Thursday, November 28, 2019

XẤU DÂY NHƯNG TỐT CỦ



Nguyễn Thạch Giang
 
Chiều thứ sáu mới vừa lãnh lương, tôi tắm rửa sạch sẽ mặc đồ đẹp xách xe đi... tìm vui. Cuộc đời ở xứ này vui nhứt là cuối tuần. Tôi ghé quán kiếm gì ăn dằn bụng, trước khi lao vào cuộc vui (có khi kéo dài tới sáng). Gặp chị Bạch Lê đang ngồi ăn một mình, tôi xáp lại ngồi chung tán láo cho vui.
   
Tôi quen chị Bạch Lê lâu rồi, chắc cũng hơn mười năm về trước, lúc đó chị mới vừa ly dị chồng, chị buồn đi chơi lang thang gặp tôi. Tôi với chị hạp tình hạp tánh hạp đủ thứ. Chị giống tôi ở chỗ sống hôm nào biết hôm đó, còn ngày mai... tính sau. Kiểu người mà dân ở đây nói là sống "from paycheck to paycheck". Tôi độc thân không nói làm chi, bà này có hai con vậy mà cũng "kệ", ly dị xong thằng con trai theo cha về ở với bà nội, đứa con gái theo mẹ về nhà ông bà ngoại, má chị nuôi con chị giùm, bà nói mày lông bông cái thân lo chưa xong, con nhỏ theo mày lớn lên có nước đi "móc bọc".
Chị Bạch Lê làm nail, nhà chị mấy anh em đều làm nail, má chị nói không có cái nghề nào dễ như làm nail, chỉ nội tiền tip ăn không hết. Mấy anh mấy chị của chị ai cũng có tiệm, chỉ mình chị là đi làm công. Chị làm đủ tiền xài là được rồi chớ không mong làm giàu làm có gì với ai. Chị của chị là chủ tiệm nên chị ỷ y, muốn làm thì làm muốn nghỉ thì nghỉ, vui làm, buồn... nghỉ đi chơi. Má chị nói, mày làm cho người ta chắc bị đuổi lâu rồi.
                       
Ăn xong tôi rủ chị Bạch Lê lên sòng bài chơi, mấy tuần nay tôi không có đi lên đó nên giờ thấy nhớ... ông tây bà đầm. Lúc trước tôi hay chơi xập xám bảy lá, giờ thì mê baccarat mau ăn mau thua. Chị Bạch Lê thì đánh poker 3 lá, chị mê bonus có khi hên đặt mười đồng trúng năm trăm. Đánh tới nửa đêm thì tôi với chị thua sạch túi, xui quá, lâu lắm mới tới sòng bài mà cũng còn... xui. Tôi rủ chị tới nhà anh Tình ngủ sáng về. Tôi gọi điện thoại cho anh Tình, anh okay, cửa nhà anh lúc nào cũng rộng mở. Anh sống với đứa con gái chừng mười sáu tuổi. Hai cha con ở trong căn nhà nhỏ hai phòng ngủ, vợ anh bỗng dưng mê người tình tóc vàng mắt xanh dẫn nhau đi về nơi xa lắm. Anh kể tôi nghe, anh nói anh năn nỉ chị hết lời mà chị vẫn bỏ đi... theo tiếng gọi của cái gì không biết.
Tôi mê cờ bạc, giờ thua hết tiền thấy đói bụng, anh luộc mì gói cho tôi và chị Bạch Lê ăn. Mì gói anh làm ngon hơn mì ngoài tiệm, anh để thêm chút giá, cho thêm hành, bò viên, thịt bằm, ngon hết biết. Tôi nói tôi và chị Bạch Lê ngủ trên ghế sofa, phiền anh cho mượn cái mền mỏng là được rồi. Anh hỏi hai người nằm ngủ như vậy có được không. Tôi nói được, ngủ tới sáng không hề có gì xảy ra. Chị Bạch Lê gõ đầu tôi, ai mà không biết mày là thái giám.
Thỉnh thoảng tôi cũng nằm ngủ trên ghế sofa, nhưng thường ngủ một mình, tối nay ngủ "hai mình". Hai người nằm xoay ngược đầu nhau, nghĩa là bàn chân của người này sẽ đưa ngay mặt của người kia. Mặc dù tôi không bị hôi chân, hôi mùi vớ nhưng cũng lịch sự đi rửa chân cho thơm trước khi ngủ. Tôi nhắc khéo chị Bạch Lê, chị nói chân tao thơm như vầy mà mày cũng bắt tao đi rửa.
                       
