Saturday, June 30, 2018

VÌ YÊU



Nguyễn Thạch Giang


Một buổi sáng lúc đang ngồi quán uống cà phê với mấy người bạn già, ông Năm bỗng cảm thấy khó thở tức ngực, đau chịu không được đến đỗi phải đứng dậy bỏ về giữa chừng. Tưởng là sẽ qua khỏi như những lần trước, dè đâu cơn đau ngày một nặng, ngày hôm sau vợ con đưa ông lên Sài Gòn chữa trị.
Sau khi làm xét nghiệm các thứ, bác sĩ nói lời xin lỗi, chúng tôi bó tay, ông bị ung thư phổi đến thời kỳ cuối.
Vợ con chỉ còn biết khóc, bà con lối xóm hay tin đến thăm viếng chật nhà.
Ông Năm bình tĩnh nén cơn đau, đau thể xác thì ít mà đau trong lòng thì nhiều. Đã đành xưa nay "Trời kêu ai nấy dạ", nhưng ông ra đi lúc này còn một điều vướng mắc trong lòng ông không đành mang theo xuống mồ.

Con cháu nghe ông bịnh nặng hết đứa này đến đứa khác về thăm. Tụi nó xúm lại bàn cách này cách khác, không thuốc tây thì thử xoay qua thuốc ta dược thảo, thậm chí có đứa còn đòi đưa ông đi cúng thầy cúng bà. Nhưng ông cương quyết không nghe, "thôi con! Kéo dài chi mấy cái chuyện vô ích đó".
Từ hôm biết là không còn sống được bao lâu nữa, ông cảm thấy nhớ thằng con trai út da diết, đứa con ngoan hiền cha mẹ thương nhất nhà, đã bỏ đi biệt xứ hai mươi năm không về. Vì yêu. Nó đã yêu một người mà cha mẹ anh em giòng họ không ai bằng lòng. Người đàn bà chồng chết có ba con.

Hai mươi năm trước, con trai ông vừa tốt nghiệp đại học kế toán tài chánh, có một việc làm rất tốt trong ngân hàng quốc gia ở thành phố. Trời xui đất khiến cho nó gặp người đàn bà đó. Lúc hay tin, ông nhất quyết ngăn cản. Con gái ở xứ này thiếu gì, ba bốn đứa sẵn lòng chờ đợi nó, vậy mà nó không ưng, lại nhào vô con mẹ ba con, lớn hơn nó cả mười tuổi.
Lúc đầu ông còn nhỏ nhẹ khuyên lơn, "tình yêu gì con! Mày có ăn học mà sao thiệt là mù quáng mê muội". Thằng con ông làm thinh không dám cãi, "nhưng nó bỏ con nhỏ đó được một thời gian rồi hai đứa cũng xáp lại". Ông làm dữ ra lệnh tối hậu: "mày mà còn tới lui với con đó thì đừng về nhà này nữa".
Thằng con trai ông đi mất biệt hai mươi năm không về.

Con cháu tụ về đông đủ, dù không ai muốn nói tới nhưng ngày đó phải đến. Ông mở lời trước, về việc lo chuyện hậu sự cho ông. Ông muốn được nằm cạnh cha mẹ trong khu mồ mã của gia đình. Bao năm làm lụng vất vả, ông bà chỉ "đủ ăn" nuôi các con khôn lớn. Ông không có tiền bạc hay tài sản gì để lại cho các con. "Ba má chỉ có căn nhà này, nhưng ba má muốn giữ nó lại như là của hương quả, để làm chỗ thờ phượng cúng kiến ông bà". Các con ông tuy không giàu có, nhưng đứa nào cũng có của ăn của để, đồng thanh nói: "Xin ba má đừng lo, tụi con tự làm kiếm sống được rồi, căn nhà này không ai được tranh giành chia chác".
Xưa nay trong nhà này ông quyết định mọi việc, tính ông lại hơi khó, hễ ông nói là không đứa nào dám cãi. Giờ ông bịnh nặng, có nên cho thằng con trai út của ông biết tin?. Ông chưa lên tiếng không đứa nào dám hó hé.

