Saturday, September 23, 2017
NGƯỜI NỮ ĐỘC GIẢ DÀI HẠN
Seicho Matsumoto
Ngọc Hoán dịch
Bản Anh ngữ "The Woman Who Took The Local Paper"
Yoshiko Shioda gửi một số tiền tới báo Koshin. Toà soạn của báo này nằm tại thị trấn Kofu, cách Tokyo hơn hai giờ xe lửa tốc hành. Mặc dù là một nhật báo tên tuổi của Kofu, song tờ Koshin không được bày bán tại Tokyo. Muốn đọc, độc giả phải mua dài hạn, để toà soạn gửi báo tới nhà qua đường bưu điện.
Nàng gửi tiền bằng thư bảo đảm đề ngày 21 tháng 2, trong đó có kèm mấy hàng chữ: "Tôi muốn mua một tháng báo Koshin. Tôi gửi kèm theo đây tiền mua báo. Truyện dài "Lũ côn đồ" đăng từng kỳ trên báo của quý vị rất hấp dẫn, và tôi muốn theo dõi truyện đó. Xin quý vị gửi cho tôi bắt đầu từ báo đề ngày 19 tháng hai.".
Trước đó Yoshiko Shiodo mới chỉ đọc tờ Koshin có một lần. Lần đó, tại một quán ăn nhỏ, nằm ở một góc một toà nhà lớn, trước mặt nhà ga Kofu. Người hầu bàn đưa nàng tờ báo, trong khi nàng đang đợi tô mì nấu trong nhà bếp. Tờ báo mang đầy sắc thái của một tờ báo tỉnh lẻ. Từ cách trình bày đến kiểu chữ, tất cả đều xưa cũ, thiếu sự hấp dẫn, so với các báo ở Tokyo. Trang ba dành cho các tin địa phương. Hỏa hoạn thiêu rụi năm ngôi nhà. Quỹ của Hiệp Hội Nông Dân bị thất thoát sáu triệu Yen. Trường tiểu học mới xây xong một dãy lớp mới. Thân mẫu một viên chức quận từ trần. Đại loại những tin như vậy. Cuối trang có hai truyện dài dã sử, đăng từng kỳ. Tác giả là Ryuji Sugimoto, một cái tên rất xa lạ với Yoshiko. Nàng đọc được khoảng phân nửa của phần đăng trong số báo đó thì người hầu bàn bưng tô mì lên. Nàng đặt tờ báo sang một bên, lấy bút ghi tên và địa chỉ tờ báo. Nàng cũng nhớ tựa của truyện mà nàng đang đọc dở dang là "Lũ Côn Đồ". Dưới tựa đề còn ghi rõ "kỳ thứ 54". Tờ báo đề ngày 18 tháng 2. Đúng. Hôm đó đúng là ngày 18 tháng 2.
Khoảng 3 giờ chiều thiếu 7 phút, nàng rời quán ăn, lững thững dạo bước trong thị trấn. Đây là một thị trấn nhỏ, đi bộ từ đầu này tới đầu kia, chắc chỉ mất nửa tiếng đồng hồ. Thị trấn chỉ có một con đường duy nhất, chạy ngang qua một công viên, lúc đó đầy người, với những biểu ngữ màu trắng chữ đỏ "Chào mừng ông Tổng Trưởng Sato". Tân chính phủ Nhật vừa thành lập tháng trước, và Yoshiko nhận ra rằng tên người trên các biểu ngữ chính là tên một nhân vật trong vùng vừa được đề cử cầm đầu một bộ trong tân chính phủ.
Đám đông xao động. Một người hô lớn: "Hoan hô ông Tổng Trưởng" và tiếng vỗ tay rào rào nổi lên. Khách bộ hành từ xa chạy lại, nhập vào đám đông. Một người leo lên sân khấu, và bài diễn văn bắt đầu. Nàng nhìn thấy miệng ông ta cử động. Ánh nắng mùa Đông chiếu thẳng vào cái trán hói của ông ta. Một đóa hồng gắn ở miệng túi áo trước ngực của ông. Đám đông đứng yên nghe. Lâu lâu lại có tiếng vỗ tay nổi lên. Yoshiko nhìn chung quanh. Một thanh niên đứng ngay cạnh nàng, và cũng nhìn vào đám đông. Chàng chẳng có dáng gì là đang nghe bài diễn văn. Dường như chàng cũng bị đám đông ngăn chận trong khi bước trên con đường duy nhất của thị trấn.
Yoshiko trộm nhìn vẻ mặt nghiêng nghiêng của chàng. Cái trán khá cao, cặp mắt sắc, gò mũi thẳng. Trước đây, đã có lúc nàng nghĩ rằng đó là những nét đặc biệt của một bộ óc thông minh, của một cặp mắt đáng tin cậy, của một cái mũi đẹp. Nhưng bây giờ thì đầu óc nàng trống rỗng. Tuy nhiên, những nét quyến rũ đó vẫn có sức lôi cuốn nàng như cũ.
Bài diễn văn kết thúc. Ông Tổng Trưởng rời bục gỗ, và đám đông bắt đầu tản mát. Một lối đi mở rộng ra trước mặt nàng. Yoshiko tiến tới. Người thanh niên kia cũng bước đi, với một người khác.
Năm ngày sau, Yoshiko bắt đầu nhận được báo Koshin. Toà soạn gửi cho nàng liền một lúc ba số. Ngoài ra còn có một thư ngắn, cám ơn nàng mua dài hạn.
Theo đúng lời nàng yêu cầu, toà soạn gửi cho nàng bắt đầu từ số đề ngày 19 tháng hai. Nàng lật tờ báo, coi phần tin địa phương. Một vụ cướp xảy ra, bốn người thiệt mạng trong vụ đất chuồi. Tìm được vài manh mối trong vụ quỹ của Hiệp Hội Nông Dân bị thất thoát. Cuộc bầu cử Hội Đồng Xã bắt đầu. Ngoài ra còn có một tấm hình lớn, chụp ông Tổng Trưởng Sato đang đọc diễn văn tại công viên trước cửa nhà ga Kofu.
Yoshiko mở tờ báo đề ngày 20 tháng hai. Cũng không có tin tức gì đặc biệt. Số báo ngày 21 cũng vậy. Nàng vứt mấy tờ báo vào góc tủ áo. Sau này cần gói ghém gì, chắc cũng có thể dùng tới chúng.
Nàng nhận được tờ báo qua ngã bưu điện mỗi ngày. Tên và địa chỉ của nàng được toà soạn in sẵn trên miếng giấy mẫu màu nâu bao quanh tờ báo. Bây giờ nàng đã là độc giả dài hạn của tờ báo rồi mà.
Mỗi buổi sáng, nàng ra hộp thư trong khu chung cư, lấy tờ báo, mang vào nhà, đọc thật kỹ từ đầu tới cuối. Chẳng có tin gì đặc biệt lôi kéo được sự chú ý của nàng. Chán nản, Yoshiko lại vứt mấy tờ báo vào góc tủ áo.
Chuyện trên diễn ra liên tiếp như vậy trong khoảng mười ngày. Mỗi ngày nàng mỗi thất vọng. Tuy vậy, mỗi khi xé bỏ chiếc bao giấy màu nâu bao quanh tờ báo mới nhận được, nàng vẫn thấy hồi hộp, trông đợi.
Đến ngày thứ mười lăm, một đổi thay xảy tới. Không phải vì một bài nào trong tờ báo, mà là vì một tấm thiệp mà nàng chẳng bao giờ mong đợi. Người gửi tấm thiệp này là Ryuji Sugimoto. Yoshiko nhớ là đã có lần nhìn thấy cái tên này đâu đó. Đây không phải là tên của ai gần gủi với nàng, song nàng nhớ là đã có lần nhìn thấy cái tên này rồi. Nàng lật tấm thiệp, chữ viết rất tháo. Chỉ cần đọc một hàng, nàng biết ngay người gửi là ai.
"Tôi được biết cô đang theo dõi truyện dài "Lũ Côn Đồ" của tôi trên nhật báo Koshin. Xin cám ơn cô. Cám ơn cô đã chú ý tới truyện này."
Thì ra trong toà soạn đã có người nói cho tác giả biết nàng mua báo dài hạn chỉ vì thích đọc truyện dài dã sử của ông ta. Và tác giả đã cảm động, gửi tới nàng một tấm thiệp để cám ơn.
Tấm thiệp mang một thay đổi nhỏ tới việc nhận báo hằng ngày của nàng, nhưng đó không phải là sự thay đổi mà nàng trông đợi. Từ ngày nhận báo tới nay, nàng đâu có ngó ngàng tới cái truyện dài "Lũ Côn Đồ" đó. Giống như giòng chữ viết tháo trên tấm thiệp, truyện đó chắc cũng chẳng hay ho gì.
Mỗi ngày báo vẫn được gửi tới một cách đều đặn. Dĩ nhiên, vì nàng đã trả tiền trước rồi mà.
Một sáng kia, khoảng gần một tháng sau khi gửi tiền mua báo, Yoshiko nằm dài trên giường, liếc mắt đọc một số tin địa phương trên tờ báo mới nhận được. Chủ tịch Hiệp Hội Nông Dân bỏ trốn sau khi biển thủ sáu triệu Yen. Một chiếc xe đò rớt xuống vực khiến mười người thiệt mạng. Đám cháy rừng đốt trụi mười mẫu đất. Người ta tìm thấy thi hài một người đàn ông và một người đàn bà tự tử cạnh nhau trong vùng Rinunkyo.
Yoshiko đọc cái tin về hai người tự tử này. Nhân viên phòng Kiểm Lâm tìm ra xác hai người này trong khu rừng của vùng Rinunkyo. Xác đã rửa một phần. Vụ tự tử này có lẽ xảy ra cách đây chừng một tháng. Thịt rửa. Có chỗ lòi xương. Không rõ tên tuổi hai người này. Vùng rừng Rinunkyo, với những núi đá lởm chởm và vực sâu, trước nay vẫn nổi tiếng là nơi để những kẻ chán đời đến tự tử.
Yoshiko xếp tờ báo lại, đặt xuống giường, kéo chiếc mền lên ngang cằm. Nàng mở mắt thao láo, nhìn lên trần nhà. Căn phòng nàng trú ngụ khá cũ. Chung cư nảy được xây cất ít nhất cũng khoảng hai chục năm nay. Trần nhà có vết nứt, chắc là sắp hư tới nơi rồi. Nàng vẫn mở mắt nhìn lên trần, nhưng ánh mắt có vẻ như đang nhìn vào một cõi hư vô nào đó.
Số báo ngày hôm sau đăng một bài dài hơn, với nhiều chi tiết về vụ hai người tự tử. Người đàn ông là một nhân viên an ninh của công ty bách hoá Yamada ở Tokyo, 35 tuổi. Người phụ nữ, 22 tuổi cũng là thư ký của công ty bách hoá vừa kể. Người đàn ông đã có gia đình. Đây dường như là một chuyện tình oan trái như trăm ngàn chuyện tình khác, khiến hai người cùng dắt nhau đi tự tử.
Yoshiko rời mắt khỏi tờ báo. Khuôn mặt nàng bất động, không biểu lộ một cảm xúc nào. Bình thản vô cùng.
Ba ngày sau, nàng nhận được một lá thư của Ty Trị Sự nhật báo Koshin, cho biết số tiền nàng gửi hôm trước sắp hết. Toà soạn hy vọng nàng gửi thêm tiền để toà báo có thể tiếp tục gửi báo tới nàng. Yoshiko viết trả lời: "Truyện Lũ Côn Đồ hết hấp dẫn với tôi rồi, và vì thế, tôi không muốn tiếp tục mua dài hạn nữa".
Yoshiko hiện làm chiêu đãi viên cho một quán rượu. Trên đường đi làm, nàng bỏ lá thư trả lời toà báo vào thùng thư. Sau đó, nàng hơi ân hận đã viết những giòng chữ khiến tác giả "Lũ Côn Đồ" có thể không được vui. Nàng nghĩ thầm "đáng lẽ ta không nên viết như vậy".
Ryuji Sugimoto đọc lá thư của người nữ độc giả do toà báo chuyển tới, và lá thư này làm ông bực mình vô cùng.
Nữ độc giả này là người trước đây đặt mua báo chỉ vì thích truyện "Lũ Côn Đồ" của ông. Lúc đó, chính toà báo đã chuyển tới ông lá thư nàng viết khi đặt mua báo, và ông đã gửi một tấm thiệp tới cám ơn nàng. Thế mà bây giờ nàng lại nói là truyện của ông chẳng còn gì hấp dẫn nữa, và vì thế nàng chấm dứt việc mua báo dài hạn. Sugimoto giận dữ, lẩm bẩm: "Đồ mấy con mẹ đàn bà...đầu óc thay đổi vô chừng..."
Vì được viết cho một số độc giả thuộc nhiều thành phần, nhiều trình độ khác nhau, nên mục đích chính của truyện "Lũ Côn Đồ" chỉ có tính cách giải trí. Tuy thế Sugimoto cũng dành rất nhiều thời giờ để viết, và viết một cách rất thận trọng. Ông tin là cốt truyện không đến nỗi tẻ nhạt, buồn nản.
