Thursday, December 7, 2017

ĐỂ LẠI SAU LƯNG





Nguyễn Thị Ngọc Nhung


Đạm lau nước mắt. Hồ quàng vai vợ, vỗ về. Mọi người đã ra về gần hết. Một người khách từ giã về, rán nán lại, nói dăm ba lời cùng Đạm, nước mắt nàng lại tuôn ra theo lời chia buồn. Hồ không muốn vợ xúc động nhiều có hại cho cái thai gần ngày, đứa con đầu tiên sau bảy năm lấy nhau. Chàng nói nhỏ với Đạm.
- Sửa soạn về em.

Hồ dìu Đạm ngồi xuống chiếc ghế nệm gần cửa. Mấy cái băng gỗ mòn nhẵn ngồi gần cả tiếng cho buổi lễ làm Đạm ê cứng cả người. Hồ vào văn phòng người quản trị tính toán giấy tờ. Đạm sờ mặt mình, da mặt cứng ngắt. Đạm có cảm tưởng lớp son phấn loang lổ trên mặt như lớp vôi dày nứt nẻ theo đường nước mắt. Nàng mở ví lục loại tìm cái gương nhỏ soi mặt. Mắt Đạm đỏ như mắt cá với đường chì nâu kẻ mắt còn có phân nửa phía đuôi nhoè nhoẹt. Lớp phấn hồng đánh nhẹ giờ chỉ còn đôi chút gần màn tang. Nước mắt và lớp kem lót làm da  mặt Đạm ngột ngạt. Nàng có cảm tưởng như một lớp mụn sẵn sàng ngoi đầu dậy. Đạm lấy khăn giấy lau sạch hai má, đánh lại tí phấn, thoa đường chỉ nâu trên mắt đều ra. Xong xuôi, nàng bỏ mọi thứ vào ví, sực nhớ đến son môi, Đạm lại lấy gương ra. Nàng đang chăm chú tô kẻ môi thì có người ngồi kế bên nặng nề. Đạm liếc nhìn. Chú Hoà mở nút cổ áo thở phào. Nóng quá. Nóng quá.
- Trời thế này chú còn chê. Mấy khi San Francisco có được một ngày nắng mà không có gió, nhất là vào đầu năm.
Chú Hoà nới rộng cà vạt. Tiếng thở nặng nề của chú làm Đạm khó chịu. Chú Hoà người mập đẩy đà.  Khi trời nóng, chú có vẻ chậm chạp uể oải, chú thở từng hơi ngắn hỗn hễn như sắp lên cơn suyển. Đạm ghét lại gần chú mỗi khi chú mệt, nhất là từ khi nàng có mang. Cái thai quấy nàng nhừ tử mấy tháng đầu và Đạm đâm ra khó chịu hơn mỗi khi nghe tiếng thở ngắn của chú Hoà. Đôi khi Đạm tưởng như nàng bị hụt hơi theo tiếng thở. Đạm nhích xa về phía đầu ghế nhưng giả vờ như đang kéo cho thẳng nếp áo. Chú Hoà không để ý.

- Cháu có thấy cô bé bồ thằng Công không? Chú chép miệng. Cứ như con mèo ướt vậy.
- Phải cái cô mặc quần jean, tóc rối bù đứng gần cửa không chú?
- Không, cô đứng kế bên kìa. Hình như cô tóc rối cháu nói là chị em chi đó, chú trông hai cô mặt giống nhau lắm.
Đạm cố mới trí nhớ, đông người quá nàng chẳng nhớ được ai ra ai, nhất là đám người ngoại quốc.
- Cháu chỉ nhớ có mỗi cô tóc rối thôi. Cô kia thế nào chú tả cháu xem nào.
- Cô đó tóc dài ngang vai, mặc áo đầm đen. Trông tưởng như người Việt mình vậy.
Đạm ngẫm nghĩ xong lắc đầu.
- Cháu chịu. Nhiều cô Việt Nam mặc đầm đen hôm nay. Thế thì cháu hàng. Cháu chỉ nhớ cô tóc rối vì phần đông ai nấy đều mặc đầm hay áo dài, cô ấy lại mặc jean, tóc quăn rối như da đen, trông khác ngay. Mới đầu cháu tưởng là người Việt, cháu chỉ anh Hồ xem cô bé nào đầu tóc táo bạo. Anh Hồ đoán là người Nhật vì cặp mắt tròn, da trắng.
- Không, chú Hoà nói giọng quả quyết, người Tàu, sinh ở phố Tàu.
- Sao chú biết được?
- Thằng Trí nhà chú có quen với đám đó, cũng qua thằng Công chứ đâu. Chúng nó đấu láo tiếng Mỹ nghe là biết ngay. Dân Việt mình nói thế nào vẫn nghe lơ lớ giọng, trừ mấy đứa bé con, trong khi mấy cô bé đó nói nghe như ...Mỹ đấy.
Đạm cười lời phê bình của chú Hoà. Chú nói tiếp.
- Nó với thằng Công định mua nhẫn cưới rồi đấy. Cháu với chị Cả có biết không?
- Cháu còn chưa biết mặt cô bồ thằng Công thì làm sao biết tin tụi nó định cưới nhau.
Chú Hoà lại chép miệng, hơi thở có phần đều hoà hơn lúc nãy.
- Cả đám trẻ biết tất mình thì cứ như ngỗng trời nghễnh ngãng.
- Cháu ngồi hàng đầu tiếp chuyện với mấy bà cụ có biết gì đâu.