Mấy hôm nay ông hơi mệt lúc nào cũng muốn nằm nghỉ trên giường. Ông bảo mấy đứa nhỏ khiêng cái giường ngủ của ông đặt nơi phòng khách gần cửa sổ ngó ra sân trước nhà. Ông muốn nhìn bầu trời tươi đẹp ngoài kia, ông muốn nghe tiếng xe chạy ngày đêm lúc nào cũng bóp kèn in ỏi, ông muốn nghe tiếng rao hàng lãnh lót của mấy người đi bán dạo, ông muốn nghe tiếng người cười nói lao xao. Và ông hằng mong đợi, ngày xưa cũng tại cửa sổ này, chiều nào ông cũng ngồi chờ bóng dáng thằng con trai yêu thương của ông đi học về.

Buổi trưa nằm lim dim mơ màng, ông bỗng giật mình khi nghe tiếng xe thắng gấp ngoài trước đường lộ, ông đưa mắt nhìn, người đàn ông nói gì đó với người tài xế rồi nhẹ mở cửa rào bước vào trong. Tim ông bỗng đập rộn ràng, làm sao ông không nhận ra thằng con trai yêu thương của ông dù đã hai mươi năm không gặp. Vợ ông ra mở cửa, hai mẹ con ôm nhau khóc oà. Thằng con bước vào nhà theo mẹ đến bên giường ông nằm. Ông nhắm mắt giả bộ say ngủ, thằng con đứng xớ rớ vẻ mặt đau khổ. Ông ngồi bật dậy.
"Mày biết tao gần chết mới mò về đây phải không?"
Thằng con quỳ xuống khóc lóc: "Ba có thương con thì tha lỗi cho con". Vợ ông khóc rống lên, nhìn thằng con ông thấy tội nghiệp cho nó quá.  Vì đâu nên nỗi thế này hả con.
"Hồi xưa chiều nào ba cũng ngồi đây chờ con đi học về, từ lúc con còn nhỏ cho tới khi con lớn đi học xa. Rồi con bỏ đi biệt không về nhà này nữa, ngày ta ngày tết, giỗ oải ông bà cũng chẳng thấy mặt con. Cứ mỗi dịp lễ lớn, nhà nước đều có ân xá phóng thích tù nhân. Còn ba, sao ba không "ân xá" cho  con, con ơi! có người cha nào mà  không tha lỗi cho con mình".
Ông bỗng khóc nức nở, mấy người con từ nhà sau chạy ra xúm lại khuyên lơn ông chớ quá xúc động mà có hại cho sức khỏe.

Buổi chiều hôm đó ông thấy người khỏe hẳn, vì thằng con của ông trở về hay vì ông đã trút được gánh nặng mang trong lòng bấy lâu chẳng biết.  Ông ăn cơm rất ngon, cả nhà xúm xít nói chuyện ồn ào vui vẻ. Buổi tối hai cha con ra trước sân nhà ngồi  nói chuyện đến khuya, nói đủ thứ chuyện, từ chuyện trong nhà cho đến chuyện ngoài ngõ. Hai cha con nhắc hết người này tới người kia, từ người có họ hàng đến người dưng nước lã, từ người còn sống cho tới người đã chết. Nhưng có một người không ai đả động tới, người đàn  bà đã cả gan bắt hồn bắt xác thằng con ông dẫn đi mất biệt. Ông muốn nó mở lời trước xin xỏ ông một ân huệ, nhưng nó làm thinh không dám nói, nó vẫn còn sợ ông. Ông đã tha thứ cho đứa con trai lẽ nào ông không tha thứ cho vợ của nó.
"Bữa nào rãnh rỗi con dẫn vợ con của con xuống đây cho ba xem mặt, ba mà có theo ông theo bà thì cho tụi nó đeo khăn tang".
Con ông vừa nói vừa khóc, "con cám ơn ba! con cám ơn ba! Để con điện thoại ngày mai tụi nó xuống thăm ba".
"Ba mất đi rồi, nhà cửa đơn chiếc lắm, mày về thường xuyên thăm má mày. Ba đã nói với anh chị con là  căn nhà này làm nhà từ đường, nơi thờ phượng cúng kiến ông bà, mai mốt ngày giỗ ngày tết con nhớ về chớ đừng đi mất biệt nữa nhe con".