Sugimoto cười chua sót. Cơn giận lại từ từ kéo tới. Ông có cảm tưởng như bị mang ra giễu cợt, bị người đời coi bằng nửa con mắt. Thực ra, truyện "Lũ Côn Đồ" đang tới hồi phức tạp. Các nhân vật đang bị lôi kéo vào những hoàn cảnh éo le. Ngay tới chính ông, ông cũng đang hài lòng với đường lối dẫn dắt của câu chuyện. Ông hy vọng độc giả sẽ thích thú như ông, và niềm hy vọng này đã khiến ông thấy thái độ của người nữ độc giả kia làm ông bực bội vô cùng.
Ông nghĩ thầm "con mẹ này khó chịu quá", và trong suốt hai ngày liền, ông không sao nhả được cái trái đắng này ra khỏi đầu. Qua ngày thứ ba, cơn tức giận có giảm bớt, nhưng vẫn còn nằm sâu trong tiềm thức, lâu lâu lại vụt loé lên. Vì ông bỏ rất nhiều công sức vào việc viết truyện này, nên lời của nữ độc giả kia còn làm ông đau đớn hơn lời phê bình của các nhà chuyên môn phê bình văn học. Hơn nữa, ông cảm thấy như bị mất uy tín đối với tờ báo, dù điều này có vẻ hơi quá đáng.
Sugimoto lắc đầu, rời bàn viết, bước chân ra sân.
"Người phụ nữ này không đọc truyện của mình từ số đầu, mà là lúc giữa chừng. Vậy cô ta đọc nó ở đâu?"
Tờ Koshin chỉ đặt bán tại quận Yamamashi, chứ không tại Tokyo. Vì thế cô ta không thể mua ở Tokyo để đọc được. Vậy thì người độc giả tên Yoshiko Shioda, cư ngụ tại Tokyo, chắc chắn đã phải đọc báo này tại Yamanashi vào một lúc nào đó.
Và nếu đúng như vậy thì không có một lý do gì khiến một người đã mất công đặt mua báo dài hạn vì thấy truyện của ông hay, lại có thể ngưng mua thêm báo chỉ sau có một tháng. Nhất là khi truyện của ông đang tới giai đoạn gay cấn, hấp dẫn hơn cách đây một tháng rất nhiều. Càng nghĩ về vụ này bao nhiêu, đầu óc Sugimoto càng rối bời bấy nhiêu. Rõ ràng cái lý do chính khi mua báo, thực sự không phải để đọc truyện của ông. Nữ độc giả này có lẽ đã dùng đó như một cái cớ, chứ thực ra cô ta muốn đọc một cái gì khác trong tờ báo. Và khi đọc được cái đó rồi thì thấy không còn cần phải mua báo nữa.
Sugimoto đứng lên, bước vội vào nhà. Một vài ý nghĩ vừa vụt qua đầu óc ông. Ông lục lọi chồng hồ sơ, lấy bức thư đầu tiên Yoshiko Shioda gửi tới toà báo. "Tôi muốn mua một tháng báo Koshin. Tôi gửi kèm theo đây tiền mua báo. Truyện dài "Lũ Côn Đồ" đăng từng kỳ trên báo của quý vị rất hấp dẫn, và tôi muốn theo dõi truyện đó. Xin quý vị gửi cho tôi bắt đầu từ số báo đề ngày 19 tháng hai".
Nét chữ gọn gàng dễ đọc. Nhưng đó không phải là vấn đề. Thắc mắc của Sugimoto ở đây là tại sao cô ta lại nói rõ là muốn mua báo bắt đầu từ số ra hai ngày trước ngày cô ta gửi tiền tới toà báo. Trong những trường hợp mau lẹ, báo thường đăng tải tin những gì xảy ra hôm trước. Tờ Koshin phát hành mỗi ngày một số vào buổi sáng. Như thế, khi muốn đọc bắt đầu từ số báo ra ngày 19, cô ta muốn biết những chuyện gì xảy ra từ ngày 18 trở về sau.
Sugimoto có sẵn những tờ báo do toà báo gởi tới ông mỗi ngày. Ông ôm đống báo, đặt lên bàn. Bắt đầu từ số đề ngày 19 tháng 2, ông đọc tờ báo hết sức cẩn thận. Đọc mọi bài vở, tin tức quốc tế tới tin địa phương, đọc ngay cả các quảng cáo, rao vặt nữa.
Sugimoto quyết định hạn chế sự tìm tòi trong những gì liên quan giữa quận Yamanashi và Tokyo. Ông chăm chú đọc từng tiết mục. Trong tháng hai, trong báo không có gì có thể xếp vào loại mà ông đang tìm kiếm. Ông khởi sự đọc báo của tháng ba. Cho tới ngày mùng 5, ông không thấy có gì đặc biệt. Tới ngày mùng mười cũng vậy. Ngày 13 rồi 14 qua ngày 16, ông đọc thấy mẫu tin như sau:
"Hôm qua, 15 tháng 3, vào lúc 2 giờ trưa, một nhân viên của phòng Kiểm Lâm tìm thấy hai tử thi, một nam một nữ, nằm cạnh nhau trong khu rừng Rinunkyo. Trông đây có vẻ như một vụ tự tử tay đôi. Xác đã rửa. Vụ này có thể đã xảy ra cách đây chừng một tháng. Người đàn ông bận bộ âu phục xanh dương, khoác chiếc áo ấm màu xám, và khoảng chừng ba mươi bảy tuổi. Người phụ nữ mặc bộ đồ đầm màu nâu, chiếc áo choàng ngoài cũng màu nâu và khoảng hai mươi ba tuổi. Vật duy nhất người ta tìm thấy tại đây là chiếc ví xách tay của người đàn bà, trong đựng đầy son phấn và một món tiền không đáng kể. Cảnh sát cho rằng hai người có thể đã từ Tokyo tới đây, vì trong chiếc ví của người đàn bà có một vé xe lửa khứ hồi Shinjuku-Kofu. Cuộc điều tra đang tiến hành. Có tin gì mới, chúng tôi sẽ loan tải ngay".
Số báo ngày hôm sau đăng rõ tên tuổi hai người này:
"Người đàn ông mà người ta tìm thấy xác trong khu rừng Rinunkyo là một nhân viên của công ty bách hoá Yamada ở Tokyo, tên là Sakisugu Shoda, 35 tuổi. Còn người đàn bà là Umeko Fukuda, thư ký của công ty bách hoá vừa kể. Người đàn ông đã có vợ và con".
Sugimoto thốt lên mà không cần suy nghĩ: "Đúng đây rồi!". Ngoài vụ này ra, ông không còn thấy một vụ nào khác liên quan giữa Tokyo và quận Yamanashi. Như vậy là sau khi đọc xong số báo đề ngày 17 tháng 3 này, Yoshiko Shioda quyết định ngưng, không đặt mua thêm báo nữa. Rõ ràng cô ta mua báo chính vì tin này, loại tin hiếm khi được đăng trong những tờ báo lớn ở Tokyo.
"Khoan". Sugimoto tự nói và suy nghĩ.
Yoshiko Shioda đòi hỏi rõ ràng là báo phải gửi bắt đầu từ số đề ngày 19 tháng 2. Người ta tìm thấy xác hai người kể trên hôm 15 tháng 3, khoảng một tháng trời sau khi hai người đó tự tử. Vì thế, vụ tự tử này có thể xảy ra ngày 18 tháng 2. Thời gian có vẻ như rất ăn khớp với nhau. Như vậy là Yoshiko Shioda phải biết vụ hai người này tự tử. Cô ta mua báo cốt để biết xem khi nào thì người ta tìm thấy xác. Nhưng tại sao cô ta lại muốn biết như vậy?
Ryuji Sugimoto bỗng thấy rất quan tâm tới Yoshiko Shioda. Ông coi lại địa chỉ của người độc giả này, viết ngoài bì thư mà toà báo chuyển tới cho ông.
Ba tuần sau đó, Ryuji Sugimoto nhận được thư của một văn phòng thám tử tư, trả lời những điều mà ông bỏ tiền ra, nhờ văn phòng điều tra hộ.
Ryuji Sugimoto đọc thư trả lời này hai lần, và thầm thán phục công việc điều tra của văn phòng. Văn phòng cũng cấp cho ông ta nhiều tin cần thiết. Họ còn đủ tài liệu để chứng minh với ông rằng Yoshiko và Sakitsugu Shoda, người đàn ông tự tử trong rừng Rinunkyo, là tình nhân của nhau. Nếu vậy thì chẳng còn gì nghi ngờ về chuyện Yoshiko Shioda có dính líu một cách nào đó tới vụ tự tử của Sakitsugu và Umeko Fukuda. Và cô ta biết rõ hai người này tự tử tại rừng Rinunkyo. Muốn tới Rinunkyo. Vậy cô này nhìn thấy hai người kia tại đâu? Tại Shinjuku ở Tokyo, hay tại Kofu.
Sugimoto tìm kiếm bảng ghi giờ khởi hành của các chuyến xe trên lộ trình này hằng ngày. Mỗi ngày có khoảng hai mươi chuyến xe lửa tốc hành từ Shinjuku tới Kofu. Theo sự điều tra của văn phòng thám tử tư thì Yoshiko rời khỏi chung cư của cô khoảng 11 giờ trưa hôm đó, 18 tháng 2. Và người ta có thể xác quyết là nàng đã đáp chuyến xe lửa tốc hành Asuza #3, tới Kofu lúc 2 giờ 53. Từ ga Kofu tới địa điểm xảy ra vụ tự tử trong rừng Rinunkyo nếu đi bằng xe đò tới cửa rừng rồi đi chân vào bên trong, phải mất khoảng một giờ đồng hồ. Như vậy Shoda và Umeko, hai nhân vật chính của vụ tự tử, chắc chắn đã tới cái địa điểm định mạng lúc mặt trời mùa Đông sắp lặn. Ryuji Sugimoto hình dung hai xác chết co quắp dưới khe núi trong bầu không khí lạnh lẽo, ảm đạm của mùa giá tuyết.
Cho tới khi người ta tìm ra hai xác chết này một tháng sau đó, và được báo chí loan tải, chỉ một mình Yoshiko biết về hai người này. Cô ta đặt mua tờ báo tỉnh nhỏ, cốt để biết khi nào cảnh sát tìm ra hai xác trên. Vậy cô ta đóng vai trò gì trong vụ này?
Một lần nữa, Sugimoto lại lục lọi, đọc lại đống báo Koshin từ số đề ngày 19 tháng 2. Đất chuồi. Quỹ Hiệp Hội Nông Dân bị biển thủ. Bầu cử Hội Đồng Xã. Không có tin đặc biệt nào khác. Có tấm hình lớn, chụp Bộ Trưởng Sato đứng nói chuyện trước nhà ga Kofu.
Sugimoto gạt chồng bản thảo đang viết để giao cho toà báo ngày mai, ôm đầu suy nghĩ. Trước đây, không hề bao giờ ông nghĩ rằng việc một độc giả chê bài truyện của ông lại có thể lôi kéo ông vào một cuộc điều tra như thế này...
Yoshiko là một trong vài chiêu đãi viên của quán Rubicon trong quận Shibuya ở Tokyo. Hôm đó, nàng đang bận rộn rót rượu cho khách thì một cô bạn đồng nghiệp cho hay có người muốn kiếm nàng.
Yoshiko tiến về phía chiếc bàn, và thấy một người đàn ông khoảng 42 tuổi, mập mạp, tóc dài, ngồi đợi nàng tại đó. Khuôn mặt rất xa lạ với nàng. Nàng chưa hề gặp người này bao giờ. Chắc chắn ông ta không phải là khách quen thuộc của quán này.
Người đàn ông đứng lên, mĩm cười. "Dạ chào cô. Thưa cô, cô có phải là Yoshiko Shioda không?"
Ngay khi làm việc tại quán này, Yoshiko chẳng hề nghĩ tới việc đổi tên như các chiêu đãi viên thường làm. Nàng vẫn giữ tên thật của nàng. Nàng vẫn xưng tên thật của nàng với khách hàng. Thế nhưng khi người đàn ông này hỏi cả tên cả họ, nàng hơi ngạc nhiên. Trong ánh sáng mờ mờ của quán rượu, nàng quan sát khuôn mặt ông ta, và không nhớ đã gặp ông ở đâu.
Yoshiko trả lời: "Dạ vâng. Thưa ông, ông là ai vậy ạ ?" Nàng ngồi xuống chiếc ghế trước mặt ông ta.
Người đàn ông nhẹ nhàng lên tiếng: "Vâng, để tôi xin được tự giới thiệu với cô". Ông rút một tấm danh thiếp trong túi áo, và đưa cho nàng. Nàng nhìn thấy cái tên Ryuji Sugimoto, nàng há miệng ngạc nhiên.