Đạm đảo mắt nhìn quanh chợt dừng lại nơi hàng hoa phúng điếu. Chú Hoà nhìn theo phê bình.
- Xứ này lạ quá. Phúng điếu lại đi hoa đủ màu rực rỡ như đám cưới.
Đạm rưng rưng nước mắt khi nhìn thấy giá đỡ quan tài trống trơn. Chú Hoà thấp giọng.
- Này này, đủ rồi cháu ạ, cẩn thận tránh không làm nhoè lớp phấn vừa đánh lại.
- May là cháu để mẹ cháu ở nhà. Cháu còn dằn không nổi huống gì mẹ cháu thương biết bao nhiêu mà nói. Đạm chậm nước mắt nơi mi, tránh không để rơi xuống má, nói tiếp. Tối qua trời mưa, chú hay không, cháu khóc gần cả đêm. Cứ đi ngang căn phòng trống lại nhìn vào, tưởng như...
Đạm bỏ lửng câu nói nhìn lên. Hồ bước tới.
- Về em, xong rồi.
Đạm chần chờ nhìn Hồ, Hồ nói nhanh.
- Khoảng hai tuần sau họ sẽ cho vào ngăn mình đã lựa.
Đạm đứng dậy chậm chạp. Chú Hoà đỡ một bên.
- Thôi mình về. Thế là xong. Người chết yên thân, khổ người sống thôi.

Chú Hoà vừa lẩm bẩm vừa theo Đạm, Hồ ra cửa. Sân đậu xe chỉ còn rải rác dăm ba chiếc. Trí lái chiếc station wagon đầy nhóc người ngừng trước mặt ba người.
- Con về trước cậu nhé, cậu đi nhờ xe chị Đạm, xe con đầy quá rồi. Anh chị về sau với cậu em.
Chú Hoà xưa tay.
- Chúng mày về đi. Dặn mợ dọn bàn sẵn cậu về ngay.
Xe Trí đi rồi, Đạm, Hồ và chú Hoà thong thả bước ra xe. Trời trong, xanh ngắt không vẫn chút mây. Đạm nghĩ thầm, nếu mình có chết được chôn vào một ngày như thế này cũng thích. Hồ cắt ngang ý nghĩ của Đạm. Em cẩn thận. Đạm nhìn xuống, một cục đá nằm lăn lóc trên  đường. Hồ đá vào bên lề. Tiếng lăn cộc lốc vang vang. Trời thật êm khi không có gió. Khí trời ấm áp một cách kỳ lạ sau những ngày lễ cuối năm, mưa dầm cả tuần. Đạm để tay lên bụng như vuốt ve đứa bé. Hồ mở cửa cho vợ. Chú Hoà vào băng sau, miệng không ngớt than phiền.
- Xe gì cửa bé tí, có cái cửa mà cũng bần tiện.
Hồ nhìn Đạm tủm tỉm cười. Đạm bấm tay Hồ. Lần nào lên xe Đạm chú Hoà cũng than phiền là cửa xe nhỏ, ra vào khó khăn. Chú to béo quá so với chiếc Honda nhỏ bé của vợ chồng Đạm. Hồ vòng xe ngang cửa nhà thờ theo con đường dẫn ra cổng lớn, hai bên cỏ xanh mượt, dốc thoai  thoải. Chú Hoà lại lên tiếng.
- Chôn những chỗ này khối đứa dẫm lên đầu mình không hay. Dân mình chôn phải có mộ bia cao ráo cho ra hồn, đàng này chúng nó cứ đặt mộ bia dẹp lép sát bên sân cỏ. Chúng nó chẳng biết trọng mồ mã ông cha là gì cả. Nghĩa địa mà nhìn xa cứ tưởng như sân golf. Phải không? Chú Hoà lay vai Đạm. Phải không?
Đạm gật đầu. Chú Hoà có tật nói dai.  Chẳng trách Trí tránh  đi xe  với bố cũng phải. Đạm cười thầm với ý nghĩ của mình. Chú Hoà không ngừng miệng.
- Chú mà chết, nhất định không chôn ở đây. À, gần đây có cái nghĩa địa Tàu, lúc sáng đi ngang chú thấy. Tí nữa đến chỉ chúng mày xem. Y hệt như nghĩa địa xứ mình. Chú bảo thằng Trí, con nhớ nhé, có gì bố không về chết ở quê cha được thì đừng có chôn bố ở cái nghĩa địa tân thời của Mỹ, bố không an nghĩ được đâu, mộ bia còn thấp hơn cả ngọn cỏ. Cứ chôn tạm bố ở nghĩa địa Tàu này là bố tạm hả dạ rồi. Đạm quay nhìn Hồ. Chàng lái xe chăm chú. Đạm biết Hồ tránh không tiếp chuyện chú Hoà để chú bớt nói. Hình như sự im lặng của Đạm và Hồ không làm chú Hoà nản chí.
- Nói đến Tàu chú lại nhớ. Cảnh sát có nghi ngờ gì nữa không?
Đạm lắc đầu, tỏ ý hiểu chú Hoà muốn nói gì.
- Chú nghi là nó bị giết.
Hồ nhìn chú Hoà qua kính chiếu hậu.
- Chuyện qua rồi sao chú cứ nhắc đến mãi.
Hồ có vẻ không bằng lòng với câu nói của chú Hoà. Đạm ngạc nhiên ngơ ngác.
- Chú nói thế là sao? Hẳn hòi là nó tự tử kia mà.
Chú Hoà tránh ánh mắt của Hồ trong kính chiếu hậu, thấp giọng.
- Chú nhìn đám bạn của nó đoán được ngay, khó gì. Phố Tàu có khối băng du đãng tranh chấp nhau. Chúng giết người không gớm tay. Nhiều khi nó bị giết lầm thế thôi. Con nít đời nay ngu lắm, chẳng biết lựa người mà chơi.
- Không phải thế đâu chú ơi. Hồ chêm vào. Chú tưởng tượng hơi nhiều.
- Tưởng tượng gì. Đứa nào dám gan ra cầu Golden Gate mà nhảy xuống? Nội cái gió vù vù cũng đủ ngán rồi nói gì đến lội bộ ra tận giữa cầu mà nhảy. Cảnh sát lo tìm dấu trên xác nó, còn cái gì mà tìm? Rửa nát gần hết...

