Monday, May 29, 2017

MẸ



N. Nguyễn



Mẹ tôi đi máy bay lần đầu tiên trong đời khi đã bảy mươi ba tuổi. Mẹ rời quê hương khi tóc đã bạc trắng. Dòng đời nào đã đưa mẹ đến một nơi hàng xóm không nói tiếng Việt mà mẹ thì không biết tiếng Anh !
Những ngày đầu mẹ rất vui được đoàn tụ với con cháu nhiều năm không thấy mặt. Nhưng ngày vui qua mau tiếp đến là những ngày trống vắng buồn tênh sớm trưa chiều tối ra vô một mình.

Mẹ bắt đầu có dấu hiệu hay quên. Mẹ nói với ông bác sĩ tôi ăn ngủ đi đứng cái gì cũng tốt chỉ có điều sao bây giờ hay quên. Ông bác sĩ nói với mẹ : " Bà quên tốt, nhớ chi cho khổ ". Miệng mẹ cười rất tươi khi kể lại chuyện này với người bạn già.
Đôi lúc con bắt gặp vẻ thoáng buồn trên gương mặt của mẹ, con đã làm mẹ buồn, nhưng con đã không nói với mẹ con sẽ không như vậy nữa. Đây là điều khiến con ray rức nhiều ngày qua.
Ngày con còn nhỏ làm điều chi có lỗi, mẹ nghiêm khắc bắt nằm sấp quất một roi mây vô đít. Mẹ dạy con nói : " Xin lỗi má, con không dám như vậy nữa ". Nhưng mẹ không còn phạt hay la rầy gì khi chúng con khôn lớn. Đứa con nào có làm điều gì khiến mẹ buồn mẹ cũng làm thinh không nói.

Rồi chứng bệnh quên của mẹ ngày một nặng không thuốc chữa. Mẹ ngồi một chỗ nhiều ngày tháng không còn nhận ra những đứa con của mình. Chúng con rất buồn khi thấy mẹ mình như vậy, nhưng chúng con cũng biết rằng sẽ còn buồn hơn ngày nào không còn được nhìn thấy mẹ ngồi đó. Dù chỉ ngồi một chỗ làm thinh cả ngày không nói chuyện với ai. Mẹ giờ đã quên hết không còn biết gì.
Hôm đưa mẹ vào nhà thương cấp cứu, nhìn mẹ nằm nhắm mắt thở khò khè bằng ống dưỡng khí con buồn rầu biết rằng ngày ấy sắp đến. Lúc người ta sắp đưa thi thể mẹ vào nhà xác, thằng cháu ngoại của mẹ bỏ ra ngoài ngồi khóc trong xe ở parking, nó không thể nán lại chờ tiễn đưa bà lần cuối, đó là một giây phút hết sức khó khăn cho nó.

Hôm rằm tháng tư chúng con làm lễ rãi tro cốt của mẹ ở ngoài biển xa. Con thầm cầu mong  tro cốt này sẽ trôi về phía bên kia bờ biển. Nơi mẹ đã sinh ra và sống gần cả cuộc đời. Thật là buồn khi tự hỏi dòng đời nào đã đưa mẹ đến đây.



Tháng 05-2017



Wednesday, May 10, 2017

KHI MẸ ỐM




Trần Diệu Hằng



Rồi thì tuần lễ thi cuối khoá cũng xong. Hai con đã khỏi cúm nhưng bài thi của mẹ thì chắc "cúm" nặng; kết quả của mấy đêm liền không chợp mắt trằn trọc nghe hơi thở khò khè của các con. Sức cố gắng tiêu tan, mẹ cho phép mình rũ xuống như kẻ chạy đua đã về đến lằn ranh cuối cùng. Sáng nay thức dậy, mũi mẹ cay xè, cổ họng đau buốt. Mẹ chập choạng ra khỏi giường trong lúc các con còn say ngủ. Mẹ vào phòng vệ sinh rửa mặt, thay quần áo, tô qua một lớp phấn mỏng, quệt sơ chút má hồng. Mẹ đi làm vì muốn để dành ngày nghỉ cho những kỳ thi tới, cho những lần khác, lỡ các con ốm đau.

Mẹ lái xe trên đường, đầu óc đặc sệt những ý nghĩ tối tăm. Bài thi xong rồi. Các con khỏe rồi. Mẹ ốm. Và cơn mệt mỏi rã rời của thân xác giật sập luôn sức chống đỡ tinh thần của mẹ. Mẹ muốn nằm hấp hối trên một bờ biển yên lặng nhìn ra ngoài khơi xa. Mẹ muốn cuộc đời chậm dần, như trái tim sắp ngưng đập, và không còn điều gì quan trọng nữa cả. Không đau khổ. Không hạnh phúc, không phản bội, không yêu thương, không làm việc, không ước mơ. Tất cả sẽ chỉ còn là sự yên lặng dần dà phủ xuống. Sóng biển ào ạt vỗ tới nuốt êm cuộc đời đớn đau. Nhưng bỏ cuộc đâu dễ vậy các con ? Sữa và tả cho Bòn Bon sắp hết, cần mua. Chôm Chôm thiếu vài bộ đồ ấm mặc trong nhà vì trời sắp lạnh gắt. Ở nơi mẹ đang đi tới gọi là sở làm, có cái terminal điện tử chờ đợi. Trong ví mẹ có nhiều hoá đơn phải trả. Cuộc đời không hết được. Chưa hết được. Thế là mẹ lừ đừ lái xe tới sở.

Tới nơi, mẹ phờ phạc gieo người xuống ghế. Mẹ nốc cà phê nóng với cream, không đường, và chào buổi sáng lia lịa với những người cùng sở. Mẹ cố dùng thói quen hằng ngày lấn lướt cơn buồn, căn bệnh. Jim nói trông mặt mẹ xanh lè. Mẹ hỏi: - Vậy sao ? Đêm qua tôi mất ngủ, nhưng sáng nay có trang điểm đàng hoàng mà. Người bạn đồng nghiệp hóm hỉnh hỏi tiếp: - Tại sao bà mất ngủ ? Làm chi mà mất ngủ ? Rồi hắn cười hà hà.
Mẹ nhếch miệng cười theo, dù là một nụ...nhạt phèo. Mẹ tính kể rằng hai con đau mấy đêm liền, nhưng mẹ thấy lười, lại thôi. Hơn nữa, để ông bạn đồng nghiệp vui thú chút đỉnh với cách pha trò của hắn cũng không hại gì. Khi viết những giòng này, mẹ chợt nhận ra một điều ngồ ngộ. Chữ "you" tiếng Anh cũng như chữ "nị " của tiếng Tàu, chữ "toa" của tiếng Pháp đơn giản quá trời đi. Bất luận người trước mặt tuổi tác liên hệ ra sao, cũng xử dụng có một chữ đó để xưng hô. Jim gọi mẹ là "you". Khi mẹ kể lại cho các con thì dịch đại là "bà", có đúng không nhỉ ? Đoán đoán vậy chứ biết chữ nào chính xác hơn ? Mẹ đâu phải là "cô", vì có tới hai đứa con lận. Ờ, nhưng mà theo lề lối xã hội ở đây, mười con vẫn có thể là cô như thường. Rồi mai mốt các con có gọi mẹ bằng "you" đôi khi ? Tiếng Việt mình thật là rắc rối, nên đời sống tình cảm cũng nghìn nẻo trăm đường. Người Việt mình trữ tình, tha thiết, nhưng mà thiết tha quá thành tật ...nói quanh. Nghĩ thế này nói thế khác, nói một đường làm một nẻo, rồi biện minh bằng rất nhiều thì, là, mà, bởi vì, nhưng nhị. Nói quanh cho đến nỗi một đám dẫn nhau lếch thếch đi tha phương cầu thực mà vẫn chứng nào tật đó. Hễ thẳng thắn thì than bạc bẽo, mà nếu quanh co thì lừa dối nhau chết ngắc lúc nào không hay. Mai sau, mẹ làm sao để đưa các con đi giữa đường biển, sống phong phú trong tình cảm mà vẫn ngay thẳng, nói những điều phức tạp mà chẳng quanh co. Hỡi ơi, sống kiểu gì lúc nào cũng lăm le nghĩ ngợi vậy trời ?

Mẹ thờ thẩn cầm cốc cà phê trở về chỗ ngồi. Xếp có giao một program để sửa. Mẹ trố mắt nhìn nó. Nó trố mắt nhìn mẹ. Nó nhìn mẹ. Thân xác mẹ lừ đừ vì mệt, nhưng tư tưởng chạy ríu rít trong đầu nhanh như điện. Đáng lẽ mẹ phải nghĩ cách tìm ra con "bug" trong những giòng thảo chương điện tử đó, nhưng mà những tư tưởng chạy vèo vèo trong đầu mẹ không có liên can chi với bổn phận này.
Mẹ là cái máy hỏng hôm nay. Cuộc sống hàng ngày ngưng trệ. Đời sống tâm linh khốc liệt tung hoành. Hôm nay mẹ ốm.
Và khi ốm, mẹ buồn, buồn thảm thiết. Mẹ hết hơi sức để chiến đấu với đời sống này, với cơn đau dai dẳng ngu xuẩn này, liên lạc từ thuở mẹ bắt đầu lớn khôn. Sống kiểu gì lúc nào cũng chiến đấu rồi ngã, rồi lồm cồm bò dậy chiến đấu tiếp vậy này trời ?
Nhưng mẹ không thể để mẹ thua. Mẹ không bao giờ thua. Mẹ nghiến răng bất khuất không thua.
Mẹ muốn mê thiếp đi vì mệt. Cổ họng bỏng rát. Mẹ ngồi lả người trên chiếc ghế xoay. Điệu này có lẽ phải bỏ việc, đi về. Có làm được gì đâu mà bỏ ?
Mẹ gục đầu xuống bàn, nghỉ tạm. Đợi chút xem sao.