Theo dõi sắc mặt nàng, người đàn ông khẽ cười và nói: "Vâng, chính tôi là người viết truyện "Lũ Côn Đồ" mà cô đang đọc. Toà báo Koshin có chuyển tới tôi lá thư mua báo của cô, và tôi đã gửi tới cô một tấm thiệp cám ơn. Hôm qua, tình cờ đi ngang qua khu chung cư của cô, tôi có ghé thăm, nhưng cô đi vắng. Tôi được cho biết là cô làm việc tại đây, và vì thế, tối nay tôi quyết định ghé gặp cô, để được đích thân cám ơn cô đã theo dõi truyện "Lũ Côn Đồ" của tôi.
Yoshiko nghĩ thầm "à, ra thế". Thì ra ông nhà văn này chỉ tò mò, muốn đi tìm gặp một nữ độc giả ái mộ ông ta. Thật ra, mình chẳng bao giờ thích truyện của ông ta cả. Tại sao lại có nhà văn có thể dễ sung sướng khi mình mới chỉ viết có một hàng chữ khen ngợi truyện của ông mà thôi?
"Chà, ông mất công nhiều quá khi đi kiếm tôi như thế này. Xin cám ơn ông. Tôi thích truyện "Lũ Côn Đồ" của ông lắm". Yoshiko nói, xích chiếc ghế nàng đang ngồi lại gần chiếc ghế của ông ta hơn.
Sugimoto trả lời bằng một giọng hiền hậu: "Xin cô đừng nói tới chuyện mất công gì. Gặp được cô ở đây là tôi mừng lắm rồi". Ông đảo mắt nhìn quán rượu: "Quán này ấm cúng quá nhỉ". Và rồi ông nhìn thẳng vào mắt Yoshiko, ấp úng: "Cô đẹp quá!"
Nhìn lại bằng một cái nhìn rất dài, Yoshiko rót bia vào ly của Sugimoto và mĩm cười: "Thật không ông. Cám ơn ông nhiều lắm. Tôi cũng rất hân hạnh được gặp ông tối nay. Ông ngồi đây chơi một lát được không?"
Sugimoto rõ ràng không phải là một tay bợm nhậu. Chỉ sau một ly bia, trông ông ta chếnh choáng thấy rõ. Lẽ dĩ nhiên, Yoshiko cùng uống với ông, và rồi thì vài chiêu đãi viên khác cũng kéo tới ngồi bàn này, nói chuyện với nhà văn bằng một giọng rất kính trọng, và ông ta khoan khoái lắm. Sugimoto ngồi tại đây khoảng một tiếng đồng hồ.
Khi ông rời quán rượu, Yoshiko nhìn thấy một bao thư màu nâu trên chiếc ghế mà ông ngồi hồi nãy. Nàng nghĩ bao thư này là của ông ta, nên vội cầm lấy chạy nhanh ra cửa, nhưng ông đã biến dạng.
Yoshiko thầm nghĩ: "Thế nào ông ta cũng quay trở lại. Mình hãy giữ bao thư này cho ông ta". Nàng luồn bao thư vào trong chiếc áo Kimono mà nàng đang bận, rồi quên lãng hẳn đi.
Yoshiko lại nhìn thấy bao thư này khi về tới nhà. Nàng vừa với tay cởi chiếc áo Kimono thì bao thư màu nâu rớt xuống sàn nhà. Nàng cầm lên. Ngoài bao thư không có một chữ nào. Bao thư để ngỏ, bên trong hình như có một mẫu báo. Nàng tò mò rút ra coi. Đây là một mẫu báo, lớn khoảng 1/4 trang, xếp ngay ngắn. Yoshiko mở mẫu báo này ra, tròn mắt, ngạc nhiên. Đó là hình ông Bộ Trưởng Sato, chụp khi đang đọc diễn văn trước nhà ga Kofu, đăng trên báo Koshin.
Giữa đám đông trong bức hình, người ta nhìn thấy vài tấm biểu ngữ màu trắng. Bộ trưởng Sato đứng trên một cái bục, cao hơn hẳn những người khác. Cảnh trong hình đúng là cảnh mà nàng thực sự chứng kiến trước đây.
Yoshiko nhìn vào tấm hình mà thấy như đang nhìn vào một cõi hư vô nào đó. Tay nàng hơi run. Chiếc dây cột áo Kimono vẫn còn lủng lẳng bên hông. Phải chăng đây là một sự tình cờ? Hay Ryuji Sugimoto đã cố ý bỏ quên bao thư tại quán rượu để nàng có cơ hội xem tấm hình? Đôi chân Yoshiko bỗng dưng nặng như chì. Nàng ngồi xếp xuống sàn nhà, và rồi chẳng buồn trải tấm nệm, nàng nằm dài trên mặt đất. Sugimoto đã biết được những gì? Nàng nghĩ rằng ông ta cố ý để quên bao thư vì một mục đích nào đó. Trực giác của nàng cho nàng biết như vậy. Đây không phải là một sự tình cờ. Không, chắc chắn đây không phải là một ngẫu nhiên.
Ryuji Sugimoto, người mà mới đây được nàng cho là một nhà văn vui tính, giờ đây bỗng dưng trở thành một con người khác biệt hẳn hoi đối với nàng.
Hai ngày sau, Sugimoto lại xuất hiện tại quán rượu và xin được gặp Yoshiko.
"Chào ông". Nàng tươi cười, ngồi xuống chiếc ghế cạnh ông ta. Nhưng nàng cảm thấy khuôn mặt nàng đanh hẳn lại.
Ông mĩm cười. Trông ông không có dáng vẻ gì của một người tới đây vì một mục đích thầm kín nham hiểm nào đó.
"Hôm trước, ông để quên cái này". Vừa nói, Yoshiko vừa lấy chiếc bao thư màu nâu trong sắc tay, đưa cho ông. Nụ cười vẫn nở trên môi, nhưng mắt nàng theo dõi phản ứng trên khuôn mặt ông ta.
Sugimoto cầm lấy cái bao thư, bỏ vào túi. Khuôn mặt ông không có một biến đổi nhỏ nhoi nào. Thế nhưng, trong một khoảnh khắc rất ngắn, ông nhìn thẳng vào cặp mắt của nàng, và nàng thấy mắt ông sáng lên đôi chút. Rồi ông vội nhìn đi chỗ khác, cầm ly bia sủi bọt mà nàng vừa rót cho ông, đưa lên miệng uống một hơi dài.
Yoshiko cảm thấy bồn chồn, nôn nóng và sợ hãi...
Mối liên hệ giữa Yoshiko và Sugimoto trở thành sâu đậm ngay sau đó. Những hôm nào không thấy ông tới, nàng điện thoại, mời ông lại chơi. Nàng cũng viết thư cho ông, không phải những lá thư mà chiêu đãi viên thường viết cho khách mời tiếp tục tới quán, mà là những lá thư với lời lẽ riêng tư.
Nhìn vào những lá thư, vào những lần ông lui tới quán rượu, vào cách xưng hô của hai người với nhau, người ta thấy tình cảm của họ rất đậm đà. Và bằng cớ của sự đậm đà này được tỏ rõ một hôm, khi Yoshiko ngỏ ý với Sugimoto rằng "Chúng mình có thể cùng nhau đi chơi một nơi nào không? Em có thể xin nghỉ một ngày được".
Nét hân hoan hiện rõ trên khuôn mặt của Sugimoto. "Được đi chơi xa với em một ngày thì thích quá rồi. Em định chúng mình đi đâu?"
"Em muốn tới chỗ nào có phong cảnh đẹp, yên tĩnh. Hay chúng mình đi tới một chỗ nào trong vùng Izu đi. Chúng mình có thể khởi hành từ sáng sớm. Tối về."
"Izu? Đi chỗ đó thì anh cũng thích lắm. Em làm anh cảm thấy hạnh phúc quá".
"Đừng anh. Em chỉ mới đề nghị là chúng mình đi với nhau thôi mà. Anh đừng hiểu lầm ý của em".
"Em nói vậy nghĩa là làm sao?" Sugimoto hỏi bằng một giọng bực bội.
"Em không muốn chúng mình ràng buộc với nhau nhiều quá. Em chưa muốn vậy. Chúng mình hãy đi chơi với nhau một chuyến cho vui. Để chắc chắn là giữa chúng mình không có một sự hiểu lầm nào, sao anh không rủ một cô bạn nào đó cùng đi chơi với chúng mình. Em chắc là anh cũng phải có một người bạn gái chứ".
"Thì anh cũng có một cô".
"Em muốn được biết, được làm quen với cô ta, nếu anh không thấy có điều gì bất tiện".
Sugimoto nhăn nhó.
"Trông anh chẳng vui vẻ chút nào vậy?"
"Làm sao anh có thể vui vẻ được, nếu anh không được đi chơi riêng với em".
"Đừng anh. Lần tới, có thể chúng mình sẽ đi riêng với nhau".
"Em hứa đi".
Yoshiko cầm lấy bàn tay của Sugimoto, lấy ngón tay gãi nhẹ vào lòng bàn tay của ông.
"Thôi được. Nếu lần này em muốn vậy, anh cũng xin chiều ý em. Bây giờ mình có thể quyết định hôm nào thì đi không em?"
"Dạ anh chờ em một chút nhé".
Yoshiko đứng lên đi vào phòng làm việc của chủ quán và mượn tấm thời khoá biểu, ghi lịch trình giờ khởi hành của các chuyến xe lửa.
Sugimoto dàn xếp, mời một nữ nhân viên toà báo cùng đi với ông. Ông không nói rõ cho người này biết lý do ông mời cô ta đi chơi với ông và Yoshiko. Thế nhưng quen biết ông từ lâu, và tin tưởng ở ông, người này nhận lời ngay, không thắc mắc gì cả.
Ryuji Sugimoto, Yoshiko Shioda và Fugiko Sakata, nữ nhân viên toà báo, tới Ito trên bán đảo Izu trước 12 giờ trưa. Chương trình của họ là từ đây sẽ đi xuyên qua vùng đồi núi tới Shunenzi, và rồi từ đó trở về Tokyo qua ngã Mishima.
Sugimoto tự hỏi những gì sẽ có thể xảy ra. Ông thấy rõ ông đang tham dự vào một trò chơi nguy hiểm, đầu óc ông căng thẳng hẳn ra. Ông phải cố gắng lắm mới giữ được tự nhiên, làm như không nghi ngờ một điều gì cả.
Yoshiko tỏ vẽ rất bình tĩnh. Tay nàng cầm một túi nhựa lớn, bên trong có lẽ có thức ăn mà nàng đã nấu sẵn ở nhà. Nhìn bề ngoài, cả ba trông có vẻ như đang nôn nóng, mong chờ một chuyến đi chơi đầy hứng thú. Hai người đàn bà nói chuyện với nhau rất tương đắc.
Chiếc xe đò rời Ito, khởi sự leo lên những con đường dốc ngược, dẫn vào vùng đồi núi. Xe càng lên cao, thị trấn Ito càng trông nhỏ dần đi. Trước mắt họ, vịnh Sagami xanh mát, nước trong vắt. Fujiko thốt lên "cảnh thật là tuyệt vời".
Xe chạy quặt về phía Tây, tiến về vùng rừng. Đại dương khuất sau những tảng đá lớn, chắn mắt mọi người. Khi xe tới đỉnh núi Agami, Yoshiko đề nghị: "Chúng mình xuống đây, đi bộ, coi phong cảnh vùng này, rồi đáp chuyến xe sau đi tiếp".
Chiếc xe ngừng lại bên một hốc núi. Cả ba bước xuống.
"Anh chị có muốn khám phá cho biết con đường mòn này sẽ dẫn bọn mình tới đâu không?"
Yoshiko lên tiếng, chỉ tay vào một con đường mòn, dẫn vào khu rừng rậm trước mặt họ. Khuôn mặt nàng hớn hở, vui tươi, rất yêu đời, trán nàng long lanh vài giọt mồ hôi.
Con đường mòn chạy ngoằn ngoèo, vài quãng thật xấu và hẹp. Thế nhưng cánh rừng với những thân cây cao ngất, với những tàn lá che rợp trên cao, với tiếng chim hót véo von bên tai, khiến cả ba đều như không thấy mệt mỏi. Có những quãng, trời tối hẳn vì lá che kín bầu trời, không một tiếng động. Sự yên lặng, tĩnh mịch khiến như thấy nghẹt thở. Tới một khu, trời quang đôi chút nhờ ánh sáng chiếu lọt qua được lá cây, ba người nhìn nhau.
"Mình nghỉ chân tại đây đi", Yoshiko đề nghị và Fujiko đồng ý ngay tức khắc.
Sugimoto nhìn chung quanh. Ông nhận ngay ra rằng đã đi quá sâu vào khu rừng. Chỗ này chắc hiếm ai đặt chân tới, ông nghĩ vậy. Trong đầu óc, ông hình dung ra ngay khu rừng ở Rinunkyo.
"Anh ngồi xuống đây đi". Yoshiko nói với Sugimoto. Nàng lấy một miếng giấy báo lớn, trải xuống thảm cỏ. Hai người đàn bà cùng ngồi xuống, duỗi thẳng chân ra trước mặt một cách thoải mái.
Fujiko lên tiếng: "Đi bộ nhiều quá, em bắt đầu cảm thấy kiến bò bụng rồi đấy".
