Friday, August 19, 2016

DÙNG HẰNG NGÀY



                                                                             ALICE WALKER



Alice Walker nhà văn nữ người Mỹ da đen, sinh năm 1944 tại Georgia, xuất thân trong gia đình nông dân, học ở Spelman College ở Atlanta (Georgia) rồi Sarash Lawrence ở New York. Dạy học tại Jackson State University ở Mississipi. Hoạt động tích cực trong những phong trào nhân quyền ngay từ hồi còn là sinh viên. Tập thơ đầu tay " One" (1968) ghi lại kinh nghiệm đấu tranh và những chuyến đi Phi Châu.
Địa vị của Alice Walker trở thành vững chắc sau khi công bố công trình soạn thảo tuyển tập tác phẩm của nhà văn nữ da đen Zora Neale Hurston xuất bản nhan đề "I Love Myself When I Was Laughing" (1979) và giữ chân chủ biên tạp chí Ms.

Tuy vậy phần thành tựu rực rỡ nhất trong văn nghiệp của Alice Walker vẫn là tiểu thuyết. Từ Third Life of Grange Copeland (1970), In Love and Trouble (1973), Meridan (1976) đến cuốn nổi tiếng nhất The Color Purple được trao giải National Book Award và được đưa lên màn ảnh gây nhiều tranh luận cả trong giới điện ảnh lẫn bên ngoài. Chủ đề chính của Alice Walker vẫn là đời sống của người phụ nữ Mỹ da đen. Thảm họa kỳ thị chủng tộc ở Mỹ và trên toàn thế giới đối với người da đen cùng những phong trào nổi lên đòi nhân quyền cho người da đen kéo dài bao lâu đã giúp người phụ nữ da đen học tập kinh nghiệm lịch sử đấu tranh. 

Mặc dầu rất nhiều những thảm họa đã xảy ra cho người da đen nhưng người phụ nữ đen  luôn luôn đã tỏ ra có khả năng vượt qua, phục hồi và thay đổi thích nghi với mọi bất hạnh, đồng thời phụ nữ đen cũng là cây cột trụ vững vàng của mọi phong trào nhân quyền.

Cuốn The Color Purple thi triển một kỹ thuật tiểu thuyết ngoạn mục (Alice Walker chịu ảnh hưởng của hai nhà văn nữ da đen Zora Neale Hurston và Jean Tooner ) dưới hình thức những lá thư liên tục vận chuyển bằng một kế hoạch ngữ học nói lên cảm thức của người phụ nữ da đen về những vấn đề tôn giáo, tình dục, đơn nhất bản ngã..v...v...Năm 1983 Alice Walker cho xuất bản tập khảo luận In Search of Our Mother's Garden nhằm trình bày những thành tựu to lớn của những người phụ nữ da đen điển hình như nhà văn nữ thần bí Rebecca Cox Jackson và Coretta Scott King (goá phụ của lãnh tụ nhân quyền Martin Luther King Jr.) và Alice Walker cũng đưa ra chân dung và những vấn đề của chính mình : làm sao có thể thỏa hiệp được sự xung đột giữa một bên là bổn phận của nhà văn nữ đối với văn học còn bên kia là những trách nhiệm của một người mẹ.

Để giải quyết những khó khăn căn bản đó Alice Walker luôn luôn học tập từ kinh nghiệm  của mẹ nàng "Chúng ta không được phép nản lòng " . Alice Walker luôn luôn tỏ ra hãnh diện về bản chất lao động nông dân của nàng, tin tưởng rằng: "Mặc cho nỗi đớn đau và những sự buồn khổ, cái ân sủng trong vòng tay chúng ta ôm lấy đời sống luôn luôn là thước đo  của những gì đã qua đi trước đây". 
Truyện ngắn Dùng Hằng Ngày dưới đây mô tả ý tưởng chính yếu đó.



                                                                        O
                                                                    O      O  




Tôi sẽ đợi nó trong cái sân tôi và con Maggie chiều hôm qua đã quét thật sạch sẽ. Một cái sân như thế này là nơi ta thoải mái hơn là người ta vẫn nghĩ. Nó không hẳn là một cái sân. Nó giống như một cái phòng khách nới rộng. Khi ta quét thật sạch cái nền đất sét nện cứng này như một cái sàn nhà rồi,  và cát mịn màng bốn bề chung quanh sân được vun phủ những cái rãnh nhỏ li li không đều đặn rồi,  thì bất kỳ ai cũng có thể tới ngồi xuống và ngó lên những cây gồi chờ đợi những đợt gió hiu hiu chẳng bao giờ thổi vào trong nhà.

Con Maggie sẽ thành ra nóng nảy cho tới khi chị nó đi khỏi. Nó sẽ đứng trân trân ở góc nhà, thiếu tự nhiên và ngượng ngùng vì những vết sẹo bỏng xuôi dọc hai cánh tay và chân nó. Nó sẽ ngó chị nó  vừa thèm thuồng vừa ngưỡng phục. Nó nghĩ rằng chị nó lúc nào  cũng nắm chắc đời sống trong lòng một bàn tay và người đời chẳng bao giờ từ chối chị nó bất cứ một cái gì cả.

Chắc hẳn là quý vị đã từng xem những tuồng tivi diễn cảnh một người con đã "thành tựu" bỗng đụng độ một cách thật  bất ngờ với  chính cha mẹ nó, người con này từ hậu trường lảo đảo bước ra. (Câu này ám chỉ chương trình truyền hình được rất nhiều người xem " This is Your Life " trong đó những nhân vật nổi tiếng được mời tới phòng thu hình và bị ngạc nhiên sửng sốt vì ở đấy đã đông đủ bạn bè, thân thuộc, những người cộng tác của họ đứng đón tiếp). Một sự ngạc nhiên thích thú, dĩ nhiên là như vậy rồi. Nhưng họ sẽ phải làm gì nếu như cha mẹ và người con lại vào tuồng chỉ để nguyền rủa sỉ vã nhau nhỉ. Cứ như trên tivi thì người mẹ và người con ôm nhau và mĩm cười vào mặt nhau. Đôi khi người mẹ và người cha khóc lóc, người con ôm cứng cha mẹ trong vòng tay và ngã người ngang mặt bàn nói lên rằng nếu như chẳng có sự giúp đỡ của cha mẹ thì cô (hắn) ta đã chẳng làm nên trò trống
gì cả.

Tôi đã từng xem những chương trình đó.

Đôi khi tôi mơ giấc mơ trong đó Dee và tôi đột nhiên được cùng đem vào một chương trình truyền hình thuộc loại này. Tôi mơ thấy tôi được dẫn đi từ khi bước ra khỏi cái limousine kín bưng ghế nệm êm ái đi vào một căn phòng sáng choang đầy người. Ở đó tôi gặp một người đàn ông tươi cười, tóc bạc, sang trọng, trông giống Johnny Carson, ông ta bắt tay tôi và nói với tôi rằng sao tôi lại có thể có được một cô gái tuyệt vời đến như vậy. Sau đó chúng tôi được đưa lên sân quay và Dee vừa ôm choàng lấy tôi vừa ngấn lệ trên mi. Nó gắn lên áo tôi một bông hoa  lan lớn mặc dù có lần nó đã nói  với tôi rằng nó cho hoa lan là thứ hoa xấu xí xác sơ.

Trong đời sống thực tôi là một người đàn bà mập mạp, to xương, tay chuối mắn  xù xì như tay đàn ông thợ thuyền. Vào mùa đông khi đi ngủ tôi mặc áo ngủ bằng dạ, còn ban ngày mặc quần yếm. Tôi có thể giết thịt, làm lông sạch sẽ một con heo dễ dàng như đàn ông vậy. Vì tôi mập cho nên thời tiết có ở không độ tôi vẫn không thấy lạnh. Cả ngày tôi làm việc ngoài trời, đập vỡ băng lấy nước tắm giặt. Tôi có thể ăn gan heo thui lửa vài phút sau khi được  móc ra còn bốc khói từ bụng heo. Vào một mùa đông tôi đã bửa vỡ sọ một con bò đực bằng một cái búa tạ khện thẳng vào sọ nó, khoảng giữa hai con mắt, và tôi xẻ thịt treo lên cho nguội trước khi đêm xuống.

Nhưng dĩ nhiên là tất cả những điều nói trên không được chiếu trên tivi. Tôi là một người theo kiểu con gái tôi muốn là : gầy bớt đi nửa tạ, da dẻ tôi trông giống như bánh tráng  làm bằng lúa mạch sống. Tóc tôi lóng lánh trong ánh đèn sáng rực. Johnny Carson phải vất vả lắm mới theo kịp  được mồm miệng tôi. Nhưng đó là một lầm lẫn thôi. Tôi biết vậy ngay cả trước khi tôi tỉnh giấc. Nào có ai đã từng được biết một ông Johnny mồm miệng liếng thoắng ? Ngay cả ai mà tưởng tượng nỗi tôi nhìn thẳng vào mắt một người đàn ông da trắng lạ mặt ? Hình như đối với tôi thì tôi đã nói chuyện với đàn ông da trắng luôn  luôn ở cái thế chân trước chân sau sẵn sàng  tẩu và mắt thì láo liên tìm đường tránh né. Dù sao thì Dee vẫn khoái chí. Nó sẽ luôn luôn nhìn thẳng vào mắt bất kỳ ai. Bản chất nó không có sự ngần ngại.

"Trông con nhỏ ra sao hả mẹ ?" Maggie nói. Con bé ló mình ra vừa đủ cho tôi thấy cái thân hình mãnh mai của nó trong váy màu hồng và cái áo choàng ngoài màu đỏ. Nó lên tiếng muốn cho tôi biết nó đứng đó, thân hình hầu như lấp sau cửa.
"Đi ra ngoài sân đi", tôi nói.
Đã bao giờ quý vị thấy một con vật khập khiễng, chẳng hạn một con chó bị chẹt xe không chết bởi một kẻ vô ý nhưng giàu tiền bạc đủ để mua một cái xe riêng, con chó này lại tránh xa kẻ chẹt nó là một người vô tình đến mức nó chẳng nên đối xử tốt với hắn như vậy chưa ? Đó đúng là một cái kiểu đi đứng của con Maggie của tôi đấy. Xưa nay nó vẫn vậy, khi bước đi đầu cúi chạm ngực, mắt gầm xuống mặt đất, chân bước kiểu chim gi, ngay cả cái hồi lửa cháy thiêu xụp căn nhà trước đây cũng vậy.

Con Dee nhẹ hơn con Maggie, tóc nó mềm hơn và mặt đầy đặn hơn. Giờ đây, Dee đã là một người đàn bà rồi dù rằng đôi lúc tôi quên khuấy là nó đã có chồng. Căn nhà trước đây bị thiêu rụi đã bao lâu rồi nhỉ ? Mươi, mười hai năm ? Đôi khi tôi vẫn còn nghe tiếng lửa cháy và cảm thấy hai cánh tay Maggie níu chặc lấy tôi, tóc nó sực mùi khói, quần áo từng mãnh nhỏ bay rớt lả tả. Hình như mắt nó mở trợn trừng rực lên ánh những ngọn lửa phản chiếu. Và con Dee, tôi nhìn thấy nó đứng tránh xa đám cháy dưới tàng cây mủ ngọt mà nó thường chọc lấy mủ. Trên gương mặt nó mắt chăm chú theo dõi bức vách cuối cùng xám xịt đổ ập vào phía trong cái ống khói lò sưởi bằng gạch đỏ chói. Sao mà mày không nhảy múa quanh đống  tro tàn hở Dee? Tôi đã định muốn hỏi nó như vậy. Dee rất thù ghét căn nhà này. Tôi cũng thường nghĩ rằng nó thù ghét Maggie.

 Nhưng đó là lúc trước khi tôi và nhà thờ  làm cuộc lạc quyên tiền để gửi nó đi học ở Augusta ( một thành phố lớn ở bang Georgia nơi có đại học Paine). Nó thường đọc Thánh kinh bắt chúng tôi ngồi nghe; những lời lẽ ép buộc, những câu dối trá, những thói tục của thiên hạ, tất cả những cuộc đời  đổ  lên đầu chúng tôi  đang ngồi chịu trận và mù tịt dưới giọng đọc của nó. Nó đã tắm rửa chúng tôi trong giồng sông Làm-Tin, nó đã thiêu đốt chúng tôi bằng bao nhiêu là kiến thức mà chúng tôi không cần thiết, phải biết tới. Bằng cái kiểu đọc nghiêm trọng của nó Dee đã buộc chúng tôi ngồi sát về phía nó rồi ngay đó lại xua đuổi chúng tôi đi giống như chúng tôi là những kẻ đần độn,  và hình như chúng tôi cũng gần hiểu như vậy.

Dee ưa có những đồ tốt. Chẳng hạn như khi dự lễ tốt nghiệp trung học, nó muốn có một cái áo lụa mờ để mặc, một đôi giày đen màu hợp với bộ đồ xanh lá cây nó đã tự tay may sửa từ một bộ đồ ai đó đã cho tôi. Nó rất cương quyết trừng mắt ngó xuống bất kỳ một tai họa nào xảy đến. Mi mắt nó sẽ chẳng nháy mỗi lần  như thế trong cả mấy phút đồng  hồ. Tôi thường cố kìm mình để không nắm lấy nó mà lay mạnh. Khi nó mười sáu tuổi thì nó đã có cái kiểu cách riêng của nó rồi và nó rất hiểu kiểu cách là cái gì rồi.

