Tuesday, January 17, 2017
NGÀY XUÂN GÕ CỬA THIÊN ĐƯỜNG
Lê Thị Thấm Vân
Cách đây không lâu, một buổi sáng đẹp trời, Vicky, cô bạn làm cùng sở mang vào một xấp hình chụp đám cưới của Ron (Ron cũng là bạn đồng nghiệp). Cả phòng nháo nhào, chuyền tay nhau coi, kèm theo những câu phê bình lẫn nụ cười to nhỏ: "Wow! You look so great in this picture. Hey! He looks cute, she looks cool!..." Lẫn trong xấp hình, có một tấm hình chụp riêng mình tôi, (Vicky nói chồng nó chụp lúc tôi không biết). Tấm hình chụp nửa người trên, đứng tựa bờ tường gạch, một tay khoanh và một tay cầm ly champagne. Người hơi nghiêng, mắt đang ngước nhìn...(tôi cũng không nhớ là đang nhìn gì). Tấm hình trông lẻ loi, lạc điệu giữa 36 tấm hình khác vì ai cũng tươi cười, khuôn mặt của những đồng nghiệp bình thường ai nấy đều ôm trong mình những nỗi niềm riêng, nhưng lúc cần vui họ cũng sẵn sàng đóng trọn vai trò.
Lúc Vicky trao tôi tấm hình, nó nói:
" Của mày, mày giữ lấy, chồng tao bảo mày đẹp...nhưng..."
" Hơi buồn". Tôi điền vào chỗ trống hộ nó.
"Ừ, hơi buồn. Phải chi mày chịu khó nhe răng ra một tí chắc là đỡ hơn." Vicky thành thật.
"Ừ, tao cũng nghĩ thế." Tôi nói nhỏ giọng.
Trở về phòng với tấm hình trong tay. Tôi ngồi ngó tôi, rồi nghĩ khuôn mặt mình lúc bình thường, không làm dáng điệu trông héo hắt đến thế sao ? Tôi nhớ những người thân quen vẫn thường ý kiến sau lưng:
"Mặt con Tường Quyên đẹp nhưng buồn quá!"
Hoặc nói thẳng cho tôi nghe:
"Tường Quyên có đôi mắt ướt như...sắp khóc"
Nhưng mà câu tôi nghe quen tai nhất:
"Tươi lên một chút có được không nào?"
Chung quanh ai cũng than tôi sao hay buồn, ngay cả khi tôi cười. Nhưng không ai phủ nhận một điều là tôi đẹp, và tôi cũng biết mình đẹp, đẹp vượt trung bình xa.
"Nét đẹp của chị hợp với thời...chiến hơn!" Thằng Phước em kế tôi đã một lần nhìn ngắm tôi rồi phê bình nhan sắc người chị nó như thế. Ở tôi, nét mỏng manh, nhẹ nhàng, pha lẫn chút...chịu đựng. Tuy nhiên nét ...buồn vẫn hiện rõ nhất trên khuôn mặt, nghĩa là không còn hợp với "thời" này nữa. Thời mà nét vui tươi, trẻ trung, khỏe mạnh là đầu tiên lôi cuốn sự chú ý những người chung quanh. Thời mà dọc con đường, từ nhà đến sở hầu như góc đường nào cũng có health club. Dở tạp chí thời trang, các cô đào chụp hình hở ngực, đùi, mông ai nấy đều rắn chắc, hấp dẫn bởi những múi muscle do khổ công tập luyện.
Tôi nhớ một người tình cũ, có lần nhìn bức hình hai đứa chụp chung, anh nói: "Đầu em sát đầu anh, vai em sát vai anh, tay em trong tay anh, sao em vui chỉ ở cái miệng mà đôi mắt vẫn buồn thiu. Em không hạnh phúc bên anh sao? Hay em chỉ... yêu anh bằng nửa con tim của em? Rồi anh cố tình diễu với giọng "cải lương" ở hai câu cuối.
Tôi cười cười, rúc đầu vào ngực anh. Những lúc bối rối hoặc ấp úng điều chi tôi vẫn làm thế.
Năm 1973, hai năm trước ngày rời Việt Nam, tôi vừa tròn mười tuổi. Cái tuổi thích được cột tóc cao bằng những cái nơ càng to, màu càng sặc sỡ thì lòng càng rộn ràng sung sướng từng đó. Cái tuổi rất dễ yêu là không còn quá nhỏ để làm phiền bố mẹ trông chừng, tắm rửa đút cơm, mà cũng chưa lớn đủ để bắt đầu tập tành xây cho mình thế giới riêng tư của tuổi vị thành niên...rất ư dễ ghét. Ngoài giờ học ở trường, về đến nhà tôi cứ lẩn quẩn quanh mẹ để được sai vặt, hoặc chờ bố đi làm về để cất giày, áo cho bố. Ngày nghỉ, bố sai nhổ mấy sợi tóc bạc, còn không thì chạy ra đầu ngõ mua chai bia kèm theo được thưởng mấy đồng bạc lẻ mua kẹo. Ngậm kẹo trong miệng mà thấy đời đẹp đẽ biết bao!
Chiều 29 tết năm đó. Trời bắt đầu tối, tôi và thằng Phước ngồi trước thềm nhà đợi bố mẹ về. Thường vào giờ này ở xóm tôi, tụi con nít còn chạy lăng quăng ngoài đường chưa đứa nào muốn về, nán ở lại ném lon, nhảy dây hoặc chơi lò cò...hiệp cuối thường bao giờ cũng hấp dẫn và gay cấn nhất. Từ đầu ngõ đến cuối ngõ, người đi tới, kẻ đi lui, gồng gánh, tay bồng tay bế, tay xách cặp táp. Tiếng xe nổ lẫn tiếng nói cười, gọi tên nhau ơi ới, cùng tiếng nhạc, hoặc tin chiến sự phát xuất từ radio của căn nhà quen thuộc. Nhịp sống bình thường diễn ra hằng ngày trong khu xóm tôi ở đã nghe quen tai, nhìn quen mắt, bỗng dưng hôm nay biến mất. Chiều 29 tết, lòng ai cũng chộn rộn ở trong nhà đón xuân.
Căn nhà tôi quạnh quẽ hiu vắng. Mẹ đi ra Huế thăm ông ngoại bệnh nặng cả tuần nay chưa về. Trước khi đi mẹ hứa thế nào cũng rán về trước tết, ở nhà ngoan sẽ có quà cho hai đứa. Cả bố nữa, đúng ra giờ này bố đã đi làm về...Nhìn vào trong nhà thấy tối om, hai chị em không đứa nào dám bước chân vô, vừa sợ, vừa đói lại vừa mệt.
Khi tôi mở mắt thì thấy mình đang nằm trên giường của bố mẹ. Cạnh tôi, thằng Phước còn đang ngủ say, nước miếng nhiểu một khoảng trên gối, mắt nó lem luốc dơ bẩn. Đêm qua đi ngủ chưa rửa mặt, rồi chợt nhớ ra mình cũng thế. Tôi ngóc đầu lên kiếm mẹ, nhưng không thấy mẹ mà chỉ thấy bố đang ngồi quay lưng ở cuối chân giường. Hai tay bố ôm lấy mặt, trên người vẫn còn bận nguyên bộ đồ lính. Tôi nằm yên nhìn bố từ phía sau. Màu nắng chưa rõ của đầu ngày hắt lên một mảng trên tóc bố, tôi bỗng thấy vai bố rung rung, cùng tiếng nấc nghẹn. Tôi ngã người xuống nằm im, nghe như tim mình bị tay ai đè nặng. Lần đầu tiên tôi mơ hồ linh cảm có chuyện không lành xảy ra.