Mẹ thấy mẹ teo lại, nhỏ bé chút xíu, quỳ dưới chân các con đang trở thành rất to lớn. Mẹ nghiêm trang cầu khẩn các con cho mẹ sinh lực để chiến đấu tiếp. Ôi những thiên thần bé nhỏ, hãy lên tiếng hát trong veo như chuông bên cổ bầy hươu kéo xe cho ông già Noel bay vút vào đêm thánh vô cùng, tiếng hát hãy vang vang lay tỉnh hồn ta mê mệt. Hãy dùng sự thánh thiện trong các con tẩy uế sự dơ bẩn lòng ta. Ta thường khinh bỉ sự trá, sự trá rơi vào ta. Ta thường khinh bỉ sự hèn, sự hèn rơi vào ta. Ta thường khinh bỉ sự ngụy, sự ngụy chiếm hữu hồn ta. Ta thường căm sự hẹp, sự hẹp cười ha hả xiết ta. Ta thường căm phẫn sự lầm, sự lầm ngạo ta hoài.
Những lầm lẫn trong cuộc đời của con người thật là mông mênh. Càng tha thiết với cuộc đời, càng dễ bị lầm lẫn và thất vọng. Nhưng sự tha thiết là một viên ngọc bích sáng lóng lánh trong đám sỏi đá ù lì. Mẹ yêu quý những viên ngọc đó, rồi trả bằng những giá rất đắt.
Mẹ nhớ hồi nhỏ, một lần theo ông ngoại đi cầu nguyện ở một am tự nghe đồn có ông Phật sống mới ra đời. Mẹ lúc thúc đi với lòng ngưỡng mộ. Tới nơi, mẹ đứng trong rừng người chen chúc nghe ông Phật sống mắng mỏ bầy đệ tử để lòng ngu muội nghe vài kẻ có ma tính dèm xiểm về sự Phật sống có vài bà vợ và hơn chục đứa con. Mẹ tức thở chen ra khỏi đám đông đứng hít khí trời. Một lúc, ông ngoại đi tìm, hỏi mẹ sao trốn mất không nghe giảng. Mẹ gân cổ nói con nhất định không tin Phật sống. Ông ngoại chắc cũng không tin gì mấy, nhưng tức vì sự bướng đầu của mẹ nên giáng mẹ một bạt tai. Mẹ khóc hoài hủy, nước mắt nước mũi chàm ngoàm; khóc không phải vì cái tát tai mà vì cảm giác bị lường gạt.
Ông Phật sống nói muốn cứu nhân độ thế phải có nhiều vợ để sinh ra nhiều con, và các Phật con sẽ chia nhau đi khắp nơi mà reo rắc đạo lành trên chúng sanh. Hỡi ơi, một cách nói quanh, một sự biện minh nhưng nhị như thế cũng vẫn có nhiều người cúi đầu kính cẩn. Có lẽ vì họ cần niềm tin, và niềm tin làm họ sung sướng. Nếu vậy, không chừng ông Phật sống giả vờ thành Phật thiệt, vì ít ra cũng đem được sự sung sướng cho nhiều người. Điều khổ ải là không mấy ai có được hạnh phúc của sự khù khờ và may mắn của sự khôn ngoan không giới hạn. Cho nên người ta sống thảm trong sự cần tin  mà không tin được, thiết tha mà vẫn nghi ngờ.

Mẹ nhớ hồi mười tám tuổi, có một người bạn rất thân, người này thường tỏ ra rất yêu quý mẹ. Ngày kia, có một người khác nói cho mẹ biết những điều người ấy nói về mẹ, khi mẹ không có mặt. Mẹ rụng rời. Thật ghê khiếp khi thấy cái biên giới của sự thật và trá.
Rồi từ đó mẹ gặp nhiều sự thất vọng và phản bội khác, hoài hoài. Mỗi lần gặp, cái cảm giác đau đớn cũ lại rùng rùng trở về, tăng thêm cường độ. Mẹ thường tự hỏi tại sao có sự trá ? Người trá bởi vì người sợ. Sợ kẻ khác sẽ không cho người điều người hằng muốn. Nay nếu ta luôn  cho kẻ khác điều họ muốn, điều đó đồng nghĩa với chấp nhận sự khánh tận và mọi kẻ sẽ đều hiển thánh.
Nhưng những bậc thánh rất ít, nhưng những tình yêu tuyệt đối rất hiếm hoi, và loài người cần sống, ăn, thở, được thương yêu, vỗ về, an ủi, tôn trọng. Cho nên ai cũng tìm cách lấn áp kẻ khác để có được những điều họ cần. Cho nên sống luôn luôn là chiến đấu với cuộc đời và với chính mình, làm sao để sống đầy đủ mà không mất tiệt cái nhân bản trong ta. Điều này không dễ, nếu lơ mơ, có thể biến thành ngụy giả. Đây là chỗ cho những sự gọi là bất toàn của cuộc đời chổi dậy la hét. Đây là nguồn của những sự rắc rối quanh co. Đây là biên giới rất mong manh của sự xấu đẹp và thiện ác.

Ôi những vũng  đầm lầy ghê gớm này còn ở xa tầm tay bé nhỏ của các con. Mẹ sống, chới với hụp lặn, quần quật mỗi ngày trong đó. Khi sống sót trở về, mẹ mừng vui ngắm nghía sự thơ ngây của các con. Cũng có lúc mẹ tả tơi, có lúc mẹ ốm. Và mẹ đang ốm, từ thể xác tới tâm thần, từ kẻ tóc tới móng chân.
Khi những bức tường bất toàn của cuộc đời sừng sững mọc lên vây khốn, mẹ của các con phải quay về trẻ thơ là nguyên ủy tinh khôi của tạo hoá cầu xin niềm an ủi và sức mạnh.
Mẹ đang ốm và mẹ trở về trong các con. Cầu xin cho thế hệ sau của các con, những máy điện tử dần thay thế mọi thứ, để may ra thất tình lục dục bớt đi chút đỉnh, con người biết đâu bớt phải cầu kinh sám hối, bớt tốn tiền mua giấy Kleenex xỉ mũi. Sẽ bớt đi những người thường đau đầu nghĩ ngợi, phân vân về sự khác biệt giữa tiếng " you" và tiếng "mẹ", giữa những điều đúng và sai, thật và trá, thương yêu và thù hận, tin tưởng và nghi ngờ. Sẽ cảm bớt, sẽ nghĩ nhiều. Sẽ bớt rung động, sẽ nhiều suy luận. Thế giới sẽ khô đi một chút, trơ tráo đi một chút. Sự việc bấm nút là có tất cả, hoặc phần lớn mọi thứ, tuy có thể thể thảm ở phương diện nhân bản, nhưng mà rồi tiện việc.