Bản thân tôi chẳng hề được học hành. Mới xong lớp hai thì trường đóng cửa. Xin đừng hỏi tại sao : vào năm 1927 dân da màu đặt ra ít câu hỏi lắm chứ không như bây giờ. Đôi khi Maggie đọc Thánh Kinh cho tôi nghe. Nó đọc lầm bầm ý ớ xuôi theo hàng chữ nhưng nó xem không thấy rõ. Nó biết rằng nó không thông  minh, sáng láng. Cũng như sự xinh đẹp và tiền bạc, sự nhậm lẹ cũng qua mặt nó cái vèo. Nó sẽ lấy anh chàng John Thomas ( kẻ có hàm răng cải mả  và bộ mặt chầm vập) và sau đó tôi sẽ được tự do thả cửa ngồi ở đây và tôi đoán chừng lúc đó tôi sẽ ngồi hát Thánh Ca cho mình mình nghe. Dù rằng chẳng bao giờ tôi là người hát hay. Cũng chẳng bao giờ cầm nhịp được. Làm công việc của đàn ông thì tôi lại khá hơn. Tôi thường thích vắt sữa bò  cho mãi tới năm 1949 mới thôi vì tôi bị bò húc vào mạng sườn. Giống bò hiền lành chậm chạp và không  làm phiền người ta trừ
phi quý vị cố vắt sữa chúng sai cách.

Tôi sẽ quyết chẳng thèm  quan tâm đến căn nhà. Nhà này cũng giống cái trước đây đã bị cháy có ba phòng, chỉ khác là mái lợp tôn, bây giờ người ta chẳng còn lợp nhà bằng ngói gỗ nữa. Nhà không có cửa sổ đúng thực là cửa sổ, nhưng chỉ là mấy lổ khoét hai bên trông giống  như cửa ở dưới tàu thủy, chẳng tròn cũng không ra vuông, cánh chớp mở ở phía ngoài được chống lên  bằng miếng da thú không thuộc. Căn nhà này cũng như căn trước đây dựng giữa một bãi cỏ gia súc. Chắc chắn là khi Dee nhìn thấy căn nhà này là nó muốn giật sập xuống ngay. Có lần nó viết thư cho tôi bảo rằng dù cho chúng tôi có "chọn lựa"  ở đâu chăng nữa thì nó cũng sẽ xoay sở  để đến thăm chúng tôi. Nhưng nó sẽ chẳng bao giờ  đưa bạn bè nó về nhà cả. Maggie và tôi đã nghĩ về điều đó  và Maggie đã hỏi tôi, "Này mẹ, vào hồi nào thì Dee chẳng còn có ai là bạn bè nữa?".

Trước đây nó có vài đứa bạn. Mấy thằng nhãi đồ cướp giựt mặc áo đỏ ra khỏi trường học là la cà khắp chốn. Mấy con nhãi cà giựt chẳng bao giờ mở miệng cười. Chúng có cảm tình với Dee và tôn sùng lời ăn tiếng nói hay ho của nó, dáng người dễ thương của nó, tính khôi hài sôi bỏng bùng ra giống như bong bóng xà bông trong thùng nước giặt đồ. Nó đọc Thánh Kinh cho bạn nó nghe.

Thời gian Dee ve vãn Jimmy T. Nó không còn chú ý gì đến chúng tôi nữa mà dồn hết sức mạnh bới lông tìm vết hắn ta. Hắn đã bay đi cưới một cô gái đô thị rẻ rúng xuất thân từ một gia đình ngu dốt ưa hào nhoáng bề ngoài. Nó khó mà có thì giờ  để lấy lại được tư thế lắm.
Khi nó đến tôi sẽ gặp nhưng kìa chúng nó đây rồi !

Maggie vừa định bày biện cho căn nhà bảnh một chút, theo cái kiểu quýnh quáng của nó thì tôi giữ nó lại. "Lại đây", tôi nói. Và nó thôi không làm gì nữa và cố sức dùng ngón chân ngoáy sâu một lổ trên cát.

Mặt trời chói chang quá nên thật khó nhìn rõ hai đứa. Nhưng chỉ cần nhìn  thoáng  cái cẳng  bước ra khỏi xe là tôi biết đó là Dee. Chân cẳng nó luôn luôn ngó bộ tươm tất như thể chính Chúa đã nặn ra theo một kiểu nào đó. Từ phía bên kia xe hơi bước vô một người đàn ông lùn chắc nịch. Đầu hắn tóc phủ dài và thòng tòn  teng từ cằm  trông giống cái đuôi con la xoắn tít. Tôi nghe thấy tiếng Maggie nuốt hơi "Uhnnh" , cái âm thanh phát ra gần như thế. Giống như khi đang đi trên đường thì nhìn thấy khúc đuôi con rắn đang quằn quại ngay phía trước bàn  chân ta. "Uhnnh" .
Kế đến là Dee áo dài chấm đất trong lúc trời nóng như thiêu như đốt thế này. Cái áo màu sắc quá chói làm nhức mắt tôi. Trên áo nó nhiều màu vàng và cam quá đến nỗi phản chiếu cả ánh mặt trời được. Tôi cảm thấy hơi nóng phả khắp trên  mặt tôi do những đợt hơi nóng từ áo nó hắt ra. Dee cũng đeo cả bông tai bằng vàng dài chấm vai nữa. Vòng xuyến loang xoang lẻng  kẻng  khi nó vươn tay vuốt dãn những vết gấp nhăn trên áo từ nách trở xuống. Cái áo nó mặc rộng rãi và chảy xuôi loà xoà và khi nó bước lại gần tôi thấy thích cái áo này.
Tôi lại nghe thấy tiếng Maggie "uhnnnh" nữa. Lần này là vì tóc của chị nó. Mái tóc dựng đứng trông giống như lông xoắn dày trên lưng trừu. Màu đen thui ở quanh hai bên thái dương kết bím dài như đuôi heo quận vào nhau giống như con thằn lằn lẩn đằng sau tai nó.

"Wa-su-zo-Tean-o!" Dee nói, tiếp tục đi vào như đang trượt theo đà chuyển của bộ óc. Anh cu lùn xủn  chắc nịch tóc dài chấm rốn lúc nào cũng nhe răng cười toe toét cười và lẹ mồm lẹ miệng nói  "Asalamalakim" (lời chào dân Phi Châu), chào mẹ chào em! Anh chàng bước tới ôm chào Maggie  nhưng nó lùi lại đụng ngay vào cái tựa ghế tôi đang ngồi. Tôi thấy nó run rẩy và khi tôi ngước nhìn lên tôi thấy mồ hôi hột  chảy lã chã từ cằm nó.

"Mẹ đừng đứng dậy" Dee nói. Vì tôi thấp lùn nên muốn đứng dậy cầm lấy tay chống đẩy người lên. Trước khi đứng lên được tôi phải  cố gắng chuyển mình mất đến một hai giây. Dee quay mình để lộ gót chân trắng ngần sau quai dép và nó đi ra phía cái xe hơi. Dee đứng ngoài đó nhắm một mắt ghé sát ống nhắm của máy hình Polaroid. Nó cúi xuống thật nhanh và xếp hàng dài hết tấm hình này đến tấm hình khác chụp tôi đang ngồi phía trước nhà có Maggie đứng co núp phía sau.   Nó không bao giờ chịu chụp một tấm hình nào mà nó không chắc ăn là phải có căn nhà trong hình. Khi có một con bò đi tới gặm cỏ quanh hàng rào sân, nó chụp lẹ cảnh này có con bò, tôi, Maggie và căn nhà. Xong rồi nó bỏ cái Polaroid trên ghế sau xe hơi và đi tới hôn trán tôi.

Cùng trong lúc đó cái anh chàng"Asalamakim" đang chơi trò cầm nảy thủ với Maggie. Tay của con Maggie ẻo lã trơn tuột như cá  và có thể là lạnh ngắt dù đang đẫm mồ hôi, và con bé đang cố rụt tay lại. Trông có vẻ như hắn ta muốn bắt tay nó nhưng lại muốn bắt tay theo kiểu tân  kỳ. Hoặc là hắn cũng chẳng biết người ta bắt tay nhau như thế nào nữa. Dù sao chăng nữa hắn ta cũng sẽ sớm chịu thua Maggie.
"Ờ này Dee", tôi nói.
"Ậy không, thưa mẹ". Nó nói, "Không phải là Dee nữa mà là Wangero Leewanika Kemanjo"
"Chuyện gì xảy ra với cái tên Dee ?". Tôi muốn biết.

"Cô ta chết rồi" Wangero nói. " Con không còn thể mang tên ấy nữa, cái tên được đặt theo những kẻ áp bức con".
"Con cũng biết rõ ràng như mẹ là con được đặt tên theo Dì Dicie mà". Tôi nói. Dicie là em gái tôi. Dì đặt tên cho Dee. Sau khi sanh Dee chúng tôi kêu dì ấy là " Dee lớn".
"Nhưng mà tên dì ấy đặt theo ai?" Wangero hỏi.
"Mẹ đoán là tên của Bà" tôi nói.
"Thế tên Bà đặt theo ai?" Wangero hỏi.
"Theo tên Cụ" tôi nói. Tôi thấy Wangero tỏ ra mệt mỏi. "Tao chỉ lần ngược lên tông chi xa được đến thế" .  Thực ra tôi còn có thể lần ra tông chi xa hơn nữa sau cả thời nội chiến.
"Ờ, mẹ tới đấy rồi mà" anh chàng Asalamakim nói.
"Uhnnnh " tôi nghe Maggie nói.
"Tao chưa lần nào được tới đấy. Trước khi cái tên "Dicie" nổi hiện lên trong giòng họ  mình, vậy thì tại sao tao lại cố phải lần ngược tông chi bọt rãnh đời xửa đời xưa như thế nhỉ ?.

Anh chàng cứ đứng đấy nhởn răng ra, ngó xuống tôi giống như một người đang kiểm tra một cái xe hơi Model A (một loại xe hơi rất cổ do Henry Ford vẽ kiểu). Lâu lâu hắn và Wangero lại ra dấu với nhau bằng mắt ở phía trên đầu tôi.
"Tên đó con đọc nghe thế nào?" Tôi hỏi.
"Mẹ không phải gọi con bằng tên ấy nếu mẹ không thích"  Wangero nói.
"Tại sao lại không phải? Nếu như muốn chúng tao gọi mày bằng tên ấy, chúng tao sẽ gọi vậy"
"Mẹ biết là lúc đầu nghe kỳ cục lắm" Wangero nói.
"Tao sẽ quen đi" tôi nói. "Mày nói lại chậm rõ hơn đi"


Lúc sau chúng tôi bỏ qua chuyện cái tên. Anh cu gọi là Asalamakim có một cái tên còn dài gấp đôi và khó đọc gấp ba. Sau khi tôi lập lại sai hai ba lượt thì hắn ta bảo tôi cứ kêu hắn là Hakim-thợ cạo. Tôi đã định hỏi có phải hắn là thợ cạo không nhưng thực sự tôi không nghĩ hắn là thợ cạo cho nên tôi không hỏi nữa.

"Hẳn là anh phải thuộc về nhóm người chuyên môn vỗ bò cho béo ở phía dưới kia" tôi nói. Những người này khi gặp mình cũng nói Asalamakim, nhưng họ không bắt tay mình. Họ luôn luôn bận rộn: cho gia súc ăn, sửa sang hàng rào, dựng lên chỗ cho bò giải lao (salt-lick shelters, vào mùa nóng nực bò được dẫn đến chỗ này để liếm muối để bảo vệ bò chống lại nhiệt độ quá cao ), ném rơm từ trên xe xuống. Khi có vụ những người da trắng đầu độc chết một số gia súc thì những người này cả đêm ghìm súng đứng thức canh. Tôi đã đi bộ cả dặm rưỡi đường để nhìn cảnh này.

Hakim-thợ cạo nói: "Con chấp nhận một vài giáo lý của họ nhưng làm ruộng và nuôi súc vật không phải là nghề con thích" (Cả hai đứa không nói cho tôi biết và tôi cũng chẳng hỏi, là có phải đúng ra là con Wangero (Dee) thực đã theo nó và cưới nó làm chồng không ?).

Chúng tôi vừa cùng nhau ngồi ăn thì hắn ta nói hắn không ăn canh cải xoắn và hắn cho rằng thịt heo dơ. Dầu vậy Wangero ăn ào ào từ lòng heo tới bánh bắp, rau cỏ và mọi thứ khác. Nó cứ lải nhải mãi về những củ khoai lang có lằn xanh. Mọi thứ đều làm nó thích thú. Ngay cả việc chúng tôi vẫn còn dùng những tấm ghế do bố nó trước đây đóng làm ghế ngồi ăn vì chúng tôi không có tiền mua ghế cũng làm nó khoái.