Tôi gọi "bố". Bố quay nhanh người lại. Mắt bố đỏ hoe, màu đỏ như màu máu. Bố nhào tới ôm lấy tôi, tôi nghe giọng bố khóc, lẫn tiếng tim đập thình thịch trong ngực bố. Nước mắt bố nhoè thấm trên tóc, má và mặt tôi: "Bố đây, bố đây con!". Tôi khóc òa theo bố, mặc dầu không hiểu tại sao bố khóc nhiều như vậy.
Hừng sáng 30 tết, tôi nhận được tin mẹ tử nạn trên đường từ Huế vô Quy Nhơn. Cầu bị Việt Cộng đặt mìn giựt sập, trên chiếc xe đò cả thảy 70 người không còn ai khỏi nắng, kể cả mẹ, người mà tôi nghĩ sẽ sống vĩnh cửu cạnh bố con tôi. Mẹ mất ở tuổi tôi chưa có khái niệm rõ rệt hai chữ tử sinh.
Mẹ ra đi, mang theo một lổ hổng lớn trong đời sống của ba bố con tôi.
Bố ở trong quân đội, cấp bậc trung uý. Người bố cao lớn, dềnh dàng, hay đũa giỡn và kể cho chị em tôi nghe nhiều hơn mẹ. Giờ giấc bố đi làm bất thường, bởi thế hôm nào bố trực đêm là hai chị em tôi được ngủ chung giường với mẹ. Có những đêm khuya chợt thức giấc, qua khoảng cách của người thằng Phước, tôi thấy nhấp nhô cái bóng in trên vách mùng, tiếng ai thở mạnh cùng cái giường rung rung. Tôi lờ mờ không hiểu...rồi ngủ thiếp lại. Mãi sau này lớn lên, hiểu biết mùi vị của hương lửa tình yêu, tôi thương bố vô vàn.
Vài năm sau, tụi tôi lớn hơn chút xíu, bố tuyệt đối không cho hai đứa nằm chung giường bố mẹ. Có hôm nửa đêm thức giấc, chạy qua phòng kiếm không thấy mẹ đâu, chạy ra vườn thấy mẹ và bố đang ngồi trên ghế xích đu, cạnh bụi Ngọc lan thơm ngát. Mẹ ngồi sát vào người bố, dáng bố cao to che chở cho mẹ. Tay bố vuốt dọc tóc mẹ nhẹ nhàng theo nhịp của xích đu. Bộ đồ lụa trắng mẹ mặc nỗi bật trong đêm khuya thanh vắng. Ở lứa tuổi lên mười, tôi đã biết đó là một hình ảnh đẹp tuyệt trần.
Tôi lớn hẳn sau ngày mẹ mất, như "bị" mang đôi hia bảy dặm. Đoạn đường đi từ nhà đến trường tôi phải rút ngắn lại. Bước chân cố sải dài để mau đến lớp khỏi bị trễ học và mau về nhà để lo coi sóc trong ngoài. Tay tôi đã biết nắm giữ những đồng tiền giao cho bà Năm hàng xóm đi chợ mua thức ăn dùm. Tôi tập tành làm nội trợ, và luôn rán giữ nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp để được bố thương.
Và rồi tôi cũng biết...hận thù quá sớm. Như lần thằng Phước cùng thằng Huy (bạn nó) nghịch ngợm lén qua nhà bà Hảo hàng xóm bẻ đu đủ. Lúc bà Hảo đi chợ về, thằng Phước đang còn trên cây cao, trái đu đủ chưa chín hẳn đã bị nó hái thẩy xuống cho thằng Huy đứng chực hứng ở dưới. Vừa thoáng thấy bóng bà Hảo, thằng Phước sợ quá vội tụt xuống, nhảy từ ở giữa thân cây, chân nó bị bong gân, dậy không nỗi. Cùng lúc tôi đi kiếm em về ăn cơm, thấy em nằm im vội chạy lại đỡ, mặt nó mếu máo khóc vì đau. Tôi dìu nó về nhà vừa đi vừa nghe tiếng bà Hảo chửi vọng theo :"Đồ con nhà mất dạy, quân ăn trộm, thứ không cha không mẹ, không ai dạy dỗ..." Tôi giận run người. Hai chị em vừa đi vừa khóc, nó khóc vì bị đau chân, tôi khóc vì tiếng chửi rủa của bà hàng xóm độc miệng. Đêm đó tôi trằn trọc vì những tiếng...chửi và . mong đến sáng qua nói với bà Hảo đừng chửi như thế nữa. "Người nào lại không có cha có mẹ. Hai chị em tôi không may bị mẹ mất sớm...". Nhưng sáng hôm sau vừa thấy bản mặt bà Hảo là tôi...hận quá đỗi. Từ đó về sau, mỗi khi đi ngang qua nhà bà tôi thề không bao giờ ngó vô...
Sau ngày mẹ mất, tôi lại nảy ra có tánh "ganh tị" với những con bạn học cùng lớp. Mỗi lần đến nhà chúng chơi, thấy cảnh mẹ con họ âu yếm thương yêu nhau, tôi lại thấy tủi thân, ước ao phải chi mẹ còn sống. Nhớ, trước kia mỗi chiều đi học về, mẹ luôn đứng đợi sẵn ở cửa. Thấy hai chị em tôi, mẹ vội đỡ lấy cặp, rồi vừa vuốt tóc từng đứa vừa hỏi han chuyện ở trường ở lớp. Hai chị em ríu rít như hai con chim non...giờ đây, có những buổi chiều đi học về, căn nhà vắng tanh, hiu quạnh. Đi ngang phòng bố, thấy bố ngồi yên lặng chống cằm bên cửa sổ nhìn ra bụi Ngọc lan. Trông bố cô đơn đau khổ tận cùng. Tôi đứng lặng yên nhìn mà lòng cũng đau theo bố, nghĩ chắc là bố đang nhớ mẹ ghê lắm.
Có những đêm trở mình thức giấc, thấy bố đang lúi cúi đắp mền hoặc sửa lại thế nằm cho hai đứa. Việc làm mà mẹ lúc còn sống hầu như không bao giờ bố bận tâm. Những lúc như thế tôi nhắm mắt vờ như ngủ, để được bố săn sóc, Âu yếm kéo người lại cho ngay, kê cái gối ở dưới đầu, được bố hôn nhẹ lên trán, và rồi nằm yên nghe tiếng chân nhẹ nhàng của bố lần ra khỏi cửa..
Những lúc bố rảnh, bố ngồi vẽ tranh mẹ. Vẽ dáng mẹ đang ngồi vén tóc, đứng tựa cửa ngó vu vơ, hoặc ngay cả lúc mẹ mĩm cười cùng bố. Những lúc tranh bố vẽ ra từ trí nhớ yêu thương mẹ. Hình nào bố vẽ mẹ, tôi đều thấy đẹp. Ngồi nhìn bố vẽ, tay cầm cọ, áo quần xốc xếch nhưng mặt lúc đó sáng rỡ lạ kỳ, tôi chợt có ý nghĩ lớn lên tôi sẽ học vẽ, và vẽ cả bố lẫn mẹ.
Tết năm 1975 là cái tết sau cùng của ba bố con tôi ở Việt Nam. Cái tết mà tôi không biết trước được là sẽ chia tay bạn bè từ đó và rồi bỏ thành phố Quy Nhơn mà đi, nơi tôi đã được sinh ra và trãi qua những năm thơ ấu, cùng những ngày vui còn mẹ, và những ngày buồn mất mẹ.