Mẹ lệt bệt tới trưa thì xách ví về nhà. May là xếp của mẹ đi nghỉ hè, không có ai để ý kiểm soát, cuộc sống hằng ngày đôi lúc cũng có những khe hở dễ thương cho người ta thở ngáp ngáp. Mẹ tính đi thẳng tới phòng mạch bác sĩ, tám viên Comtrex mẹ uống từ hôm qua tới nay chẳng ăn thua gì, chắc phải cần trụ sinh. Nhưng mẹ mệt quá, về nhà luôn.
Chôm Chôm đón mẹ bằng tiếng reo trong vắt và nụ cười xinh tươi mỗi ngày. Bòn Bon đang ngồi chồm chỗm trên bàn cũng đứng dậy, hò là chí choé, hai bàn tay nhỏ xíu vỗ vào nhau nghe tạch tạch. Sao mẹ không là nghệ sĩ trình diễn mà cũng được hoan hô quá xá mỗi ngày vậy ta ?
Dù mệt hết hơi, mẹ cũng ráng cười, ôm mỗi đứa một chút. Bà vú hỏi mẹ sao về sớm. Mẹ nói bị đau, cần nằm nghỉ.
Mẹ vào phòng thay quần áo. Chôm Chôm đi theo sát một bên. Chôm Chôm nói luôn một lèo:
- Mẹ đau đầu hả ? Mẹ nằm nghỉ hả ? Mẹ thay đồ đi.
Mẹ nhớ lại ngày Chôm mới biết bập bẹ, mừng sao là mừng. Bây giờ Chôm đã hơn ba tuổi, lý luận nhiều câu nghe ghê gớm lắm rồi.
Mẹ vừa nằm xuống giưỡng là Chôm Chôm đã leo tót lên nằm cạnh, khoan khoái bỏ ngón tay cái vào miệng mút chùn chụt, mắt lim dim "thưởng thức". Mẹ thều thào:
- Chôm buông tay ra, không được mút.
Chôm ậm ừ không chịu. Một tay mẹ vắt lên trán theo thói quen khi ngủ, tay kia mẹ với sang dựt bàn tay xinh xinh của Chôm ra. Chôm ngồi nhổm dậy, tay vung lên phản đối, miệng là ỏm tỏi:
- Không dựt tay con. Không dựt tay con.
Mẹ mệt lữ, chịu thua, mặc kệ Chôm, nhắm mắt. Chôm đập đập vào người mẹ, kêu gọi sự...chú ý. Mẹ làm thinh. Một lúc, mẹ nghe tiếng Chôm thỏ thẻ:
 - Bỏ tay ra rồi.
Mẹ hí mắt nhìn thấy quả đúng vậy. Chôm ỏn ẻn cười theo, dù là cười gượng, rồi khen Chôm ngoan. Chôm ba tuổi ba tháng rưỡi, thật bướng bỉnh, mà cũng dễ yêu làm sao. Bố con lúc tức tối vẫn mắng Chôm bướng bỉnh như mẹ mày. ( Chỉ khác là mẹ không đáng yêu như con ) .
Mẹ muốn nằm nghỉ nhưng Chôm không cho, Chôm ngọ  ngoậy, ngó ngoáy như con sâu bé. Chôm bí ba bí bô. Chôm hát, rồi Chôm "ra lệnh":
- Mẹ cười đi.
Trời thần ơi ! Con thật là một chú hề khôi hài xong thì thọc lét khán giả. Mẹ mệt lắm rồi. Đầu mẹ nóng, cơn sốt không cao, chỉ đủ để làm môi khô ran.
Bòn Bon chạy lạch bạch vô phòng, nó cũng biết nóng ruột chứ. Bà vú vừa cho ăn xong là nó chuồn ngay. Bòn Bon cũng leo tót lên giường, tuy có ì ạch khó khăn đôi chút nhưng mà cũng tới nơi. Nó gieo thân hình tí hon hai mươi bốn pounds xuống ngực mẹ nghe một cái ạch, đưa cái miệng đầy rãi rớt tới ngoạm vô mặt mẹ, chút nữa thì vào miệng mẹ, nếu mẹ không kịp ngoảnh đi vì sợ con lây bệnh. Chôm ghen tức đẩy em ra. Hai đứa hét lên chí choé, vừa kịp lúc bà vú chạy vào. Mẹ rên hừ hừ:
 - Bà cho hai đứa ra ngoài chơi chút đi.
Bà vú chỉ thành công trong sự lôi kéo anh tí hon,  còn cô chị Chôm thì khóc mếu máo, vừa đánh tay bà vú vừa xô lia lịa để được ở lại với mẹ. Mẹ đầu hàng:
- Thôi được, Chôm ở đây ! Nhưng nằm xuống, mà nằm yên nghe chưa.
Mẹ thò tay vặn nút chiếc máy cassette ở đầu giường, không phải để được nghe một khúc nhạc êm dịu mẹ thích, mà để Chôm nghe băng Việt nhi. Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một giấc mơ...
Giấc mơ. Giấc mơ. Có những điều không muốn nhớ bỗng dưng biến thành giấc mơ thì cuộc đời sẽ giản dị hơn nhiều, và cơn bệnh của mẹ sẽ hết.


4 giờ chiều. Mẹ vẫn không được nghỉ và chưa đi bác sĩ.
5 giờ. Một người bạn, người chị thì đúng hơn, đến chơi, tình nguyện đưa mẹ đến một bác sĩ quen của bà. ( Mẹ có những người bạn thân kỳ lạ, hoặc lớn hơn mẹ trên mười tuổi, hoặc nhỏ hơn mẹ dưới mười tuổi. Tình cờ hay duyên nghiệp ? Tài xế là con của bác ấy, trọ học ở xa về chơi. Cậu nhỏ muốn gặp mẹ vì nghe mẹ của cậu nói nhiều về người bạn mới của bà.)
Mẹ ghét đi bác sĩ. Nhưng phải đi. Đi bác sĩ rồi mẹ sợ chích. Nhưng phải chích. Mẹ còn nhát khỉ hơn các con về khoản này. Rồi mẹ ghét chờ mua thuốc. Nhưng mà phải mua thuốc.
Mẹ về nhà trời đã tối. Bác T. đang trông dùm các con vì bà vú đã về. Mẹ lại vội vã thay quần áo, vội vã rửa mặt, vội vã trở ra phòng khách.
Một tay mẹ dắt Chôm Chôm vì Chôm không chịu rời mẹ, một tay mẹ múc cháo, bỏ đậu kho vào hâm nóng. Đem bát cháo trở lại bàn, Chôm ngồi trên lòng mẹ. Mẹ ăn với một tay. Chốc chốc, mẹ phải ngửng lên thăm hỏi Bòn Bon vài tiếng vì nó ngồi ở xa, trên lòng bác T. Biết thân phận vẫn bị chị Chôm đẩy ngã bắn ra ngoài để độc quyền chiếm hữu mẹ. Chôm rất hư, nhưng sự hư hỏng này, mẹ sao đành lòng đánh con ? Mẹ cứ hẹn dần, sẽ cho con một roi, vài roi khi con lớn hơn chút nữa, chút nữa. Đây là một vấn đề thế hệ điện tử của các con nên đem ra nghiên cứu. Chẳng hạn, chế ra một rô bô, tự động phát vào mông những đứa trẻ nhõng nhẽo ghen tuông quá độ, các bà mẹ sẽ không phải làm quyết định này ( cũng cần lưu tâm rằng chỉ có những bà mẹ lẩm cẩm chậm tiến như mẹ cùng các con mới cần thứ rô bô này thôi, chớ sản xuất thặng dư mà lỗ vốn.)
Mẹ vội vã ăn, như đã vội vã cả ngày. Mẹ còn phải uống thuốc, cho các con uống thuốc, thay tã cho Bòn Bon, thay nước trong máy phun hơi ẩm trong phòng ngủ để Bòn Bon dễ thở, xúc mũi cho nó trước khi đi ngủ, cho Chôm viên thuốc bổ...còn gì nữa không nhỉ ? Thế nào cũng còn nhiều việc lặt vặt khác, làm tới đâu nhớ tới đó.
Mẹ mong tới lúc ngã lưng xuống giường, dù biết rằng các con sẽ bò ngang dọc, nghịch ngợm phá phách rất lâu trước khi chịu nhắm mắt ngủ khò.

 Chín giờ tối, mọi việc tạm xong. Mẹ bật tivi để " lường gạt " các con vài phút cho mẹ có thời giờ vào phòng tắm đánh răng. Khi trở ra, mẹ chứng kiến một hoạt cảnh khá "vui". Bòn Bon,  tự lúc nào, đã bê chiếc ghế tí hon của nó tới sát cạnh tủ gương, dùng làm thang để leo lên với tới túi thuốc của mẹ ( dù trong lúc vội vã, mẹ cũng đã cẩn thận để vào tận phía trong, sát tường, ngoài tầm với của các con). Bòn Bon đã mở được chai thuốc ho của mẹ và dốc tuột xuống thảm. Nó bị bắt gặp quả tang lúc còn đứng trên ghế và cái mông đầy tã đang rung rung thích chí, cánh tay tí hon còn cầm chai thuốc cạn sạch giơ lên giơ xuống biểu dương lực lượng. Chôm Chôm bận mút tay và trố mắt xem tivi bây giờ mới hồn nhiên nhìn ra.
- Bòn Bon đổ thuốc của mẹ rồi. Thôi chết. Hư.
Rồi tỏ ra là một bà chị gương mẫu và có trách nhiệm. Chôm xông tới tát tai Bòn Bon. Cái tát dù nhẹ hều cũng đủ làm chú nhỏ ngoạc mồm, ngưỡng cổ lên trời khóc chu chéo.
Mẹ kêu trời. Mẹ mệt. Cơn sốt chưa lui.
Lại loay hoay lau chùi dọn dẹp, tiếng khóc Bòn Bon làm nền thay cho âm nhạc êm dịu.

Cuối cùng thì chúng ta cũng lên giường. Chôm gối đầu lên cánh tay phải. Bon gối đầu lên cánh tay trái của mẹ. Các con ngúc ngoắc, ngọ nguậy, ngo ngoe, ấm oé. Băng Việt Nhi mở lên gặp bài Chim Chích Choè. Chim Chích Choè, nó kêu chích choè. Chim chích choè, nó kêu chích choè. Tôi ném hòn sành lăn cổ xuống ao. Nó kêu chích choè.
Con chích choè mẹ đã lăn cổ xuống ao, muốn can cường ngóng cổ hót nhưng chỉ thở ra những hơi khò khè vì mũi nghẹt đặc.
Các con im tiếng khi băng nhạc Việt Nhi hát tới bài Thằng Cuội. Mong rằng trong những tháng năm thơ ấu ngắn ngủi này, Mẹ cho các con đủ chút vốn liếng về thứ ngôn ngữ như tiếng hát của dân tộc ta. Kể từ khi Cuội ra đi, làng xóm không ngờ cũng nhớ Cuội ghê, ố tang tình tang, ố tang tình tình...
Đời sống có khi được diễn tả một cách rất vắn tắt và hàm xúc, rằng: ố tang tình tang, ố  tang...không tình tình.

Một ngày ốm đau vừa hết, cũng chấm dứt, bài luận văn ngao du của mẹ gửi tới các con, và cuộc đời.