"Ồ, mẹ ơi!" Nó kêu lên rồi nó hướng về Hakim-thợ cạo. "Trước đây em nào có rõ được là những tấm ghế này sao mà dễ thương đến thế. Anh có thể cảm  nhận được  những chỗ ghế mòn trũng xuống khi anh ngồi vào, nó vừa nói vừa luồn tay dưới mông sờ dọc theo tấm ghế. Sau đó nó thở dài và với tay nắm lấy cái  bình đựng bơ của bà ngoại. "Thôi được!" Nó nói " Con muốn hỏi Mẹ xem con có thể lấy một vài món đồ trong nhà không ". Nó nhảy  khỏi bàn ăn và đi về phía góc nhà chỗ để cái chum đánh sữa hiện giờ sữa ở trong đã vón cục. Nó nhìn đi nhìn lại cái chum.
"Con cần cái nắp chum" nó nói " Có phải  ngày trước bác Buddy lấy gỗ thứ cây mình vẫn dùng để đẽo cái nắp này phải không ?"
"Ừ",  tôi nói.
"Hẳn rồi" nó nói một cách sung sướng. "Và con cũng muốn lấy cái que đánh sữa nữa".
"Cũng do bác Buddy gọt phải không?" Hakim-thợ cạo hỏi. Dee  (Wangero) Ngước lên nhìn tôi.
"Ông chồng trước của Dì Dee gọt đấy chứ" Maggie nói, giọng nó nhỏ đến nỗi chẳng thể nghe ra. " Tên ông ta là Henry nhưng người ta thường kêu ông ấy là Stash".
"Óc con Maggie giống như óc voi", Wangero vừa nói vừa cười.
"Tôi có thể dùng cái nấp chum làm cái đĩa đặt giữa cái bàn ở góc  nhà" nó vừa nói vừa lấy một cái đĩa  đậy nhẹ lên miệng cái chum. "Còn cái que đánh sữa tôi sẽ nghĩ cách dùng nó như một vật có tính cách nghệ thuật".

Khi nó gói xong cái que đánh sữa rồi, chuôi que vẫn thòi ra. Tôi cầm cái que đánh sữa trong lòng hai bàn tay một lúc. Chỉ cần cầm trong lòng bàn tay mà không cần nhìn kỹ ta cũng biết được đâu là chỗ đặt tay để đánh cái que lên xuống trong chum để làm bơ vì chỗ đó đã mòn lõm xuống. Sự thực thì có nhiều vết lõm nhỏ, ta có thể nhìn ra chỗ đặt ngón tay cái và những ngón khác lõm xuống gỗ. Cái que này làm bằng thứ gỗ màu vàng lạt rất đẹp lấy từ một cái cây mọc trong sân căn  nhà dì Dee lớn và Stash sống ở đó hồi xưa.


Ăn xong bữa chiều rồi Dee (Wangero) đi về phía cái rương đặt dưới chân giường ngủ của tôi và bắt đầu lục lạo đồ trong giường. Con Maggie lủi vào trong bếp loay hoay với cái cối giã trầu. Wangero từ phía trong đi ra tay cầm hai cái mền. Hai tấm mền này do bà ngoại Dee, Dee lớn và tôi căng trên cái khung mền đặt ở cổng trước đụp chắp. Một cái đụp chắp theo mẫu Vì Sao Cô Đơn. Cái kia theo mẫu Tản Bộ Quanh Núi. Trong cả hai cái mền đều có những mẫu áo cũ do bà ngoại Dee trước đây đã mặc sờn cũ trong cả năm chục năm và hơn nữa. Có cả những mãnh áo của ông nội Jarrell Paisley. Và một mãnh nhỏ xíu màu xanh đã  phai màu cở  cái hộp quẹt được lấy từ bộ quân phục cụ Ezra mặc trong thời Nội Chiến nữa.


"Mẹ ơi! Con có thể xin hai cái mền cũ này không? " Wangero  nói giọng ngọt như  chim ca.
Tôi nghe thấy trong bếp có một vật gì rơi xuống đất, một phút sau đó là tiếng cánh cửa bếp đóng sập mạnh.
"Tại sao mày không lấy một hay hai cái mền khác ?" Tôi hỏi.
"Những món cổ lổ đó vừa đây do tao và dì Dee Lớn chắp từ  mấy cái áo lá bà ngoại mày vá vẩn trước khi ngoại chết mà".
"Không. Con không thích những cái mền khác"  Wangero nói, " những cái mền đó đường viền may bằng máy may".
"Nhờ vậy lại bền hơn" tôi nói.
"Điều đó không quan trọng" Wangero nói "Hai cái mền này tất cả những miếng vải vụn đều cắt từ quần áo Bà Ngoại thường mặc. Bà đã vá bằng tay tất cả những mụn vải vụn vào. Cứ tưởng tượng mà xem! ".
 Nó ôm khư khư hai cái mền trong vòng tay, vuốt ve chúng.

"Có một mụn vải, chẳng hạn những miếng màu xanh lợt là lấy từ quần áo cũ của cụ bà ngoại  đã được thừa hưởng đấy". Tôi vừa nói vừa bước lên sờ những chiếc mền. Dee  (Wangero) lùi lại vừa đủ  để tôi không đụng tay được vào chúng. Những cái mền này đã thuộc về nó rồi.

"Cứ tưởng tượng mà xem!" Nó vừa thở vừa ôm chặc chúng vào ngực.
"Thực ra  Mẹ đã hứa sẽ cho con Maggie những cái mền này khi nào nó và thằng John Thomas lấy nhau" tôi nói.
Nó thở hắt ra như bị ong châm.
"Con Maggie không thể nào biết giá trị những cái mền này được!" Nó nói. "Có thể nó sẽ ngu muội đến độ đem chúng ra dùng hàng ngày nữa là khác".
"Mẹ đoán nó có thể lắm chứ" tôi nói, " Chưa biết rằng Mẹ đã giữ gìn chúng khá lâu không để ai dùng cả. Mẹ hy vọng con Maggie sẽ dùng chúng!".
 Tôi không muốn nhắc lại chuyện tôi đã tặng cho con Dee  (Wangero) một trong hai cái mền này khi nó rời nhà để vào đại học như thế nào. Khi đó Dee đã bảo tôi là những cái mền này cổ rồi, không còn hợp thời trang nữa.
"Nhưng những  cái mền này là vô giá!"
Bây giờ thì nó đang nói vậy một cách giận dữ vì nó đang điên tiết lên.
"Con Maggie rồi sẽ đem trải chúng trên giường và chỉ trong vòng năm năm là chúng thành giẻ rách. Sớm hơn nữa là khác."
 "Nó luôn luôn vẫn có thể làm vài cái nữa" tôi nói. "Con Maggie biết cách đụp mền mà"
Dee (Wangero) nhìn tôi hận thù. "Bà sẽ chẳng thể nào hiểu được cả. Điều quan trọng là những cái mền này, chính những cái mền này cơ!".
"Ờ, mà con sẽ dùng chúng vào việc gì cơ chứ?" Tôi nói, hơi bí.
"Treo chúng lên"
Nó nói như thể rằng việc duy nhất ta dùng mền là treo chúng lên.

Lúc này Maggie đang đứng ở cửa. Tôi hầu như có thể nghe thấy tiếng động phát ra từ chân nó cái nọ xéo lên cái kia.
"Chị ấy có thể lấy hai cái mền được Mẹ ạ" nó nói, giọng nói giống một kẻ thường chẳng bao giờ giành thắng được một cái gì cả đời hoặc là chẳng bao giờ có được một cái gì dành riêng cho mình cả.
"Con vẫn có thể nhớ đến Bà dù chẳng có những cái mền".
Tôi lừ mắt nhìn nó. Môi dưới con bé lúc này phìu  ra vì ngậm cụm thuốc lá và vì ăn thuốc nên mặt nó đỏ đần ra trông như đứa đang đỏ mặt xấu hổ.
Chính bà ngoại Dee và Dee lớn là hai người đã dạy nó tự đụp vá được mền. Nó đang đứng kia, hai bàn tay chai cứng dấu sau nếp váy. Nó nhìn chị nó với một cái gì đó giống như sự sợ hãi nhưng nó không giận chị nó. Đó là phần số của nó. Đó là cái cách nó biết được ý Chúa.

Khi nào mà tôi nhìn nó như thế này thì có một cái gì đó mơ hồ đập mạnh lên đỉnh đầu tôi và rồi chạy tuột xuống tận gót chân. Y như lúc tôi đang ở trong nhà thờ và ý Chúa đụng chạm tôi và tôi cảm thấy hạnh phúc là la lên. Tôi đã làm một việc mà trước đây  chẳng bao giờ làm cả: tôi ôm choàng Maggie về phía tôi rồi lôi nó theo vào buồng trong, giựt những cái mền từ trong tay Miss Wangero và ném chúng vào lòng Maggie. Maggie lúc đó đang ngồi trên giường ngủ của tôi mồm há rộng.
"Mày hãy lấy một hay hai cái khác" tôi bảo Dee.
Nhưng Dee quay đi không  nói một lời nào và ra phòng ngoài gặp Hakim-thợ cạo.
"Mẹ thật chẳng hiểu gì cả" nó nói vừa lúc tôi và Maggie đi ra khỏi nhà tiến về phía cái xe hơi.
"Mày bảo tao không hiểu cái gì cơ chứ?" Tôi muốn biết rõ.
"Tài sản của Mẹ" .
Nó nói vậy và rồi  quay sang Maggie hôn  em và nói:
"Mày cũng nên cố gắng tụi mày làm được một cái gì đó, Maggie ạ. Đó mới thực sự là một ngày mới mẻ đối với chúng ta. Nhưng mà cứ xét cái cách mày và Mẹ  đang sống thì có thể chẳng bao giờ mày được cái ngày đó cả."

 Nó mang kính mát vào che khuất hết phần mặt  từ đầu mũi và cằm nó trở lên.
Con Maggie cười mĩm, có thể nó cười cái kính mát. Nhưng đó đúng thực là một nụ cười, không sợ hãi. Sau khi chúng tôi thấy đám bụi mù do chiếc xe hơi gây nên  đã tan hoang tôi bảo con Maggie đem cho tôi một nạm thuốc. Và rồi hai chúng tôi ngồi đó sung sướng nhai thuốc cho mãi tới lúc đến giờ phải  vào trong nhà và đi ngủ.



Alice Walker

Đào Trung Đạo    Dịch




------------------------------
Nguồn:  VĂN
Số 50- tháng 8-1986





Wednesday, August 10, 2016

NỖI BUỒN TỪ TIỀN KIẾP





                                                                         Nguyễn Thạch Giang


Phước nói với vợ, em nói với chị Trâm kêu cái "thằng đó" chuẩn bị sẵn, mình tới là đi liền, anh không thích chờ. Nói với nó đi với tui thì không được giả gái.  Thi nhăn mặt ý chừng sao chồng kêu người ta thằng đó. Có lần Phước nói với nàng, không biết chị Trâm đi đâu mà quen cái thằng đó. Nghe nói ban ngày nó là đàn ông, đêm đêm đội tóc giả, bôi son trét phấn giả gái tới làm ở quán rượu. Nhưng Thi  nghe lời chị Trâm theo phe chị Trâm, nói coi vậy chớ cái thằng đó hiền lắm... dễ thương lắm.

Chị Trâm là chị của Phước, không chồng con, hồi nào tới giờ ở với vợ chồng Phước, trong nhà ai cũng mến cô Trâm. Hai đứa con của Phước một tay cô Trâm chăm sóc, từ lúc tụi nó chưa biết nói giờ lớn đại theo bồ không còn theo cô Trâm nữa. Vợ Phước thì hạp tánh bà chị chồng, chuyện vui chuyện buồn gì cũng kể cô Trâm nghe, hai bà hễ xáp lại là rù rì to to nhỏ nhỏ.

Chị Trâm làm công nhân lắp ráp trong một hãng gia công nhỏ. Công việc nhẹ nhàng ngày làm tám tiếng. Năm vừa rồi hãng mất hợp đồng phải cắt giảm nhân công. Chị Trâm có tên trong danh sách đầu tiên. Thôi nghỉ hưu luôn, chị nói chớ cái tuổi này đi xin việc ai mướn,  không chồng con làm nhiều cho ai ăn đây.

Từ ngày thôi không còn sáng xách cơm theo chiều xách hộp không đem về, chị Trâm đâm ra thích nhiều thứ. Nhưng chị  không thích nấu nướng, chị thích đi ra ngoài với mấy bà bạn, mấy bà cứ rủ nhau đi mua đồ giảm giá, đi suốt ngày không nghe than mệt. Ham rẻ mua hoài  quần áo chất đầy tủ  ít khi có dịp mặc tới. Mua về nhà ngắm tới ngắm lui thấy không vừa ý lại mang đem trả. Cứ nay mua mai trả cứ vậy làm hoài ngày tháng trôi qua không thấy buồn. Hôm nào ở nhà thì chị Trâm ôm cái phone. Không biết mấy người nói chuyện gì mà cả tiếng đồng hồ cũng còn nói. Nhờ vậy mà đỡ xì trét tuổi già.