Đầu năm 1975, ba bố con dắt díu nhau chạy loạn. Từ Qui Nhơn, xuôi vô Nha Trang, Cam Ranh, rồi Vũng Tàu. Những đêm ngủ vùi trên khoang thuyền, mở mắt ngó bầu trời đêm. Trăng sao sáng vằng vặc trên cao. Con thuyền nhỏ lướt sóng nhấp nhô trong đêm tối. Yên lặng, yên tịnh chỉ còn lại giữa giòng biển khơi. Những ngày chạy loạn, bố con tôi ngủ tạm nhà thờ, nhà trường hoặc những căn nhà chủ nhân cũng đã bỏ chạy. Ba bố con cứ đi trước lính Việt Cộng một thành phố. Vai bố đeo ba lô, hai tay dắt hai con gà con đi theo đoàn người vô định hướng. Cứ đi, mặc dầu chẳng biết mình đi đâu và biết nơi nào là chốn bình yên còn lại của miền Nam Việt Nam?
Cuối cùng ba bố con vào Sài Gòn, ở tạm nhà người bà con xa bên mẹ. Trong nhà ai cũng bàn chuyện xuất ngoại, kẻ đi người ở. Đúng ngày Sài Gòn thất thủ, ba bố con nhảy đại lên tàu Trường Xuân ở bến Bạch Đằng. Vai bố vẫn còn đeo ba lô, trong ba lô có vài bịch cơm sấy, bi đông nước lạnh, vài bộ đồ ngắn cho hai đứa và một bức tranh cuộn tròn bố vẽ về mẹ.
Ở trong trại Fort Chaffee được hơn ba tháng thì ba bố con được một gia đình người Mỹ bảo lãnh ra khỏi trại. Thành phố đầu tiên trên xứ Mỹ này chúng tôi đặt chân đến mang tên Willard, thành phố nhỏ, nhiều bụi, và rất quạnh hiu ở tiểu bang Utah.
Người bảo lãnh, ông bà Kaye (tên họ). Người chồng tên Henry, bà vợ tên Helen. Hai vợ chồng làm chủ một tiệm chuyên đóng Water beds, một loại business đang lên trong thời kỳ đó.
Ở với gia đình sponsor được vài ngày thì tôi và thằng Phước được bà Helen chở đi ghi danh học. Trên đường trở về, bà dừng xe cách nhà chúng tôi ở khoảng hai block, chỉ cái góc đường và dặn: "Sáng thứ hai tuần tới, đúng 7:25 sáng, Tường Quyên ra đây đứng đợi xe bus trường ra đón." Nghe bà nói, tôi rán nhớ nằm lòng, ngã tư có cây Mimosa cao, to, vàng rực cả một góc đường vì đang độ trổ bông. Thằng Phước vào lớp Sáu, năm cuối cùng tiểu học. Trường của nó nằm cách nhà khoảng năm block nên đi bộ được.
Sáng thứ hai, đúng 7:17, tôi có mặt ở trạm xe bus. Ở đấy đã có mấy đứa nhóc tì mắt xanh tóc vàng đang đứng đợi. Ngày đầu khai giảng, đứa nào mặt mày tóc tai, áo quần cũng thẳng tấp, gọn gàng sạch sẽ. Tôi là đứa tóc đen duy nhất trong đám. Lần đầu tiên cảm giác lạc lõng đến với tôi.
Độ mười phút sau, chiếc xe bus trường màu vàng trờ tới. Đám nhóc hò hét leo lên xe, đứa nào cũng muốn ngồi cạnh cửa để nhìn hai bên đường. Tôi là đứa cuối cùng leo lên, chân vừa bước vừa tìm chỗ ngồi mà biết là tất cả những con mắt trên xe (kể cả ông tài xế) đang dõi mắt nhìn chăm vào mình. Hai ống chân tôi như đeo hai tảng đá nặng, đầu cứ lùng bùng...
Suốt quãng đường ngồi trên xe đến trường, tôi ngồi yên, mắt đăm đăm cúi xuống nhìn hai bàn tay của mình mà lo sợ nghĩ, kể từ ngày hôm nay, mình thật sự rẽ sang một con đường mới, con đường hoàn toàn xa lạ, ở đó có một ngôn ngữ mà những danh từ, động từ, cũng như văn phạm, tôi chỉ mới biết được đếm trên đầu ngón tay.
Xe bus dừng, đám Mỹ con lại nhốn nháo nhặng cuội như đàn ong vỡ tổ. Khuôn mặt đứa nào cũng hăm hở, rộn ràng. Ông tài xế miệng cứ nhắc chừng là phải từ từ, cẩn thận.
Và rồi tôi là người cuối cùng bước ra khỏi xe. Ông lái xe nhìn tôi kèm theo câu nói, nhưng tôi cúi đầu im lặng bước xuống. Phần không hiểu ông muốn nói gì, phần cũng không muốn xuống xe bus nhanh như những đứa khác.
Tôi nhìn một vòng quanh trường và bỗng thấy trường sao lạ...Tuần trước bà Helen đưa tôi tới, tôi nhớ phía trước có hàng rào gỗ sơn màu vàng, sao bây giờ không thấy...tim tôi bắt đầu đập mạnh, hai tay nắm chặc vào nhau sợ hãi. Hay là mình leo lộn xe bus?
Tôi muốn gọi điện thoại cho bà Helen, nhưng chẳng nhớ số phone nhà, vả lại cũng chẳng biết cái phone ở đâu và phải gọi như thế nào. Ngày đầu nhập học cũng là ngày thứ mười tôi sống trên đất Mỹ.
Nách tôi ôm cái cặp, cái cặp nhẹ tênh. Tôi đi lần vào bờ tường, đứng dưới gốc cây có tàng lá phủ rậm. Tôi sợ vì không biết hỏi ai và nên làm gì. Trước mặt tôi tất cả building đều giống nhau, đám trẻ chung quanh mặt đứa nào cũng giống đứa nào. Tóc màu vàng, da màu trắng và miệng luôn tươi cười. Chúng chạy chơi nô đùa gọi nhau ơi ới. Có đứa ôm nhau mừng rỡ sau ba tháng hè xa cách nay gặp lại. Biết bao nhiêu chuyện để kể cho nhau nghe...Bỗng dưng tôi thấy tủi thân muốn khóc. Hình ảnh từng con bạn cũ Liên, Thanh Mai, Hằng, Thuỳ Trang...nối đuôi nhau hiện về. Giờ này tụi nó đang làm gì? Ở đâu? Còn tôi đang đứng đây một mình như người đi lộn hành tinh. Mắt tôi bắt đầu cay cay...
Thỉnh thoảng có vài cặp mắt đang chạy, dừng chân đứng lại tò mò nhìn tôi. Chúng hỏi hoặc nói câu gì đó không thấy tôi trả lời liền bỏ đi chỗ khác, có đứa nhìn tôi rồi...cười cười. Tôi nghĩ tới bố, tới thằng Phước, phải chi có nó bên cạnh, chắc đỡ sợ hơn. Rồi nghĩ thương em, chắc ở một ngôi trường khác, nó cũng đang đứng đâu đó mà lòng cũng lo sợ như tôi.
Một hồi chuông vang lên, kèm theo lời nói dài...Đám trẻ chung quanh chạy tán loạn, đứa chạy ngược, đứa chạy xuôi. Trong vòng mười phút, sân trường trống trơn, lác đác còn lại mấy đứa di chuyển chậm chạp từ từ... Tôi lại sợ hơn nữa, tụi nó đã vào hết trong lớp. Tôi bỗng thắc mắc sao không xếp hàng, chào cờ... Lần nầy thì tôi không ngăn được tiếng khóc, tôi đứng khóc oà. Một người đàn ông tiến tới, hai tay ông chắp phía sau. ( Sau này biết tên ông là Stanley, làm giám thị trường và giúp đỡ tôi tận tình nhất) ông lại gần đặt nhẹ tay lên vai tôi hỏi câu gì đó, tôi không trả lời mà cứ rung vai nức nở khóc. Cuối cùng ông đưa tôi tới văn phòng, khi đến cửa văn phòng, nhìn hai chậu xương rồng trụi lá cạnh lối ra vào, tôi mới biết chắc là mình không đi lộn trường. Xe bus thả tôi ở phía sau, còn bà Helen đã đưa tôi đến trước trường.