Đạm rùng mình. Nàng không nhìn được xác vì thai nghén nhưng trí tò mò không bỏ được nàng. Nàng nghe gai ốc nổi lên trên da. Đêm qua Đạm đã mơ thấy cái xác trong trí tưởng tượng của mình. Cái xác tơi tả, quần áo rách bươm, gương mặt chỉ còn ba cái hố lở loét, miệng tét mất môi dưới trơ răng như đang cười. Đạm chợt muốn khóc. Nàng nhìn ra cửa. Cái xác trong giấc mơ vẫn còn biết nhìn Đạm bằng hố mắt buồn phiền, bàn tay còn có xương trắng nắm chặc tay Đạm trong cơn giận dữ. Đạm nói, giọng nói rưng đầy nước mắt.
- Phải biết thế đừng cho nó đi đâu cả.
Chú Hoà ngỡ Đạm đồng ý với mình.
- Chúng nó giết người bí mật làm sao ngăn được.
- Không phải thế. Cháu nghĩ tại cháu nhiều hơn. Cháu nặng lời với nó nhiều quá. Dù sao nó còn trẻ con ham chơi, cháu rầy rà nó thế không phải, có vẻ khắc nghiệt với nó quá.
Hồ đanh mắt lại nhìn Đạm.
- Anh đã bảo không phải lỗi tại em, cớ gì em cứ nhận lỗi về mình chi vậy? Chuyện đã qua rồi. Nó chết rồi. Em đổ lỗi mình có làm nó sống lại không? Em phải lo giữ sức khỏe cho em. Cháu nói câu nầy chú đừng giận, cháu phải lo cho Đạm, buồn phiền có hại cho Đạm, chú đừng nhắc đến nó nữa.