"Thế thì tụi mình ăn trưa luôn ở đây đi". Yoshiko đề nghị.
Hai người đàn bà mở những gói đồ ăn mà họ mang theo. Fujiko mang theo một ít bánh mì kẹp chả, còn Yoshiko làm món có sushi. Những miếng cá tươi được bày ra cùng một lúc với ba chai nước trái cây. Fujiko cầm đĩa bánh mì, mời Yoshiko và Sugimoto. "Ông và chị ăn thử xem bánh mì em làm có ngon không?"
Yoshiko cầm lấy miếng bánh "Cám ơn chị. Thế nào rồi mình cũng ăn. Mình thì chuẩn bị sẵn món sushi rồi đây này. Món này ở nhà mình hay ăn lắm, nên giờ đây hơi ớn rồi. Mình mang theo đây để mời quý vị ăn cho biết cái tài nấu nướng của mình. Này quý vị, mỗi người thử một miếng của em đi".
Fujiko cười lớn: "Cám ơn chị. Hay bây giờ mình đánh đổi đi. Em ăn sushi của chị, còn chị dùng bánh mì chả của em".
Fujiko đưa miếng sushi lên miệng.
"Coi chừng Fujiko!" Sugimoto la lớn, hất mạnh miếng sushi khỏi những ngón tay của Fujiko. Mặt ông tái nhợt.
"Trong cá có thuốc độc đấy"
Fujiko nhìn ông ngơ ngác, không thốt nên lời.
Sugimoto nhìn trừng trừng vào bộ mặt nhợt nhạt của Yoshiko. Nàng cũng nhìn thẳng vào mắt ông ta. Không sợ sệt. Không lãng tránh. Mắt nàng rực sáng.
"Yoshiko, phải chăng cô đã giết hai người ở Rinunkyo cũng bằng cách này. Chính cô là người đã dàn cảnh để mọi người tưởng đó là một vụ tự tử phải không?"
Yoshiko cắn chặc làn môi run rẩy. Nàng xám ngắt như một xác chết.
Cố dằn sự xúc động, Sugimoto nói tiếp: "Hôm 18 tháng 2, cô mời Sakitsugu và Umeko Fukuda đi chơi rừng Rinunkyo với cô. Cô đã đầu độc họ, y hệt như cô định đầu độc chúng tôi hôm nay. Cô để họ nằm chết tại đó. Cô quay về Tokyo một mình. Không ai có thể nghĩ rằng cái chết của hai người kia lại do một vụ sát nhân gây ra. Vùng đó nổi tiếng là nơi xảy ra nhiều vụ tự tử rồi mà. Cô đã dàn cảnh thật tuyệt diệu. Mọi người đều cho đó là một vụ tự tử. Chẳng ai tìm hiểu thêm làm gì. Mưu mô của cô cao quá mà".
Yoshiko vẫn ngồi yên. Fujiko tròn xoe mắt nhìn hai người, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sugimoto nói tiếp:
"Cô đã hoàn tất được mục đích của cô. Thế nhưng vẫn còn một điều làm cô áy náy. Cô không rõ những gì xảy ra cho hai xác chết đó. Khi cô bỏ về thì hai người đó đã chết, nhưng cô muốn biết rõ ràng hơn. Cô muốn biết những gì sẽ xảy ra cho hai xác chết này, để cô được an tâm. Người ta hay nói kẻ sát nhân thế nào cũng tìm cách quay trở lại địa điểm xảy ra án mạng. Cô chọn đường lối này bằng cách đọc báo chí địa phương. Cô muốn biết xem cảnh sát coi đó là một vụ tự tử hay một vụ sát nhân. Những vụ nhỏ nhặt thế, lại xảy ra ở một vùng xa xôi hẻo lánh như thế này, làm sao các báo ở Tokyo cỏ thể đăng được. Vì thế, cô đặt mua tờ Koshin ở quận Yamanashi. Rừng Rinunkyo nằm trong quận này, nên báo chí chắc chắn sẽ phải loan tin.
"Cô thông minh lắm, Yoshiko ạ, tuy nhiên, cô mắc phải hai lỗi lầm. Trước hết, cô nghĩ là cô cần một cái cớ để mua báo dài hạn. Vì thế, cô nói cô mua báo là để đọc truyện của tôi. Lẽ ra cô không cần phải nói như vậy. Chính điều này đã làm tôi nghi ngờ. Lỗi lầm thứ hai là cô đã đặt mua báo từ ngày 19 tháng 2. Nhờ thế, tôi đoán là cô muốn biết những gì xảy ra hôm trước đó, tức là ngày 18 tháng 2.
"Tôi đã nhờ điều tra, và được biết cô không đi làm ngày đó. Dùng trí tưởng tượng của tôi, cộng thêm với những sự kiện sẵn có, tôi có thể hình dung ra rằng cô đã phải rời nhà ga Shinjuku trên chuyến xe lửa tốc hành chuyến 1 giờ 06 phút. Chuyến này tới Kofu lúc 2 giờ 53. Đáng lẽ từ đó cô đã đi Rinunkyo ngay, nhưng vì ông Bộ Trưởng Sato đọc diễn văn nên đường bị kẹt. Chuyện này được báo chí đăng tải và chụp hình. Tôi đoán cô đã nhìn thấy cảnh đó, nên giả vờ để quên tấm hình để thử thách cô.
"Tôi đã nhờ một thám tử tư điều tra về cô và Sakitsugu Shoda, và rõ ràng là cô và anh ta đã có chuyện tình với nhau. Thế nhưng Shoda lại còn gian díu với một người đàn bà khác, Umeko Fukuda. Nếu làm sao dàn cảnh để mọi người thấy đây là một vụ tự tử tay đôi thì vụ này sẽ chẳng làm ai chú ý tới. Khi tôi tin chắc lý luận của tôi có lý, tôi cố ý để quên chiếc bao thư và tấm hình ông Sato. Tôi biết bao thư đó sẽ làm cô nghi ngờ tôi. Nói một cách khác, tôi muốn cô biết là tôi đang thử thách cô. Điều này sẽ làm cô lúc đẩu thì lo ngại, sau trở thành sợ sệt tôi. Sợ tôi thì cô phải ra tay hành động. Tôi chờ cô hành động, và cô đã hành động theo đủng ý của tôi.
"Bỗng dưng cô tỏ ra thân thiện với tôi. Rồi cô rủ tôi đi chơi. Cô nhất định đòi tôi phải mang theo một người bạn gái. Đó là vì cô nghĩ rằng nếu người ta thấy tôi nằm chết một mình thì vụ này không giống một vụ tự tử chút nào. Nếu Fujiko và tôi cùng chết vì những miếng cá sushi có tẩm thuốc độc của cô, cô sẽ để chúng tôi nằm tại đây, và rồi thiên hạ lại tưởng thêm một cặp tình nhân oan trái nữa cùng nhau tự tử tại vùng rừng núi này. Nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi tưởng tôi và Fujiko có tình với nhau. Vợ tôi chắc sẽ oán ghét tôi và hất nắm tro tàn của tôi xuống cống."
Bỗng dưng một chuỗi cười lanh lãnh vang lên. Yoshiko ngã đầu về phía sau, cười rũ rượi. Trông không thể biết được là nàng điên hay tỉnh. Tiếng cười chợt ngưng lại, và nàng cất tiếng bằng một giọng sắc bén:
"Tôi phải nói ngay rằng ông quả thật là một nhà văn nhiều đầu óc tưởng tượng. Có lẽ ông không thể bịa đặt ra được một chuyện nào hay hơn thế nữa đâu. Ông nói rằng trong cá sushi của tôi có thuốc độc hả?"
"Đúng. Tôi nói vậy đó".
"Đây, ông mở to mắt ra xem tôi có chết vì những miếng cá này không nhé. Tôi sẽ ăn hết, một mình ăn hết chỗ cá này. Nhìn tôi đây này. Nếu trong cá có thuốc độc, thì chỉ cần hai hoặc ba phút sau, tôi sẽ chết. Nếu đây là loại thuốc độc có tác dụng chậm đi chăng nữa thì tôi cũng sẽ phải mê man. Lúc đó, xin hai người cứ để tôi nẳm chết tại đây. Đừng tìm cách cứu tôi. "
Yoshiko lấy đĩa cá từ bàn tay run rẩy của Fujiko, cầm một miếng đưa vào miệng. Sugimoto yên lặng ngồi nhìn, không nói một lời. Trên đĩa có khoảng gần một chục miếng sushi. Yoshiko nhai từng miếng, rồi nuốt.
"Đấy, tôi ăn hết rồi đấy. Cám ơn mấy người. Nhờ mấy người mà tôi được no bụng. Giờ đây mấy người xem tôi có gục chết không nhé?"
Nói xong, Yoshiko nằm dài xuống bãi cỏ.
Tóc vờn trên khuôn mặt nàng. Mắt nàng nhắm nghiền. Tiếng chim cô đơn nhẹ hót đâu đây. Thời gian từ từ trôi qua. Cả Sugimoto lẫn Fujiko đều im tiếng. Thời gian vẫn từ từ trôi.
Yoshiko dường như ngủ thiếp đi. Nàng nằm im, không động đậy. Từ khoé mắt, một hàng lệ từ từ chảy xuống gò má. Sugimoto định mở miệng, nhưng lúc đó, Yoshiko ngồi thẳng dậy. Y hệt một chiếc lò xo bật tung khỏi một chiếc hộp đậy kín.
"Tôi nghĩ chờ đợi lâu như thế đủ rồi". Vừa nói, nàng vừa nhìn Sugimoto. "Nếu cá sushi có thuốc độc thì giờ đây tôi đã chết hoặc mê man rồi. Thế nhưng tôi vẫn khỏe mạnh như thường đây. Tôi hoàn toàn như thường đây. Sự kiện này có đủ là bằng chứng để ông thấy ông đã cho trí tưởng tượng của ông đi quá xa hay không. Từ nay trở đi, trước khi đưa ra những lời buộc tội như vậy, xin ông hãy cẩn thận, giữ mồm giữ miệng hơn một chút".
Nói xong, Yoshiko dọn thức ăn, bỏ vào cái túi nhựa của nàng. Nàng đứng lên, rũ những sợi cỏ khô khỏi chiếc váy.
"Tôi về Tokyo trước đây. Xin chào hai người".
Yoshiko đi ngược con đường mòn. Bước chân nàng chắc nịch. Chẳng mấy chốc, bóng nàng mờ dần sau rừng cây.
Sugimoto nhận được lá thư sau đây của Yoshiko gửi tới cho ông.
"Anh hoàn toàn đúng. Chính tôi là thủ phạm vụ đó. Chính tôi đã giết hai người trong rừng Rinunkyo. Tại sao tôi lại làm vậy? Còn lý do nào khác nữa, ngoài hậu quả của một chuyện tình đau thương giữa một người đàn ông và hai người đàn bà. Chuyện hai người đó chết như thế nào, đúng như lời anh nói. Khi tôi mời cả hai cùng đi chơi rừng Rinunkyo với tôi, họ đều rất thích. Shoda có vẻ hài lòng trước viễn ảnh một chuyến đi như vậy, trong đó chàng có được cái cảm giác cùng đi chơi một lúc với hai người tình.
Tôi giữ chỗ trên chuyến xe tốc hảnh rời nhà ga Shinjuku lúc 1 giờ 16 phút, nhưng tôi lại cố ý đáp một chuyến trước đó, vào lúc 1 giờ. Tôi không muốn một người quen biết nào nhìn thấy ba chúng tôi đi với nhau. Tôi đến Kofu trước họ chừng 30 phút. Trong khi chờ đợi, tôi ghé tiệm hủ tíu gọi một tô mì, và được đọc truyện của anh trên báo. Khi tôi gặp lại họ thì ông Bộ Trưởng Sato đang đọc diễn văn.
Tại Rinunkyo, tôi cho Shoda và Umeko ăn miếng bánh tráng miệng do tôi làm lấy. Tôi tẩm một loại thuốc độc rất mạnh trong bánh này, và hai người chết ngay lập tức. Tôi thu dọn những miếng bánh còn lại, trở về Tokyo, để hai xác chết nằm đó. Mọi chuyện diễn tiến một cách hoàn hảo.
Tôi chỉ có một thắc mắc nhỏ. Tôi không rõ rồi cảnh sát có coi đây là một vụ tự tử hay không. Vì thế, tôi quyết định mua báo địa phương, dùng truyện của anh như một cái cớ để đặt tiền mua báo. Vì thế, tôi đã khiến anh nghi ngờ.
Bởi vậy, tôi quyết định phải giết anh. Đúng như đường lối tôi đã giết Shoda.
Thế nhưng anh đã nhìn thấy âm mưu của tôi. Anh nghi ngờ tôi tẩm thuốc độc vào cá sushi. Thực ra, thuốc độc nằm trong mấy chai nước trái cây. Tôi nghĩ anh và Fujiko, sau khi ăn sushi xong, thế nào cũng khát nước, và đòi uống nước. Đây là một loại thuốc độc rất mạnh. Mạnh lắm.