Hôm nay cả nhà rủ nhau đi casino. Vợ chồng thằng em vợ ở tiểu bang khác sang chơi. Mới tới ban trưa là đã rủ rê bà chị tối nay thứ sáu mình đi  chơi  chúa nhật về. Tưởng rủ đi đâu chớ đi casino thì vợ Phước không từ chối. Mấy chị em gia đình bên vợ người nào cũng thích đi casino. Có lần Phước trêu chọc, cũng may bà xã tôi mê ông Tây bà Đầm, còn đỡ hơn là mê ông hàng xóm. Vợ Phước nhéo chồng, ông xã nói chuyện hỏng có duyên.

Vợ Phước thích làm gì thì làm, Phước ít khi cấm cản hay có ý kiến này nọ. Không phải Phước sợ vợ. Không phải. Tại vợ chồng  người ta như vậy. Cũng như khi Phước đi nhậu bia ôm với bạn bè hay đôi khi vô quán cà phê mát mẻ nhìn mấy em khoe hàng, vợ Phước cũng không nói gì. Vợ chồng ăn ở với nhau mấy chục năm, ngày nào cũng nhìn mặt, chán muốn chết ở đó mà ghen. Còn Phước thì nói bà xã tui cái gì cũng được, chỉ có cái mê cờ bạc, mà cũng chỉ là lâu lâu chút đỉnh cho vui.


Cách đây cũng lâu lắm rồi, lúc hai đứa con còn nhỏ xíu, không biết Phước làm gì khiến vợ nổi giận đùng đùng, vừa khóc vừa kể, ôm con về nhà cha mẹ, tính thôi cái ông này. Chịu hết nổi. Bà chị họ, mà sau này Phước vui cười gọi là  sư phụ. Bà chị sư phụ này nghe tin hai vợ chồng lục đục, tài lanh đứng ra dàn xếp. Bà chị trịnh trọng hỏi người vợ, em thấy em có thể xa được người đàn ông này không. Người vợ ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đáp, đó là việc khó khăn nhất trong đời của em. Sư tỉ quay sang hỏi người chồng, em có muốn thôi người đàn bà này không. Người chồng trả lời không đắn đo. Không. Tôi không bao giờ muốn rời xa người đàn bà này.

Sư tỉ phán một câu như thánh phán. Nếu hai người cảm thấy không thể sống rời xa nhau, thì mỗi người nhịn một chút sống vui vẻ cùng nhau...  cho tới ngày cùng nắm tay vào nhà dưỡng lão.

Từ đó hai vợ chồng cứ làm theo lời sư phụ, hễ chồng nóng thì vợ vuốt, vợ nóng thì chồng vuốt.  Người này chiều người kia một chút thì đâu cũng  vào đó, trong nhà trong ấm ngoài êm.
Như là cái chuyện tối nay ghé rước người đàn ông quen chị Trâm có tên là Cát Mộng Tuyền. Nghe cái tên cũng "thấy" hình dạng ra sao rồi. Chị Trâm nói coi vậy chớ nó đàng hoàng  mà lại tội nghiệp lắm (?),  xe còn chỗ rộng cho người ta có giang đi theo chơi, phòng khách sạn to bự dư chỗ ngủ lo gì. Thật tình Phước không muốn tí nào, nhưng bà xã cứ nói còn chỗ mà anh. Mà đó  cũng  là do  ý của chị Trâm, chị thích người đó lắm,  chắc tại người ta coi bói cho chị, nói tới mấy cái vụ tình cảm tình yêu từ ngày xa xưa đâu từ  hồi thế kỷ trước. Tưởng mấy cái chuyện đó đã ngủ yên theo năm tháng vậy mà  giờ nhắc lại chị Trâm cứ  khóc hoài đôi  mắt đỏ hoe.


 Chị Trâm nói qua khỏi trường trung học, tới ngã tư quẹo trái, đi khoảng hai block thì tới, căn nhà sơn màu xám nằm bên phải. Người đó đang đước trước  cửa chờ,  thấy xe tới ngoắc tay ra hiệu. Có cả  cha và mẹ của người ta đứng đó, người đàn ông này cũng đã hơn bốn mươi ngoài,  xin phép cha mẹ con đi chơi, chiều chúa nhật về, chút nữa  mẹ nhớ nhắc cha  uống thuốc. Chắc chị Trâm nói gì, người đó thấy Phước cúi chào xã giao không nói gì. Bước lên xe mùi thơm thoang thoảng.


  Phước nằm lim dim mắt nhắm mắt mở, bà vợ nằm kề bên rù rì, chị Trâm kể cái hôm đi chợ Việt có quen một người biết coi bói, bói cho chị Trâm một quẻ không biết đúng sai ra sao  mà chị Trâm về nhà mắt còn đỏ hoe khóc hoài. Người đó  ban ngày là đàn ông ban đêm là đàn bà. Phước mơ mơ màng màng. Trên đời này có một người như vậy à ?


- Em tên là Cát Mộng Tuyền ?
- Dạ, tại vì lúc em giả gái ai cũng nói em giống Mộng Tuyền.
- Mộng Tuyền là ai vậy ?
- Ủa chị hỏng biết Mộng Tuyền sao. Mộng Tuyền hát cải lương nổi tiếng lắm, đẹp lắm. Em thích nhân vật Cát Mộng Thuỳ Dương nên tự đặt tên mình là  Cát Mộng Tuyền, chị thấy cái tên đó  có đẹp không?
- Hơi giống cải lương.
- Thì em thích cải lương lắm. Em biết ca cổ.

Cả chị Trâm và Thi nhìn săm soi.
- Em có đi giải phẩu  chuyển giới ?
- Dạ không. Hồi trẻ em mơ làm cái vụ đó lắm. Dự tính để dành đủ tiền thì sang Thái Lan làm. Nhưng bây giờ lớn tuổi rồi hết ham. Nhưng em có sửa mũi, hai chị thấy thế nào ?
Chị Trâm và Thi lại nhìn săm soi. Cũng đẹp. Coi có vẻ tự nhiên.

- Hồi cách đây cũng lâu lắm rồi, chắc cũng cở  mười năm, em có đi chơi casino, có một người đàn ông nhìn em chăm chăm. Lúc sau ổng tới gần em nói chuyện. Ồng nói mấy ngày nay ổng đen quá, thua là thua, ổng hỏi em có thể vái cho ổng ăn được không. Em vái. Ổng trở vô đánh bài. Chừng nửa tiếng đồng hồ ổng trở ra tìm em. Ổng nói ổng gở được vốn mà còn ăn chút đỉnh. Ồng cho em một ngàn. Em lấy tiền đó đi sửa mũi.


Phước với tay mở nhạc, cố tránh không nghe cái đài tiếng nói bà tám. Quý vị xướng ngôn viên nghỉ giải lao được một chút, rồi bắt đầu trở lại talk show.

- Em giả gái ba má em có nói gì không.
- Dạ không. Hồi trẻ em có thương một người, nhưng ảnh không thương lại. Em viết nhật ký bị cha em bắt gặp. Cha em nói cho mẹ em biết, nhưng ông không có la hay cấm cản gì em. Có lần mẹ em nói với em, coi cái điệu bộ của mày, con ơi chắc ngày sau mày vừa ăn cơm vừa khóc. Chị à người ta nói gia đình nào cũng có một người con phải gánh lấy điều bất hạnh của gia đình.


Phước nhìn vào kính chiếu hậu... Có chút gì đó xót xa  trong lòng...chàng  muốn nhìn rõ hơn người đàn ông vừa ăn cơm vừa khóc.


- Em đi làm ở quán nhậu ?
- Dạ, tại vì em biết coi bói, có lần em coi cho bà chủ quán, bả thấy em tội nghiệp nên kêu em tới phụ bếp phụ dọn dẹp.  Em biết hát, hễ khách nhậu thích thì kêu em hát giúp vui. Chớ coi bói chút đỉnh ai muốn cho bao nhiêu thì cho, mà cũng thỉnh thoảng thôi, đâu đủ xài.
- Em làm như vậy có đủ sống không ?
- Dạ đủ, em nấu nướng làm công chuyện nhà, anh em cho em ở free. Em rán dành dụm, khi nào cha mẹ em trăm tuổi già em về Việt Nam sống.  Em có mua sẵn một căn nhà rồi. Nhà nho nhỏ ở vùng ngoại ô, có sân trước vườn sau đã lắm. Hồi mấy năm trước còn rẻ, em mua căn đó chưa tới mười ngàn đô. Để cho thằng cháu bà con đứng tên, tại vì mấy anh chị đều qua Mỹ hết.  Ai cũng nói em coi chừng mai mốt người ta sanh lòng tham không chịu trả. Nhưng em không sợ, bây giờ em có bao nhiêu tiền em giúp người này người kia, giống như mình rãi hạt mình gieo, mai mốt gặt,  có mất thì cũng mất phần nào, không lẽ mất hết. Phải không chị.


Thấy cây xăng bên đường Phước tấp vào dù dự tính là để chừng một tiếng nữa hãy ngừng.
- Quý vị nào có đi đái đi ỉa  thì nhanh lên.

Thi nhéo chồng, cái ông này...  nói kỳ.  Anh có muốn uống cà phê ? Ừ phải, vô đó kiếm một ly. Hai vợ chồng cậu em đi theo vô đó kiếm mua vé số cạo, thử thời vận coi có hên không. Vái trời cho trúng năm triệu, tui dọn nhà về đây ở luôn.
 Còn bao xa nữa ông xã. Mình đi cũng đi được nửa đường, còn khoảng ba  tiếng lái xe, lên tới đó chắc cũng gần sáng.
Chị Trâm và Cát Mộng Tuyền đi tìm rest  room, Phước nhìn theo hỏi vợ vậy chớ cô đào Mộng Tuyền mập và tròn như vậy hả em. Người ta nói  gương mặt nhìn giống chớ đâu có nói tướng người. Mộng Tuyền mà giống người này thì không biết đẹp là đẹp ở chỗ nào. Người ta giống Mộng Tuyền chớ đâu phải Mộng Tuyền giống người ta. Phước nhăn mặt  chu mỏ, không biết hai cái đó nó khác nhau chỗ nào.


Xe đến chỗ parking của khách sạn thì trời đã tờ mờ sáng. Thiên hạ nhộn nhịp kẻ ra người vào. Thành phố này thì lúc nào cũng vậy, ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày. Cậu em vợ dặn trước hai phòng lớn, có cửa  ăn thông  nhau qua lại.  Phòng nào cũng có phòng khách phòng ngủ riêng biệt.  Phước hỏi vợ, em có muốn ngủ chút cho khỏe không. Trên xe em có ngủ, anh có buồn ngủ thì ngủ em theo cậu nó xuống chơi lòng vòng. Chút nữa  mười hai giờ mọi người nhớ về   tập trung chỗ này đi ăn trưa.

Ăn trưa xong chị Trâm muốn đi tới chỗ khách sạn có thủy cung xem cá,  cậu em mê đánh bài không chịu đi nói đâu có gì lạ, coi hoài. Vậy thì cậu có đi chơi đâu thì đi, chừng sáu giờ chiều trở về khách sạn cùng nhau đi ăn tối.

Chị Trâm và Cát Mộng Tuyền không đánh bài, hai người dẫn nhau đi dài dài theo mấy casino ngó cái này ngắm cái kia. Phước đi theo vợ nhưng không chơi, đứng ngoài ngó bà xã chơi bài, nhìn bả hào hứng ăn thua thấy cũng đủ. Đứng một hồi mỏi chân, Phước kiếm chỗ ngồi uống bia một mình.

Buổi tối ăn xong, rủ nhau đi tới khách sạn có kênh đào bên trong xem cảnh người ta bơi xuồng. Phước tạo dáng lúc ngồi lúc đứng cùng  vợ chụp hình.  Phước không thích nhưng vợ thì rất thích, đi đâu cũng chụp hình.  Hôm nào rảnh rỗi thì đem mớ hình cũ ra ngắm. Nói lúc này thấy trẻ, cái bộ đồ này mặc thấy mập, cái kiếu đứng đó thấy sang... Tự sướng.

Mọi người lại  mạnh ai nấy đi mỗi người một hướng. Phước buồn tình lang thang dọc con đường đèn đuốc sáng trưng nhộn nhịp người qua kẻ lại suốt đêm không ngủ. Phía bên kia đường người ta đang diễn cảnh cướp biển thời mấy thế kỷ về trước, thỉnh thoảng lửa phựt  cháy sáng rực. Nhiều người đứng đường đưa tấm cạt nhỏ mời gọi. Phước nhớ hồi còn độc thân, cũng tại chỗ này một người bạn cứ nằng nặc đòi kiếm chỗ  thử cảm  giác với một người da màu.  Phước đi cùng bạn  tới chỗ nhưng không vào, đứng ngoài chờ.

Lang thang lên xuống mỏi chân không thấy gì lạ. Bao năm qua trở lại thì cái thành phố này vẫn vậy. Không hiểu sao thiên hạ thích đưa nhau tới đây đốt tiền. Phước ghé liquor mua một xâu bia về phòng khách sạn uống một mình.