Chú Hoà có vẻ hậm hực. Đạm khóc lặng lẽ. Nàng cảm thấy mình là người có tội. Mỗi lần đám bạn của Công nhìn nàng, nàng có cảm tưởng như chúng đang chê bai nàng. Thế nào Công lại chẳng kể cho tụi nó nghe về nàng. Tao có bà chị khó chịu. Có lần Công nói thế trên điện thoại vô tình Đạm nghe được. Đạm nghĩ đến lời đồn thiên hạ về mình. Tại chị nó mà nó chết. Bà ấy khó chịu khắc khe với nó lắm... Càng nghĩ, nước mắt Đạm lại tuôn ra nhiều hơn. Mình đâu có ý cấm đoán nó gì đâu. Chị em có hai đứa, không thương nhau thì thương ai bây giờ. Phải cái nó xài tiền không suy nghĩ thì phải ngăn ngừa nó chứ. Đạm tưởng như mình đang đứng trước một hội đồng buộc tội, hàng ngàn ngón tay xỉa xói mặt mình. Đêm đó nàng đã giận dữ bảo Công đừng về nhà xin tiền nữa, đừng về nhà chỉ để ăn cắp đồ đem bán, đừng về nhà làm phiền nàng nữa. Đạm biết em nàng có tự ái lớn, mới mười chín tuổi có khôn hơn ai đâu. Có lẽ nàng nói quá nặng, đã lỡ lời bảo Công đi đâu cho khuất mắt. Giờ Công đi khuất thật, nàng lại hối tiếc. Công không thèm để lại lời nào biện minh cho hành động của mình. Tại sao? Đạm không biết, nàng có cảm tưởng Công muốn hành hạ lại mình cho bỏ ghét, nên không để lại một chữ một lời. Nàng nhớ lại lần cuối cùng gặp Công. Ôi nó vui vẻ biết bao, còn đùa nàng rằng thế nào nó cũng có cháu trai. Biết đâu đó là dấu hiệu rằng nó đã quyết định. Ô, Đạm không biết. Nàng cứ đoán, cứ ngẫm nghĩ, cứ trách mình rồi lại khóc. Có khi Đạm nghĩ thế mà khỏe nợ. Nhưng rồi hối hận cho ý nghĩ tồi tệ của mình. Đạm buộc tội mình nặng nề hơn nữa. Chưa bao giờ nàng lại nghĩ rằng Công chết bởi tay người khác. Như ra khỏi cơn mê, Đạm sực nhớ lời chú Hoà. Nàng lau nước mắt, hỉ mủi vào chiếc khăn giấy Kleenex xong nhét nó vào gạt tàn thuốc trên xe. Hồ nhìn theo.
- Em đừng nhét vào đó nữa. Nó đầy lắm rồi. Cứ bỏ đại trên sàn xe anh tính sau.

Đạm lôi dúm khăn ra, ngần ngừ giây lát rồi bỏ trên nệm ghế của mình. Chú Hoà lại chắc lưỡi định nói thêm câu gì, bắt gặp ánh mắt của Hồ qua kính chiếu hậu, chú lắc đầu im ngay. Đạm nghe tiếng thở của  chú Hoà ngắn và nặng nề như sát bên tai nàng. Bỗng chú Hoà nhấp nhổm nhìn lui.
- Cái nghĩa địa Tàu đâu đây mà sao nãy giờ đi mãi không thấy nó đâu cả. Chú đổi giọng mừng rỡ. Kia rồi. Nhìn mà xem, chúng mày thấy nó có giống nghĩa địa Việt Nam không? Hừm, mùi hương thơm phức đây này.
Đạm và Hồ cũng nhìn theo hướng chú Hoà chỉ. Cái nghĩa địa nhỏ tí so với cái nghĩa địa cỏ xanh um ba người vừa rời khỏi, chung quanh lại là vách tường cao bao phủ, trước cửa là một cổng sắt đen lớn. Đạm chỉ thấy thấp thoáng qua những song sắt cửa. Nàng tưởng như mình vừa thấy lại Việt Nam trong chớp mắt. Và nhất là mùi hương, y hệt như lễ Thanh Minh đi tảo mộ.
- Chú nói phải đấy. Chôn tạm ở đây cũng đỡ được phần nào nhớ nhà.
Chú Hoà có vẻ hả dạ với khám phá mới của mình, Khệnh khạng lôi bút mực trong túi áo ra.
- Đường này là đường gì nhỉ? Nghĩa địa tên gì cháu có nhớ không? Chú phải ghi ngay kẻo lại quên. Cái này tối cần. Chị Cả biết là rối lên đi xem ngay đấy.
Hồ nhíu mày.
- Đường này là El Camino Real, còn cái nghĩa địa thì cháu chịu. Hình như họ để chữ Tàu trên cổng.
Đạm gật đầu.
- Đúng rồi anh, trên cổng toàn là chữ Tàu không. Chú lo gì, cứ ghi là nó khoảng block 17000 là mò ra ngay.
- Con bé này thế mà khôn. Chú chẳng nghĩ ra điều đó, cứ muốn ghi tên của nó. Chữ Nho lâu ngày không dùng đến cũng quên mất cả.