Tôi mang mấy chai nước đó về với tôi. Tôi sẽ không bỏ uổng mấy chai này đâu. Tôi uống một chai ngay bây giờ đây..."
Seicho Matsumoto
Ngọc Hoán dịch
---------
Nguồn: VĂN. Số 81, tháng 03/1989
Tuesday, September 19, 2017
BỘ TỨ THẦY CHẠY
Nguyễn Thạch Giang
Thằng Nhứt chở Ty Na đến đón Jenny, bạn của Ty Na và thằng "Tùng bóng", lối xóm của Ty Na muốn đi theo chơi chung cho vui. Cả bọn bốn đứa có hẹn chiều nay ra khu Việt Nam Town coi văn nghệ gây quỹ cứu trợ nạn nhân bão lụt. Thiên hạ kéo đến nườm nượp, gì chớ coi văn nghệ miễn phí thì bà con rất nhiệt tình, mặc dù sân khấu ngoài trời, mạnh ai nấy nói, ban nhạc thì cứ lo phần ban nhạc, ca sĩ cứ lo phần ca sĩ, văn nghệ ngoài trời mà, vui là chính. Thằng Nhứt đảo ba bốn vòng mà không tìm được chỗ đậu xe, thôi thì chạy qua khu thương mại kế bên đậu nhờ, quý vị chịu khó lội bộ một tí. Còn hơi sớm, giờ này chưa có ca sĩ xịn, chỉ mấy anh chàng cô nàng chuyên trị karaoke lãnh phần hát lót. Thằng Tùng bóng rủ vô quán kiếm gì ăn trước đi, em bao. Tối nay nó rất vui sẵn sàng chi trả miễn là đi đâu cho nó đi theo là được.
Bốn người nhưng chỉ dành được hai chỗ ngồi, nhường cho Ty Na và Jenny, thằng Nhứt và thằng Tùng bóng coi đứng, đứng xa xa vậy mà thoải mái hơn. Thằng Tùng thì lâu lâu cứ đưa cái phone lên chụp hình để đưa lên Facebook. Hễ có ca sĩ nổi tiếng là nó chen lấn cho bằng được đứng kế bên chụp hình. Sau đó thì đụng ai cũng đem ra khoe, cuộc đời hạnh phúc chỉ bao nhiêu đó. Tối nay người ta đông ơi là đông, văn nghệ chùa với lại văn nghệ cứu trợ gây quỹ từ thiện thì ban tổ chức không sợ bị ế, bà con giờ rất nhiệt tình đóng góp. Thằng Tùng bóng không chịu đứng yên một chỗ, nó đưa mắt ngó quanh tìm bạn quen đến nhập bọn đấu láo. Lâu lâu chạy tới bên thằng Nhứt kề tai nói nhỏ, thằng ca sĩ này coi vậy chớ...bóng. Người ta không có mặc đồ xuyên thấu sao mày biết? Ậy, tin tui đi, thiệt đó. Rồi nó nói thêm, bóng bóng hát mới hay. Thỉnh thoảng ban tố chức ra sân khấu nói lời cám ơn quý đồng hương và sau đó đếm tiền coi được bao nhiêu rồi. Cũng gần đạt chỉ tiêu xin quý vị mạnh tay móc túi, í quên, móc bóp khi các nam thanh nữ tú bưng cái hộp đi vòng vòng.
Đến chín giờ tối thì ca sĩ "hot" nhứt hiện nay (theo lời ban tổ chức ) xuất hiện, thằng Tùng bóng đang mê anh chàng này như điếu đổ, nó cố chen lên gần sân khấu để chụp hình và để được gần thần tượng. Nó viết mãnh giấy nhỏ yêu cầu anh ta hát bài " Đắp mộ cuộc tình " mặc dầu nó chẳng có cuộc tình nào để mà đắp mộ. Nhưng cái kiểu thích của nó, thích bài hát nào cũng chừng vài ba tháng lại đổi qua thích bài khác, nhất là bài hát nào đang nổi đình nổi đám, hễ thiên hạ đang xúm nhau thích thì nó thích theo, cái vụ thích này làm như có con vi rút hay lây. Rồi thì ca sĩ nào mà nó mê, hát bài gì nó cũng thấy hay, mà thời này, thiếu gì người như vậy.
Ty Na và Jenny đến nhờ thằng Nhứt ngồi giữ chỗ dùm, hai cô nàng dẫn nhau đến chỗ anh chàng ca sĩ đang đứng bán CD, mua giúp gây quỹ, tiền bán CD đều bỏ vào thùng từ thiện, chớ Ty Na làm quán cà phê nghe nhạc suốt ngày, đâu mua CD làm gì. Đến mười một giờ đêm mà mấy người này cũng chưa chịu về, mặc dầu khán giả thưa thớt dần, đòi ở lại coi cho tới vãn, không biết máu văn nghệ hay máu ham vui.
Nhứt kề tai Ty Na nói nhỏ, hai đứa mình về motel ngủ, nói nhỏ vậy mà thằng Tùng bóng cũng nghe, nó bước tới nói gì đó với Jenny. Cô nàng nói với Ty Na xin được đi theo ngủ khách sạn cho biết mùi đời, hồi đó tới giờ chưa từng biết qua. Thẳng Nhứt nhìn vẻ mặt ngây thơ vô số tội của cô nàng mà tội nghiệp. Jenny thì lúc nào cũng welcome, nó nhìn qua thằng Tùng bóng, còn cái thằng này? Thằng Tùng nhái giọng đào hát: " Đi đâu cho thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam."
Nhứt ghé qua 7-Eleven mua một xâu bia nhỏ cùng hai lon nước ngọt và hai chai nước lạnh. Đi tới chỗ motel quen mà nó thường ngủ qua, nó muốn mướn phòng lớn có hai giường, nhưng rủi lúc đó chỉ còn loại phòng một giường, thôi kệ, giờ này đi đâu chạy lòng vòng mất công. Thằng Tùng bóng lật đật móc tiền trả, nó phải chơi cho đẹp...mong còn có lần sau.
Ty Na và Jenny rủ nhau đi tắm, tắm chung, trai gái tắm chung còn được, hai đứa con gái tắm chung đâu có sao. Lúc Jenny bước ra, Nhứt thấy hình như nàng không mặc áo lót, tối ngủ cởi nịt vú ngủ cho khỏe. Chiếc áo hơi mỏng phất phơ cái bộ ngực căng tròn. Phải công nhận cô nàng đẹp, đẹp không có chỗ chê. Mắt mũi đẹp tự nhiên, không cần tốn tiền thẩm mỹ viện. Cô cũng khá là cao, số đo ba vòng thì thôi khỏi nói, đủ tiêu chuẩn dự thi hoa hậu áo dài. Cô đang học năm thứ tư đại học, không biết đi đâu mà quen Ty Na là cô gái bán quán cà phê. Lúc rày nàng đang thích Ty Na, thường ghé quán tâm sự. Chuyện gì cũng kể cho Ty Na nghe, nàng vừa chia tay cô bồ người Mỹ, là bạn học từ năm thứ nhất, giờ chia tay, buồn sao mà buồn chi lạ, "buồn...như ly rượu cạn, đâu còn rượu để say". Đây là chuyện thâm cung bí sử chỉ kể cho Ty Na nghe, Ty Na kể cho thằng Nhứt nghe, dặn nó biết để bụng đừng nói với ai.
Jenny ngồi chải tóc cho Ty Na xong rồi hai người ngồi sát bên nói chuyện. Jenny vừa nói vừa nắm bàn tay Ty Na bóp bóp. Thằng Nhứt nhiều lần thấy thằng Tùng bóng nắm tay nắm chân Ty Na, có lần nó còn ngó vô cái áo hở ngực của Ty Na, chê cái vú của nàng hơi bị nhỏ. Nhứt không cảm thấy "ghen", nhưng sao lúc này nhìn Jenny cứ nắm bàn tay Ty Na mân mê, nó thấy hơi "ngứa" con mắt, bèn bỏ đi tắm. Thằng Tùng bóng dọm dọm muốn nhào vô tắm chung nhưng không dám. Lúc thằng Nhứt đang kỳ cọ nó kiếm chuyện vô toilet rửa tay, nó tự nhiên tuột quần đứng đái, con mắt len lén nhìn trộm. Thằng Nhứt quay vô vách, cho mày nhìn phía sau của tao đó, thằng quỷ.
Lúc từ phòng tắm bước ra nó thấy Jenny đang bóp vai cho Ty Na, nó chợt thấy thèm được người đẹp bóp vai cho nó, chắc sẽ phê gấp trăm lần mấy cô làm ở tiệm massage. Nhưng nó biết nó không có cửa, Jenny chỉ thích chơi với gái, gái only.
Nó bước tới bàn ngồi uống bia, thằng Tùng tắm xong bước ra ngồi uống với nó cho có bạn. Uống với mấy ông già thì nghe chuyện chánh trị, chuyện nhà cửa chuyện con cái. Còn thằng này nó chỉ thích nói đến mấy ông hoàng bà chúa đang nổi đình nổi đám trong giới "sô bi" bên Việt Nam đang tràn ngập trên báo mạng. Ty Na và Jenny chừng như thấm mệt buồn ngủ, hai cô nàng nằm xuống giường nói chuyện, nhưng hai người nằm hai bên mép giường, kiểu anh đầu sông em cuối sông, chừa khoảng trống ở giữa. Thằng Nhứt từ từ nhẹ nhẹ leo lên giường nằm chính giữa hai cô nàng. Sướng nhe. Đêm nay là cái đêm gì đây, được nằm ngủ với hai nàng, một bên là người tình, một bên là bạn của người tình. Mà cái cô bạn của người tình này đây, ối trời! Đẹp hỏng có chỗ chê. Thằng Tùng ngó ngó ý chừng muốn hỏi còn tui nằm chỗ nào đây cha. Thằng Nhứt đưa ngón tay chỉ xuống sàn nhà, chỗ ngủ của mày đó. Nó xoay ngang trìu mến nhìn Jenny, nhưng có lẽ ánh mắt của nó hơi gian, Jenny đứng dậy bước qua chỗ Ty Na, xích xích vô chút cho mình nằm. Thằng Tùng lẹ lẹ leo lên trám chỗ, nó chỉ chờ có vậy, nó mơ ước cả đêm tối nay được nằm ngủ cạnh anh Nhứt.
Không gian bỗng trở nên im vắng, không ai nói với ai một lời nào. Thằng Tùng lên tiếng, bộ tính để đèn sáng như vầy hay sao. Mày muốn tắt đèn thì đứng dậy tắt, tối tối dễ ngủ (dễ làm ăn). Jenny không còn bóp tay Ty Na nữa, mà xoay ngang vòng tay ôm cô nàng mà ngủ. Sướng chưa, chắc tối nay thế chỗ của tui. Còn thằng Tùng thì cứ nhúc nhích, nó từ từ từng bước lấn sát vô mình thằng Nhứt. Nhứt kề tai nó nói nhỏ, hê! Cậu em trai dân chơi cầu ba cẳng, đồ nào ăn thì ăn, đồ nào để cúng thì cúng nhe em cưng. Nó giận dỗi xoay mặt ra ngoài, ông lo giữ con "ghệ" của ông kìa. Thằng này con trai mà hay hờn mát.
Nhứt chợt nghĩ chụp tấm hình bốn người này ngủ chung giường mà bỏ lên Facebook chắc cũng được nhiều người bấm like. Nó suy nghĩ không biết dùng từ nào để đặt cho "bộ tứ" ...thầy chạy này đây. Nó nhớ tới tên một bộ phim hài hước rất ăn khách của Hàn Quốc: "Bộ tứ lừa đảo". Nó hỏi thằng Tùng: "ê, Tùng, mày có Facebook không?" Aí mà không có cha, ông mở Facebook đi, chừng có sẽ bị ghiền. Tao đâu có thì giờ. Rồi nó xoay qua Ty Na nói nhỏ, nội cái ghiền Ty Na cũng hết ngày tháng. Ty Na mắt nhắm nghiền cũng nở nụ cười mĩm. Thấy thương quá! Nó muốn ôm cô nàng vào lòng hôn một cái. Nhưng không được, hai con kỳ đà cản mũi nằm hai bên. Thôi, đêm nay ráng nhịn.
Nó tiếp tục suy nghĩ điều lý thú vừa thoáng qua trong đầu. Có một bộ tứ...thầy chạy ...cùng nhau ngủ qua đêm chung giường trong khách sạn (gọi khách sạn cho có vẻ ngon ngon chứ thật ra chỉ là motel Ấn Độ rẻ tiền, tiền mướn phòng rẻ không chỗ nào rẻ hơn). Nó tìm một chữ gì kêu kêu đặt cho tên gọi cái khách sạn này, "Khách sạn hoàng gia" ? không được, nghe có vẻ hình sự điệp viên 007 quá. Thôi gọi nó là "Khách sạn hào hoa" đi, nghe có vẻ tình tứ kiểu Hongkong Châu Nhuận Phát.