Trần Diệu Hằng





--------------
Nguồn: VĂN
số 57, tháng 03-1987








Thursday, May 4, 2017

LỐI THOÁT




Nguyễn Thị Ngọc Nhung



Người cô mềm rũ, mặt mày xanh mướt. Tôi không có mặt khi người nhà đưa cô vào bệnh viện. Không có gì tàn nhẫn hơn khi nhìn người ta, đúng hơn, bác sĩ, rửa ruột cho cô gái. Tôi đến đúng lúc bác sĩ Đặng đang rửa ruột cho người tự tử. Tôi phụ với bác sĩ cho nhanh rồi đẩy cô gái ra phòng hồi sinh. Ở đó đã có đầy người đang nằm chờ chết hơn là chờ hồi sinh. Tôi xếp cô nằm gần người thanh niên bàn tay dập nát bởi máy ép nước mía. Chỉ có anh ta là có đường sống trở lại cuộc đời tồi tệ ở cái thành phố trơ xương này. Cô gái còn mê man. Tôi sửa lại tấm mền thủng lổ trên ngực cô.
Ngày hôm sau, khi tôi trở lại, cô gái không còn ở phòng hồi sinh nữa. Cô đã về nhà. Tôi ngạc nhiên hỏi bác sĩ Đặng:
- Sao anh cho người ta về sớm quá vậy ? Coi dáng chưa được khỏe lắm.
Anh thở dài nhìn tôi qua cặp kính dầy:
- Chú mầy hay hỏi những câu làm anh...mệt quá. Chú nhìn xem có chỗ trống nào dành cho người tự tử ? Người ta ai cũng muốn sống cả. Có ai vào bệnh viện để tìm chết đâu ? Người ta bệnh tật trầm trọng, vào được đây thì lại quá trễ. Hoặc vào được rồi thì lại không có thuốc chữa. Đợi người nhà mua máu, mua kim chỉ đem vào để mổ thì người đó  cũng đã chết được vài ngày. Có người nhiếc tôi sao cứu chi người tự tử...
Anh ngừng ngang ở đây nhưng tôi hiểu anh muốn ám chỉ người nào đã nhiếc anh. Cái con mụ y tá vườn, chữ nghĩa chẳng đến đâu mà ngồi trên đầu trên cổ anh thì quả thật ông trời không có mắt. Chỉ tội cho anh Đặng mỗi lần khám bệnh người nào xong cũng quay sang chị Cần.
- Theo ý tôi thì người này bị đau bao tử khá nặng nhưng có thể tôi nhầm. Chị Cần nghĩ sao ?
Thế là xong. Chị Cần quệt vài chữ to tướng " đau bao tử " trên giấy bệnh nhân. Cái đống giấy nhận bệnh đó sẽ được tôi bê xuống phòng việc vào hồ sơ. Chữ đau đã được chị Cần nắn nót viết với chữ o như quả trứng bị đạp nhẹp. Anh Đặng thường than ngầm với tôi cái ngu dốt của chị, nhưng chị là đảng viên bác sĩ của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đủ rồi, ai dám công kích chị đây ? Và Đặng, tuy anh là bác sĩ, nhưng lại là bác sĩ Ngụy. Cho hành nghề ở cái bệnh viện tồi tàn này cũng đã là may lắm rồi. Kêu ca gì nữa ? Anh Đặng có được người vợ khôn khéo, chị khuyên anh nhiều điều hay, nên nhẫn nại chờ thời hơn là cắn đắng với con mụ dốt để mang họa vào thân. Lắm phen tôi muốn cười mà không dám khi thấy anh Đặng trân trọng thỉnh ý chị Cần về một bệnh nhân cảm mạo xoàng. Đôi khi, máu hài hước trong người nổi lên, anh Đặng chẩn bệnh kỹ lưỡng để rồi không phán người bệnh thứ chi cả mà hỏi chị Cần.
- Cái bệnh này lạ quá chị à. Chị " nghe " bệnh thử xem, trăm sự phải nhờ chị mới được.
Chị Cần vốn là y tá chích thuốc. Thế thôi. Chị chưa từng thấy cái ống nghe và mù tịt cách chẩn mạch. Chị chích thuốc nhưng đó là theo đòi hỏi của thiếu nhân sự và điều kiện chiến tranh chứ cả đời chị chưa đặt chân đến trường trung học, nói gì đến trường thuốc. Sau vài lần bị anh Đặng đặt vào chỗ bí, chị tỏ vẻ dễ dãi với anh, rộng rãi quyền hạn hơn. Thấy thế, anh Đặng cũng dịu dàng hơn, ít đặt chị vào thế bí để bị mất mặt trước đồng bào.

Anh Đặng nhìn trước nhìn sau rồi mới nói nhỏ với tôi.
- Cô ấy tự tử nhưng anh đâu có muốn cho ở đây lâu, lây mấy cái bệnh truyền nhiễm khác, chết khổ sở hơn sao. Đùa chú chơi, chứ chị Cần đuổi cô ấy về rồi. Gượng ngồi dậy được rồi. Tĩnh dưỡng dăm ba ngày sẽ khỏe. Anh đã khám rồi, sức khỏe của cô ấy vẫn còn khá hơn đám người nằm kia nhiều.
Rồi anh tắc lưỡi.
- Lạ nhỉ, người đẹp thế kia lại đi tự tử. Uổng quá. Phí quá !

Tôi cố nhớ lại khuôn mặt của cô gái nhưng không tài nào hình dung được. Mỗi ngày, ra vào cái bệnh viện đầy nhóc người này, người chết cũng như người sống, đều có một bộ mặt tương tợ nhau. Đó là bộ mặt thiểu não thiếu hy vọng, không lối thoát trên đường sinh nhưng cũng không muốn đầu hàng theo đường tử.
Đâu được một tuần thì cô gái lại vào bệnh viện. Đúng hơn, người nhà đưa vào. Lần này thì cô thắt cổ. Người nhà phác giác kịp thời cắt dây đem xuống, người còn ấm, chà xát một chập thì tỉnh. Tôi có dịp nhìn mặt cô lâu hơn. Quả nhiên cô đẹp thật. Một nét đẹp thật lạ. Đôi mắt lớn với hàng mi rậm, cặp chân mày không tỉa nhưng vẫn nằm gọn ghẽ xinh xắn. Cánh mũi nhỏ và thẳng. Môi hơi tái nhưng nét môi cong mềm mại với lớp lông măng như tơ gần mép. Nước da thì thật là tuyệt hảo dù có hơi nhợt nhạt sau cái hẹn với tử thần không thành. Cô gái nằm mắt nhắm kín, tóc đổ từng cuộn dài trên gối. Bàn tay cô ngón thon dài ốm yếu. Móng tay trắng trơn mộc mạc nhưng quý phái sang cả. Cô đẹp thật, với gương mặt có những nét cong, nét gảy, nét lên xuống hoà hợp nhau như một tranh vẽ nhiều màu sắc. Riêng rẽ, chưa chắc đôi môi, cặp mắt đó có thể tạo nên lực thu hút nào, nhưng hợp lại trên gương mặt cô gái, chúng là một công trình hoàn mỹ. Tôi tìm hồ sơ lý lịch của cô gái. Sinh năm 1950, cô lớn hơn tôi gần tám tuổi, nhưng tôi không thấy cái khoảng cách tuổi tác ấy ở cô gái. Cô còn trẻ lắm, rất trẻ. Và tên của cô, Công Tằng Tôn Nữ Hà Tiên. Cái tên thật đài các và vua chúa huyền thoại.

Tôi bê chậu nước rửa mặt đến giường Hà Tiên. Cô nhìn nơi nào ngoài cửa sổ, đăm đăm chăm chú. Tôi để nhẹ chậu nước lên bàn nhỏ ọp ẹp nơi đầu giường. Tiếng động đánh thức cô gái đang đắm chìm nơi đâu.
- À, cảm ơn anh. Nước để làm gì vậy anh ?
Tôi cố sửa giọng khàn đục của mình.
- Dạ để chị rửa mặt. Còn nếu chị đi được thì tôi đưa chị xuống khu vệ sinh đánh răng.
Cô khoát tay rồi bỏ dở nửa chừng.
- Dạ được , cảm ơn anh.
Tôi không hiểu cô nói được là được gì. Nhưng tôi cũng lui ra đi làm bổn phận khác. Tôi làm công nhân viên nhà nước. Cái bổn phận của tôi không có gì rõ rệt. Đúng hơn, những gì tôi làm được, tôi làm tất. Từ chích thuốc cho đến dọn dẹp giường chiếu bệnh nhân, mài dao mổ, truyền nước biển, đo áp huyết, thử nghiệm nước tiểu. v.v...sau cùng là sổ  sách bệnh viện. Làm công việc dơ đáy bẩn thiểu đến đâu tôi cũng không ngại, mà ngại nhất là chuyện sổ sách mới lạ. Chẳng qua chữ của chị Cần đã xấu lại sai chính tả, nhưng chữ của chị là đỡ nhất trong số những vị bác sĩ đảng viên nhà nước ở bệnh viện này. Nhiều lần ngồi gò lưng đọc tên bệnh nhân lẫn địa chỉ để ghi chép vào sổ cái, tôi tưởng mình có thể điên lên được. Gì chứ mấy chữ sai chính tả này làm tôi mất kiên nhẫn sau một ngày làm việc mỏi mệt. Tôi cố thoái thác dăm ba lần nhưng chị Cần bảo là chữ tôi đẹp, viết sổ sách rõ ràng sạch sẽ. Anh Đặng đã cười tôi.
- Chữ của chú mày, anh nói thật,  giá mà chú mày làm học trò anh thì anh có dịp khẻ tay cho bằng thích. Ấy, - giọng anh hơi ngậm ngùi - thế mà lại tàm tạm con mắt, sạch nước cản hơn chúng nó ...