Phải mất cả tuần lễ tôi mới thuộc hết những lối đi đến sáu building của sáu lớp học khác nhau, đồng thời tên tất cả các thầy cô.
Ba bố con vẫn ở căn nhà nhỏ một phòng ở cuối góc vườn của ông bà bảo lãnh. Mỗi ngày bố rời nhà đến chỗ làm từ sáng sớm và trở về chập choạng tối. Nhiều hôm đi làm về mệt, đêm ngủ bố rên hư hử, tôi nghĩ ban ngày chắc bố đóng ...giường mệt lắm. Có hôm làm về, bố không ăn uống gì. (Trong thời gian này, bố con tôi rất thèm cơm Việt Nam). Còn tôi mỗi buổi chiều sau giờ đi học về, làm xong homework, lên nhà trên chơi và phụ bà Helen coi sóc hai đứa con gái sanh đôi ba tuổi của ông bà. Thằng Phước, cuối tuần phụ ông Henry cắt cỏ làm vườn. Ba bố con, người nào cũng có công việc để làm trong thời gian ở trọ nhà ông bà bảo lãnh.
Một buổi chiều, bố cùng ông Henry đi làm về, trong bữa ăn tôi nghe ông phàn nàn về bố. Ông khuyên bố đừng mang chiếc áo lính cũ đi làm nữa thì thằng David sẽ không có chuyện gì để gây với bố. Bố bảo bố thích chiếc áo lính của bố bởi bố mang nó theo từ Việt Nam. Lúc bố nói, tôi thấy mặt bố buồn buồn... Tối hôm đó, tôi theo gặng hỏi bà Helen chuyện gì đã xảy ra. Bà nói là tại bố hay mang cái áo lính mà thằng David không thích, nó bảo bố: "Mày muốn đời mày khá thì mày nên quẳng cái áo lính của mày đi. Xứ tau đang hoà bình, không muốn thấy bóng dáng chiến tranh." Bố nghe giận run người, định lại bợp cho nó bợp tai, nhưng những người chung quanh chạy đến ngăn cản kịp. Rồi bà tiếp, thằng David đã làm cho ông bà hơn năm năm nay, không được siêng năng như bố, nhưng những việc nặng phải có nó phụ một tay thì xong cả. Trong thời gian này, tôi thấy nụ cười như tắt ngấm trên môi bố.
Sau khoảng sáu tháng ở Mỹ, tôi nhớ một buổi sáng nghỉ học, bố cũng được nghỉ làm. Bố rủ tôi đi xuống phố với bố, bố chở tôi trên chiếc xe đạp cũ của ông Henry. Đến trước cửa tiệm chuyên sản xuất cà chua chín đóng hộp, có tấm bảng nhỏ đề hai chữ "Help Wanted" bố dừng xe lại. Trước khi vào, bố dặn tôi đứng ngoài này coi chiếc xe và đợi bố vào "interview". Trời buổi sáng mùa đông ở Willard lạnh không thể tả. Hai tay và răng tôi đánh vào nhau lập cập. Cứ một chốc, bố sốt ruột đi ra xem chừng tôi, cuối cùng bố bảo tôi lại ngồi cạnh thùng rác lớn, khuất gió cho đỡ lạnh. Tôi ngồi mà lòng cũng hồi hộp, bồn chồn như bố trong kia, bởi lo sợ không biết người ta có mướn bố hay không?
Cuối cùng bố trở ra, hai tay đút trong túi cười cười...nhìn khuôn mặt bố tôi biết bố đã...trượt vỏ chuối. (Mãi sau này lớn lên, tôi nghiệm thấy mình rất bén nhạy, có khả năng đọc được vui buồn trên khuôn mặt những người chung quanh). Lúc ngồi sau xe, áp mặt mình vào lưng bố, hai tay vòng ôm chặc người bố. Tôi cười hỏi: "Người ta nói bố cà chua chưa chín phải không?" Bố nghe rồi cười to. Ngay từ nhỏ, tôi và bố đã có chung một ngôn ngữ.
Một buổi sáng ngủ dậy, thấy bố ở nhà không đi làm như mọi ngày. Tôi đến gần hỏi tại sao bố nghỉ. Bố vuốt nhẹ tóc tôi, im lặng một đỗi rồi nói: "Bố nghỉ luôn rồi". Tôi hỏi "why?" Bố trả lời là hôm qua bố mới "thụi" thằng David một cái tại nó chê bố thi rớt bằng lái xe hai lần với lý do...bố tới từ một nước...không có xe hơi, lạc hậu, kém văn minh, chỉ thích chiến tranh. Nó còn khuyên bố ...rán ở Mỹ mười năm nữa thì may ra mới lấy được bằng lái xe.
Sau gần một năm sống cùng ông bà bảo trợ, bố quyết định dọn ra riêng. Bố không muốn vì mình mà gây rắc rối cho hai ông bà. Những năm sống ở Mỹ, bố đã làm đủ thứ nghề, toàn nghề lao động. Từ đóng giường, nhồi bột bánh pizza, chuyển hàng hoá ban đêm ở siêu thị... Giữa năm 1977, bố bắt liên lạc với một người bạn cũ ngày trước ở cùng đơn vị, và hiện đang ở tiểu bang California, rủ bố qua đó làm nghề điện tử. Một nghề đang lên, hãng mướn không cần kinh nghiệm, lương cao, cộng thêm khí hậu Cali mát mẻ, lại gần bạn bè... Một ngày mùa hè, ba bố con thẳng đường từ Utah lái xe qua California, dừng chân ở thành phố Oakland, cách San Francisco cái cầu mang tên Bay Bridge. Cầu to, dài, mới nhưng không được đẹp như cầu Golden Gate.
Chưa đầy một tháng sau, bố kiếm được việc. Công việc ráp nối những cái chip điện tử lại với nhau qua kính hiển vi. Ban đêm bố học thêm anh văn ở college gần nhà. Lương bố tăng nhanh, đời sống kinh tế của ba bố con có phần thoải mái hơn trước. Nhớ sinh nhật tôi mười sáu tuổi. Bố đưa tôi vào K-Mart (thời gian đó tiệm này đã là...sang lắm đối với ba bố con tôi). Lần đầu tiên bố bảo: "Tường Quyên thích áo lạnh nào cứ chọn, hôm nay bố mới được tăng lương". Lúc ôm và ngửi được áo jacket nỉ vàng mới toanh trong tay, tôi bồi hồi nhớ đến cái ngăn tủ ở trong nhà đó phần nhiều những bộ áo quần được phát xuất từ xứ đạo nhà thờ, tiệm bán đồ củ hoặc garage sales.
Cùng trong khoảng thời gian này, một hôm bố dẫn người đàn bạ lạ về nhà, giới thiệu cùng tôi và thằng Phước. Tên cô là Lan, làm chung hãng điện với bố. Dáng cô Lan đẩy đà, tóc cắt ngắn hợp với khuôn mặt tròn và trắng. Miệng hay cười chúm chím lộ cái lúm đồng tiền ở má bên trái thật xinh. Mắt cô một mí, mới thoạt nhìn tôi tưởng cô là người Đại Hàn hay Nhật. Tôi thấy bố vui hẳn từ ngày bố quen cô Lan. Bố chịu khó chải chuốt áo quần hơn trước. Tôi cũng vui theo bố. Đi tới lui trong nhà bố luôn huýt gió hoặc hát những bản nhạc tình nghe cũng...da diết lắm.