Nằm chút xíu là chị Bạch Lê ngáy khò khò, lần đầu  mới thấy đàn bà ngủ cũng ngáy. Tôi trằn trọc ngủ không được, không phải vì lạ nhà hay vì có người đàn bà nằm cạnh bên, chắc tại vì thua hết tiền, suy nghĩ không biết lấy gì xài hai tuần sắp tới đây. Anh Tình cũng khó ngủ rọ rạy suốt đêm, chút xíu là nghe anh đi vô nhà tắm, chút xíu là anh đi ra tủ lạnh rót sửa uống. Cha này già mà còn uống sửa. Đi ngang tò mò đưa mắt nhìn, chắc là hồi nào tới giờ anh chưa từng thấy trai gái nằm ngủ chung trên ghế sofa như thế này.
Buổi sáng thức dậy rủ nhau đi ăn. Anh Tình ghé vô quán "Phở 75" , tôi không chịu nói thôi mình vô quán "Phở 54" đi. Anh Tình ngạc nhiên:
- Ủa sao vậy? Lúc trước mày ca tụng quán này dữ lắm mà, mày từng làm ở đây phải không?
- Bữa trước tui đi ăn, ổng bả miệng lưỡi khen tui lúc rày thấy có vẻ bảnh bao hơn hồi đó. Tưởng sao, mình móc tiền trả ổng cũng lấy, chưa từng thấy ông chủ quán nào như cha này, ai đời, người làm cũ của mình tới ăn mà cũng thò tay lấy tiền.  
Anh Tình cười dòn không nói gì, chắc là anh nghĩ không có gì sai trái khi ông chủ cũ tính tiền ăn của người làm cũ. Chị Bạch Lê nói theo cho tôi vui. "Ừa, cha này hơi kẹo". (Tôi thích chị Bạch Lê ở chỗ đó, biết cách nói vuốt đuôi cho người ta vui). Tôi sẵn dịp kể cho anh Tình nghe chuyện trước đây có thời tôi đi làm quán phở.

Hồi đó mới qua, tui kiếm việc gì làm tạm kiếm tiền mua xe. Thấy quán phở của "ông 75" đang cần người làm, tui vô xin đại dù chưa có kinh nghiệm bưng bê. Lúc đó cũng có một thằng mới qua cở tuổi tui vô xin việc làm. Ông chủ mướn cả hai. Ổng nói tui mặt mày sáng sủa đẹp trai hơn thằng kia, cho tui đứng phía trước lấy order, thằng kia làm dưới bếp rửa chén.

Anh Tình tròn mắt, mày đẹp trai?

Thì đẹp hơn thằng đó. (Có thể nói cách khác là tui xấu ít hơn nó).
       
Mà anh có biết tại sao là "Phở 75" không. Khách nào vô cũng nghe ổng khoe cái sự tích ngày xưa ổng tới Mỹ chỉ với chiếc quần xà lỏn. Ổng nói hôm 30 tháng tư tôi đi ra bến tàu, thấy người ta chen lấn xuống tàu tìm đường di tản, tôi chẳng biết ất giáp gì thấy người ta đi, mình đi theo. Tới Mỹ không tiền bạc, không chữ nghĩa, có nghề phụ bếp quán phở nên xin vô quán phở làm. Được một thời gian học được nghề, có chút vốn hai vợ chồng nhảy ra mở quán. Người ta thì "Phở Tàu Bay", "Phở 54", "Phở 79", mình qua đây năm 75, thôi lấy tên quán là "Phở 75" làm kỷ niệm cho con cháu nhớ đời.
Người ta nói "có gan làm giàu", thiệt đúng. Vợ chồng tôi mà không liều mạng làm gan mở quán thì tôi làm sao có tiền mua xe "mẹc xơ đéc" (ở đây người ta nói mơ xí đì, cha này qua đây đã lâu mà cũng cứ còn mẹc xơ đéc. Biết mà, nhìn quán khách đông nườm nượp, ai không biết vợ chồng ông tối nào cũng chong đèn đếm tiền mệt nghỉ. Chồng thì mê xe, vợ thì mê hột xoàn. Ngồi tính tiền quán phở mà bà đeo vàng đỏ tay, lâu lâu đưa bàn tay lên ngắm hạt xoàn. Bà nói trong đời chị mê nhất là hạt xoàn, ngồi ngắm nó lấp lánh sắc màu hàng giờ không biết chán).

Rồi sao mày nghỉ làm?
 
Làm đâu được chừng ba tháng, có   thằng cha con mẹ nào khó chịu, "complain" với ông chủ là tui lấy order mà cái mặt sao mà buồn quá, không khi nào thấy nó cười.
 
Anh Tình với chị Bạch Lê cười ha hả. Ai có đi làm waiter nhà hàng thì biết, có nhiều quý ông quý bà khách hàng thượng đế thật là dễ ghét. Quán đông ồn ào, mình đứng chờ cả buổi cũng chưa lựa được món ăn, mình bỏ đi kêu lại mắng vô mặt sao không đứng chờ. Hôm nào xui xẻo, gặp ngài thượng đế như vậy mà biểu tui cười.

Rồi mày bị ổng đuổi?
 
Không, chưa đuổi, cho thằng dưới bếp lên lấy order, tui đổi chỗ của nó xuống bếp rửa chén. Làm được chừng ba tháng thì bị đuổi vì tui rửa chén sạch quá.
               