Ông già nằm giường kế giường cô gái ngóc đầu gọi tôi.
- Ê, ê, chú nhỏ lại biểu coi.
Tôi đến gần. Ông nhìn quanh trước khi hỏi.
- Tôi ăn chả được không ? Chú coi dùm cái bảng bệnh của tôi.
Tôi hơi ngạc nhiên trước câu hỏi kỳ lạ nhưng cũng vâng lời ông đỡ tấm giấy trước giường lên xem. Chỉ là tờ giấy ghi nhiệt độ cơ thể lên xuống mỗi ngày và vài chú thích riêng của bác sĩ không có gì đặc biệt. Tôi lắc đầu.
- Nó không có ghi gì ở đây hết bác ơi. Thôi bác đừng ăn nếu bác sĩ dặn.
Ông già mệt mỏi chớp mắt.
- Má sắp nhỏ đem vô miếng chả. Bả cắc ca cắt củm để dành tiền mua cho tôi. Giờ không ăn riết rồi nó thiu làm sao ?
Tôi ái ngại không biết nói sao cho phải thì sực thấy bóng anh Đặng đi ngang. Tôi chạy theo.
- Anh Đặng. Bác sĩ Đặng.
- Anh Đặng. Bác sĩ Đặng.
Anh Đặng theo tôi vào phòng bệnh, vừa đi vừa nhiếc nhẹ.
- Chú mày mà gọi anh là bác sĩ một lần nữa là anh từ chú mày luôn. Nhớ đấy nhé.
Chỉ nhìn thoáng tên bệnh nhân là anh Đặng nhớ ngay tiểu sử bệnh tật của ông già. Anh từ tốn vỗ vai ông.
- Bác cố tĩnh dưỡng thêm vài ngày rồi về, tha hồ mà ăn. Ruột bác chưa được tốt lắm. Bác chịu khó nhịn đồ cứng thêm vài ngày nữa. Ăn đồ cứng lúc này rất có hại. Màng ruột còn mỏng quá.
Ông già thở dài có vẻ tiếc rẻ, giọng người Nam thật thà.
- Con vợ tôi, tội nghiệp nó. Sợ tôi sống không lâu nên mua chả chứ tiền đâu mà mua mấy cái thứ cắt cổ cắt họng này. Vậy là vài bữa nữa tôi sẽ hết bệnh, phải không bác sĩ. Uổng cái chả này quá. Ăn không được mà để thì nó thiu. Trời ơi.
Ông chắc lưỡi một mình mấy lượt, có vẻ tiếc miếng chả. Anh Đặng quay sang hỏi thăm cô gái, Hà Tiên. Cô có vẻ mắc cở  ngượng ngùng chi đó nên ít nói, chỉ trả lời rụt rè, ngắn gọn. Tôi ra khỏi phòng, xem như bổn phận dọn dẹp buổi sáng đã xong.

Trưa, tôi về nhà ăn xong trở lại bệnh viện. Bệnh nhân người nào có thân nhân thăm nuôi thì tương đối đỡ thảm hơn những người không có thân nhân, hoặc thân nhân bỏ rơi, hoặc thân nhân không có tiền để thăm viếng. Giường cô gái có hai người đàn bà ngồi ghé lên chuyện trò ồn ào tôi nghe được tiếng vọng chát chúa. Tôi giả vờ đến lấy chậu nước rửa mặt. Hai người đàn bà một già một trẻ. Người lớn tuổi, da mặt nhăn có lớp, nhiều tàn nhan trên làn da khô héo, tóc bạc xác xơ sút sổ với chiếc kẹp to giữ búi tóc. Người trẻ thì vào khoảng cô gái hoặc trẻ hơn, nét mặt mỏng và nhọn với đôi mắt nhiều tròng trắng, mũi tẹt, miệng rộng môi mỏng. Hai người chẳng có nét giống cô gái chút nào cả. Họ như mặt trăng mà cô gái là mặt trời rực rỡ. Tôi nghe được câu hỏi của Hà Tiên.
- Con Thục đâu mẹ ?
- Bữa khác mẹ đưa nó vào thăm con. Trong này dơ dáy nhiều bệnh tật không nên cho con nít vào.
Thoáng gặp mắt tôi nhìn, Hà Tiên thở dài nhìn ra cửa sổ không hỏi thêm. Người đàn bà lớn tuổi lại cất giọng chát chúa.
- Mẹ có qua nói chuyện với bố mẹ của con. Không ấy thì con về bố mẹ con. Tiếng tăm quá mẹ chịu cũng không nổi.

Tôi bê chậu nước ra khỏi phòng. Ánh mắt não nuột của Hà Tiên theo đuổi tôi cả buổi chiều. Bỗng dưng tôi có cảm tình với cô gái thật nhiều, như một người chị trong hoàn cảnh khốn đốn mà tôi không rõ tôi nên làm gì để an ủi cô. Tôi không tin người tự tử là hèn nhát. Dĩ nhiên cái nghĩa hèn nhát ở đây không phải là cái nghĩa đen hẹp hòi của nó. Càng nghĩ đến Hà Tiên, tôi càng ấm ức. Có gì khiến người đẹp như nàng lại tự tử ? Lại muốn cắt đứt cái mầm sống dồi dào nơi tuổi trẻ của nàng ? Tôi không hiểu nên tôi muốn hiểu. Ở cái bệnh viện này, tôi thấy nhiều cảnh khổ, thể chất trước rồi đến tinh thần. Nhưng phần lớn toàn là cái đau cụ thể, tinh thần cùng một nhịp. Không đủ tiền thuốc men thăm nuôi, và đớn đau nhìn người bệnh mỏn  dần, mỏn dần. Nhiều lần, nhiều trường hợp, chúng như biến thành một màn bi kịch, lập đi lập lại, màn thường xuyên kéo, diễn viên thay đổi trong chớp mắt. Màn nào cũng có nước mắt, có rên rỉ đau đớn, có dãy dụa thê thảm. Mãi rồi tôi cũng lây được tính bình thản của anh Đặng. Nếu cứ để tình cảm riêng tư vấn vương vào cái bể khổ này mãi rồi tôi sẽ chết theo nó. Hà Tiên là trường hợp tự tử đầu tiên kể từ khi tôi vào làm ở đây. Gương mặt đẹp của Hà Tiên không làm tôi xúc động nhiều bằng ánh mắt của  nàng. Cái ánh mắt thê thảm, thoi thóp như ngọn đèn sắp tắt. Nhìn vào, hình như tôi có thể thấy được hình bóng tử thần lãng vãng  đâu đó. Ánh mắt của Hà Tiên, buồn lạnh đến độ ghê rợn.

Tối đó, anh Đặng bị trực đêm không báo trước. Anh rầu rĩ rủ tôi ở lại cho có bạn. Tôi bằng lòng, thật ra vì Hà Tiên nhiều hơn. Tôi biết chị Cần muốn nàng ra khỏi bệnh viện càng sớm càng tốt. Tôi muốn gần Hà Tiên. Không hiểu tại sao. Cái cảm tình của tôi đối với Hà Tiên, chua xót và lạ lùng. Chiếc nhẫn trên ngón tay áp út. Hà Tiên đã có chồng. Nhưng cảm tình của tôi dành cho nàng, như dành cho một người chị mà tôi muốn được nàng tin tưởng để an ủi. Tôi thấy trường hợp của nàng có vẻ gì bùi ngùi ấm ức trong đó. Mấy trăm ngàn người đang tìm cách ra khỏi địa ngục trần gian, mấy triệu người đang quằn quại đau đớn. Mọi người đều tìm cách thoát, tìm cách ra đi. Đường thủy đường bộ, đường chính thức đường đào tẩu, đường đút lót đường gian nguy. Có ai muốn tìm cái chết như Hà Tiên khi con đường sống đã có người vượt đến ?