Nó thích thú với việc bỏ bức hình "Bộ tứ ngủ chung giường" lên Facebook. Nó sẽ ghi dưới tấm hình, nhìn từ trái sang phải, thằng Tùng bóng (lộ), nằm kế bên là thằng Nhứt (trai thẳng), nằm cạnh Ty Na (gái thẳng), nó không biết chữ dùng có đúng không, gái thẳng là gái chính hiệu, gái một trăm phần trăm gái, người thứ tư nằm sát bìa phải là Jenny (gái ô môi).
Theo bạn nghĩ thì điều gì sẽ xảy ra?
Nó nghĩ sẽ có nhiều người ào ào gởi chia sẻ, chín người mười ý, người nào thích sao sẽ cho kết cục theo ý họ muốn như vậy. Thằng Nhứt chìm vào giấc ngủ hồi nào không hay.
Khi ánh nắng ban mai rọi vào khung cửa sổ, thằng Nhứt giật mình tỉnh giấc. Ngó sang trái, Jenny vẫn còn vòng tay ôm Ty Na mà ngủ. Nó nhẹ nhàng gở tay cô nàng ra chỗ khác. Thôi nhiêu đó đủ rồi cô nương. Nó nhìn xuống bụng, thằng Tùng bóng vô tư gác đùi lên đùi của nó, cánh tay lông lá thì ôm bụng nó. Chắc thằng quỷ này suốt đêm sờ mó. Nó nhẹ hất ra, con ma đói, coi như ông anh đêm qua chiêu đãi mày một bữa tiệc "cúng cô hồn" (mặc dầu rằm tháng bảy đã qua từ lâu).
Có tiếng xe chạy bóp kèn inh ỏi từ ngoài đường vọng vào, mọi người vẫn còn say sưa ngủ chưa chịu dậy. Nó đứng lên, sáng rồi, dậy dậy đi về.
Tháng 09-2017
Wednesday, September 13, 2017
💕💕TY NA
Nguyễn Thạch Giang
Ông Bảo vừa từ Việt Nam mới trở qua, có bịch khô cá sặc và khô cá lóc của người bà con ở dưới quê gởi cho, nhưng gia đình ông không ai thích ăn khô, giờ ông cũng bớt ăn mặn. Ông đem đến quán cà phê Vĩa Hè cho ông bà chủ quán, là bạn quen biết làm ăn qua lại với ông từ bấy lâu nay. Quán có tên Thu Sương là tên ghép của hai vợ chồng, nhưng ai cũng gọi là quán cà phê Vĩa Hè, có lẽ nó là quán cà phê sân vườn độc nhất ở thành phố này, một căn nhà xưa với khu đất rộng được cải tạo thành quán cà phê.
Ông Bảo không có thói quen ngồi quán cà phê, ngay từ những ngày còn trẻ, ông chỉ thích đi quán bar và vũ trường, uống rượu nhìn gái vui hơn. Ông định ghé qua đưa bịch khô rồi về, rủi thay hôm đó ông bà Thu Sương đi khỏi, ông gọi cà phê ngồi đợi. Quán cà phê này bán lai rai, chủ yếu khách lớn tuổi và khách trung niên ngồi cạo số và chơi số đề hot spot, tụi thanh niên trẻ ở Mỹ bây giờ không còn thích tụ tập quán cà phê như hồi trước.
Cô tiếp viên hỏi ông có hút thuốc lá không. Ông hỏi sao cô lại hỏi vậy. Cô nhoẻn miệng cười, dạ khách nào hút thuốc thì em để cái chung nhỏ đặng bỏ tàn thuốc vô đó. Ông chỉ cái bảng to đùng No Smoking trước mặt. Dạ bây giờ thì được, tuỳ lúc anh. Ông Bảo nhìn theo dáng cô bước đi, cái cách cô nói chuyện rất dễ thương lại xưng em kêu mình bằng anh. Có lẽ cô đẹp nhất trong số mấy cô gái làm ở quán này. Người cô có một vẻ gì rất mời gọi. Cô dong dỏng cao, đôi mắt hơi to đôi gò má hơi cao đôi môi hơi dầy. Không hiểu sao Bảo lại thích người đàn bà có cặp môi dầy.
Ông Bảo hỏi người thanh niên ngồi gần vậy chớ cô đó tên gì. Anh ta nói có khi nghe kêu Tuyền có khi nghe kêu Ty Na. Lúc cô đến châm thêm nước trà, ông Bảo nghĩ hay là mình cho cô này cái bịch khô.
- Tuyền có biết ăn khô cá sặc không
- Dạ biết, em ở miền Tây mà anh.
Cô tròn mắt, trời ơi mới có tới quán lần đầu mà biết em tên Tuyền.
- Thanh Tuyền hay Mộng Tuyền đây.
- Thôi ! Em hỏng dám đâu.
- Hỏng dám gì?
- Hỏng dám làm người nổi tiếng. Em chỉ ...ôm mộng bình thường.
Ông Bảo cười ngất. Cái điệu nhấn nhá lên giọng xuống giọng nửa quê nửa chợ của cô nàng nghe có hơi dễ thương.
- Mà thật ra em tên Tiền chớ không phải Tuyền, hôm trước em làm ở quán Hương Trầm bà chủ nói con gái tên Tuyền nghe mới sang, bả còn nói tên em vần chữ T nên bà đặt tên Mỹ cho em là Ty Na. Em thấy tên này dễ gọi dễ nhớ, anh thấy cái tên này nghe có hay không anh ?
- Hay, Tuyền mà đổi sang Ty Na là đúng rồi. Tuy nói vậy nhưng trong thâm tâm ông Bảo lại nghĩ cái tên Ty Na nghe có vẻ hơi hơi ma ry sến.
Ty Nà ! Ty Nà ! có khách. Cô nàng lật đật chạy đi làm cà phê cho mấy người mới tới. Chốc sau cô kiếm chuyện châm thêm nước trà cho ông Bảo để có dịp cà kê dê ngỗng. Lâu lâu được lúc chủ vắng nhà gà mọc đuôi tôm.
- Bịch khô này ai cho anh vậy?
- Của anh đem từ Việt Nam qua.
- Má em trộn khô này với dưa leo cùng bông sầu đâu ăn với nước mắm me ngon lắm. Anh có biết ăn bông sầu đâu không?
- Không biết, chưa từng.
- Ờ, mà anh dân Sài Gòn đâu có biết.
- Em là dân miền Tây?
- Dạ phải, em đây là gái miền Tây... chính hiệu.
- Gái miền Tây mà có ba anh không?
Cô nàng chu cái môi dầy dễ thương, đôi mắt chớp chớp. Thôi! Một anh là đù mệt rồi, ba anh chịu sao nổi. Có lẽ cô nàng không hiểu cái nghĩa ba anh mà ông Bảo vừa nói. Có một ông nhà báo nào đó bên Việt Nam, chắc bữa đó bí đề tài hay là muốn giựt tít câu view, viết một bài tạp bút "Gái miền Tây 3 N " ( Ngon-Ngoan-Ngu ). Chỉ có vậy mà bị thiên hạ xúm nhau ném đá phản đối rầm rầm. Báo hại anh chàng kia phải lật đật gở bài xuống ngay lập tức. Người ta nói vậy mà mình không phải vậy thì thôi. Ở xứ Mỹ này đem tổng thống ra đùa cợt cũng đâu có sao, đâu có mất cọng lông nào đâu mà sợ.
Ty Na lái xe đến đón người tình, tối nay cuối tuần hai đứa đưa nhau xuống phố vui chơi ở mấy quán bar. Nàng lãnh phần lái xe vì người tình uống rượu, xui rủi dính D.U.I thì cũng hơi phiền. Weekend thì xe cảnh sát chạy lòng vòng khu downtown này hơi bị nhiều. Ty Na không uống rượu nhưng thích cái không khí quán bar, tuần nào không đi hơi bị nhớ, mặc dù vô đó chỉ uống nước ngọt nhìn thiên hạ. Có nhiều hôm hai đứa ở tới khi quán đóng cửa, hai giờ sáng, mới chịu về. Thường là sau đó dẫn nhau đi ăn khuya rồi về motel ngủ...sáng về sớm.
Tối nay chàng uống hơi nhiều nên nói hơi nhiều. Tắm xong hai đứa cứ để mình trần leo lên giường, Ty Na áp mặt lên ngực người tình.
- Anh là trai lớn trong nhà?
- Không phải, chính giữa.
- Sao tên Nhứt?
- Ai biết, chắc tại ông già mong anh sẽ đứng nhứt. Mà em biết hồi lúc đi học ông thầy đặt cho anh cái tên gì không, bữa đó tự nhiên ổng nói thằng này nhứt, mà nhứt cư. Tụi bạn trong lớp cười rần. Từ đó chết cái tên Nhứt Cư. Qua đây tưởng không ai còn nhớ, vậy mà bữa đó đi trong chợ, thằng bạn từ mười mấy năm không gặp, nó mừng rỡ kêu Nhứt Cư, Nhứt Cư.
Ty Na cười khúc khích, mà anh có nhứt cư không. Nhà em không đến đỗi nghèo, ba má em cũng không phải là người ham tiền bạc, nhưng đứa con gái đầu lòng ba đặt tên Giàu. Tiếp theo là anh Sang, rồi đến anh Phú, anh Quý, em thì Tiền, con nhỏ em gái út
- Bạc ?
- Không, con gái ai đặt tên bạc, mai mốt nó bạc duyên bạc phận thì sao. Trong nhà ai cũng tên có một chữ, nó ngon hơn, Kim Cương.
- Tên Kim Cương chắc nó mê hột xoàn.
- Không, nó mê trai. Nhà em ở xóm Mễ, tụi bạn nó toàn dân Mễ. Mới có mười sáu tuổi dám có bồ. Má em tinh ý, bả biết. Má em giao em canh chừng nó, em có thấy gì đâu, vậy mà má em thấy, bữa đó bả bắt gặp nó ôm trai xà nẹo dưới gốc cây gần nhà. Má em thủ sẵn cây roi chờ nó về, tao đập mầy một trận cho mày còn mê trai nữa không. Ba em cản, sợ má em ở tù, ba em nói, kệ nó, nó có đẻ tui nuôi. Má em giận ba em, không thèm nói bỏ mặc cho cha con tụi bây muốn làm gì thì làm, đẻ con ổng nuôi, đừng kêu tao. Vậy mà bữa nay nó tốt nghiệp high school rồi, vô college được một năm rồi, chưa đẻ, hú hồn.
Anh chàng Nhứt cười hô hố, nhà em vui quá hé. Anh thấy con nhỏ Kim Cương em của em coi vậy mà khôn, không biết cô chị này khôn hay khờ đây.
- Tánh em có sao nói vậy, em khờ lắm. Khờ mới bị anh dụ nè.
- Vậy hả, tội nghiệp quá hé, nhưng anh thích con gái khờ khờ như em.
- Chị Giàu của em còn ở Việt Nam. Chỉ tên Giàu mà lại nghèo nhứt trong số mấy anh em. Chỉ mới có bốn mươi ngoài mà năm đứa con. Chỉ nghèo cũng tại một phần hai vợ chồng không biết lo làm ăn. Chỉ chờ bên này gởi tiền nuôi. Anh biết chỉ nói sao không? Ai biểu cả nhà đi Mỹ bỏ tui ở lại một mình, giờ phải nuôi tui. Miếng đất của ba má em để lại, lâu lâu chỉ túng tiền cắt ra một khoảnh bán lấy tiền ăn. Ba má em nói kệ nó, còn ăn hết thôi. Chỉ cũng có giấy tờ, gần đi rồi nên đâu cần lo.
- Hồi lúc em qua Mỹ mấy tuổi ?
- Mười sáu, vô học lớp mười, tiếng Anh đâu biết gì, bởi vậy em đâu có bằng high school , rớt môn English, tính học lại thi lấy bằng, mà cứ hẹn lần hẹn lửa bỏ qua bỏ lại tới giờ.
- Thôi khỏi học, để anh nuôi. Ở nhà giữ con.
Ty Na đưa tay nhéo người tình, ham lắm, cái mặt dâm đãng, lấy anh chắc đẻ năm một.
Nhứt leo lên mình Ty Na, nhìn đôi mắt nàng lim dim lúc làm tình lộ vẻ khoái cảm thấy thương quá. Bộ anh không có mang bọc hả? Bữa nay trời nắng, anh không có đem theo áo mưa em ơi. Hai đứa cười khúc khích.
Nhứt cuối xuống cổ Ty Na nút một cái thiệt mạnh. Cô nàng nhăn mặt nhưng không phản đối. Nhìn nàng ứa nước mắt Nhứt thấy tội nghiệp hỏi em có đau không. Không, nhưng anh đừng để hickey trên cổ em nữa, đi làm ai cũng ngó.
Nhứt cúi xuống hôn Ty Na, nghe nàng nói như vậy thấy hơi tội. Nhưng hắn muốn cho mọi người nhìn thấy, nhứt là cái thằng cha lớn tuổi ăn mặc chải chuốt bảnh bao lúc rày cứ theo o bế em hoài.
