo sư nổi danh của Viện Đại học Yale của Mỹ, một nhà nhân loại học kiệt xuất đã có công trình khảo cứu về đời sống miền quê Nhật Bản, lúc đó được biệt phái sang Sài Gòn làm việc ở Phòng Thông Tin Hoa Kỳ (United States Information Service - USIS) với tư cách tuỳ viên văn hoá. Ông đã đáp máy bay ra Hà Nội để nghiên cứu xem có thể thiết lập một phòng thông tin của Mỹ ở đó hay không.
Ông tỏ vẻ hài lòng về tài liệu "đả tự" của tôi - thật ra đánh mổ cò bốn ngón. Sau khi hồi cư vào tháng 5 năm 1947, tôi có đi làm ít lâu cho một sở Pháp tên là Les Grands Travaux de Marseille, nhưng vì ông chủ Tây tính hách dịch và không có cảm tình với một thanh niên Việt Nam ít kinh nghiệm, nên tôi quyết định không đi làm cho Pháp, mà muốn tìm việc gì giúp tôi trau giồi Anh ngữ. Tôi bước thấp bước cao vào xin việc ở toà lãnh sự Mỹ, lúc bấy giờ đặt tạm tại toà nhà khá lớn của công ty Standard Vacuum Oil Company.
Nhờ sự giới thiệu của hai vị linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, là Cha Đạo (Leroy) và cha Marquis, cả hai là người Canada, tôi được một chân thư ký trong toà lãnh sự Mỹ, mà về sau dọn đến ngôi nhà ở số 19 đại lộ Rollandes. Công việc của tôi là thư ký thông dịch viên. Lúc đầu làm việc dưới quyền các ông James L. O'Sullivan, Edwin C. Rendall và Jack C. Feigal. Hai ông trên là nhân viên ngoại giao, cấp Phó Lãnh Sự, còn ông thứ ba thì thuộc ngạch tham sự ngoại giao. Hàng tháng, tôi còn phải làm cả việc kế toán, lo sổ lương cho cả nhân viên Mỹ lẫn nhân viên phù động địa phương (gồm có tôi, ông tuỳ phái tên là Kế, ông tài xế tên là Mỹ, và ông làm vườn mà tôi đã quên tên), cùng là gửi ngân phiếu sang trả tiền nhà cho công ty Rondon bên Hương Cảng.
       
Giáo sư Embree gọi tôi sang phòng khách lớn, là chỗ mà ông được sử dụng làm văn phòng làm việc tạm ít ngày theo kiểu TDY (temporary duty). Ông mời tôi ngồi và bắt đầu "phỏng vấn" tôi về gia thế, về bối cảnh giáo dục. Tôi kể lại là lúc trước tôi học trường Bưởi, tên Pháp của trường là Lycée du Protectorat (Trung học Bảo hộ), bảy năm liền từ 1937 đến 1944. Và sau khi đỗ bằng tú tài Triết học Văn chương, lên học đại học Luật khoa ở đường Bobillot. Năm học đó bị dở dang vì cuộc đảo chánh của Nhật hồi tháng ba năm 1945.
Sau đó, vì tự cho là mình có chút vốn tiếng Anh nên tôi liều dự kỳ thi tuyển giáo sư sinh ngữ của Nha Trung học vụ, lúc ấy do giáo sư Ngụy Như Kontum phụ trách. Trong hai năm học bậc tú tài (năm thứ hai và năm thứ nhất, nói theo kiểu Pháp) tôi được phần thưởng về Anh ngữ, nhưng thật sự chỉ biết dịch từ Anh sang Pháp và từ Pháp sang Anh. Cũng như thuộc lòng những mẹo luật về Anh ngữ đã được vị giáo sư khả kính của tôi là thầy Carjat dạy trong hai năm bậc "trung học đệ nhị cấp" mà thôi. Còn nghe và nói thì không được dịp thực hành, vả lại cũng chỉ quen có giọng của giáo sư Carjat người Pháp mà thôi. Lớp B của tôi vẫn cho rằng mình học đúng giọng Anh, chứ lớp A bên cạnh "nói giọng Mỹ" vì giáo sư của họ là một vị mục sư Tin Lành, hình như thuộc quốc tịch Anh hay Mỹ, tên là Gockler.
Tôi cũng cần vạch rõ là mùa thu năm ấy, lúc chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà mới được thành lập, thì những thanh niên cở tuổi tôi, ai nấy đều hăng hái muốn góp phần xây dựng một nước Việt Nam độc lập vừa thoát khỏi ách nô lệ do Pháp áp đặt từ bao năm. Kỳ thi tuyển giáo sư trung học dạy tiếng Pháp và tiếng Anh năm ấy do một mình giáo sư Phạm Duy Khiêm chấm, gồm cả bài thi viết (có dịch và luận) lẫn bài vấn đáp. Tôi may mắn đỗ đầu nên được bổ nhiệm vào dạy ở trường trung học Chu Văn An, mà tiền thân chính là ngôi trường thân yêu bên bờ Hồ Tây thơ mộng, nơi tôi mài đũng quần luôn bảy năm trời, chốn học đường đầy kỷ niệm tuyệt vời về thầy yêu và bạn quí.
   
Điểm đặc biệt là chữ của giáo sư Embree viết  rất khó đọc, cho nên ông lấy làm lạ là sao tôi có thể đọc được chữ viết của ông để mà nhận ra câu nọ câu kia, rồi đánh máy trình bày sạch sẽ. Sau khi hỏi vài câu về gia cảnh của tôi - con thứ mười trong một gia đình công chức thanh bạch- ông hỏi:
"Anh có muốn sang Mỹ du học không".
Tôi giật nẩy người trả lời ngay: "Thưa giáo sư, có chứ ạ!"
Vài hôm sau khi ông trở vào Sài Gòn, giáo sư Embree gửi cho tôi, qua tín hàm ngoại giao, một xấp những mẫu đơn xin học bỗng, kèm theo một thư ngắn (vẫn bằng lối "chữ đốc tờ" thật khó đọc đối với người Việt Nam). Nói rằng "Bây giờ đã muộn rồi, song anh hãy cứ điền hết những mẫu đơn cần thiết, rồi gửi vào cho tôi để tôi chuyển về Mỹ cho Viện Giáo Dục Quốc Tế (Institute of International Education) ở New York ".
Bẵng đi một thời gian mấy tháng, tôi cũng chẳng nghĩ đến chuyện xin đi học bên nước Mỹ xa xôi, mà tôi mới được thấy trong phim ảnh thôi. Chuyện đi  du học ngoại quốc, nói chung, đã là chuyện khá xa vời, mà nghe phong thanh thì chỉ thấy có nhiều sinh viên con nhà quyền thế được "quan Tây" cấp học bỗng sang Pháp du học mà thôi. Ngoài ra, cả đời (năm đó tôi mới hai mươi bốn tuổi đầu) tôi chưa bao giờ đi xa thành phố Hà Nội, nơi tôi sinh trưởng, trừ những dịp may được về "nhà quê", nghĩa là được về chơi ở làng mẹ tôi, làng bà vú nuôi tôi (u Hoà), hay làng bà thím tôi (thuộc tỉnh Hải Dương), hoặc lên tỉnh lỵ Phúc Yên ở chơi nhà một bà chị, hay lên Tuyên Quang dự việc chôn cất một ông chú. Rồi thì những tháng tản cư tránh bom Nhật, tránh bom Mỹ, tránh tàu bay Pháp bắn phá - trường hợp sau đúng là lang thang lánh nạn về mấy làng thuộc tỉnh Hà Đông mà thôi, chứ đâu có óc du lịch như cái ông trong sách Quốc văn Giáo khoa thư.
   
Tháng sáu năm 1948, tôi nhận được một bức điện tín của Viện Giáo Dục Quốc Tế gửi qua toà Lãnh Sự của Hoa Kỳ ở Hà Nội, vắn tắt có vài lời như sau:
"Union College awards Nguyen Dinh Hoa tuition scholarship. Delta Upsilon Fraternity provides room and board. Letter follows".
(Đại học Union cấp học phí cho Nguyễn Đình Hoà. Hữu xã Delta Upsilon đài thọ tiền ăn ở. Sẽ có thư sau).
Tôi mừng quá! Đạp xe đạp về nhà hôm đó trong niềm phấn khởi (mộng làm giáo sư tiếng Anh sắp thành sự thực rồi), báo tin cho các anh, các chị tôi. Riêng cha tôi thì phản ứng hơi khác, ông hạ mấy lời làm tôi hơi nản:
"Đi đâu? Tiền đâu mà đi! Mà sở Công an liên bang đời nào cho nó đi?"
Hoá ra ông công chức đầy kinh nghiệm đã nghĩ đúng, được học bỗng là một chuyện, còn phải xin phép Sở Mật thám Tây cho phép và cấp thông hành thì mới xuất ngoại được. Rồi thì đào đâu ra tiền lộ phí để mà di chuyển từ Hà Nội sang tận Hoa Kỳ ở mãi tận bên kia địa cầu.

Bức thư của Viện Giáo Dục Quốc Tế (tiếng Anh viết tắt là HE) đến sau đó đã giải thích thêm  về chi tiết. Trường Union College ở thành phố Schenectady, thuộc tiểu bằng New York, là một trường đại học nhỏ, thành lập năm 1795, chuyên đào tạo kỹ sư về cơ khí và điện học cùng các ngành khác. (Trong thành phố đó có hai công ty lớn là hãng làm các máy điện General Electric và hãng làm đầu máy xe lửa là American Locomotive). Các bộ môn văn khoa cũng rất tốt, và nhà trường được xếp vào loại những trường đại học bốn năm gọi là Liberal Arts College có tiếng trong nước.
Đặc biệt là trường ấy là trường đầu tiên thành lập những nhà hội huynh đệ, gọi là hữu xã, đặt tên theo tiếng Hy Lạp. Hữu xã là một cơ chế đặc sắc của nền giáo dục cao đẳng tại Mỹ: vài chục sinh viên gia nhập một hội anh em như là vào hội kín, có mục đích giúp nhau học hành và tu dưỡng về ba phương diện trí dục, thể dục và đức dục. Sau một vài thử thách về tư cách con người, thì một sinh viên năm thứ nhất mới được tiếp nạp vào làm hội viên của hữu xã mình muốn gia nhập, tuy vẫn còn ở trong phòng trọ ký túc xá, chứ chưa dọn vào nhà hội.
Mỗi hữu xã có nội quy riêng: mọi người gọi nhau và coi nhau như anh em một gia đình. Thật vậy, tiêu ngữ của nhà trường là câu tiếng Pháp "Sous les Lois de Minerve, nous devenons tous frères" (Dưới luật lệ của thần Minerve, tất cả chúng ta trở nên anh em một nhà). Ăn ở chung với nhau trong một toà nhà rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, họ dìu dắt nhau trên con đường học vấn. Họ có đầu óc quốc tế.  Chẳng hạn, theo phương án gọi là HELP (Higher Education for Lasting Peace), tạm dịch là "Giáo dục cao đẳng để tiến tới một nền hoà bình vĩnh  cửu".
Mỗi nhà trong số mười hữu xã trong trường, bảo trợ một sinh viên từ nước ngoài đến học, bằng cách hàng  tháng góp mỗi người vài ba đô la để bao cho anh sinh viên ngoại quốc ăn ở không mất tiền - trong khi nhà trường cấp học bỗng về học phí, nghĩa là cho miễn tiền học, năm ấy (1948-49), chỉ khoảng năm trăm đô la mỗi năm mà thôi.

Có người mách tôi làm đơn xin chính phủ Việt Nam tiền lộ phí. Quả nhiên, ông Thủ hiến Bắc phần Nghiêm Xuân Thiện đã chấp thuận lá đơn của tôi và cấp mười lăm nghìn bạc Đông dương, cho tôi có tiền mua vé máy bay của hãng Air France đi từ Hà Nội sang New York qua ngã Sài Gòn và Paris. Sở Liêm Phóng Liên Bằng của Pháp, lúc cấp giấy phép cho tôi xuất ngoại và thông hành "Liên hiệp Pháp" (Union Francaise), còn bắt đóng một số tiền ký quỹ để nếu "lơ tơ mơ" làm điều gì xằng bậy, thì họ dùng số tiền đó để giao trả mình về nguyên quán bằng tàu thủy.

Bắt đầu từ năm 1950, rồi về sau nữa, sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học bằng học bỗng của những trường tư (công giáo) hay của chính phủ Mỹ đều được tiền sách, tiền tiêu vặt. Chứ năm 1948, tôi không được ai cấp cho những khoản đó. May thay tôi được cả ông xếp tôi lả ông Edwin C. Rendall lẫn giáo sư John F. Embree giúp đỡ. Ngay khi chắc chắn là tôi nhận học bỗng để qua học ở Schenectady, thì ông Rendall cho phép tôi được lãnh một phần lương bằng tiền đô la, rồi mỗi kỳ lương (hai tuần phát một lần) gửi sang cho ông cụ thân sinh ra ông, để vào ngân hàng ở Morrison, Illinois cho tôi. Giáo sư Embree thì còn làm một việc cảm động hơn nữa. Khi đã trở lại dạy học ở New Heaven, tiểu bang Connecticut, ông viết thư cho tôi và ông xếp tôi, nói là đã liên lạc với một số kiều bào Việt Nam ở vùng Nữu Ước để yêu cầu họ giúp tôi. Đồng thời ông gởi cho tôi vay một món nợ danh dự: bốn tấm chi phiếu, mỗi tấm năm mươi mỹ kim (hai trăm đô la lúc ấy nhiều lắm), để phòng hờ, lúc tôi mới chân ướt chân ráo đến Mỹ lỡ cần đến chăng thì ông tạm giúp tôi "lúc xe hỏng".
 
Giấy má xong, kể cả chiếu khán sinh viên đầu tiên do Lãnh Sự Quán Mỹ cấp, tiền vé có rồi, đến chuyện quần áo mặc rét và va li nữa chứ! Tôi có mỗi một bộ hàng "tropical" màu kem, vài chiếc sơ mi và cà vạt, may ô quần đùi, một đôi giày da nâu. Chỉ cần mua một chiếc va li da giả là được rồi.
Hôm 28/8/1948 tôi rời Hà Nội. Tôi đội cái mũ dạ bo thật to, tưởng mình hợp thời trang lắm. Khi máy bay ghé Calcutta, Ấn Độ, mới thấy là không hợp thời tiết. Rồi khi đặt chân đến Mỹ thì ý thức ngay rằng, người sinh viên ở đại học không ăn mặc như tài tử xi nê.
Gia đình và năm sáu anh bạn thân đến hãng máy bay Air France ở phố Paul Bert để tiễn tôi, trước khi  chiếc xe ca cũ kỹ của hãng chở hành khách sang phi trường Gia Lâm. Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy! Lần đầu tiên tôi xa những người ruột thịt, xa bạn bè, và nhất là xa nơi chôn nhau cắt rốn, để đi sang một nơi xa lạ trong một cuộc "phiêu lưu mạo hiểm" với mục đích cầu học chốn tha phương.
Mừng mừng tủi tủi, tôi khóc chào cha tôi, cũng lần thứ nhất xa thằng con út. Ông dặn tôi:
"Con cần giữ gìn sức khỏe để học cho chăm, làm vẻ vang cho nòi giống mình. Hàng ngày buổi sáng đừng quên đi hết bài quyền Ngọc Trản  nhé! Và nhớ viết thư đều cho ở nhà khỏi sốt ruột. Thôi, con đi đi cho may mắn! Nhớ giữ thanh danh của họ Nguyễn Đình nhà mình đấy!".

Tôi được ghé Sài Gòn vài hôm để thăm gia đình một bà chị theo chồng vào Nam từ 1940, và gia đình vợ chưa cưới của tôi. Đoạn đường từ Sài Gòn sang Paris cũng lý thú, phải ghé Calcutta, ngủ đêm Karachi, rồi ghé Athens, Iceland, trước khi tới Paris. Tại kinh đô nước Pháp, nhờ vài anh bạn nhà giàu (sang đó du lịch đã vài ba năm), hướng dẫn nên tôi cũng được tham quan mấy nơi thắng tích. Nhưng vẫn sốt ruột mong chóng qua bên Mỹ cho kịp ngày khai trường.
Chuyến bay từ quê tôi sang Nữu Ước mất tất cả năm mươi bảy giờ bay, thật là một kinh nghiệm khó quên. Những ai dùng máy bay phản lực ngày nay đi vèo vèo từ lục địa này sang lục địa kia, khó mà ý thức được cái cảm giác ngỡ ngàng, bàng hoàng, ngây ngất của anh sinh viên 24 tuổi ra đi cầu học, và bỗng nhiên chuyển sang một môi trường hoàn toàn xa lạ để hít thở không khí khác. Đụng chạm với người lạ, cố thích ứng với phong tục, tập quán không quen thuộc, ăn thức ăn lạ, nói ngôn ngữ lạ, hàng ngày chỉ mong chạy về cái bàn viết... để viết thư, viết nhật ký bằng tiếng mẹ đẻ, hết trang nọ đến trang kia.
Ôi! Sao mà những chữ cái trong vần quốc ngữ mà cụ đồ ở trường Trí Tri, phố Hàng Quạt, vỡ lòng cho tôi mấy chục năm trước, nó đẹp, nó tươi mát đến thế! Tôi nhớ lại lời căn dặn của cha tôi, của giáo sư Nguyễn Văn Tòng, tôi giở sách Légendes des Terres Sereines của Phạm Duy Khiêm ra đọc lại những cổ tích Việt Nam. Và lúc đó tôi tự nguyện là trong khi học hỏi về ngôn ngữ và văn hoá Anh-Mỹ, tôi sẽ gia công đọc, ghi và viết, ghi và viết mãi, để không bao giờ quên cội nguồn của chính mình.

Mùa thu năm nay, 1988, kỷ niệm bốn mươi năm từ khi tôi rời Hà Thành yêu quý, tôi xin được phép tưởng nhớ đến số nhà 65 phố Hàng Bạc, 13 ngõ Văn Tân, 40 phố Hàng Bè, 141 phố Đường Thành, 22 phố Tien Tsin, 35 phố Châu Long, ngần ấy địa chỉ biểu lộ quá trình "a.b.c không có nhà đi ở thuê" của gia đình chúng tôi.
Tôi cũng xin được phép nghĩ đến những mái trường Trí Tri, trường Hàng Vôi (lấy tên Đô đốc Courbet), trường Bờ Sông hay Trường Kế (lấy tên ông Đồ Phổ Nghĩa, tức Jean Dupuis), rồi trường Bưởi...
Nghĩ đến những vị ân sư của tôi: thầy Đào Huy Huân, thầy Đàm Trung Trước, thầy Phan Trọng Kiên, thầy Đào Văn Minh, rồi lên trung học thì thầy Phong, thầy Tường, thầy Chương, thầy Phú, thầy Hoán,  thầy Quỳnh, thầy Khang, thầy Chính, thầy Phục, thầy Hàm, thầy Mạnh Tường, thầy Tố, thầy Hãn, thầy Nghị... đã ra đi gần hết.
Cũng như những bạn đồng song của tôi: Thanh "sứt", Giễm "toét", Lưu "điên", Bằng "nháy"... và bao nhiêu bạn khác tản mạn khắp bốn phương trời.
Tất cả đã dạy tôi rất nhiều điều về phong cách một anh học trò Việt Nam, cũng như cốt cách một con người Việt Nam... mà cha mẹ tôi qua bao năm trời đã dày công chăm lo giáo dưỡng trong tôi.