Anh Tình cười dòn, chị Bạch Lê thì hiểu tôi bị đuổi vì rửa chén lâu quá. Tôi rất ghét ai rửa chén không sạch. Tôi đã từng thấy cô người làm rửa ly trong quán cà phê, cô nàng nhúng cái ly dơ vô bồn chứa nước xà bông, cô lấy ra nhúng vô bồn nước sạch, xong, cô rửa cái ly chớp nhoáng chưa đầy một phút. Nhìn cô rửa ly mà tôi thấy ớn chè đậu. Nhưng ở nhà hàng quán ăn thì người ta cần người làm cho nhanh cho lẹ, chén bát nhìn có vẻ hơi sạch là được rồi cần chi phải sạch bóng.  Hôm cho tôi nghỉ  ông kêu tôi lên nói văn hoa, anh nghĩ là chú mày nên tìm việc gì khác mà làm, chứ cái việc rửa chén anh thấy chú mày không thích hợp. (Đâu cần phải ăn nói lịch sự quá vậy cha).
 
Kỳ lãnh lương sau tôi rủ chị Bạch Lê tới nhà anh Tình "nhậu". Tôi lãnh phần đứng bếp lo mồi. Tôi làm món lẩu bò, món này dễ nhất trên đời, hầm xương lấy nước ngọt bỏ vô nồi lẩu. Chuẩn bị thịt bò, tôm lột vỏ, cá phi lê, mực, con chém chép, rau sống xà lách, bánh trán, luộc chút bún, xong, dễ ẹc. Trong khi chờ tôi chuẩn bị bữa nhậu,  chị Bạch Lê và anh Tình ngồi hát karaoke. Chị Bạch Lê rất mê hát, hồi nhỏ chị từng mơ lớn lên làm ca sĩ. Chị nói nếu ở Việt Nam, chị sẽ đi thi hát "Solo cùng Bolero". Có lần má chị hỏi tôi có biết Bạch Lê hát cải lương hồ quảng không. Ca sĩ thì họa may tôi biết chớ nghệ sĩ hát cải lương thì tôi chịu.  Má chị nói lúc bà mang bầu coi cải lương tuồng "Bao Công xử án Quách Hoè", cô đào Bạch Lê đóng vai "Quách Hải Thọ" thiệt là hay xuất sắc. Cho nên đẻ chị ra bà đặt tên chị là Bạch Lê, mong chị sau này sẽ nổi tiếng như cô đào hát cải lương. Nhưng chị Bạch Lê không thích hát cải lương, chị thích hát tân nhạc, mà thích nhất là nhạc Bolero.
     
Ăn xong hai người kéo nhau ra hát tiếp, bỏ tôi một mình dọn dẹp. Chị Bạch Lê hát anh Tình ngồi kế bên, lâu lâu giả bộ say rượu đặt bàn tay lên đùi của chị Bạch Lê. Chị Bạch Lê miệng thì hát mắt ngó màn hình nhưng cũng biết có người đặt bàn tay lộn chỗ lên đùi của mình, chị nhẹ nhàng đẩy  bàn tay lông lá ra chỗ khác. Tôi vừa rửa chén vừa liếc nhìn trộm hai người, thấy tức cười không nhịn được hỏi anh Tình đang mơ gì đó.
Chị Bạch Lê hỏi tôi nghe chị hát có hay không, chị muốn làm một cái "cờ líp" bỏ lên YouTube cho thiên hạ lé mắt chơi.  Mình tự quay "cờ líp", tự hát, rồi tự bỏ lên YouTube kiểu như ca sĩ "Lệ Rơi" năm xưa, mình sẽ nổi tiếng mà không tốn tiền.
Tôi thấy nhan sắc của chị Bạch Lê chỉ trên trung bình một chút xíu, còn giọng hát thì cũng na ná như trăm ngàn giọng hát đang tràn ngập trên YouTube, tôi thành thật góp ý cùng chị.

Nếu giọng hát của mình không có gì đặc biệt nổi trội, thì phần "hình" mình làm sao cho gây được sự chú ý của thiên hạ. Chị định hát bài gì?

Chị đang thích bài "Người tình không đến"

Bài hát này thì tôi biết, đang "hot", từ ca sỉ hải ngoại cho đến ca sỉ trong nước, từ ca sỉ ngôi sao cho đến ca sỉ hát đường phố bán kẹo kéo xúm nhau hát bài này.

Chị có áo dài không?

Có một cái nhưng không có quần

Anh Tình ôm bụng cười khùng khục, chắc anh cũng biết cái vụ cô ca sĩ Mỹ mặc áo dài Việt Nam mà không mặc quần.

Bữa nay mập, cái quần mặc hỏng vừa.
 
Vậy thôi mặc váy cũng được, mình sẽ quay cảnh chị ra sân ga đón người tình mà người tình không đến. Chị buồn bã quay trở về, gió lộng thổi tung tà áo,  tui muốn bắt chước cảnh  cô đào hát bóng có tấm hình nổi tiếng  gió thổi bay tung váy.
 
Thẩm Thuý Hằng phải không?
 
Không phải, cô đào này người Mỹ  tui quên tên mất rồi, anh Tình có nhớ là ai không?
 
Anh Tình làm thinh, cha này không đọc báo, tấm hình nổi tiếng cả thế giới vậy mà cũng  không biết.

Để tăng phần "gợi cảm" chị sẽ mặc áo hơi mỏng đi trong mưa gió. Gió thổi tung tà áo và mưa sẽ làm chị... ướt.

Ướt ít ít thôi nhe, chị sợ ướt nhiều quá bỏ lên YouTube con chị thấy nó la.