Ông Bảo lúc rày hay lui tới quán cà phê có cô gái miền Tây ba bốn anh gì đó. Ông đang bị cô nàng thu hút. Ông vẫn tự hào là người "sát gái", cái biệt danh đó bạn bè gán cho ông từ nhiều năm về trước. Gái nào mà được ông ghé mắt xanh thì trước sau gì cũng bị ông lôi lên giường. Thấy Ty Na đang đứng gần quầy tính tiền, ông bước đến gần gợi chuyện. Chà, hồi trước ở miền quê tôi thấy người ta hay bị ma cắn, mà cắn ở dưới bắp đùi hay cánh tay, còn Ty Na bị ma nào cắn ngay cần cổ vậy cà. Ty Na giả bộ không nghe đi chỗ khác, bà Thu Hương cười sặc sụa, ma cà rồng chứ ma nào, chút nó tới mang đồ ăn cho người đẹp. Kìa, mới nhắc tới rồi đó.
Ông Bảo nhìn ra phía ngoài chỗ Ty Na đang đi tới, một thanh niên trẻ cũng cùng trang lứa với nàng đang cầm túi đồ ăn trưa đứng chờ. Hai người kề tai nói nhỏ.
- Đau thấu trời.
- Đau lưng hả ?
- Không phải, đau thằng nhỏ.
Ty Na cười khúc khích, ai biểu ham. Thôi em trở vô làm, có gì tối gọi phone.
Okie, bye.
Xe hư phải bỏ sửa, lại không có người đến đón, Ty Na chưa biết tính sao thì ông Bảo ngõ ý đưa nàng về. Ai chớ anh Bảo thì không có gì phải ngại. Bước lên chiếc xe Lexus mới cáu nàng nói thiệt may quá có anh Bảo ở đây. " Nhà em ở dưới đám dâu, ở trên đám đậu đầu cầu ngó qua." Anh Bảo có biết cái xóm nhà lá đó không. Anh Bảo cười khì, em đừng lo chừng nào anh thấy đám dâu với lại đám đậu thì anh dừng. Nhưng mà sẵn dịp anh em mình vô đây ăn một chút gì nhe, bảo đảm em không chê dở. Hỏng có chê đâu, em ăn uống dễ lắm.
Anh Bảo đưa em Ty Na vào một nhà hàng buffet trong một khu mua sắm sang trọng. Chỗ này khu Mỹ trắng nhà giàu Ty Na chưa từng đến. Ty Na cảm thấy có hơi lạc lõng một chút, nhưng không sao, bên cạnh nàng là người đàn ông lịch lãm sành điệu. Ty Na thích ăn ốc, ăn nghêu và nhất là ăn con Tôm đỏ crawfish, mà thích ăn cay, ăn crawfish thiệt cay mới ngon.
Ăn xong hai người dẫn nhau đi vòng vòng mấy gian hàng thời trang mỹ phẩm. Ở đây hàng hóa loại cao cấp mắc tiền, nàng thích lắm nhưng lúc xem giá bỏ trở lại, một tháng lương chưa đủ trả. Anh Bảo không nói gì lẳng lặng đem tới quầy tính tiền.
Ty Na bước vào nhà với túi hàng hiệu, lòng lâng lâng thấy có chút cảm tình với người đàn ông ăn nói ngọt ngào.
Một buổi tối lúc đó khoảng mười giờ đêm ông Bảo gọi điện thoại nhờ Ty Na đến đón. Ông đang nhậu với mấy người bạn không muốn lái xe về. Nhưng ông không về nhà mà muốn về khách sạn chỗ mấy người bạn từ phương xa đến trú ngụ. Đến nơi ông rủ Ty Na lên chơi một chút, còn sớm mà. Khách sạn thuộc loại trung bình nhưng ở khu tốt, phòng ốc khung cảnh xung quanh khang trang hơn nhiều so với mấy cái motel mà Ty Na và người tình thường ngủ qua đêm. Phòng ở trên tầng năm, rất rộng có balcon nhìn ra đồi núi phía xa xa. Ty Na ngó quanh không thấy ai, hỏi vậy chớ mấy người bạn của anh đâu. Ông Bảo nói họ ở phòng kế bên rồi ông bước đến bàn pha hai ly cà phê. Ra ngoài nầy ngồi chơi ngắm cảnh đi em. Hai người ra balcon ngồi uống cà phê hóng gió. Cuối mùa hè sắp vào thu gió hiu hiu thổi thật mát mẻ dễ chịu. Xa xa trăng thượng tuần treo trên đầu núi cảnh vật trông thật nên thơ. Dưới ánh sáng mờ mờ ông Bảo thấy Ty Na rất đẹp, quyến rũ hơn nhiều mà ông thấy trước đây.
- Em làm chỗ quán Thu Sương mấy ngày, sao anh thấy có khi sáng sớm hừng đông có hôm chiều tối vẫn chưa về.
- Em làm chỗ đó bốn ngày, quán Dạ Hương ba ngày. Kệ, giờ còn trẻ ráng cày. Mà một ngày có khi chỉ làm bốn tiếng hoặc sáu tiếng, giờ giấc lung tung, tại vì mấy cô kia phân bì, nói ca này nhiều tiền tiếp ca kia ít tiền bo. Ông chủ chia ca thay phiên xoay vòng.
- Làm nhiều quá đâu còn thì giờ đi chơi.
- Làm quán cà phê cũng nhàn, đông được một lát buổi sáng hoặc chiều tối, weekend ngày lễ thì tăng cường hai ba cô. Em coi vậy làm nhiều chớ đi chơi cũng nhiều. Hê hê.
- Cái điệu cười của em dễ thương quá! Biết mà, trẻ như em không đi chơi...uổng. Anh lúc trước rất thích đi quán bar với lại vũ trường. Anh nhảy đẹp lắm, nhảy suốt đêm không mệt, giờ thì thỉnh thoảng, buổi tối thích ở nhà một mình nghe nhạc xem phim.
- Em thì thích đi bar Mỹ, vui vui cùng đám bạn ra nhảy loạn xị, đâu ai để ý tới ai, mạnh ai nấy nhảy.
Ông Bảo bước vào trong rót hai ly rượu đỏ mang ra đưa Ty Na một ly, em thử uống cái này dễ ngủ, không say đâu. Ty Na nốc cạn, đôi khi có chút rượu thấy cũng vui. Có tiếng điện thoại reo, Ty Na bước vào trong nói chuyện. Chắc con ma cà rồng giờ này thức dậy chui ra khỏi mồ đi tìm người đàn bà của nó. Ty Na trở ra ngồi bên, ông Bảo hỏi em có sợ ma không. Hồi lúc em còn nhỏ ở Việt Nam bị ma nhát một lần, ở dưới quê trời tối tối ma nhiều lắm, qua đây đèn sáng đâu có ma. Ông Bảo cười ngất, vậy hả, đèn sáng quá ma sợ không dám ló ra hả, anh thấy trên tivi có cái đài nào chiếu ma hoài đó, nhưng mà coi chẳng thấy sợ, chẳng thấy hồi hộp chút nào. Hồi anh còn nhỏ có nghe đọc truyện đêm khuya trên radio, truyện ma, không biết chuyện thật hay tưởng tượng. Có một ông bác sĩ người Âu Châu sang làm việc bên Phi Châu. Ông cũng là một nhà khoa học, lúc về nước ông có đem theo một bàn tay của một người đã chết để nghiên cứu bệnh tật gì đó. Hằng đêm trong nhà ông luôn có một bóng ma đi sục sạo tìm kiếm đòi lại bàn tay của nó.
Ông Bảo bước vào trong rót thêm hai ly rượu, em uống thêm ly nữa nhe, anh không có tài kể chuyện, em nghe không thấy sợ. Nhưng anh nhớ hoài lần đó, suốt đêm không ngủ cứ tưởng tượng cảnh con ma đi sục sạo tìm lại bàn tay của nó.
- Anh nói chuyện hay lắm, đặc biệt em thích cái giọng nói của anh, nghe rất ngọt ngào.
Ông Bảo nắm lấy bàn tay Ty Na, một tay ông vòng qua bờ vai cô nàng.
- Anh nghĩ trên đời này có một người kể chuyện rất hay, người đó là bà hoàng hậu xứ Ả Rập. Bà kể chuyện hay đến đỗi nhà vua bị mê hoặc, cứ muốn nghe hoài, nghe đến một ngàn lẻ một đêm vẫn còn muốn nghe.
Ty Na đôi mắt lim dim mơ màng. Anh ơi kể cho em nghe câu chuyện "Ngàn lẻ một đêm" đi anh. Nàng dựa sát vào người ông Bảo, mơ hồ một mùi hương thoang thoảng, mùi hơi thở thơm tho của người đàn ông đang thổi vào mặt vào cổ của nàng. Người nàng mềm rũ mơ hồ như có ai đang bế nàng đặt xuống giường. Cửa đóng then cài màn che trướng phủ, đêm động phòng hoa chúc.
Ty Na người bồn chồn lo lắng, mấy ngày nay đi làm mà đầu óc để đâu đâu. Nàng nghi, mà không nghi gì nữa, chắc chắn kỳ này là dính rồi. Muốn gặp anh Nhứt nói cho ảnh biết, coi ảnh tính sao. Khai thiệt ra hết, tới đâu thì tới đành chịu thôi. Sợ ảnh nghe chuyện rồi nổi nóng nên gọi phone rào trước đón sau bắt Nhứt phải hứa là dù thế nào cũng phải bình tĩnh.
Hai người hẹn nhau ở công viên gần nhà. Nhứt thấy Ty Na có vẻ kỳ kỳ không biết chuyện gì đây.
Gặp nhau Ty Na vô đề ngay, không quanh co.
- Hôm trước ông Bảo đi nhậu có nhờ em chở ổng về khách sạn chỗ mấy người bạn của ổng lưu trú.
- Rồi sao ?
- Em theo ổng lên phòng ngồi chơi.
- Rồi sao?
- Em có uống hai ly rượu đỏ nghe ổng kể chuyện hay lắm.
- Chuyện gì?
- Chuyện Ngàn lẻ một đêm.
- Rồi đêm nào em cũng đến để nghe ổng kể chuyện?
- Không có, chỉ có đêm đó thôi.
- Rồi bây giờ em nói cho anh nghe để chi?
- Chắc là em mang bầu, mấy ngày nay em lo âu suy nghĩ hoài thiệt không biết tính sao. Em sợ rủi đứa nhỏ có dính dáng phần nào tới ông Bảo.
Nhứt dang tay kêu trời. Thiệt tình trên đời dưới thế mới thấy một người. Người ta phải kể chuyện một ngàn đêm mới đẻ, còn em mới có một đêm mang bầu. Em thấy con nhỏ em Kim Cương của em không, nó là em mà còn biết khôn hơn chị. Lỡ rồi thì em làm thinh luôn ai mà biết, ăn vụng thì người ta chùi mép cho sạch, còn em, đi ngủ với ông hàng xóm về kể cho chồng nghe rồi biểu ổng đừng nóng.
- Em sợ dấu anh rồi rủi sau này anh biết thì sao, thà em nói cho anh nghe.
- Anh nghe anh biết thì chuyện nó rối tùng phèo thêm chớ giải quyết được gì. Con vợ tui đẻ đứa con, mà cái bàn tay bàn chân có phần của ông hàng xóm. Rồi bây giờ tính sao đây, đi hỏi ông trời sợ ổng cũng không biết đường tính.
Ty Na bắt đầu khóc. Thằng Nhứt cũng khóc. Hai đứa ôm nhau khóc. Em thương anh. Anh thương em. Anh đừng bỏ em nhe anh.
Thằng Nhứt dụi mắt nín khóc, thôi bỏ qua hết, chuyện này không nói cho ai biết, anh thu xếp, anh với em đi qua tiểu bang khác, đi liền, mà em biết cách nói với ba má em không.
Ty Na quệt nước mắt chùi mũi, biết, em nói với ba má em là em qua tiểu bang khác làm nail, chừng kiếm được khá khá có chút đỉnh vốn em về. Anh lo book vé máy bay, để em xin phép nghỉ làm quán cà phê, tuần sau thì mình đi.
Mấy ngày không thấy Ty Na, chưa kịp hỏi thì bà Thu Sương đã nói, người đẹp lấy chồng dọn đi tiểu bang khác rồi.
Ty Na lấy chồng? Lấy thằng ma cà rồng?
Ông Bảo thẩn thờ ngồi xuống ghế, tay khuấy nhẹ ly cà phê mà như thấy bóng dáng cô nàng đi tới đi lui, văng vẳng tiếng bà chủ gọi Ty Nà Ty Nà có khách. Ông cảm thấy hơi buồn buồn nhớ nhớ. Có lẽ lần đầu tiên trong đời ông thấy nhớ một người con gái.
" Theo anh nghĩ trong cuộc tình này thì cả hai ta đều có lỗi
Cũng có lúc anh giận cuộc đời đã làm hai đứa hai nơi
Em thì ngây và ngô như con nai vàng ngơ ngác, còn anh thì ngu và ngơ cũng có lúc khi này khi khác.
Đời là đôi bàn tay chỉ muốn ngắt đi nụ tình hương ngát. Nên ta đã dại khờ làm hiu hắt đời nhau.