Sau vài tháng, cô Lan từ từ dọn vào ở chung với bố. Ban đầu chỉ cuối tuần, rồi vài ngày, cuối cùng cô ở hẳn như nhân vật thứ tư trong nhà. Từ ngày có cô Lan, tôi cũng mừng là khỏi lo phần cơm nước mỗi buổi chiều. Apartment có hai phòng ngủ, nhưng chỉ một phòng tắm. Nhiều hôm từ phòng tắm ra, trên người cô chỉ quấn ngang chiếc khăn lông lớn, da cô trắng nõn, tay chân đầy đặn, mùa hè trông cô tôi cũng thấy mát mắt, huống chi là...bố.
Có những buổi tối, cô bận chiếc áo ngủ màu hồng nhạt mỏng manh phủ dài đến gót chân, khi cô đứng nghiêng người trước tủ lạnh kiếm đồ ăn vặt, tôi trông cô thật hấp dẫn, gò ngực vun cao lồ lộ, mềm mại, rất đàn bà. Cô được cái tính hay cười, chưa nói cô đã cười, sống cạnh cô không ai có thể bực mình hoặc giận cô được.
Nhiều đêm khó ngủ, nằm nghĩ tới bố cùng cô Lan trên chiếc giường bên cạnh, vọng sang tiếng nói cười khúc khích... Hình ảnh lung linh mờ nhạt của mẹ, khuôn mặt xương xương ít cười, nói nhiều bằng mắt. Cùng cái bóng nhấp nhô in trên vách mùng, tiếng kêu kẽo kẹt của cái giường lẫn hơi thở mạnh đứt quãng trong đêm năm xưa lại trở về.
Niềm vui cô Lan mang đến cho bố cũng thật ngắn ngủi, chưa đầy năm. Một buổi chiều tôi đi học về, ngang qua phòng bố, thấy cánh cửa hé mở, bố ngồi trên chiếc giường hút thuốc liên hồi, dưới chân là mấy chai bia đã cạn nằm lăn lóc. Tôi linh cảm có điều gì không hay xảy ra. Sao hôm nay bố ở nhà ? Cô Lan đâu? Tôi về phòng mà cứ thắc mắc, suy nghĩ. Hay bố và cô Lan giận nhau? Cô Lan đã bỏ đi? Tôi chợt nhớ cả tuần nay bố ít ăn cơm nhà, và cô Lan ít nói cười hơn mọi ngày. Tôi nhẹ nhàng qua phòng bố, ngồi xuống và nhẹ nhàng để tay mình qua vai bố: "bố sao vậy? what's wrong, bố? Cô Lan đâu?" Bố im lặng một lát, rồi nói nhỏ: "cô Lan đã dọn đi". Why? tôi hỏi. "Chồng cũ của cô Lan đã vượt biên đến được bên đảo. Cô Lan phải ..." Đó là lần đầu tiên hai bố con ngồi nói chuyện yêu đương phức tạp của người lớn. Tôi ôm cổ bố mà lòng ước ao mong cho bố hết buồn, và hy vọng cái tin chồng cũ cô Lan vừa đến được đảo là cái tin "vịt".
Rồi thời gian trôi. Tôi xong trung học, lên thẳng đại học ở thành phố Sacramento, thủ phủ của tiểu bang California cách Oakland khoảng hai giờ đồng hồ lái xe. Ngày tôi được trường nhận, nghe tin bố mừng lắm. Bố xin nghỉ một ngày làm, dẫn hai chị em đi San Francisco chơi, ba bố con dung dăng dung dẻ quanh China Town, chụp hình, ăn đồ biển ở Pier 39. Lần đầu tiên ý niệm của chữ "báo hiếu" đến với tôi. Tôi bước được một bước ngắn trên bậc thang chữ hiếu.
Những ngày đầu xa nhà, đêm ngủ tôi nhớ bố và thằng Phước quá thể. Cứ mong đúng chín giờ tối bố gọi phone vào. Bố dặn đủ điều, từ ăn uống, nghỉ ngơi, đừng ham chơi chểnh mảng việc học hành, và cần gì cứ gọi cho bố. Bao nhiêu nằm bố đóng vai người bố lẫn người mẹ, dạy dỗ, lo lắng cho hai chị em. Từ chuyện ngoài đường đến chuyện trong nhà. Tôi nhớ lần đầu tiên có kinh, mặc dầu trong trường đã dạy qua "chuyện" này rồi, nhưng khi có tôi cũng lúng túng sợ làm sao...và không qua nỗi được cặp mắt tinh ý của bố. Tối hôm đó bố vào phòng tôi, trên tay cầm hộp napskin, loại dành cho teenager nữa chứ! .
Đi chợ, bố chọn loại yaourt tôi thích, xà phòng gội đầu hiệu gì tôi ưa dùng, ngay cả size cũng như loại quần lót 100% cotton tôi hay mặc...Ở bố, cuộc đời có khi mang đến cho bố là mật đắng, đồng thời cũng có khi là mật ngọt. Tuy nhiên bao giờ bố cũng yêu thương, tận tụy với cuộc đời.
Hai năm sau, thằng Phước cũng vào đại học, nó chọn trường còn xa tôi gấp bội, mãi tận Boston. Lớn lên con đủ lông đủ cánh lìa xa bố.
Lên năm thứ ba, tôi chọn ngành psychology, ít về thăm bố hơn trước vì vừa bận học, bận "yêu", và bận làm part-time ở tiệm bán records cũ cuối tuần kiếm thêm tiền tiêu vặt.
Một thứ bảy cuối tuần, bố lái xe lên nơi tôi ở, đi cùng với bố là bà Tâm, nhỏ hơn bố độ vài tuổi. Bố cho biết hai người sẽ sống chính thức với nhau như vợ chồng. Bà Tâm là người đàn bà bình thường trên mọi phương diện. Ở bà không có gì đặc biệt, từ nhan sắc đến cá tính, nhưng được cái bà rất chìu chuộng bố, ngọt ngào nhẹ nhàng với bố. Cạnh bà, bố tìm được sự thoải mái trong tâm hồn ở lứa tuổi không còn...thanh xuân nữa. Mỗi lần gặp bố, tôi hay nói đùa: "ngày xưa con nhổ tóc bạc, bây giờ con nhổ tóc ...đen cho bố nhé!". Hoặc vừa đưa tay thoa thoa cái bụng bắt đầu phát tướng của bố, vừa dở giọng...người lớn: "Mỗi ngày bố phải ráng chạy bộ một tiếng, bớt hút thuốc, uống bia, và..." Bố nghe rồi cười cười. Tôi thấy trong mắt bố bóng dáng hạnh phúc long lanh.
Thằng Phước và tôi, hai chị em nay kẻ ở miền Tây, người ở miền đông, lâu lâu có chuyện gì cần mới gọi phone thăm hỏi. Ba bố con, mỗi người hầu như đã có đời sống riêng tư, ai cũng có công chuyện để lo. Hai chị em tôi, tương lai dệt gấm trước mắt, còn bố, bao nhiêu năm sống tận tụy với cuộc đời, tưởng chừng đã yên...nào ngờ...