Từ đoạn đường đó về, chú Hoà đắm chìm trong suy nghĩ chi đó nên im lặng không nói thêm lời nào. Đạm và Hồ lấy làm lạ nhưng không muốn khơi chuyện, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng tư. Hồ chợt đưa tay vỗ nhẹ tay Đạm. Nàng nhìn Hồ mĩm cười. Hồ nhìn nàng cười lại xong quay đi nhìn thẳng ra phía trước. Đạm không hề biết là Hồ đang nghĩ đến Công. Chàng nghĩ đến Công như một của nợ vừa dứt. Tuy ý nghĩ có hơi trắng trợn nhưng Hồ không sao xua đuổi nó ra khỏi đầu mình được. Chàng hoàn toàn không chút cảm tình với Công, nếu không muốn nói là ghét bỏ nhưng chàng khôn khéo che dấu Đạm. Hồ không muốn tiếp tục nuôi một đứa em chỉ biết ăn chơi xài tiền phung phí. Công là một thất bại trên mọi phương diện. Đôi khi Hồ có thương hại Công nhưng chàng không muốn phí thì giờ chỉnh đốn Công. Theo chàng, Công đã là một căn bệnh không thuốc chữa. Học hành thì khoá nào Công cũng đóng tiền rồi giữa khoá lại bỏ gần hết, GPA không lên nổi trên 2. Đã mấy lần trường gửi thư cho Công cơ hội chỉnh đốn việc học nhưng rồi đâu lại vào đấy. Bạn bè thì Hồ không đếm được bao nhiêu mà nói trừ bạn gái ra. Công xấu trai, rất xấu trai, mặc dù Công có được dáng cao lớn nhưng Hồ để ý thấy không có cô nào muốn chơi với Công. Lúc này Hồ lại thấy Công quen toàn là những cô Tàu, Đại Hàn hay Phi Luật Tân, nhưng cũng chẳng kéo dài bao lâu. Hồ biết Công mặc cảm về điều đó nhưng chàng không muốn dính dáng đến, dù chỉ là một lời khuyên hay trấn an. Dĩ nhiên chàng không trách thói quen xài tiền phí của Công được. Gia đình Đạm giàu có tiếng ở Sài Gòn. Của hồi môn của Đạm gồm nhiều thứ nữ trang mà chính Hồ còn ngạc nhiên khi nhìn thấy. Công là con út nên sự cưng chiều của mợ Công dần dà biến thành loại vì trùng nghiệt ngã khoét sâu vào con người Công. Đã nhiều lần Công dọn ra khỏi nhà, lấy cớ mình lớn cần tự lập nhưng chỉ được vài tháng lại dọn về. Cũng có khi Công tỏ vẻ hăng hái muốn tìm việc làm để không phải mang tiếng là ăn bám, nhưng cũng chỉ kéo dài được dăm ba tuần thì bị đuổi, phần lớn là vì lỗi của Công. Hồ cũng chẳng buồn để ý đến Công với những chuyện gấu ó. Chàng không muốn mang tiếng dính dáng vào chuyện gia đình vợ, hơn nữa, Hồ tự cho mình không có trách nhiệm hay bổn phận gì với Công, một thanh niên gần hai mươi tuổi. Đôi lần Hồ có ý trách móc Đạm để phòng Công trống không ích lợi. Công dọn đi dọn về trăm lần, trong khi đứa bé sắp ra đời rồi sẽ lớn, cần một phòng riêng. Mỗi lần hai vợ chồng tranh chấp về phòng Công là mỗi lần Đạm buộc tội Hồ không thương Đạm. Hồ chẳng hiểu Đạm dựa vào đâu để kết luận một cách ngộ nghĩnh buồn cười như vậy. Chàng chỉ muốn Công dọn ra hẳn hoặc có thái độ dứt khoát để Hồ còn toàn tính cho con mình. Những lúc Đạm rầy rà Công, Hồ tưởng Đạm nghĩ như mình nhưng chàng đã lầm. Đạm rầy rà Công trước mặt nhưng lại mãnh liệt bênh vực em sau lưng. Lắm lần Hồ cười Đạm rằng Đạm tối mắt trong tình cảm, cho dù Đạm biết rõ hơn ai hết sự hư hỏng của Công, nàng vẫn sẵn sàng che dấu mọi thứ với tất cả mọi người kể cả Hồ là chồng Đạm. Sau đó, Hồ lại hối hận đã nói thẳng tim đen của vợ mình. Dù sao, Đạm chỉ có mỗi Công là em, giữa hai chị em lại là khoảng thời gian khá dài, mười năm, Đạm nửa như chị, nửa như người mẹ thứ hai của Công. Và cứ thế, Đạm cũng chìm Công không khác gì mợ của Đạm. Hồ cũng tự đắc nhờ mình mà Đạm  có mở mắt đôi chút để bớt nuông chìu em, đẩy Công ra để Công rán tự lập. Hồ cho rằng công của mình trong việc uốn nắn Công đã bị mọi người bỏ quên, không có chàng chắc chắn Công còn xuống dốc thể thảm hơn nữa, nhất là từ khi cả nhà đặt chân lên xứ này.