Cái tin thằng Tân, con trai út ông Năm trở về cả xóm đều biết. Rồi có người nói ông Năm đã "hồi dương" khỏe mạnh trở lại, lối xóm kéo đến mừng ông chật cả nhà.  Nhiều người đến mừng ông cũng có, nhưng đến để "dòm ngó" thằng con ông và vợ của nó cũng có. Nghe tiếng đồn đã lâu,  nay họ muốn tận mắt nhìn người đàn bà đó, người đàn bà đã khiến thằng con út ông Năm phải chịu bản án lưu đài biệt xứ.
Người đàn bà đó xinh đẹp hơn họ tưởng. Mấy mẹ con bước xuống chiếc xe nhà thật to thật đẹp trông họ thật là sang cả. Nghe đồn thằng lớn là rể của ông gì đó làm lớn lắm tuốt ngoài Hà Nội, còn thằng nhỏ học giỏi lắm làm đến chức Phó Tổng Giám Đốc, đứa con gái thì đang du học đâu tận bên Mỹ.
Ai cũng tấm tắc khen thằng Tân coi vậy mà có phước, rồi họ đoán mò "mặc dầu mấy đứa đó là con riêng của vợ, nhưng tụi nó thương thằng Tân như cha ruột".

Cái tin ông Năm để căn nhà từ đường này lại cho thằng con út của ông ai cũng biết. Có người nói tại vì ông thương nó nhất nhà, có người nói tại vì ông muốn nó không được bỏ đi đâu nữa, từ nay nó có phận sự phải đứng ra lo việc giỗ oải cúng kiến ông bà. Ngày ta ngày tết phải có mặt ở nhà này, nó đã bỏ đi hai mươi năm, giờ phải chuộc tội. Tội yêu.



Friday, June 22, 2018

NGƯỜI ĐÀN ÔNG Ở CÕI TRÊN



Nguyễn Thạch Giang


Quán cà phê của chú Năm đóng cửa lúc mười giờ tối, khoảng tám giờ thì chị Hường đến phụ dọn dẹp lau chùi nhà bếp nhà cầu, phụ ông chủ hốt rác đổ rác. Trong vòng hai tiếng đồng hồ phải làm cho xong việc trước khi quán đóng cửa, ngày nào cũng làm một tháng chủ trả tám trăm. Chị Hường nghĩ bụng ráng chịu khó kiếm thêm chút đỉnh cũng đỡ, chớ ở đây tiền nhà mắc quá, hai vợ chồng đi làm từ sáng tới tối, lãnh lương được bao nhiêu đóng tiền nhà hết trọi.

Hai vợ chồng chị cùng ba con hai trai một gái đến Mỹ hơn một năm nay. Đến Mỹ lúc kinh tế đang lên nên tìm việc cũng dễ, chồng chị vừa có bằng lái xe là có người giới thiệu vô làm trong hãng tiện. Chị thì đi phụ bếp nhà hàng, làm từ mười giờ sáng đến sáu giờ chiều. Đứa con gái lớn mười sáu tuổi, hai thằng con trai đứa mười bốn đứa mười hai, trường học gần nhà, tụi nó tự đi tự về khỏi cần đưa đón. Buổi sáng chị dậy sớm lo cơm nước để đó sẵn trước khi đi cày, cha con có đói mạnh ai người đó tự lấy ăn.