Một tối mùa đông, đêm khuya tôi đang ngủ, chuông điện thoại reng, tôi giựt mình tỉnh giấc. Bên kia giọng của bà Tâm báo tin bố tôi bị té xỉu phải đưa vào bệnh viện. Tôi thay vội quần áo, đem theo ít đồ vặt vãnh, lái xe xuống Oak vào thẳng nhà thương. Lúc nhìn thấy bố nằm yên trên giường bệnh, chung quanh trang bị đầy máy móc. Lần đầu tiên hình ảnh bất lực, tuyệt vọng hiện rõ trên khuôn mặt bố. Tôi gạt nước mắt ngồi xuống cạnh giường, vuốt nhẹ những sợi tóc loà trên trán bố mà linh cảm những điều không may lại tìm đến với ba bố con tôi.
Suốt đêm hôm đó tôi thức trắng ngồi ở phòng đợi. Bác sĩ chụp hình thấy trong óc bố có tumor, phải mổ để lấy ra. Nhưng sau khi mổ xong, bác sĩ bảo bố bị ung thư màng óc, last stage, rất nặng, sống không qua khỏi một năm. Lúc ngồi đối diện nghe ông bác sĩ trình bày... Tôi không ngờ mình bình tĩnh đến thế. Tôi còn nhớ rõ khuôn mặt ông bác sĩ như in, nếu là họa sĩ vẽ chân dung, tôi sẽ vẽ mặt ông không sai một nét. Tôi ngó quanh căn phòng ông ta làm việc, bảng tên Allan R, Bernstein mạ vàng đặt ngay ngắn trên bàn. Tôi đoán ông gốc Do Thái, bởi người Do Thái thường có last name đi với - ein, ba mẫu tự cuối. Trên tường, ông treo nhiều tấm hình chụp vợ và hai đứa con của ông. Cũng con gái đầu lòng và con trai kế như gia đình tôi, nhưng chỉ khác là gia đình ông vẫn còn đầy đủ. Một gia đình giàu có, may mắn và hạnh phúc.
Rời phòng ông bác sĩ, tôi ra hành lang ngó xuống dãy parking bên dưới đường. Tôi thấy buổi chiều dài mênh mông bất tận. Tôi đứng yên lặng một hồi lâu, rồi bỗng dưng bật khóc nức nở. Tôi khóc to không có gì ngăn cản được. Những cặp mắt đi qua đi lại nhìn tôi thương hại. Một bà y tá đến dìu tôi vào phòng trong, lấy napskin lau nước mắt cho tôi, rồi vỗ về an ủi: "everything will be okay, dear". Tôi bỗng nhớ thứ năm tuần tới sẽ là sinh nhật thứ hai mươi mốt của mình.
Tôi nghỉ luôn khoá học đó, dọn về ở hẳn với bố để chăm sóc lo lắng cho bố. Bà Tâm bình thường là một người rất dễ mến nếu được che chở, và đâu đó luôn có cái vai sẵn cho bà dựa. Giờ đây bố bệnh, trông bà như cành hoa rũ, buồn và than thở tối ngày. Tôi không trách bà mà chỉ tội nghiệp cho bà.
Bố giờ đây dưới mắt tôi như một đứa bé, và tôi là mẹ phải có bổn phận chăm sóc cho con. Tôi báo tin thằng Phước biết, nó bay qua ở gần bố một tuần, rồi tôi bảo nó về đi học tiếp, tôi lo được. Hai chị em không nói với nhau nhiều, thỉnh thoảng nó ôm vai tôi, thoa nhè nhẹ như dỗ dành an ủi. Trước ngày đi, nó vào phòng chào bố, lúc bước ra tôi thấy nó ngồi ôm mặt khóc. Trong đời tôi, hai lần chứng kiến người đàn ông khóc. Lần đầu là bố của hơn mười năm về trước, sáng rạng ba mươi tết ngồi khóc vợ. Và giờ đây thẳng em trai của tôi, cao to như một tay chơi thể thao nhà nghề, chiều cao
sức nặng không thua gì mấy tay defende trong đội football, cũng đang ngồi khóc vì thấy mình helpless.
Mỗi tuần, tôi chở bố vào nhà thương hai lần khám nghiệm và mỗi chiều đưa bố ra công viên cạnh nhà ngồi...hóng gió. Sáng trưa chiều tối tôi luôn túc trực cạnh bố. Những sinh hoạt của tôi hầu như quên hẳn. Càng ngày, thời gian tỉnh táo của bố càng rút ngắn thay cho thời gian hôn mê kéo dài ra. Thỉnh thoảng lúc tỉnh, bố yếu ớt cầm tay tôi bóp nhè nhẹ, những lúc như thế, tôi biết bố thương tôi lắm, phần thấy mình bất lực trước định mệnh, phần thương đứa con gái từ thuở nhỏ đã long đong bất hạnh về đường...mẹ cha.
Sau đó, tôi đứng ra xốc vác mọi chuyện từ trong ra ngoài. Tiền bạc trong saving của bố cũng cạn dần theo những cái bill gửi về hàng tháng. Tôi phải kiếm việc làm part-time ở một ngân hàng gần nhà, mỗi ngày làm sáu tiếng. Bà Tâm càng ngày khuôn mặt càng héo rũ một cách thảm hại. Thỉnh thoảng tôi tránh ở cạnh bà, bởi thấy bà tôi càng khó chịu.
Những tháng ngày cuối cùng của bố, bố hôn mê hẳn, không biết gì nữa cả. Thức ăn chuyền vào bằng mũi. Nhiều hôm nhìn bố, tôi nghĩ đó chỉ là cái xác, linh hồn đã lìa xa. Bác sĩ giữ bố luôn trong nhà thương. Ngoài giờ làm việc, tôi ở cạnh bố, những sinh hoạt trong phạm vi nhà thương tôi dần dà quen thuộc. Những y tá, nhân công lui tới săn sóc cho bố, tôi nắm giữ thời khoá biểu rõ không thua chi họ. Căn phòng bố nằm, bốn bức tường được dán wallpaper, những đường lằn màu lục, cam và vàng nhạt chạy xuôi theo bức tường, tôi nhìn quá quen mắt đến độ người thợ nào dán không khéo tay nằm chồng lên nhau tôi đều biết. Tượng Chúa chúc đầu trên thập tự giá treo đối diện mặt bố, mỗi lần nhìn tôi không khỏi thắc mắc là Chúa mà còn bị người ta đóng đinh đau đớn thế kia.
Cũng từ khung cửa sổ trong phòng này, mỗi buổi chiều tôi đứng tựa cửa đợi đêm xuống. Mặt đường xe cộ chạy ngược chạy xuôi, cây dâu Tây mỗi ngày rụng lá thưa dần, parking lot phía dưới người tới người đi. Ngày tàn của trời đất bên ngoài lẫn ngày tàn của bố bên trong phòng bệnh. Tôi đứng yên tính chuyện ra đi của bố phải được thực hiện như thế nào. Tìm hiểu đám ma gồm những nghi lễ gì, làm sao cho đúng nghi thức đưa tiễn một người về bên kia thế giới. Như người con gái chuẩn bị sửa soạn đám cưới mình cho thật linh đình. Từ chiếc áo, cái nhẫn, màu sắc cũng như loại hoa nào cầm trên tay, khi bước chân vào cửa nhà thờ cùng với người bạn đời. Quay phim, chụp ảnh, tiệc nhà hàng...còn tôi đang lo cái chết thật chu đáo cho bố. Tôi mua magazines, vào thư viện mượn sách tìm hiểu, rồi coi quảng cáo đặt hoa đâu thì rẻ. Nên đốt hay chôn? Giá cả chênh lệch bao nhiêu? Nhà quàn nào tiện đường nhất? Danh sách những người bạn của bố cần được thông báo. Tôi tự một mình toan tính tất cả. Tôi thản nhiên thi hành công việc như một công nhân làm việc nghiêm túc có lương tâm và tinh thần trách nhiệm cao.