Tôi đem phần cháo lỏng lên cho Hà Tiên và mấy người bệnh chung phòng. Tôi cố tình đem phần Hà Tiên sau chót. Nàng đang nhìn ra cửa sổ. Tại sao ? Tim tôi nhói nhẹ. Ngoài kia, chẳng  có gì để ngắm ngoại trừ cái cổng sắt đồ sộ của bệnh viện nay đã han rỉ. Hình như đó là công trình của một điêu khắc gia nổi tiếng trước 75. Tôi nghe nói đó là tác phẩm lạ duy nhất của ông, cổng sắt bệnh viện. Thoạt nghe tôi đã lấy làm lạ. Điêu khắc gia có ăn nhằm gì đến cổng sắt bệnh viện. Nhưng nhìn kỹ những hình thù uốn éo trên cổng, tôi phải công nhận nó là một tác phẩm. Của ai thì tôi không rõ nhưng người ta cứ bảo là của điêu khắc gia X.
Nghe tiếng nhẹ của tô cháo để nơi bàn, Hà Tiên quay lại, tôi nói nhỏ.
- Chị ăn chút cháo cho lại sức.
Hà Tiên nhìn tô cháo, một đoạn, nhìn tôi chậm chạp.
- Lại sức làm gì hở anh ? Có cần gì đến sức mình ?
Tôi hơi ngớ người không biết nói sao. Hà Tiên gượng dậy, tôi nhanh tay dựng cái gối sau lưng. Cử chỉ của nàng chậm và rời rạc, khô khan. Tôi bê tô cháo đưa cho Hà Tiên.
- Chị nói vậy chứ sức khỏe của mình là trên hết. Chị thấy người Tàu không, nghèo giàu gì họ cũng đều lo miếng ăn trước cái đã. Có ăn ngon, phát tướng mới có nghĩa là phát tài.  Họ cũng có lý của họ chớ.
Hà Tiên nhọc mệt nở nụ cười đầu tiên tôi thấy. Răng nàng không được trắng lắm nhưng đều và nhỏ.
- Sức khỏe trên hết ? Tôi chỉ cầu mong tôi bị bệnh thập tử nhất sinh mà đợi hoài không thấy bệnh tật chi hết. Sống hoài khổ quá.
Nàng đỡ tô cháo nơi tay tôi, khuấy nhẹ mấy cái rồi lại ngưng. Tôi khuyến khích.
- Chị ăn thử một muổng xem sao. Chắc là không ngon nhưng...
Nhận ra lời nói vô duyên của mình, tôi dứt ngang bất thần.
- Cảm ơn anh nhiều. Thôi để lát nữa tôi ăn sau. Tôi chưa thấy đói.
Tôi hơi nhăn mặt.
- Hôm qua đến giờ chị đâu có  ăn  gì, sao lại không đói ?
- Sao anh biết tôi không ăn ? Tôi ăn nhiều lắm chứ.
Giọng Hà Tiên có vẻ mỉa mai đau đớn. Tôi hỏi tới.
- Tôi có thấy chị ăn gì đâu ? Chị không khỏe thì tôi với anh Đặng mang tiếng.
- Ai ? Anh Đặng nào ?
- Bác sĩ Đặng với tôi. Phòng  bệnh này là của anh.
Tôi nói đỡ một cách trơn tru, làm như anh Đặng có quyền hành to lớn chi lắm.
- Tụi tôi lo phòng này. Nhiều người bình phục mau chóng thì tụi tôi tròn bổn phận, không thì trên rầy rà.
Hà Tiên hơi hoảng hốt nhưng tôi không để ý.
- Chị thấy không, tụi tôi lo cứu chị sống...
Hà Tiên ngắt lời tôi.
- Chết chửa, hoá ra tôi làm rầy đến người khác. Ước gì tôi chết thì có phải khỏe hơn không.
Tôi đâm ra áy náy, không rõ mình nói hớ chỗ nào.
- Chị đâu có làm rầy gì đâu. Chẳng qua, làm công nhân viên thì phải làm cho tròn việc để còn lãnh...- tôi đổi giọng - thật ra, làm đặng  che mắt tụi nó chứ lương lậu có là bao. Không đủ để uống cà phê, ăn tô phở. Tiếng là làm mà vẫn cơm cha áo mẹ.

Hà Tiên yên lặng trước câu nói của tôi. Tôi hơi ngượng đã tỏ vẽ thân mật than vãn không đúng chỗ đúng người. Nhìn xuống ống quần sờn gấu của mình, tôi cân nhắc ý  nghĩ riêng tư rồi lặng  lẽ quay đi. Hà Tiên gọi giật lại.
- Anh đi đâu vậy ? Mình chưa nói chuyện xong mà.
Ngạc nhiên tôi hỏi lại.
- Thấy chị không nói lời nào, tôi ngỡ chị không thích. Định đi về phòng trực để chị yên.
- Không. Thích chứ. Nếu anh không bận thì cứ ngồi đây nói chuyện chơi. Nhà anh ở gần đây không ?

Tôi thành thật kể chuyện nhà có năm anh em, ba trai hai gái. Thảy đều lập gia đình và ở xa trừ mình tôi là con út còn kẹt lại. Bỗng dưng tôi tin tưởng Hà Tiên một cách kỳ lạ. Tôi nói nàng nghe về dự định đi trốn của tôi trong một tương lai gần. Hà Tiên chép miệng.
- Tôi đã đi trốn. Bốn lần cả thảy. Bốn lẩn đều hỏng cả bốn. Số tôi là số khổ. Người đi chung đều đến trong khi chỉ mình tôi bị kẹt lại. May là không tù.

Hình như điều đó nhắc nhở đến một kỷ niệm không vui. Hà Tiên đổi chuyện.
- Anh lập gia đình chưa ? À, anh mới nói là chưa. Tôi thật lẩn thẩn. Đầu đuôi không rõ ràng. Tôi lập gia đình rồi. Anh ấy đang ở mỹ.
Tôi hỏi một câu mà sau này nhớ lại tôi cho là lãng nhách.
- Sao anh không làm giấy tờ cho chị. Đi chui nguy hiểm quá, nhất là đàn bà con gái..
Hà Tiên nhìn tôi một thoáng. Ánh mắt bùng lên một tia sáng nhỏ, tôi không hiểu.
- Anh có làm giấy tờ chớ, nhưng chắc là tôi không đi.
Ngập ngừng một đoạn, Hà Tiên nói tiếp, giọng nhỏ và trầm.
- Chắc gì bên ấy sướng hơn bên này hả anh ? Đi mà lòng không còn niềm tin để sống thì đi làm gì ? Tôi đâu có ham sống đến độ như ...
Lần này thì Hà Tiên ngưng lâu hơn. Nàng nhìn ra cửa sổ, nhìn nơi cổng sắt đồ sộ   có hai cây phượng nở hoa đầy nhưng trong bóng tối chỉ thấy một dạng đen với bóng đêm chập chùng.
- Người ta bảo đi để làm lại cuộc đời. Tôi không còn cuộc đời để làm lại.
Cô y tá đêm đi ngang phòng nhìn vào nạt tôi.
- Nãy giờ kiếm gần chết không ra. Người ta cần ở phòng việc.

Tôi lật đật đi ra không kịp từ giã Hà Tiên. Nàng rời bệnh viện sáng hôm sau. Tôi không hay biết chi cả cho đến trưa rãnh rỗi đi ngang mới thấy người khác nằm ở giường nàng.
Hai tuần sau, Hà Tiên lại nhập viện. Nàng bị xẩy thai. Tôi không ngờ. Tôi đến thăm Hà Tiên. Giường nàng cũng gần cửa sổ, nhưng cửa sổ lần này nhìn ra cái hồ cạn mà ngày xưa, trước 75, nó có vòi phun nước tỏa thành hình chiếc hoa nhiều cánh. Hà Tiên đang nhìn ra cửa sổ, dáng điệu y hệt như lần trước. Nghe tiếng tôi chào hỏi, Hà Tiên quay lại.
- À, may quá. Đang buồn thì có anh đến.
- Chị buồn hoài vậy sao ?
Hà Tiên thở dài.
- Có gì vui, cái cuộc đời này, anh kể tôi nghe.
Tôi ngồi ghé một bên giường. Bàn tay Hà Tiên gầy xanh xao với mấy đường gân chằng chịt nổi, tuy nhiên dáng đài các của ngón thon dài vẫn còn nguyên. Nàng nhìn bâng quơ qua những giường kế bên.
- Làm gần mấy người bệnh hoài chắc anh cũng nghe chán hở ?
- Dạ, đâu có chị. Tôi chỉ sợ làm với bệnh nhân con nít thôi. Tội nghiệp lắm. Hồi đó làm bên bệnh viện Nhi Đồng, tôi chịu không thấu. Con nít khi đau thấy nó ráng chịu, tội không tả được. Ngày nào về cũng có chuyện kể mẹ tôi nghe, riết bà chịu cũng không thấu bắt tôi đổi chỗ đấy chứ.
- A, anh còn ở với bố mẹ, sướng nhỉ. Như tôi, giá có muốn về lại cũng không về được.
- Chị nói thế...nhà bố mẹ mình ai lại chẳng về được, bất cứ lúc nào. Con chứ đâu phải người dưng.
- Anh không hiểu. Tôi đang ở nhà chồng...
Như bị nghẽn, Hà Tiên bỏ lửng câu nói, nhìn ra cửa sổ. Cây điệp già nơi góc dãy nhà bệnh trổ bông tươi thắm, bóng mát dịu con nắng đổ lửa bên ngoài. Giọng Hà Tiên nhỏ nhỏ.
- Đâu phải con của chồng tôi. Anh ở Mỹ cũng gần hai năm...
Tôi hơi ngớ ra trước câu nói bất ngờ. Không tìm được lời, tôi đành im lặng nhìn theo Hà Tiên dõi mắt ngoài cửa sổ.
- Anh xem, hai vợ chồng nghèo quá, con nhỏ phải nuôi. Thêm một gánh em chồng nữa thì làm sao cho xuể ? Hai vợ chồng buôn lậu nên anh ấy mới có được vàng vượt biên trước. Tôi ở lại đợi ngày anh ấy làm giấy tờ. Rồi anh xem, bỗng dưng đủ  mọi tai nạn xảy đến cho tôi...nhiều khi tôi nghĩ, trời không có mắt. Tại sao chỉ mình tôi khổ sở trăm bề ?
Chẳng biết an ủi làm sao, tôi lay hoay trong ý nghĩ  của mình cố tìm lời thích hợp. Thứ con trai như tôi, từ nhỏ chí lớn chưa bao giờ có người con gái đàn bà nào đến gần tâm sự dài dòng. Ngay cả mẹ tôi, chuyện gì bà cũng thì thào to nhỏ với chị cả của tôi lúc chị ấy còn ở nhà chưa theo chồng, chưa đi Ý. Anh Đặng thì bảo là  tôi còn vụng về cứng ngắc trong vấn đề chuyện trò với phái nữ. Điều này thì tôi nhìn nhận anh ấy nói đúng. Năm khi mười họa tôi mới để ý đến một người con gái. Chỉ là để ý mà thôi. Chẳng dám làm quen, chẳng dám đến gần. Tôi hỏi một câu ngớ ngẩn.
- Số trời hết phải không chị ?
Nhận ra câu nói vô duyên của mình, tôi cố chữa thẹn.
- Nhưng thôi, chị lo gì. Khổ cho lắm rồi thì cũng qua chứ chẳng lẽ trời để cho mình khổ mãi à. Đến cái chết là cùng, đâu có gì khổ hơn nữa.
Hà Tiên nhìn tôi, ánh  mắt chứa chan nhiều tia sáng mà tôi không hiểu.
- Anh nói phải. Chết là hết chứ còn gì phải lo nữa.
Thở dài thật nhẹ, Hà Tiên xoa xoa hai bàn tay ngón dài, gân xanh bắt đầu nổi.
- Nhiều khi tôi muốn kể cho mọi người nghe. Cho nó nhẹ lòng, cho nó đỡ tấm tức. Nhưng lấy ai chịu nghe bây giờ hở anh ? Ai cũng đều khổ cả. Không cái này thì cũng cái kia. Nỗi khổ của mọi người cũng đã đầy, lấy chỗ đâu cho mình kể lể ? Thói thường con người ta ích kỷ, chuyện mình lo chưa xong, hoài hơi đâu mà lo chuyện người khác. Suy nghĩ hoài thì tôi cũng đến mà điên thôi anh ạ .