Hôm nay đi làm mà trong lòng chị không yên, ông chủ nhà vừa cho biết định bán nhà, báo gia đình chị tìm chỗ khác mướn. Căn nhà này vợ chồng chị ở chưa đầy sáu tháng, mới qua Mỹ có một năm mà dọn nhà hai lần! Em chị nói tại lúc này giá nhà lên cao quá, chủ họ bán sợ mai mốt nhà xuống giá mất lời.
Đang loay hoay lau bàn dọn rác dọn tàn thuốc lá mấy người khách hút vất lung tung bừa bãi, chị bỗng giật mình khi nghe người đàn ông ngồi bàn gần bên cất tiếng:
- Chị ơi! Không có nhà này thì có nhà khác, có gì mà chị lo âu dữ vậy.
Chị Hường cười bẽn lẽn, "Bộ vẻ mặt tui trông sầu thảm lắm hả chú?".
Người đàn ông cười xoà.
Lúc rửa ly chị chợt nghĩ sao cái ông này biết mình đang tìm nhà, mình đâu có nói với ai chuyện này.

Ngày hôm sau chị lại thấy người đàn ông đó cũng ngồi uống cà phê tại cái bàn ngày hôm qua. Thấy chị ông ta vui vẻ hỏi chị tìm nhà được chưa.
- Nhà bây giờ đâu dễ mướn chú, mà giá cho thuê cao quá! Nhà ba phòng ngủ nhỏ xíu đòi ba ngàn, rồi tháng đầu tháng cuối thêm một tháng tiền deposit. Thiệt tình ở đây ăn uống thì rẻ mà sao tiền mướn nhà mắc quá! Tui đang rầu không biết đào đâu ra tiền đây.
- Chị cần tiền sao không thử mua vé số, biết đâu chừng trúng độc đắc lúc đó mua nhà cho thiên hạ mướn lại.
Chị Hường cười xoà. "Chú nói nghe dễ quá hé! Thôi tui không ham đâu, mà tui biết cái số của tui không bao giờ trúng số".
Ủa trên đời này cũng có người mang cái số không bao giờ trúng số nữa sao. Người đàn ông nói. Mà chị không thử thời vận sao chị dám chắc. Rồi ông ta chỉ chị nhìn lên màn hình trên vách đang xổ số "hot spot".
-Chị muốn xổ con số nào nói đi, tôi sẽ làm cho nó xổ con đó, chị thử đi, nói đại con số nào đi.
Chị Hường ngập ngừng, "thôi, tui không biết chơi cái này đâu".
Người đàn ông nói một cách quả quyết, chị thử đi rồi chị sẽ tin tôi là người có phép thuật. Chị nhìn nè nhe, chị coi mấy người ngồi bàn đằng kia đang chơi số hot spot, tôi sẽ làm cho họ trúng.
Mấy người đó đang hào hứng chờ xổ số, một người đang mong chờ con số 5, họ lớn tiếng gọi số 5, số 5. Con số 5 hiện ra, một người khác chờ số 21, xổ số 21. Cả bọn la ầm lên, trúng rồi trúng rồi. Hai người trúng, lô 450, mua một đồng trúng 450 đồng.
Người đàn ông nhìn chị Hường, thấy chưa, chị tin tôi chưa. Bây giờ chị thử lấy mười đồng mua tờ số cạo, tôi sẽ làm phép cho chị trúng jack pot đủ tiền mua nhà.
Chị Hường móc trong túi lấy tờ bạc mười đồng, chị lưỡng lự nửa muốn mua nửa sợ thua uổng, chị nhét tờ giấy bạc vào túi trở lại. "Thôi, để dành mười đồng này cho thằng con ăn hamburger chắc hơn. Tui biết cái số của mình là cái số 'Cầu Dừa Đủ Xoài'. Tui lúc nào cũng mong đừng bị nghèo là mừng rồi, đâu dám mong giàu".
Người đàn ông cười xoà, chị vui tánh quá hé! Tôi thích người thành thật một cách chơn chất như chị. Hồi nãy thì chị nói chị là người không bao giờ trúng số, rồi bây giờ chị nói chị là người suốt đời "cầu dừa đủ xoài", sao chị không vụt vô thùng rác cái số phận mắc dịch đó đi cho rồi.