Một hôm đi làm về bụng đau, thân xác mỏi nhừ vì có kinh, uống hai viên midol, tôi vào thẳng phòng nằm nghỉ rồi ngủ thiếp đi... Đêm khuya chuông điện thoại reo vang ( sau này tôi vẫn bị ám ảnh bởi tiếng điện thoại reng trong đêm khuya) giọng bên kia đầu giây báo tin bố đã mất. Hai người sinh thành ra tôi, lúc chết không có tôi bên cạnh để vuốt mắt.
Đám tang của bố cử hành một cách chu đáo, đâu vào đấy. Những người bạn cũ, mới của bố hầu như đều có mặt để chào bố lần cuối. Những lẳng hoa, lời chia buồn, vỗ vai hoặc vòng tay ôm thương hại. Hôm đó tôi bận váy đen, cổ viền lace trắng, dài phủ gối rất đẹp. Tôi biết chung quanh có người nhìn tôi với cặp mắt ngạc nhiên lẫn thán phục bởi không có phần "Tang gia bối rối xin được niệm tình tha thứ".
Lần đầu tiên trong đời, tôi tự biết mình có khả năng tổ chức.
Lúc làm lễ hạ huyệt, tôi đứng lặng yên. Những hình ảnh nối đuôi đến với tôi như cuốn phim quay chậm. Từ chậu Ngọc lan thơm ngát bên hiên nhà cũ ở Qui Nhơn, khuôn mặt xương xương thuôn nhỏ của mẹ, những ngày cuối cùng chạy loạn ở Việt Nam, những năm tháng đầu ở Mỹ, ngày đầu tiên đi học, đi làm ở McDonald's ...những ngày vui cạnh bố. Những người đàn bà bố đã quen. Ngày thằng Phước đánh lộn với thằng Mễ trong trường, tôi phải tìm cách dấu vì sợ bố buồn và thằng Phước bị đòn. Rồi những ngày bố bệnh nằm trong nhà thương đợi chết, cùng khung cửa sổ quen thuộc... Bố ra đi, để lại hai chị em tôi còn ở tuổi chưa đứa nào chính thức bước chân xuống cuộc đời, còn chân trong chân ngoài.
Nhìn ụ đất trước mặt, tôi khẽ nói: "Thế là xong, bố nhé!"
Chìm dưới đất kia
Bàn chân nhỏ bé
Năm xưa, năm xưa
Cũng vui hội hè
Chìm dưới đất kia
Bàn chân nhỏ bé
Năm nay, năm nay
Đã quên đường về
Một thời gian ngắn sau ngày bố mất, bà Tâm dọn về ở với người con gái lớn của bà. Thằng Phước trở qua Boston học tiếp. Căn nhà trả lại cho chủ. Tôi còn phải lo lấy cuộc đời tôi. Bố dặn trong hoàn cảnh nào cũng phải thương em, gắng học cho xong và rán yêu cuộc đời dẫu vui tươi hoặc ngậm ngùi.
Tôi trở lại trường, mượn tiền và làm part-time tiếp tục chuyện học. Hai năm sau tôi ra trường. Ngày ra trường tôi không khăn mũ xênh xang như những bạn cùng lớp. Với số tiền sắm sửa những thứ đó, tôi mua vé máy bay qua chơi với thằng Phước một chuyến. Trước tự thưởng cho mình, kế đến muốn biết lối sống hư thực thằng em ra sao? Ngày còn bé, mẹ mất, tôi tủi thân khi nhìn những đứa bạn chung quanh có mẹ để được vỗ về nũng nịu. Ngày nay, tôi đã lớn, ngày tốt nghiệp ra trường tiếc là không còn bố mẹ để vui như là một báo hiếu.
Bảy năm sau tôi lập gia đình với một người bản xứ. Anh tên Bill, dạy môn văn chương ở trường đại học trong vùng. Anh hơn tôi đúng một con giáp, đã một lần ly dị và chưa có con. Tôi quen Bill trong dịp đi phụ người bạn gái Nhật, tên Tina, tham dự một Flower Show. Tina nhờ tôi trông hộ một lát để đi mua chai nước ngọt. Tina vừa đi thì Bill đến mua bình hoa, anh hỏi cách thức cắm hoa. Tôi thành thật trả lời không biết, phải đợi chủ "nó" trở lại mới được. Trong khi chờ Tina, tôi và Bill trao đổi những mẫu chuyện chẳng lên quan gì đến hoa, Bill nói tôi có đôi mắt đẹp, và nụ cười dễ làm người đối diện thiện cảm. (Sau này đã thành vợ chồng, Bill nói đó là lần đầu tiên anh khen người con gái lạ mới gặp). Giữa trời tháng tám nắng chang chàng Bill mặc T shirt, quần kaki ngắn ngang đầu gối, chân mang đôi dép đã để lộ những ngón chân xương xương, trắng, dài chụm lại với nhau...những ngón chân mới nhìn thoáng qua, tôi đã thấy Bill có bàn chân giống hệt bố mình.
Bill đi nhiều, đọc nhiều, anh hiểu và quý văn hoá Á Đông. Tôi yêu anh một phần vì anh có cái nhìn bén nhạy đối với những vấn đề chung quanh với con tim rung động chân thật và kiến thức sâu rộng như một hành trang cần thiết. Đồng thời gặp anh đúng lúc tôi đang nghĩ nên settle down để có con là vừa.
Trước khi gật đầu chịu về làm vợ Bill, trong những năm dài làm con gái, tôi cũng có những tình nhân đến và đi. Từ Steve, người Tàu Đài Loan qua Mỹ du học, tôi quen trong lớp English, thân hơn một tí, tôi không chịu được "Born-again Christian" nơi Steve, và rồi hai đứa chia tay. Mậu, bác sĩ chuyên về mắt, hiểu rộng biết nhiều nhưng lại yêu tiền hơn yêu nghề, cứ than phiền là đã chọn lầm nghề, phải chi hồi đó làm business, có tiền mua nhà, mua bất động sản thì giờ đã giàu to. Gần anh, nhiều khi tôi nghĩ, nếu anh phải bị đưa tiền và tình bỏ lên bàn cân, tôi nghĩ một là ngang nhau hoặc không thì độ nặng sễ lệch bên tiền. Peter, kỹ sư điện tử, cao to đẹp trai, cặp mắt xanh sáng ngời, ngoài tôi ra, cái computer là bạn chí thân của anh, nhiều giờ ngồi cạnh anh, tôi vẫn không hiểu anh nghĩ gì, muốn gì. Thằng Phước gặp Peter một lần vào đêm giáng sinh, nó bảo "nerd quá, em không hiểu sao chị chịu được."