Hồ ngừng xe nơi ngã tư, đèn đỏ sáng rực. Hai cô gái vừa đi vừa nhún nhẩy theo điệu nhạc vẳng ra từ chiếc radio cầm tay. Hồ nhìn theo hai gương mặt con nít đầy son phấn, quần áo màu sắc sặc sỡ. Con mình không thể nào giống như vậy được, Hồ nghĩ thầm. Chàng chép miệng nói với Đạm.
- Em thấy hai cô nhỏ đó em có sợ không?
Đạm lắc đầu.
- Có gì mà sợ? Hai con bé con diện có phần quá đáng đôi chút chắc là mới tập tễnh dùng son phấn mới loè loẹt thế kia.
- Thế mà em không nghĩ ra sao? Ăn mặc thế kia, đi nhún nhảy như thế, miệng chưa ráo sữa mà đã bày đặt này nọ, chỉ tổ  làm cha mẹ thêm đau tim mà thôi.
Đạm có vẻ thờ ơ.
- Ăn nhằm gì mình. Con thiên hạ thì thiên hạ lo, có phải con mình đâu mà anh lo quàng.
Chú Hoà ngồi phía sau vọt miệng.
- Con nít xứ này chú trông ghê quá. Mới mười ba, mười bốn mà đứng muốn cao hơn mình cả đầu, xe cộ lái như đi ăn cướp, đầu tóc nhìn cứ tưởng như chưa bao giờ nghe đến cái gương cái lược là gì. Chú cũng chẳng hiểu sao bố mẹ chúng lại chịu được. Con chú mà thế là chú từ nó ngay. Làm nhơ danh cha mẹ.
Đạm nhìn Hồ như có ý trách sao lại khơi chuyện cho chú nói.
- Dân xứ này hết trọng đàn bà lại đến trẻ con đến chó mèo. Chú thấy ngứa mắt thêm thôi. Người nào có địa vị người nấy, chó mèo chỉ là súc vật, trẻ con chỉ là con nít con nôi, chúng biết gì mà đòi này đòi nọ. Trứng đòi khôn hơn rận sao được. Còn đàn bà thì lo bếp núc, bày đặt đòi bình đẳng bình quyền, mãi rồi sanh loạn chúng mày xem, chú nói không ngoa đâu. Ông bà mình xưa đã dạy thế, thì mình cứ thế mà thi hành. Trong nhà trước sau đâu ra đấy thì xã hội không thể nào trụy lạc được. Con phải biết bố mẹ trên đầu, vợ phải biết nép mình nghe chồng, học trò phải biết kính thầy cô. Xứ gì hở ra là bố mẹ thưa trường, thưa thầy cô, thế thì làm sao lũ trẻ trọng thầy cô lo ăn học được. Con Tâm nhà chú, về nhà cứ than phiền lương thấp với lại lương cao so với mấy tên đàn ông cùng sở. Chủ bảo nó có "dốp" là may lắm rồi, ở đó còn so đo kỳ thị nam nữ. Đừng có bắt chước mấy con Mỹ đòi này đòi nọ, chúng đuổi thì đói cả lũ. Đàn ông con trai thì tháo vát hơn đàn bà con gái, lương cao hơn là phải, kỳ kèo nữa là thế nào.

Chú Hoà chắc lưỡi, lắc đầu. Đạm có cảm tưởng như là chú đang bênh vực cho cả một nam phái sắp hàng sau lưng chú. Nàng nghe ngột ngạt khó chịu với ánh nắng gay gắt xuyên qua kính xe. Đạm quay kính xuống một tí. Gió ùa vào vù vù.
- Gió làm chú khó chịu không? Cháu mở kính xe cho dễ thở một tí.
Chú Hoà lắc đầu.
- Không, không sao cả. Chú cũng muốn ngộp thở. Xứ gì kỳ quá. Đóng kín cửa thì ngộp, mà mở kính thì lại gió lạnh. Chỗ thì sương mù kín mít chẳng thấy đường sá đâu cả, chỗ thì lại nắng chang chang. Cái thành phố này chú trông nó quái đản làm sao ấy. Phong thổ như thế chẳng trách người ngợm cũng không ra gì. Cái đất ở ảnh hưởng con người ghê lắm đấy, chúng mày có nhận thấy thế không?
Đạm và Hồ gật gật đầu không nói. Chú Hoà gần như độc thoại suốt đoạn đường còn lại. Chúng mày không thấy mấy thằng "ghê" đó sao. Chúng nó tụ về đây là phải. Đất đai phong thổ chướng thế này, chúng nó cũng chẳng phải là giống người. Nếu ai cũng như chúng thì diệt chủng còn gì. Bồ bịch gì lại là đàn ông với nhau. Trông chướng không thể tả. Xứ thanh bình quá nên đâm ra loạn là thế. Sống yên ổn quá rồi bày đặt. Xứ chiến tranh như mình làm gì có thì giờ nghĩ vẫn nghĩ vơ, bệnh tâm lý với lại phân tâm học. Đi ngược với thiên nhiên thế chẳng chóng thì chầy, xứ này diệt chủng. Hồ cười thầm khi nghe chú Hoà nói thế. Xứ này có diệt chủng cũng vài trăm năm nữa! Sợ chú Hoà biết mình đang cười, Hồ làm mặt nghiêm nhìn thẳng lái xe. Chú Hoà tiếp tục thao thao. Đạm thở dài  mệt mỏi. Chú Hoà nói nhiều câu Đạm không đồng ý và nàng muốn cãi lại. Đó là cái tính xấu của Đạm, mỗi khi ai nói câu nào không vừa ý với quan niệm của Đạm là nàng nhất định cãi lại cho bằng được. Từ lúc có mang đến giờ, nàng cố tập cho mình bớt cái tính đó. Nàng muốn đứa bé con sinh ra tính tình đằm thắm dịu dàng. Đạm che dấu không muốn Hồ biết rằng nàng muốn con gái hơn là con trai. Con trai, nàng chỉ sợ nó giống Công, dù sao, máu huyết của nàng, làm sao tránh khỏi? Hồ cười nàng lo nghĩ viễn vông nhưng Hồ nào biết rằng Đạm không thể tránh được ý nghĩ buộc tội mình, buộc tội Công. Công đã mất rồi nhưng lời nói đùa vẫn ám ảnh Đạm, nặng nề hơn bao giờ hết. Thế nào chị cũng có con trai, mà con trai thì phải giống em mới được, đừng giống anh Hồ, cứng đơ lạnh lùng như khúc gỗ, nó phải giống em, nhiều tình cảm. Đạm không muốn con mình giống Công. Công là món nợ Đạm vừa thoát khỏi, một thứ nợ buồn phiền chua chát hơn là quấy rầy phá rối