Người đàn ông móc trong túi áo lấy ra chiếc nhẫn xoàn đưa chị Hường. "Tôi có cái này tặng chị, chị đem bán đủ tiền trả tiền nhà một năm".
Chị Hường cầm chiếc cà rá lên ngắm nghía. "Cái hột này bự quá vậy, mới thấy lần đầu, cái hột này mấy ly vậy chú".
"Mấy carat"
Chị Hường nhìn người đàn ông: "Thiệt tình là chú cho tui?"
"Thiệt chớ!"
Chị Hường về nhà khoe với chồng, bữa nay trong quán cà phê chị gặp một người đàn ông có phép thuật. Ông ta có thể làm cho số xổ theo ý muốn, hễ ổng muốn con số nào thì màn hình xổ con số đó. Ổng giúp cho mấy người chơi "hot spot" trong quán trúng 450 đồng.
Chồng chị Hường chu cái miệng: "Vậy à! vậy chắc cái ông này là  Người ở Cõi Trên".


***

Sáng nay chị Hường xin phép bà chủ quán ăn nghỉ làm một buổi, chị bận việc nhà. Từ sáng sớm chị đã rạo rực nóng lòng đi bán chiếc cà rá hột xoàn. Chị tới khu "Việt Nam Town" nơi có rất nhiều tiệm buôn bán vàng và nữ trang của người Việt. Mấy tiệm vàng đèn đuốc sáng trưng, người mua kẻ bán ai cũng ăn mặc sang trọng đeo nữ trang chiếu lấp lánh. Chị tần ngần đứng trước cửa tiệm ngó ông chủ rồi lại ngó bà chủ, nhưng sao ngại ngùng quá không dám bước vào bèn bỏ đi qua tiệm khác. Chị lại đứng tần ngần trước cửa tiệm, làm bộ ngó nữ trang trưng bày trong lồng kiếng nhưng rồi cũng e ngại không dám bước vào trong, đứng đó một hồi lại bỏ đi qua tiệm khác. Sau cùng chị bạo dạn bước vào một tiệm nhỏ nằm khuất phía trong.
Ông chủ tiệm cầm chiếc nhẫn lên ngắm nghía. Chị Hường hồi hộp chờ đợi ông nói gì. Ông ta bước đến bàn gần bên đưa chiếc cà rá vào kính hiển vi coi cho rõ. Ông bỏ lên chiếc cân trố mắt kinh ngạc. Ông bước đến chị Hường hỏi nhỏ nhẹ:
- Cô có giấy tờ của chiếc cà rá này không?
- Dạ không, của người ta cho tui.
- Ai cho cô?
- Tui đi làm thêm trong quán cà phê, cỏ ông khách thấy tui đang dọn nhà mà không đủ tiền mướn, ổng tội nghiệp cho tui chiếc cà rá này bán lấy tiền trả.
- Cô có biết giá trị của chiếc cà rá này là bao nhiêu không?
Chị Hường trầm ngâm nghĩ ngợi nói ngập ngừng: "Hồi nào tới giờ tui đâu có đi mua bán hột xoàn mà biết, tui thấy chiếc cà rá này thiệt là đẹp mà cái hột thiệt là bự".
Ông chủ tiệm vàng không nói gì, ông bước đến chiếc kính xem kim cương đưa chiếc cà rá lên săm soi một lần nữa. Chiếc nhẩn kim cương năm carat thật hoàn hảo không tì vết,  chiếu lấp lánh sắc xanh sắc đỏ thật đẹp. Ông mót vét hết tiền trong két cũng không đủ trả cho chiếc cà rá này. Ông nhìn người đàn bà đem chiếc cà rá này đi bán. Điệu bộ dáng vẻ cùng lời nói chơn chất xem ra chị ta cũng là người lương thiện. "Của người ta cho tui, tui đi làm trong quán cà phê người ta thấy tui tội nghiệp, người ta cho tui". Ông cảm thấy trong cái vụ này hình như có điều gì không được bình thường.

Ông bước vào trong nói chuyện với một người đàn bà, có lẽ là vợ ông ta. Hai người xầm xì to nhỏ vừa nói vừa nhìn chị Hường, chợt có ông làm security trong mall đi ngang, ông chủ tiệm vàng chạy ra kêu ông lại. Ba người đứng nói chuyện thỉnh thoảng ngó chiếc cà rá rồi lại ngó chị Hường. Chị Hường hồi hộp không biết chuyện gì đây, linh tính cho chị biết hình như có điều gì không ổn.
Bà chủ tiệm vàng cầm chiếc cà rá đến kính hiển vi nheo mắt ra nhìn. Bà bỗng bật cười khanh khách, tiếng cười vang lộng cả tiệm. "Kim cương giả" . Ông chủ tiệm vàng nhăn mặt: "Trời đất! Tôi làm nghề này mấy mươi năm chưa bao giờ lầm đồ giả!".
Chị Hường nghe thấy mặt mày tái mét run lập cập. Tình ngay mà lý gian. Hai vợ chồng ông chủ tiệm vàng cùng ông security bước đến bên bàn ngồi xuống trước mặt chị Hường nói nhỏ nhẹ:
- Chiếc cà rá này là đồ giả, tôi thấy chị có vẻ là người thành thật, chị thiệt thà quá đi tin lời người ta, mai mốt nhớ tránh xa có chuyện gì sẽ gặp rắc rối lắm đó.
Chị Hường cầm chiếc cà rá bước ra ngoài ứa nước mắt, tưởng gặp quới nhơn nhè đâu gặp chuyện chằng rây. Lúc đi ngang thùng rác chị mạnh tay ném chiếc nhẫn vào trong đó. Thiệt là xui xẻo.

Buổi tối vừa bước vào quán cà phê là chị gặp ngay "người đàn ông ở cõi trên" ngồi đó. Gặp ông ta cơn giận của chị nỗi lên nhưng chị không nói gì, chị vốn tánh hiền lành, định bụng gặp mặt ông ta sẽ chửi một trận cho bỏ ghét, nhưng khi nhìn ông  ta nhìn chị vẻ mặt buồn buồn chị lại thôi, bỏ qua.  Hình như ông ta cũng biết câu chuyện xảy ra hồi sáng này. Lúc chị đứng gần bên lau chùi bàn ghế ông ta lên tiếng trước:
-Xin lỗi chị cái vụ đó.
- Lỗi phải gì, ông hại tui chút xíu nữa là bị cảnh sát dắt về bót.
- Nếu ông bà chủ tiệm vàng là người có lòng tham, chiếc nhẫn kim cương đó sẽ là đồ thật. Nhưng  bởi ông ta đem ra ánh sáng, chị sẽ gặp rắc rối nếu là đồ thật nên nó phải biến thành đồ giả. Tôi thật lòng muốn giúp đỡ chị,  nhưng tôi đã  không lường trước được  tình huống đó.
- Chồng của tui nghe kể chuyện, ổng chửi tui lớn đầu mà còn ngu đi tin lời người ta, trên đời này đâu có ai đem cho không người khác cái gì đâu.
- Rồi có ngày chị sẽ tin là trên đời này có nhiều người giúp đỡ người khác không vì một lẽ nào cả. Rồi có ngày chị sẽ thấy trên đời này có nhiều người giúp đỡ người khác mà không bao giờ mong mỏi một sự đền ơn.
Người đàn ông trầm ngâm, đôi môi chợt cười mĩm, chút nữa chị về sẽ nghe tin vui, không còn phải lo lắng dọn nhà.

Vừa bước vào nhà hai đứa con chạy ra mừng. "Má! Má! Được ở lại đây, khỏi phải dọn nhà".
Chồng chị Hường lên tiếng:"Hồi nãy ông bà chủ nhà có đến nói là cho mình tiếp tục mướn khỏi phải dọn. Hôm trước bà đi khám bệnh, có cục bứu trong vú,  sợ bị bệnh ung thư nên lật đật bán nhà. Giờ khám nghiệm, bứu hiền, không có bệnh hai ông bà mừng quá bỏ ý định bán nhà qua đây cho mình hay. Hai ông bà còn hứa chắc là trong vòng một năm không bán mà cũng không lên tiền thuê.
Chị Hường vừa đi thay áo vừa lẩm bẩm. Có lẽ nào! Có lẽ nào người đàn ông đó là "Người ở Cõi Trên".