Cũng khổ, đời xưa con cái sợ cha mẹ la, đời bây giờ cha mẹ sợ con la.

Tuần sau tôi và chị Bạch Lê đến nhà anh Tình để ghi hình cho cái "cờ líp" bài hát "Người tình không đến" của chị Bạch Lê. Dẫn nhau ra sân ga chờ xe lửa tới làm hậu cảnh sao thấy phiền phức quá, thôi lấy cảnh vòng vòng khu nhà anh Tình cũng được .  Đây là lần đầu làm thử coi xem sao, ghi hình bằng cái iPhone đời mới của anh Tình.  Nếu thành công, lần sau sẽ tính tiếp.
Để làm cảnh mưa tôi lấy vòi nước tưới cỏ của anh Tình tạo cảnh mưa rơi lất phất, cũng tạm ổn. Tạo cảnh gió thì dùng quạt máy để gần cho gió thổi tung tà áo. Anh Tình lom khom cầm cây quạt, tôi cầm cái phone quay qua trở lại cố gắng ghi hình sao cho thật hấp dẫn cảnh chị Bạch Lê bị gió thổi "tốc váy". Nhưng tiếc quá!  gió của cây quạt không đủ mạnh thành ra gió  thổi  mà không thổi tung được cái gì, thôi kệ,  tạm thời chấp nhận như vậy đi.
Lồng tiếng hát và đưa lên YouTube cả anh Tình và tôi không biết cách làm, cái vụ này để hỏi thăm người nào biết nhờ  họ làm dùm.

Mấy ngày sau anh Tình gọi phone cho tôi "thành thật khai báo", tối tối anh lấy cái phone mở cái "cờ líp" coi cảnh chị Bạch Lê đi trong mưa gió. Coi tới coi lui cảnh chị bị  mưa làm ướt áo, gió thổi tung váy, anh tưởng tượng hơi nhiều anh bị "dựng cột buồm". Nghe qua tôi không nhịn được bật cười khùng khục. Cha nội ơi! Tui coi phim người ta cởi tuốt tuồn tuột còn chưa thấy gì, anh chỉ mới tưởng tượng thôi mà cũng dựng đứng được cột buồm, tài thiệt.

Anh Tình bỗng mê chị Bạch Lê, anh mê chị lộ hẳn ra ngoài, người quen ai cũng biết. Chị Bạch Lê cũng biết, có lần tôi ởm ờ thử coi chị trả lời ra sao. Chị nói hai con chị đã lớn, giờ mà ngồi ôm con mọn chắc chị làm không được. Đó có phải là câu trả lời cho lời tỏ tình của anh Tình?
Tôi không chắc lắm, đôi lúc tôi cũng không hiểu rõ lắm con người của chị. Nhìn thoáng qua có thể đánh giá chị sai, ai cũng nghĩ chị là một người sống hời hợt, vui đâu trút đó, không chuyện gì ra chuyện gì. Nhưng gần gủi chị lâu ngày, sẽ thấy chị coi vậy chớ không phải vậy.
Chồng cũ của chị đã có vợ khác, cô vợ trẻ đẹp có tài làm business, hai vợ chồng có một tiệm liquor thấy cũng lớn. Hôm ông bà ăn tân gia mừng nhà mới, chị rủ tôi đi theo chơi cho vui, sẵn dịp coi mắt ổng. Lúc về tôi thấy chị có vẻ buồn buồn, tôi giả bộ chọc quê nói chồng cũ của chị mời chị tới để chị thấy tiếc rẻ là đã bỏ ổng.
Chị Bạch Lê nhìn tôi cười mĩm.
"Chị không bao giờ hối tiếc là mình đã buông tay một người nào đó"
Chị Bạch Lê bắt chước người ta nói một câu kiểu cọ, nhưng tôi hiểu thấm thía hai chữ "buông tay".

Tôi thấy anh Tình ngày càng "Tương tư nàng ca sĩ" càng lậm. Tôi nghĩ kiểu người như chị Bạch Lê đâu có hợp với anh. Tôi nói gần nói xa, lấy chị anh sẽ nhức đầu dài dài. Anh Tình trầm ngâm nói anh chấp nhận nhức đầu. Nghe anh nói cũng tội.
Bả chê anh xấu. Xấu banh nhà.
(Nhan sắc của anh Tình như vậy mà chị chê xấu... xấu banh nhà, cái nhan sắc của tôi, không biết nó xấu... banh cái gì đây).
Anh Tình bước đến kính soi gương.
Anh như vầy cũng đâu đến nổi xấu lắm. Bả chê tao xấu thì mày nói tao tuy xấu nhưng là người lương thiện, chăm chỉ làm ăn thương vợ thương con và nhứt là không mang tiếng tứ đổ tường.
Mấy cái đó thì chỉ biết
Thì mày lựa lời nói tốt cho tao
Tui nói anh tuy xấu dây nhưng tốt củ.

Anh Tình khoái chí bật cười khùng khục.

Chị Bạch Lê nghe tôi nói anh Tình tuy bề ngoài xấu xí nhưng bên trong cũng  có cái tốt... tốt không ngờ. Chị cười khùng khục. Không biết có phải vì vậy hay không mà chị không còn ngó lơ lời tỏ tình của anh Tình nữa. Một hôm anh Tình khoái chí điện thoại cho tôi biết là chị Bạch Lê không còn hất tay anh ra khi anh vô tình để lên đùi chị.

Tôi có việc đi xa khoảng một tháng, chừng trở về nghe tin chị Bạch Lê dọn về ở chung với anh Tình. Tôi gọi điện thoại chúc mừng hai ông bà. Chị nói ở chung chớ không làm đám cưới. Vậy cho dễ tính.
Tiệc ra mắt đãi trong nhà hàng buffet, chị Bạch Lê và  anh Tình mặc đẹp không thua gì cô dâu chú rể. Nhà trai nhà gái đông đủ xúm nhau chụp hình đủ kiểu. Anh Tình kéo tôi lại chụp một tấm hình làm kỷ niệm. Tôi nói thôi anh ơi, tui xấu xí không thích chụp hình. Anh nói mày đâu xấu bằng tao, xấu banh nhà. Tôi chợt nhớ lời nói chơi hôm trước, anh tuy xấu nhưng xấu dây mà tốt củ.
Tôi ôm bụng cười một mình.























Saturday, November 16, 2019

KHÁI HƯNG: CẬU ẤM LÀM VĂN CHƯƠNG


Khúc Hải Linh

Trong bát tú của Tự lực văn đoàn ngoài ba anh em ruột Nhất Linh, còn lại năm người không cùng dòng tộc. Trong số ấy có một người nhiều tuổi nhất là Khái Hưng.
Khái Hưng là con quan Tuần phủ Trần Mỹ, cử nhân Hán học, từng có thơ in trên Nam Phong, quê làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Cụ Tuần có 5 người vợ. Bà cả sinh được ba trai một gái. Người con trai đầu Trần Xuân là thương tá nhưng mất sớm, đã đôn Khái Hưng lên thành con trưởng trong gia đình, là anh của Trần Tiêu và Trần Thị Ngọc.
Sinh năm 1895, thuở nhỏ Khái Hưng tên là Trần Dư (Giư). Chỉ vì thích tính cách của vị tướng đời Trần là Trần Khánh Giư, nên ông tự thêm chữ Khánh làm đệm thành Trần Khánh Giư. Ông tháo rời các chữ cái trong hai chữ Khánh Giư ra, rồi ghép lại thành bút danh Khái Hưng. Hồi nhỏ ông học chữ Hán, sau mới chuyển sang học chữ Tây, trường Anbe Sarô. Lấy bằng tú tài phần một ban cổ điển, ông về Ninh Giang mở đại lý bán dầu hỏa. Đây là phố phủ chứa nhiều hình mẫu số phận con người mà sau này ông xây dựng nên cuốn tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa mang tên Thoát ly gây tiếng vang. Ông say mê thể thao, mê quần vợt, bơi ếch rất tài, thích đi bộ. Sau ra Hà Nội dạy học tại trường tư thục Thăng Long, tham gia viết cho tờ Văn học của anh em ông Dương Bá Trạc và Dương Tụ Quán. Cũng trong khoảng thời gian 1930 đến 1932, Nhất Linh từ Pháp về nước và cũng dạy tại trường này. Nhất Linh để ý tới một bài khảo luận ngắn trên báo Văn học, ký tên Bán Than, rất có cảm tình. Về sau mới biết bài ký đó là của Khái Hưng người cùng trường và là một người kín đáo, dễ mến và tin cậy. Nhất Linh cũng thấy Khái Hưng có những khả năng hiếm có về văn chương, có đủ điều kiện và thế lực ra làm quan, mà từ chối để sống cuộc sống bình thường. Nhất Linh kết bạn với Khái Hưng và mau chóng trở thành một cặp tác giả nổi tiếng.
Trong văn chương của Khái Hưng có hai phần: Văn học cổ điển và văn học Âu châu cấp tiến. Vốn là người học hành căn bản lại từng trải cho nên văn ông vừa bao quát không khí mới mẻ, lại vẫn giữ được nét truyền thống phương Đông trữ tình lãng mạn.
Khái Hưng lấy vợ là con gái vị Thượng thư, từng đậu cử nhân triều Nguyễn, từng là Tổng đốc Bắc Ninh. Bà tên là Lê Thị Hòa, biệt hiệu Nhã Khanh. Ngày vu quy, nhà gái còn cho vợ chồng Khái Hưng hơn 50 mẫu ruộng ở miền Quế Phương, chợ Cồn – Nam Định để làm vốn. Con nhà quan, lại thông thạo Hán văn, viết chữ nho rất đẹp, bà tâm đầu ý hợp với chồng, thường đàm đạo văn chương. Khi sáng tác nếu có chương đoạn nào viết về các bà phái thượng lưu, Khái Hưng thường hỏi thêm ý kiến vợ cho cẩn thận. Có lần Khái Hưng viết truyện Bông cúc huyền có đoạn “đôi ủng đan bằng kim tuyến” bị vợ chê là sai, bởi kim tuyến không thể đan được, phải sửa. Vợ chồng sống với nhau thuận hòa, rất thương yêu như vậy nhưng Khái Hưng không có con. Nhất Linh đã cho người con trai của mình là Nguyễn Tường Triệu làm con nuôi Khái Hưng, và sau này đổi tên là Trần Khánh Triệu. Vì thế, Khái Hưng được con gọi là “papa tòa báo” để phân biệt với “cậu Nhà Bè” là Nhất Linh, cha đẻ…
Văn chương Khái Hưng chủ yếu là tiểu thuyết, mà ái tình là đề tài chính. Hầu như tác phẩm của ông thường xoáy vào chủ đề: đề cao tình yêu tự do, chống lễ giáo phong kiến, một phần cải cách xã hội. 
Nói như Vũ Ngọc Phan thì Khái Hưng là văn sĩ của thanh niên Việt Nam, cũng như Alfed de Musset là thi sĩ của thanh niên Pháp thuở xưa.
Khái Hưng rất hiểu tâm lý phụ nữ, cả tuổi trẻ và tuổi già. Trong truyện của ông phần kết bao giờ cũng gây cảm giác bâng khuâng, man mác cho bạn đọc. Vũ Ngọc Phan nhận xét: Khái Hưng viết truyện ngắn tuyệt hay, linh hoạt và cảm người ta hơn là truyện dài. Vì nó vui tươi và rộng mở. Khái Hưng quan sát tinh tế và dùng ngòi bút tài tình. Truyện ngắn Khái Hưng có một đặc biệt là ông tìm ra ý nghĩa của mọi việc trên đời, dùng ngôn ngữ giản dị trong sáng ghi lại, làm cho người ta cảm nhận chứ không gò ép cám dỗ người ta bằng lý trí.
Là một người từng trải, tài hoa, Khái Hưng viết đủ các thể loại, mà đều gây ấn tượng. Là một người thông minh, nhạy cảm, Khái Hưng từng làm cho mọi người bất ngờ. Năm 1933, một lần cùng anh em tòa báo đi lễ chùa ở Bắc Ninh, Khái Hưng đã xúc động trước con người và phong cách, để rồi ít lâu sau ông cho ra đời tiểu thuyết, hay còn gọi là một bản tình trường thật độc đáo: Hồn bướm mơ tiên. Đây là tác phẩm đầu tay của Khái Hưng, cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự lực văn đoàn. Câu chuyện tình xảy ra ở chốn chùa chiền, đã cuốn hút thanh niên vào tình ái lý tưởng, với đủ tâm trạng, cung bậc.
Khái Hưng là nhà văn của thanh niên trí thức thành thị. Mọi góc cạnh cuộc đời, mọi tình huống đời sống đều thành tác phẩm. Nửa chừng xuân là chuyện về con người và gia đình bị kẹp vào luân lý, lễ giáo, nên tình yêu giữa Lộc và Mai phải lìa nhau. Gánh hàng hoa là tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp ngây thơ, hết lòng yêu chồng của cô gái quê trẻ đẹp tên Liên nhưng lại chịu nhiều bất hạnh. Đời mưa gió lại là một câu chuyện tình rùng rợn giữa anh giáo Chương và cô gái giang hồ tên Tuyết. Trống mái kể chuyện yêu đương giữa Hiền cô gái Hà thành và chàng Vọi thanh niên ngư dân. Mỗi người có vẻ đẹp riêng bù đắp cho nhau cùng tận hưởng những giờ phút tuyệt vời giữa thiên nhiên phóng khoáng.
Khái Hưng có cái nhìn cuộc đời đầy khám phá, tìm tòi sáng tạo. Chỉ một lần đi thăm cảnh một ngôi chùa, có những ngôi tháp cổ kính đầy huyền bí, vậy mà sau đó ông đã tạo ra bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết lịch sử Tiêu Sơn tráng sĩ, gồm 50 chương, có 81 nhân vật với một không gian rộng dài, đồ sộ. Ban đầu cuốn sách được đăng tải từng kỳ trên báo Phong hóa năm 1934, rồi in thành sách năm 1935, từng gây bao tranh luận, tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu văn học sử một thời…
Tuy là con quan, nhưng ngay từ tấm bé Khái Hưng đã phải chịu cảnh hành hạ của bà dì ghẻ khắc ghiệt, nên để lại trong ký ức ông những nỗi xót xa. Từ vốn sống ấy về sau ông viết nên hai cuốn tiểu thuyết Thoát ly và Thừa tự…
Thực vậy, Thoát ly là tấn bi kịch chuyện gì ghẻ con chồng trong những gia đình phong kiến.
Thoát ly được lấy bối cảnh từ phố phủ Ninh Giang, thời Khái Hưng còn làm đại lý dầu hoả. Ngày ấy phố phủ có nhiều hạng người: Quan thì có quan Phủ, quan Đốc, quan Chủ, quan Huấn và quan Phán đầu tòa. Kế đến xã hội mô phạm của các nhà giáo, bọn tổ tôm một đồng, xã hội trưởng phố rất hách dịch đối với những nhà buôn nhỏ và quá lễ phép nhiều khi khúm núm nữa đối với những bề trên. ấy là chưa kể một xã hội khách trọ tả pí lù, chiếm đến một phần tư dân số… và xã hội tài xế, khách hàng rất trung thành và rất hào phóng.
Chính ở cái phố phủ ấy, đội xếp có thể tự do tung hoành cùng quản phố bắt giải lên phủ bất cứ người nữ sinh nào đang đêm nói chuyện với nhân tình trong sân trường. Hồng mồ côi mẹ khi 6 tuổi, và từ khi là thiếu nữ cô đã bị cha lạnh lùng, dì ghẻ cay độc đay nghiến. Hai con người ấy về hùa với nhau để ruồng rẫy đánh đập cô… Đang học trường Nữ sư phạm, Hồng bị cha và dì ghẻ gọi về Ninh Giang, bắt nhuộm răng đen và tước đoạt các nhân quyền, kể cả quyền hôn nhân. Hồng bị dì ghẻ tìm mọi cách phá đám các mối tình của cô, rồi gả ép cô cho đứa cháu của mình, đó là một tên lêu lổng và dốt nát…
Số phận con người bị đẩy dồn đến cùng đường, Hồng phải thốt lên chua xót: Làm gì cũng được, kể cả gái giang hồ, nhưng đừng ở trong gia đình có một người dì ghẻ như dì ghẻ của tôi!
Để chuyển tải nội dung Khái Hưng viết bằng kỹ thuật tinh xảo, bố cục truyện giản dị khéo léo nên rất hấp dẫn người đọc. Tình tiết truyện thưa ít, động tác nhân vật ngắn gọn. Nhân vật trong truyện thường có tác phong cử chỉ thanh thoát, lời nói hóm hỉnh duyên dáng, hoa lệ của tầng lớp trí thức. Ông không quen tả nhân vật tâm trạng căng cứng tàn ác, đen tối,  hay tả nỗi niềm bâng khuâng êm dịu thầm kín… Văn ông có chất thơ, giàu trí tưởng tượng, bay bướm, có hình ảnh nhạc điệu, hợp với truyện tâm lý. Có nhiều trang viết đẹp như tranh, tươi mát cảnh làng quê Việt Nam, ví như truyện Gia đình, có đoạn tả thế này: Những cây cau thân thẳng và mảnh toả từng buồng hoa vàng xuống một mùi thơm phảng phất, thanh thanh của hoa chè: hai hương vị của nơi thôn dã.
TrongTrống mái, là những câu văn chứa chất hội họa: Mặt trời vừa mọc và ẩn sau đám mây tím trái ngang trên làn nước đủ màu, từ màu lam sẫm, lam nhạt ngoài xa cho đến các màu hồng, màu vàng ở gần bờ. Trên nền trời sắc da cam chói lọi, những vạch đỏ thẫm xòe ra như bộ nan quạt là bằng ngọc lựu…
Là một trong những người sáng lập Tự lực văn đoàn, cũng là một trong những cây bút chính của nhóm, ông viết cho tờ Phong hóa, Ngày nay, thường giữ mục Câu chuyện hàng tuần. Thời kỳ đầu, Tự lực văn đoàn có 6 người, Khái Hưng đã giới thiệu người em là Trần Tiêu, giáo viên trường huyện, đang viết tiểu thuyết Con trâu gia nhập, được anh em trong đoàn nhất trí thành Thất tinh – 7 ngôi sao.
Về sau theo đề nghị của Nhất Linh, kết nạp thêm Xuân Diệu thành bát tú. Vậy là trong bát tú ấy, có ba anh em nhà Nhất Linh, và hai anh em Khái Hưng.
Theo Trần Khánh Triệu (Nguyễn Tường Triệu) kể, thì Khái Hưng thường viết văn sáng sớm, hoặc về khuya. Nếu trời lạnh, ông xếp bằng trên ghế mây, trước hết gây cảm hứng bằng cách ngâm nga vài câu chèo cổ hay trống quân, rồi nhả khói thuốc thành vòng tròn trên trần nhà. Khái Hưng dùng bút máy ngòi vàng loại Watermann, giấy dùng pelure dày để sáng tác. Khái Hưng yêu con vật nhưng lại thích mèo, ghét chó, vì ông cho rằng chó là loài nịnh bợ, bị đá vào mồm mà nó vẫn ve vẩy đuôi, hí hởn, lè lưỡi liếm ngoen ngoét. Còn mèo thái độ dứt khoát, ai yêu nó, nó âu yếm, ai trêu nó, nó cào hoặc gầm gừ.
Có thể nói trong Tự lực văn đoàn, Khái Hưng là nhà văn viết nhiều nhất. Tính từ năm 1934 đến 1942, ông đã xuất bản trên hai mươi cuốn sách, gồm 12 truyện dài, 5 truyện ngắn, 3 vở kịch, 4 tập truyện thiếu nhi. Ngoài ra viết chung với Nhất Linh ba tiểu thuyết nổi tiếng: Anh phải sống, Gánh hàng hoa, Đời mưa gió, đã làm cho tên tuổi ông sáng lên và chiếm được tình cảm của bạn đọc, nhất là bạn đọc thanh niên. Tú Mỡ kể rằng, khi viết chung Đời mưa gió, hai người thường gặp nhau vào tối thứ bảy tại tòa soạn – số 80 phố Quán Thánh. Họ bàn nhau xem số này cho Chương và Tuyết làm gì, gặp nhau ở đâu. Rồi phân công thay nhau chấp bút cho kịp bài lên mặt báo. Tiểu thuyết Đời mưa gió đăng dần trên báo Phong hóa trước, sau mới in thành sách.