Đạm sực nghe chú Hoà nhắc đến tên Công, nàng lắng nghe.
- Cái thằng cũng kỳ. Chú nói gì nó cũng cãi lý cho bằng được, giống con Đạm như hình với bóng. Nó bảo chú cổ hủ như cái bình tích. Cái thằng, ăn nói ngang không? Nó bênh mấy thằng "ghê" bạn nó đó mà. Nó kêu đấy chỉ là bệnh thôi. Bệnh gì? Bệnh thì có thuốc chữa. Nó lại cãi ong óng rằng bệnh tâm lý, phải chữa bằng tâm lý, thế này thế kia, xứ tự do, ai muốn sống sao thì sống. Đời sống cá nhân khác đời sống xã hội. Úi giời, thằng Công dùng toàn chữ kêu như sáo ấy. Con Đạm cũng thế.
Đạm bực dọc, bỗng dưng chú Hoà lại bảo là Công giống nàng.
- Công nó giống cháu là thế nào? Chị em giống nhau là chuyện thường tình, nhưng đâu có nghĩa là cứ anh chị em thì phải giống nhau. Cháu thấy nhiều anh chị em tính tình một trời một vực.
- Đấy, đấy. Chú Hoà cười sằng sặc, chú có nói ngoa đâu. Chị em chúng mày ưa cãi lý lắm, giống chị Cả. Cái này là từ chị Cả mà ra. Gì cũng cãi cả, tánh nóng như lửa ấy. Gì không hài lòng là nói ngay. Đuối lý vẫn cố cãi như thường, cãi chầy cãi cối cũng tiếp tục cãi.
Đạm liếc chú Hoà một cái.
- Cháu cãi chú bao giờ. Chú bảo thằng Công giống cháu. Vâng nó giống cháu, giống là giống mặt mày tướng tá chớ còn tính tình thì không. Nó không biết lo, không biết suy nghĩ sâu xa, thích lo cho bạn bè hơn là gia đình thân thuộc.
- Tại nó nhiều tình cảm. Hồ buộc miệng.
Đạm quay qua Hồ, có vẻ gây sự.
- Anh bảo nhiều tình cảm là sao? Nhiều tình cảm thì phải thương gia đình trước chứ nhiều tình cảm để người dưng có lợi à?
Hồ vả lả.
- Anh nói nhiều tình cảm nhưng đặt không đúng chỗ.
- Anh nói thế mới phải. Đạm có vẻ vừa lòng với câu nói chữa của Hồ. Nó ngu nên chỉ biết bạn bè. Bây giờ nó chết rồi, đem theo được đứa bạn nào nói em nghe thử. Nhiều lắm là dăm bữa rồi tụi bạn nó cũng quên. Ai ngồi đó thương tiếc nó suốt đời? Cái thằng nhiều tình cảm mà ngu. Nói gì nó cũng chẳng hiểu được mình. Nói gì nó cũng bảo là mình khó chịu, bảo thủ. Nói gì nó cũng bảo nó là em chứ không phải là con mà mình muốn đặt đâu nó phải ngoan ngoãn ngồi đó. Mình lo cho nó mà cứ bảo là mình xen vào đời tư nó.