Tôi nhìn cái bàn nhỏ ọp ẹp bên giường trống trơn không có món ăn thức bổ dưỡng nào  của người nhà đem vào. Mới hôm qua, có người già sắp chết. Người nhà đem vào chục cam, sực nhận ra ông ấy sắp chết, cô cháu họ cứ ngồi đó mà chờ, không dám bỏ bọc cam ở đầu giường sợ có người ăn cắp. Mãi khi ông đã mất rồi, cô ngồi khóc tỉ tê, tay vẫn ôm chặc chục cam không rời.
Hà Tiên nói nhỏ.
- Anh có đi buôn lậu bao giờ chưa ?
Tôi lắc đầu, nàng tiếp.
- Tôi buôn lậu đường. Lúc còn thịnh thì tiền vào như nước. Tôi buôn lậu xăng nữa.
Đảo nhẹ mắt một vòng kiểm soát rồi nàng mới tiếp tục.
- Con em chồng của tôi quen với một thằng cán bộ công an. Lợi dụng danh nghĩa của nó nên có nhiều chuyến trót lọt. Sau nó nghi ngờ rồi giở thói làm tiền  đòi chia chác. Chia thì cũng được đi. Dần dần được với đòi tiên. Một phần lúc ấy nó chắc chồng tôi vượt biên nên cứ đem điều đó ra dọa cả nhà. Anh biết nó đòi gì không ? Nó đòi ngủ với tôi !
Giọng Hà Tiên đầy vẻ căm hờn  khi nói đến câu cuối. Nàng bậm môi, hình như có giọt nước long lanh nơi mắt, tôi không rõ. Hà Tiên chớp mắt mấy lượt.
- Cái đám nhà chồng của tôi cũng tệ. Theo dỗ ngon dỗ ngọt tôi, làm chuyến này rồi nghỉ. Hãy nghĩ đến gia đình, nghĩ đến tánh mạng của mọi người, kể cả tôi...Tôi đâu biết họ chỉ lo thân họ thôi. Còn ai hy sinh thì người ấy chịu. Có ngờ đâu, ngủ với thằng súc vật rồi...lúc giao hàng thì bể mánh...tôi chạy thoát được, con em chồng chết. Thằng cán bộ trở mặt, thấy lộ tẩy nên bắn chết nó để lập công. Tôi đã mất vốn, mất đứa em chồng, bà già chồng không thương còn nhiếc tôi là giết em, chỉ biết lo chạy lấy thân. Giờ lỡ ra chuyện thai nghén thì lại nói nặng nói nhẹ tôi là lăng loàn.  Trời ơi, sao người ta chẳng ai biết nghĩ, biết nhớ đến những lời nói hành động của mình hết vậy ? Tôi biết bà thương đứa con gái chết oan nhưng số trời, tôi nào phải là người gây nên tội lỗi ấy. Rồi có lẽ giận oán khiến bà tối mắt, bà viết thư kể xấu với chồng tôi. Anh ấy thư về mắng tôi đủ điều, rồi bảo là đoạn tuyệt tình chồng vợ, xoá tên tôi khỏi giấy bảo trợ.

Nước mắt lăn dài trên má Hà Tiên. Tuyệt nhiên chẳng có tiếng nấc, chỉ có nước mắt. Chúng lăn nhẹ nhàng, chảy ngoằn ngoèo, từng hàng, từng hàng. Tôi ngần ngại, không rõ mình có đủ tư cách để nghe chuyện đau khổ của Hà Tiên.
- Thôi  chị đừng buồn. Mấy bà già lẩm cẩm, chị viết thư bày tỏ với anh xem sao. Vợ chồng với nhau cần phải rộng lượng. Biết đâu chị kể thật rõ ràng, anh lại thông cảm chị.
Hà Tiên nhìn tôi như thương hại cho sự hiểu biết ít ỏi của tôi về tình cảm con người.
- Tôi đã viết bao nhiêu thư mà nói. Tôi nhắn luôn cả bạn bè đi ODP, bạn bè đi vượt biên...Họ tìm đến anh để giải thích cho tôi. Tôi mới rõ tại sao anh  nhất   định xoá  tên tôi. Đàn ông, không tin tưởng được người nào cả.
Tôi hơi bực trước lời phê bình vơ đủa  cả nắm của Hà Tiên nhưng không nói lời nào.
- Ảnh cỏ vợ khác rồi ! Cần gì tôi nữa ! Vợ chồng xa nhau mới có hai năm đã thay lòng đổi dạ.
Sực thấy bóng người lảng vảng qua lại trước cửa phòng bệnh, tôi nhớ đến bổn  phận mình. Tôi từ giã Hà Tiên, hy vọng nàng cố tịnh dưỡng, đừng để tâm chuyện thường tình thiên hạ.

Tôi ngỡ thế là xong, nào ngờ lại gặp Hà Tiên, độ vài tháng sau đó. Lần này, Hà Tiên cắt gân máu ở cổ tay. Anh Đặng bắt đầu giận.
- Mình lo cứu sống cô ấy trong khi cô ấy một mực tìm cái chết. Có phải phí phạm sức mình hay không ? Số sống dai như thế, bao lần tự tử rồi không chết.
Tôi đến thăm Hà Tiên. Lần này với sự bực dọc nhiều hơn là thông cảm. Tôi vừa đi hụt chuyến Rạch Giá. Có lẽ vì sự thất bại đó mà tôi đâm ra giận dỗi với sự tìm chết vô lý của Hà Tiên. Tôi còn đang muốn sống, như ngàn người khác. Hà Tiên nằm trong phòng riêng, được liệt kê vào thành phần bất bình thường, phải kiểm soát từng giờ. Phòng nàng nằm trống trơn, không có đồ đạc gì ngoài cái giường, cái bô nhựa nằm dưới gầm giường. Không dám để bô sắt vì sợ nàng có thể dùng vật đó đập đầu tự tử. Cửa sổ có song  sắt. Buổi tối, y tá sẽ giăng mùng cho Hà Tiên. Không để mùng sẵn vì sợ nàng thắt cổ.
Thấy tôi đẩy cửa vào Hà Tiên có vẻ mừng nhưng chỉ tỏ lộ bằng ánh mắt loé sáng rồi thôi. Hai cổ tay băng trắng xoá, cử chỉ của Hà Tiên chậm chạp buồn bã. Mặt nàng xanh xao gầy guộc. Hai con mắt như mở rộng hơn vì quầng thâm và xương gò má nhô cao. Nàng có vẻ tiền tụy thảm não vì mất máu khá nhiều. Giọng nói thì cay đắng mệt mỏi.
- Tôi xin lỗi anh trước vậy. Tôi chẳng muốn vào đây tí nào cả. Chẳng qua nó không thành...Tôi giận mọi người quá, cứ để tôi chết, cứu tôi sống chi cho tôi tiếp tục chịu khổ.
Tôi sẵn giọng.
- Chị nói thế không phải chút nào cả. Cứu chị là bổn phận của những người có lương tâm. Chị phải mừng là còn có những người như thế ở cái xã hội vòng bản này. Không còn lương tâm, không còn bổn phận thì mình chỉ là những con thú sống chung với nhau. Ai chết mặc ai sao được ?
Hơi ngạc nhiên trước giọng nói sẵn của tôi, Hà Tiên lãng chuyện.
- Tôi nhớ hôm trước anh có nhắc đến đi...chừng nào ?
- Rồi, tôi đi rồi mà hụt. Nếu đi thoát, tôi đã không ngồi đây nhìn chị tự tử lần nữa. Chị thật là dại.
Hà Tiên ngắm nghía hai cổ tay băng kín.
- Anh thấy tôi thế nào ? Có đẹp không ? Người ta bảo tôi sinh ra vốn đẹp sẵn. Và cũng người ta, là bảo số tôi sướng nhờ sắc đẹp của tôi. Giờ thì tôi chẳng tin gì cả. Tôi khổ sở vì nó nhiều hơn là sướng. Hết thằng này gạ gẫm đến thằng kia mồi chài. Tôi đẹp mà không biết lợi dụng sắc đẹp của mình thì thà sinh tôi xấu xí có lẽ đời tôi khá hơn !