Ngày xưa, trả lại tôi phố cũ ngày xưa, trả lại tôi gác ấm chiều mưa mà hai đứa thấy ngôn ngữ thừa
Nếu như ngày ấy một trong hai ta biết nghĩ, thì bây giờ ta dễ mất nhau chưa..." (1)
Nguyễn Thạch Giang
Tháng 9-2017
(1) Lời trong bài hát: Hiu hắt đời nhau của Lê Vũ.
Friday, September 8, 2017
MÁU ME CÂY BÀI LÁ BẠC
Nguyễn Thạch Giang
Chiều thứ sáu, mới vừa lãnh lương, hắn dự định về nhà tắm rửa ăn uống xong sẽ ra quán cà phê bù khú cùng bạn bè, chơi đề cạo số sau đó sẽ ghé qua casino chơi phé lai rai giết thì giờ. Từ lâu hắn đã ghiền đánh bài xì phé kiểu Mỹ, kiểu xì phé có tên "Texas hold'em".
Lúc đến lối rẽ về nhà, hắn đổi ý chạy thẳng đến casino, hắn quá háo hức ngồi vào chiếu bạc. Đã nhiều lần như vậy. Hắn là con nghiện khó lòng tránh khỏi cám dỗ của đam mê.
Đến nơi hắn đi lòng vòng xem xét tình hình, cờ bạc không có gì phải vội. Lui tới casino này nhiều lần, hầu như nhân viên ở đây đều biết mặt hắn, từ ông manager cho tới floor man hay dealer chia bài ai mà không biết anh Jack. Thật ra tên Jack của hắn chỉ là tên giả, vào sòng bạc hắn không muốn khai ra cái tên Việt Nam cúng cơm của mình, vả lại tên Mỹ dễ gọi dễ nhớ.
Trời vừa sẫm tối, thiên hạ bắt đầu kéo đến ngày một đông. Một số người trẻ đi thẳng đến quầy rượu, niềm vui cuối tuần, rượu -thuốc lá -trai gái và cờ bạc. Hắn muốn ăn một chút gì dằn bụng trước khi dính vào cuộc đỏ đen gở không ra, nhưng không hiểu sao hễ bước vào casino thì không thấy đói, chỉ muốn ngồi vào bàn vui thú với ông Tây bà đầm. Một người bạn trước đây làm chung hãng xăm xăm bước vào, thấy hắn đang đứng xớ rớ nói hê Jack! phát tài chưa. Anh chàng vừa đi vừa nói bước thẳng tới bàn baccarat móc tiền đổi chip, cái tên này còn thầy chạy gấp mười lần mình. Hắn bước đến gần hỏi ông lúc rày ra sao, làm ở đâu. Nhưng anh chàng không để ý lời hắn nói đang chăm chăm nhìn màn hình coi kết quả mấy ván trước. Nhà cái banker thắng liên tục năm ván, anh ta lưỡng lự sau cùng cũng theo mọi người đặt banker một lần nữa không quên để hai chục chỗ bonus con rồng. Mấy bà chơi baccarat rất mê cái màn con rồng này, một ăn bốn chục. Dealer đưa hai bàn tay xoa ngang ra dấu không còn ai đặt nữa, bắt đầu chia bài. Tụ player được sáu nút không kéo, tụ banker hai thằng Tây, bù, mọi người đứng ngoài hào hứng kêu lá bảy, lá bảy. Dealer đưa tay từ từ rút lá...bảy. Mọi người thích thú reo vang, con rồng ! Người bạn thích chí tip dealer hai chục, mới ván đầu tiên mà hên như vậy chắc đêm nay sẽ đỏ.
Hắn móc tiền đổi chip ngồi xuống bàn chơi bài xập xám bảy lá, người Việt quen gọi xập xám vì cách chơi bài này cũng giống như chơi bài xập xám, nhưng ở đây chỉ có bảy lá và binh làm hai chi, mau ăn mau thua. Chơi bài này thì giải trí lai rai kéo dài thời gian, không quá mau lẹ chụp giựt như các loại bài khác. Bài của hắn đêm nay trầm trầm, không tốt không xấu ván ăn ván thua ngồi lâu tốn tiền đường. Đánh hoài không thấy khá hơn đổi dealer mấy bận mà bài vẫn cứ cây đực cây cái, đống tiền chip cứ mòn dần, mòn dần...cho tới khi cái anh chàng chia bài mặt mày bặm trợn nhìn không chút cảm tình ngồi xuống thì bài của hắn bắt đầu xuống dốc không phanh. Bài lên cách nào cũng không có đường thắng, từ huề tới thua từ chết tới bị thương. Bài hắn được bốn thằng ách, chẻ làm hai đôi xì, đôi xì chi trên đôi xì chi dưới. Bài nhà cái chi trên chỉ có thằng bồi và lá bảy, chi dưới được ba con hai, huề. Hắn chửi thầm trong bụng đứng lên đổi bàn khác.
Hắn bước đến bàn baccarat, tụ player thắng liên tục tám ván, còn bao nhiêu chip trong tay hắn mạnh dạn không đắn đo đánh cược banker, chín chục phần trăm sẽ thắng. Hắn tin như vậy, nhiều người cũng tin như hắn, ai cũng dồn tiền cá cược banker. Người dealer từ từ rút bài, player được lá sáu và lá năm, kéo lên thằng già, một nút. Tụ banker có lá tám và lá ba...hồi hộp nha...người dealer từ từ kéo nhẹ lá bài, biết cả bàn đang háo hức chờ thắng, anh chàng từ từ lật nhẹ...lá chín. Thằng chín chết tiệt. Một tiếng ồ lớn kèm lác đác tiếng chửi thề. Đã đành đây không phải là chuyện không từng xảy ra ở cái casino này, nhưng người ta một nút mình lại bù. Kéo lá gì cũng thắng, kéo nhằm lá chín. Không chửi thề không phải dân cờ bạc.
Hắn buồn tình bước đến cafeteria gọi đồ ăn...giải nhiệt giải xui đổi phong thủy. Lúc trước chơi bài còn có ăn có thua, giờ đút đâu cụt đó. Lương lãnh ra nướng một đêm là hết, tiền nhà tiền ăn lúc có lúc không, tuỳ thuộc hôm đó đen hay đỏ. Hắn muốn ăn món gì có nước cho dễ nuốt. Hắn gọi phở bò, phở ở đây thì cũng đại khái bánh phở và thịt bò, gọi hủ tiếu thịt bò cũng chẳng sai.
Ngồi gần bên là một người đàn ông gương mặt buồn buồn dáng vẻ mệt mỏi như người thiếu ngủ. Anh ta nhìn hắn rồi gợi chuyện hỏi có phải người Việt Nam. Hắn lịch sự mời anh ăn phở. Cám ơn tôi mới vừa ăn xong, tôi chơi bài từ sáng hôm qua tới giờ, ngồi nghỉ một chút rồi về, nhà tôi ở tuốt trên Tracy cánh đây hơn một giờ lái xe.
Anh tâm sự, hỏi hắn chơi bài ở đây lâu chưa và thường chơi bài gì. Anh nói tôi mê nhất là " bài cẩu ", thích nhứt là lúc mò con bài, thấy nó phiêu làm sao ! Hắn quanh năm la cà ở sòng bài nầy nên thứ cờ bạc nào hắn cũng biết. Bài cẩu là môn mà người Tàu rất thích. Bài có hình dáng mấy con cờ domino, người chơi bài này thay vì nhìn thì họ lại thích "mò" con bài, nghĩa là dùng mấy ngón tay sờ mặt dưới con bài domino để biết là con gì.
Rồi anh ta trút bầu tâm sự anh mang trong người bấy lâu nay. Anh buồn bã nói lúc trước tôi cũng ở dưới này, hồi ly dị thì dọn về trên đó. Tôi đi làm tiền lương cũng khá lắm, nhưng không có dư, bao nhiêu cũng thua sạch. Càng chơi càng ghiền, không biết làm sao mà bỏ được.
Hắn nói chỗ văn phòng manager có in tài liệu cùng số phone của mấy hội đoàn giúp đỡ người nghiện cờ bạc. Hắn tài lanh lên lớp dạy đời. Thật ra hắn cũng là con nghiện cần được đi cai. Lúc hắn đi rest room trở ra thì không thấy anh chàng này nữa, có lẽ anh đã ra về, cũng hai giờ sáng rồi.
Hắn bước đến bàn chơi xì phé Texas hold'em loại không giới hạn cho tố xả láng. Lần nào chơi bài này hắn cũng tự nhủ lòng, ráng nhịn chờ bài tốt, đừng cứ ván nào bài lớn nhỏ gì cũng theo, tốn tiền đường lại nhiều phần thua ít phần thắng. Bụng thì nghĩ vậy nhưng hắn cứ chứng nào tật nấy, bài nào cũng theo, mua cây bài cho tới bến. Nhưng chơi phé kiểu như hắn, mười lần thua hết chín. Hôm nay cuối tuần, sòng bạc đầy người. Mấy tên Mỹ mới biết chơi gọi loạn xị, đánh lung tung không biết đâu mà đoán. Hắn chơi một hồi thua nhiều ván bài thấy nóng mặt, bèn đứng lên bỏ ra ngoài ngồi uống cà phê. Đêm đã khuya thiên hạ bắt đầu ra về. Ngồi gần hắn là một chị đàn bà người Việt hỏi hắn chơi ăn hay thua. Rồi chị ta nói là chị ở Việt Nam sang du lịch thăm bà con. Mấy ngày nay chị cũng chơi bài thua nhiều lắm, thiếu nợ cả trăm triệu. Mặt chị buồn buồn. Hắn hỏi một trăm triệu là cở bao nhiêu. Chị nói khoảng năm ngàn đô. Hắn nói cũng không đến đỗi, không nhiều lắm ( mà sao chị lo âu buồn bã quá vậy ). Chị nói cũng phải trả, cũng phải lo kiếm tiền mà trả. Có mấy phụ nữ có lẽ là chị em của chị bước đến lăng xăng nói chuyện đỏ đen ăn thua, rồi họ kéo nhau ra về.
Hắn cũng bước ra xe định đi về. Mới vừa lãnh tiền lương hai tuần, giờ thua hết phân nửa. Hắn nổ máy xe rồi như cảm thấy ấm ức, tắt máy trở vô casino chơi tiếp hy vọng...lấy lại những gì đã mất.
Lần này hắn chơi xì phé loại tố có giới hạn, chơi nhỏ nhỏ không dám mạnh tay vung tiền như hồi đầu hôm. Hôm nay thật đen, bài bắt lên ván nào cũng nhỏ. Hắn ráng ngồi cầm cự chờ thời. Đổi hết người chia bài nầy đến người chia bài khác, bài của hắn vẫn vậy, toàn bài rác. Lâu lâu thắng được một ván nhỏ xíu chẳng đáng gì, rồi thì thua luôn một hơi năm bảy ván. Đống tiền chip cứ mòn dần cho đến lúc gần sáng thì hắn " all in " lúc bài có hai thằng xì. Thằng đối phương chỉ có đôi mười mà nó theo tới cùng, cây river về con mười, hắn hết đường thắng. Thua cháy túi.
Trời chưa sáng hẳn, nhân viên sòng bạc ca sớm lục tục kéo đến bắt đầu một ngày làm mới. Gương mặt người nào cũng lộ rõ nét của người mới ngủ dậy. Còn gương mặt hắn ? Một người cờ bạc suốt đêm thua cháy túi. Hắn đến bàn lấy một ly cà phê uống cho tỉnh người. Hắn chưa muốn về nhà, hắn không muốn mọi người trong nhà nhìn thấy gương mặt thất thần suốt đêm không ngủ của mình. Hắn chờ mọi người đi khỏi, cuối tuần người nào cũng có hẹn đi ăn đi chơi đi mua sắm. Hắn cũng biết chẳng ai lạ lùng gì cái tật mê cờ bạc của mình, hắn cũng biết từ lâu mọi người trong nhà chẳng ai ngó ngàng gì tới hắn, mặc kệ hắn, thân ai nắy lo, hồn ai nấy giữ. Ngoại trừ mẹ hắn, chắc đêm qua bà cũng lại mất ngủ trông ngóng thằng con sao đi biệt chẳng thấy về.
Hắn bước vào nhà không thấy mẹ đâu vội chạy ra vườn sau tìm. Bà đang phơi mấy cái nùi giẻ lau nhà. Tóc bà trắng phau phau, đôi mắt buồn bã nhìn thằng con nói đi đâu mà không biết nhà biết cửa. Nhìn dáng già nua còm cõi của bà, hắn chợt thấy xót xa và biết mình đã phạm một lỗi lầm rất lớn đối với mẹ.
Hắn thay đồ đi tắm, rồi bước đến tủ lạnh rót ly sữa uống. Hắn bước vào phòng leo lên giường mong tìm giấc ngủ. Mẹ hắn đang ngồi trên ghế sofa làm thinh không nói gì, bà thẩn thờ nhìn ra phía ngoài sân đôi mắt buồn bã vô hồn.
Tháng chín - 2017
Subscribe to:
Posts (Atom)