 Phước lại ngồi trên ghế sofa cạnh cửa sổ vén màn nhìn ra bên ngoài. Khách sạn gần bên cứ mười lăm phút có màn trình diễn  nước phun  theo điệu nhạc cùng đèn màu chiếu sáng. Phước nhìn xuống phía dưới đường chỗ bóng tối có một vật gì giống như một thùng giấy to nằm bất động lâu lâu lại thấy nhúc nhích. Nhìn kỹ thì ra một người vô gia cư nằm ngủ thỉnh thoảng ngồi dậy đưa chai rượu lên uống.
Đêm đã khuya, đường phố vắng người qua lại, chắc họ rút vào mấy quán ba uống rượu hay lại  tụ về mấy sòng bạc chơi trò đỏ đen nhiều đam mê hào hứng.


Có tiếng mở cửa phòng. Có tiếng chị Trâm và Cát Mộng Tuyền xầm xì to nhỏ. Hai người mở tủ lạnh lấy đồ ăn mua từ ban chiều. Hai người vừa ăn vừa nói chuyện thì thầm.

- Hồi lúc còn ở Việt Nam, ở chỗ vùng quê cách chỗ em ở chừng mấy chục cây số, có một thằng bé trai cở  mười tuổi, nó được ông bà nào nhập có thể soi  thấy kiếp trước của người khác.  Bắt đầu từ đó Cậu Soi nổi tiếng khắp vùng. Ngày nào nhà Cậu cũng đông nghẹt người tới nhờ Cậu soi tiền kiếp. Cậu soi bằng chiếc gương coi mặt bình thường. Cậu soi không lấy tiền của ai cả. Một hôm em rủ bạn tới nhà Cậu nhờ soi coi kiếp trước mình là gì. Tới phiên em, Cậu Soi vừa cầm tấm gương, mọi người nhốn nháo, công an bao vây bắt. Em bỏ  chạy thục mạng không bao giờ dám trở lại.

Chị Trâm cười khúc khích. Vậy à, vui quá vậy. Nhưng mà biết tiền kiếp để làm gì.

- Trong kiếp này nếu  mình có  điều gì  dính líu đến kiếp trước phải làm làm phép  hoá giải. Thí dụ như mình có hứa hẹn làm vợ chồng với một người đã chết, kiếp này bằng đủ mọi cách mình vẫn không thể lập gia đình. Vì mình đã có hôn ước với người đó.  Phải làm phép xé hôn ước với người âm.
- Vậy à, nếu vậy chắc kiếp trước chị đã chờ một người đi biền biệt không thấy về. Vì người ấy vẫn còn sống nên mình vẫn cứ chờ từ năm này qua tháng nọ. Chờ từ kiếp trước tới kiếp sau cũng còn chờ.

Phước nghe có tiếng thúc thít  hình  như là tiếng chị Trâm đang khóc.
     
Phước khui chai bia nốc cạn.

- Hồi dạo tháng Tư..." Mùa chinh chiến ấy chim đã xa bầy mịt mù bên trời mây..." (1) ...Anh ấy đang ở ngoài Trung, nghe tin ảnh theo tàu vô tuốt trong Phú Quốc, sau đó có người nói ảnh được tàu Mỹ bốc đi Mỹ rồi. Nghe vậy chị cũng mừng. Nhưng từ đó tới giờ...không hề biết tin tức của ảnh sống chết ra sao.

Hình như chị Trâm lại khóc. Phước đưa tay với lấy chai bia. Nhớ có lần cậu Hoà từ xa ghé nhà thăm mẹ ngủ lại qua đêm. Nửa  đêm cậu hỏi mượn chìa khoá xe đi mua rượu. Cậu nói sao lúc rày  không uống chút rượu không ngủ được. Cậu Hoà là người em họ của mẹ, cậu là người thành đạt, ở nhà biệt thự, đi xe sang, vợ đẹp con ngoan. Không hiểu sao hai người ly dị. Phước nghĩ chắc vì vậy cậu buồn. Nhưng cậu là người chủ động thôi vợ chớ không phải bị vợ bỏ.

Có tiếng mở cửa, Thi và hai vợ chồng cậu em về tới. Mấy người còn say sưa cuộc đỏ đen. Hồi nãy em ăn nhiều, tính nghỉ rán chơi thêm thua lại cũng bộn. Thi bước đến nhìn chồng. Chưa ngủ hả anh, sao không nằm trên giường, nằm trên ghế đó sáng dậy đau lưng lắm.

Phước lấy chai bia cuối cùng nốc một hơi cạn. Chắc mình tối nay giống cậu Hoà, không say thì không ngủ được.

Sáng sớm mọi người thức dậy sửa soạn đi về. Phước ghé qua một tiệm bán thức ăn nhanh của người Việt mua cà phê và mua bánh mì thịt mỗi người một ổ. Ai thích ăn gì cứ mua. Thằng con gọi điện dặn chiều về nhà ăn cơm ngon lắm con nấu,  đừng ăn ở đâu.

Phước ghé nhà Cát Mộng Tuyền  thả nàng  xuống trước. Anh chàng bước xuống xe lăng xăng nói anh chờ em chút. Nó mang ra một trái bầu lớn và một bịch ớt chỉ thiên. Mấy cái này là do cha em trồng, chỉ chôn đầu tôm đầu cá chớ không bỏ phân hoá học.
Phước mĩm cười nói cảm ơn. Chàng muốn đối xử tử tế với một người sinh ra phải gánh nỗi bất hạnh của gia đình.

Vừa về đến nhà hai đứa con chạy ra mừng. Má chơi ăn hay thua. Phước nhìn vợ, hai đứa có cái gene của bà. Mai mốt về già hai đứa thay phiên chở má đi casino kéo máy. Vậy chớ sao, con tui là con nhờ con cậy.

Cơm đã sẵn sàng, thịt sườn ram với tép để vỏ, canh chua rau muống nấu với tôm. Con trai giỏi quá, con gái có phụ không. Ảnh không cho con làm, ảnh nói con không biết làm vô bếp mất công ảnh chỉ.
Phước quay sang cậu em vợ, cậu có muốn đi tắm trước rồi ăn sau. Dạ phải, em thấy nực nội khó chịu quá, tắm một phát cho mát.
Phước hỏi chị Trâm có muốn đi tắm không. Khỏi, hồi sáng có tắm ở khách sạn rồi. Sạch rồi. Tắm nhiều hao nước. Phước nhìn theo dáng chị Trâm đi vô phòng, cái dáng điệu buồn buồn. Chắc là chị mang theo  nỗi buồn ấy từ tiền kiếp.
Phước đi tới tủ lạnh coi có còn bia. Tối nay không uống say chắc khó ngủ.



S. J.
Tháng Tám 2016



(1) Lời bài hát Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương

























Sunday, August 7, 2016

TRỜI SẮP MƯA




                                                                      Nguyễn Văn Sâm




Nhà bếp rộng, sạch. Trên lò, nồi giò heo hầm lửa riu riu phun khói nhè nhẹ, nắp nồi khua động bằng một âm thanh đều đều, xì xọp, vui vui. Trên tường đồng hồ thánh thót đổ một hồi kẻng dài. Dì Tư ngó lên rồi lại cúi xuống tiếp tục từ tốn cắt cắt thái thái mấy miếng thịt lấy ra từ cái oven. Trong góc bếp, nút nồi cơm điện nhảy từ chữ "nấu" sang nút "giữ ấm" nghe cái "cắc" một tiếng dòn tan, Dì lại ngước lên ngó về phía đó. Bực mình. Già cả nên lẩn thẩn, biết trong bụng là không có chuyện gì mà cứ giựt mình, cứ coi đi coi lại cho chắc. Vô ích hết sức. Như là ba cái vụ điện thoại, reng reng trong tivi mà cứ giựt mình lại coi phải ai gọi không, mặc dầu nếu có người hỏi cũng chỉ biết nói "Họ không có ở nhà", ngay ý muốn hỏi tên để về nói lại cũng ngại ngùng. Dì giở nắp nồi cơm ra coi. Hơi gạo
chín tỏa một mùi thơm dễ chịu. Dì nghĩ tới món thịt kho dưa chua đứa con gái ưa thích từ hồi còn nhỏ tới giờ, thỉnh thoảng được ăn vẫn chắc lưỡi hít hà khen ngon liền miệng.
Trí Dì miên man nghĩ tới đứa cháu ngoại chắc chắn nó sẽ bới nửa chén cơm và ba hột rồi ôm đủa ngó, đợi không ai chú ý đem chén đủa để trong chậu rửa chén rồi tới mở tủ lạnh lục bánh trái gì đó ăn dằn bụng qua loa. Tội
con nhỏ không ăn được những món Việt Nam nghèo thuần tuý, món của quê nhà đồng ruộng. Dì lấy gói thịt bầm làm hai cái hamburger. 

Trong khi nướng Dì nghĩ vẫn vơ về hai đứa con gái trong nhà.
Con Trinh không gần gũi thân mật là bao nhiêu mặc dầu đã sống với nó từ mười năm nay, mến chân mến tay từ hồi còn nhỏ. Dễ thương thì dễ thương thiệt, nhưng nhiều khi nó ngồi yên cả giờ đồng hồ không nói, chăm chú trước máy truyền hình, hay cười như nắc nẻ lúc nghe được chuyện gì hay. Gợi chuyện với nó thì nó dạ dạ mà coi bộ cũng hững hờ lắm, không có gì tha thiết. Nhiều lúc vui vui buột miệng kể chuyện lúc nó còn nhỏ ở Việt Nam, thì lần nào cũng như lần nấy nó chận họng: Chuyện này bà ngoại kể hoài, bộ bà ngoại hổng nhớ sao. Con nhỏ giống má nó in hịt càng ngày càng thấy xa lạ, như tụi nó không là con cháu mình nữa. Tụi nó lúc này và lúc trước ở Việt Nam là những người khác.
 Cũng mắt mũi đó, cũng tên họ đó, cũng bộ điệu đó, nhưng mà như là uống nước ở xứ này nên bị rửa ruột thành người khác. Nói năng không lựa lời lựa vốn, bạ đâu xâu đó, nhiều khi nghe muốn tức cành hông.

Còn con Chuyên mắc giống gì không biết lại thương mến. Có lẽ nhờ nhỏ nhẹ dịu dàng. Có lẽ nhờ mới qua. Có lẽ chịu nghe, chịu góp chuyện. Ở đây có khi cả tuần, có khi cả tháng, trong nhà mới có vài câu nói, trả lời ngắn gọn, lạnh tanh, ngoài ra là thời khoảng im lặng ai lo chuyện nấy. Người trong nhà như những cái bóng dật dờ đi làm - về- ăn- ngủ. Một chu trình trôn ốc liên tục tiến lên theo thời gian bất tận. Hai vợ chồng là hai vòng trôn ốc ngoài nhau, không có điểm chung nào. Dì là đường thẳng đơn côi riêng biệt với họ. Lặng lẽ, cô đơn, thèm được chuyện trò. Rồi Chuyên, đứa con riêng của chồng của con Dì, xuất hiện tưởng không thể thân thiện được lại đến như một niềm vui, một sự khơi dậy ánh lửa đèn cây tươi mát trong lòng Dì. Dì còn nhớ ngày đầu tiên gặp gỡ, bữa ba người kia
rước Chuyên từ phi trường về, được giới thiệu với Dì, Chuyên đã chào thật cung kính, thật tươi,
 Thưa Ngoại. Dì cảm động rớt nước mắt. Dì đã hồi hộp chờ ngay từ lúc "họ" ra xe lên phi trường. Cái giòng con gái cỡ trong ngoài hai mươi khó chịu lắm. Con nào hỏng thương mẹ, qua đây thấy chuyện ba nó thế nào cũng nầy kia. Bị ghét lây cũng đành chịu. Không dè mọi chuyện xảy ra khác với bình thường. Ánh mắt Chuyên không biểu lộ một sự gượng gạo, khó chịu, trái lại là một nụ cười thân thiện. Hai bà  
cháu bà con chống bảy sào không tới từ đó lại thương nhau hơn cật ruột.. Người dưng nước lã đã biến  thành máu mủ. Bây giờ tình thương càng ngày càng chất chồng, nó đi đâu một chút thì nhớ thì trông.

Nghe mùi thịt nướng thơm thơm, Dì Tư gắp xuống để trong dĩa, sửa soạn pickle, cà tô mách, củ hành, tất cả xếp trong một cái dĩa kiểu, các thứ rau cải xanh đỏ trắng nổi lên trên nền men trắng màu ngà coi thiệt đẹp mắt.
Dì đi lại phòng, gõ cửa ló đầu vô gọi cháu:
- Trinh ra ăn hamburger con!
Con nhỏ đương nằm lơ mơ nghe nhạc, con gấu để trên bụng, một tay ôm, một tay vuốt ve, nghe kêu, nhíu mày lại một giây trước khi chểnh mãng ngồi dậy.

Dì Tư dọn "cơm" mà lòng dửng dưng, không mấy thích thú vì đã làm một điều lợi ích cho cháu con, cũng không thấy khó chịu vì bận bịu. Lòng Dì trống rỗng, như lúc mở cái cửa, lúc xoay lại cái ghế cho ngay ngắn hay lấy cái nùi giẻ lau những miếng thức ăn vụn nho  nhỏ rơi rớt trên bàn sau buổi ăn, những công chuyện bình thường  không tên ngày này qua ngày khác của một đời không bước ra khỏi ngõ...

Tiếng xe quen thuộc ngừng trên  con đường dẫn vô nhà xe, tiếng đóng cửa xe  cũng quen quen, tiếng gót giày  đều đều mà Dì mường  tượng đã nghe rất nhiều lần trong đời tiến lần về phía cửa.
Dì lên tiếng với cháu:
- Chắc mẹ mày về đó. Tao nghe có tiếng xe, sao bữa nay về sớm vậy cà.
Con Trinh không lấy làm lạ về câu nói của bà ngoại mặc dầu nó không nghe gì hết. Chuyện trong nhà bà rất thính mũi thính tai đoán không bao giờ trật. Ít nhứt cũng có người tới.

Bên ngoài Hoa ngó khung cảnh sân cỏ  trước nhà xanh mướt, bằng phẳng, sang trọng như một minh tinh. Mùi cỏ mới cắt phảng phất trong không gian một hơi hướm thiên nhiên tươi mát tinh khiết, khiến chị nín hơi hít những hơi thật dài, đầy phổi. 
Hoa giật mình ngỡ ngàng  khi  cửa mở  cùng lúc với cái bấm chuông của chị: 
- Ồ má! Sao má biết con về hay vậy? Ngó sự chậm chạp  già nua của mẹ, nhớ lại chuyện thực tế, chị cằn nhằn: Má mở cửa mà không check coi người lạ hay quen, nguy hiểm lắm. Ở đây coi vậy chớ tụi cướp tới lúc nào không biết đó. Cái điệu má cà rịch cà tang nếu là người lạ thì trở tay đâu kịp. Chị cố gắng hạ giọng để câu nói có vẻ thật bình thường.
- Con nói với má hoài mà má cứ thờ ơ. Có chuyện gì rồi ngồi đó than trời trách đất.
- Ối tao già rồi đâu còn sợ gì nữa. Nhà đâu có để tiền mặt đâu mà sợ.
Hoa nhăn mặt không vừa ý.
- Má nói vậy sao được! Má già, nhưng còn con Trinh mần chi, nó lớn trọng cải rồi, má có một mình nó là cháu ngoại đó.

Dì Tư nghe xốn xang trong lòng. Đã đành, nhưng cách nói của nó như là mẹ người ta! Lúc nó còn  nhỏ, làm bậy, nhà cửa để bầy hầy  bề hề  mình cũng không rầy kiểu đó. Dì buồn hiu đóng cửa lại sau lưng đứa con, gài sợi xích an toàn rồi bước theo sau.
Già rồi, ở tạm ăn nhờ phải chịu. Nhứt là xứ này, mọi chuyện đảo điên. Tiếng Mỹ tiếng Tây dốt đặc cán mai nói không được như câm, như điếc. Mọi chuyện đều lạ lùng, ngơ ngơ ngác  ngác,  như thằng  lác mắc phong, chết lúc nào sướng lúc đó. Nghe nó cằn nhằn cưởi  nhưởi hoài, tủi quá.
Con Trinh ngó mẹ và ngoại, nó chào cho có:"Hi !  mom", rồi tiếp tục vừa  ăn vừa ngó xéo qua vai má nó, theo dõi chương trình tivi ở góc nhà.
Chị Hoa liếc lên bàn ăn, chị hỏi con, sự không vừa ý lộ ra rõ ràng trong âm điệu:
- Sao con không ăn cơm, ăn có thứ này thứ kia mới đủ chất bổ, hamburger chỉ là fast food để cho mấy người đi làm ăn cho mau vì không đủ thì giờ. Con phải tập ăn cơm Việt Nam cho quen chứ. Chị nắm đôi đủa  lên lật miếng hamburger lên mặt sau săm soi. Sao con không nhờ ngoại dọn cho. Đồ ăn thiếu gì trong tủ lạnh đó.
Dì Tư chen vô, dì thấy cần phải giải thích. Con nhỏ có vẻ muốn đổ thừa mình. Con nó là cháu mình, không thân với nó thiệt, nhưng đâu đến nỗi ghét bỏ.
- Tao thấy nó ưa ăn món đó thì tao làm cho nó. Có dọn cơm nó cũng không ăn. Bữa nay tao nấu thịt kho ăn với dưa chua. Còn món giò heo hầm tao tính để cho chiều nay. Dì nói như phân bua. Chưa được mềm, còn dai nhách.
Con Trinh giờ mới lên tiếng:
- Con chỉ ưa ăn hamburger thôi à ! Mấy thứ khác con ăn không được.
- Mày biết gì! Ăn uống để tẩm bổ chớ đâu phải để chết. Day qua Dì Tư, chị Hoa nói thiệt nhỏ nhẹ. Má làm ơn ép nó ăn dùm con. Nó đương sức lớn ăn bậy bạ nữa sau èo uột. Mình lớn mình biết chuyện nào trúng chuyện nào bậy, chứ nó con nít con nôi biết khỉ gì. Ở Mỹ mà, nhỏ con quá coi đâu được.
Dì Tư buồn hiu, nói xuội  lơ:
- Ừ để tao rán coi, biểu nó, nó không cãi ngang cãi dọc, nhưng nó vô buồng đóng cửa lại thì tao cũng thúc thủ thôi chứ làm gì được.
- Má,  còn con Chuyên đâu hỏng thấy?
- Nó đi lợi đằng trường ghi tên rồi. Nó ghi sớm nữa khỏi phải chen lấn.
- Nó đi một mình hay có ai tới rủ?

Khó nói quá, mình là cha mẹ nói láo với con coi sao được. Mà nói ra tội nghiệp con nhỏ. Dì giả đò không nghe câu hỏi kiếm chuyện gì đó làm, tiện tay dì mở tủ lạnh. Bình sửa để ở ngoài cùng. Bỗng nhiên Dì muốn rót một ly sữa cho con. Coi vậy chớ tội nghiệp nó, buôn bán tối ngày về còn phải coi chừng coi đổi chuyện nhà cửa. Mỗi ngày cầu nó uống hai ba ly sữa mới lấy lại sức. Dì đem ly sữa để trước mặt con rồi quay lưng tính đi rót một ly khác cho cháu. Mắt Dì rưng rưng, không biết sao kỳ vậy. Đâu có buồn gì lắm đâu. Tánh nó chót chét  vậy thôi chớ không để bụng. Nó sẽ quên ngay. Như con cọp ngủ một giấc dậy vung vai,  mọi chuyện xảy ra trước đó sẽ đi vào quên lãng. Thương con cũng muốn mời nó một câu thân mật. Chẳng hạn như con uống ly sữa nghỉ mệt rồi ăn cơm, nhưng không nói được. Khó quá ! Mẹ con lớn hết rồi, biểu lộ bằng cử chỉ săn sóc lo lắng thì được, nhưng nói dịu ngọt thiệt khó còn hơn lên trời. Nó, chồng con đùm đùm đề đề chứ còn nhỏ nhít gì  nữa đâu.
Chị Hoa ngó ly sữa, cảm động đưa mắt theo bàn tay khô cằn của mẹ. Chị hiểu lòng mẹ và cảm thấy mình vô lý, có vẻ như hỗn hào. Già rồi đâu còn lanh lợi như mấy người trẻ. Nói thì nói vậy, chớ tội nghiệp, có bà cũng đỡ chuyện cơm nước giặt dịa, nhà cửa cũng được vén khéo tươm tất. Cả nhà bỏ đi hết, trấn ba cái đồ đạc lại cho ông Táo, biết đâu chừng có bữa tụi nó vô dọn  không còn miếng giẻ rách. Tụi thất nghiệp, xì ke ma tuý, bụi đời chung quanh khu này thiếu giống gì. Dân nào cũng có. Tứ xứ. Thấy có người ra vô tụi nó cũng ngại chứ. Cũng tội, bà lâu nay lủi thủi trong nhà, quanh quẩn với cơm nước, quần áo và con nhỏ Trinh, có biết nước Mỹ là cái gì đâu.

Chị giả lả với mẹ:
- Phải con Chuyên nó đi với thằng Khoa không má?
- Ừa.
Nghe câu trả lời  như nhẹ hẫng nhẹ tênh, chị Hoa không nói ra nhưng cảm thấy giận ngang trong bụng. Như là có một sự đồng loã  nào đó trong nhà này, không đếm xỉa tới chị. Nó là con chồng, lớn đại rồi, thêm ở Mỹ này, có thân muốn đi với ai thì đi. Ba nó không rầy thì thôi, mắc mớ gì mình nói ra nói vô thêm mắc oán. Nhưng mà tại sao má lại dấu dấu diếm diếm, giống như chấp nhận thằng kia, giống như ở về phe với nó mà không đếm xỉa gì tới mình. Chị bực bội, nhưng không biết sao cho đúng, chị đưa ly sữa lên miệng, uống mấy hớp. Con Trinh thinh không mở miệng khoe:
- Anh Khoa có cho con một con beat đẹp lắm.
Chị Hoa lườm con, trút tất cả bực bội nảy giờ.
- Đồ con gái hở ai cho gì cũng lấy là con gái hư mầy biết không. Từ rày sắp tới mày mà còn lấy cái gì của thằng Khoa thì mày biết tay tao. Con Chuyên đi với nó, muốn lấy cái gì thì lấy, mày có ăn nhằm gì vô đó mà lấy.
Dì Tư nóng mũi binh cháu:
- Trinh ăn mau bà dẹp. Con còn đi học bài nữa, mai đi học rồi.

Con nhỏ ngồi xụ mặt một chút rồi bỗng nhiên nó xô nửa cái hamburger còn lại ra trước mặt đứng dậy cái rột, đi thẳng vô phòng đóng cửa cái rầm trước mặt mẹ và ngoại nó. Hai người đàn bà ngó theo, mỗi người theo đuổi tư tưởng của riêng mình, chị Hoa lắc đầu ngán ngẫm.
- Con cái, cứng đầu cứng cổ. Má nữa ! Má đừng binh nó. Con tui má để tui dạy, má cứ xử bỉ hoài nó được mòi  làm tới nữa, nó hư thì ai vô đây chịu đây? Má đâu có sống đời để lo cho nó đâu. Còn con Chuyên nay thằng này tới, mai thằng  kia tới tui đã bực lắm rồi. Bây giờ mà bắt thang cho con Trinh trèo nữa thì có nước tui bỏ nhà tui đi.

Nói xong một hơi dài, coi bộ chừng đã mệt, chị Hoa ngồi xuống bàn ăn, ngó chén đủa  đã dọn sẵn, lòng chị dịu xuống, làm thinh ngó những miếng dưa chua được xếp đặt gọn ghẽ trên cái đĩa sứ.
Dì Tư múc tô thịt kho, đem đến để trước mặt con. Mùi mỡ rục nóng mời mọc nhưng Dì thấy nó hơi ngang.
- Tao chút nữa ăn sau, bây ăn đi.

Không đợi trả lời, Dì kéo cửa kiếng  bước ra patio. Trời trong mát đầu Thu với từng cơn gió nhẹ phe phẩy mời gọi,  Dì ngồi xuống một cái ghế cũ đặt gần cụm hồng cạnh tường. Mấy chiếc lá vàng rơi rụng loả xoã  đầy sân, mấy bụi hoa cúc và nhiều thứ hoa khác nữa, trồng mấy tháng trước bây giờ coi bộ xum xuê. Vườn sau coi cũng đẹp ớn, nhưng mà trong nhà thiệt là khó thở. Một cụm mây đen phía chân trời từ từ trôi tới, Dì Tư buột miệng: Trời sắp mưa.
Lòng Dì nặng trĩu như đám mây đe dọa trên kia.


Trích SÓNG ĐỜI TRÔI GIẠT


Nguyễn Văn Sâm






----------------------
Nguồn : VĂN
               số 50, tháng 8-1986













Wednesday, August 3, 2016

PHI VỤ BẤT KHẢ THI



Nguyễn Thạch Giang




VÀO CUỘC

Khu phố nhỏ thuộc vùng ngoại ô, nhà nào cũng có sân trước vườn sau, khung cảnh yên tĩnh êm đềm.