Người mà thỉnh thoảng nằm cạnh chồng, tôi còn chút lưu luyến là Tuyên. Dáng anh cao, gầy, trông có vẻ...trí thức. Lúc nói chuyện, anh nói bằng miệng, mắt và đồng thời tay anh nắm chặc rồi xoè ra, một, hai, ba...rất rõ ràng y như nói có sách mách có chứng. Tuyên rời Việt Nam năm anh hai mươi ba tuổi. Sau năm năm kinh nghiệm sống với Cộng Sản. Để rồi anh luôn nói "Cộng sản là kẻ thù không đội trời chung, đã đưa tất cả nước Việt Nam xuống tận vực thẳm." Ở anh, như có nam châm cuốn hút lấy tôi. Tuyên có lý tưởng, hăng say nồng nhiệt với trái tim tuổi trẻ chân thật. Tôi kính trọng con đường anh lựa chọn. Tuy nhiên Tuyên yêu tôi và đồng thời cũng quá yêu lý tưởng của anh. Anh luôn nghĩ phải có bổn phận và trách nhiệm với quê hương đồng bào. Rất nhiều lần, tôi "ganh" với lý tưởng của anh, bởi trong tim anh, tôi chỉ là ...nhân vật phụ. Giấc mơ đội đá vá trời quá mãnh liệt. "Em thà như hơi rượu cay... "Có những hôm Tuyên đi mấy ngày liền, tôi mù mịch chẳng biết anh đi đâu, tham dự biểu tình hay lo báo chí, hội họp...Tôi giận dỗi, anh năn nỉ, tôi làm nư, anh để mặc... Có khi hai đứa nằm cạnh nhau, anh vuốt dọc lưng tôi vỗ về: "Mất một cái áo phải làm mấy tiếng để mua lại. Mất một cái xe phải làm ba năm để trả nợ. Mất một căn nhà phải làm đến ba mươi năm huống chi mất cả một đất nước..." Giáng sinh, bạn bè tổ chức nhảy đầm, tôi rủ anh đi, chẳng những anh không đi, còn bảo: "Trong tiếng nhạc disco (nhạc thịnh hành thời đó) anh nghe có tiếng rên siết của sáu mươi triệu đồng bào đang đói khổ bên quê nhà."
Nhiều khi tôi nghĩ anh là một người đại...lãng mạng, bởi anh luôn đi tìm kiếm cái đẹp, hay, tuyệt đối trong cuộc đời...mà cuộc đời...thì (tôi nghĩ) tương đối được cũng đã quá khó.
Nhưng một điều sau khi đã xa Tuyên, mãnh đất có hình cong chữ S bên kia bờ đại dương đậm nét trong tôi hơn. Nơi đó tôi đã ra đời và đã trãi qua những năm thơ ấu mà giờ đây trong tôi còn mù mờ con đường nhỏ từ nhà đến trường. Căn nhà mái ngói đỏ có hàng dâm bụt phía trước và cây Ngọc lan đến mùa hoa nở thơm ngát ở một khoảng sân, cùng dăm ba khuôn mặt con bạn cắt tóc ngắn thuở nhỏ hay bày trò chơi u làng, nhảy dây, u mọi...
Mùa hè năm rồi thằng Phước về lại Việt Nam cùng Mai Thi. (Mai Thi là fiancé của nó). Trước khi đi, thằng Phước gọi phone hỏi tôi muốn quà gì ở Việt Nam không, nó mua cho. Nó nói sẽ đi ra Huế thăm bà ngoại, sẵn dịp dừng lại Qui Nhơn vài ngày. Tôi nói: "Phước à, nếu mày ghé ngang Qui Nhơn, nhớ chụp cho tao cái hình căn nhà cũ ngày trước, và nếu có thể được, chụp luôn cho tao ngôi trường tiểu học mà tao với mày đã học qua..." Nó hứa là sẽ cố gắng.
Hơn một tháng sau thằng Phước trở về, thay vì chụp hình như lời tôi dặn, nó gửi cho tôi một cuốn phim video quay luôn cả hai nơi. Căn nhà tôi đã ở, bậy giờ trông khác xa, hàng dâm bụt phía trước không còn nữa, thay vào đó là những cành cây khô giăng móc để phơi quần áo. Nó nói chỉ được đứng ngoài quay thôi, "chủ mới" không cho vào. Kế đến là ngôi trường tiểu học tôi đã học, giờ đây trông tiêu điều, thảm hại, nghèo nàn làm sao! Sân xi măng phía trước tụi tôi hay ngồi vẽ chơi ô làng, hoặc nhảy dây, lò cò...nay đã bị soi mòn, cát đá lởm chởm, hàng dương liễu bên hông trường giờ đây cây gẫy cây còn. Đám con nít ốm yếu, áo quần tả tơi chạy vòng quanh sân trường, nét ngây thơ hồn nhiên như mờ nhạt trên từng khuôn mặt. Nét suy tư, lo âu, mỏi mệt có phần đậm nét hơn. Thằng Phước đi lần ra phía sau sân trường, tôi nghe tiếng thất thanh của nó kèm theo cái chao nghiêng của máy quay. Hình ảnh một bãi cát vàng lốm đốm những chấm đen. Sân sau giờ đây biến thành cái...cầu tiêu công cộng của đám học trò và dân cư quanh vùng ban đêm lén vào đi.
Ông cai ngày trước vẫn còn, ông già quá tôi nhận không ra nếu không nghe lại giọng "nẫu" thân tình. Ông than cùng thằng Phước là dãy cầu tiêu bốn cái sau trường của lũ học sinh bỗng nhiên bị sụp cách đây một năm. Trường đang đợi tiền nhà nước để sửa lại, nhưng đợi lâu quá, biết đến bao giờ, nên các em đành đi đỡ ở sân sau vậy. Có hôm không mệt thì đi lòng vòng xúc đem chôn, nhưng mấy hôm nay ông mệt nên chưa xúc được.
Cuốn phim thằng Phước mang về làm tôi thức trắng mấy đêm liền. Cuối cùng tôi liên lạc người chú họ. Trước kia chú dạy ở trường sư phạm Qui Nhơn và hiện giờ vẫn còn ở thành phố cũ. Tôi gửi chú một số tiền nhờ chú đứng ra liên lạc với nhà trường để từ bổ lại mấy cái cầu tiêu sau trường, đồng thời xây lại sân xi măng trước cho các em chơi. Số tiền tôi và Bill dự trù đi vacation ở Âu Châu vào dịp Giáng Sinh, nhưng bây giờ thay vì đi Âu Châu như dự định, chúng tôi đi cắm trại ở Yosemity Park cách Oakland 200 miles. Khi tôi "thuyết phục" chồng, điều tôi rất mong muốn là sửa sang lại ngôi trường tiểu học cũ. Tôi nói: "con trai như các anh, đứng... đâu cũng được và cách xa mặt đất, còn con gái như tụi em, vừa nắng vừa nóng mà lỡ bị...thì nó rát, xót và đau đến thế nào".
Chiều hôm nay 29 tết. Tôi nhận được cuốn phim của chú tôi gửi từ Việt Nam sang. Bill đi dạy chưa về, tôi mở cuốn phim coi một mình.
"Ngôi trường phía trước đã có cái nền xi măng mới. Phía sau một dãy bốn cái cầu tiêu vừa được sửa sang xong". Lòng tôi rộn ràng như nở hoa. Tôi gọi phone kể cho thằng Phước mà tự nghe giọng mình ríu rít như tiếng chim kêu.
Tuần tới, cộng đồng Việt Nam ở San Jose sẽ tổ chức hội chợ tết hằng năm, khá qui mô, hàng chục ngàn người tham dự. Tôi định bụng sẽ mặc áo dài gấm đỏ, đeo kiềng vàng đi hội chợ tết đầu năm cùng Bill.
Mùa xuân năm nay, mùa xuân đẹp và ý nghĩa nhất đời tôi, ở lứa tuổi sắp bước vào ba mươi.
Tôi trông thấy mình nhẹ như mây khói, cuộn bay cùng gió lên thấu trời xanh. Lúc đưa tay gõ cửa thiên đường, lòng tôi run lên vì hồi hộp, sung sướng vì sắp được gặp lại hình ảnh mẹ và bố đang âu yếm ngồi cạnh nhau. Thấy tôi, cả hai nở nụ cười. Ôi! Nụ cười ngọt ngào như tia nắng ấm của ngày đẩu xuân.
Lê Thị Thấm Vân
--------------------------------
Nguồn: Văn
Giai phẩm xuân Quý Dậu
Số 126-127, tháng 12-1992 và tháng 1-1993
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment