Monday, July 27, 2015

BÀI THƠ KHÔNG ĐOẠN CUỐI



Lâm nói với tôi, mấy đứa tụi nó nói anh có viết truyện đăng báo, bút hiệu giòng sông. Tôi nói ủa sao tụi nó biết, tôi đâu có nói cho ai nghe. Mà Lâm có đọc truyện của tôi viết không.

Hắn trả lời bằng cái gật đầu. Tôi hỏi, có hay không. Hắn làm thinh. Tôi cụt hứng.
Nhưng tôi có hơi nghi ngờ khả năng đọc tiếng Việt của hắn quá.  Tôi hỏi lúc ở Việt Nam Lâm học lớp mấy. Hắn trả lời, vừa lên lớp chín thì sang đây. Tôi cười xoà, vậy thì đọc tiểu thuyết...hơi khó, Lâm có hiểu không. Hắn ngập ngừng, tôi có chút hối hận, nghĩ mình ăn nói có hơi quá đáng.

Tôi biết Lâm từ khi mới dọn về San Jose. Hắn có họ hàng với ông chủ nhà tôi ở trọ. Hắn sang Mỹ cùng gia đình, được một hội nhà thờ nào đó ở Oregan bảo trợ. 
Mỗi mùa hè, Lâm và mấy người  anh họ lái xe xuống miền Nam California . Trên đường đi, có ghé qua chỗ tôi ở chơi một vài hôm.

Tôi biết Lâm chỉ chừng ấy. Mỗi năm gặp hắn một lần. Hỏi một vài câu xã giao, rồi đường ai nấy đi. Thế giới của tụi hắn trẻ, thế giới của tôi già nua.

Hè năm nay Lâm xong bốn năm đại học, hắn dự định học tiếp cao học ở San Diego. Tôi nói có quen cô nào ở đó à. Hắn cười không đáp.

Mấy đứa rủ nhau đi uống cà phê. Minh đến gần tôi nói thằng Lâm mời anh đi nữa đó. Nó nói anh có vẻ hiền. Tôi trợn mắt, nhướng mày, Minh nói cái gì về tui với nó. Hắn trả lời bằng một trận cười giòn giã.

Lúc vào quán tôi ngồi cạnh Lâm. Dưới ánh đèn mờ mờ, tôi thấy hắn cũng khá thu hút. Gương mặt sáng sủa. Chiếc răng cửa bị mẻ một miếng. Tôi hỏi sao vậy. Lâm kể, hè năm trước đi tắm suối bị té trúng ghềnh đá. Chắc hôm nào rảnh, đi nha sĩ bọc lại.

Uống chưa được nửa ly cà phê, Minh đứng dậy rủ đi ăn khuya. Chúng tôi kéo nhau sang một nhà hàng Việt Nam ở gần đó. Lúc chờ thức ăn, Minh gọi điện thoại cho con bồ ở L.A. Ăn vừa xong Nó quyết định đi Los ngay trong đêm. Nó nói nhớ vợ quá trời. Tánh nó hay bốc đồng như vậy. Tôi lập lại, đi liền bây giờ hả.  Nó nói lái xe ban đêm thì khỏe chớ sao, sáng mai là gặp em rồi. 

Lâm hơi ngần ngừ, sau cùng hắn chọn ở lại. Hắn nói, mày có đi thì đi, tao ở lại chơi đêm nay.
Minh nói tui giao nó cho anh đêm nay đó nhe. Tôi khoát tay, thôi đi lẹ đi ông thần.  Lái xe cẩn thận, khi nào buồn ngủ, ghé vào quán làm một ly cà phê đen. Hay là tấp vô lề ngủ năm mười phút rồi hãy đi tiếp. Minh vỗ ngực, tài xế chuyên đi xuyên bang. Lái xe năm năm chưa hề bị ticket. Lâm nói thôi đừng nổ, mai tao xuống gặp sau.

Tôi đi chung xe với Lâm về nhà. Hắn nói, biết anh đã lâu, hôm nay mới có dịp nói chuyện nhiều. Em thích người nào hiền như anh. Năm nay anh mấy tuổi rồi. 

Tôi không đáp. Tôi không muốn nói cho hắn biết. Tự dưng tôi cảm thấy mình già quá. Tôi muốn gần gũi với hắn hơn. Lâm lập lại anh mấy tuổi . Tôi cười già khù khú đế rồi. Lâm nhìn tôi, thấy anh cũng còn trẻ.

Tôi phụ Lâm xách mấy cái túi vào nhà. Tôi hỏi muốn ngủ trong phòng anh hay ngoài sofa. Lâm ngần ngừ. Tôi nói hay là ngủ với anh, tối nay mình nói chuyện chơi. Hắn đồng ý, cũng được.

Tôi hỏi Lâm có buồn ngủ lắm không.  Nghe nhạc một chút nhe. Hắn hỏi có bài gì mới không. Tôi nói thích bài hát này. Cứ mỗi lần nghe thấy buồn buồn. Hai chị em tóc bạc như nhau.

Lâm nhìn tôi, một chập sau hắn hỏi, sao anh không lấy vợ.

Nếu là một người khác, tôi sẽ nói quanh co hoặc tôi không trả lời. Nhưng với Lâm tự nhiên tôi thích nói thật. Tôi không thích đàn bà. 
Lâm nhìn tôi, em biết, thằng Minh nói với em như vậy. Tôi chau mày, nó nói như vậy hả, thằng quỷ.

Lâm bước đến bàn viết, cầm bản thảo bài thơ tôi làm dở đang. Bài thơ không đoạn cuối.

Lâm nói mai mốt có viết truyện đừng xưng tôi, đừng dùng ngôi thứ nhất. Cái miệng hắn có duyên quá. Tự dưng tôi thích hắn ghê. Tôi có cảm tưởng hắn hiểu mình phần nào. Lâm nói lúc đọc truyện của anh, em nghĩ anh đang nói thật. 
Tôi bật cười, và em mắc cỡ dùm anh phải không.

Lâm thay đồ leo lên giường nằm. Hắn tự nhiên chỉ mặc xì líp. Nằm sát bên hắn, tôi biết đêm nay mình sẽ phạm tội. 

Tôi để nhạc nho nhỏ.

Đời ... Là một giòng sông, ta trôi như con thuyền.
Đời vỗ mạn thuyền, nên sóng xô tan cuộc bình yên.
Đò dẫu nặng nề trôi mấy trôi ... Cũng về một nơi.

Tôi cố tự chế nhưng không cưỡng được. Sau cùng đưa tay vuốt nhẹ lưng Lâm. Hắn nằm im. Tôi đi xa hơn, mân mê vùng bụng của hắn. Hơi thở của hắn bỗng trở nên dồn dập. Tôi dùng môi đùa nghịch trên đầu vú của hắn. Đôi vú se cứng lại. Lâm hưởng ứng. Nó ôm cứng lấy tôi. 
Tôi quá sung sướng, người rung lên từng chập.

 Lâm vào phòng tắm trước, tôi tắm sau. Lúc trở ra, tôi bắt gặp hắn đang hút cần sa. Lâm có vẻ hơi ngượng. Nó dụi điếu thuốc. Em ít khi hút, đâu có ghiền. Bữa nay hứng lắm mới làm một điếu.

Lâm nhìn tôi, giọng nói có vẻ tha thiết. Khi biết em hút cần, anh có thấy là em khác hơn lúc trước không.

Cả hai đứa nằm im. Tôi áp mặt vào nách của hắn. Tôi thích ngửi mùi da thịt đàn ông.
Tôi như đắm chìm trong cơn mê lạc thú.

Văng vẳng tiếng hát nho nhỏ.

Cuộc đời là giòng sông
Ta trôi như con đò
Đò dọc đò ngang trôi trên con sông tình
Sông tình ngược xuôi quen nhấp nhô theo cơn sóng yêu
Đò cắm bờ này thương bến kia
Thấy mình quạnh hiu.

Tôi thức giấc lúc trời hừng sáng. Lâm còn ngủ. Tôi âm thầm quan sát hắn. Những sợi lông măng trên ngực rất dễ thương. Một nốt ruồi nhỏ dưới cằm. Một vết sẹo nhỏ gần háng. Có lẽ do giải phẩu ruột thừa. 

Tôi áp mặt vào nách của Lâm. Tôi hôn vào gáy của hắn. Buổi sáng sớm, người hắn tỏa một mùi thơm thoang thoảng thật quyến rũ.

Lâm bước vào phòng tắm, tôi đứng phía sau vuốt ve khi hắn rửa mặt. Tôi hỏi hắn có phải homosexual không. Hắn nói ớ ờ.
Tôi cũng nghĩ vậy. Và tôi cũng đoán chuyện này sẽ không tái diễn. 

Lâm mặc quần áo và muốn đi ngay xuống L.A. Tôi tiễn hắn ra xe, Lâm nói cám ơn. Lòng tôi lâng lâng một cảm giác khó tả.

Tôi trở vào phòng, lòng chợt buồn, buồn một cách lạ lùng. Trong đời tôi, chưa có ai đem đến cho tôi một cảm giác ngây ngất tuyệt vời như vậy. Tôi bỗng dưng thấy mê Lâm quá. Nhưng tôi không hy vọng được ngủ với hắn thêm một lần nữa.

Tôi bước đến cửa sổ nhìn ra ngoài. Từ cửa sổ phòng tôi sẽ nhìn thấy lối vào xa lộ 101. Có nhiều buổi sáng sớm, nhiều buổi chiều sẫm tối, tôi hay ngồi nơi đây ngắm người ta nối đuôi để được vào con đường kẹt xe  quanh năm suốt tháng này.

Tôi chợt thấy Lâm cũng đang chờ để tiến vào xa lộ. Hắn mang kính đen. Trông trẻ trung và thu hút chẳng khác chi một tài tử xi nê. Tôi vẫy tay cố chào. Nhưng Lâm không nhìn ngoảnh lại, nơi mà hắn  đã vung vãi một mùi hương.
Tôi cũng biết, không riêng gì hắn, rất nhiều người ngủ với tôi một đêm, một đêm thôi. Rồi ra đi không bao giờ trở lại. 

Lúc đầu tôi buồn lắm, nhưng dần dần quen đi. Mặc dầu tôi không biết nguyên do tại đâu.

Đêm hôm qua, lúc đưa Lâm về nhà, tôi sơ ý tiến vào con đường ngược chiều. Lúc nhìn bảng đỏ, với hàng chữ  DO NOT ENTER, WRONG WAY  tôi và Lâm cùng cười vang. Giờ nhớ lại thấy buồn buồn. 

Lâm từ từ tiến vào xa lộ. Tôi vẫy tay. Mong hắn nhìn ngoái lại.

Tôi bước đến bàn viết, đọc lại bài thơ làm dở dang. Bài thơ không đoạn cuối. Tôi nhớ lời Lâm căn dặn. Mai mốt viết truyện ngắn, đừng dùng ngôi thứ nhất, đừng xưng tôi.




NGÔ HƯƠNG GIANG
1989



--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Lời bài hát trong truyện... Đò Dọc. 







Saturday, July 25, 2015

NGƯỜI ĐÀN BÀ TUỔI NGỌ


Ý Ngôn


Mình tuổi Ngọ mà tánh tình cũng ngựa, cho nên lúc còn trẻ ưa bị quở là "con ngựa bà".
Người ta thường nói, hễ chơi với nhau thì giống nhau. Điều này có lẽ đúng, nhìn đi nhìn lại bạn bè  của mình hầu hết đều có bổn mạng "ngựa".

Trong số đám bạn ấy mình chơi thân nhất với con Hằng. Một phần mình với nó có bà con. Chẳng biết  mối liên hệ dây mơ rễ má như thế nào, đại khái, mình gọi ba nó bằng bác, mặc dầu ba nó nhỏ tuổi  hơn ba mình nhiều.
Nhà hai đứa gần nhau, lại cùng một tuổi, học chung trường. Khi xưa mình với nó từng là một cặp bài trùng. Tuy cùng tuổi nhưng Hằng lớn hơn mình tám tháng. Nó sanh đầu năm, còn mình ra đời lúc gần Tết. Má Hằng có thai vào năm Tỵ, đầu năm Ngọ thì sanh nó. Cho nên bà con lối xóm thường nói, nó tuy là con Ngựa, nhưng ngựa bộ da, còn xương cốt là con rắn.
Má mình mang thai đầu năm Ngọ, cuối năm thì đẻ . Cho nên mình là con Ngựa trọn bì trọn cốt. Bề ngoài dáng vẻ "Ngựa" mà lòng dạ cũng "Ngựa" luôn.
 
Nhỏ Hằng có tánh "ngựa" nỗi. Còn mình "ngựa" ngầm ngầm. Nhớ thuở mới lớn, mười ba mười bốn gì đó, hai đứa đã trổ mã, đã có vẻ con gái, đã có vẻ thiếu nữ đẹp đẹp rồi. Lúc đó mình chưa biết yêu. Không biết nhỏ Hằng biết chưa, nhưng hai đứa chưa có bồ. Chỉ mới bắt đầu biết xí xọn.
                     
Đầu tiên nhất là xí xọn quần áo. Nhà chẳng khá giả gì mấy, quần áo đâu có bao nhiêu, bà Hằng thì cứ sáng một bộ, chiều một bộ. Quần áo của ai trong nhà cũng bị bả mượn mặc lấy le. Con nhỏ có tật ham đồ mới. Nó mê quần áo chi lạ.
Thứ nhì là xí xọn son phấn, ngày nào hai đứa cũng lén lấy mỹ phẩm của bà già trang điểm. Nhưng lúc ấy còn nhỏ lắm, chưa dám mang bộ mặt đào hát đi ra đường.
Thứ ba là xí xọn mê trai. Cả hai đứa đều có tật mê trai. Thành ra cứ bị hàng xóm rủa đồ "ngựa".  Thiệt là vô lý. Đàn bà con gái, không mê trai thì mê ai bây giờ.

Hằng lúc còn trẻ rất sôi nổi, rất bạo. Hễ nó chịu ai rồi, là phải cua cho bằng được. Tánh nó bạo lắm mà nhiều đam mê. Nên hễ yêu thì cứ việc yêu. Cho rất nhiều và cho ... tất cả.
Hồi tụi này học lớp chín, lúc ấy đâu khoảng mười lăm. Cô nàng Hằng khoái anh trai con Kim Chi học cùng lớp. Chiều nào nàng cũng rủ mình qua nhà Kim Chi chơi. Lúc ấy mình thiệt là khờ, đâu biết nó đá lông nheo với người ta. Tụi này xúm nhau đùa giỡn trước sân nhà. Anh Kim Chi và một lũ bạn trai ngồi địa. Chị Hằng bộ ngực to tổ chảng, làm bộ nhún nha nhún nhảy. Mỗi lần bả nhảy dây, cặp ngực cứ lắc lư theo nhịp điệu nhảy. Áo rộng cổ, tụi con trai ngồi nhìn ... Cặp mắt hau háu.
Vậy mà mình ngu ơi là ngu. Sau này lớn lên mới biết.
 
Nhỏ Hằng có tánh ...lẳng. Gặp ai bả cũng liếc mắt đưa tình. Nói chuyện thì ngọt sớt. Ai bả cũng xưng em. Đàn ông tuổi xồn xồn...cứ thích kêu anh, anh ơi.
Nói cho ngay, nhờ tánh ỏng ẹo đẩy đưa đó mà Hằng làm được nhiều việc. Lo giấy tờ, đi chỗ này chỗ kia, hễ có nó là êm ru. Chuyện khó cũng thành dễ., trở ngại nào rồi cũng giải quyết được. Nghĩ cho cùng, trên đời này đàn ông nào mà không có tánh dê.
                 
Mình thì khác Hằng, tánh ngựa của mình ngầm ngầm, chớ không ồn ào như cô nàng. Một khuyết điểm lớn là mình chỉ thích ... trai đẹp. Hê hê. Còn hơi xấu xấu, quê quê thì mình ...ngó lơ.
Mà tánh của mình cũng thiệt kỳ. Hễ ai mình ưa, thì tình cho không biếu không. Còn người nào mình không thích, cho vàng mình cũng không thèm.
Có một điểm khác nữa giữa Hằng và mình, là nó hay lo âu cho tương lai. Nó cũng đẹp chớ có xấu xa gì cho cam, vậy mà lúc nào cũng sợ cảnh phòng không gối chiếc. Chắc tại thời buổi chiến tranh, trai thiếu gái thừa.
Cuộc đời bả hình như lúc nào cũng phải có đàn ông. Làm như thể thiếu đàn ông sống không được.

Học hành thì dở, lúc nào cũng có người dạy kèm, toàn bạn trai. Bài thi nhỏ điểm, thế nào cũng ỏng ẹo với mấy ông thầy. Rằng thế này thế kia. Hình như nó thích như vậy. Thích nhõng nhẽo với đàn ông. Và thích được đàn ông chìu chuộng.
Nhỏ Hằng lại có tánh bắt địa. Hễ ai lỡ dại si mê nó. Nó cạo sát ván. Điều tức cười nhất, có nhiều anh chàng bị Hằng lợi dụng, mà cứ ngây thơ thương nhớ. Đôi lúc tội nghiệp nó ... vậy mới chết.

Học thì dở nhưng đi thi là đậu. Đó mới tài. Bí quyết của Hằng, thứ nhất cọp dê, thứ hai đánh bùa, thứ ba nhờ người ta chỉ. Người ta ở đây là mấy anh trai ngồi gần.
Có một kỷ niệm rất vui hồi mình thi tốt nghiệp phổ thông. Hồi đó tụi học sinh quê mình, phải đến thành phố lớn, nơi đó mới có Hội Đồng Khảo Thí.
Năm đó, mình , Hằng và một chị bạn học cùng lớp, chị Lệ, ở trọ nhà bác của chị, xóm Cầu Kinh.
Bác chị Lệ khá lớn tuổi, nhưng trông khỏe mạnh. Người cao lớn. Bác họ không phải bác ruột. Không biết vợ con bác ở đâu, chỉ thấy bác ở một mình, trông coi khu vườn có nhiều cây ăn trái.
             
Học trò đi thi thì mười đứa như một. Học cắm đầu cắm cổ, học cho đến lúc sắp sửa vào phòng thi, vẫn còn ôm quyển vở lai nhai, lép nhép.
Một buổi tối lúc mình đang ngồi ôn bài, bác chị Lệ đến gần hỏi chuyện. Bác hỏi vòng vo, con cái nhà ai, cha mẹ làm nghề gì, có chỗ nào ngấm nghé chưa. Mình nghĩ bụng chắc con trai bác đang đến tuổi...đòi vợ. Xong, bác bảo mình đưa bàn tay bác xem.
Mình vô tình, tưởng bác biết xem bói. Bác xem bói kiểu gì mà cứ nắm bàn tay mình vuốt. Vuốt nhè nhẹ lòng bàn, rồi vuốt nhè nhẹ mu bàn tay. Rồi bác bóp bóp bàn tay, bác bóp một hồi mình nỗi da gà. Tìm cách tháo lui. Dạ thưa bác, cháu phải đi ngủ, ngày mai còn phải đi thi.
Mình thấy thái độ của bác chị Lệ có vẻ hơi kỳ kỳ. Nhưng nín trong bụng không dám nói.
Ngày cuối cùng, sau khi thi xong các môn chánh, chỉ còn một môn nhiệm ý không quan trọng, và nhất là đứa nào làm bài cũng được. Ba đứa tụi này hí hửng dẫn nhau đi ăn chè trên phố nhà lồng chợ.
Trên đường về nhà, mình đem cái chuyện coi bói của ông bác ra hỏi nhỏ Hằng.
"Ê Hằng, nghe nói bác chị Lệ biết coi bói, ổng có coi cho bồ chưa".  Nhỏ Hằng vẻ mặt cười cười. "Chớ bộ ông bác xem bói cho bà rồi phải không".
Mình đoán nó cũng bị ông bác này vuốt vuốt bàn tay, chắc chị Lệ cũng bị luôn. Mình hỏi
Chị Lệ, chớ bộ bác chị có tật hay coi tay con gái lắm phải không. Chị Lệ cười lỏn lẻn. "Bữa nào nấu cơm cũng bị ông già sờ đít".
Mình nói tại chị cứ chỗng mông thổi lửa. Nhà có ba đứa con gái, đứa thì ngực bự, đứa thì mông bự. Hỏi sao ông già không động lòng tà.
Ba đứa ôm nhau cười vỡ bụng, cười ầm ầm ... Không nhớ là đang đi trên phố đông người.

Nhưng cuộc đời tình ái của Hằng chỉ sôi nổi lúc còn trẻ. Sau khi thất tình vài ba mối, nó lấy chồng
Từ khi nó lập gia đình, chúng mình không còn dịp gặp nhau nữa. Nhất là kể từ sau năm 1975, mạnh ai nấy lo.
Mình với nó đi vượt biên khoảng cùng một thời gian. Vậy mà cũng chẳng tìm cách liên lạc nhau. Nó có gia đình con cái lùm đùm. Đời sống lúc mới qua Mỹ chắc cũng khó khăn.
Mình được một hội nhà thờ bảo trợ, cho về định cư tại một thành phố nhỏ miền Trung Tây Hoa Kỳ.
Lúc ấy mình buồn và cảm thấy cô đơn lắm lắm.
           
Trong lúc đang bơ vơ thì có một người đàn ông tìm đến. Ông này qua đây mấy năm trước, có nghề nghiệp vững chắc, và trong nhà bank có chút đỉnh tiền rủng rỉnh.
Chắc cha này hồi nào tới giờ chưa có bồ, hoặc là ổng thiếu nợ mình từ đời kiếp nào. Vừa gặp mình là ổng nhào vô liền. Dâng tiền cho mình xài, tự động xách xe đưa đón, đi đây đi đó. Tự động mua sắm cho mình đủ thứ.
Anh Hai, người đàn ông này tên Hai, đến với mình thật đúng lúc.
Tánh mình lại hảo ngọt, người ta mua sắm cho mình thứ gì, mình tự nhiên lấy. Không lấy ... Sợ người ta buồn. Mình tuy nghèo, nhưng hồi nào tới giờ có tật xài sang và thích đồ ăn ngon. Cuối tuần thích nhất là đi mua sắm và ăn nhà hàng. Anh Hai là người đàn ông ga lăng chưa từng thấy. Hễ mình muốn một thì ổng sắm hai, ổng chìu mình từng ly từng tý.
Mà cái thuở đó mình cũng còn khờ. Cứ tưởng là ổng giàu có lắm. Cứ mua sắm thả giàn. Được một chập thì tiền trong ngân hàng đã cạn. Ba cái thẻ tín dụng thì đầy ấp hết chỗ để cà.
Lúc ấy, mình cũng quen biết nhiều, bắt đầu đi chơi với người này người nọ. Nhưng không cặp bồ với ai cả.
Anh Hai lại dở chứng ghen. Một buổi tối bắt gặp mình đi nhảy đầm với người khác, ổng nổi cơn khùng. Mình vừa về đến nhà là ổng xông vào ngay. Ông ta bắt đầu kể lể, nào là mình sẽ không bao giờ tìm được người nào khác như ổng. Nào là, mình nên suy nghĩ lại, đừng học thói đua đòi, đừng học thói phản bội.
Sau cùng ổng nói có bao nhiêu tiền mình đều xài hết. Trời đất.

"Bắt thang lên hỏi ông trời.
Mất tiền cho gái có đòi được không"

Để dứt khoát, tránh lằng nhằng về sau, mình ôm đống quần áo ổng mua cho ...trả lại ổng. Và tất cả những món khác, tivi, quạt máy, son phấn, nữ trang, vàng vòng. Tất cả.
Ông ta cầm từng cái áo, từng cái quần lên ngắm nghía. Thình lình ổng lấy tay xé, xé không đứt, ổng chạy tìm con dao mà đâm. Đâm tình nhân không được. Đâm quần áo tình nhân cho đỡ tức.
Mấy tháng sau đó ổng đi cưới vợ. Cũng mừng cho ổng. Mình thì âm thầm dọn về California.
Trước khi đi, mình sang chơi với Hằng vài bữa.
       
Gia đình Hằng cư ngụ tại một thành phố nhỏ miền núi. Cuộc sống êm đềm, không bon chen.
Lâu ngày, hai chị em gặp nhau mừng quá. Tối nào cũng nói chuyện tâm tình. Hằng khuyên mình nên lập gia đình. Đã đến lúc phải dừng lại và quyết định. Cuộc đời không giống như trong tiểu thuyết. Mà nó cũng tương đối, không bao giờ thỏa mãn hết điều người ta mong muốn.
Lời nó khuyên cũng đúng, ngày xưa từng là một con ngựa bà, giờ ăn nói như một cô giáo. Mình bỗng nói một câu hài hước, "chắc tại tui là một con ngựa trọn bì trọn cốt".

Lúc vợ chồng Hằng đi làm, ở nhà một mình chẳng biết làm gì, mình thường  lên ngôi chùa Việt Nam ở gần đó để giải sầu.
Tưởng là lên chùa sẽ tránh được điều trần  tục, dè đâu nơi đây lại gặp một người đàn ông. Lúc đầu, mình chẳng nghĩ gì, bởi đây là chốn chùa chiền. Sau một vài lần chuyện trò, tự nhiên mình thấy thích người ta quá đi mất.
Chàng rất đẹp trai, mũi cao, trán rộng, mắt sáng, môi son. Người cân đối. Chàng đẹp như một người mẫu thời trang.
Ngày nào mình cũng lên chùa. Ở đó từ sáng cho tới tối. Buổi chiều lúc về nhà, con nhỏ Hằng châm chọc. "Sao, hôm nay Thị Mầu có gặp người ta không". Mình cười khoái trong bụng. "Người ta lên chùa làm công quả, chớ đâu có đi tu. Chàng ăn mặn".
Hằng làm bộ kinh ngạc, chàng ăn mặn hả, chàng ăn mặn hả. Hai đứa cười  khúc khích.

Buổi sáng chúa nhật, Hằng và chồng dẫn hai con lên chùa cúng Phật. Mình quảng cáo, trên chùa có lớp dạy tiếng Việt, khuyên Hằng nên cho hai đứa con lên học. Sẵn dịp nầy mình sẽ giới thiệu cho Hằng biết "người ta".
Chàng đang cuốc đất trồng cây, xung quanh là một lũ nhóc tì Phật tử. Mình chỉ Hằng, đó, người ta đó. Người ta đó.
Nhỏ Hằng ôm bụng cười  như điên như khùng. Nó nói nhỏ, xui cho bà quá. Người ta không thích...đàn bà.

Mình không buồn khi biết điều đó. Nhưng cái kiểu cười của con nhỏ Hằng, làm mình quê một cục.



---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Truyện ngắn này, mình viết lâu lắm rồi. Đăng lần đầu tiên trên VĂN, dưới nhan đề Con Ngựa Bà.
Hôm nay đem ra chỉnh sửa, cắt bỏ (phần lớn). Post lên blog, để dành...làm của  ( !!!) xin đừng cười.


Tuesday, July 21, 2015

NGÀY THÁNG CUỐI ĐỜI

Thuở mới lớn, chị tôi được nhiều người khen đẹp. Đẹp cỡ như chị thì còn ước mong gì hơn. Nhưng nếu gương mặt của chị sửa đổi một chút, vóc mình chị liền lạc hơn một chút, chị sẽ đẹp như một người mẫu.
Kể về tài năng thì chị cũng không đến đỗi tầm thường. Dầu chị học không giỏi, nhưng bù lại chị có một giọng hát rất truyền cảm, đôi lúc quấn quít một âm hưởng man mác buồn. Ngày xưa, cứ mỗi lần sắp đến tết, thế nào chị cũng được bạn học cùng lớp yêu cầu hát một bài.
Chị hát cổ nhạc cũng được, giọng trầm buồn tờ tợ nghệ sĩ Mỹ Châu. Tiếc thay người nghệ sĩ hát càng lâu càng hay. Màn một hay ít ít, càng về khuya, càng mệt, diễn xuất tài tình, tiếng hát vang lộng. Còn chị tôi, mới cất giọng, chẳng khác chi một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nhưng đến bài thứ nhì hơi như muốn hết. Cái truyền cảm ban đầu trốn đâu mất tiêu.
Đành là vậy. Nhưng có được giọng hát như chị cũng còn hơn không. Hát giúp vui trong những dịp hội hè đình đám. Hát lúc buồn hát khi vui. Hát cho bồ mình nghe, hát cho riêng mình.

Tôi có hơi dài dòng quá chăng. Ý tôi muốn nói, chị tôi đẹp thì cũng là người đẹp, tài năng cũng có chớ không đến nỗi tầm thường. Nhưng cớ sao cuộc đời của chị không được suôn sẻ, không được xứng ý toại lòng.Tôi thường nghĩ, đáng ra chị phải có chồng con bình thường như mọi người. Nhưng cớ sao, cho đến cuối cuộc đời, chị vẫn phải chịu một đời sống hẫm hiu.

Tôi không có câu trả lời. Nhiều lúc nghĩ rằng tại chị hơi xui xẻo. Một chút thôi. Chỉ một chút mà ảnh hưởng đến cả cuộc đời.

Chị tôi lớn hơn tôi bốn tuổi. Tánh tình hai chị em không giống nhau mấy. Lúc còn nhỏ, đôi khi chơi với nhau thuận thảo, đôi lúc cãi lẫy khóc la. Chị tôi chơi với tôi nhiều nhất là khoảng thời gian cha tôi đổi về làm việc tại thành phố Long Xuyên. Thuở ấy tôi lên chín và học lớp ba tiểu học.

Nhà tôi ở vùng nửa chợ nửa quê. Nghĩa là bước ra phố chợ không xa mấy, mà đến ruộng nương đồng án cũng gần. Dạo ấy, tôi không ham học, mà chỉ ham mò cua bắt ốc. Tôi thường trốn cha mẹ theo lũ trẻ hàng xóm ra mấy con rạch nhỏ gần bờ ruộng bắt cá bắt cua. Thỉnh thoảng chị cũng ham vui đòi đi theo. Hai chị em lội xuống ruộng mình mẩy quần áo dính đầy bùn.
Tôi thường không thích chị đi theo, vì hay bị cha mẹ la rầy. Một mình tôi dễ hơn, chị theo năn nỉ, cho chị đi với em, cho chị đi với em.

Cha tôi có sắm một cái chài, hôm nào rãnh rỗi, người đi dọc theo con rạch nhỏ gần nhà, thảy chài kiếm thêm ít cá lụn vụn. Hai chị em tôi thường đi theo. Cha tôi ngụp lặn dưới sông, chị và tôi ôm cái thùng nhỏ chạy lăng xăng trên bờ.
Cũng như mấy đứa con nít cùng xóm, đứa nào cũng thích tắm sông, đùa nghịch lội như ráy. Khoảng mười tuổi là tôi đã biết lội giỏi. Thỉnh thoảng chị tôi đi theo tắm sông...để tập lội. Không có phao, chị tôi vịn chân cầu, hai chân đập nước bì bõm.
Tôi còn nhớ, có một hôm chị vuột tay chìm xuống nước. Tôi không biết, mãi lo đùa với lũ bạn, chừng ngó lại, thấy chị đang quơ quào chới với. May thay, chị trồi lên được, nắm thành cầu chị cố gắng bước lên bờ. Chắc chị uống một bụng nước sông.
Chị ngồi cú rũ trên bờ, quần áo ướt nhem, tóc tai ướt nhem. Gương mặt phảng phất buồn, chứa một ít hờn dỗi.

Vài năm sau, chị tôi trổ mã, đã là một cô thiếu nữ, không còn theo tôi chơi đùa với lũ trẻ cùng xóm.
Chị rất thích hát, ngay cả lúc tắm. Chị cũng rất mê thơ. Chị dùng giấy pelure màu xanh, màu hồng kết thành tập để chép thơ.
Một hôm lúc chị đứng tựa cửa sổ, tôi bèn biểu diễn hai câu thơ mới vừa học được từ một đứa bạn cùng lớp:

"Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói.
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì."

Chị tôi kinh ngạc, em học hai câu thơ đó ở đâu. Làm sao em biết được hai câu thơ đó. Tôi khoái chí cười vang. Làm như mình cũng chứa cả một bồ thơ trong bụng. Vì thật ra lúc đó tôi cũng còn trẻ lắm, chỉ khoảng mười hai mười ba.

Tôi không biết nhiều về đời sống  tình cảm của chị. Đại khái tôi biết người yêu đầu tiên của chị là anh Tuấn. Chị quen anh khi học lớp đệ tứ. Sau này khi gia đình chúng tôi dọn về thành phố khác, hai người cũng còn liên lạc. Thư từ qua lại, chị cất kỹ, để dành đựng đầy hộp bánh biscuit.
Mỗi hè, anh Tuấn đều đến thăm chị. Hai người quấn quít không rời, có lúc tôi tưởng đám cưới sắp đến nơi. Nhưng sau này, anh Tuấn đi cưới một người khác. Tôi không hiểu tại sao mà cũng không nghe chị nhắc tới. Nhưng tôi biết chị buồn, rất buồn, dù chị dấu nỗi buồn ấy tận đáy lòng.

Chị tôi học không giỏi, thi tú tài ba keo mới đậu. Sau đó chị thi vào trường sư phạm, làm cô giáo dạy con nít cấp một.
Chị tôi có tánh hơi lo. Ngày nào cũng dạy học trò có bao nhiêu đó, vậy mà lúc nào cũng thấy chị soạn bài, chấm bài. Đi dạy học mấy năm, mà chị cũng còn nhát.
Một hôm, nhà trường có tổ chức một buổi hội thảo giáo dục, chị được đề cử dạy mẫu. Phải dạy học trò trước sự quan sát của các đồng nghiệp từ nhiều trường khác tụ về, chị tôi lo sốt vó.

Hôm ấy chị dạy về đề tài cái trứng vịt. Để có một thí dụ cụ thể, chị nhờ tôi mua một quả trứng. Khi dạy, chị sẽ đập quả trứng ra để chỉ học trò lòng trắng lòng đỏ. Tôi hư quá, mua nhằm trứng vịt thúi.
Học trò cười rần rần cả lớp. Chị tôi ngượng ngùng, tay chân lóng cóng không nói nên lời.
Tôi nghĩ thế nào cũng bị chị trách móc. Nhưng không, lúc kể lại chị cười hồn nhiên.