Mắt Đạm long lanh ướt. Giọng nói bắt đầu muốn nghẹn.
- Mình nghĩ tốt cho nó, phải biết chuyện của nó mới phụ nó giải quyết được, nó lại bảo mình nhiều chuyện, đời nó để nó lo. Còn lên giọng giải thích, nó là nó, mình là mình, độc lập. Không ai có quyền ảnh hưởng ai. Bảo nó lo đi học thì nó lại gân cổ rằng đi học như chị xong ra trường đi làm, chỉ có thế thôi, cuộc đời gì mà chán nản, phí phạm. Hỏi nó muốn làm gì với đời nó thì nó bảo sống.
Sống như thế nào mới được chứ? Đâu phải chỉ nói sống là đủ. Sống bằng gì? Phải thực tế chứ, mợ đâu sống hoài để nuôi nó đi chơi. Cuộc đời đâu đo bằng bạn bè hay bồ bịch. Cái thời trung học ngu dại đã qua rồi, nó phải biết thế, phải nhận thức thế. Cái thằng cứng đầu. Nói êm dịu nó chẳng thèm nghe. Làm dữ thì nó giận hờn bỏ đi. Dù gì đi nữa, nó phải hiểu nó là em, có lo cho nó, có để ý đến nó, mình mới rầy la nó. Không hiểu sao nó lại dại đến thế, đi tự tử làm gì? Khối người muốn sống lại không được sống, trong khi nó có mọi thứ quanh mình.
Chú Hoà không dằn được, lỡ lời.
- Đã bảo nó điên gì đi tự tử, phải có người khác nhúng tay vào. Biết mình nói hớ, sẵn trớn, chú Hoà nói luôn cho hết ý nghĩ của mình rồi ra sao tính sau. Người ta ai chẳng ham sống huống chi nó còn trẻ, còn ham sống thì không có cớ gì để nó tự tử cả. Có ai hờn anh chị mình chuyện la rầy nhỏ nhặt đi tự tử bao giờ. Thử tưởng tượng ra nó đứng đấy, gió lạnh vù vù, chưa kể đi bộ bao xa mới ra đến giữa cầu? Không ai thấy nó đi sao? Vô lý lắm. Nó phải đậu xe gần cầu rồi đi bộ dọc theo cầu. Trong khoảng thời gian đi như thế, thánh cũng phải nguôi cơn giận. Chưa kể nhìn xuống nước biển xa tít mù, gió ào ạt, thằng Công làm gì đủ gan để ra đó nhảy xuống.

Đạm nhăn mặt, cố tránh cơn nôn ngấp nghé tới cổ họng. Mặt Đạm dần dần xanh mét theo cái xác rửa nát tưởng tượng trong trí qua từng lời nói của chú Hoà. Đạm nhắm mắt, như chợt thấy rõ ràng dáng Công đi lửng thửng trên cầu. Đạm lại mở mắt, chung quanh nàng mờ ảo như sương mù lấp đầy trong xe, nàng nghe ngộp thở. Dáng Công nghiêng nghiêng trèo qua lan can cầu, đứng cheo leo. Đạm thở mạnh dồn dập, nàng choáng váng như vừa uống một ly rượu mạnh. Hình ảnh  Công nơi cầu không thay đổi. Đạm muốn đưa tay giữ em mình lại. Quá trễ, Công đã nhảy xuống, gió vù đưa xéo vào chân cầu xi măng. Trong khoảnh khắc, Công lại trôi lên, mặt mày rửa nát, chỉ còn mấy hố sâu, hàm răng nhe mất môi trên như đang cười, quần áo te tua rách bươm. Cá rỉa, cá rỉa. Đạm nhắm mắt, buông mình theo tay níu của Công.

Chú Hoà rướn người lắc vai Đạm. Tỉnh dậy Đạm, Đạm, sao kỳ thế này. Hồ ơi! Chạy nhanh lên, về nhà đi, không, chở nó vào bệnh viện luôn. Nó bất tỉnh rồi.
Hồ nhấn ga, đưa tay mặt sờ Đạm, tay nàng lạnh ngắt. Mặt Đạm xanh mét. Hồ mở cửa kính xuống cho ít gió lùa vào xong đóng lại. Chàng lái xe thẳng vào bệnh viện trên đồi gần nhà. Mắt Hồ chai cứng với cơn giận. Chú Hoà tránh không nhìn Hồ cho đến mười mấy giờ sau, khi cả hai cùng đứng trước phòng trẻ sơ sinh.
Nhìn đứa bé trai mắt nhắm kín đỏ hỏn, chú Hoà vỗ vỗ vai Hồ.
- Lên chức bố rồi đấy nhé. Chú có người gọi bằng ông rồi. Tóc nhiều thế kia, tướng tốt. Tốt. Tốt.
Hồ chẳng hiểu sao chú Hoà cứ lập đi lập lại chữ tốt. Chàng đang vui sướng với chữ bố nên cảm thấy vị tha. Hồ muốn xá tội cho tất cả mọi người, kể cả chú Hoà, kể cả Công.


Nguyễn Thị Ngọc Nhung


--------
Nguồn: VĂN
Số 28, tháng 10-1984
















No comments:

Post a Comment