Buổi sáng hãy còn sớm, ông Hai đã tắm rửa sạch sẽ sau khi đi bộ quanh xóm, vừa tập thể dục vừa tám chuyện xưa chuyện nay với mấy người bạn mới vừa quen. Ông đứng trước nhà xem hoa ngắm cảnh, ngắm người ta ngắm xe cộ ...sao lúc rày... đông nhiều vô kể
Thằng Tâm Tư là cháu gọi ông Hai bằng cậu, lần nào cậu Hai từ Mỹ về chơi nó cũng lãnh phần hướng dẫn viên du lịch. Kỳ này cậu Hai về một mình, không có mợ Hai đi theo. Hai cậu cháu tha hồ... Không ai càm ràm ý kiến bàn ra tán vào nên hay không nên, coi chừng hoá chất, coi chừng chặc chém, coi chừng lường gạt.
Thằng Tâm Tư từ trong nhà bước ra.
- Để bữa  nay con dẫn cậu tới cái quán này mới mở, chuyên trị hủ tiếu, đặc biệt hủ tiếu bà Năm Sa Đéc.
- Bà Năm Sa Đéc ngày xưa là kịch sĩ nổi tiếng, sao bây giờ con cháu đi bán hủ tiếu khắp năm châu bốn biển, đi đâu cũng thấy. Mà con nói cái quán này sạch sẽ lắm phải không. Cậu bây giờ rất kỵ cái cảnh vừa ăn vừa đuổi ruồi, vừa nhìn người ta thảy xương xuống đất ...có mấy con chó  đứng chờ.
- Dạ con biết, cậu bây giờ không giống cậu ngày xưa.
- Cháu ơi, mày đừng có thổi phồng quá đáng.  Ăn xong hai cậu cháu mình kiếm quán cà phê ngồi nhâm nhi, tuần tới cậu về Mỹ rồi, cậu có chuyện muốn nhờ con.
- Dạ, mà cậu thích ngồi quán kiểu nào, dành cho người đứng tuổi hay cho giới trẻ. Cậu thích vô quán chém gió hay vô quán...  để ngó...hì hì...
- Cậu muốn chỗ nào yên tĩnh, ngồi ngoài trời vừa mát mẻ vừa tránh ba cái khói thuốc mịt mù.


 CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ
 

Ông Hai chọn một bàn khuất cuối sân vườn, cẩn thận nhìn trước nhìn sau, kề tai thằng cháu nói nhỏ.

- Cháu à, mấy năm nay cậu gặp nhiều chuyện xui rủi, lúc nhà lên giá, mỗi tháng mỗi lên, lên thấy ham, cậu mợ vốn liếng để dành được  bao nhiêu mót vét mua hai căn cho mướn  chờ lên giá bán. Vừa mua xong, nó xuống giá tuột dốc không phanh. Cậu mợ ráng cầm cự lỡ phóng lao  thì phải theo lao chớ sao, theo riết theo hoài tới chừng theo hết nỗi, buông tay, lổ bao nhiêu cũng bỏ. Mẹ rượt, mới vừa bán xong, nhà nó lên giá trở lại, lên không ngừng nghỉ. Có phải mình xui không, nói hết thời mới đúng. Thằng con trai của cậu, tự nhiên dọn nhà qua tiểu bang khác, nói là hãng dời đi...nó phải đi theo. Mợ mày mới vừa nghỉ hưu, suốt ngày đi ra đi vô, than than thở thở, nhớ con nhớ cháu. Cậu buồn quá, sanh bịnh. Lo nghĩ vẫn vơ, lo đủ thứ, lại mang bịnh hồi hộp, cái gì cũng sợ, rồi bây giờ mang cái bịnh sợ chết.

Thằng Tâm Tư nghe vậy hết hồn hú vía, ngó  ông cậu trân trân.  Sao thấy cậu cũng giống y chang cậu của ngày hôm qua. Đâu có gì khác.
- Cậu mang cái bịnh sợ chết từ lúc nào vậy. Cháu thấy cũng còn hơi sớm, cậu để chừng mười hai mươi năm nữa rồi sợ cũng vừa. Mà sức khỏe của cậu có vấn đề gì không ?
- Thật ra cũng chưa có gì, tại cậu có cái tật hay lo trước thời hạn. Mới vừa đi khám tổng quát tháng rồi. Mọi sự trên dưới trong ngoài đều ổn. Tim mạch, huyết áp, mở trong máu, đường trong máu đều ở mức "bo đờ lai", bác sĩ nói ráng ăn uống kiêng cữ, chịu khó tập thể dục thì khỏi cần uống thuốc.
- Bo đờ lai là gì vậy cậu.
- Là đang đứng ở cửa  biên giới. Bên này  thiên đàng bên kia  địa ngục.

Thằng Tâm Tư gải gải đầu, lần đầu lâm vào tình thế không biết phải ứng xử thế nào cho đúng bài bản.
Cậu Hai vừa nói mà miệng cười gượng gạo thấy rõ.
- Có người giới thiệu cho cậu một ông thầy lừng danh, chuyên nghề giải xui giải hạn. Thầy nói có một bài thuốc chuyên trị...hê hê...khó nói quá...hê hê...
Cậu Hai ngó quanh mặt mày tay chân ngượng nghịu như con nít ăn vụng bị bắt gặp.
- Cháu à, cậu mợ hồi nào tới giờ tuy không giàu có gì...
- Dạ cháu biết, cháu không hề hỏi xin cậu điều gì.
- Không phải, ý cậu muốn nói là cậu tuy không phải là người khá giả gì nhưng cũng hưởng đủ cả. Đi du lịch đây đó, món ngon vật lạ nào cũng biết qua.

Cậu lại nhìn trước nhìn sau, ngập ngừng...
- Có một điều mà cậu chưa từng biết...khó nói quá...
- Cậu nói đại ra đi, ở đây không ai nghe.
- Cháu phải giữ kín, mợ mày biết được bả cạo đầu tao.
- ???
- Không phải cậu ham hố gì ba cái chuyện này. Người ta ăn chay ngủ mặn, còn cậu thì ăn mặn mà ngủ chay lâu rồi. Cái này là tại thầy phán. Thầy nói phải dùng hương trinh thì mới giải được hạn.
- Hương trinh ... là cái con gì vậy cậu ?
- Là con gái, gái còn trinh. Trời ơi, có vậy mà cũng không biết.

Thằng Tâm Tư bỗng cười hô hố, cười sặc sụa, vừa cười vừa nhìn cậu nó diễu cợt. Ông cậu thì ngượng như con nít vừa thú tội.
- Tội cho cậu của tui quá... để con rán lo cái phi vụ này giúp cậu ...trước khi mọi việc ...quá trễ.
- Mày phải hứa là không nói cho ai nghe, không bao giờ, nhe, sống để bụng chết mang theo, bí mật của một người đàn ông, cái gì cũng biết qua...  chỉ trừ một điều...hơi khó nói.
- Dạ hứa, nhớ.

Thằng Tâm Tư lại gải gải đầu, chắc cái điệu này phải hỏi đốc tờ gú gồ.
Cậu Hai tròn mắt. Hỏi đốc tờ ?
Thằng cháu móc cái phone xịn ra bấm bấm bấm.
- Tưởng gì, gu gồ thì nói gu gồ, bày đặt lên xuống gú gồ, rồi còn gắn cho ổng học vị đốc tờ. Ổng có thi tuyển vào công chức biên chế đâu mà chạy bằng cấp cho ổng.
- Con bấm chữ trinh nữ. Để coi kết quả nhe. Hoa Trinh Nữ, một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Biết rồi, nghe hoài. Trinh Nữ Lầu Xanh, tuồng cải lương trước năm 1975, do Mỹ Châu, Ngọc Giàu, Tấn Tài...thủ diễn. Wow ! Sao hồi xưa người ta đặt tên tuồng hay quá! Hé cậu, bá cháy, đỉnh của đỉnh, vô đối. Nào là ... Tâm Sự Loài Chim Biển, rồi thì ... Người Tình Trên Chiến Trận, điếc con rái với...Khi Người Điên Biết Yêu, hôm nay thì cúi đầu bái phục, Trinh Nữ Lầu Xanh. Cái lầu xanh này mà khai trương, khỏi tốn tiền quảng cáo, bảo đảm thiên hạ xếp hàng bắt số.
- Cháu yêu quý của cậu ơi, thằng cháu chuyên lạc đề  lạc đường. Cháu làm ơn trở về con đường xưa em đi cho cậu mày nhờ.

- Dạ dạ, có ngay. Bấm chữ gì bây giờ cậu ? Mình cứ việc bấm đại ...nhe cậu...bấm là...phi vụ mua bán trinh...nhe cậu.

- Ừ, thì bấm đại đi, hỏi đốc tờ gú gồ, chớ bộ hỏi công an sao mày sợ.

Thằng cháu Tâm Tư lại bấm bấm bấm. Nó chu miệng, trố mắt, kêu trời. Thiệt...không thể tưởng tượng. Không thể tưởng tượng.
- Rồi, không kết quả, phi vụ bất khả thi.
- Không phải cậu ơi, đừng vội. Nhờ cậu mà hôm nay con mới biết một việc, một việc tưởng là người ta phải len lén nói nho nhỏ thì thầm, ngờ đâu nó nở rộ khắp bốn phương trời, để con đọc cậu nghe.

"Kiều nữ Jacky, 20 tuổi, muốn bán cái ngàn vàng hai mươi ngàn Bảng. Chỉ nhận tiền mặt. Cash only."

- Hai mươi ngàn Bảng là cỡ bao nhiêu cậu ? Nhiều hay ít ?
- Nội cái Việt Nam Đồng đây tao lo còn chưa xong, mày nói chi tới ba cái đồng Bảng Anh, thôi trở về cây nhà lá vườn đi con.

"Nữ  sinh viên đại học học đại, tuổi vừa đủ vào quán ba uống rượu, lỡ dại theo bạn bè đập đá, giờ muốn trở về mái nhà xưa không khác xưa, bán cái quý nhất hai mươi triệu. Miễn mặc cả, giá đã hạ tới sàn".

- Có hình không ? Mà ở đây hay ở đâu vậy ?
- Chắc  cái mối này không xong, ở đâu xa lắc tí tè đi máy bay chớ đi xe đò biết chừng nào tới.
- Ở đây  không có ai à ?
- Chắc có, ở đâu mà không có, tại mấy người này không dám bỏ hình lên mạng.
Để cháu tìm thằng Tửng, thằng này cái gì nó cũng biết, hỏi nó có biết chỗ nào chỉ dùm. Bây giờ cậu về nhà nghỉ ngơi lấy sức. Khi nào xong việc con cho cậu hay. Mà cậu cho con biết ý thích của cậu như thế nào.

- Cậu thì chủ yếu là để giải hạn, không cần đẹp chỉ cần là đừng xấu quá. Cậu không thích người ốm quá, mà  mập quá thì nhìn... hổng phê. Tuổi tác thì đừng cứng quá mà cũng đừng mềm quá. Con đừng tin ai, phải chính mắt con nhìn, thấy mới tin. Tuổi cở  ba mươi thì cũng được, chỉ sợ cái đó nó đem rì biu lại thì coi như mình xài hàng si đa. Mà cậu sợ nhứt là mấy đứa tuổi nhỏ, nó túng cùng làm liều khai đội tuổi lên cho đủ tiêu chuẩn, tới chừng đổ bể mang tội làm tình với trẻ vị thành niên, cậu đọc báo thấy hoài.

- Cậu khỏi lo, con biết cậu rất cẩn thận. Con cũng vậy... Rồi, có gì con cho cậu hay.


 PHI VỤ KHÔNG CẦN CÔNG CHỨNG

Tâm Tư có hẹn với thằng Tửng tại cổng trường tiểu học, chỗ này  vắng vẻ ít người qua lại, học sinh đang nghỉ hè, nó cải trang cho giống thám tử phim bộ Hồng Kông. Mang kính đen và đội mũ lưỡi trai. Thằng Tửng đi xe xịn đời mới từ từ ghé lại. Nó cũng đội mũ lưỡi trai mang kính đen. Đụng hàng.
- Chào chú em. Anh là Tửng.
- Chào đại ca, em là Tâm, Tâm Tư.
- Biết mà, ở đây ai không biết chú mày Tâm Tư.
- Em có chuyện muốn nhờ đại ca. Chắc đại ca lo được.
-  Vô đề đi, ngắn gọn.
- Có một người đàn ông, đang gặp một ...có thể nói đang bị bao vây...bởi một đại hạn không gì gở nổi. Thầy Ba núi Ông Tà phán mau mau đi tìm mùi hương trinh nữ mà giải hạn.
- Người đàn ông đó chắc hẳn không phải là chú em ?
- Chính xác. Nhưng em được ủy thác đứng ra đại diện thương thảo, đàm phán...cho cái phi vụ không cần công chứng này.
- Tốt, tốt, nhưng anh nói cho chú em mày biết điều này, anh không làm nghề dẫn gái, chưa từng, không hề. Nghe chú em mày than thở, anh cũng liều một phen giúp cái người đàn ông nào đó ham vui mà mang mặt nạ. Chú em mày cho biết yêu cầu như thế nào, ông anh sẽ cho biết giá.
- Biết là gặp đại ca thì thế nào cũng xong. Chỉ có một yêu cầu duy nhất là Ngọc nữ phải đủ tuổi làm chuyện người lớn. Xin lỗi, em phải xét căn cước.

- Ô Kê, theo như anh được biết thì giá cả từ khoảng hai mươi triệu cho đến một trăm triệu. Tuổi càng nhỏ thì tiền càng lớn, chân càng dài thì giá càng cao. Đó là nói mấy em không tên tuổi. Còn mấy nàng thường xuyên xuất hiện trên in tờ nét thì nói thật, chúng mình không có cửa.
- Ô kê, vậy đại ca có sẵn hàng chưa ? Có thể nào nhá nhá cho em thấy được không ?
- Chờ chút, chờ coi anh mày làm việc.