Có một hôm, nhân lúc rãnh rỗi, tôi nói chị để tôi chấm luận văn dùm cho. Dưới mắt tôi, tụi học trò nhỏ làm luận dở quá. Bài nào cũng dở, tôi đều cho điểm dưới trung bình. Có bao nhiêu chữ nghĩa, ngày xưa thầy cô gán cho tôi, giờ tôi đem học trò của chị trả lại.
Nào là ý tạm được, nhưng lời văn không suôn. Nào là, nên để ý chấm phết. Hoặc là ý nghèo nàn, sai lỗi chánh tả nhiều quá. Thậm chí, đứa nào viết chữ hơi dối, cũng bị tôi chê viết chữ xấu quá.
Mấy tuần sau, tôi mon men lại gần nói chị để em chấm luận văn dùm cho.
Chị tôi nói. Thôi, học trò nhỏ nó ham điểm, em cho đứa nào cũng dưới trung bình. Toàn là chê, chẳng thấy khen để khuyến khích. Em chấm bài, mắc công chị sửa lại, cũng như không.
Tôi cười dòn. À ra thế.

Năm chị tôi hai mươi bốn tuổi, có một đám đến dạm hỏi. Cha mẹ tôi bằng lòng chỗ này. Và chắc thấy chị cũng khá lớn tuổi, cha mẹ khuyên chị nên lập gia đình.
Cha tôi dùng lời lẽ hơn thiệt phân tách. Mẹ dùng lời ngon, tiếng ngọt khuyên chị nên thuận lòng. Lời lẽ ông bà rất tha thiết. Chị làm thinh không nói, hai giọt nước mắt từ từ rơi xuống má. Chị khóc. Cha mẹ tôi thôi, không nỡ ép duyên.

Năm 1974 chị có thương anh Hoàng, một bạn đồng nghiệp dạy cùng trường. Hai người chuẩn bị làm đám cưới. Đùng một cái, cộng sản chiếm miền nam. Những ngày sau cùng của tháng tư năm 75, chị và gia đình anh Hoàng ở Saigon chờ di tản ra ngoại quốc. Định mệnh có hơi ác nghiệt, chị vừa về quê lấy thêm một ít giấy tờ và sẵn dịp từ giã cha mẹ, thì đúng lúc cộng sản ùa vào. Anh Hoàng buộc lòng ra đi một mình. Chị ở lại với niềm hối tiếc. Lâu lâu, nghe chị tự an ủi, tại số phần như vậy.

Lúc mới sang Mỹ, anh Hoàng có liên lạc với chị bằng thư từ. Lâu lâu có gởi một ít quà. Nhưng sau đó thư từ thưa dần mà quà cáp cũng chẳng thấy. Rồi biệt tin. Mọi người đều nghĩ anh Hoàng đã lấy vợ. Chị tôi có hơi buồn nhưng không trách.
Chắc rồi chị cũng lại tự an ủi, tại phần số như vậy.

Mùa hè năm 1995 chị và mẹ tôi đến Mỹ theo diện di dân. Chị trông già hơn nhiều so với tuổi năm mươi. Tóc bạc lấm tấm. Cha tôi qua đời mấy năm trước đó.
Mẹ tôi kể như an phận, vui hưởng tuổi già với con cháu thêm một thời gian. Chỉ tội cho chị, ở vào cái tuổi lỡ cỡ này, không chồng con, hội nhập vào đời sống mới...chắc phải cần thời gian.

Có lẽ do đời sống khó khăn kéo dài, chị nay có tánh hơi lo. Nắng thì sợ hạn, mưa nhiều sợ lụt. Không dám ăn tiêu phung phí vì sợ mai mốt không có gì mà ăn. Thậm chí không dám mở nhạc lớn tiếng vì sợ làm phiền hàng xóm. Chị lại  hơi nhát, ra đường xe cộ dập dìu...chị sợ. Để lái xe đi đây đi đó, chắc còn hơi lâu. Tôi tập chị đi xe bus.
Tôi nghĩ rồi từ từ mọi việc cũng đâu vào đó. Ở xứ này, ai cũng có việc làm, ai cũng lái xe được.
Phải sống nhờ vào em út, hình như chị có vẻ hơi ngại ngùng. Đôi lúc nhìn chị ăn không dám ăn, nói không dám nói, cũng tội.
Một buổi chiều trên đường từ sở làm về nhà, tôi thấy mẹ và chị từ trên xe bus bước xuống. Có lẽ họ đi chợ ở một siêu thị á đông gần đó. Khi bắt gặp hai bóng dáng gầy gầy của hai mẹ con đang dắt díu nhau băng qua đường đầy xe cộ, lòng tôi chợt buồn man mác.
Tôi nhớ có lần đọc trên báo, một người cha đã bắt đứa con trai của mình, hứa với ông ta rằng, sẽ nuôi người em gái mù loà của ông một mai khi ông qua đời.
Bất chợt, tôi bắt gặp một nỗi buồn phảng phất trên gương mặt của chị tôi. Một nỗi buồn từ đời não đời nao xa lơ xa lắc.

Tôi chợt ứa nước mắt thương cho chị. Cho đến những ngày tháng cuối đời, có một ước mơ hết sức nhỏ bé, hết sức tầm thường, mà vẫn không có được.


Ý NGÔN