Nàng thở dài nhìn ra cửa sổ có chấn song. Tôi nhận ra hàng lông mi dài rậm với nét mặt nhìn nghiêng của Hà Tiên. Nàng vẫn còn đẹp dù dáng điệu u sầu thiểu não. Bỗng dưng tôi nghe bực tức. Cái nét đẹp kia, cũng đáng để gìn giữ lắm, cớ sao lại dày vò tiêu hủy nó đi ? Người không có thì than vãn kêu nài, người có nhiều thì lại không biết quý. Con người ta đầy mâu thuẫn.
- Chị cứ lo chuyện người ta nói ra nói vào. Ai nghĩ gì mặc kệ họ. Chồng chị có vợ khác...tôi như chị, tôi lấy người khác. Khỏe nợ, lo chi thứ người...Tại sao lại phải đi tự tử ? Chị còn đứa nhỏ phải nuôi sao chị không nghĩ đến nó ? Mất mẹ rồi nó sống sao đây ? Cha nó không có đây. Chị cũng ích kỷ như những người khác. Chị biết nghĩ đến nỗi khổ của mình mà không biết rằng hành động của mình còn liên hệ đến bao nhiêu người khác. Bà già chồng của chị, lo gì. Một bà già, già nên xấu mồm xấu miệng. Chị để tâm làm chi. Dè bĩu chê bai  con  gái nhà người là chuyện thường. Một hình thức tự đề cao con gái mình và mình ! Ai cũng thế cả. Chỉ biết bới móc nhà người mà không dám nhìn lại nhà mình. Chị thật là...thật là ngu. Chị tự tử chắc tại bà già chồng  nói nặng nói nhẹ gì nữa rồi phải không ?
Hà Tiên gật đầu.
Kỳ xảy thai rồi, bà nói tôi muốn giết con. Bà bảo tôi có số sát nhân nên giết con bà rồi giết con tôi. Tôi khổ quá.
Tôi nói gằn giọng.
- Trời đất ơi. Chỉ có vậy mà tự tử. Lời nói đâu cỏ gươm dao giáo mác gì đâu mà chị sợ ? Chị tự tử là chị làm đúng lời họ muốn. Họ muốn giết chị bằng lời nói để khỏi mắc tội giết người, khổ nhọc lương tâm. Chị làm vậy là chị ngu lắm. Ở nhà chồng chi cho khổ, về nhà cha mẹ ở, cần gì.
Hà Tiên lắc đầu, đôi mắt nằm sâu trong hố mắt như đôi ngọc bích cẩn lên tượng cẩm thạch.
- Bố mẹ tôi đâu còn nữa.
Tôi giật mình.
- Chị nói sao ? Mới hôm trước...
- Bố mẹ tôi vượt biên chết trên biển. Chết cả nhà. Chết sạch cả rồi. Tôi mới được tin hôm qua. Gặp cướp biển Thái Lan. Còn mỗi mình cô tôi sống nhắn tin lòng vòng qua bên Pháp mới đến tôi.
Tôi không ngờ số mệnh hai bác lại thảm đến thế.
- Hôm qua tôi được tin thì mẹ  chồng tôi nhân dịp đòi đuổi tôi ra khỏi nhà. Bà biết tôi chẳng còn nơi nào để mà về. Bà con tản lạc khắp cả, người thân ruột thịt chả còn ai. Còn mỗi một đứa con thì bà giữ rịt lấy, bảo là cháu bà, bà lo. Tôi không xứng đáng để lo cho con. Anh thấy không, tôi muốn chết là vậy. Sống thừa chi cho phí.
Câu nói sau cùng của Hà Tiên làm tôi nổi giận.
- Chị bảo sống là phí. Chị tự tử mới là phí. Biết bao người muốn sống mà không được sống trong khi chị cứ muốn chết. Tôi đồng ý là chị khổ. Cuộc đời nó đãi chị không được hậu nhưng sao lại  đầu hàng số mệnh ? Chị còn trẻ, còn sức lực chưa kể bổn phận đối với con chị, chị tự tử thế là phải đó sao ? Để tôi kể chị nghe cái lương tâm của anh Đặng. Anh cũng nghèo như mọi người, chị biết lương công nhân viên rồi. Vậy mà đôi lúc có người cần phải mổ vì đó là cứu cánh sau cùng. Mổ hay không thì cái chết cũng cận kề, nhưng mổ thì may ra  có thể sống. Nhưng họ nghèo quá, chỉ may mua không nổi. Tiền đâu vừa mua máu vừa mua thuốc mê, mua trăm thứ ? Anh bỏ tiền ra mua chỉ may, mua những thứ lặt vặt nhưng cần thiết để mổ. Xong rồi thì anh đành chịu chứ biết nói sao. Anh đã làm hết sức mình trong hoàn cảnh thiếu thốn. Chị à,  cái biển khổ đang cháy kia, tưới bằng gì mới dập tắt nó được ?
- Thì nó mênh mông quá, chết bớt thì bớt khổ.
Tôi tức mình, nói không nể nang gì nữa.
- Thôi tôi không nói nữa. Tôi không hiểu chị và chị không muốn hiểu tôi. Tôi bỏ công tôi ngồi đây với chị là vì chị chớ nào phải vì tôi. An ủi chị, níu kéo chị, cho chị, cho con chị. Tôi không lợi lộc gì cả. Tôi không muốn thấy chị chết. Phí phạm đời sống quá. Chị muốn  tự tứ cho chết hả ? Dễ lắm. Đây nè, chị nhìn đây này. Cứ cắt chỗ này là trời cứu.
Hà Tiên nói nhẹ.
- Anh giận tôi đấy hở. Thôi xin lỗi. Tôi buồn nên nói quẩn.

Tôi từ giã Hà Tiên ra về. Tôi không muốn nán lại để nhìn thấy tử thần rình rập đâu đó nơi giường người đã quyết chí cắt đứt đời sống. Thôi, tôi đã làm hết bổn phận của mình. Tôi với chị chỉ là sơ giao dù đôi bên trao đổi chuyện đời của nhau khá nhiều.
Buổi tối trực đêm, tôi với anh Đặng xuống nhà bếp tìm nước sôi pha cà phê. Câu chuyện của Hà Tiên vẫn còn lãng vãng trong óc tôi  nhưng tôi không muốn khơi chuyện  với anh Đặng  về nàng. Tôi vẫn còn giận mỗi khi nghĩ rằng cái khổ của nàng chẳng  thấm vào đâu so với cái khổ của người khác. Anh Đặng bỗng nói trỏng.
- Cái cô đẹp đẹp đó thật là lạ, người gì mềm yếu quá.
Tôi lẳng lặng rót nước sôi pha cà phê không góp lời. Anh Đặng lại tiếp.
- Có nhiều người họ như thế đấy. Tâm hồn họ  mỏng manh quá, không đủ sức chịu đựng sóng gió.
Anh Đặng dừng ngang bất thần. Có tiếng chân chạy lạch  bạch ngoài hành lang, tôi ló đầu ra cửa, chị Tám trực đêm thở hào hễn.
- Bác sĩ đâu ? Thấy ổng  đâu không ?
Anh Đặng bước ra.
- Đây, đây.
- Cô tự tử nữa !

Tôi biến sắc mặt. Ba chúng  tôi cùng chạy như ma đuổi về phòng Hà Tiên. Phòng tối ảm đạm nhưng tôi không cần ánh sáng để nhìn thấy nhiều vết máu văng rãi lấm tấm. Máu trên giường, trên sàn gạch bông, nhoè bẩn những miếng vuông màu đen, khắc hoa trên những miếng trắng. Máu tẩm ướt  gối, chảy dài từng đường trên tường. Máu chấm song sắt cửa sổ, lấm tấm từng đốm xoè cánh nhọn  những khoảng trống vàng lợ của cánh cửa sổ bên ngoài song sắt. Tôi nhìn nơi nào cũng thấy máu. Máu nhoè nhoẹt mặt người chết. Tư thế nằm không thoải mái, có vẻ chịu đựng đớn đau. Mồm Hà Tiên hơi há, chân mày nhíu nhẹ như cố chịu cơn đau cuối. Mắt nàng khép lờ đờ, vệt máu chảy còn đọng nơi kẻ mắt. Vết cắt nơi cổ toang hoác, máu còn ứa nhẹ. Máu loang dài nơi sóng mũi, màng tang, đọng vũng nơi ót. Giường mền lệch lạc có  lẽ vì phản xạ tay chân vùng vẫy. Chiếc gối nằm lăn trên mặt đất gần chân giường, máu nhào trộn một màu sẫm nỗi bật.
Tôi nghe muốn nôn ọe dù đã quen mắt với cảnh máu chảy, vết thương lở lói. Anh Đặng bắt mạch theo thói quen dù biết rằng với vết cắt sâu nơi cổ như thế, máu ra nhiều, vô phương  cứu chữa. Chị Tám cuối lượm lưỡi lam rơi cạnh giường lắc đầu, mồm lẩm bẩm những gì tôi nghe không rõ. Tôi bỏ ra cửa đứng nhìn dãy hành lang mờ tối. Nhiều vũng tối trước mặt tôi như những đóm đen lấm chấm trên sàn đá hoa trắng.

Mấy năm sau đó, mỗi lần nhắc đến " cái cô đẹp đẹp " tự tử nhiều lần, anh Đặng thường nhìn tôi.
 Đáng lẽ chú mày không nên giận mất khôn như thế. Ai lại nhằm người muốn chết mà chỉ đường. Nhưng thôi, cô ấy cũng chẳng  làm được điều đó nếu đứa con gái nhỏ ngây thơ đừng nghe lời mẹ dặn mang vào lưỡi lam.



Nguyễn Thị Ngọc Nhung







----------------------

Nguồn: Văn
Số 50, tháng 8-1986