Nguyễn Đình Hoà




--------
Nguồn: VĂN, số 75, tháng 9/1988.



                             

Saturday, December 22, 2018

QUÊ XƯA THẦY CŨ


Huyền Châu

Huyền Châu viết lên bao kỷ niệm ở quê nhà lúc tuổi thơ. 

 
Hôm nay Thu về rất sớm. Sáng nay trời vẫn mưa lâm râm, sương mù giăng trắng đục, gió thổi nhẹ đưa những cành cây nghiêng ngã, lá vàng rơi!
Mới đó mà đã mười ba mùa Thu xa quê hương. Xa bao nhiêu bạn bè thân thuộc, đêm đêm khi thức giấc càng nhớ càng buồn.
Suốt đêm qua trằn trọc thâu đêm khi nghe cô Lệ Hằng nhắc tới ngày kỷ niệm 50 năm của nhà thơ "Hàn Mạc Tử". Lòng tôi càng thương tiếc một nhà thơ lớn, đã ra đi vĩnh viễn khi tuổi đời chưa đến ba mươi. Cũng vào một chiều Thu năm 1940 tại Qui Nhơn trong làng Qui Hoà.
Trước hai năm đó ba chị em tôi là ba con bé, tôi tuổi 15, chị tôi 16 và em tôi 14. Trên đường đi học về mỗi ngày hai buổi, đi ngang qua nhà Thầy tình cờ một buổi trưa hè trời vừa tắt nắng. Gió biển thổi nhẹ phớt qua hàng thông reo vi vu. Có tiếng kêu sau lưng:
"Bạch, Châu, Quy"
Chị em tôi cả ba quay lại, thì ra anh Nghĩa đang đứng trước nhà với một người con trai xa lạ, anh Nghĩa giới thiệu:
Đây là anh Nguyễn Trọng Trí . Còn đây là ba chị em, Bạch là chị, Châu là trự này, còn út là Quy. Trự Châu này làm thơ hay lắm mà cũng xạo một cây! 
Tôi cãi:       
Anh giới thiệu gì ác ôn vậy? Tui biết viết thơ tình chớ tui đâu có biết làm thơ. Hai chuyện đó đâu có giống đâu, mà có viết thơ là viết dùm cho anh để gởi cho chị Thuỳ, chớ có viết cho ai đâu nà! 
Anh Trí cười to, "chết toi em chưa? Khi không gặp cô bé này khai huỵch toẹt". 
Tôi phân trần:   
Anh Trí biết không, anh Nghĩa học cao nhưng viết thơ cho bồ, viết khô như dăm bào củi mục, không ướt át mùi mẫn gì ráo trọi à! Nhờ em o bế gò gẫm nên vần thơ mới khiến người đẹp mê ảnh quá mạng. 
Em giỏi quá! Em thông minh quá, làm sao mà em còn nhỏ mà biết viết thơ tình? Em đã sống thật trong cảnh đó sao? Hay là em tưởng tượng... thì khổ lắm. 
Tôi ngon lành vênh váo: 
Dạ đâu có, em đọc văn Tự Lực Văn Đoàn em ăn cắp... mà nè anh làm thơ hay, anh dạy em với nghe. Nhà anh ở đâu? Cho em lại chơi được không?
Anh Trí gật đầu: "ừ mai mấy em lại đây chơi, nhà anh ở đây, muốn học làm thơ anh dạy cho các em".
Trên đường về con chị và con em của tôi mắng tôi hết chỗ nói, bảo là: "Đồ vô duyên mất nết. Đứng trước mặt anh Trí đoàn hoàn mà nói xạo, nói một dây dài không biết mắc cở. Họ chê mày có tài đi đâu cũng tía bà, dành nói một mình, không cho ai nói!... " 
Tôi nổi sùng:       
Bạch Trang mày đừng có xài xể tao nghe mày! Tại tụi bay không chịu nói, cứ mãi cầm chiếc nón trên tay lo le, khi thấy họ nhìn bay lại quay mặt đi nơi khác. Còn tao há! Đi đứng đoàn hoàn, khi nói chuyện tao nhìn thẳng mặt họ, nói ngay thẳng như ruột ngựa, như vậy mới là xã giao... 
Con em tôi nó nguýt tôi như dao bén:   
Ai mà cãi lại cái miệng chị? Chị hẹn ngày mai lại, chưa chắc gì chị dám tới!
Tôi cam đoan:"ừa mà mai tao đi, tụi bay còn phải năn nỉ tao xin theo nữa là khác".  
Đêm nay trăng thượng tuần đã mọc sớm. Ánh trăng  mờ mờ như chiếc lưỡi liềm nằm vắt ngang các vì sao sáng, từ từ lướt qua áng mây bay. Tôi đang ngồi dưới gốc cây khế, lòng đang lo nghĩ ngày mai đến nhà anh Trí không biết vô đề những gì cho êm ả cho ngon lành. Bỗng đâu hai con nha đầu kia đến làm lành với tôi: "Nói chơi với mày, chớ thiệt tao với con Quy phục mày quá xá! Mày dám ăn nói bạo, mới nghe qua anh Nghĩa giới thiệu với anh Trí, là mày gọi anh Trí liền. Làm như mày quen thân đời nào. Cũng chẳng biết anh ta bao nhiêu tuổi, đã có gia đình chưa? Ngày mai lại nhà người ta... biết họ... "  
Tôi cười ra vẻ sành đời: "Tại tụi bay cứ cười duyên quay lưng chỗ khác. Bay đâu có nhìn rõ mặt ai đâu! Tao nè, tao nhắm tướng người giỏi lắm, hồi còn ở nhà thầy tao học rồi, có kinh nghiệm nhiều, nên những gì tao nói là đúng y chang. Anh Trí, tao nhắm chừng chưa đầy ba mươi tuổi, đường trán cao rộng, tao cho là người rộng rãi vị tha, đôi mắt anh dài là mắt nhiều tình cảm, mũi anh thẳng, lưỡng huyền đều hơi xoan xoan là người hiền. Nhưng đôi tai của anh nhỏ, vành hơi dày... !"

Sáng nay chúa nhật, sau khi đi lễ nhà thờ xong, ba chị em tôi lại nhà anh Trí. Ba chị em đều rụt rè, thập thò không dám vô, may nhìn cửa mở hé, hai con xí xọn đẩy tôi lại cửa. Cánh cửa mở, tiếng trong nhà gọi ra: "Ai đó! Vô nhà!". Tôi rón rén bước vô. Anh Trí mặc bộ py ra ma trắng có viền màu xanh dương, đang ngồi trên ghế viết bài. Trên bàn sách vở bày ra rất nhiều, bên cạnh bàn có bình trà và tách.
Ba chị em tôi lễ phép:
Thưa kính anh. Hôm qua anh cho phép tụi em lại để thọ giáo thầy, mong thầy giúp đỡ cho bài vở, gần ngày thi. Riêng hai chị của em học giỏi, có mình em học dở quá! Xin anh vui lòng nhận cho. Ba chị em từ đây về sau là đệ tử của thầy.
Anh nhìn ba chị em tôi cười hiền:
Được rồi, thầy sẽ chấp nhận các em, lúc cần là đem lại đây thầy chỉ dạy, nhưng với điều kiện là thầy không lấy thù lao, thầy miễn phí cho các em...
 
Gần nửa năm đến học thầy mỗi ngày chúa nhựt. Có hôm tôi làm bài luận sai, mà tôi làm tàng lúc ngồi viết lấy tay chận che, sợ con chị và con em copy, thế rồi tôi cũng bị hột vịt bự. Tôi bực tức đem lại đưa thầy coi:
"Thầy ơi, bài luận em làm như vậy mà bà sơ cho hột vịt, thiệt tức muốn bể cái ngực".
Thầy lấy sách mở ra xem. Thầy mĩm cười:
 "Em viết sai còn bực tức nỗi  gì? Tại sao người ta hỏi 'trên trời' mà em trả lời 'dưới đất'. Bà sơ hỏi: trò trả lời cho biết: Hoàng hôn có những gì? Bình minh có những gì? Em trả lời: Hoàng hôn mỗi chiều nắng tắt ngoài đồng, các cô thôn nữ rủ nhau đi về nhà, chú mục đồng ngồi lưng trâu thổi sáo và dẫn trâu về nhà dùng cơm tối. Bình minh lúc năm giờ sáng, những người trong xóm gánh hàng ra chợ bán, họ vừa đi vừa chạy, họ mệt họ thở, họ ngồi xuống quán nhỏ bên đường uống nước trà huế trà tàu..."  
Thầy nói xong cười to, hai con nha đầu cũng cười, mặt tôi bí xị cũng cười theo.
Chiều nay khi đi học về ghé vô thăm thầy, thầy nằm xây mặt vào vách đấp mền. Nghe tiếng động, thầy quay lại nhìn ba chị em tôi. Tôi nhìn thầy ái ngại, mặt thầy đỏ hồng. Tôi lại gần sờ trán thầy, nóng quá!
Thưa thầy bị cảm nặng, thầy ráng ngồi dậy cho tụi em cạo gió cho thầy.
Thầy ái ngại lắc đầu: "khỏi làm phiền mấy em!"
Bạch Trang lấy đồng xu, chén nước lạnh đến bên thầy... thầy không chịu. Tôi đè thầy xuống vén áo sau lưng cho con Trang cạo. Linh Quy đi nhóm lửa nấu cháo, tôi định đứng dậy, Trang nháy mắt ra dấu đè tay thầy, sợ thầy trở mình không cho cạo. Linh Quy nấu cháo xong múc ra chén, đem lại bàn mời thầy dùng cháo với muối. Thầy mệt nhiều đi đứng khó khăn. Tôi đề nghị với tụi nó đi mua lá xông nấu cho thầy xông. Vừa lúc ấy có một chị mặc bộ đồ dài trắng xách giỏ bước vô nhà, thấy chị em tôi bu quanh thầy, chị nhìn cười. Thầy giới thiệu:
Đây là Mai Đình nữ sĩ đó các em, nàng là đồng nghiệp với anh, thỉnh thoảng cô lại đây thăm thầy.
Tôi thân mật:
Thưa cô, hân hạnh chị em em mới biết cô. Tụi em mỗi ngày chúa nhật thường đến thăm thầy mà không được gặp cô. Bữa nay đi học về sớm vô thăm, thấy thầy bị cảm, thân mình nóng như lửa, tụi em đè thầy nằm xuống cạo gió. Thầy dằn co, em phải ngồi đè thầy cho chị em cạo.
Mai Đình cười hắc hắc. "Ảnh lúc này thường bị cảm mỗi chiều, chị không biết cạo gió, chị cho ảnh uống thuốc cảm, đôi khi ảnh cũng bảo là khỏi uống cũng mạnh, tại ngủ ít thành như vậy".
Nghe giọng chị nói sửa giọng tiếng Bình Định, nhưng giọng Bắc cũng còn lơ lớ. Tôi nịnh, khen: "cô có giọng nói êm dịu quá, tiếng Bắc tiếng Bình Định giống nhau, cũng như thầy em nói cả hai thứ tiếng Bình Định và tiếng Huế.
Bạch Trang thấy tôi nói nịnh, hắn khều tôi, "xin chào thầy đi về kẻo tối ở nhà trông. Hơn nữa lúc chạng vạng mà đi về ngang qua miễu Cô Hồn là lãnh đủ".
Trên đường về chị em tôi nói lén, Linh Quy nói cô Mai Đình mà sóng mũi cao như mũi chị Hai chắc đẹp lắm, còn thân hình cô tròn mà không cao bằng thầy mình uổng quá.
Tôi làm ra vẻ hiểu đời:
Ê tụi bây nghĩ sao? Thấy sao? Có để ý không? Còn tao liếc thoáng qua con ruồi bay qua là biết con ruồi nào là đực, con ruồi nào là ruồi cái! Cô Mai Đình yêu thầy lắm đó.
Bạch Trang hỏi:    
Mày căn cứ ở đâu mà mày dám nói đại vậy?
Tao thấy trên miệng túi áo của thầy có thêu hai chữ tréo lại là M. H.
Linh Quy xen vô:
Hèn chi ở dưới nhà bếp sạch sẽ,  nấu ăn thấy để trong tủ lưới, em lấy làm lạ mà em không dám nói.
Tôi cãi. Đâu  phải. Có lẽ bà cụ má của thầy lại nấu cơm cho thầy ăn, hay là các anh em của thầy, tất cả năm người. Bà cụ đặt tên con hay lắm: "Nhơn, Nghĩa, Lễ, Trí, Tôn". Chẳng khác nào má của bà Năm Phỉ đặt tên con: "Công, Thành, Danh, Toại, Phỉ, Chí, Bia, Truyền, Tạt, Để".
Bạch Trang khen: mày hay lắm, hay học lóm của người ta nên mày hiểu nhiều hơn tụi tao. Bây giờ tao đề nghị, chung tiền mua vải, chỉ thêu, thêu khăn tặng thầy kỷ niệm.
Linh Quy tán thành: ừa phải, mỗi đứa thêu hai cái khăn, phải làm cho đẹp, rút rua xung quanh, thêu chỉ tréo trong góc.
Tôi đồng ý nhưng ngẫm nghĩ. "Không được thêu hai chữ, theo tao thấy thầy có nhiều chữ lắm, bữa hôm trước vô tình mà tao coi lén thơ của thầy, một nữ độc giả từ Phan Thiết gởi cho thầy có tên đẹp lắm, Mộng Cầm, lại còn có cô tên Hồng Sương nữa. Như vậy con Trang thêu hai cái, để tên là C.T. , còn Linh Quy hai cái để tên H.S. , phần tao hai chữ M.T. Như vậy là trong sáu cái khăn có tên ba người đẹp."

Một tuần sau, thêu rồi sáu cái khăn. Khăn đứa nào thêu xong cũng nhìn sạch sẽ và đẹp, còn khăn tôi thêu đã xấu mà đen. Khi đem tặng thầy đứa nào cũng mắc cở không dám đưa, đem đi rồi lại đem về. Bữa sau tôi làm dạn kêu to:
Thầy ơi! Tụi nó thêu khăn tặng thầy mà không dám đưa.
 Nhìn phía sau, tụi nó bỏ chạy hết. Tôi cũng chạy ra cửa theo tụi nó luôn, để đại gói khăn bao giấy màu thắt bông trên bàn.
 
Nhà thầy mướn ở gần đường đi ra mé biển, nên thuận đường nhà tụi tôi đi học phải đi ngang qua. Mỗi khi đi ngang, nhớ bẻ vài cành bông đem vô nhà thầy cắm trên bàn thờ Chúa. Thầy sùng đạo, gia đình thầy đạo giòng. Thánh thiện lắm, trên bàn thờ một thập tự giá, quyển kinh. Hôm kinh mai, thầy nhớ lúc nào cũng cầu nguyện.
Sáng chúa nhật hôm đó đi nhà thờ định rủ thầy đi luôn. Ghé vô thấy thầy ngồi bên cạnh chiếc bàn mặt tái xanh. Bạch Trang hỏi thầy, thầy bảo đau bụng, nhỏ ra vẻ chị cả:
Nè con Quy xuống bếp nấu nước gừng cho thầy uống ấm bụng, con Châu đi mua thuốc ỉa cho mau về, thầy uống. Còn tao quét nhà, tội nghiệp thầy, nhà thầy mà chị em tôi xem như nhà mình, muốn làm gì thì làm, nói sao thầy nghe vậy.
Ngày chúa nhựt nhà thuốc tây trên đường Gia Long đâu có bán. Tôi chạy lại tiệm bà Phán Hạt gần chợ, tiệm nhỏ mà bà bán thuốc kiết, thuốc ỉa hay lắm.
Tôi lại mua:
Bà ơi! Bán cho tôi thuốc ỉa.
Bà mang đôi mắt kiếng nhướng lên nhìn tôi hỏi:
Thuốc ỉa hay thuốc kiết? Thuốc kiết là bị kiết lâu ngày, mỗi lần đi khó khăn đau đớn. Còn thuốc ỉa là đi "sông" hoài, hai thứ khác nhau, còn có thuốc xổ ỉa nữa.
Tôi ngơ ngẫn:
Tại chị tôi kêu đi mua thuốc ỉa, đâu có nói mấy thứ kia, bà bán thuốc ỉa cho tôi.
Tôi co giò chạy lẹ về cho mau thầy uống. Bạch Trang hắn thấy tôi về, hắn đón ngay ngoài cửa giựt lẹ gói thuốc trên tay, bước vô rót nước đem lại bàn đưa cho thầy uống.
Thầy ơi! Thuốc nè mau uống cho hết bệnh.
Thầy bưng chén nước để lên miệng, tay cầm gói thuốc nhỏ đã mở sẵn định uống, bỗng đâu thầy coi lại ngoài bao thầy cười hắc hắc.
Chúa ơi! Thuốc này là thuốc xổ, thầy đi "sông" nhiều, phải uống thuốc cầm... sao lại còn uống xổ, may mà thầy coi lại, không chết luôn.
Con Trang nó ký đầu tôi mắng:
Cái con này ngu như con bò, ai biểu mày đi mua thuốc xổ?
Ai biểu mày kêu tao mua thuốc ỉa, tao tưởng thầy ỉa không được, may phải hồi nãy tao mua thuốc kiết về thì nó cũng là ỉa chớ khác gì đâu.
Linh Quy nhỏ đứng sau bếp cười như điên, thét rồi Bạch Trang với tôi cười luôn... may nhờ thầy uống nước gừng, thoa dầu vào rún nên ấm lại bớt nhiều.

Ngày Tết nguyên đán Canh Thìn 1940, đến chúc tết thầy. Buổi sáng đẹp trời vào nhà thấy chị Mai Đình ngồi. Tôi ái ngại:
Thưa cô, năm mới tụi em chúc cô thầy khang an thịnh vượng, hạnh phúc và vui vẻ.
Cô cười bảo:
Nè từ nay trở lên gọi tui là chị cho thân mật. Gọi theo văn nghệ sĩ vì văn nghệ sĩ không có tuổi nghe em. Còn gọi anh Trí theo bút hiệu là anh "Hàn Mạc Tử" cho ra vẻ, đừng gọi thầy, lại còn gọi cô! Chị với anh Trí chỉ là bạn, đôi bạn nghèo...
Tôi ngạc nhiên thơ ngây hỏi:
Ủa mà sao em thấy chị hằng ngày ở đây săn sóc lo lắng cho thầy, có khác nào tình chồng vợ. Sao chị lại phủ nhận tình thầy em?
Chị buồn buồn:
Em tưởng vậy mà không phải vậy! Anh Trí có nhiều người yêu đẹp lại giàu sang, còn chị nghèo nàn, anh coi chị như đứa em gái, mặc dù chị yêu ảnh nhiều...
Ủa ai là người đẹp đâu em không thấy?
Em không tin em đi ra mé biển, em sẽ thấy ảnh cùng người đẹp từ Phan Thiết ra. Cặp tay nhau đi hứng gió.
Tôi tội nghiệp chị Mai Đình, suy nghĩ:  À để em ra biển xem mặt người đẹp!
Từ nhà ra biển rất gần. Sáng nay bãi biển vắng người, ghe chài lưới không ai làm, vì ngày tết. Tìm không thấy thầy đâu, tôi đi dài theo mé biển lên gần "Gành Ráng", xa xa mới thấy hai người cặp tay nhau đi chầm chậm. Tôi chạy một mạch đến sau lưng thầy kêu:
Thầy ơi! Về nhà ăn cơm.
Cả hai cùng quay lại, tôi thở hỗn hễn đưa tay kéo tay thầy nắm chặc.
Thầy đi về ăn cơm rồi còn đánh bài chòi!
Người đẹp nhìn tôi ngơ ngẩn. Thầy nhìn tôi thầy cười, đưa tay sửa mái tóc tôi thân mật.
Coi kìa chạy đi đâu mà tóc tai xơ xác. Bữa nay thầy nhìn em ra vẻ con gái... mặc áo màu cà, đeo kiềng vàng trông đã trộng, thầy sắp được uống rượu... nhưng tánh vẫn trẻ con. À đây em, Mộng Cầm người yêu của thầy.
Tôi bí xị:
Thiệt hả chị? Chị yêu thơ hay là chị yêu như chị Mai Đình nữ sĩ? Hai thứ khác nhau.
Câu hỏi ngây thơ của tôi làm chị bật cười. Chị yêu bài thơ "Trăng ơi trăng, ai mua trăng tui bán trăng cho... " Chị bảo phải chi chị có máy hình, anh em mình chụp để kỷ niệm đầu xuân. Ở Phan Thiết cũng có "Lầu ông hoàng". Tôi cản:
Có máy cũng không nên chụp ba người, kiêng lắm! Em nghe bà ngoại em nói là chụp ba người phải có người chết!
Anh Trí nhớ lại:
Vậy mà bữa trước chụp ba người, có dì Hồng Sương trong đó.