Khái Hưng còn là một dịch giả rất lão luyện. Bài Tình tuyệt vọng ông dịch từ thơ của Félex Arvers rất nổi tiếng:
Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay.
Mấy chục năm qua, đã có biết bao bài nghiên cứu về văn chương Khái Hưng. Chỉ một cuốn sách “Khái Hưng nhà tiểu thuyết xuất sắc” có tới ba chục bài viết của gần ba chục tác giả: Vũ Ngọc Phan, Trần Khánh Triệu, Dương Nghiễm Mậu, Hồ Hữu Tường, Vu Gia, Nguyễn Vỹ… nghiên cứu đánh giá.
Vu Gia trong bài: Khái Hưng- nhà tiểu thuyết xuất sắc, cho rằng kết cấu tiểu thuyết của ông đạt đến mức điêu luyện tinh vi.
Trương Chính trong Dưới mắt tôi, ca ngợi Khái Hưng có lối văn giản dị thanh tao, bóng bẩy nhưng trong sáng, nhịp nhàng nhưng không mất vẻ tự nhiên. Nhiều câu văn phảng phất âm điệu thơm tho, thấm vào hồn ta như mùi hương đượm… Ông có thể thu một cảnh bằng vài nét đơn sơ, nhưng mềm mại, nhưng trong trẻo và tình tứ. Ông kết tinh được cả cái hồn thơ man mác bao trùm cảnh vật và ghi được màu sắc rất hay biến đổi bằng một ngòi bút điêu luyện… Vào hồi 1933 một quyển như Hồn bướm mơ tiên là một hòn châu báu. (Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 24 B- NXB KHXH – 1997)
Còn đây: Với Khái Hưng, đó là một nhà tiểu thuyết có biệt tài, và người ta có thể gọi ông là nhà văn của thanh niên. ông rất am hiểu tính tình tuổi trẻ. Phần đồng thanh niên trí thức việt Nam là những độc giả trung thành của ông và phụ nữ chiếm số đông nhất (Nhà văn hiện đại, tập 2 – NXB KHXH, 1989).
Có lẽ ít người biết Khái Hưng từng tham dự Đại hội văn hóa cứu quốc (tháng 10/1946 – KHL chú). Sự việc này đã đăng trên báo Tiền phong số 22: Khi thấy Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi bắt tay Khái Hưng đến dự thính Đại hội văn hóa cứu quốc thì có đồng chí sung sướng đến rơi nước mắt và viết “Trong cử chỉ ấy, phải nhận là có một chút huyênh hoang của cả hai bên, ai cũng muốn tỏ ra mình quân tử”. Trong cuốn “Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại 1930-1945”, tác giả Vũ Đức Phúc phê phán là cái nhìn hết sức lẫn lộn.
Trong Đại chiến thế giới thứ hai, Khái Hưng tham gia hoạt động chính trị, có chân trong đảng Đại Việt dân chính, nên bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam. Ban đầu giam tại Sở Liêm phóng, sau vài ba tháng thì bị đưa đi trại An Trí ở Vụ Bản. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (tháng 3 năm 1945) mới được thả.
Ông cùng Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Bách cho ra tờ Ngày nay kỷ nguyên mới.
Về cái chết của Khái Hưng, có nhiều nguồn nói ông mất ngày 19/12/1946. Chúng tôi đọc bài “Papa tòa báo” của Trần Khánh Triệu, con nuôi Khái Hưng mới biết rằng sau tết Đinh Hợi, ông còn về với gia đình: “Rồi tết qua đi trong chán nản, kinh hoàng. Sau tết một thời gian tàu Pháp chạy dọc theo sông Hông bắn phá dữ dội, trong làng đang rục rịch tản cư thì bất chợt papa trở về…”. Qua đoạn hồi ký này có thể khẳng định, tài liệu viết Khải Hưng mất tại huyện Xuân Trường, Nam Định ngày 19/12/1946 là không chính xác.
Người đời sau chẳng ai nhớ có một cậu ấm Trần Dư, con quan tuần phủ, nhưng người ta ghi mãi trong lòng một nhà văn Khái Hưng.
Khúc Hải Linh
Nguồn: Tạp chí Cửa Biển

CÁC TÁC PHẨM CỦA KHÁI HƯNG
Tiểu thuyết:
  • Hồn bướm mơ tiên (1933) – Link mua sách: http://www.hangcao.info/san-pham/hon-buom-mo-tien/
  • Đời mưa gió (cùng Nhất Linh, 1933)
  • Nửa chừng xuân (1934)
  • Gánh hàng hoa (cùng Nhất Linh, 1934)
  • Trống mái (1936)
  • Gia đình (1936)
  • Tiêu sơn tráng sĩ (1937)
  • Thoát ly (1938)
  • Hạnh (1938)
  • Đẹp (1940)
  • Thanh Đức (1942)
  • Băn khoăn
Truyện ngắn:


  • Anh phải sống (cùng Nhất Linh, 1934)
  • Tiếng suối reo (1935)
  • Đợi chờ (1940)
  • Cái ve (1944)
(Trích từ Book Hunter)