Thằng Tửng móc phone ra bấm bấm bấm. Là em ? Em muốn làm cái vụ này hả ? Còn nguyên xi chưa bóc tem ? Thiệt không đó ? Hoàn tiền một trăm phần trăm nếu khách hàng không hài lòng. Ô kê, chờ chút có gì anh gọi lại sau.

- Có mối này tự động tình nguyện dâng hiến. Chỉ lấy mười triệu, giá cực  thấp  không nơi nào thấp hơn. Gái ba mươi nhưng vẫn còn nguyên. Đây là bộ hình mới nhất chụp chưa quá ba mươi ngày. Nhìn thẳng nhìn nghiêng đủ kiểu. Mặc đồ xuyên thấu nhìn rõ nội y  phô trương ba vòng đầy đủ.
- Nhìn hình thì quá bốc, trẻ như gái hai mươi. Nhưng nói thật, mình gặp hoài, bị hoài, hình trên phây với lại người thật khác nhau một trời một vực. Nếu tính theo phần trăm thì cũng phải đến tám chục. Em nói em ba mươi thì cộng thêm năm tuổi nữa là vừa.
- Chú em mày nhiều kinh nghiệm quá he,  ở đời tiền nào của đó.
- Tiền bạc không thành vấn đề, quan trọng là ở chỗ hàng thật hay hàng giả. Giải hạn mà gặp đồ giả thì ăn làm sao nói làm sao với ông thần trù ẻo cho được đây.

- Thôi được, có chỗ này ngon lắm. Bảo đảm chín mươi chín phần trăm. Để anh mày liên lạc rồi cho chú mày biết. Ô kê.
- Ô kê.


KHÁCH SẠN HÀO HOA


Gọi  là khách sạn Hào Hoa cho nó kêu bởi đó là tên một bộ phim nổi tiếng ai cũng biết, chánh thức có bảng hiệu đàng hoàng là  khách sạn Ngàn Hoa, nhưng người dân ở đây gọi  là nhà nghỉ. Nhà nghỉ ngàn hoa, hoa thật thì ít mà hoa biết nói thì nhiều.

Buổi trưa mùa hè nắng nóng đổ lửa có hai người đàn ông và một cô gái trẻ làm thủ tục mướn phòng. Họ xưng  là người trong gia đình dù ba người ba họ khác nhau. Họ chỉ có nhu cầu nghỉ vài tiếng đồng hồ nên được hưởng giá đặc biệt. Nhân viên nhà nghỉ thì biết quá nhiều mấy cái chuyện này. Một nguyên tắc làm ăn hàng đầu của giới kinh doanh nhà nghỉ là không dòm ngó khách hàng.

Người đàn ông lớn tuổi kề tai cô gái trẻ nói nho nhỏ.
- Phòng số 35 trên lầu ba, cháu đứng đây chờ chú mở cửa vô trước, lát hồi cháu vô sau, nhe.
- Dạ.

Trước cửa phòng số 35 .
Hai người đàn ông một già một trẻ, nhìn trước nhìn sau nhẹ mở cửa phòng, len lén bước vào như dân ăn trộm.
- Cháu vô phòng tắm  núp trong đó, nhớ quan sát nghe ngóng. Hễ thấy có gì khả nghi bất thường, hoặc nghe cậu la cấp cứu thì nhào ra ứng cứu, thời buổi này không tin ai được, ghê lắm, báo ngày nào cũng có đăng.
- Dạ dạ...con lúc nào cũng cảnh giác. Hồi nãy có  "chách  ai đi " của con nhỏ đó rồi, chính xác hai mươi tuổi dư sáu tháng.  Hình trong ảnh và người thật giống chín mươi phần trăm. Nói nó không  được đem gì vô phòng kể cả phone cầm tay và nước uống. Ghê lắm, sợ nó bỏ  thuốc mê vô trong nước, bị cái vụ này hoài. Con cũng cẩn  thận rà soát khắp người nó rồi,  không có gì nổi cộm.
- Vậy là tốt. Thôi vô phòng kiếm chỗ núp, nó lên tới gõ cửa kìa.

Ông Hai bước đến mở cửa cho người  ngọc  bước vào. Đã lên chức ông ngoại  rồi mà sao hồi hộp lúng túng còn hơn cái lần đầu tiên.
Cả  hai nhìn nhau không biết phải bắt đầu như thế nào. Con Lành thì đã được anh Tửng dặn dò chỉ dẫn. Luôn nhớ là phải gọi chú bằng  anh.

- Trời nóng quá mà sao anh mặc đồ nhiều vậy.
- Ờ ờ ...tại cái thằng  cháu...nó vẽ làm sao...thì chú...thì anh...  diễn như vậy.
- Cái màn dạo đầu ...là hai người ngồi cách xa...như vầy hả anh.
- Em nói còn y nguyên...chưa từng...sao cũng biết cái màn dạo đầu.
- Anh Tửng nói với em, ảnh dạy em là mới vô đầu thì phải làm như vậy như vậy.
- Bạn trai của em không có dạy em sao.
- Đâu cần dạy, mấy cái chuyện này đâu cần ai dạy, tự biết.
- Bạn trai của em ...ảnh dạo đầu như thế nào.
- Ảnh hả...cười... Ảnh hỏng có màn đầu màn giữa màn cuối gì hết, nhập cục, ba hồi nhập một.
- Như vậy thì em đâu còn nữa.
- Dạ còn, còn y nguyên. Ảnh sung lắm, mới  có ôm  hun chút xíu là rồi, xong. Mau lắm lần nào cũng vậy.
- Bây giờ ảnh ở đâu.
- Dạ ảnh lên thành phố làm công nhân, hai ba tháng về thăm nhà một lần.
- Mai mốt ảnh về, rủi ảnh biết cái chuyện này thì sao.

Con Lành không nói gì, nó bắt đầu khóc. Ông Hai thật bối rối  trước một tình cảnh không có trong kịch bản.

- Em ơi, em đừng khóc. Anh có bịnh, cái bịnh không thuốc chữa, anh đây rất khó chịu khi nhìn một người phụ nữ khóc. Dù đôi khi đó chỉ là những giọt nước mắt cá sấu.
 Lành quệt nước mắt, cố nín.
- Bộ cá sấu cũng biết khóc nữa hả anh.
- Nghe người ta nói bắt chước nói theo, chưa từng thấy qua.

Ông Hai bước đến cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Tự nhiên thèm một ly rượu.

- Anh ơi, nhà này có ma. Em thấy sao cánh cửa nhà tắm nó nhúc nhích.
- Không sao đâu đừng sợ, để anh đập con ma này cho nó tởn.

Ông Hai đi vô nhà tắm khép cửa lại.
- Mày làm cái gì mà thập thò, ló ra ló vô vậy.
- Cậu ơi, bề gì mình cũng đã trả tiền đầy đủ, nếu cậu nhắm cậu làm không xong, để con tiếp sức, bỏ uổng.
- Thằng khùng, mày nói  cái gì vậy.
- Cậu nghĩ coi, sức trai trẻ như con, coi phim còn chịu không nổi, đằng  này coi "lai", thánh sợ còn nhịn không được nữa là con.
- Mày đừng có nhìn, nghe chưa.

- Anh ơi, hết màn dạo đầu chưa ?
- Chi vậy em.
- Tới cái màn thứ nhì thì mình cởi ra nằm xuống phải không anh.
- Từ từ chút, anh đâu phải như cái thằng người  yêu của em.
- Dạ, em chỉ hỏi để em chuẩn bị.
- Em ơi, sao tự nhiên tới đây cái nó ngừng. Tự nhiên sao tới đây cái nó nói thôi. Kể như xong, úm ba la giải hạn.
- Anh  sao vậy, bộ yếu lắm hả, sao anh không uống cái thuốc gì đó, nghe nói ở bên Mỹ bán rẻ lắm, hay lắm mà.
- Cái gì cũng biết vậy mà nói em chưa biết gì.
- Lại nằm đây để em mát xa cho anh một hồi coi anh có khá hơn không.
- Ừ phải, anh thích.


Lành thò tay xuống  gầm giường lấy cái phone, ông Hai thấy vậy người giận run lên.
- Em định làm gì vậy, cái phone này của ai, ở đâu em có cái phone này.
Ông Hai định nhào tới giật cái phone, em định chụp ảnh nóng của anh phải không ?
- Anh ơi bớt giận, để em nói. Đại gia người ta mới sợ có người tung ảnh nóng lên mạng  khống chế. Chớ còn ảnh nóng của anh và em bốt lên phây thì chỉ hai đứa mình thôi nhé ...hốt đá mấy ngày cũng chưa hết.

- Phi vụ đến đây coi như là xong. Mặc đồ vô đi nói chuyện đàng hoàng.
- Dạ, anh bớt nóng, em sợ nhất là nhìn một người đàn ông lúc nổi giận.

Ông Hai mặc quần áo rồi bước đến bàn lấy nước uống, nhìn ra bên ngoài không nói gì. Lành ngồi im lặng, không hiểu sao tiệc vui chưa tàn lại xảy ra chuyện đáng tiếc.


Ông Hai bước đến ngồi cạnh bên Lành.
- Tôi sẽ trả tiền sòng phẳng như cam kết. Đừng bao giờ nhắc tới cái chuyện này nữa. Đã biết trước, cẩn thận dặn dò vậy mà cái thằng chết tiệt đó cũng để lọt cái phone.
- Dạ em cám ơn anh rất nhiều, anh rất tốt.
- Từ giờ gọi tôi là chú, đừng bao giờ gọi chú bằng anh.
- Dạ chú, chú đừng trách anh Tâm Tư tội nghiệp ảnh. Ảnh có khám xét con kỹ càng.
- Khám sao để lọt cái phone vô đây.
- Dạ con có chỗ dấu.
- Dấu chỗ nào ?
- Chú ơi, trên thân thể người đàn bà có chỗ nào kín hơn chỗ kín.

Ông Hai đưa tay lên trời, thiệt chưa từng thấy. Ngày xưa, người đàn bà đẹp khêu gợi, trong quán ba hay vũ trường, mặc áo hở cổ, một tay cầm ly rượu, một tay thò vào ngực từ từ rút đồng bạc trong áo cọt xê bo cho anh bồi, mà phải đẹp mới làm như vậy. Còn thời bây giờ, cái phone chần dần như vậy mà cũng ...dấu được. Thiệt tình nghĩ không ra.


Thôi bỏ qua hết, coi như cái phi vụ này đã xong. Giải hạn được thì tốt, giải không được thì cũng thây kệ...mẹ. Con ma trong nhà tắm mày đâu rồi, sao nảy giờ có chuyện mày trốn mất dấu vậy hả con.
- Dạ con đây xin trình diện, con thấy cậu nổi giận sợ quá...chờ cậu bớt giận.

Từ trong góc phòng lù lù xuất hiện một con ma khác, thằng Tửng. Ông Hai nhìn thằng cháu, giỏi quá hé, ông con sê cu ry ty, ông làm ơn lập bảng báo cáo trình thượng cấp.

- Thưa chú, xin phép cho  con  nói trước. Lúc đầu con đánh giá chú là một người tử tế đàng hoàng. Có thể tin được. Sau con thấy chú với thằng cháu của chú hai người rù rì to to nhỏ nhỏ. Biết đâu được gián điệp gài độ. Con phải thủ một đường hạ cánh an toàn. Con nói con Lành dấu cái phone, có gì gọi con ứng cứu. Con đi lòng vòng bên ngoài sao không thấy bóng dáng thằng Tâm Tư. Bụng bắt đầu đặt dấu hỏi. Thôi chết mẹ rồi. Nó ở trong phòng với chú. Con Lành thấy nó thập thò trong nhà tắm sợ điếng hồn, thừa lúc chú vô đó bàn tính điều gì với nó, lén mở cửa cho con vô.
Nảy giờ con làm con ma xó.

- Vậy là nảy giờ mày nghe hết, thấy hết.
- Dạ, lúc đầu giống như phim hài, lúc sau hết cười, cái lúc mà chú bước lại cửa sổ nhìn ra bên ngoài, thấy gương mặt chú buồn bã tội nghiệp. Con ứa nước mắt, biết chú không làm là tại chú không muốn chớ không phải chú không còn sức.


Mấy cháu ơi, thôi lỡ rồi, cũng may, chưa xảy ra điều gì. Quên hết đi, đừng nhớ cũng đừng nhắc. Lành đâu. Dạ. Chú còn ở nhà một mớ, gom lại đâu cũng cở  trăm triệu...  cho con hết. Coi như chú mua đứt cái đó của con, đừng đem đi bán nữa nhe. Dạ,  con hứa. Thôi, đừng khóc. Tâm Tư, dạ, mày biết tiền của cậu để đâu không. Dạ biết. Về nhà lấy hết dùm cậu, cậu ra quán nhậu ngồi chờ. Tự nhiên bữa nay thèm nhậu. Con ma xó có muốn đi theo không. Dạ muốn. Chú ơi cho Lành đi theo, cháu ăn mồi.

HẾT   -   THE END