Về nhà tôi nói nhỏ với hai con nha đầu:
Nè tụi bay biết không, hồi sáng lúc ra biển tao kéo tay thầy về ăn cơm, tao thương chị Mai Đình, tao muốn phá đám, tao nắm tay thầy chặc hồi lâu không buông. Nhưng tao cảm thấy...
Bạch Trang nói lẹ:
Phải đó, tuổi dậy thì của mầy bắt đầu biết cảm giác đó!
Tôi nạt to:
Bậy nà, tay thầy như nặng nặng...
Linh Quy làm tàng:
Chị hai nói đúng đó, bàn tay thầy nặng là tại lâu nay thầy kêu nhức mỏi hoài đó!

Ngày tháng lần lượt theo thời gian, thầy bị bịnh ngặt nghèo, người nhà đưa thầy đi xa dưỡng bịnh, biết được thầy lên Gò Bồi nhà người cậu.
Tôi cùng Linh Quy quá buồn, Bạch Trang qua Pháp, thầy lại đi dưỡng bịnh xa. Riêng tôi cũng sắp sửa vô Sài Gòn. Một hôm hai vợ chồng anh chị tôi từ Gò Bồi xuống thăm ba má tôi, tôi hỏi thăm:
Chị Sáu ở trển chị có gần nhà thờ không? Có nhà thương chữa bịnh không? Mỗi khi em lên Lương Tài thăm ngoại mà em không thấy.
Chị bảo:
Chị ở mé trong chợ, nhà thờ ở mé trên, sau nhà thờ là miếng đất rộng, mấy người có đạo họ cất nhà tranh ở đó, lên đó không xa mấy.
Không biết sao chiều nay tôi buồn ray rức, mà từ bé đến giờ chưa có bao giờ biết buồn. Ngồi thẩn thờ dưới giàn hoa thiên lý, trên chiếc võng cột ngang gần cạnh ao sen. Nhớ Bạch Trang, nhớ lại bút hiệu của thầy mà rùng mình tự hỏi, sao thầy lấy bút hiệu "Hàn Mạc Tử". Hàn mạc đến chết! chết trong cảnh nghèo! chết trong cô đơn!. Linh tính làm cho tôi xao động. Tôi thương nhớ thầy vô hạn, tôi khóc nức nở. Linh Quy rửa chén trong bếp bước ra cặp mắt đỏ hoe, hắn thút thít chậm nước mắt nói nhỏ: em nhớ thầy quá à!
Sáng hôm sau chị em tôi theo anh chị tôi về Gò Bồi. Sau đó lên Lương Tài thăm ngoại tôi cách đó ba cây số. Đi bộ lên không xa, ngồi trên chiếc đò nhìn mái chèo rẽ đôi mặt nước, mùi nước mộc mạc thoáng bay tôi càng buồn. Biết rằng chuyến đi này là lần sau chót, không biết ngày nào trở lại.
Lên đến nơi trời đã quá trưa. Vừa lúc đó gặp chị Mai Đình đi chợ về, mừng quá chị em tôi lăng xăng bên chị hỏi thăm thầy. Chị buồn rưng rưng nước mắt:
Hai em ơi thầy bị bịnh nan y, cấm không cho ai lại gần, chỉ có mình chị nuôi cơm nước hằng ngày, thay quần áo sạch sẽ. Chắc thầy khó mà lành được.
Nhìn chị tôi thấy thương hại. Mới cách xa vài tháng mà thân hình chị gầy ốm, già trước tuổi! Linh Quy thơ ngây:
Phải chi hồi đó chị Mai Đình chịu đám cưới, chắc được đứa con nối nghiệp cho thầy.
Mai Đình lắc đầu chán nản:
Không có đâu em, thầy xem chị như đứa em, đến sau có tình cảm yêu thương thì thầy trở bịnh nặng nề...
Tôi thắc mắc:
Như chị là vậy, còn Mộng Cầm, Hồng Sương thì có như chị không?
Thầy đã nói thiệt cho chị nghe như trối trăn, tình  yêu mấy người đó rất sâu đậm, nhứt là Mộng Cầm. Nhưng chưa bao giờ hoen ố. Thầy giữ gìn cao đẹp, hứa hẹn sẽ đi đến hôn nhân thật sự.
Chị cố gắng cho chị em thăm gặp mặt thầy lần chót, trước khi em lìa quê đi xa. Em rất lo lắng tuổi hai mươi tám của thầy, năm nay bị sao La Hầu nặng lắm!

Theo chị đi vào đường nhỏ gần nhà thờ, phải đi tuốt tận trong xa. Một mái nhà tranh nhỏ quay mặt ra giữa cánh đồng. Trong nhà đặt một chiếc giường nhỏ cho thầy nằm, một bàn bốn ghế gỗ, thứ gỗ rẻ tiền, một bàn thờ Chúa, có một chiếc ghế bố xếp lại dựng bên góc nhà.
Thầy nằm trên giường buông tấm mùng trắng. Tôi rón rén bước lại gần vén màn, tôi bụm mặt  khóc, Linh Quy khóc theo. Thầy nói nhỏ trong đau đớn:
Đừng khóc! Giờ phút này được gặp mặt các em vừa kịp lúc Chúa đã cất phần anh do ý Chúa! Con người  "sanh lão bệnh tử", ai ai trên thế gian này sao tránh khỏi. Các em còn nhỏ, lúc nào nhớ đến thầy, cầu nguyện cho thầy, dầu hai mươi, ba mươi hay năm mươi năm nếu còn mạnh giỏi trên trần gian.
Tôi nghẹn ngào, chị Mai Đình đưa mắt nhìn tôi, tôi hiểu ý bước ra, liếc thấy trên tay thầy quấn chiếc khăn nhỏ của ba chị em tôi thêu tặng.

Trưa nay trong trường nữ công Mỹ Ngọc, tôi được thơ Linh Quy từ Qui Nhơn gởi vô cho biết ngoại của tôi bệnh nặng về gấp.
Trên chuyến xe lửa về  đêm lăn bánh trên đường sắt rền vang, lòng tôi bâng khuâng trông mau đến nhà, có dịp lên Gò Bồi thăm thầy luôn.
Về đến sân ga nhỏ "Diêu Trì", một buổi chiều cuối thu mưa rơi ảm đạm. Hàng cây ngô đồng đã rụng lá đứng xơ vơ.
Linh Quy đón tôi nở nụ cười mừng rỡ. Trên toa xe trở xuống Qui Nhơn khoảng đường gần mười cây số. Tôi hỏi vội em:
Sao ngoại đau bịnh gì hở em?
Em tôi buồn:
Chị ơi! Bịnh ngoại là bịnh già tuổi cao, một trăm tuổi như ngọn đèn lụn dầu chưa biết tắt lúc nào, nên cần chị phải có mặt... Còn thầy của chị em mình đâu còn nữa! Thầy đã ra đi vĩnh viễn mới đây cũng một sáng thu, trong nhà thương Tuy Hoà.
Tôi như muốn đứng tim. Không khóc được, bàng hoàng như trong giấc mơ, tôi không biết nói sao cho vơi đi nỗi lòng sầu thương người thầy, mà chị em tôi coi như là cha sinh.

Bốn giờ chiều hôm đó, tôi theo em lên đèo "Vũng Dừa" vô làng Qui Hoà nhà thương cùi. Khi đi ngang qua "Lầu ông hoàng", hình ảnh thầy cùng chị Mộng Cầm hiện ra cảnh cũ. Nhìn qua chân đèo, mé trước là một xóm nhà to nhỏ, có nhiều hàng thông xanh đứng xấp lớp bên nhau. Mé kia là biển xanh, mặt nước lững lờ buồn xao động. Xa hơn nữa là một nghĩa trang có những ngôi mộ trắng. Chị em tôi đến nơi, tìm đến nghĩa trang, chẳng bao lâu tôi đã đứng trước ngôi mộ vừa mới đắp, có dựng mé trước một cây thập tự giá to. Tôi quỳ xuống lâm râm cầu nguyện.
"Thầy ơi! Có đau đớn nào cho bằng tử biệt sinh ly. Em khóc thương thầy tuổi đời mới hai mươi chín, đã lìa xa kẻ thân yêu ra đi về với cát bụi. Nằm đây hiu quạnh có một mình. Nhưng tên tuổi của nhà thơ Hàn Mạc Tử chắc là chẳng ai quên. Em cầu mong sao em được sức khỏe cho đến tuổi già, những ngày giỗ kỷ niệm của thầy, em sẽ nhắc lại cho cùng các bạn nhớ tên thầy Nguyễn Trọng Trí, đã sống trên quê hương Qui Nhơn hai mươi tám năm chào đời... "

Chiều xuống dần, mặt trời khuất sau đỉnh núi, gió biển thổi mạnh, tiếng thông reo vi vu bất tuyệt hoà lẫn đàn chim chiều bay cao về tổ cất tiếng kêu lẻ bạn.
Kính dâng hương hồn thầy về nơi cõi bình an với Chúa. Đứa học trò của thầy vẫn nhớ "Cảnh xưa thầy cũ" trong tim mãi mãi.

Huyền Châu



------------
Nguồn: VĂN, giai phẩm xuân Tân Mùi
Số 102 & 103, tháng 01/1991








Wednesday, December 19, 2018

CHUYỆN RUỒI BU




Nguyễn Thạch Giang



Trường Trung học cơ sở Tân Lập hôm nay vui như một ngày hội, thầy giáo cô giáo ăn mặc đẹp lăng xăng đi tới đi lui í a í ới gọi nhau, học trò thì tụm năm tụm bảy chen lấn coi ban văn nghệ của trường đang tập hát tập múa trình diễn phúc khảo, chuẩn bị cho buổi thi đua văn nghệ giữa các cơ quan toàn tỉnh.
Cô giáo Mỹ Lan bước vào văn phòng thầy hiệu trưởng, cô có một việc phải hỏi cho ra lẽ. Nhạc cảnh "Điệu múa cồng chiêng" do cô dàn dựng sao hôm nay có sự thay đổi. Tốp múa nam vận khố giả người dân tộc Tây nguyên cho giống 'người thật việc thật' ngoài đời, sao hôm nay lại mặc quần phía trong là sao?. Thầy hiệu trưởng vừa nói vừa nhìn vào cổ áo cô giáo Lan ngồi đối diện. Hôm nay cô mặc áo dài cổ thuyền, cổ áo khoét hơi sâu để lộ cái bộ ngực căng tròn khiến cho thầy không thể không nhìn vô chỗ đó.

"Tôi có hội ý với ban giám hiệu về chuyện đó, mọi người đều e ngại nếu để mấy em vận khố như người thật ngoài đời lên sân khấu, sợ không qua được khâu "duyệt".
                         
Cô Mỹ Lan cũng đoán được câu trả lời, nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ, cô kiếm cớ vô phòng thầy hiệu trưởng chỉ để có chút ít phút riêng tư cùng thầy. Hôm nay cô ăn mặc đẹp hở trên hở dưới, cô muốn khoe với thầy, và cũng bởi cái cách nhìn của thầy khiến cô có cảm tưởng mình đẹp.

"Người mình ở đây còn hơi nệ cổ, chớ em nghe nói bên Tây Pa Ri có màn múa gì đó nổi tiếng lắm, mấy cô vũ công đều để ngực trần... thì đã sao".

Thầy Lâm trố mắt chu miệng thế à thế à. Cô giáo Mỹ Lan đứng dậy:

 "Em trở qua xem chúng nó tập dợt tới đâu rồi, chút nữa thầy có ghé thăm không?".

"À, có, có"

Thầy nhìn theo dáng cô bước ra cửa, hôm nay cô mặc áo dài màu thiên thanh, chiếc quần trắng vải hơi mỏng gió thổi tà áo để lộ chiếc quần lót màu hồng. Mùi thơm thoảng thoảng trong gió, thầy thích người đàn bà có chút son phấn và thơm mùi nước hoa.

Cô Mỹ Lan là giáo viên chủ nhiệm lớp 6A1. Hôm nay vừa bước vào lớp là cô phải xử một vụ kiện cáo. Trò Lê Phong báo cáo trò Nguyễn Tân và trò Đặng Phi nói tục chửi thề.

"Thưa cô, sáng nay em trên đường tới trường, bạn Tân và bạn Phi đang đứng nói chuyện trước cổng trường, gặp em bạn Phi đưa "ngón tay thối" vô mặt em và nói: 'Mầy đừng ỷ mầy là con cán bộ mà lớn lối hù dọa tao, tao đéo sợ'. Bạn Tân liền nói 'Á đù' ."
         
Cô giáo kêu trò Tân và trò Phi lên hỏi tội. Cô hỏi trò Tân:

"Em bắt chước ai nói á đù"

"Bà nội của em, bà cứ suốt ngày á đù á đù nên em thấy tiếng đó cũng hay hay, em đâu biết tiếng đó bị cấm"
 
Cả lớp cười một cái rần.    
Cô giáo lấy thước bảng gõ lên bàn giữ trật tự. Cô nói với trò Tân:

"Mình là người có văn hoá, không nói tục chửi thề. Em đứng giữa lớp nói lời xin lỗi, và hứa với các bạn là từ nay không nói á đù"

Trò Nguyễn Tân ngượng ngùng bước ra giữa lớp, đứng trước các bạn học nói lời tuyên hứa.

"Tôi xin hứa từ nay không nói... không nói..."

Một vài bạn học phía dưới nhắc: "á đù! á đù!". Tội nghiệp thằng nhỏ cứ ngập ngừng, không biết vì nó sợ quá hay sao mà cứ ngập ngừng...
Cô giáo nóng lòng, lấy thước bảng nhịp lên bàn kêu bốp bốp nghe phát kinh. Cô lớn tiếng: "Nói gì?"
Cả ba mươi học sinh trong lớp đồng thanh tiếp sức nói một tiếng rõ to: "Á đù!"
Trò Phi nảy giờ thấy cô giáo xử tội bạn Tân mà nó sợ điếng hồn. Giờ tới phiên nó phải ra trước vành móng ngựa. Nó run run bước ra giữa lớp nói lời thú tội.

"Tôi là Đặng Phi xin hứa với các bạn từ nay không nói... không nói..."

Cả lớp ba mươi học sinh bỗng cười rầm rầm vang vội. Cô giáo ngó thằng học trò tội đồ, cô cũng không nhịn được... bật cười hô hố.

"Ối giời ơi! Anh trai 'đéo sợ', anh ngoài đường lớn lối giờ lên đây té đái trong quần"

Cả lớp lại cười ầm ầm.

"Cho anh hôm nay nghỉ học về nhà thay quần".
 
Tiếng cười vang lộng đến văn phòng thầy hiệu trưởng, nảy giờ thầy nghe văng vẳng khi thì "á đù" khi thì "đéo sợ". Thầy bước đến lớp cô Mỹ Lan tìm hiểu. Khi nghe cô trình bày sự việc, thầy chu miệng:

"Học sinh chửi thề nói tục, đúng là chuyện ruồi bu! Phải họp hội đồng giám hiệu xử lý!"

Cái chữ "chuyện ruồi bu" đó thầy học được từ hôm đi Sài Gòn chơi cho biết, cũng đã lâu lắm rồi.  Thầy thích câu đó lắm, đã hơn hai mươi năm qua vậy mà tới giờ thầy cũng còn thích... "chuyện ruồi bu".
     
Hội đồng giám hiệu trường trung học cơ sở Tân Lập xử phạt cảnh cáo, trò Nguyễn Tân và trò Đặng Phi nghỉ học một tuần vì tội nói tục chửi thề.
Cô giáo Mỹ Lan hôm nay men theo đường làng đến nhà trò Nguyễn Tân làm việc. Cô sẽ thông báo cho phụ huynh biết là em đã nói tục chửi thề, bị phạt nghỉ học một tuần. Cô sẽ tìm hiểu gia cảnh của em và động viên gia đình trông chừng dòm ngó không để em chơi với bạn xấu.
Trò Tân mở cửa, gặp mặt cô giáo nó hoảng kinh nói "á đù" rồi vọt lẹ ra nhà sau trốn.
Một người đàn bà và đứa cháu gái đang ngồi trên chiếc chõng tre gói bánh tét, có lẽ là bà nội của em. Bà thấy cô tưởng người đến đặt bánh, liền hỏi:

"Cô đến đặt mua bánh tét?"

"Dạ không, cháu là giáo viên chủ nhiệm lớp của em Tân"

Bà nội và đứa cháu gái tiếp tục công việc gói bánh, tưởng người đến đặt bánh thì bà đứng dậy đi lấy mẫu cho xem và nói giá. Còn ba cái chuyện nhà trường chuyện học hành thì không có gì phải vội.
Cô giáo Mỹ Lan đứng xớ rớ, chủ nhà không buồn mời ngồi thì mình tự động tìm chỗ ngồi. Nhưng cô nhìn quanh mà không tìm được chỗ nào ngồi xuống mà không bị dơ cái quần. Cô muốn kết thúc nhanh câu chuyện.
 
"Cháu đến đây là để báo cho bác biết, trò Tân nói tục chửi thề bị phạt nghỉ học một tuần"

"Á đù!"

Bà nội nói á đù một cách tự nhiên, như là không còn chữ nào hay hơn nữa để trả lời cho một bản án. Bà nhìn cô, nói cho cô rõ hơn hoàn cảnh của em.

"Cha mẹ nó vô tuốt trong Bình Dương làm công nhân kiếm sống. Nó đi học được ngày nào hay ngày đó, một vài năm nữa cha nó cũng về dẫn nó vô đó tìm việc".

Cô giáo bước đến cửa nhìn ra ngoài, gió lộng bụi bay mịt mù, xứ này nắng bụi mưa bùn, đất cày lên sỏi đá. Trai gái trong làng lớn lên không ra Bắc thì cũng xuôi Nam tha phương cầu thực. Cô nhẹ bước ra về, trời đang vần vũ mây đen báo hiệu một cơn giông sắp đến.
   
Anh Đặng Tính là cha của trò Đặng Phi, hôm nay anh đến trường gặp thầy hiệu trưởng, để nghe thầy mắng mỏ về việc con trai anh nói tục chửi thể bị đuổi học một tuần. Anh còn nghe ông phàn nàn là thằng con anh còn thiếu tiền phí ủng hộ đội banh và ban văn nghệ nhà trường.
Anh nói phân trần cùng thầy hiệu trưởng:

"Thầy thông cảm, tôi với mẹ nó làm quần quật suốt ngày mà cũng không đủ tiền đóng "phí". Thầy tính coi, một người dân bây giờ cõng bao nhiêu loại "phí", xã thu phí, huyện thu phí, tỉnh thu phí, đi ra đường cũng phải đóng phí".

Thầy hiệu trưởng làm thinh gật gật đầu như đồng ý là lời anh nói cũng phải, nhưng ông nghĩ thầm trong bụng, ở đây ai cũng vậy đâu phải chỉ mình anh.
Anh Tính cởi nút áo trên cho mát, để lộ trên ngực cái hình xăm đầu lâu cướp biển, nghe nói trước đây anh từng theo tàu Đài Loan đánh cá mấy năm liền. Anh để tóc dài loả xoả, anh mà tô thâm quầng mắt thì không khác chi anh chàng tài tử người Mỹ đóng vai cướp biển Ca Ri Bê.

"Chúng tôi bận rộn suốt ngày, mọi sự mong chờ thầy cô dạy dỗ cho cháu".

Anh ghé sát ông hiệu trưởng, nói nhỏ nhỏ như sợ ai nghe:

"Thầy biết không, nó hư lắm, hôm trước nó lấy cái phone khoe tôi hình chụp cô giáo mặc quần mỏng thấy cả quần sịp màu hồng".

"Chuyện ruồi bu!"

Thầy hiệu trưởng bước tới lấy lon nước ngọt mời anh Tính uống giải nhiệt. Thái độ của thầy thay đổi hẳn.

"Tụi học sinh trẻ bây giờ dám chụp hình lén cô giáo! Đúng là tụi nó làm chuyện ruồi bu".

Cái cách nhìn của thầy, anh Tính cũng hiểu là thầy muốn hỏi là anh giải quyết tấm hình đó ra sao.

"Tôi bắt nó xoá tấm hình và không được nói với ai"

"Phải, phải", thầy hiệu trưởng đồng tình.

"Nhưng tôi không chắc là nó không còn tấm hình nào khác"

Ông hiệu trưởng cảm thấy nụ cười mĩm của anh Tính có vẻ gì hơi... "đểu".

"Tôi thông cảm hoàn cảnh của gia đình anh, thôi ba cái vụ đóng phí của cháu được miễn, anh về bảo cháu ngày mai trở vô học bình thường".

"Cảm ơn thầy hiệu trưởng"

oOo

Người tình năm xưa của Mỹ Lan bỏ đi biền biệt nay trở về. Hôm nay chàng hẹn cô ở quán cà phê sân vườn. Vừa gặp mặt chàng ôm cô hôn đắm đuối. Mỹ Lan tê cứng người trong vòng tay người yêu. Bao năm qua chàng vẫn vậy, vẫn nhiệt tình say đắm.

"Em có còn thương anh không?"

Mỹ Lan ngước nhìn người yêu không nói, không cần nói. Anh hiểu em quá mà, người tình đầu tiên và cuối cùng của em. Mình đã trãi qua bao nhiêu lần đắm say trên bờ ruộng, bên triền núi, bên bến sông.

"Em có muốn đi theo anh không?"

Mỹ Lan ứa nước mắt, "không theo anh để rồi chết già ở cái xó xỉnh này sao".

Mỹ Lan suy nghĩ suốt một đêm, đi dạy học với đồng lương cô giáo mấy năm qua nàng cũng chẳng để dành được gì. Người yêu sau mấy năm bôn ba thì cũng tay trắng. Cô nhìn quanh nhà không thấy gì có giá trị để bán, mà cũng chẳng biết hỏi mượn ai.
Người tình vẽ đường cho cô đi, cô suy tính mấy hôm liền, sau cùng đành vậy, không còn cách nào khác.
Thầy hiệu trưởng Hoàng Lâm có vợ làm trưởng phòng hành chánh bên thị xã. Vợ thầy rất giỏi kiếm tiền, bà có hồ nuôi tôm, bà có phần hùn kinh doanh nhà trọ cho mướn. Trong huyện này có thể nói nhà thầy thuộc loại giàu có tiếng.
Thầy Lâm có tật mê gái, thầy nhìn gái không cần che đậy. Cô giáo Mỹ Lan có lần mặc quần mỏng để lộ cái quần lót màu hồng, thầy nhìn thấy một lần mà cứ nhớ hoài. Mỹ Lan không khó khăn lắm để gài bẫy cho thầy sa lưới.  Hôm nay được cô hẹn ra nhà nghỉ, thầy chộn rộn cả đêm chờ tới lúc được chính tay mình cởi chiếc quần lót của nàng.
Vừa bước vào phòng nhà nghỉ, thầy lẹ lẹ cởi đồ làm ăn chụp giựt như kiểu đi chơi gái điếm. Mỹ Lan ngán ngẫm tìm cách câu giờ, không phải nàng hứng thú gì cái việc lên giường với thầy Lâm. Nhưng nàng muốn từ từ để nàng thừa cơ hội đến mở khoá chốt cửa. Nàng đã có âm mưu với người tình. Giữa chừng chàng sẽ mở cửa xông vào làm dữ, cũng chỉ là để gài thầy Lâm vào thế bí phải móc tiền ra chung.
Bà vợ thầy Lâm đang làm việc, bà nhận được một cú phone báo cho biết chồng bà đang vô nhà nghỉ với cô giáo Mỹ Lan. Bà tức tốc phóng xe đến hiện trường. Bà hầm hầm mở cửa xông vào. Thầy Lâm thấy bà la một tiếng thất thanh "á đù".
Bà cầm cái phone quay phim lia lịa, cô giáo Mỹ Lan đang nằm trên giường người chỉ mặc cái quần lót. Bà bước đến cúi xem thằng nhỏ của ông chồng, coi nó còn nguyên hay sứt mẻ một tí nào. Bà kề mũi vô chỗ đó ngửi mùi, bà có nghề, chồng bà đi chơi về bà chỉ cần ngửi mùi chỗ đó là biết ông già dịch này có lén phéng mần ăn với con nào không.

"Tôi đã bắt tại trận, tôi đã quay phim chụp hình các thứ, cô liệu hồn bỏ xứ mà đi, cô mà còn lén phéng với chồng tôi coi chừng tôi, tôi không để cô yên đâu nhe".

Mỹ Lan nổi nóng nói cứng, đánh phủ đầu:

"Bà có muốn 'lai trym' thì cứ việc, có chết thì chết chùm chớ chẳng phải mình tôi mà tôi sợ"

Thầy Lâm mặc quần áo kéo vợ ra cửa đi về, Mỹ Lan nói với theo... "đéo sợ".

Người tình của Mỹ Lan đứng bên ngoài hốt hoảng khi thấy vợ thầy Lâm mở cửa xông vào. Anh đứng phía ngoài nghe ngóng, chừng thấy hai người bỏ đi anh mở cửa bước vô trong.

"Em có sao không? Bả có hành hung em không?"
"Không, nhưng bực hết cả mình"
Người tình bước đến ngồi xuống vuốt ve an ủi Mỹ Lan.

Anh chàng lễ tân thấy thầy Lâm ăn vụng dẫn cô giáo vào nhà nghỉ. Chừng thấy vợ ông đến bắt ghen thì biết có chuyện. Lúc vợ chồng ông ra về, chờ một lúc lâu vẫn không thấy cô giáo Mỹ Lan đi xuống, anh sợ có chuyện chẳng lành bước lên phòng xem sao.
Vừa mở cửa phòng anh tá hỏa, cô Mỹ Lan trần truồng đang ngồi lên mình một người đàn ông không một mãnh vải.

"Á đù"

"Xin lỗi, xin lỗi! Tôi tưởng mọi người đã đi về"

Anh vội vàng bước ra ngoài, người tình của cô Mỹ Lan bước đến khoá cửa, nói với theo:

"Mày làm như mày chưa từng thấy qua"

Chàng bước đến giường tiếp tục cuộc vui. Mỹ Lan nói nũng nịu:

"Hỏng chịu đâu, hỏng chịu đâu! Sao cục cưng để cho người ta thấy của quý của cục cưng"

Cả hai ôm xoắn lấy nhau cười vang trững giỡn.

Câu chuyện ruồi bu thầy hiệu trưởng dẫn cô giáo vào nhà trọ bị vợ bắt gặp được che đậy cẩn thận. Vợ thầy hiệu trưởng cũng hiểu, có làm lùm xùm thì mình cũng gánh phần thiệt thòi, nhà tan cửa nát. Chết chùm cả lũ. Thôi thì thí cho nó một ít tiền, tống cổ nó đi cho khuất mắt.
Cô giáo Mỹ Lan âm thầm rời bỏ ngôi trường trung học cơ sở Tân Lập, âm thầm rời bỏ xóm làng không một lời từ giã. Không ai biết cô đi đâu, ra Bắc hay xuôi Nam, hay là biết đâu chừng cô đã... vượt biên giới.

















Wednesday, December 12, 2018

QUÀ GIÁNG SINH



Nguyễn Thạch Giang


Chị Hường nghe thằng con trai rủ cha nó đi shopping tìm mua quà Giáng sinh, chị sẵn dịp tháp tùng đi theo coi có gì đẹp mà rẻ mua gởi về cho mấy đứa cháu bên Việt Nam.
Lúc bước ra xe thằng con vỗ vai mẹ: "Má thích cái gì để con mua tặng má một món quà nhe!". Chị Hường cười cười nhìn thằng con nói nửa đùa nửa thật: "Thôi! má lấy tiền không lấy quà", thằng con và cha nó bật cười.

Gia đình chị Hường qua Mỹ được hơn mười năm, lúc mới qua thằng con trai út này chỉ mười bốn chớ mấy, vậy mà giờ đã hăm bốn. Bữa nay có bạn gái bày đặt đi mua quà Giáng sinh tặng bồ. Nó học tạm được, cố gắng vừa học vừa làm từ từ cũng lấy được bằng bốn năm. Nó là đứa con ngoan nhất nhà, giờ có việc làm tháng nào cũng góp tiền nhà phụ giúp ba mẹ. Thằng anh nó học giỏi hơn, cũng có bằng bốn năm đại học, làm IT trong hãng điện tử của Nam Hàn. Chị Hường bộc bạch với thím Năm hàng xóm, thằng này xài sang mặc đồ hàng hiệu lại hay đi ăn tiệm, đi xe mới.
Lúc vợ chồng chị qua Mỹ, đứa con gái lớn kẹt ở lại Việt Nam, giờ cũng lãnh nó qua được rồi, hai vợ chồng nó theo gia đình bên chồng làm nail ở Florida.

Vợ chồng chị Hường vừa mua được căn nhà mobile home tháng rồi. Nhân dịp lễ Giáng sinh sắp đến, hai thằng con đòi mua cây thông trang hoàng đèn nhấp nháy ăn mừng nhà mới. Hồi nào tới giờ gia đình chị không có lệ tặng quà Giáng sinh, chị nói nội cái vụ lo quà Tết cũng đủ mệt rồi.
 
Xứ Mỹ vui nhất mùa này, từ sau lễ Tạ Ơn cuối tháng Mười Một, hàng hóa tuôn về tràn ngập các khu mua sắm, mấy nhà lối xóm nhà nào cũng treo đèn kết hoa trông thiệt đã con mắt.
Vừa bước vào trong cửa hàng, chị Hường nói hai cha con đi tìm lựa đồ mua, chừng nào xong lại kiếm chị ở khu hàng bán quần áo giảm giá. Lúc nào vô đây chị cũng tới khu "clearance sales" trước, chị ham quần áo hàng hiệu giảm bảy tám chục phần trăm, nhiều cái thiệt đẹp mua chưa tới mười đồng. Chị mua gởi về cho mấy đứa cháu bên Việt Nam, con của ông anh bà chị và mấy người em. "Anh em của ổng đều ở Mỹ, chớ bên phía tui, chỉ mình tui là ở Mỹ, mấy người kia đều ở Việt Nam". Chị nói với thím Năm hàng xóm khi thím hỏi sao thấy chị đi gởi đồ về Việt Nam hoài vậy, gởi cho ai ở bên đó.
Ông xã chị Hường và thằng con đã mua xong mà chị Hường vẫn còn say mê chọn lựa, chị nói hai cha con đi chơi lòng vòng đi, khi nào xong chị gọi. Thường chị đi "shopping" một mình, "đi với ổng lần nào cũng bị cằn nhằn bà lựa gì mà lâu dữ vậy". Lúc ông xã và thằng con trở lại, chị Hường miễn cưỡng ôm đống quần áo đi tính tiền. Nhìn hàng người đứng xếp hàng chờ trả tiền, chồng chị lắc đầu ngao ngán. "Tới phiên bà chắc cũng cả tiếng đồng hồ", ông này có tật hay cằn nhằn.
Lúc bước ra xe đi về, thằng con chị chắc đói bụng hay sao mà mặt mày nhăn như khỉ, rồi nó lại bày đặt trách móc bà già:
"Sao con thấy má tối ngày cứ lo gởi về Việt Nam, con ở đây chưa bao giờ được má tặng một món quà!"
Chị Hường nhìn thằng con, xuống giọng nhỏ nhẹ phân trần:
"Con ở đây đầy đủ đâu thiếu thứ gì, con nhận quà con đâu có mừng, chớ mấy người ở Việt Nam, khi nào được quà Mỹ họ mừng dữ lắm"
Chồng chị Hường trề môi.
"Ở bên Việt Nam giờ cái gì cũng có, người ở bển còn giàu hơn mình ở đây. Bà mua ba cái quần áo tồn kho bán dẹp tiệm, gởi về bển cho người ta chê"
"Ai mà chê! Nhà tui không có ai chê. Có bên nhà ông, có anh em ở Mỹ, nhận đồ Mỹ hoài nên không thấy quý"

Chị Hường ứa nước mắt nhớ lại hồi trước, hai chị em mỗi lần sang nhà thím Ba hàng xóm, được thím cho ăn kẹo sô cô la từ Mỹ gởi về,  "Kẹo gì mà nó ngon cực kỳ!". Khi nào thấy thím khui thùng quà, hai chị em cứ xuýt xoa sao mà đồ ở Mỹ nó thơm dữ vậy hè. Ngày ấy hai chị em cứ ước ao  phải chi mình cũng có người thân ở Mỹ.

"Bà ở đây lo đi canh mua hàng sale, lo đi mua từng cây kim sợi chỉ, tưởng gì, gởi về bển chai dầu xanh Con Ó cho họ xài họ cũng đem bán"
Chị Hường nhìn chồng, sao ông nói chi lời độc địa, chị ứa nước mắt.
"Bởi vì nghèo quá nên hèn"
Chị bỗng ôm mặt khóc nức nở.

Thằng con không hiểu sao có nhiêu đó mẹ lại khóc ngon lành. Chồng chị Hường thấy vợ mình khóc trong bụng có hơi áy náy, lúc về đến gần nhà anh bỗng khều thằng con nói nhỏ:
"Hay là mình ghé quán kiếm cái gì ăn, bữa nay đi ăn buffet đi, má mày giận rồi kìa, về nhà bả không có nấu cơm đâu"
Chị Hường ngồi làm thinh không nói, bình thường chị sẽ bàn ra, "thôi! ăn tiệm chi cho tốn tiền, bữa nay thứ bảy, một người cũng phải ba chục, rồi thêm tiền tip tính ra cả trăm chớ ít sao".
Lúc xe đậu ở parking, thằng con mở cửa xe cho chị xuống nói nho nhỏ: "con xin lỗi má! má vô ăn với ba".
Thằng con trai ngoan của chị, nó đâu có lỗi gì, thấy điệu bộ của nó chị thấy tội nghiệp nó quá! Thấy thương nó quá. Lúc ăn nó cười cười kiếm chuyện nói chị vui. "Hồi nãy má khóc con có chụp hình, hôm nào cho má coi, má khóc còn hay hơn cô đào đóng phim bộ". Chồng chị Hường nói với thằng con, "con gởi vô cái phone của ba, ba để dành, về già cho má mày coi".
Lúc ngồi trên xe về nhà, chị Hường hết giận lấy tay mở gói đồ coi hồi nãy cha con mua gì. "Nó mua hai chai dầu thơm, cho má nó một chai, cho con bồ nó một chai". Lúc bình thường chị sẽ hỏi nó giá bao nhiêu, nhưng hôm nay chị làm thinh, tự nghĩ thằng con của mình không mua thì thôi, chớ nó mua là mua hàng xịn. Mấy đứa con của chị, tụi nó thích ăn gì cứ việc ăn, ly nước mía bảy đồng uống một lần hai ly, thích mua gì cứ việc mua chớ không chờ on sale giảm giá như vợ chồng chị.

Bước vô nhà thấy thằng con trai lớn đang loay hoay trang trí cây thông Noel, thằng này ngon chơi cây thiệt không chơi cây giả. Đèn chớp nháy xanh đỏ chị thấy căn nhà vui vui ấm cúng hẳn lên, chị bỗng cảm thấy thương cái mái ấm gia đình này quá.








Tuesday, November 20, 2018

CUỘC ĐỜI SỰ NGHIỆP VIẾT VĂN CỦA TÔI


N. Nguyễn

"Ước mơ vươn tới một vì sao" là nhan đề một bộ phim rất ăn khách của Nam Hàn trước đây, tôi không có xem qua nên không biết bộ phim đó nói về cái gì, chỉ thấy thích cái nhan đề bởi vì tôi cũng từng mơ có ngày mình sẽ chạm tới một vì sao... mặc dù cũng biết cái ngôi sao lấp lánh kia nó ở xa lắm, nhưng mơ thì cứ việc mơ, mơ đâu tốn tiền, có người còn mơ giữa ban ngày nữa kìa.
Tôi mơ được làm nhà văn.

Từ nhỏ tôi đã thích viết... thường là viết tuỳ bút cho dễ, nghĩ sao viết vậy, không cố gắng đặt câu sao cho "hoa lá cành" như các bạn văn đồng trang lứa. Lớn lên ra hải ngoại tôi có viết truyện ngắn đăng báo lai rai. Chỉ viết lai rai thôi nên mãi... vẫn chưa là nhà văn. Mà cái sự viết lách của tôi cũng không đều tay, có khi năm bảy tháng không có được một truyện ngắn nào. Rồi tôi lặn mất tăm mất tích một thời gian dài đằng đẳng, rồi bây giờ bước vào tuổi xưa nay hiếm, lại viết... (viết như vậy biết tới bao giờ mới được kết nạp vào hội nhà văn đây ông?). Tôi tự nhủ: "có hề chi! Nếu không được cấp thẻ nhà văn, thì mình tự phong cái mác nhà văn cho mình cũng được vậy".
                     
Lúc mới viết, tôi thường viết kiểu tự truyện, nghĩa là câu truyện của một người xưng tôi. Viết như vậy thì dễ, cứ việc kể truyện của mình, tôi thế này, tôi thế kia. Đôi ba lần nhân vật chính là "con gái", rồi tôi tự nghĩ coi chừng người đọc sẽ nói ông nhà văn này có vẻ như thích giả gái. Không, không phải vậy, tôi nhập vai đóng đàn bà thì nó dễ cho tôi trong câu chuyện kể lại.
Thỉnh thoảng tôi cũng dùng nhan đề có sẵn của một bài hát, một bài thơ hay một vở tuồng nào đó, tôi thích cái nhan đề đó quá bèn đem làm nhan đề cho truyện ngắn của mình. Có một lần tôi đọc trên báo biết rằng người ta không thể nào xin bản quyền ở một nhan đề. Đành là vậy, nhưng bây giờ tôi cố tránh, không dùng nhan đề nổi tiếng ai cũng biết.

Bây giờ thì tôi thích dùng tên thật, thay vì dùng bút hiệu để ký tên tác giả cho những truyện ngắn của mình. Hình như trào lưu thế giới giờ cũng vậy, nhưng mấy ông nhà văn Việt Nam thì ông nào cũng có nhiều bút hiệu, một phần chắc cũng tại mấy ông chủ báo. Có lần đọc trên báo, một nhà thơ nổi tiếng kể lại, khi xưa mới vào nghề, ông chủ bút một nhật báo bảo ông thay đổi bút hiệu, vì độc giả không thích thấy một cái tên quen quen xuất hiện hoài trên mặt báo. À ra thế! Chuyện bây giờ... mình mới biết.  
Tôi cũng có hai ba bút hiệu, cái thì để ký cho truyện tình cảm gia đình lâm ly bi đát, cái thì để ký cho mấy truyện tầm bậy tầm bạ thuộc loại cướp giết hiếp... Tên thì chắc không ai được độc quyền...cái tên. Nhưng bút hiệu thì sao? Không biết trên thế giới có nhà văn nào ra toà xin độc quyền cái bút hiệu nổi tiếng của mình không.
Nhớ chuyện xưa. Hồi tôi còn nhỏ, thời Việt Nam Cộng Hoà, cô đào cải lương trẻ đẹp Kim Loan mới vừa nổi danh, đoạt "huy chương vàng giải Thanh Tâm", tên tuổi bắt đầu sáng chói ai cũng biết. Bất ngờ bên làng tân nhạc xuất hiện một cô ca sĩ trẻ đẹp cũng tên Kim Loan. Cô này mau nỗi tiếng nhờ ... đẹp. Mỗi khi trên tivi có chương trình Tân nhạc có cô trình diễn, cả nhà xúm lại coi, thưởng thức giọng hát của cô thì ít, mà trầm trồ cái nhan sắc của cô thì nhiều. Dạo đó để phân biệt, báo chí thường nói "Kim Loan tân nhạc" hoặc là "Kim Loan cải lương" để độc giả biết là cô nào. Cô đào Kim Loan cải lương không biết vì không thích đụng hàng với ai khác, hay vì một lẽ nào đó, cô lẳng lặng đổi ra nghệ danh Mộng Tuyền, từ nay cô là Mộng Tuyền, còn cô đào Kim Loan kể như thuộc về dĩ vãng đã xa rồi.
   
Nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới không thấy ai trùng tên. Cô đào Marilyn Monroe hay tài tử Marlon Brando chỉ có một. Còn bên Việt Nam hiện thời thì nghệ sĩ trùng tên nhiều đếm không xuể. Để phân biệt báo chí thường kèm theo cái tên con số 8x hoặc 9x. Lúc đầu tôi thấy hơi ngồ ngộ cái tên "Diễm My 9x" (ba x đủ mệt, cô này ngon hơn... 9x), sau mới hiểu là cô thuộc thế hệ sinh năm thập niên 90, để phân biệt với cô Diễm My đàn chị một thời là nữ hoàng ảnh lịch. Nhưng có nhiều cô không thích năm sinh đi kèm cái tên của mình, thành ra không có x nào cả. Thí dụ báo chí loan tin Trường Giang vừa làm đám cưới với Nhã Phương. Độc giả tự hiểu cô Nhã Phương này là Nhã Phương đời bây giờ, không phải cô ca sĩ Nhã Phương thời hồi đó, là hai chị em Nhã Phương Bảo Yến lừng danh hát hay xinh đẹp ai cũng biết.
       
Đề tài truyện ngắn của tôi thường loanh quanh ba cái vụ yêu đương trai gái... vì dễ viết. Tình cảm thì mênh mông, nói hoài nói mãi cũng còn chuyện để nói. Nhưng cái kiểu dựng truyện tình, hoặc là vì hoàn cảnh éo le khiến cho hai người phải chia xa, hoặc là người nam hoặc người nữ bỗng phát bệnh nặng lìa đời (để lấy nước mắt độc giả), hoặc là có một phép mầu nào đó xuất hiện để câu chuyện tình kết thúc "có hậu" (nhiều độc giả thích như vậy), kiểu truyện tình như vậy có hơi xưa không còn ăn khách. Tôi nhớ có lần xem trên Internet, nhạc sĩ Trúc Hồ nói: "Nhạc của Ngô Thụy Miên "sạch" quá! Phải dơ dơ một chút mới hay". Tôi không có một chút kiến thức nào về âm nhạc, tạm hiểu câu nói của Trúc Hồ theo cái nghĩa đen trần trụi của nó. Thấy chưa bạn? Nhạc mà còn có dơ với sạch, truyện tình mà sạch quá đâu có hay. Có một ông nhà báo mớm mồi cho tôi "Đời bây giờ kể truyện tình phải có chút chút cảnh phòng the mới ăn khách". Tôi bèn đem chuyện giường chiếu vào truyện của mình, không biết vì tôi diễn tả quá vụng, hay vì diễn tả quá đà mà sao tôi gởi đi ba bốn toà báo không tờ nào đăng.
 Đôi khi tôi cũng muốn "làm mới mình" bằng cách thử viết về mấy đề tài ăn khách... cướp giết hiếp. Nhưng mình vốn là dân ngoại đạo, không phải là người trong nghề nên mấy truyện ngắn khai thác vụ án đượm mùi hình sự cũng chỉ phơn phớt bề ngoài (đâu biết gì nghiệp vụ chuyên môn). Viết được vài ba truyện, bị chê "nhạt", tôi thấy không xong, thôi trở về làm nhà văn chuyên trị truyện tình. Nói theo mấy ông nhà báo bên Việt Nam, ca sĩ nào chỉ hát được một giòng nhạc, ca sĩ "một màu". Mình là nhà văn chỉ viết một thể loại, nhà văn một màu. Cũng đâu có sao.
       
Phàm ở đời làm một nghề gì cũng phải học qua trường lớp, phải được đào tạo có bài bản. Nhiều người có giọng hát hay trời cho, muốn làm ca sĩ phải đi học thanh nhạc. Muốn làm nhà văn thì phải đi học viết văn. Tôi tuy muốn làm nhà văn nhưng lười đi học quá! mà có vô lớp chắc cũng ngủ gục. Thành ra tôi là một nhà văn "đi lên bằng chính đôi chân của mình". Truyện tôi viết xin đừng ai đem ra bắt lỗi chính tả, chắc là nhiều đếm không hết. Câu văn tôi viết có khi gảy gọn có khi lại lủng ca lủng củng, tuỳ lúc. Có lần đọc trên báo Văn, thấy ông Mai Thảo khuyên một người viết mới, "cố gắng dùng chữ cho chính xác", tôi nhớ lời khuyên này của sư phụ nên tự nhủ lòng, cố gắng viết sao cho người ta hiểu là được rồi, còn viết một câu văn sáng đẹp lấp lánh thì tôi... không dám đâu.
Ý tưởng để viết thì tôi có nhiều, mà tôi nghĩ nhà văn nào cũng vậy, không sợ thiếu đề tài. Có lần đọc báo thấy  nhà văn Ngô Nguyên Dũng nói rằng: "Ý tưởng của nhà văn thì như nước trong giếng, có khi vơi khi đầy, nhưng múc hoài không bao giờ cạn". Tiếc quá! Giếng nước chớ phải chi là giếng dầu như mấy cái giếng dầu xứ Ả Rập thì không nhà văn nào... bị nghèo.

 Nhiều người hay nói, muốn mần thơ cho hay phải thất tình, muốn viết truyện cho hay phải bị cuộc đời đá bầm dập. Lâu lâu tôi cũng tự hỏi, như vậy mấy người thành đạt, ở nhà biệt thự đi xe sang, vợ đẹp con ngoan chắc không thể nào là một nhà văn được. Đàn bà mà làm thơ hay nhất định phải xấu, chẳng hạn như cô nàng "Em là gái trời bắt xấu", nhờ xấu thành nổi tiếng.
Có lẽ  nào như vậy!

Một lần đọc trên báo, có ông nhà văn chuyên viết kịch bản cho mấy nhà làm phim ở Hollywood, ông nói:" Nhìn vào số tiền tôi kiếm được, có vẻ như tôi thành công. Nhưng nhìn vào số kịch bản tôi viết ra được dựng thành phim, tôi là người  thất bại". Ông nói thêm, mỗi năm Hollywood mua hàng chục ngàn kịch bản, nhưng dựng thành phim chỉ một phần mười số đó. Đã vậy, có nhiều phim đã hoàn tất mọi khâu nhưng không bao giờ đem ra trình chiếu. Lý do thì chắc chỉ mấy ông trong nghề mới biết.
Tôi kể chuyện này vì thích câu nói của ông nhà văn viết kịch bản phim, khi đem ví von với sự nghiệp viết văn của mình  (mặc dầu sự so sánh có hơi khập khiểng).Trãi qua nhiều năm tháng, số lượng tác phẩm của tôi cũng kha khá, "nếu tính đầu sách được in, tôi có vẻ là một nhà văn thành công. Nhưng nếu tính số truyện hay mà tôi có được, tôi chỉ là một nhà văn không có "thương hiệu" (cũng giống như ca sĩ không có bản hít vậy).

Tôi viết nhiều viết đã lâu sao chưa nổi tiếng. Dân trong nghề thường nói muốn nổi tiếng phải có số may mắn, cũng giống như ca sĩ, hát hay nhưng không được tổ đãi thì coi như ế show dài dài. Nhiều người sẽ hỏi, ông viết không có tiếng mà cũng chẳng có tiền, sao ông cứ viết chi hoài vậy. Người trong cuộc mới hiểu, nhiều người "giống như tôi" không lạ, bởi họ cũng cặm cuội viết ngày viết đêm. Có người nói, viết như một cái nghiệp, "đã mang lấy nghiệp vào thân" thì cứ phải viết thôi. Có người nói tôi bị nghiện... viết, giống như người nghiện xì ke không viết không được. Mặc dầu đôi khi cũng biết, viết một bài thơ, viết một truyện ngắn, đăng lên báo một lần rồi nó lại lọt thỏm vào hư vô đâu mất tiêu.

Vậy thì mấy ông mấy bà cặm cụi viết để làm gì?

Ai sao thì tôi không biết, nhưng riêng tôi, tôi cảm thấy hạnh phúc lắm khi mần được một bài thơ, khi viết được một truyện ngắn. Có người được trời cho nhan sắc, có người được trời cho tài năng, riêng tôi, tôi được trời cho một chút khiếu viết lách. Dù chỉ là một chút nhỏ nhoi, nhưng bài thơ kia, truyện ngắn kia, nhiều năm sau khi tôi qua đời, vẫn có người đọc, vẫn có người còn cảm xúc vui buồn cùng tôi, thì đó chẳng phải là một ân sủng thượng đế đã ban cho tôi hay sao.






Friday, October 26, 2018

RIÊNG TƯ



Nguyễn Xuân Quang


Người đàn ông dẫn con vào khám bệnh. Đã mấy năm rồi, ông ta mỗi lần con cái bị bệnh tật đều đưa chúng đến gặp Nguyễn, chưa một lần chàng gặp người mẹ đem con đến khám bệnh. Nhiều lần chàng muốn hỏi về người vợ của ông ta, nhưng chàng lại ngại sợ mình khơi dậy cái đau đớn, cái vết thương lòng nơi người đàn ông. Chàng nghĩ người đàn ông biết lái xe, và có lẽ qua đây rồi thương vợ, lo cho con nên gánh vác bớt chuyện gia đình cho vợ.
Nhiều lần chàng đi chợ với vợ, gặp người đàn ông có lần đi với con, có lần chỉ đi một mình mua thức ăn trông đảm đang như một bà nội trợ giỏi, cân nhắc lựa từng bó rau, lật qua lật lại lựa từng con cá... Có lần khám bệnh chàng còn ngửi thấy mùi dầu mỡ, mùi hành tỏi, mùi chiên xào, mùi khói nấu nướng ám vào người, vào quần áo của ông ta. Người đàn ông đã qua đây khá lâu rồi, nhưng nét mặt vẫn còn mang khuôn mặt tỵ nạn, khác với một số người khác có thể đã đến Hoa Kỳ cùng một thời với ông ta, giờ đã mang những khuôn mặt phè phỡn, bầu bĩnh, những khuôn mặt mỡ màng và căng máu, những vết nhăn tình dục dưới mắt phủ phê, những khuôn mặt có nét huênh hoang tự đại, gian và dâm... Ông ta vẫn còn mang khuôn mặt người đàn ông Việt Nam tỵ nạn, trông rất khốn khổ, thảm hại. Hai gò má nhô cao, hốc hác, mắt lõm sâu, môi thâm tái. Đầy những nét ưu tư buồn lo, đầy những nét âu sầu khổ ải, đầy những nét tủi nhục hận thù, đầy những nét rượu chè cà phê thuốc lá. Thấp thoáng cái nét macho Á đông son vàng tơi tả, lem nhem lem luốc, phảng phất những nét lui cui  lạc loài... Những khuôn mặt tỵ nạn đàn ông đi bên cạnh những khuôn mặt nữ giới đã lột mặt, face lift, đã đắp vá tu sửa... trông thật thảm thê, thật khốn khổ khốn nạn.

- Chào bác sĩ. Bác sĩ coi hộ cho cháu xem sao, dạo này cháu bị bịnh gì mà cứ than mệt, ngủ lăn ngủ lóc, bạ đâu nằm vật ra đó.

Nguyễn ngồi xuống ghế hỏi bệnh. Con bệnh từ chối không có bệnh chứng gì cả, không nóng sốt, không ho hen, không nhảy mũi hắt hơi, không ói mửa, tiêu chảy, táo bón, không ngứa ngáy nổi mụn, nổi mận ở da.
Chàng nhìn ngày sinh tháng đẻ, người con gái mới chưa đầy 16 tuổi. Chàng khám bệnh không thấy gì ngoài cái rã rượi, mệt mỏi.

- Em chăm học quá phải không? Thức đêm thức hôm nhiều quá chứ gì?
- Not much.
- Kinh có đều không?
- What do you mean "kin"?

Người con gái không nói tiếng Việt nhưng hiểu.

- Menstruation.
- Oh! Last month.
- Every month?
- Yes.
- How's about this month?
- Not yet.

Người con gái không biết hoặc không chịu nói tiếng Việt, hoặc cố ý nói tiếng Mỹ vì không muốn cho người cha biết chuyện.

- Cháu có bệnh gì không bác sĩ?
- Tôi chẳng thấy gì cả. Bác khuyên cháu học vừa phải thôi, phải để dành sức để lên đại học, học cho tới tận ngọn tận ngành của những chuyên khoa mình thích. Bác khuyên cháu chú trọng đến phần thể dục và phần thực hành, nghỉ hè phải lăn ra sống với đời nữa. Phần lớn tuổi trẻ Việt Nam, học giỏi nhưng không có sức, không sống với đời nên giỏi về học vấn kỹ thuật, nhưng kém về kinh bang tế thế. Mai mốt lớn thêm tí nữa, mùa hè bác ghi tên cho cháu vào chương trình trao đổi sinh viên với các quốc gia khác, nhất là tới các quốc gia nghèo mà còn chú trọng đến đạo lý, để cho tầm mắt cháu mở rộng thêm ra...
Phải tạo ra một thế hệ trẻ không thể bị cộng sản bịp và tư bản lừa.
- Tôi cũng bảo cháu luôn.
- Tôi viết cho cháu cái toa thuốc bổ, hôm nay cho cháu thử máu, thử nước tiểu xem có gì lạ không.
- I don't want to have blood test done.
- Fine, let's get some urine, first.

Người con gái đi lấy nước tiểu. Người cha đi ra theo. Nguyễn khám người bệnh tiếp. Chàng bảo người cha chờ ở ngoài, sai người y tá thử nước tiểu.
Người y tá cầm cái ly nước tiểu của người con gái vừa đưa cho:
- Thử theo thường lệ hả bác sĩ?
- Không, cô thử thai cho tôi luôn.
Khi khám xong người bệnh, người y tá đưa kết quả thử bầu cho chàng quyết định.
- Có vẻ positive bác sĩ!
Nguyễn liếc nhanh:
- Cho tôi gặp riêng cô bé thôi.

Để người con gái ngồi xuống ghế đợi một lúc, cho tới khi chàng viết xong cái hồ sơ bệnh lý.
- I want to discuss with you.
- What?
- Did you have sex?
- Yes, what's wrong?
- Nothing is wrong with sex, the question is that you are still very young and you have to know how to avoid the bitter taste of sex. Sex has side effects too.
Chàng ngừng nói để cho những lời nói của mình thấm vào đầu đứa con gái. Nhưng nó táp lại chàng:
- I know that.
- Good! Your urine test was positive.
- What do you mean?
- That means probably you've got pregnant.
- Probably?
- Yes, probably.
- You are not sure?
Yeah, urine test is not 100% accurate, if you want I have to do blood test or I have to do pelvic exam.
- I hate blood test.
- So, do you want a pelvic exam? Do you know a pelvic exam is?
- Yup.

Người con gái ngồi nhìn xuống chân, mặt sưng lên, một lúc sau ngửng mặt lên.
- Okay. You can do pelvic exam.
- I have to get a consent from your father.
- Why?
- Because you are a minor.
- I don't want him to know anything.
- Sorry, without his consent I cannot do it.
- So, what do you want to do?
- As I said. I will do blood test or I can refer you to an OB - Gyn, a women doctor.
- No, I want to know now. I don't want to get anything else.
- So, you have to decide which way to go. I don't have time. Go out and think about it, and let my nurse know your decision.

Nguyễn mở cửa đuổi con bệnh ra rồi dập cửa lại hơi bực mình vì cái cách đối đáp mất dạy của đứa con gái.
Một lúc sau người y tá cho chàng biết người con gái muốn khám thai.
- Cô cho mời ông bố vào.
Người đàn ông như đoán được điều gì quan trọng.
- Mời bác ngồi.
Nguyễn lựa lời để khỏi làm người đàn ông kinh hoàng.
- Tôi muốn xin phép bác để khám bệnh phụ nữ cho cháu, theo luật định cháu còn vị thành niên phải có phép của cha mẹ.
- ...
- Còn không tôi phải gởi cháu đi một bác sĩ sản phụ khoa.
- Hồi xưa bác sĩ cũng là bác sĩ chuyên khoa về ngành đó mà.
- Vâng, bây giờ tôi chỉ chăm sóc những vấn đề phụ nữ thông thường thôi, qua đây phải hành nghề theo đúng luật lệ hạn định ở đây, hy vọng cháu cũng chẳng có cái gì rắc rối.
- Tôi chỉ ngại đến vái vụ...trinh tiết của cháu?

Nguyễn không dám nhìn thẳng vào mặt người đàn ông. Cố gắng vận dụng ba tấc lưỡi để làm êm dịu bớt cái sự thật.
- Tôi khám xem sao, nếu còn tôi sẽ không khám bên trong, nhưng ở Mỹ này, cái sự mất còn chẳng ăn nhằm gì đối với tương lai hạnh phúc của người con gái.
Nguyễn biết người đàn ông đang chết điếng quên cả việc trả lời cho chàng biết có bằng lòng ưng thuận cho chàng khám hay không.
- Bác ra ngoài ngồi chơi rồi cho tôi biết sau, tôi phải qua phòng bên xem người bệnh khác.
- Tôi sợ cháu còn khám...
Nguyễn nói vừa đủ nghe và cố ý làm ra vẻ như không có gì quan trọng:
- Cháu bảo với tôi cháu đã có sex  rồi.
- Vậy sao?
Người đàn ông tắc họng. Một lúc lâu nói như bào chữa: "Cháu chỉ đi học rồi về nhà, đi đâu tôi cũng đưa cháu đi".
Người đàn ông nói xong chợt thấy mình ngây ngô, thở dài.
- Ở đây trẻ con có sex, trẻ con có bầu là một vấn đề trọng đại, cái chính là làm sao cho các cháu nó hiểu hơn là cấm đoán.
Người đàn ông lại thở dài:
- Bác sĩ khám cho cháu cũng được.
Nói rồi người cha đứng dậy bỏ đi ra ngoài như đi trốn một sự thật trước mắt.
Nguyễn bỏ qua phòng bên khám một người bệnh khác, khi sửa soạn con bệnh xong, người y tá mời chàng qua khám cho người con gái.

Thoáng nhìn bề ngoài, chàng chẳng cần nhìn cái màng trinh cũng biết rằng người con gái đã không còn gì.
Khám không có gì khó khăn, cái dạ con đã to bằng quả cam Sunkist California thứ thượng hảo hạng.

- What do you find out?
- About two or three month pregnancy.
- Really?
- You didn't use contraception?
- No.
- Why?
- I don't like it.
- So...
- What I have to do now?
- Discuss the problem with your father.
- I don't want to talk to my father. He is an old fashioned guy...
- How about your boyfriend.
- I don't know who is the father, I have a lot of boyfriends.
- How about your mom?
- She is considered a dead person...
- Welll...you have to find some ways...
- I don't want anybody to know about this, this is a confidential business, right?

Nguyễn chới với không muốn xác nhận ngay  với con bé, chàng mang máng nhớ cái luật privacy act của California, né tránh:
- Of course, I don't let anybody know but I think I have to inform your father.
- No, I don't want him to know, do I have the right to handle my life myself?
- I did talk to your father to get his consent to do the examine, so I think I have to let him know the result of the exam. That's fair.
- No, I will check with my counselor, I will sue you if you don't do as I say.

Nguyễn giật mình, con nhóc con này nói có vẻ hỗn láo nhưng nói rất có lý, sơ hở là vác chiếu ra toà  với nó ngay, nó có lú thì...thầy chú mắt xanh...nhà nó khôn.
Nguyễn bỏ đi rửa tay rồi trở về bàn giấy ngồi thừ người ra. Cuối cùng để cho yên tâm, chàng nhấc ống điện thoại lên gọi cho luật sư riêng của mình để tham khảo ý kiến. Luật sư khuyên chàng phải nghe theo lời đứa con gái  không được nói cho bố mẹ biết,  nếu không nó sẽ đi kiện, nhất là một khi đã có lời yêu cầu xin giữ kín chuyện riêng tư.

Nguyễn trở qua phòng khám bệnh, người con gái mặt vác lên như cái mảnh sành cong.
- Okay, I will refer you to social service agency located on 17th street in Santa Ana, they will take care of you.
- I can handle it by myself.
- I know, but my duty is to refer you there.

Nguyễn viết cái địa chỉ và số phone rồi đưa cho người con gái, dặn người con gái phải liên lạc ngay với văn phòng chăm sóc thiếu nhi mang bầu. Cẩn thận hơn chàng gọi phone lên Sở Xã Hội, chính mình gởi chuyển con bệnh, lấy cả tên người nhân viên, viết rành mạch mọi chi tiết xuống hồ sơ bệnh lý.
Gọi điện thoại xong chàng ngồi ỳ trong phòng, nơm nớp lo ngại người cha đòi gặp mình, nếu giáp mặt chàng không biết phải nói sao. Nói dối, nhất định chàng không muốn nói, ở Mỹ mười mấy năm rồi, chàng không thể nào tập được tính nói quanh sự thật, bóp méo hay bẻ cong  sự thật. Chẳng lẽ chàng lại nói dối với người bệnh đã theo chàng sáu bảy năm nay, ông ta coi như một phần trong gia đình chàng. Nói dối người cha chàng còn mặt mũi nào nhìn lại ông ta nữa, nhưng bây giờ nói sự thật, luật sư khuyên không nên nói. Không biết mình phải nói làm sao, nói rõ cho người cha biết, con nhỏ đó và những cố vấn của nó sẽ đưa chàng ra toà.

Hôm nay quả là ngày xui xẻo, khám bệnh vừa khó nghĩ vừa bị lỗ vốn. Ở Mỹ hành nghề bác sĩ, nhiều khi khám bệnh bị lỗ vốn là chuyện thường. Khám bệnh bảo hiểm nhiều lúc lỗ vốn càng to vì vấn đề tiền đầu tiền đuôi, có kẻ còn trả check không tiền bảo chứng. Còn khám bệnh Medical mất cả chì lẫn chài là chuyện đương nhiên. Khám con bé gái vừa rồi mất cả giờ đồng hồ,  tốn áo giấy, gối giấy, giấy trải giường, găng tay, mỏ vịt, thuốc thử thai... tiền nhà tiền cửa, tiền điện nước, tiền bảo hiểm bất động sản, tiền bảo hiểm hành nghề, tiền điện thoại, tiền lương y tá, nhân viên hành chánh, vân vân và vân vân.... Nhiều lắm chính phủ trả được hơn hai chục đô la, mà tiền tham vấn luật sư qua điện thoại tối thiểu mất năm chục bạc. Ai bảo hành nghề bác sĩ ở Mỹ không lổ vốn? Vì nhân đạo bác ái ư? Nhân đạo bác ái cho một con bé tuổi chưa ra hoa mà đã có trái, đã từng mở miệng ra dọa đưa mình ra toà ư?

May mắn người đàn ông không đòi gặp chàng, lẳng lặng ra xe bỏ về. Có lẽ và dĩ nhiên ông ta còn ngượng ngập, còn xấu hổ hơn chàng. Nguyễn thở dài. Chắc chắn ông ta đã hiểu biết chuyện gì xảy ra cho con gái mình rồi. Ít ra ông vẫn còn mang trái tim và nét mặt khốn khổ của người di tản tang thương.
Cả buổi chiều, chàng vẫn thấy ngài ngại, lo sợ người đàn ông gọi điện thoại lại, cứ mỗi lần chuông điện thoại reo, chàng lại hồi hộp.
Lúc hết bệnh ngồi không, chàng nghĩ vẫn vơ không biết con bé sẽ định đoạt số phận cái bào thai ra sao, chắc nó sẽ nghe theo lời phù thủy mắt xanh của nó.
Có tiếng người y tá nói trong interphone:
- Thưa bác sĩ có điện thoại.
Nguyễn chần chờ rồi đưa tay để lên ống điện thoại.



Nguyễn Xuân Quang



----------------
Nguồn: VĂN, số 71, tháng 5-1988












Sunday, October 21, 2018

CÔ DÂU 68 TUỔI



Nguyễn Thạch Giang


Trưa nay tôi đến phi trường San Jose đón chị Mỹ Lệ, chị từ Virginia sang chơi, đây là lần đầu tiên chị đến vùng vịnh Cựu Kim Sơn nổi tiếng này. Chị Mỹ Lệ có họ hàng với tôi, ông nội của chị là anh bà ngoại tôi. Má tôi và ba chị là bà con cô cậu. Chị bằng tuổi tôi nhưng vì "vai lớn" nên tôi phải gọi chị.
Vừa gặp mặt, chị vỗ vai tôi vừa nói vừa cười: "Ngôn đây hả? Sao bây giờ trông lạ quá vậy, nhớ hồi xưa đẹp trai lắm mà!". Tôi bật cười, "Bây giờ thì già nua xấu xí quá phải không chị? Phần chị thì em thấy chị cũng vẫn vậy, không thay đổi mấy, lâu ngày gặp lại em nhận ra chị ngay. Đâu hồi gặp chị lần cuối là năm 78, từ đó tới giờ mới gặp lại, mới đó mà đã bốn mươi năm rồi, lẹ thiệt!".
                   
Nhà ba má tôi ở dưới quê miệt vườn miền Tây, còn ba má chị Mỹ Lệ thì ở Sài Gòn, nhà ở đường Võ Tánh gần rạp hát Quốc Thanh. Lâu lâu có dịp đi Sài Gòn, tôi ở trọ nhà chị Mỹ Lệ, chỗ đó khu thị tứ, đi đâu cũng tiện. Chị Mỹ Lệ có năm anh em, anh Thuận là trai lớn rồi đến chị Mỹ Liên, chị Mỹ Lan, chị Mỹ Lệ và thằng Thành là em trai út. Trong nhà tôi thân với chị Mỹ Lệ nhất, vì cùng lứa tuổi lại học bằng lớp ngang nhau, chị Mỹ Lệ lại vui vẻ, chuyện vui chuyện buồn gì cũng không để trong bụng, chị kể lại thêm mắm thêm muối vui vui tếu tếu ai cũng cười.
Chị Mỹ Lệ không có chồng, nói một cách chính xác hơn là chưa có chồng. Đường tình duyên của chị có hơi lận đận, mặc dù chị là người xinh đẹp nhất trong mấy chị em. Dáng chị dong dỏng cao, chị cao 1m58, thời đó cao như vậy là cũng có hạng lắm rồi. Chị mặc áo dài hay áo đầm gì thấy cũng đẹp. Tôi có một tấm hình chụp chung với chị ở sở thú, lâu lâu xem lại ai cũng khen hồi trẻ chị Mỹ Lệ đẹp quá!
   
 Nhưng đường tình duyên của chị không được suôn sẻ, hồi xưa chị hay đổ thừa tại chị tuổi con cọp lại sanh nhằm năm "Canh", canh dần, số canh cô mồ quả, số hiếm muộn đường chồng con. Chị tin lắm, tin lời thầy bói lắm, thầy nói chị lập gia đình trễ thì tốt, có chồng sớm sợ phải khóc chồng. Dưới khoé mắt chị có một nốt ruồi nhỏ, đúng ra chỉ là một vết tàn nhang nhỏ, không biết chị nghe ai nói, đó là nốt ruồi "thương phu trích lệ", nốt ruồi hứng giọt nước mắt khóc chồng, chị đi phá. Năm đó chị mới mười sáu, có người chỉ cách cho chị, lấy cây kim chích vào chỗ tàn nhang cho nó chảy máu, xong bôi vôi ăn trầu lên chỗ đó. Chị làm theo cách người ta chỉ, mặt mày sưng đỏ mấy hôm liền. Nhưng chị không sợ, gặp ai cũng khoe là vừa phá nốt ruồi không đau đớn gì cả, vài bữa là nó lành chỉ để lại một vết vẹo nhỏ mờ mờ.
                   
Nhưng cái số của chị là cái số phải khóc chồng, chị nói thầy đã phán như vậy rồi mà.  Người yêu của chị là anh Tài, trung uý biệt động quân, đơn vị của anh đóng quân đâu ngoài Pleiku. Hai người sắp sửa làm đám cưới, đùng một cái Việt cộng tấn công Tây nguyên, tháng ba năm 75 quân đoàn 2 phải di tản chiến thuật. Bạn cùng đơn vị chạy về được Sài Gòn, báo tin anh Tài không ai thấy đâu chắc đã chết mất xác. Chị khóc bù lu bù loa mấy tháng trời. Khóc cho số phận người yêu, khóc cho thân phận hẫm hiu của mình.
Nhưng anh Tài không chết, anh bị bắt làm tù binh. Sau này biết tin, chị nói ông này đi tù mà cũng dành đi trước, người ta tháng tư mới vô tù, ổng tháng ba đã bị nhốt.
       
Anh Tài ở tù cải tạo hơn năm năm thì được thả, sau đó anh có đi tìm chị Mỹ Lệ. Đến nơi thấy nhà đóng cửa im lìm, hỏi thăm hàng xóm người ta nói gia đình đó di tản sang Mỹ cả rồi. Anh buồn tình về quê và sau đó thì lấy vợ. Thật ra hôm 30 tháng tư chỉ có anh Thuận và chị Mỹ Liên đi được mà thôi, chị Mỹ Lệ và ba má chị kẹt ở lại. Mấy năm sau chị Mỹ Lan và thằng Thành đi vượt biên cũng đến được Mỹ. Ba má chị được chị Mỹ Liên làm giấy tờ bảo lãnh đến Mỹ trước, chị ở lại sống lang thang bụi đời chờ ba má chị làm giấy tờ lãnh chị qua sau. Chị nói chờ đi Mỹ, chờ tới đầu bạc mới tới phiên mình. Người ta đi Mỹ từ mấy đời tám hoảnh, mình thì ngày nào cũng chờ được phỏng vấn, tới chừng tới được cái xứ này thì già khụ không biết làm gì ăn mà sống đây.
             
Buổi tối cả nhà dẫn nhau đi ăn, chị Mỹ Lệ kể chuyện suốt, một mình chị nói mọi người ngồi nghe. Chị kể về những ngày ở Việt Nam chờ đi Mỹ, ngày đó lang thang vậy mà vui, một mình không ai kềm kẹp mặc sức quậy. "Mình cũng có mấy ông bồ đó chớ, ông nào cũng te tua, nhưng thời đó ai mà không te tua. Nhưng không tiến tới được không phải vì nghèo mà bởi vì chờ đi Mỹ, sợ làm đám cưới giấy tờ rắc rối kẹt ở lại. Bà Mỹ Liên gởi thư nói mày yêu thì cứ việc yêu mà cưới thì...khoan. Lần lửa ngày qua ngày, tình cũ tình mới lần lượt bỏ đi, có phải tại cái số không, không tin không được."

Ăn xong về nhà xúm lại nghe chị Mỹ Lệ kể tiếp chuyện đời chị từ ngày sang Mỹ.

"Năm 98 chị mới được sang Mỹ, lúc đó đã 48 tuổi rồi, già thì chưa già lắm, nhưng muộn màng quá rồi phải không em. Lúc đó ba má chị còn sống, ở chung với chị Mỹ Liên. Bả khó tánh lắm, chị sợ bả còn hơn sợ má chị. Mình mới qua tiếng Anh tiếng u đâu biết gì, đơn từ này nọ đều nhờ thằng con của chỉ làm giúp. Bả trợn mắt, mày biết trước sau gì cũng qua Mỹ, ở bển không lo học tiếng Anh."
Chị Mỹ Lệ nhìn tôi phân trần.

"Ai mà không biết vậy, nhưng ngó coi, mười người đi Mỹ, mấy người lo đi học tiếng Anh? Ai cũng nói, qua Mỹ dễ học hơn, mà ở bển đi học cũng tốn kém lắm, chừng qua đây... ngày tối lo đi cày trả nợ."
"Chị không thích cái tên Lệ của mình, lệ là nước mắt phải không em, chị nhứt định đổi tên. Lúc thi nhập tịch, ông giám khảo hỏi chị có muốn đổi tên không, chị nói tôi muốn lấy tên Brigitte. Ông Mỹ hỏi lại...  tên gì. Chắc ông này không có coi phim Pháp, chớ người Việt mình ai mà không biết cô đào lừng danh Brigitte Bardot. Ông tròn mắt hỏi lại, tên gì? Chị thấy rắc rối quá nói thôi khỏi, tôi giữ cái tên cúng cơm mắc dịch của mình."

Tôi cười dòn, nói một câu lượm được trong báo (có vẻ hơi cải lương), người ta nói nếu mình không có cái mình thích, thì thôi hãy thích cái mình có.

"Chị đi làm nail, Mỹ nó kêu tên chị đâu có được, có bà khách lớn tuổi, biểu chị viết cái tên của chị cho bả coi, bả nói ồ: "Mai Ly". Từ đó ai cũng kêu chị là Mai Ly, chị thấy cái tên đó cũng đẹp.
     
"Hồi lúc mới qua chị đi làm trong hãng điện tử, làm linh tinh đủ thứ việc, con nhỏ leader người Việt sai mình còn hơn sai người làm, mình ai biểu đâu làm đó không bao giờ dám cãi, vậy mà có đợt lay off mình có tên đi trước. Lớn tuổi rồi tính làm hãng tà tà dưỡng già mà cũng không xong, thôi đi học nail tha phương cầu thực. Chị đi xuyên bang một phần cũng bởi chị Mỹ Liên khó tánh quá! Chị với bả không hạp, khắc khẩu. Mới qua mình được thằng con chỉ cho chiếc xe cũ làm chân, chiếc Toyota Corolla đời vua Bảo Đại tắm mưa cởi truồng, bữa đó trời mưa nó dở chứng không chịu nổ máy, chị khều bả hỏi mượn tiền sửa. Bả trợn mắt, mày đi làm cũng phải để dành trong túi chút đỉnh, ra đường lỡ có đạp bánh phồng bánh tráng có tiền mà đền cho người ta. Xứ này không ai lo cho ai."

Chị Mỹ Lệ và tôi cùng cười xoà. Chị kể tiếp.
 
"Em biết tánh chị mà, trong nhà chỉ có chị với thằng Thành là ăn chơi bạt mạng, nó bửa nay có vợ con biết lo chút đỉnh rồi, chỉ còn chị lông bông. Đi làm quanh năm suốt tháng vậy chớ lần nào về Cali  chơi, mấy đứa cháu mua vé máy bay cho chị lại cho tiền xài. Hôm đám cưới con gái chị Mỹ Lan, mấy bà xúm nhau diện, bà nào cũng đeo hột xoàn cục cục, chỉ có mình chị đeo đồ giả. Lúc đó má chị còn sống,thấy vậy cho chị sợi dây chuyền cùng chiếc cà rá, vậy mà hôm trước túng tiền chị cũng bán mất mẹ nó rồi. Định bụng bữa nào có tiền sắm lại chiếc khác, về đây chị Mỹ Liên dòm ngó rồi bả hỏi không biết đường trả lời. Nhắc lại thấy nhớ bà già quá! Bà còn sống chắc cũng xá dài đứa con gái cưng này.  
Chị Mỹ Liên lâu lâu la chị. Mầy không biết lo, mai mốt già rồi khổ. Chị cũng biết vậy, nhưng ai có trãi  qua cuộc đời độc thân toàn tập mới hiểu. Người ta có vợ chồng con cái thì họ lo, còn mình...sớm tối đi về hẫm hiu một mình. Đôi lúc buồn quá chị cũng buông xuôi phó mặc cho cuộc đời đưa đẩy tới đâu thì tới."

***
 
Chị Mỹ Lệ có hẹn với mấy bà bạn cùng nhau rủ đi chơi, mấy người này sống ở vùng này tự hồi nào tới giờ, nay ai cũng tới tuổi nghỉ hưu nên có nhiều thì giờ rỗi rãnh. Anh Trường là người anh họ của bạn chị Mỹ Lệ, hôm nay anh tình nguyện đưa mấy bà đi viếng thành phố San Francisco nổi tiếng này.
 
Sáng sớm chị Mỹ Lệ đã sửa soạn chờ sẵn, chị mặc quần bó như mấy cô gái trẻ, áo bông hoa theo đúng mốt thời trang bây giờ. Trông chị trẻ hơn nhiều so với tuổi 68. Chị lúc nào cũng thích mặc đẹp và có hơi chút kiểu cọ, tôi còn nhớ trước đây (trước năm 75), chị có một cái quần Tây, phía ngoài "phẹc mơ tuya" có kết mấy cái nút cách điệu, cái nút thiệt bự lúc đi ngoài đường ai cũng ngó vô chỗ đó. Thời bây giờ con gái mặc áo hở lưng là chuyện thường, vậy mà thời trước chị Mỹ Lệ cũng có một cái. Lúc tôi lên Sài Gòn trọ học, có một lần vào đêm Noel tôi  ghé qua nhà chị chơi,  chị nhờ tôi chở chị đi ngắm phố phường. Sài Gòn đêm Noel đông nghẹt người, hai chị em đèo nhau trên chiếc xe Honda cùng giòng người ngược xuôi tấp nập. Chị mặc cái áo hở lưng, mô đen hạng nhứt thời đó, lâu lâu bị tụi con trai chạy gần bên sờ vô lưng chị một cái, mỗi lần bị sờ lưng, chị la một tiếng lớn làm tôi giật mình mà lại tức cười. Thiệt mấy người này đúng là dân Sè Goòng.
                 
Buổi tối chị về tôi hỏi hôm nay chị đi chơi có vui không. Chị nói đi lang thang phố Tàu coi cẩm thạch, coi chơi chớ không có mua, sau đó đi ra cầu Golden Gate chụp hình. Chị khoe tôi tấm hình chị chụp rất đẹp với phông nền phía xa là chiếc cầu treo nổi tiếng. Chị móc bóp khoe tôi viên ngọc trai "người ta" mua tặng chị lúc đi chơi ngoài bến tàu. (Người ta ở đây là người đàn ông goá vợ chở chị và mấy bà bạn đi chơi sáng nay).  Loại ngọc trai vẫn còn nằm trong con trai được đóng hộp, khi nào mình mua người bán sẽ khui cái hộp, lấy con trai ra cạy miệng nó lấy viên ngọc trước mặt mình. Viên ngọc  to hay nhỏ xấu hay đẹp tuỳ hên xui. Thật ra giá trị viên ngọc trai này không lớn, chỉ khoảng mấy chục đồng thôi, đây cũng chỉ là một kiểu "giúp vui" du khách trong mấy khu du lịch miền biển này.

Chị Mỹ Lệ có vẻ sung sướng với món quà. Chị nói không hiểu sao mình vẫn thích nhận quà từ đàn ông, khi đó mình có một cảm giác lâng lâng khó tả, giống như mình được họ đặc biệt quan tâm. Chị  nói chị cũng rất thích người đàn ông có cử chỉ cùng lời nói ngọt ngào, "ngày xưa chị  đã từng bị một người đàn ông đốn ngã chỉ bởi ông ta bẻ cái bánh một nửa đưa cho mình". Chị nhìn tôi rồi nói:

" Em à!  có lẽ đó là một khuyết điểm lớn nhất của chị."

Tôi nhìn vẻ mặt mơ màng của chị Mỹ Lệ, ở từng tuổi này mà chị vẫn có thể bị đốn ngã  bởi nửa cái bánh của một người đàn ông? Nếu quả thật đó là một khuyết điểm của con người chị, thì cái khuyết điểm đó cũng là một khuyết điểm dễ thương.

"Em còn nhớ anh Tài không? Ông xã hụt của chị đó?"

"Nhớ, ảnh ở Mỹ phải không chị?"

"Ảnh ở Santa Ana chớ đâu, bữa chị với chị Mỹ Liên đi chợ gặp ảnh, ổng mừng quá chạy tới ôm chị. Có vợ con ổng đi theo, ổng nói "vợ lớn" của tui nè, con gái của ổng nói ba con nhắc "má hai" hoài, bữa nay mới gặp thấy "má hai" thiệt đẹp".

"Vợ hụt" chớ vợ thiệt chắc ổng đã ngủm cù đèo. Chị Mỹ Lệ cười dòn. Nhiều lúc chị ngẫm nghĩ, cái số của chị không mắc nợ với ai nhiều khi vậy mà tốt, (chắc chị muốn nói tới cái số...mà thầy bói nói),  thời đó chiến tranh, người ta chết biết bao nhiêu, vậy mà mấy ông bồ nhà binh của chị ông nào cũng còn sống qua đây hết trơn.

"Em còn nhớ anh Hùng, trung uý hải quân, có lần chị với em ra tìm ảnh ở ngoài Vũng Tàu không? Ảnh ở New York, nghe tin chị qua có tới thăm, lúc ra về còn để lại bao thơ cho chị năm trăm mua quần áo".

"Chị  đi ra Vũng Tàu thăm "bồ" rủ em đi theo để trong nhà không nghi. Em nhớ hoài lần đó chị không có tiền, đem bán sợi dây chuyền, về nhà nói đi ngoài đường bị chúng giựt."

Chị Mỹ Lệ cười khúc khích. "Thiệt tình, hồi đó còn con gái sao mà gan như vậy hỏng biết! Không có tiền dám đi bán sợi dây chuyền của bà già mua cho, còn đặt điều nói dóc ra đường bị giựt. Má chị mua sợi khác cho chị, nói con đeo đi ra đường cẩn thận. Ba chị nói bữa vô tiệm vàng Kim Vinh thấy có sợi dây chuyền giống hệt sợi dây chuyền của con Mỹ Lệ."

Chị Mỹ Lệ cười rung rinh cái ghế ngồi, chị nhớ lại thời con gái oanh liệt của mình. "Chắc ba chị biết, nhắc lại thấy nhớ ông già bà già quá!".


oOo


Sáng hôm sau anh Trường đến đón chị Mỹ Lệ đi ăn sáng, sau đó kéo nhau ra bãi biển chỗ thành phố ngày trước tài tử Clint Eastwood từng làm thị trưởng. Buổi tối về nhà chị Mỹ Lệ hết lời ca tụng người đàn ông goá vợ này.

"Ảnh ăn nói ngọt ngào mà có vẻ hợp tánh chị, hai người nói chuyện hợp rơ lắm, chị kể chuyện ảnh cười suốt, khen chị nói chuyện có duyên.  Đôi lúc chị bắt gặp ánh mắt của ảnh nhìn chị trìu  mến."

Tôi hỏi anh Trường có nói gì về gia cảnh của anh không, ảnh có quan tâm tới đời sống của chị không.

"Ảnh nói vợ ảnh chết đã ba năm, giờ ảnh ở một mình, con cái có vợ có chồng đều ra riêng, mà tụi nó lại ở xa, lâu lâu về thăm anh một lần. Ảnh hỏi  chị không định nghỉ hưu sao, không chồng con làm chi cho nhiều, hưởng đời đi chớ, quỷ thời gian đâu còn bao nhiêu. Chị nói tuổi này mà còn đi làm đôi lúc thấy cũng oải lắm. Nhưng ở nhà thì buồn, về đây ở thì sinh hoạt  đắt đỏ quá! Tiền nhà mắc quá! Ảnh cười nói, về đây ở ảnh cho chị share phòng, lấy giá tượng trưng."

"Như vậy là ảnh mở lời rồi đó"

"Ảnh sanh năm 1947, tuổi con heo, lớn hơn chị ba tuổi. Chị  nói  anh tuổi Hợi, em tuổi Dần, ở chung nhà sợ...kỵ. Em biết ảnh trả lời sao không, ảnh nói: 'Dần Thân Tỵ Hợi tứ hành xung. Chun vô mùng ở trỏng luôn'. "

Tôi cười dòn, rồi, như vậy là ảnh chịu chị quá rồi. Ảnh tấn công tới tấp, cũng mau thiệt, mới có mấy ngày. Nếu chị thấy được thì tiến tới luôn cho rồi, làm bạn già sớm tối có nhau. Mà chị có muốn lập gia đình không? Hay chị thích ở vậy, chị thích cuộc sống hiện tại, chị thích đi làm hoài không tính nghỉ hưu sao?

"Đi làm nail là để kiếm cơm sống qua ngày, chị đâu có thích cái nghề đó mà chị cũng không có khéo tay"

"Chị biết làm móng bột không? Chị biết làm đủ thứ hay chỉ làm tay chân nước?"

"Chị biết làm đủ hết, nhưng chị làm móng bột chậm lắm, mà có khi không được đẹp, hên xui tuỳ bữa. Chị cũng biết nhổ chân mày, nhổ bikini cho mấy con khách, wax lông ngực đàn ông. Nhưng chị ít làm lắm, kẹt lắm chị mới làm, có mấy ông khách lông nhiều nhổ bị chảy máu, chị sợ. Giờ lớn tuổi  chị chỉ làm tay chân nước, làm chút chút cho đỡ buồn tuổi già. Con nhỏ chủ tiệm cũng rất tốt với chị, chị muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ, nó không nói gì, nó thấy chị lớn tuổi coi như cô bác trong nhà."

"Chị ở chung nhà với chủ?"

"Chị mướn nhà ở chung với mấy người thợ làm nail. Mà thợ nail thì nay vầy mai khác, tụi nó còn trẻ bay nhảy lung tung. Hiện tại chị ở chung nhà với một thằng thợ trẻ và một con nhỏ thợ. Hai đứa này dễ thương lắm, lúc trước cuối tuần chị hay đi theo tụi nó vô quán bar chơi, nếu không thì tụ tập đánh bài xập xám ăn chi."

"Chị biết đánh xập xám ăn chi?"

"Theo tụi nó chơi riết biết, mà cũng không rành, chị hùn để cho nó đánh, chị ở vòng ngoài lo cà phê, luộc mì gói"

"Chị đúng là tứ đổ tường, tường nào cũng dựa, chị enjoy cuộc đời như vậy, bởi vậy chị đâu chịu về sống với chị Mỹ Liên"

Chị Mỹ Lệ cười xoà. Em biết chị mà, hồi nào tới giờ... thích vui vẻ. Nhưng chị đang lo chưa biết tính  sao, hai đứa ở chung nhà sắp dọn đi, chị một mình gánh căn nhà sao nỗi.  Mà về ở với chị Mỹ Liên  kể như đời tàn trong ngõ hẹp. Suốt ngày cứ lo tập thể dục dưỡng sinh không thôi thì đi chùa. Từng tuổi này ai mà không uống thuốc, có người uống ba bốn thứ chưa thấy gì, cao máu cao mỡ tiểu đường. Ổng bả mới bị cholesterol cao, không dám ăn đồ biển, bữa chị mua một phần bò bít tếch tính đem về nhà chia chỉ ăn phân nửa, ảnh đứng gần thấy vậy la lớn "chết chết chết" làm chị hết hồn. Ăn thịt bò ngon quá...chết sớm.

"Vậy là ý trời đã định,  chị về "sống thử" với anh Trường một thời gian xem sao"

"Không, sống thiệt chớ không sống thử. Chị ghét đàn ông cứ lửng lơ con cá vàng, yêu thì yêu nhiều nhưng cưới thì để từ từ. Chị tính hễ anh Trường mà ngõ lời, chị nói phải làm đám cưới đàng hoàng tui mới chịu"

"Hoan hô chị hai tay, rồi, nhứt định lần nầy chị sẽ mặc áo cô dâu nhe"

Chị Mỹ Lệ cười dòn, cũng vui, ai có ngờ 68 tuổi đời mới được một lần bước lên xe hoa. Ba chị hồi lúc còn sống cứ nói hoài, thằng nào xui lắm mới gặp mày. Anh Trường có nhà cửa đàng hoàng lại không vướng bận vợ con, đi đâu mà tìm phải không em. Nhưng chị còn sợ ảnh ởm ờ, nhất định lần này phải níu chặc không để vuột khỏi tầm tay. Chị hài hước, em biết chỗ nào chỉ dùm chị chuộc lá bùa yêu.

Hôm chị Mỹ Lệ trở về lại Virginia anh Trường đến đưa chị ra phi trường. Nhìn anh lăng xăng tôi nghĩ  đám cưới chị Mỹ Lệ cũng sắp đến gần. Tôi lấy cái phone gửi text cho chị.

"Chị Mỹ Lệ ơi! Em thấy chị khỏi cần chuộc lá bùa yêu. Chị hãy lo sửa soạn áo cưới để lên xe hoa." 



Nguyễn Thạch Giang




-------------
Tác giả có nhuận sắc lại truyện ngắn này đăng lần đầu trên "Giai phẩm xuân Kỷ Hợi của tuần báo Trẻ, tháng 01/2019 "  





Wednesday, September 26, 2018

THƯƠNG NHỚ MỘT TỜ



Sĩ  Liêm


Tôi nằm nghiêng mặt vào cửa buồng lắng tai nghe tiếng ngáy của ba tôi. Ông có tật lớn hễ nằm xuống giường chừng mươi phút là cất tiếng ngáy như sấm dậy. Mẹ tôi rất khổ sở vì tật lớn đó của chồng vào những năm đầu sống chung với nhau. Nhưng nghe mãi tiếng ngáy của người đầu ấp tay gối rồi cũng quen đi. Đêm nào không nghe ba tôi ngáy là bà lo ngại cho rằng chồng mình có chuyện buồn phiền hoặc đau ốm khó ngủ ngon giấc.
Mỗi lần nghe mẹ tôi cằn nhằn: "Ngủ cái gì mà ngáy như sấm, nằm gần ông chẳng ai ngủ nghê gì được". Ba tôi chống chế: "Người ngủ hay ngáy là người vô tâm không để ý tới chuyện vặt vãnh trong cuộc đời, không để tâm ám hại ai. Ngủ mà ngáy là ngủ ngon, có đầy đủ sức khỏe..."

Nhờ tiếng ngáy ấy mà mỗi lần tôi muốn hành động bí mật trong đêm, tôi chỉ nằm im giả ngủ đợi khi ba tôi "kéo gỗ" là tôi ra tay ngay. Từ ngày theo gia đình về Cần Giuộc chạy giặc "Đồng minh đánh Nhật", tôi biết rồi quen và kết thân với Cậu Một Tờ, một người bà con xa của mẹ tôi. Tôi thích Cậu, mê Cậu như một nhân tình bởi vì Cậu Tờ rất nuông chìu tôi, sẵn sàng thỏa mãn mọi đòi hỏi, sở thích của tôi. Dù khó khăn cách mấy, cậu cũng cố làm cho tôi vui lòng.
Tôi thì đeo dính Cậu, còn ba mẹ tôi thì cấm cản không cho tôi miết theo cậu bởi vì cậu ở dơ không ai bằng. Một năm cậu tắm bốn lần và gia tài cậu chỉ có hai bộ đồ thay đổi mỗi lần cậu tắm xong. Ít khi ai dám đứng gần cậu vì người cậu bốc ra mùi thật khó ngửi, nhứt là hai mảng ghẻ tàu nhầy nhụa trên hai ống quyển của cậu, xông lên mùi thật thúi của bệnh cùi. Thoạt đầu tôi muốn mửa mỗi khi xáp gần  tới người cậu, nhưng lâu dần mũi tôi cũng quen với cái mùi đặc biệt ấy.
Mới đêm hôm qua, ba tôi vừa cảnh cáo tôi: "Ba cấm con từ rày về sau không được ngủ chung với thằng Tờ nữa. Người nó dơ và hôi thúi như chồn mà sao con có thể nằm bên cạnh nó được chớ? Nó mà lây ghẻ hòm của nó cho con thì chỉ có nước trời cứu con mà thôi. Nó mắc bệnh phong tình đó, con biết không?" Tôi dạ dạ vâng vâng, hứa hẹn đủ thứ để khỏi ăn đòn. Tối lại, tôi lại thấy bồn chồn  muốn ra hàng ba chui vào nốp của cậu.

Đợi tiếng ngáy của ba tôi trỗi lên thật đều, tôi lồm cồm ngồi dậy, nhẹ nhàng tuột xuống bộ ván gõ lẻn ra tìm chỗ cậu Tờ ngủ. Con Mực chạy tới ngừ ngừ. Tôi đưa tay lên môi bảo khẽ: "Tao đây mầy, đừng có sủa. Hư bột hư đường hết nghe mậy". Nó đến bên tôi ngoảy đuôi mừng. Vành trăng lưỡi liềm chiếu ánh sáng yếu ớt xuống hai ngôi vườn quít, cam và xoài trước sân nhà. Tôi bước nhẹ tới bên chiếc nốp khẽ gọi cậu Một Tờ. Bóng cậu ngồi ở đầu hàng ba. Cậu búng tay gọi tôi đến. Cậu hỏi: "Anh chị Bảy ngủ say chưa mà mày dám ra ngoài này vậy?" Tôi đáp: "Bộ cậu không nghe tiếng ngáy của ông gì đó sao?" Cậu ừ một tiếng nhỏ rồi kéo tôi ngồi xuống bên cậu. "Tao đã chuẩn bị sẵn sàng từ nảy giờ, đợi mầy ra là tụi mình xáp trận".
Tôi nghe mùi xoài tượng và mùi nước mắm đường dấm ớt xông lên mũi. Dịch vị tôi hoạt động ngay, nước miếng tươm ra trong họng. Tôi nuốt nước miếng đánh ực nghe rõ mồn một trong đêm thanh vắng. Cậu Tờ và tôi đã ăn nhiều lần món xoài tượng chấm nước mắm đường dầm ớt cay xé họng rồi, mà lần nào nghe mùi xoài mùi nước mắm đường dâng lên mũi là tôi bắt đầu chảy nước miếng ào ào không sao cầm giữ nỗi.
Xuyên qua ánh trăng mờ nhạt tôi thấy cậu Tờ rọc từng mảng xoài xếp hàng lên dĩa bàn. Cậu một miếng, tôi một miếng, tiếng xoài tượng vỡ giữa hai hàm răng nghe thật dòn. Vị chua chua cộng với vị mằn mặn ngòn ngọt cay cay làm tôi ngây ngất. Vừa nhai vừa hít hà, tôi nghe khẩu vị mình trào dâng một cảm giác đê mê lạ lùng. Thoáng một cái hai cậu cháu đã nuốt gần hết trái xoài tượng lớn bằng cổ chân. Cậu Tờ nhường cái hột cho tôi. Chấm hột xoài vào nước mắm đường đặc kẹo, tôi cạp sạch đến vỏ cứng cứng của nó. Cậu Tờ bảo tôi trao hột xoài qua cho cậu, rồi cậu túm hết vỏ xoài đi thẳng ra ngoài vườn. Một đỗi sau, cậu trở vào căn dặn tôi: "Không được khoe với ai hết nghe chưa, tao hái trộm xoài của anh chị Bảy đãi mầy, ổng bả biết được là hết cả mày lẫn tao". Tôi trấn an cậu: "Bộ cậu nói tôi ngu lắm sao? Vả lại, cậu sợ gì chớ. Cả ngàn trái xoài đầy gật trên cây, mất một đôi trái làm sao ba má tôi biết được". Cậu Tờ giải thích là cậu leo cao không được, cậu hái xoài dưới thấp. Xoài dưới thấp bị mất trộm dễ bị ba tôi phát giác vì ba tôi rất tinh ý. Sáng nào ba tôi cũng đi vòng qua vườn xoài kiểm soát xem đêm qua xoài có bị hái trộm không. Xoài đã tới mùa hái rồi, ba mẹ tôi đã bán mão cho người ta. Mất xoài không tiếc mà chỉ sợ mất uy tín với bạn hàng.
Những lần cậu Tờ và tôi ăn xoài, ba mẹ tôi cũng biết xoài bị mất trộm nhưng ông bà chưa nghi người trong nhà hái trộm mà cho là người hàng xóm  tham lam chơi trò  mất dạy. Lần nào cũng vậy, sau khi ăn xong là cậu Tờ đem chôn vỏ, hột xoài, ra ao rửa thật  sạch chén đựng nước mắm đường.

Hết thèm xoài, cậu Tờ rủ tôi ra ruộng bắt cá nhảy hầm. Cậu đào một cái hầm rộng bằng cái mâm bên bờ đắp, sâu độ nửa thước, trét bùn thật láng chung quanh. Cậu và tôi ngồi cách hầm xa xa, chờ nghe tiếng cá nhảy từ thửa ruộng bên này qua thửa ruộng bên kia lọt xuống hầm. Tai cậu rất thính, vừa nghe tiếng động là cậu chạy nhanh tới rọi đèn bấm xem. Gặp cá kèo cứng, cậu bắt thả vào ruộng. Gặp cá lóc lớn bằng cườm tay, cậu đập đầu trét bùn kín từ đuôi đến đầu cá, xuyên một que cây vào miệng cá rồi chất rơm đốt lửa lên  thui. Qua ánh lửa bập bùng, tôi trông thấy mặt cậu nghiêm nghị, lúc thì cau lại lúc lại giản ra, theo từng nhịp trở mình cá trên ngọn lửa phần phật. Lớp bùn đen đổi màu dần dần trở nên đỏ ửng. Cá vừa chín thì đống  lửa rơm cũng vừa tàn.
Cậu  cắm đứng con cá bọc kín trong lớp bùn xuống nền đất ướt trên bờ đắp rồi trải lá chuối khô ra bắt đầu dọn tiệc. Gia vị chỉ có một ít rau vấp cá, một gói muối tiêu, vài ba trái ớt xanh. Cậu bảo tôi ngồi xếp bằng trên mặt đất đợi cậu đãi ăn món cá nướng đất, món sở trường của cậu. Qua ánh đèn bấm, cậu bốc lớp bùn trên mình cá, vảy cá theo lớp bùn non, lớp thịt trắng tinh bốc khói bay nhè nhẹ. Mùi thơm đặc biệt tỏa ngát chung quanh chúng tôi. Dịch vị tôi lại làm việc nhanh chóng. Nước miếng ứa đầy ra miệng. Cá ngọt làm sao ấy. Cậu nhường nạt cho tôi, còn cậu mút xương và lãnh cái đầu cá. Trong đêm thanh vắng, tôi nghe rõ tiếng cậu nhai đầu cá dòn rụm.
Những đêm có nước ròng, cậu Tờ lại rủ tôi đi bẫy cá nhảy hầm và nướng ăn tại chỗ. Ngán cá, cậu lại tổ chức đi bắt con nha, một loại cua nho nhỏ như con còng. Có đêm cậu bắt được hằng nửa thùng con nha. Nha luộc ăn không ngon bằng nha nướng. Mùi nha nướng thơm như cua nướng. Thịt nha ngọt không thua gì thịt cua.

Tình bạn giữa tôi và cậu Một Tờ ngày thêm khắn khít. Một ngày vắng mặt cậu  tôi buồn rã rượi như vắng mặt nhân tình. Ba mẹ tôi càng ngăn cấm tôi gần gũi cậu thì tôi lại quyến luyến cậu nhiều hơn.
Hai ống chân ghẻ của cậu đối với tôi chỉ là nỗi bất hạnh lớn trong cuộc đời trai tráng của cậu. Vì chúng nó mà cậu bị mọi người hất hủi, bạc đãi. Cậu Tờ nào có muốn như vậy đâu. Cậu muốn nó lành lặn để khỏi mang mặc cảm đối với mọi người chung quanh. Hằng tháng cậu lặn lội đến nhà thương quận Cần Giuộc xin thuốc uống và bom-mát về thoa ghẻ. Nhưng chờ cả ngày trời, nhà thương chỉ phát cho cậu một hủ bom-mát nhỏ bằng đầu ngón cái, không đủ trét đầy một phần ba ống quyển. Trét bom-mát lên mặt ghẻ, nước vàng làm trôi mất thuốc chỉ một hai giờ sau đó. Cậu nghe thiên hạ bày uống hay chích thuốc trụ sinh thì chóng lành bịnh. Nhưng làm sao mà có thuốc trụ sinh trị bịnh cho cậu đây? Tiền đâu cậu mua? Cậu nghèo rớt mồng tơi. Lối xóm có ai nhờ tát ao, gặt lúa, làm công việc vặt vạnh, cậu chỉ có đủ tiền mua thuốc rê, thứ rẻ tiền nhất để kéo cho đã cơn ghiền. Không có giấy quyến, cậu quấn bằng lá chuối khô hoặc lá chân bầu.

Món thuốc duy nhất còn lại để trị bệnh ghẻ của cậu là hột lịch mọc đầy ngoài đồng. Mỗi lần cậu Tờ làm thuốc mới, tôi đều có mặt để giúp cậu một tay. Hai đứa đi hái trái lịch ngoài đồng đem về dùng chài đâm tiêu đập nhè nhẹ cho hột lịch rơi xuống nền gạch. Gom hột lịch lại được chừng một tô nhỏ cậu đem ngâm vào cái thau. Hột lịch nhỏ như hột é, ngâm trong nước ít lâu sẽ nở ra và dính kẹo lại với nhau.
Cậu nấu nước sôi để nguội, rửa hai mảng ghẻ trên hai ống chân cho sạch rồi nắn hột lịch thành hai cái máng xối đắp lên trên. Cậu vuốt vuốt cho hột lịch dán chặc vào mặt ghẻ, chất nhờn của hột lịch bám sát vào da, hít hơi nóng của ghẻ làm cậu cảm thấy dễ chịu. Hai cái máng xối hột lịch cũ cứng như củi, tôi thường chơi trò thả tàu trên mặt ao với hai cái máng xối hột lịch khô cứng ấy. Chúng nó chồng chềnh trên mặt nước trôi theo gió ra giữa ao rồi chìm lĩm. Tôi thương cậu quá! Tôi không cảm thấy gớm chút nào hết. Có những đêm ghẻ hành, cậu không ngủ được, cậu lăn trở rên se sẽ. Nằm bên cạnh, tôi cũng thao thức, xót xa dùm cậu. Làm sao tôi chia sẻ được niềm đau nỗi khổ của đời cậu được phần nào?

Tại vì hai ống chân ghẻ mà cuộc tình đầu đời của cậu tan vỡ,  và cậu Một Tờ phải sống cô độc mãi cho đến tuổi trên bốn mươi vẫn chưa có được một người đàn bà an ủi, vỗ về.

Ở tuổi hai mươi hai, cậu quen rồi yêu một cô thôn nữ tên Thoa, con gái một trung nông bên làng Thuận Thành. Tuy là gái quê nhưng cô Thoa khá đẹp lại giỏi nữ công gia chánh. Cậu Tờ cũng thuộc hạng trai làng có học, dù chỉ đỗ bằng tiểu học. Cậu lại có khoa ăn nói, hiền lành và đạo hạnh. Trong làng ai cần nhờ việc gì cậu không hề từ chối, nhứt là thảo đơn từ thưa gởi, kiện tụng. Thậm chí có người còn nhờ cậu viết dùm thư tình, cậu cũng giúp luôn. Kẻ dư ăn dư để cho cậu tiền, cậu không hề nhận. Cậu chỉ lấy một vài gói thuốc Bastos đỏ Bastos xanh hút chơi, vậy thôi. Người nghèo gặp khó, cậu giúp không. Học được vài đòn võ Thiếu lâm, cậu thường ra tay nghĩa hiệp đánh kẻ mạnh ỷ chúng hiếp cô, bênh vực người hiền yếu đuối. Cô Thoa mến cậu chỉ vì bao nhiêu đức tính đó. Cuộc tình Thoa-Tờ khá thơ mộng. Đầu thôn cuối làng ai cũng biết cuộc tình đẹp đôi ấy. Hai người thề non hẹn biển sẽ yêu nhau suốt đời.
Bỗng, một chiều đau đớn nhứt đời cậu, cô Thoa và cậu hẹn gặp nhau tại ngôi đình làng để cậu quyết định dứt khoát chuyện cưới xin. Hai người ngồi sát vào nhau và lần đầu tiên, cậu Tờ thu hết can đảm đặt một nụ hôn lên má cô Thoa. Cậu hỏi:
- Thoa có muốn làm vợ tôi không?
Cô Thoa thẹn đỏ mặt vụng về nói:
- Sao hỏi kỳ vậy? Bộ chưa tin người ta hả?
- Tin chứ, nhưng tôi muốn chính miệng Thoa nói ra điều đó.
- Ai nói kỳ vậy, mắc cở  thấy mồ!
Cậu Tờ nắm chặc tay cô Thoa âu yếm:
- Người ta nói khi hai người thành thật yêu nhau thì không còn e ngại, mắc cở gì nữa hết. Nếu Thoa còn mắc cở là Thoa chưa thiệt tình thương yêu tôi.
Thoa cuối đầu e thẹn:
- Thương thiệt tình mà!
- Nhưng Thoa có muốn về làm vợ tôi không?
Cậu Một Tờ phải lay hỏi một chập cô Thoa mới khẽ gật đầu. Cậu ôm cô Thoa vào lòng. Cô Thoa đẩy nhẹ cậu ra, láo liên nhìn chung quanh sợ có ai ở gần trông thấy. Chiếc khăn tay rơi xuống đất, cô Thoa cúi lượm. Mũi cô thoáng nghe một mùi thịt thúi  phảng phất, cô hỏi trỏng:
- Mùi gì y như mùi chuột chết vậy anh Tờ?
Cậu Tờ giật mình đánh thót:
- Mùi gì đâu?
- Anh không nghe thấy à?
- Không...không có...mùi gì hết.
Cô Thoa đưa mũi đánh mùi chung quanh, lúc ngước lên, khi cúi xuống gần sát đôi chân cậu Tờ. Cậu đã biết đó là mùi đôi chân ghẻ của mình bị người yêu khám phá. Cậu ngượng cứng cả mình mẩy. Cậu lo, sợ. Cậu nghe lòng tê tái. Cậu tưởng chừng như hạnh phúc vừa mới tràn đầy, giờ đã vuột khỏi tầm tay cậu rơi vỡ tan tành. Đôi chân ghẻ làm ung thối cuộc tình vừa nẩy trong tim hai người.
Cô Thoa bảo:
- Chắc là con gì chết sình ở trong đình nên bốc mùi thúi  dữ vậy đó.
Cậu Tờ nắm tay cô Thoa nói nhanh:
- Ờ...ờ thúi thiệt. Thôi tụi mình về đi Thoa.

Cậu đưa cô Thoa ra cửa đình rồi hai người chia tay nhau. Cậu trở về nhà như kẻ mất hồn. Cậu đã cố dấu đôi chân từ nửa năm nay. Cô Thoa chưa hề biết bệnh tật của cậu. Mỗi lần hẹn gặp cô Thoa, cậu rửa ghẻ thật sạch, băng bó cẩn thận. Lần gặp này, cậu bận quá nhiều việc nên quên bẵng đi yếu điểm của đời mình. Cậu hối hận. Cậu buồn và tự trách mình. Suốt hai ngày trời, cậu bỏ cơm bỏ nước trốn biệt trong phòng riêng. Bịnh không hẳn là bịnh, nhưng cậu rã rời tay chân đi đứng hết muốn nổi.
Cô Thoa chưa biết gì cả. Cô chỉ nghĩ rằng mùi hôi thúi kia phát xuất từ một con vật gì đó chết sình trong ngôi đình làng. Hình ảnh cậu Một Tờ vẫn rạng rỡ trong trái tim cô Thoa.
Nhưng rồi việc gì phải đến đã đến. Tiếng đồn của trai tráng trong làng ganh tức với cậu Tờ dần dần lọt vào tai cô Thoa.
- Già kén kẹn hom! Con Thoa nó hết người thương rồi hay sao mà nhè chọn cái thằng Tờ ghẻ hòm!
- Hai mảng ghẻ tàu trên hai ống chân của thằng Tờ sẽ cho con Thoa nó hít mùi  đã dữ a! Ngủ quên nó gát hai ống chân thúi đó lên mũi, con Thoa có nước chết ngắc chớ sống sao nỗi.
- Nó lén lên Sài Gòn chơi bời mắc bịnh kín nên thân thể mới ra nông nỗi đó! Mang bệnh đó làm sao sanh con đẻ cái được mà con Thoa nó ham?
Cô Thoa nghe đầy tai lời chế diễu độc ác. Cô sực nhớ lại mùi hôi thúi ở lần gặp gỡ cuối cùng với cậu Tờ. Cô nửa tin nửa ngờ. Cô lén điều tra người nhà của cậu Tờ. Tiếng đồn đãi rõ ràng là sự thật. Cô Thoa chết điếng. Từ trên đỉnh cao hy vọng, tin yêu, cô rơi xuống vực sâu tuyệt vọng và khiếp đảm.

Và từ đó, cậu Tờ không còn bao giờ gặp lại cô Thoa nữa. Mối tình đầu đời của cậu giãy chết ngay sau cuộc hẹn hò cuối cùng ấy.
Cậu kể lại cho tôi nghe. Tôi thấy trong mắt cậu long lanh màn nước mỏng. Cô Thoa hãy còn sống bên làng Thuận Thành, cô đã là một bà mẹ tám con, đứa con gái đầu lòng đã mười chín tuổi. Nay cô đã là bà và có cháu ngoại. Chồng cô là một nông dân lực lưỡng, suốt đời chỉ biết cầm cuốc làm ruộng rẫy.

Nhựt đầu hàng Đồng Minh. Chiến cuộc Việt Nam rẽ sang một lối khác. Việt Minh nổi dậy khắp nơi. Pháp quay trở lại Việt Nam. Gia đình tôi bỏ Cần Giuộc về Chợ Lớn. Tôi tiếp tục việc sách đèn. Buổi chia tay với cậu Một Tờ tôi khóc thật nhiều như thể chúng tôi không còn bao giờ gặp nhau nữa.
Cậu ôm đầu tôi vỗ về:
- Cháu về trên ấy mạnh giỏi. Ráng ăn học để sau này thành tài giúp dân, giúp nước. Thỉnh thoảng cậu sẽ lên thăm cháu. Chợ Lớn Cần Giuộc không cách xa nhau mấy cây số đâu.
Tôi lặng thinh siết chặc tay cậu như không muốn rời xa. Tôi nghĩ cậu nói vậy cho tôi yên lòng chứ tôi biết chắc là cậu sẽ khó mà gặp tôi, vì cậu làm sao có tiền mua vé xe đò lên thăm tôi.
Đúng như điều tôi nghĩ, tôi rời làng Phước Lâm đã ba năm mà tôi và cậu Một Tờ chưa gặp lại nhau một lần. Tôi hỏi thăm ba mẹ tôi thì mới hay cậu đã bỏ làng Phước Lâm đi đâu không ai biết.

Rồi một ngày, tôi nghe được tin sét đánh về cậu Một Tờ: cậu đã bị Việt Minh xử bắn. "Chánh quyền cách mạng" bắt cậu về tội làm gián điệp cho Pháp. Người ta dựng lên một "toà án nhân dân"  tại ấp Phước Kế, đọc bản án "phản quốc" và bắn cậu Tờ ngay trước cửa đình làng Phước Lâm, nơi mà cách đó hai mươi mấy năm về trước, cậu và cô Thoa gặp nhau lần cuối cùng.
Tôi lén ba mẹ về Cần Giuộc tìm thăm mộ cậu Một Tờ. Không ai biết xác cậu được chôn cất ở đâu vì người ta kéo xác cậu đi mất sau cuộc xử bắn. Bà con lối xóm bàn tán xôn  xao một dạo về "tội phản quốc" của cậu Tờ. Trong mười người có tới chín người bất nhẫn trước cái chết của cậu. Cậu Tờ làm sao làm gián điệp cho Pháp được. Tiếng Pháp cậu dốt đặc kia mà! Người ta chỉ thấy cậu thường đi đi về về xã Long Phụng với áo quần, giày nón mới, rồi tình nghi cậu lấy tiền của giặc điềm chỉ này nọ. Thực ra, cậu đã bỏ đồng ruộng lặn lội lên Trảng Bom đi làm cây rừng với một người quen. Có tiền cậu sắm áo quần, nón, giày mới thường trở về quê chơi, đãi bạn bè nhậu nhẹt. Cậu đã chết oan! Chết vì tính chất độc ác của một số nhỏ người mệnh danh làm cách mạng! "Thà giết lầm hơn thả lầm".

Tôi ngồi trước thềm nhà cũ nhìn hai mảnh vườn xoài và cam quít. Lòng tôi quặn đau từng cơn. Bao nhiêu kỷ niệm êm đềm của một thời "chạy giặc" kết bạn vong niên với cậu Một Tờ chợt sống dậy trong tâm tưởng. Vườn xoài bây giờ không còn xum xuê như thuở nào nữa, những trái xoài màu vàng trắng vẫn còn lắc lư, đong đưa trong gió như nhắc nhở tôi những đêm cậu Tờ trộm xoài của ba mẹ tôi cùng tôi ăn ngấu nghiến với nước mắm đường dầm ớt xanh. Hình dung miếng xoài tượng dòn khứu chấm thật sâu vào chén nước mắm đường dầm ớt đặc kẹo, bỏ vào miệng nhai rom róp, nhưng tôi không còn thèm chảy nước miếng như thuở nào nữa. Nó sẽ làm tôi ê răng tê lưỡi vì thiếu vắng một người, một người dơ dáy bẩn thỉu nhưng tôi yêu và quý nhất trong đời. Tôi đã từng ví cậu Một Tờ như "Thằng gù nhà thờ Đức Bà". Cái thân thể xấu xí dơ bẩn hôi hám của cậu chứa đựng một con tim kim cương và một tấm lòng vàng.

Tôi rảo bước trên từng bờ đắp ngăn chia hàng hàng lớp lớp ruộng nước trãi dài đến ngút ngàn. Tôi bồi hồi nhớ lại những đêm bắt cá nhảy hầm với cậu Tờ. Món cá trét bùn nướng rơm thơm ngon, ngọt lịm không còn làm tôi thèm nữa mà bắt tôi nhớ cậu Một Tờ vô vàn! Chân tôi vướng cây lịch. Tôi dừng lại cúi xuống ngắt một cành đầy hột. Bóp nát hột ra, vô số hột nhỏ li ti rơi nằm trên lòng bàn tay tôi. Tôi nhổ một bãi nước bọt, cắm đầu hột lịch vào. Một tiếng "tách" bật lên, hột vỡ đôi. Không còn cậu Tờ nữa, ai sẽ dùng hột lịch chế thành một thứ thuốc trị ghẻ không bao giờ lành. Cây hột lịch bây giờ mọc đầy khắp nơi. Chúng tha hồ mọc. Cậu Một Tờ bây giờ đã ra người thiên cổ rồi. Ghẻ cậu đã lành hay vẫn còn hành nhức cậu từng đêm?

Giữa hoàng hôn đồng nội, tôi lững thững bước đi như kẻ mất hồn. Ngang qua cổng đình làng, tôi dừng lại nhìn vào trong. Cửa đình mở rộng, chỉ toàn một màu đen sẫm. Ở một nơi nào đó thuở xa xưa, cậu Một Tờ và cô Thoa đã đứng sát vào nhau nói chuyện tương lai hạnh phúc, và cũng một nơi nào đó, mộng đẹp của cậu đã đổ vỡ tan tành.
Bỗng dưng tôi bắt rùng mình. Tôi tưởng chừng như oan hồn của cậu hiện về và ôm choàng lấy tôi.


Sĩ Liêm




-----------
Nguồn: VĂN, số 60, tháng 6/1987